Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Không gian hiện thực và kỳ ảo trong truyện thơ Nôm khuyết danh

Không gian hiện thực và kỳ ảo 
trong truyện thơ Nôm khuyết danh 
Trong truyện thơ Nôm, không gian nghệ thuật khá đa dạng. Đó có thể là hình tượng không gian mang tính ước lệ tượng trưng với những cảnh sắc nơi thiên đình, cõi trời (với cảnh bồng lai, tiên cảnh nơi thượng giới), địa ngục (cảnh âm u nơi âm phủ, thủy phủ, thủy cung nơi xuất hiện quỷ sứ, chúa ngục, diêm vương, hà bá...); không gian cung đình (nơi xuất hiện cung nữ, công chúa, hoàng tử, hoàng hậu, vua...); không gian sinh hoạt ở làng quê (cảnh đường làng, bờ ao, ngõ trúc, bến sông, gốc đa, giếng nước với các nhân vật gần gũi, mộc mạc, quen thuộc hằng ngày như cô thôn nữ, anh trai cày, bà già đi chợ, đứa trẻ chăn trâu...); không gian tu hành (khung cảnh chùa chiền gắn với các nhân vật ni cô, chú tiểu, phật Quan Âm...). Không gian được biểu thị bằng những khái niệm vốn đã quen thuộc trong đời sống (trên cao - dưới thấp, trong - ngoài, rộng - hẹp, dài - ngắn...) lẫn những điều tưởng tượng, hư cấu vốn không có thực. Các yếu tố này là “vật liệu” chủ yếu để hình thành không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Cũng vì vậy mà có thể thấy không gian nghệ thuật thể hiện chủ yếu ở cái nhìn, điểm nhìn, điểm quan sát để xác định hình thức tồn tại của sự vật, con người. Nếu không có sự hiện hữu của yếu tố không gian thì cũng không thể hình dung được thế giới nghệ thuật.
Không gian nghệ thuật có tác dụng mô hình hóa các mối quan hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự... Nó chẳng những cho ta thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học mà còn cho thấy quan niệm nghệ thuật của tác giả. Không gian nghệ thuật trong truyện thơ Nôm không đơn giản là không gian có trong hiện thực mà còn gắn cả với cái ảo tưởng của con người. Nó chi phối quan niệm sáng tác của nhà văn; tạo ra những kiểu hình tượng không gian độc đáo như “Không gian hiện thực”, “không gian huyền ảo”, “không gian vật lý”, “không gian tâm lý”...
Không gian hiện thực
Khái niệm không gian hiện thực mà chúng tôi dùng ở đây là không gian trần thế, gắn với đời sống thực tế. Tất nhiên khi xuất hiện trong tác phẩm văn học thì đó là một thứ “thực tế” đã được phản ánh, được khúc xạ qua chủ quan của nhà văn, do đó không có cái gọi là “sự thật tuyệt đối”, mà là một hình tượng nghệ thuật.
Việt Nam là đất nước của nền nông nghiệp, người Việt luôn sống thân thiện, giao hòa cùng với thiên nhiên, vũ trụ. Con người luôn chịu sự che chở của vũ trụ nên trong tâm thức của họ, không gian luôn gắn liền với thiên nhiên, với vũ trụ rộng lớn. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến hình tượng nghệ thuật trong truyện thơ Nôm khuyết danh.
Khung cảnh hoang sơ, thiên nhiên kỳ thú là hình ảnh thường thấy trong truyện thơ Nôm khuyết danh. Bởi đây là chốn phù hợp cho những con người thuộc tầng lớp bình dân, vốn xa lạ với nơi đô hội. Chàng Thạch Sanh chẳng hạn, môi trường sống quen thuộc là: “Rừng xanh núi đỏ vào ra/ Chim kêu vượn hót ấy là thú riêng”. Kể cả khi đã sở hữu những vật dụng kỳ diệu (cây đàn thần, niêu cơm thần) thì chàng vẫn thích sống giữa thiên nhiên, bầu bạn cùng trăng, gió: “Tiêu dao ngày tháng thong dong/ Bạn cùng giăng gió, vui cùng nước mây”. Để rồi khi gặp phải tai họa hiểm nguy, núi rừng vẫn phải là nơi tâm hồn yên tĩnh nhất: “Lại tìm chốn cũ hàn khê/ Trước thăm mồ mả sau về cội đa”. Tình cảm của con người với người bạn thiên nhiên lúc nào cũng chân thật, ấm áp. Bởi “đất là mẹ, những bông hoa ngát hương là người chị và dòng sông là máu của tổ tiên”, thiên nhiên là người bạn cố tri của con người, là những gì thiêng liêng nhất, nó gắn bó với con người như máu thịt và có thể sẻ chia những buồn vui.
Một trong những điểm thành công của truyện thơ Nôm là gắn con người với môi trường tự nhiên; coi con người cũng là một phần của vũ trụ, vạn vật. Hoạt động của con người không tách rời mà gắn liền với sự vận động của tự nhiên.
Hình tượng không gian xuất hiện trong truyện thơ Nôm có cả không gian “tĩnh” lẫn không gian “động”; chẳng những có không gian thực tế, không gian vật lý mà còn có cả “không gian tâm lý”, “không gian tâm trạng”. Chàng Tống Trân đi sứ sang Tần quốc, con đường xa xôi, lý trình được mô tả là “đường đi ba tháng sơn hà”, suốt ngày chỉ thấy “dặm đường núi khe”. Trên cái nền đó, chuyến đi sứ của chàng càng gian lao, buồn thảm:
Than thôi, dong ngựa lên đường,
Mấy ngày trải những dặm đường
núi khe.
Tiếng quyên như giục đêm hè,
Vì ai nên nỗi biệt ly cửa nhà.
(Tống Trân Cúc Hoa)
Đó là tâm lý sầu bi, nhiều khi  là nỗi ám ảnh, ghê sợ đến rợn người:
Một mình lên núi Ba Vì
Chim kêu vượn hót, quản chi
đường rừng
Dưới khe nước lạnh vang lừng
Đầu non thăm thẳm trông
chừng ghê thay
 (Tống Trân Cúc Hoa)
Không gian hiện thực trong truyện thơ Nôm khuyết danh thường được đánh dấu, hạn định bởi những sự vật quen thuộc như ao hồ, bờ giậu, cánh đồng, giếng nước, gốc đa... Dấu ấn làng quê Việt Nam xuất hiện với tần số cao trong nhiều truyện thơ Nôm, tạo cảm giác dân dã, bình dị đậm màu sắc truyền thống. Có thể thấy tất cả mọi yếu tố thuộc thế giới nghệ thuật truyện khuyết danh đều mang dáng dấp, không khí thôn quê. Thậm chí ngay cả khi mô tả chốn kinh đô, cung đình hay những chỗ cung cấm, gia đình quyền quý thì những dấu hiệu quý tộc cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều được dân dã hóa một cách triệt để, mọi yếu tố đều có màu sắc quê cảnh rất rõ nét.
Trong truyện Cái Tấm Cái Cám, cung cấm của nhà vua cũng được “thiết kế” theo đúng mô thức một cái làng Việt điển hình. Ở đấy có đủ thứ vườn tược, có bờ rào phơi quần áo, có khung cửi dệt vải, vườn xoan mắc võng, có quán nước nhà vua ghé ngồi ăn trầu nghỉ trưa. Thế nên mới có những tình tiết thú vị như lời cảnh báo: “Kêu rằng phơi áo trên sào/ Chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”, khiến Cám hoảng quá:
Cám về sai lính giết liền
Ăn xong lại vứt lông chim ra vườn
Lạ thay vừa được mấy hôm
Đống lông chim bỗng hóa luôn
xoan đào
Mấy cây tươi tốt nhường bao
Ngày ngày vua bắc võng đào
ngự chơi
Cảnh kia sao khéo ưa người
Vườn xoan vua mảng vui chơi
suốt ngày
Dễ dàng nhận ra ở đây chẳng có một không gian cung đình thực sự nào cả mà đó chỉ là khung cảnh làng quê. Điều này chứng tỏ “tác giả của truyện thơ Nôm bình dân phần lớn là những ông đồ nghèo, chưa từng đặt chân vào nơi cung cấm quyền quý”. Thậm chí ở những truyện như Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thạch Sanh... các nhân vật chính là những người thường xuyên xuất hiện ở cung đình nhưng bối cảnh để diễn ra các sự kiện liên quan đến họ cũng chỉ quanh quẩn ở góc nhà, gốc đa, bờ ao, cánh đồng...
Trong truyện Tống Trân Cúc Hoa, nhân vật Tống Trân khăn gói lên kinh ứng thí, chàng ngồi chờ đợi để biết kết quả ở một nơi thật bất ngờ: Tống Trân ngồi ở trên cầu/ Hai hàng nước mắt bỗng đâu ròng ròng. Tư gia quan trạng nguyên Tống Trân cũng chỉ là một nơi hiu quạnh, hoang vắng tuyệt nhiên không thấy bóng lính tráng, người hầu kẻ hạ: Cửa nhà quang cảnh ra sao/ Trong ngoài vắng vẻ âu sầu không ai (Tống Trân Cúc Hoa). Chẳng có chút nào là cung cấm, quyền quý. Suốt từ đầu đến cuối câu chuyện không thấy không gian của chốn kinh kỳ, phồn hoa đô thị chỉ thấy duy nhất là không gian của làng quê đầy màu sắc hiện thực. Đôi lúc, không gian ấy không phải là bản thân của hiện thực bởi khi đi vào tác phẩm những chi tiết nhiều khi chỉ là tín hiệu thẩm mỹ mang tính ước lệ tượng trưng.
Có thể nói không gian hiện thực trong truyện thơ Nôm là nơi để tác giả miêu tả sự tồn tại và xuất hiện của nhân vật. Ở khoảng không gian hiện thực này, nhân vật thường gặp áp bức, khổ đau, bất công. Con người muốn thực hiện hoài bão, ước mơ, khát vọng thì thường hướng đến không gian kỳ ảo.Tuy nhiên nếu con người biết chấp nhận thực tại, đấu tranh chống lại thực tại, lúc đó không gian hiện thực mới có thể là nơi họ trải nghiệm hạnh phúc. Chính vì thế mà nhân vật đi tìm công lý có thể trải khắp thiên đường địa ngục nhưng cuối cùng cũng chỉ có quay lại cõi trần mới thực sự mãn nguyện. Chàng Từ Thức (truyện Từ Thức) chẳng hạn, chấp nhận từ giã cõi tiên để về quê nhà, chấp nhận tuổi già, sự cô đơn vì nơi đó có không gian hiện thực của nhà cửa, xóm làng, bạn bè, mồ mả tổ tiên. Hoặc như Phạm Công (Phạm Công Cúc Hoa), qua bao lần đấu tranh ở chốn âm phủ, chàng đã vượt qua 5 cửa ngục, chịu nhiều khổ sở mới tìm gặp được Cúc Hoa để cuối cùng được trở về cõi thực. Truyện Phạm Tải Ngọc Hoa cũng như vậy. Mặc dù hai vợ chồng đã gặp nhau ở âm phủ, không gian này không thể giúp họ có hạnh phúc. Nhưng rồi họ cũng xin trở về với không gian thực tế, nơi đó họ mới có thể tìm thấy hạnh phúc của mình.
Có thể thấy không gian thực tế, nhất là không gian làng quê là nơi đã giúp nhân vật có cuộc sống bình yên. Thạch Sanh khi ở gốc đa thì cuộc sống yên bình (dù chỉ là tạm bợ), Thạch Sanh đi khỏi gốc đa là hiểm nguy, lừa lọc; Tấm trở về quán nước bà lão là cuộc sống ấm êm. Để xây dựng được không gian ảo, tác giả truyện thơ Nôm chắc chắn đã chịu sự chi phối nhất định của quan niệm xã hội đương thời.
Không gian kỳ ảo
Trong truyện thơ Nôm, không gian kỳ ảo là hình tượng mang tính ước lệ cao. Đó là cảnh thiên đình, âm phủ, thủy phủ... những không gian này không hề tồn tại trong thực tế. Nó chỉ có trong tưởng tượng, trong cảm thức của con người. Không gian kỳ ảo gắn với những nhân vật, sự kiện khác thường. Nơi con người có thể tiếp xúc với các lực lượng siêu nhiên, nơi những giới hạn của con người bình thường được cởi bỏ. Con người có thể hiểu được loài vật, đồ vật, giao tiếp được với tiên, bụt; người chết rồi sống lại, người sống có thể gặp được người đã chết...
Những nơi chốn kỳ lạ như thế được mô tả rất nhiều trong truyện thơ Nôm khuyết danh. Đó là những Non Bồng, Bồng Lai, Cõi Phật, Thượng Giới, Âm Phủ, Thủy Cung... Cả người sáng tác lẫn người thưởng thức đều hướng đến những nơi như thế với niềm tin thành thực.
Chàng Từ Thức (truyện Từ Thức) lên tiên giới, sống ở một nơi mà con người không già, không chết: Chẳng vui thể chốn non bồng/ Phần du xin thử nán lòng cùng nguôi. Chàng trai xứ Tiên Du lọt vào chốn tiên cảnh lâu ngày, từ đây nhìn ra cửa bể ở phương nam thấy thuyền bè đi lại như hư như thực: Buồn trông cửa bể mịt mùng/ Lá buồm thương khách vẫn dòng Nam Minh/ Lại càng như giục sự mình/ Nước sâu bao nả gia tình bấy nhiêu/ Đoái trông bóng ác ban chiều/ Máu quyên đội giọt rơi theo lửa hè. Vốn là bậc phong lưu, từng đi đến rất nhiều hang động, tháng ngày vui chơi khắp đó đây, gặp chỗ nào thích là ngã rượu ra uống, những nơi non nước kỳ thú thì làm thơ đề vịnh. Khi lọt vào chốn bồng lai tiên cảnh chàng vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý lo sợ: Trông ra cửa đã đóng rồi/Núi lam hơi chướng đứng ngồi không yên/Biết là động quỷ hang tiên/Làm tươi tỉnh gượng sẽ men móc lần/Càng trông càng rõ dần dần/Mây gần êm lặng, đá gần phẳng phiu/Có chừng đường lối ra vào/Gà eo óc gáy, chim xào xạc bay/Nắng soi độ nửa ban ngày/Mở quang trời rộng ra ngay đất bằng/Long lâu, phượng các tầng tầng/Từ lang lòng đã chắc rằng cõi tiên/Song phiền còn lạ chưa quen/Nửa mừng nửa sợ, nửa tin nửa ngờ.
Thật là một khung cảnh kỳ lạ, bí hiểm. Cảnh sắc này rất phù hợp với những nhân vật, những sự việc lạ lùng. Nó khiến cho câu chuyện về mối nhân duyên với người Tiên của Từ Thức càng thêm hấp dẫn.
Chàng Thạch Sanh từng làm khách quý của vua Thủy Tề ở chốn Thủy Cung; Chàng Chuối cũng gặp vua cha (Thủy Tinh) ở thế giới kỳ lạ đó; chàng Phạm Công tìm vợ khắp chốn Địa Phủ tối tăm...
Không gian kỳ ảo là một sự bổ sung quan trọng vào thế giới nghệ thuật truyện thơ Nôm khuyết danh. Nếu không gian thực là ngắn ngủi, hạn định, ở đó cuộc đời con người ngắn ngủi, mong manh như chiếc lá thì ở thế giới ảo, ở không gian ảo, khả năng con người được nhân lên, mở rộng thêm. Chính ở thế giới này họ mới tìm thấy hạnh phúc cho mình. Đây là một giải pháp nghệ thuật mà tác giả truyện thơ đã sử dụng. Những hình ảnh, biểu tượng không gian đó chỉ mang tính chức năng và nó gắn với một quan niệm nghệ thuật; nó là công cụ để tác giả tạo ra sự cân bằng trong đời sống tinh thần, giúp con người vượt qua áp lực từ đời sống hằng ngày.
Có thể nói không gian nghệ thuật truyện thơ Nôm khuyết danh là một trong những hình tượng thể hiện rất rõ thế giới quan của người bình dân. Đó là không gian của trời đất giao hòa, của thế giới hiện thực nhiều màu sắc, không gian của những điều kỳ ảo, kỳ diệu. Sống trong một xã hội nhiều bất trắc, không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học thể hiện rất rõ quan niệm, nhận thức, khát vọng của người bình dân. Các kiểu dạng không gian khác nhau đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của loại hình văn học này.
Hồ Thị Yến Minh
Theo http://vannghedanang.org.vn/

1 nhận xét:

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...