Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Thơ và phê bình thơ

Thơ và phê bình thơ
Phê bình cần chú ý đặc trưng của thể loại. Do vậy, bên sự giống nhau chung của công việc phê bình, lại có sự khác nhau khi phê bình văn xuôi, thơ, hoặc kịch.
Phê bình thơ khác phê bình văn xuôi, ở chỗ nó ít được nương tựa vào đối tượng miêu tả, vào cái gọi là đề tài. Với văn xuôi, đề tài có vai trò quan trọng, quy định khá rõ nội dung phê bình.
Đề tài của văn xuôi là rộng rãi vô cùng tận, trải khắp không gian và thời gian cuộc sống con người và không giống nhau. Chỉ riêng sự khác nhau trong muôn mặt đề tài đã có thể quy định sự khác nhau trên các lĩnh vực mô tả của văn xuôi. Chỉ dựa vào đề tài, vào việc miêu tả cái gì – phê bình cũng đã có thể thông báo một điều gì đó, nếu không phải là quan trọng nhất, thì cũng là cần thiết và không thừa đối với người đọc…
Trong khi đó, cái gọi là “đề tài” trong thơ là hẹp, là ở một quy mô nhỏ, bởi đây chỉ là sự giống nhau hoặc khác nhau trong bấy nhiêu tình cảm muôn thuở của con người. Thơ về cơ bản, và như lịch sử hiện diện của nó, từ xưa đến nay, cả phương Đông và phương Tây, là những biểu hiện, những nhu cầu bộc lộ của đời sống bên trong con người, là sức chứa và sắc thái của nội tâm, là vui buồn, yêu ghét… nẩy ra trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với ngoại cảnh…
Tất nhiên, sự phong phú và khác biệt trong các trạng thái tình cảm của con người vẫn là cả “một thế giới” cho thơ khai thác, bởi cuộc đời và con người là cả một vũ trụ kỳ diệu và biến hoá không cùng. Cũng là bấy nhiêu vui buồn, yêu ghét nhưng mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi khác…
Chính vì không phải chủ yếu là kết quả của sự quan sát, và trải rộng sự quan sát trong không gian và thời gian như văn xuôi mà chỉ là sự chiêm nghiệm, đào sâu vào thế giới bên trong con người, để có thơ, nên phê bình thơ nghiêng về một phương thức tiếp cận khác: không phải là sự thức nhận; mà là cảm nhận. Không nghiêng về suy tư (trừ thơ triết lý) mà là cảm xúc và rung động; không hướng về phía vĩ mô của thế giới người mà thu hẹp vào những biểu hiện tinh vi, tế nhị của hồn người. Bởi thơ là loại hình cho ta đi vào nội tâm một người để hiểu mọi người, và phê bình thơ là tạo nên cái cầu nối cho mối giao cảm đó. Và do vậy mục tiêu và đối tượng của sự nắm bắt trong phê bình thơ không phải là khách thể, là cái ngoại giới được miêu tả, mà chính là tác giả, là chủ thể trữ tình của sự biểu hiện. Phát hiện của phê bình thơ (tất nhiên đây là thơ trữ tình, chứ không phải là các loại thơ khác) do vậy là phong cách, là giọng điệu. Một nhà thơ có giá trị là một nhà thơ có phong cách. Một nền thơ lớn là một nền thơ có nhiều phong cách. Chưa có phong cách thì chưa thể nói đến một nền thơ. Và phê bình thơ, trước một đối tượng như vậy, quả là vô nghĩa. Phát hiện ra giọng điệu riêng, phong cách riêng – nó là cái tinh tuý, cái đặc sắc của mỗi nhà thơ, để không lẫn với ai – đó là mục tiêu của phê bình thơ.
Thế kỷ XX có bốn giai đoạn thơ quan trọng: đó là Thơ mới 1932-1945, thơ chống Pháp 1946-1954, thơ chống Mỹ 1965-1975, và thơ trong thời Đổi mới từ thập niên cuối thế kỷ XX. Thời của Thơ mới là thời ra đời và khẳng định của cái tôi cá nhân. Dẫu có bơ vơ, có cô đơn buồn tủi, rợn ngợp, dù có xui người ta đi vào những nẻo trốn khác nhau… nó vẫn là sự thể hiện một bước phát triển mới của con người trong tương ứng với sự phát triển xã hội. Đó là con người đang gắng gỏi một cách vất vả để rứt ra khỏi cuống nhau của cộng đồng, để bước đầu có hình hài cho bản ngã của mình. Phải có hình hài này mới có sự phát triển của xã hội, dẫu là trong khuôn khổ chế độ thuộc địa. Bởi chế độ thuộc địa, đó là sự áp đặt của phương Tây đối với phương Đông – một áp đặt không tự nguyện, nhưng lại nằm trong xu thế của thời đại, mà Hoài Thanh đã nói rất hay trong bài Mở đầu Thi nhân Việt Nam. Sự ra đời của cái Tôi này tìm được tiếng nói của nó trong Thơ mới. Tương ứng với các cá nhân trong đời, muốn thoát ra khỏi những ràng buộc vô hình chằng chịt quanh mình, Thơ mới tìm đến cái riêng, vừa như một nhu cầu bức xúc, vừa như một dỗi hờn với thực tại. “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, “Em là em, anh vẫn cứ là anh” (Xuân Diệu), “Đường về thu trước xa xăm lắm. Mà kẻ đi về chỉ một tôi” (Chế Lan Viên)… Rồi tương ứng với cái tôi, cái cá nhân muốn được thể hiện, được kiếm tìm trong thơ, phê bình thơ đứng trước nhiệm vụ tìm kiếm và khẳng định những gương mặt riêng trong dàn đồng ca Thơ mới – những cái riêng qua nhiều gương mặt: Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… chỉ trên dưới 10 năm, để đến với kết thúc và tổng kết trong Thi nhân Việt Nam.
Với Hoài Thanh, trong khai mạc của nền thơ hiện đại, đã có một gương mặt phê bình thơ hiện đại, tương ứng và đồng hành với sáng tác, để nhận diện và tổng kết về nó.
Sau phong trào Thơ mới 1932-1945, thế kỷ XX chứng kiến một giai đoạn rực rỡ của nền thơ Việt Nam hiện đại, qua thời kỳ chống Pháp để đến với thời kỳ cả nước chống Mỹ 1965-1975. Một nền thơ chan chứa chất trữ tình cách mạng và âm hưởng anh hùng ca, tương ứng với một thời hào hùng của dân tộc “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) và “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (Chế Lan Viên) “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” – yêu cầu đó đã được đáp ứng trong giai đoạn thơ này, vừa như một phản đề, vừa như một sự phát triển đối với phong trào Thơ mới – thời đại của sự ra đời con người cá nhân ngót 30 năm về trước.
Nói thơ chống Mỹ là nói áp lực của thời đại, đưa đến một phong cách thơ bao trùm mọi khuynh hướng, mọi tìm tòi riêng của cá nhân. Khiến cho mỗi cá nhân chỉ có thể tìm được giá trị riêng của mình trong âm hưởng chung của nền thơ. Khiến cho mỗi sự đi chệch ra khỏi âm hưởng đó, quỹ đạo đó là khó được chấp nhận. Và trong dàn đồng ca đó (tất nhiên vẫn có người lĩnh xướng có dàn đệm, có các bè, các giai điệu khác nhau), phê bình thơ cũng phải là một hỗ trợ, một hô ứng để làm nổi lên cái chung. Việc nhận diện và khẳng định một phong cách bao trùm của thời đại trong thơ – trở thành mục tiêu cơ bản của phê bình thơ.
Tất nhiên, trong phong cách cơ bản của thời đại vẫn tồn tại những phong cách riêng, giọng điệu riêng. Bởi nếu không có các giọng điệu riêng thì phong cách chung cũng sẽ không có hình hài… Nền thơ chống Mỹ, đó là bản đồng ca, rồi hùng ca của những tên tuổi Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông… Sau các thế hệ trên sẽ đến một thế hệ cùng đồng hành với nhau mà sự xuất hiện trước – sau là không đáng kể, gồm: Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc… Những tên tuổi này đều có những nét riêng đủ cho sự phân biệt giữa người này với người kia – nhưng không phải là sự khác nhau đến rạch ròi như thời Thơ mới, bởi họ bị chi phối bởi một âm điệu chung của thời đại. Phê bình thơ thời chống Mỹ có mục tiêu gắn nối giữa cái riêng và cái chung đó, giúp cho sự nhận thức vừa là sự khác nhau, vừa là sự giống nhau của cả một nền thơ. Và nếu có lúc, đi riêng và đi sâu vào một gương mặt thơ nào đó, thì gần như không làm thay đổi một trật tự đã được xác định.
Thời đổi mới tính từ những năm 90, theo tôi hiểu là sự trở lại cái riêng, sau một thời kỳ cả nền thơ hướng tới một khuôn mặt chung “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn mặt”. Bây giờ là thời của đơn ca – nhưng để có phong cách riêng được công nhận là rất khó. Và tiêu chí hay – dở chung cho tất cả bỗng trở nên mơ hồ, khó mà phân biệt được. Bởi nó là sự khác nhau giữa nhiều thế hệ, nhiều xu hướng, nhiều thị hiếu, nhiều cách viết… Có nhiều kiểu người viết thì cũng có nhiều kiểu người đọc. Trong tình thế mới này, người phê bình đã hết vai trò là người hướng dẫn, hoặc đại diện cho ai. Không thể đại diện cho ai, nhưng vẫn phải có một chủ kiến của mình, có một tiêu chuẩn hay – dở cho mình, để thích hoặc không thích, tán thành hoặc phản đối, khen hoặc chê… Và do thi đàn không còn chiếu trên, chiếu dưới, nên người phê bình có phần tự do và thoải mái hơn, để không phải nhìn vào đó mà điều chỉnh liều lượng khen chê cho phù hợp.
Khi mà số người làm thơ bỗng trở nên rất đông, khiến cho ai cũng có thể làm thơ, in thơ thì việc bao quát diện mạo thơ là khó, và nhận diện hay – dở càng khó hơn. Phê bình thơ rút lại chỉ còn là việc đọc, điểm một cách tuỳ tiện, và chẳng ai chịu ai trong việc khen – chê, kể cả những giải thưởng lớn, nhỏ, cũng khó tìm được sự nhất trí trong giới phê bình và bạn đọc. Khi mà phong trào thơ còn ngổn ngang như vậy thì việc tìm một tiếng nói chung, hoặc một phong cách nổi bật được mọi người chấp nhận là không dễ, công việc phê bình càng trở nên khó khăn hơn. Gần như người làm thơ nào cũng muốn tìm tòi – cho khác người, nhưng chưa tìm ra lối, chưa đạt  được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn. Phê bình thơ bối rối là lẽ đương nhiên. Và càng bất lực trong việc chỉ ra lối đi và mục tiêu cho cái thời mà mọi chỉ giới cho đúng – sai, xấu – tốt, hay – dở gần như rất khó xác định.
Không còn cái chung để mà tựa thì phải tựa vào chính mình. Phê bình cũng vậy, phải xác định cho được tiêu chí hay – dở ở chính bản thân mình và chính trong thơ. Nhưng dù có cô lập nó ra khỏi đời, thì thơ vẫn là sản phẩm của chính con người – con người của cái thời mà nó hiện diện. Nếu thơ đang trong một cuộc tìm, thì phê bình thơ, dẫu là đi sau hoặc đi trước, vẫn phải sao cho hội  được vào cuộc tìm kiếm đó.
Phê bình văn xuôi nếu đang hướng sự chú ý vào phương thức biểu hiện thay cho nội dung biểu hiện, thì phê bình thơ - sự bối rối nằm ở cả hai: sau chữ phải là nghĩa, nhưng sau chữ còn là “bóng chữ”.
Tháng 5 năm 2004
Lưu Khánh Thơ 
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số  7/2004
Theo http://phebinhvanhoc.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoa cải bùa mê – Tản văn của Võ Văn Thọ 20 Tháng Hai, 2023 Giêng hai hoa cải đã vươn ngồng nở rộ, khắp các mảnh vườn triền sông và cả ...