Một trong những vẻ đẹp, vẻ dễ thương của căn
nhà ở xứ Mỹ này là, dù lớn hay nhỏ, cũng được người ta thiết kế sao đó, để mỗi
nhà đều có thể có được một chút vườn. Vườn ở đằng trước, đằng sau hay bên hông
nhà. Vườn rộng người ta trồng thêm cây ăn trái. Cam, quýt, nhãn, ổi…Có lẽ đất
đai Hoa Kỳ màu mỡ nên sai trái mỗi mùa, cho đi không hết! Lại phải thuê Mễ đến
dọn dẹp đổ đi. Vườn nhỏ thì chỉ có cỏ và hoa thôi. Đối với gia đình có người già,
vườn là chỗ tiêu hao ngày tháng rất tốt, lành mạnh.
Ở quận Cam, nhất là khu Little Saigon, thuộc
thành phố Westminter hay Garden Grove thì không nói đến, vì nhà nào gần như
cũng là người Việt. Nhưng nếu đi xa xa một chút sang thành phố khác, quận khác,
thì chỉ cần nhìn thấy thấp thoáng những cây trồng trong vườn hay trước hiên
nhà, người ta có thể đoán mà không sợ lầm rằng, chủ nhân là người Việt Nam: một
giàn mướp, một bụi chuối, một khóm tre, một cây mận, một cây ngọc lan chẳng hạn.
Người ta cố thu nhỏ quê hương vào trong những hình ảnh bé nhỏ đó cho vơi lòng
thương nhớ.
Vườn còn là cõi thiên nhiên riêng của người
ta nữa. Thiên nhiên ở ngoài đường, ngoài phố là thiên nhiên
chung. Khi về nhà, bước ra vườn của mình, người ta có cái cảm tưởng nhẹ nhàng,
đó chính là chút thiên nhiên của riêng mình. Có đủ cả trời mây hoa lá. Có rào
vách ngăn chia cách với láng giềng.
Mấy hôm nay trời mưa, lại thêm người không được
khỏe, hay rõi mắt ra ngoài nhìn ngắm cây cối trong vườn. Dù khu vườn không đẹp
nhưng tôi vẫn yêu vì đa số cây cối trong vườn là do chính bàn tay tôi trồng khi
cây còn bé xíu. Một trong những cây đào hôm nay hoa vẫn còn tươi thắm. Bao giờ
cây đào cho hoa màu đỏ này cũng nở muộn. Năm nay nở càng muộn hơn, đến nỗi tôi
tưởng cây đã chết rồi, tính ra Giêng thuê ông Mễ đào bỏ đi. Không ngờ có một
hôm đứng bên cửa sổ trên lầu, nhìn thấy duy nhất có một bông hoa nở. Mừng quá!
Như vậy là cây vẫn còn mầm sống. Mấy hôm sau lác đác thêm một hai bông…Và cứ thế
mà cây nở đầy hoa. Hôm nay còn tươi thắm. Mưa làm rụng bao cánh hoa, gió vun
vào thành một khối màu xác pháo trên nền sân trải xi măng. Mỗi khi ra vườn, hay
chỉ đứng nơi cửa sổ nhìn ra lòng tôi bỗng thấy êm ả lạ thường. Không gian ấy,
nhìn từng gốc cây, chậu cảnh, tôi lại nhớ đến gương mặt những người thân thiết
với nhau trong cuộc sống . Nào những cây chanh, một của Minh Phượng Radio
Bolsa, một cây nữa là loại chanh Thái Lan, lá rất thơm của Trần Vũ Bách, kỹ sư
Boing, vừa là một nhiếp ảnh gia tài tử, lại có tài nấu nướng. Bách đã từng đến
phòng thu thanh giờ tôi làm việc và ghi lại cho tôi nhiều hình ảnh rất tự nhiên
và nghệ thuật. Mỗi lần nấu canh chua Thái, hái một vài lá chanh ấy là nồi canh
dậy mùi thơm lừng. Nào cành hồng cắt tại khu vườn nhà cũ của Quỳnh Lưu. Chậu
lan chị Hồng Vũ Lan Nhi cho ngày họp mặt các anh chị em trong Diễn Đàn Trưng
Vương trên Việt Báo Online cách đây nhiều năm, mỗi năm hoa vẫn nở. Những ngày ấy
thật vui, chúng tôi hàng ngày gặp nhau trên diễn đàn, trao đổi thơ văn, chuyện
trò đủ thứ chuyện trong cuộc sống. Rồi có khi hẹn hò, gặp gỡ cả các bạn trong
Diễn đàn Gia Long, Sương Nguyệt Anh tại nhà tôi, nhà chị Hồng Vũ Lan Nhi …Những
gương mặt thương mến ấy, bây giờ ở đâu? Hay vẫn ở quanh đây, nhưng rất ít khi gặp
lại. Không biết có ai còn nhớ tới những tháng ngày vui cũ?
Chậu cây sống đời mỗi năm lại cho tôi những
chùm hoa vàng nho nhỏ rất dễ thương, chị Minh Chúc, đàn chị Trưng Vương của tôi
đã cho khi tôi mới dọn đến căn nhà này. Cây sống đời cho hoa màu đỏ là của chị
Nguyệt Điện, chủ nhân một tiệm may áo dài tại Little Saigon. Mỗi lần cần có áo
mặc để phù hợp với bài nói chuyện trên sân khấu, chị sốt sắng may trong vòng có
một ngày . Những chậu quỳnh, cành giao và những cây hoa cỏ nở quanh năm những
bông hoa năm cánh màu hồng dễ thương duyên dáng của chị Dung Lê Đình Điểu tặng
từ ngày đầu tiên dọn đến căn nhà mới , gần mười lăm năm về trước. Cây lan, chậu
cúc Đại Dương, Hùng Cường tặng mỗi năm, Tết năm nào cũng rực rỡ hoa vàng. Chưa
kể vô vàn những bông hoa dạ lý hương màu trắng từ hai bên hàng xóm lặng lẽ leo
sang tỏa hương thơm nhẹ …. Cao nhất là bốn cây đào. Ba cây hoa màu hồng từ vuờn
nhà Đặng Trần Hoa, nhân viên phát hành kỳ cựu của nhật báo Người Việt. Gia đình
Hoa có một cuộc sống đạo đức , rất giản dị, chăm sóc dạy dỗ các con thành công
nơi xứ người. Giờ đây chỉ có thú vui cùng cỏ cây hoa lá vườn nhà. Tôi nhớ mãi
bát canh tôm hoa thiên lý, bát canh rau sắng (từ chùa Hương mang về trồng). Ngọt
lịm. Vợ chồng Đặng Trần Hoa là một người có tấm lòng nhân hậu luôn quan tâm đến
những người chung quanh kém may mắn và tận tình giúp đỡ trong khả năng, bất cứ
lúc nào. Một cây nữa hoa màu thẫm hơn, hồng như xác pháo là của Xuyến, một
trong những vị thính giả đầu tiên của tôi và Quỳnh Lưu. Quỳnh Lưu là con gái một
chị đồng nghiệp dạy học với tôi từ Saigon. Khi mới sang Mỹ, tôi lại là cô giáo
tư gia hàng ngày buổi chiều đến nhà dạy tiếng Việt hai cháu con của Quỳnh Lưu.
Quỳnh trong một chương trình kéo dài một giờ, mà thính giả báo tin cho nhau, chờ
đợi gọi vào trò chuyện, mỗi tuần một đề tài, xoay quanh những sự kiện xảy ra
hàng ngày về đời sống, văn học, nghệ thuật, chính trị…Ngay cả vấn đề thời sự
nóng bỏng nhất đang xảy ra. Cũng chính thính giả đặt cho cái tên cho chương
trình là “Tâm tình với nhau”, trên hệ thống Radio Việt Nam đầu tiên có tiếng
nói trên làn sóng quận Cam. Sau này Xuyến là mẹ vợ Excetra báo Việt Weekly, một
tờ báo trẻ ngày nào mưa gió chốn Bolsa nay cũng không còn nữa. Cuối góc vườn là
một cây hoa lồng đèn đỏ cũng từ vườn nhà Xuyến mang về. Lác đác những bông hoa
nở bốn mùa trong nắng lung linh, rủ xuống rất dễ thương… Còn nhiều loại cây
giây leo, hai chậu cây liễu Tú, Uyển mua về trồng vẫn xanh tươi sức sống. Mùa
thu lá chuyển thành màu đỏ làm rực rỡ bức tường gỗ trắng. Ngay cả hai cây sung
trời cho mọc tự nhiên trong một góc đầu nhà, cũng vươn cao xanh tốt. Và mới đây
thôi, một giây leo của loại cây tên gì không biết, khi cùng Tuyết Trinh đến
thăm ngôi nhà mới của cô bạn Hà Thanh, tôi đã hái một giây mang về cắm xuống trồng
hôm nay cũng đã cho tôi vài ba bông hoa màu hồng hé nở . Hoa nhỏ chỉ bằng 1/10
hoa nhà Hà Thanh thôi nhưng vẫn xinh đẹp vô cùng! Khu vườn nhỏ trước nhà, có
cây ổi từ khu vườn của anh chị Vinh-Dần, thông gia của thông gia của tôi, có
năm ra trái rất thơm ngon. Và cây ngọc lan của chị Dung-Lê Đình Điểu, hoa nở gần
như bốn mùa. Tôi thường hay hái một đĩa hoa trắng muốt ngát hương thơm đặt cúng
trên bàn thờ. Đôi khi nhìn cây, tôi lại nhớ tới cây ngọc lan
trong khoảng vườn nhỏ ngày xưa trước nhà của gia đình tôi ở đường Hoàng Diệu,
Khánh Hội. Mẹ tôi hay ngắt một bông hoa cài lên búi tóc sau ót, hoa tỏa hương
thơm nhẹ. Ngày đó, các anh lớn ở xa, anh Thế, chị Dung thì du học Mỹ. Cho nên,
nơi đó mỗi buổi chiều mẹ tôi và tôi hay đứng trước thềm thầm nhớ những thành
viên gia đình ở xa, hóng mát từ bến tàu thổi về… Ngọc Tâm, cô bạn cùng trường
cùng chung lối xóm nhỏ Đỗ Thành Nhân, sau này bà mẹ NgọcTâm- mà gia đình tôi
luôn trân trọng gọi là “Cụ Phủ” vì ngày xưa ông cụ làm quan trong triều Nguyễn,
cũng mua nhà trên con đường Hoàng Diệu. Chúng tôi có những năm dài thơ mộng của
tuổi mới lớn bên nhau cho đến ngày nay. Cảm ơn những người thân yêu trong cuộc
sống, cảm ơn cây cối vườn nhà đã thầm lặng mà cùng chung sống, dẫu biết rằng những
thành viên trong ngôi nhà chẳng có ai biết làm vườn và chăm sóc thường xuyên!
Vườn nhà tôi không đẹp bằng những khu vườn Việt Nam khác trên đất Mỹ nhưng tôi
vẫn yêu vì những hình ảnh và tình cảm của biết bao nhiêu người thương mến dành
cho.
Thi ca và âm nhạc của Việt Nam, của thế giới
cũng không thiếu những người ca ngợi vườn. Tagore có tập thơ mang tên “Người
Làm Vườn”. Catherine Mansfield có tập truyện ngắn nổi tiếng, được đặt tên có một
chữ “Vườn” thôi. Những người yêu thơ Đường không ai lại không biết câu thơ tuyệt
bút của Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” . Xin tạm dịch: Con thuyền lẻ loi
buộc chặt hồn người với nơi vườn cũ bằng một sợi giây. Có thể nói, thi sĩ của
chúng ta, không một ai không nói về vườn trong thơ của mình.
Hàn Mạc Tử viết:
Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Xuân Diệu thì lúc nào cũng như bị giục giã bởi
thời gian:
Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi
Tình thổi gió, màu yêu lên phất phới.
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến, tình yêu đi…ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa nay đã tuyệt dấu hài
Chưa ai bỏ công để đếm xem Nguyễn Bính đã bao
nhiêu lần nhắc đến vườn trong thơ của ông. Nhưng chỉ đọc và chỉ nhớ thoáng qua
thôi, người ta cũng biết ngay rằng, Nguyễn Bính là người yêu vườn hơn ai hết:
Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh
Tôi đi gian díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình
Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê
Xóm chị em Nhi ở mấy nhà
Bến đò đông vắng ? Chợ gần xa ?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ ?
Vườn có giồng cam, có nở hoa?
Tôi nhớ có một chương trình thơ nhạc trên đài
VOA vào những năm tháng đầu tiên thập niên 1990, có nói về cảm nhận mảnh vườn
xưa của Tế Hanh, sau đó nhận được nhiều thư của thính giả từ Việt Nam chung tiền
bưu phí gửi sang Mỹ:
Vườn Xưa
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em ngước nhìn vòm cây gió thổi
Lá như môi khẽ gọi anh về.
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa…
Theo một tài liệu, bài thơ Vườn Xưa của Tế
Hanh bị cán bộ Văn hóa và ông Tố Hữu phê bình gay gắt, thu hồi tạp chí đã đăng
bài thơ. Sau đó được một trí thức miền Bắc hồi chánh trong trận chiến Mậu Thân
phổ biến, bài thơ được đón nhận vì tâm tình rất thật, rất đáng trân trọng trong
khi người CS lại rất sợ những bài thơ như thế và cấm đoán.
Vườn là nỗi mong ước gần gũi nhất người ta muốn
trở về để nhìn thấy những người thân yêu. Ngôi từ đường , mảnh vườn cũ , biểu
tượng cho nguồn gốc Tổ tiên, ông bà rồi cha mẹ đã ở, truyền lại cho nhau. Nhưng
những biến động của lịch sử đã làm cho người ta cứ phải trôi giạt mãi…Đến nay,
có mấy gia đình có thể nói là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ cùng ở trong một
nhà). Nhất là những khu vườn của Người Việt trên xứ Mỹ này nữa. Hai đời cũng
khó nói chi đến bốn. Có người già nào tin được rằng cái khu vườn mình chăm bón,
mai này con cháu sẽ về ở? Ngay cả đến ở nơi quê nhà, khu vườn xưa của cha mẹ
mình hay ngôi nhà xưa của chính mình nếu có trở về thì cũng chỉ đứng ngoài nhìn
vào….ngậm ngùi. Cuộc sống đã đổi khác. Nhưng sao lòng vẫn không nguôi khi nhớ về
những mất mát đổi thay.
Làm sao tôi có thể quên được ngôi nhà to đẹp
của bố mẹ tôi ở Thái Bình. Ngôi nhà này, tôi đã mô tả thật chi tiết trong bài
Những Ngày Thơ Ấu, bài đầu tiên trong Tập bút ký Lối Cũ Chẳng Sao Quên của tôi
xuất bản thập niên 1992 tại Nam Cali. Khi bài này xuất hiện trên báo Người Việt,
có một vị độc giả viết thư rằng “Ngày xưa tôi cũng ở Duyên Hà, Thái Bình. Tôi
đã từng đi ngang qua nhà BH nhiều lần và có ghé vào lối đi trước cổng, rửa chân
nơi cái ao có hai bậc cầu đi xuống, dòng nước rất trong …”. Ngôi nhà ấy khi xây
cất lên như vậy, có lẽ anh chị em tôi chỉ sống có vài ba năm thì chiến tranh Việt
Pháp bùng nổ. Hai người anh lớn trong gia đình tham gia phong trào Thanh niên cứu
quốc. Người anh thứ ba lúc đó đang bị bịnh nên cha mẹ tôi giữ lại nhà. Vì thế
sau này mới cùng gia đình di cư vào Nam, trở thành một bác sĩ Quân Y Việt Nam Cộng
Hòa. Bây giờ ông anh tôi cũng không còn nữa. Vì ngôi nhà cao nhất một vùng, lại
rộng lớn nên trong thời chiến tranh, đã trở thành căn cứ trấn đóng của Tiểu
đoàn do Trung uý Tôn Thất Đính là Tiểu đoàn trưởng. Rồi chẳng bao lâu, nguyên
vùng đó trở thành bình địa, trong đó có ngôi nhà tuổi thơ của tôi. Bốn khu vườn
bao quanh luôn xanh tươi cây trái, lá hoa bao bọc quanh nhà giờ đây vẫn còn mường
tượng trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi với bao tiếc nuối.
Vào Nam theo bố mẹ, ở qua mấy căn nhà từ nhỏ
xíu đến rộng lớn hơn, di chuyển vài ba lần. Căn nhà đầu tiên trong một con hẻm
sâu đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội. Rộng ba mét, dài bẩy mét. Chỉ có mỗi một
phòng. Không có bếp. Nấu ăn rửa chén, chỉ có một chút xíu đất lộ thiên bên hông
nhà. May mà có gác xép, thấp lè tè, người có chiều cao có thể đụng đầu. Vậy mà
chị em chúng tôi vẫn thấy ấm cúng. Căn gác hoàn toàn không có bàn ghế, chỉ có
chiếu chăn nằm mỗi đứa một góc. Sau này cũng có chiếc bàn vuông nhỏ, hai ba chiếc
ghế đẩu -loại ghế thấp để chị em tôi ngồi học. Ông anh lớn thì ở trong Đại học
xá, được chính phủ nuôi. Nhớ năm học đệ thất (lớp 6), giáo sư Việt Văn cho đề
Luận văn “ Hãy tả ngôi nhà em đang ở”. Thế là tôi mơ mộng, tả một ngôi nhà
trong tưởng tượng. Có cổng, có khu vườn trước, vườn sau. Nhà có phòng ăn, phòng
khách, phòng ngủ tiện nghi…Trong khi bài văn hạng nhất được đọc cho cả lớp nghe
là của một bạn tả lại ngôi nhà nhỏ bé, y chang ngôi nhà của gia đình tôi ở một
xóm lao động Khánh Hội. Ngôi nhà của gia đình bạn tôi ở trong khu Bàn Cờ, nhà cửa
chi chít dọc ngang, cũng nhỏ xíu. Đa số là của người dân miền Bắc di cư 1954.
Buổi tối, dưới ánh đèn câu mờ ảo, mấy anh chị em ngồi học lúi húi bên nhau, phải
ngồi trên sàn gác xép, bàn viết là chiếc vali bằng gỗ mang từ miền Bắc vào v…v…
Tại sao gọi là “điện câu”? Vì ngày đó không phải nhà nào cũng có dòng điện
riêng vì đắt lắm. Phải nối đường dây điện từ một người trong xóm và trả tiền mỗi
tháng cho họ. Nhiều nhà câu quá nên dòng điện yếu, cứ mờ mờ tối. Bài hát Xóm
Nghèo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng mô tả như thế. Tôi rút ra được một kinh
nghiệm: Mơ mộng, tưởng tượng không thế nào bằng thực tế cùng với quyết tâm vượt
khó của mình. Tuy nhiên cũng đừng vì thực tế quá mà đời sống khô khan. Đôi khi
vẫn có những phút giây mơ mộng, lãng mạn một chút cho cuộc sống thêm nhiều nhiều
màu sắc.
Cuối cùng là khu vườn nhà tôi ở tại Đà Lạt
ngày nào… Với cây hoa sứ ban đêm phảng phất hương. Màu cỏ úa vàng xơ xác. Cây
lá thi nhau mọc và mùa thu trút lá vàng. Ngày nào chú lính phụ trách cũng lo
quét gom những lá vàng thành từng góc nhỏ. Tôi vẫn yêu và từng ngắm nhìn những
bông hoa dại mỏng manh mọc ven đường, lối vào cổng nhà hay trên bãi cỏ non xanh
tr ước cổng nhà. Chúng mọc tự nhiên như món quà tặng từ trời,
từ đất dành cho con người. Những bông hoa giống như một loại cúc dại nho nhỏ
màu vàng, tự nhiên đua nhau mỉm cười trong nắng gió như tự khoe sắc với thiên
nhiên.
Trải qua bao dâu biển, những ngôi nhà xưa chỉ
còn trong trí tưởng. Mảnh vườn nơi quê cũ chỉ còn là nơi chốn đi về của một ký ức
xa xôi trong một thoáng nào đó chợt khơi dậy, nhớ về. Đôi khi, nhìn vạt nắng
vàng vọt cuối ngày, nhìn từng chiếc lá lặng lẽ rơi giữa mênh mang chiều nhẹ xuống
bỗng dưng lòng chùng xuống như một nốt nhạc trầm, rồi thoáng bâng khuâng nghĩ về
một cuộc sinh tồn của con người,của thiên nhiên cỏ cây đang lặng lẽ diễn ra
trong đời sống. Và mỗi lần như thế, như trong lúc này đây, đối với tôi mỗi lần
nhớ tới, lại cảm thấy như được trở về với bao thiết tha gần gũi, như một phần
không thể thiếu trong mỗi đời người. Hồi tưởng để nhớ về những ngày tháng trôi
qua trong cuộc đời, những khoảng cách không gian hư hư thực thực, mờ ảo như mây
như khói. Lòng lại dặn lòng, cần phải sống nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa hơn trước bao
nhiêu sự đổi thay của cuộc sống, kể cả sự thay đổi của lòng người…
Bích Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét