Vùng đất Huế là lợi địa của một thế kỷ rưỡi vương triều, đã xây
đắp những giá trị tập truyền, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ,
đời sống, phong cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử...
Kinh
đô Huế làm nảy sinh nơi người dân một phong cách mà người ta nương tình
gọi là “đài các”, tức là một vẻ cao sang mơ hồ nào đó, nhưng cái đài
các này không khu biệt trong vòng hoàng thành mà còn lan tỏa trong dân
gian. Từ cái đài các ấy còn rẽ riêng một nét tinh mà người tại chỗ gọi
là tính “đài đệ”, có nghĩa là một sự giữ kẽ, giữ ý, và luôn cả một tính
cách mà người ta gọi là “đế đô”. Khi người mẹ mắng con gái “đừng có đế
đô!” thì có nghĩa là đừng có đòi hỏi, đừng với cao, đừng học làm sang.
Cái tính “đài đệ” được thể hiện rộng
rãi, tràn lan, chẳng hạn ở chiếc áo dài mà có lẽ Huế là nơi được mang
mặc nhiều hơn cả. Cho đến những năm 1970, người nữ ở Huế ra khỏi nhà là
mặc áo dài, kể cả chị tiểu thương ở chợ hoặc bà bán hàng rong. Thậm chí
nhiều bà danh giá đi ngủ vẫn mặc luôn áo dài.
Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc
lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp, cũng có khi là ỡm ờ.
Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo
nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”, ta cảm thấy các món
trang sức như tà áo, chiếc nón, bài thơ trong nón đều góp phần tạo nên
nét duyên e ấp của “nàng Tôn Nữ” và nàng Tôn Nữ ở đây dùng để chỉ
chung các thiếu nữ Huế. Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như
sau: “... Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám
hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tử
đang chảy truyền trong huyết quản của mình” (Jean Hougron, Soleil au
ventre, trang 67).
Trong khi sông Hồng và sông Cửu Long đi
vào địa lý và hiên ngang đi vào kinh tế, thì sông Hương êm đềm đi vào
thơ nhạc. Văn hóa nghệ thuật là một cõi mênh mông, rất ít tính chất thực
tế, nhưng làm đẹp cho đời, giống như bông hoa trong đời sống.
Sông Hương hiển nhiên như đóa hoa tô
điểm cho thành phố. Không có con sông nào làm hao tốn giấy mực cho bằng
sông Hương. Không có con sông nào làm tuôn trào suối nhạc cho bằng sông
Hương. Và cũng chính nó là nguyên ủy cho sự ra đời của bao nhiêu hiệp
hội ái hữu, đồng hương với nó ở trong nước cũng như ở hải ngoại.
Vẻ đẹp của sông Hương
Như ta vừa nói, sông Hương đã khơi nguồn
cho nhiều suối thơ. Nó cắm được nhiều điểm lưu khách, nhiều bến sông
hữu tình dễ neo thuyền. Một số lớn các chúa, các vua, các vương, các
hoàng thân công nữ đã chấm bút vào nghiên thơ. Các thi xã, hội thơ, thi
đàn nối tiếp nhau ra đời.
Về lĩnh vực thơ của các tôn thất, hãy
khoan nói đến chất lượng có cao như lời khen tặng của vua Tự Đức chăng,
hay là ngược lại, có thấp như lời phê nghiêm khắc của Cao Bá Quát, ta
chỉ cần ghi nhận rằng thi ca trở thành một sinh hoạt tinh thần rộng
khắp, cho già trẻ trai gái, cho mọi nghề, mọi nhà, như thể là một sinh
hoạt bình thường hằng ngày, giống như người ta hít thở không khí vậy.
Tuy nhiên, cũng chính con sông Hương mà
người ta dễ tưởng là suốt đời lặng lẽ ngoan hiền ấy hằng năm vùng dậy
quẫy nước tràn bờ. Bởi Huế không những nổi tiếng nắng nóng mùa hè, nó
còn nổi tiếng về lụt lội nhiều lần trong năm và những lúc ấy nước sông
đục ngầu, dữ dội, có khi chảy ngược dòng. Nước sông cuồn cuộn ấy, dù là
trái ngược hẳn với thường ngày, vẫn đúng là hình ảnh của sông Hương, là
lòng dạ sâu thẳm của nó đã lộ diện, là bộ mặt bổ túc vào bộ bộ mặt
thường bắt gặp của nó.
Tóm lại, nắng cháy với mưa dầm bão lụt,
ấy là Huế. Nước chảy lờ đờ và nước phăng phăng cuồn cuộn, ấy là sông
Hương. Người thiếu nữ nghiêng nón dạ thưa nhưng yêu thương say đắm, dữ
dội, ấy là con gái Huế.
Người Huế thường phản ứng chậm. Vẻ bề
ngoài và hành động không hô ứng tiếp liền nhau. Hay nói cách khác, giác
quan tiếp nhận cảm giác và nội tâm cứ hành hai nhịp khác nhau và giữa
hai nhịp đó là một khoảng dành cho nụ cười, tiếng dạ thưa, sự e dè, cân
nhắc. Đó là một loại “phản ứng hẹn giờ”, nhưng một khi phản ứng phát ra,
nó có tính cách dứt khoát, không vãn hồi. Đó là nét tinh Huế mà người
ta gọi là “thâm trầm”, “thâm thúy”.
Nếu không có lịch sử sẵn chực những bằng
chứng cụ thể, hùng hồn thì ít ai ngờ rằng cái đất Huế trầm mặc này lại
có thể là sân khấu phát động, châm ngòi những biến cố lớn của đất nước
từ trong lòng những học sinh sinh viên chăm học hoặc những chị tiểu
thương hiền lành tần tảo. Hóa ra đất Huế là đất nuôi trồng những thái
cực, và con người xứ Huế để ra cả một đời mình để gỡ rối mớ bòng bong
tâm lý và mâu thuẫn nội tâm này.
Con người Huế làm nên Huế là những con
người đi ngược lại những thuộc tính ban đầu của vùng địa lý. Nó vật lộn
thường trực với những mố giằng co tâm lý.
Trịnh Công Sơn trong ca khúc Diễm xưa có
nói tới một loài chim di. Chim di là một loài chim di trú, không định
cư tại một nơi chốn, tùy theo mùa xoải cánh đi tìm nơi khí hậu ôn hòa.
Người dân Ô Lý chất chứa trong tâm khảm
mình một món nợ tinh thần đời đời với công chúa Huyền Trân ngày xưa đã
vùi quên tuổi thanh xuân của mình mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đó
là một sự lưu đày biệt xứ nhưng tự nguyện và vị tha.
Nó đã ghi dấu sâu đậm vào ca nhạc của xứ
sở này. Cái hơi “ai” của ca Huế không hẳn là sầu bi nhưng đầy hoài bão,
vừa tự sự mà vừa khơi dậy mạch tình bắt nguồn từ xa xưa, hòa tan vào
huyết mạch, hầu như khó lòng truy cứu, khó lòng giải mình. Nó như thể
một loại tình cảm nguồn cội, lắng sâu, dằn lòng xuống kết tạo thành một
trọng lượng của tâm hồn. Sợi dây tình cảm này trói buộc bước chân con
người, níu kéo con người không cho nó rời xa cái phố đẻ của nó.
Người ta bảo đất Thừa Thiên này vừa là
vườn ươm vừa là bệ phóng nhân tài, cũng có nghĩa nơi đây vừa là địa điểm
đào tạo, rèn luyện con người vừa là môi trường thiên nhiên hun đúc bồi
dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp để rồi sau đó đàn chim rời
tổ bay xa.
Người con của Huế cảm thấy khó lòng rời
xa bàn thờ tổ tiên hoặc cõi nhà vườn của mình. Tuy nhiên vẫn có cảm nghĩ
chưa bỏ nhà ra đi vẫn chưa viên thành vận số của mình. Và một khi xa
xứ, bắt đầu nảy nở trong tâm thức kẻ ly hương một loại tình cảm mới:
tình cảm hoài hương. Loại tình cảm này có tính cách siêu hình, thâm sâu
như tình con với mẹ, nó âm ỉ như mạch ngầm, như than hồng vùi dưới tàn
tro. Xin đừng xem đó là một thứ tình cảm nhi nữ thường tình, ủy mị. Nó
vừa giúp con người không quên nguyên quán của mình, vừa thôi thúc con
người sống chẳng phải cho bản thân, mà cho một vận hội chung, có tính vị
tha, hướng thượng. Trong nhận thức ấy, con người lưu vong gầy dựng hội
đoàn, tập thể ái hữu hướng vọng về quê hương, xem đó như những ốc đảo
tình cảm giữa đời sống mênh mông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét