Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Đà Lạt, nơi tôi thuộc về

 Đà Lạt, nơi tôi thuộc về
Vùa bước xuống bến Thành Bưởi tại Phan Bội Châu, Đà Lạt đón tôi bằng một màn sương mỏng manh, một luồng khí lạnh đặc trưng của nơi đây như thể hiện lòng hiếu khách của mình đối với người bạn đường xa. Trong ánh đèn vàng mờ ảo, tôi như cảm nhận được có một điều rất khác lạ đang rạo rực trong bản thân. Tôi đứng lặng yên một chút, có thể nói là hơi “thất thần” cũng được, nhưng tôi lại không hiểu sao mình như thế.
Tôi ngước đầu lên cao, trong ánh đèn vàng kia và thử thở nhẹ nhàng. Một làn khói trắng từ trong miệng tôi bay ra, hòa cùng sương và ánh sáng – một làn khói của hơi thở khi gặp không khí lạnh. Tôi luôn cảm thấy thích thú vì điều đó, nó rất dịu dàng, uyển chuyển. Làn khói từ từ bay theo hơi thở của tôi, bay cao dần và xa dần vào ánh sáng màu vàng kia. Tôi đứng đó, nhìn theo và không chút nghĩ suy nào trong đầu. Lúc đó tôi biết tâm trạng mình nhẹ nhàng và bay bổng như chính làn khói kia.
Tôi cảm nhận được cái lạnh của Đà Lạt đang ôm chặt lấy tôi như những người bạn tri kỉ lâu năm gặp lại. Có thể đó là một cách thể hiện tình cảm của Đà Lạt dành cho bất cứ ai đặt chân đến đây nhưng dù sao đi nữa cũng là rất lãng mạn rồi.
Xung quanh tôi chỉ có bóng đêm và tiếng người gọi nhau tại bến xe. Tôi thích như thế, nó yên tĩnh và không ồn ào như Sài Gòn. Một vài hàng quán nhỏ đã mở cửa tầm lúc năm giờ sáng. Họ tranh thủ dọn bàn ghế, ly chén ra để chuẩn bị cho một ngày buôn bán mới sắp bắt đầu. Là những nồi sữa đậu nành nghi ngút khói, là những ly cà phê nóng thơm lừng vị đặc trưng, mọi thứ thật đẹp trong ánh đêm vàng nhẹ dịu!
Những buổi sáng tại Đà Lạt mang một dấu ấn đặc sắc và đậm nét của Paris phiên bản Việt Nam.
Bất ngờ tiếp theo mà Đà Lạt dành cho tôi là một làn nắng ấm rọi xuống nơi đây. Nắng thì nắng nhưng tôi vẫn cảm nhận được rất rõ cảm giác lạnh vẫn còn trong tôi và xung quanh tôi. Nắng nhẹ dịu và không quá “nóng tính” như “anh bạn” nắng Sài Gòn. Đến cái nắng cũng cảm thấy đáng yêu thì chịu sao nổi nữa! Nắng lên như chỉ làm cho cảnh sắc nơi đây thêm phần lung linh chứ hoàn toàn chưa thể xua tan được cái lạnh kia. Dần đến trưa, cái nóng cũng chẳng khá hơn được khi chỉ âm ấm mà thôi. Người ta bảo nếu tinh ý thì chúng ta sẽ cảm nhận được một điều rất rõ khi ở Đà Lạt: khí hậu thay đổi liên tục từ sáng sớm cho đến tối khuya. Điều này được minh chứng rõ hơn khi trời dần về chiều. Cái cảm giác âm ấm không còn, cảnh sắc cũng chẳng còn tươi tắn nữa, mọi thứ đang dần trở nên mờ đi và lạnh hơn…
Chiều đến, ta sẽ cảm nhận được rất rõ sự “bỏ đi” của nắng ấm. Nắng ấm không còn thì bỗng nhiên ta thấy Đà Lạt mang một vẻ đượm buồn nào đó vu vơ – nỗi buồn như mất đi một người bạn thân lâu năm. Nắng và Đà Lạt chắc “thân nhau” lắm! Hễ có nắng là Đà Lạt tươi tắn hẳn ra, tươi vui tung những gì đẹp nhất của bản thân cho mọi người thưởng lãm. Có nắng, Đà Lạt rất “quý” khách, luôn tạo cho những vị khách phương xa như tôi có những trải nghiệm đầy đủ sắc màu và hương thơm của muôn ngàn loài hoa nơi đây. Nắng “đi” rồi, không còn ai bên Đà Lạt, Đà Lạt thấy lạnh và cô đơn. Bởi thế Đà Lạt ấm thì ta ấm, Đà Lạt vui tươi thì tâm hồn ta trở nên trẻ trung yêu đời, Đà Lạt buồn bã cô đơn thì ta cảm thấy lạnh lẽo và đơn côi biết bao!

Tôi không biết mọi người đến với Đà Lạt và cảm nhận cũng như tận hưởng nó như thế nào, riêng tôi thì tôi hay cứ lang thang quán này quán nọ. Không gì tuyệt hơn khi bạn chỉ có một mình trong một không gian yên tĩnh, đẹp đong đầy chất thơ và mang một màu sắc đậm chất của Đà Lạt. Tôi ngồi một mình, lật xem quyển thực đơn của quán và chọn món. Tôi ngồi đó, xung quanh tôi im lặng và tâm trí tôi cũng lặng yên nhẹ nhàng. Tôi cảm nhận Đà Lạt bằng một trạng thái thoải mái nhất có thể vì khi bạn thoải mái, bạn hoàn toàn có thể tập trung tối đa cho việc bản thân đang làm. Tôi chầm chậm lắng nghe thời gian trò chuyện cùng gió mát. Tôi chầm chậm  đùa vui cùng sự tĩnh lặng và mây ngàn trên cao. Lúc này tôi chẳng còn là tôi nữa. Tôi như thuộc về nơi này, linh hồn tôi mãi rong chơi cùng làn gió nhẹ mát thoảng qua đến quên cả giờ giấc. Thời gian trôi, ly nước tôi cạn dần nhưng tôi vẫn chưa muốn rời khỏi nơi đây, chưa muốn xa nơi này – xa những gì làm tôi vui…
Có thể kể đến một số quán tại Đà Lạt đã nứt danh như chuỗi cửa hàng Windmills với màu sắc tươi tắn hay cà phê Tùng mang một chất nhẹ nhàng giữa mênh mông sương mờ vây kín, cà phê Nhật Nguyên trên đường Trần Quốc Toản ngay bên cạnh hồ Xuân Hương đậm chất thơ, cà phê Thủy Tạ ngay bờ hồ Xuân Hương – quán cà phê được cho là ngon và đẹp nhất tại Đà Lạt với sắc màu tím đặc trưng và nổi bật, Dalat Night Café với vẻ dịu dàng xứ lạnh có thể phóng tầm mắt rộng khắp xứ ngàn hoa,…
Một góc Windmills Hòa Bình.
Một góc Windmills Nhà 9 cánh.
Tối về. Đà Lạt vẫn đầy quyến rũ khi được thắp sáng bằng những ngọn đèn vàng trong sương và dòng người cười đùa đi bộ trên các con đường khu hồ Xuân Hương. Vì sao Đà Lạt cứ mãi quyến rũ tôi hết lần này đến lần khác? Mà chắc không phải riêng gì mình tôi đâu mà còn rất nhiều người ngoài kia, tôi tin chắc như vậy!
Buổi tối – tôi đặc biệt thích lúc này. Cùng với cảm giác lành lạnh, sương xuống phủ đầy mọi ngóc ngách của thành phố Đà Lạt cho mọi người một trải nghiệm rất đặc biệt. Dòng người qua lại cùng chiếc áo khoác trên người, ai nấy đều vui vẻ trong tiếng cười dạo chơi một điểm rất nổi tiếng mà bất kì ai đặt chân đến cũng biết – chợ Đà Lạt.
Ngôi chợ này nằm trên con đường Nguyễn Thị Minh Khai, là một “điểm du lịch” nổi tiếng bất hủ của vùng đất núi cao mây ngàn. Buổi sáng tấp nập với rất nhiều xe tải chở rau cải trái cây đến cho các tiểu thương nơi đây. Nông sản Đà Lạt trứ danh tươi và ngon. Vì thế nhiều người đến Đà Lạt là phải mua đem về “dưới”. Đem về đến nơi rồi cũng không sử dụng được bao nhiêu do phần lớn bị dập, bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển bằng xe du lịch hay xe khách, phần còn lại mua nhầm hàng không tốt, đặc biệt là quả bơ nơi đây rất dễ mua nhầm quả “nhiều rễ”.
Nếu như buổi sáng tại chợ Đà Lạt tấp nập người mua kẻ bán hàng nông sản thì tối là lúc các món hàng lưu niệm, các quán cốc nhỏ “làm chủ cuộc chơi”. Bạn sẽ nghe được rất nhiều thứ âm thanh khác nhau – lời rao, lời chào mời của những chủ hàng nơi đây. Họ rao như thế suốt mấy tiếng đồng hồ, ngày này qua ngày nọ, chỉ mong bán đươc hàng với từ mười, hai mươi ngàn một món hay vài chục ngàn mà được tới hai ba món.
Tối lạnh, sẽ không gì tuyệt hơn là được thưởng thức một món gì đó nóng để trung hòa lại nhiệt độ trong cơ thể, làm cho ta ấm hơn giữa khí trời mười chín hai mươi độ C của Đà Lạt. Một chiếc bánh tráng nướng nứt danh với bơ, hành, trứng, phô mai, xúc xích hay một ly sữa đậu nành nóng, củ khoai luộc, quả trứng gà nướng,… những món ăn vặt như vậy luôn sẵn sàng làm ấm lòng vị khách phương xa ghé thăm Đà Lạt.

Hay có thể nhẹ nhàng thả hồn nhẹ bay theo gió phảng phất hơi lạnh đêm từ hồ Xuân Hương mang đến tại những quán cà phê dọc đường Lê Đại Hành, Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, nhâm nhi bên một ly cà phê đắng, một ly cam vắt hay sinh tố các loại và ngắm nhìn dòng người đang đan xen nhau với sương, nghe một bản nhạc du dương êm dịu bên tai thì còn gì bằng!
Người ta bảo nhau rằng Đà Lạt một ngày có bốn mùa. Và nếu để ý một chút thì ta sẽ thấy được bốn mùa rõ rệt trong một ngày như nhiều người bảo. Buổi sáng là một nét đẹp dịu dàng của tiết trời thanh xuân, nắng ấm lan tỏa muôn nơi nhưng hơi lạnh vẫn còn đâu đó trong ánh nắng. Trưa sang, ta sẽ cảm nhận được “sự thống trị” của nắng. Nhưng bạn ơi, nắng Đà Lạt rất “hiền”, không như nắng những nơi khác cháy da cháy thịt đâu. Nắng vậy đó nhưng bạn đi bộ, đi tham quan đâu đó bạn vẫn không cảm thấy mệt mỏi nhiều và không ra mồ hôi đâu! Chiều đến, Đà Lạt lại trở về với vẻ đẹp nồng nàn của khí trời sang thu. Sương bắt đầu xuất hiện, nắng ấm “nhường chỗ” cho không khí lạnh. Khí trời bắt đầu se, ta bắt đầu thấy dễ chịu hẳn ra. Đông đến cũng là lúc Đà Lạt chập tối. Lúc này sương nhiều hơn, trời bắt đầu lạnh hơn, và những chiếc áo khoác bắt đầu “di chuyển” nhiều hơn trên những con đường lên xuống của phố núi đầy sương này.
Về khách sạn, chúng ta có thể chọn cho mình một nơi lưu trú với chất lượng, dịch vụ tốt như khách sạn Mỹ Hoa II, khách sạn Bảy Nghĩa, khách sạn Hoàng Lân,… với tiêu chuẩn từ 2 sao trở xuống. Các khách sạn này đều nằm trên con đường Nam Kì Khởi Nghĩa, Phan Như Thạch vốn sầm uất và náo nhiệt về hoạt động kinh doanh khách sạn. Từ đây ta có thể thả bộ đến khu Hòa Bình hay chợ Đà Lạt chỉ tầm 5 – 7 phút. Ngoài ra có thể chọn khách sạn Golf 3 tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách chợ chừng 1 phút đi bộ với tiêu chuẩn 3 sao.
Đà Lạt có một số điểm tham quan nổi tiếng và đẹp như Thung Lũng Tình Yêu, đồi Mộng Mơ, vườn hoa khô Đà Lạt. Các điểm này tọa lạc ở đường Phù Đổng Thiên Vương. Một số ngôi chùa mang vẻ cổ kính trang nghiêm có thể kể đến là Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Ve Chai (hay còn gọi là chùa Linh Phước), chùa Linh Quang, chùa Tàu (Thiên Vương Cổ Sát),…Ngoài ra còn có dinh Bảo Đại (hay còn gọi là Dinh III. Đà Lạt có ba dinh nhưng chỉ có dinh III được khai thác phục vụ du lịch, hai dinh còn lại thì không), nhà thờ Con Gà, nhà thờ Domain de Marie, thác Prenn, thác Datanla,…
Dinh III (Dinh Bảo Đại)
Một góc Thiền Viện Trúc Lâm
Một góc Biệt điện Hằng Nga (Crazy House)
Một góc Biệt điện Hằng Nga (Crazy House)
Nhà thờ Con gà
Chùa Ve Chai (Chùa Linh Phước)
Nếu ta thích thưởng lãm cảnh sắc thiên nhiên thì có thể đến các đồi chè tại Đà Lạt, tại đây ta thỏa sức dang rộng cánh tay ôm chầm lấy Đà Lạt bao la mênh mông, hái những lá chè, đọt chè non. Để đến được với đồi chè, ta có thể đón xe buýt Xuân Trường tại bến (nằm phía sau chợ Đà Lạt) hoặc đi taxi (bao chuyến) hay đi tour (đăng ký tour trong ngày của các công ty du lịch địa phương). Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, bạn chạy thẳng theo đường Trần Hưng Đạo – Hùng Vương – Tự Phước sau đó rẽ phải vào quốc lộ 20 đi Trại Mát. Đồi chè nằm ở phía Đông Nam thành phố, cách Đà Lạt 25km, cùng đường đi đến ga Trại Mát, chùa Linh Phước nhưng xa hơn. Vườn dâu cũng là điểm không thể bỏ qua nếu ta thích trải nghiệm những cảm giác tự tay mình hái quả dâu tây tươi ngon mát ngay tại vườn. Các vườn dâu này đều sử dụng công nghệ tiên tiến của nước ngoài, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Một số vườn dâu nổi tiếng mà bạn có thể ghé thăm như vườn dâu của công ty Bio Fresh Đà Lạt tại khu du lịch Hồ Than Thở (đường Hồ Xuân Hương, phường 10, thành phố Đà Lạt) với loại dâu chủ yếu là Mara Des Bois đến từ Pháp; vườn dâu Nhật Đà Lạt tại địa chỉ 162 Thánh Mẫu, phường 7, thành phố Đà Lạt. Vườn dâu Nhật Đà Lạt với đặc điểm trồng trên giàn thủy canh giá thể, quả dâu không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, có thể hái dâu ngay tại vườn. Giá tại các vườn dâu này dao động từ 60.000đ – 90.000đ đối với dâu trồng trên đất và từ 120.000đ – 300.000đ đối với dâu trồng trên giá thể tùy theo mùa.
Đến với Đà Lạt, có nhiều hình thức khám phá cho bạn chọn. Bạn có thể tự mình thuê xe máy và chu du đến bất cứ nơi đâu bạn muốn tại thành phố sương mù này. Giá mỗi lần thuê xe từ 100.000đ-200.000đ tùy xe số hay xe tay ga. Ngoài ra bạn có thể mua các tour một ngày tại các công ty du lịch địa phương với giá từ 200.000đ có kèm hướng dẫn viên. Với hình thức này, bạn sẽ được tham quan từ 6 đến 9 điểm của Đà Lạt chỉ trong một ngày.
Từ Sài Gòn để về với Đà Lạt, bạn có thể “phượt” bằng xe máy vượt khoảng 320km hoặc chọn cho mình những hãng xe khách uy tín như Thành Bưởi, Phương Trang,… Nhà xe Thành Bưởi cung cấp cho bạn nhiều hình thức lựa chọn đi lại như xe ghế ngồi, ghế nằm hoặc giường nằm. Giá vé một chiều dao động từ 190.000đ đến 250.000đ tùy thời điểm. Còn Phương Trang chỉ có xe giường nằm từ Sài Gòn đi Đà Lạt với giá cũng chừng đó tiền. Nhưng theo tôi bạn nên mua vé xe khách để đến được Đà Lạt, vừa an toàn, tiện lợi mà giá thành cũng không quá cao. Tôi khuyên các bạn nên đặt vé trước với các nhà xe từ 3 ngày cho tới 1 tuần trước khi đi để có được ghế tốt theo ý mình. Khi đến Đà Lạt rồi bạn nên đặt ngay vé về với nhà xe mình đã chọn để có được ghế như ý muốn. Để đặt vé, bạn có thể liên hệ với tổng đài của các nhà xe hoặc qua trang web Pasoto.com – một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ đặt vé xe khách để tìm cho mình những vé có giá tốt nhất. Khi đến với Pasoto.com, bạn có thể nhanh chóng tìm được cho mình một chiếc vé có giá tốt nhất, tiết kiệm thời gian đi lại ra bến xe hoặc gọi điện thoại lên tổng đài các nhà xe để đặt vé, một cách thuận tiện và an toàn. Ngoài ra khi chọn Pasoto.com để đặt vé, bạn còn có thể lựa chọn hãng xe, chuyến, loại xe cũng như số ghế theo ý thích của mình.
Đà Lạt là thế, dịu dàng và lãng mạn. Nhưng tại sao người ta luôn gọi Đà Lạt là thành phố buồn? Là do mỗi khi có chuyện buồn, chúng ta đều kể cho Đà Lạt nghe, chúng ta đều tâm sự với Đà Lạt. Và vô tình trong đó ta như nhẹ nhõm hơn sau khi trút bỏ những điều không hay, lâu dần Đà Lạt trở thành người-giữ-kỉ-niệm-buồn của bao du khách khi về thăm nơi đây? Mỗi người chúng ta  sẽ có cách trả lời khác nhau và cách cảm mến Đà Lạt riêng cho mình. Và Đà Lạt sẽ luôn là một trong những điểm ưu tiên hàng đầu dành cho ai có kế hoạch du lịch trong thời gian sắp đến.
Trương Khánh Sơn
Theo https://pasoto.com/


1 nhận xét:

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...