Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Xứ tuyết

Xứ tuyết
Có lẽ những ai yêu mến văn học Nhật Bản đều biết đến cuốn tiểu thuyết Xứ Tuyết, hay Vùng Băng Tuyết, của văn hào Kawabata Yasunari. Xứ Tuyết được viết trong khoảng thời gian từ năm 1935 tới năm 1947. Trước khi được xuất bản dưới dạng ấn phẩm hoàn chỉnh, tác phẩm này đã được đăng nhiều kỳ trên báo. Xứ Tuyết ngay khi ra đời đã được đánh giá là một kiệt tác, đưa Kawabata trở thành một trong các nhà văn hàng đầu của Nhật bản thời bấy giờ và sau này, cùng với các tác phẩm khác đã đưa ông đến với giải Nobel văn học năm 1968. Trong diễn văn tại lễ trao giải, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã ca ngợi: "Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người".
Xứ tuyết mang âm hưởng truyền thống lữ hành của các thi nhân văn sĩ Nhật Bản từ xa xưa. Câu chuyện theo bước chân của chàng trai trẻ Shimamura du hành ngoạn cảnh và tắm suối nước nóng. Shimamura, sinh ra và lớn lên ở một khu phố thương mại của Tokyo, đã lập gia đình, nhưng lại say mê với cái đẹp như bị một huyền lực điều khiển, vì vậy chàng đam mê theo học nghệ thuật vũ đạo Tây phương và hoạt kịch. Là một chàng trai tài tử nhàn rỗi thiếu thành khẩn với chính mình, lại có đôi lúc khát vọng tự tìm hiểu bản thân thôi thúc, nên chàng thích lên miền núi một mình và đã ba lần lên xuống xứ tuyết phía Bắc Nhật Bản trong ba mùa khác nhau Xuân - Thu - Đông.
Trong lần thứ nhất vào thời điểm mở cửa mùa leo núi, mùa xuân bắt đầu với chồi non xanh thẳm và hương thơm ngát, chàng gặp nàng ca kỹ (geisha) Komako. Komako là một cô gái đại diện cho vẻ đẹp tràn trề nữ tính, mạnh mẽ, tương phản giữa thánh thiện và trần tục, giữa tỉnh táo và đam mê, giữa vẻ đẹp sáng ngời nét thơ ngây bên ngoài và sức trầm lắng của nội cảm. Cảm giác mà nàng đem lại cho Shimamura là sự tươi mát và thanh sạch tuyệt vời. Trong những đêm khi mà nàng giúp vui tiệc tùng bằng cách đánh đàn samisen cho những khách du hành, uống rượu say và mệt lả, nàng về bên Shimamura với sự nồng nhiệt khiến chàng rung động đến tận tơ lòng.
Con tàu đưa Shimamura vượt qua đường hầm đến xứ tuyết lần thứ hai để gặp lại Komako vào mùa đông, vài tuần trước khi mở mùa trượt tuyết. Trong ánh sáng mờ ảo, Shimamura mê mẩn ngắm khuôn mặt người thiếu nữ ngồi đối diện với chàng ngời lên trên tấm kính cửa sổ toa tàu, với vẻ đẹp vừa huyền ảo vừa siêu phàm, với sự duyên dáng kỳ lạ của khuôn mặt trôi qua phong cảnh ban đêm. Cô gái đó, chàng còn gặp lại ở vùng băng tuyết, chính là Yoko. Một ca kỹ với vẻ đẹp trong trắng và xa vời, mong manh và mờ ảo, tin cậy và thơ ngây ngay cả trong cách nàng thể hiện tình cảm với Shimamura, với giọng nói “truyền cảm, trong thanh và đẹp đến não lòng”, khiến chàng mỗi lần tiếp xúc là mỗi lần khám phá thêm một nét quyến rũ nơi nàng.
Rồi những ngày đầu mùa thu với lá phong đỏ thắm, Shimamura lại rời Tokyo để đi nghỉ ở xứ tuyết. Ở đó, giữa hai người con gái xứ tuyết, trong khung cảnh của một vương quốc mà cảnh sắc, con người, phong tục, lối sống đều hồn hậu, chất phác và dịu dàng, chàng mẫn cảm sâu sắc trước cái đẹp nhưng lại đắn đo lưỡng lự giữa hai mối tình, một nặng về thể xác, một nặng về tâm hồn. Say đắm Komako nhưng trong Shimamura luôn hiện diện ánh sáng kỳ ảo lóe lên từ Yoko. Xúc cảm tình yêu của chàng dành cho Yoko ngày càng lớn dần khi chàng cảm nhận được cái mờ ảo và mong manh của vẻ đẹp khó diễn tả ấy, một vẻ đẹp chàng khao khát theo đuổi và nắm bắt cả đời. Trong khi Komako càng đến bên chàng thân thiết, gần gũi, mãnh liệt và hy sinh bao nhiêu, thì cứ mỗi lần rời xa xứ tuyết chàng lại thấy nàng biến mất không còn lưu lại chút dư tình trong tâm trí. Tình yêu của Shimamura với Komako bắt đầu chớm những giận hờn đầu tiên. Komako hoang mang không biết Shimamura còn yêu mình thật hay không, còn chàng cũng không sao hiểu nổi sự lạnh lùng của lòng mình, tại sao mình không thể sống được mãnh liệt, trọn vẹn và hy sinh trong dâng hiến không đòi hỏi chút gì trả lại như nàng.
Đúng vào lúc Shimamura quyết định rời xa trạm nước nóng ở xứ tuyết để tránh cơn bão lòng và cắt đứt duyên nợ một cách lặng lẽ thì mọi sự đã kết thúc trong bi thảm. Trong một buổi chiếu bóng tại một nhà kho gần nơi chàng ở, một đám cháy dữ dội đã xảy ra. Mặt đất rừng rực trong tia lửa và tàn tro bốc cao lên tận bầu trời đêm, một bầu trời với dải Ngân Hà lóng lánh trong ánh sáng đẹp một cách ma quái. Yoko, người yêu thuần khiết và mối tình lý tưởng của chàng đã chết trong đám cháy đó. Khi chàng chạy tới thì thấy thân hình bất động của Yoko với gương mặt thanh tú và thánh thiện trên đôi tay Komado, còn Komako thì lời nói như mê sảng và vẻ mặt như sắp hóa điên. Chàng lảo đảo ngẩng mặt lên trời và có cảm giác dải Ngân Hà trôi tuột vào trong người chàng với tiếng gầm thét dữ dội… Wapedia
THÔNG TIN KHÁC
Xứ Tuyết, cái tên nghe thật xa xăm và xưa cũ là sức hút chính, khiến chúng tôi tìm đến vùng đất này vào một ngày cuối đông, đầu xuân.
Ngồi trên tàu Shinkansen vun vút lao lên hướng bắc, tôi giở cuốn truyện đã ố vàng theo thời gian, lần đọc từng trang và lập tức bị hút vào câu chuyện tình bi thương đã làm say đắm biết bao độc giả trên toàn thế giới.
“Con tàu đi ra khỏi đường hầm sâu hun hút, và đây đã là vùng băng tuyết. Mặt đất trải dài trắng bạc dưới màn đêm”.
Có lẽ vị khách nào tìm đến Yuzawa với mục đích như tôi cũng đều chăm chú ngó qua cửa sổ khi tàu vào đến đoạn đường hầm cuối cùng. Đường hầm sâu hun hút, hai bên cửa sổ chỉ một màu tối đen. Và cảm giác hứng khởi một cách tò mò ập đến cùng với những tia sáng đầu tiên ló ra sau đường hầm.
Xứ Tuyết đây rồi. Thị trấn nằm giữa thung lũng bốn bề là núi. Những ngọn núi phủ tuyết trắng bạc, dù dưới trời mưa vẫn ngời lên thật dịu dàng. Và dưới tuyết, thị trấn như thu mình lại, như che giấu một thế giới khác, một thế giới huyền ảo của cái đẹp, đã được Kawabata vẽ nên trong Xứ Tuyết.
Tuy Yuzawa bây giờ đã khác xưa nhiều lắm rồi, nhiều khách sạn cao tầng mọc lên thay thế cho những lữ quán kiểu Nhật, nhưng ở đây vẫn lưu giữ tất cả những gì còn liên quan tới câu chuyện tình giữa chàng trai Tokyo và hai người phụ nữ trẻ, và đặc biệt là tác giả của cuốn sách, nhà văn Kawabata.
Trước hết là ga tàu, nơi Shimamura, chàng tài tử Tokyo gặp gỡ người con gái thứ hai đã chiếm trọn trái tim chàng ngay từ lần gặp đầu tiên. Đó là ga Echigo Yuzawa, bến đỗ của rất nhiều khu trượt tuyết ở Niigata. Trong phòng chờ của nhà ga có treo những bức ảnh chụp nhà ga từ những ngày mới mở. Những người thợ phải dùng tay đào hầm xuyên lòng núi. Những cây cột đỡ hầm đầu tiên được dựng lên. Trong lòng núi tối đen, bắt đầu hình thành một đường hầm lớn. Những đường ray xuất hiện. Chuyến tàu đầu tiên là một dãy xe goòng, hành khách chen nhau đứng trên các toa, dáng vẻ đầy nghiêm trang hướng về phía thợ chụp ảnh. Vẻ mặt họ có phần căng thẳng, không biết đoàn xe sắt này sẽ đưa họ chui qua đường hầm sang phía bên kia dãy núi như thế nào. Giờ thì những đoàn tàu Shinkansen chạy suốt ngày, vài phút lại có một chuyến từ Tokyo chạy đến. Vào mùa trượt tuyết, khách đông như trảy hội. Nhà ga lúc nào cũng tấp nập người vào ra, người kéo vali, người vác những chiếc túi đựng ván trượt tuyết dài hơn cả người.
Bước ra khỏi cửa ga phía tây, rẽ theo con đường bên phải chừng vài trăm mét là tới Bảo tàng Lịch sử thị trấn Yuzawa, trong tiếng Nhật là Yukiguni-kan. Bảo tàng là một ngôi nhà 3 tầng, bề ngoài trông có vẻ cũ kỹ và lạnh lẽo. Tuy nhiên, bước chân vào trong sẽ bắt gặp ngay một không gian ấm cúng, trưng bày rất nhiều hiện vật nói về cuộc sống của người dân địa phương ở nơi xứ Tuyết này, đặc biệt là dưới thời Showa, là thời gian diễn ra câu chuyện trong cuốn sách. Những bức ảnh tư liệu cho thấy, vào tháng Chạp, tuyết rơi dày đến 3 thước, những con đường bị tuyết vùi kín, người dân phải cào những lối nhỏ giữa đường, tuyết cào sang hai bên cao quá đầu người, trông như những đường hào. Nghe nói các thôn trong làng phải phân công nhau đào tuyết dọn đường đi. Thỉnh thoảng tuyết rơi dày ngập đến tận mái nhà, lại phải dùng xẻng đào tuyết để mở lối ra. Ở những lữ quán có suối nước nóng, họ đào các con mương quanh nhà và tháo nước tắm nóng vào chống tuyết đọng. Nhà kiểu truyền thống ở Nhật làm bằng gỗ nên mùa đông rất lạnh, vì vậy giữa nhà thường có một bếp lửa. Các hoạt động chính của gia đình diễn ra quanh bếp lửa này.
Giày dép đi mùa đông thời bấy giờ là những đôi ủng rơm dày, hoặc những đôi guốc gỗ cao xỏ ngón, có phần che kín ngón trùm ra bên ngoài quai. Đặc biệt, có thể bước đi trên tuyết, người ta bện những vòng tròn to hơn cỡ chân, và đan những sợi dây qua giữa vòng tròn và buộc xuống dưới đế ủng. Đế đi tuyết như thế sẽ tản trọng lượng cơ thể dồn xuống bàn chân, làm cho chân không bị lún sâu xuống tuyết.
Bảo tàng dành riêng một tầng để trưng bày các vật dụng nhà văn Kawabata đã từng dùng khi ở Yuzawa, như chiếc kimono và áo haori khoác ngoài, chiếc đồng hồ quả quýt đắt tiền hiệu Tiffani, bộ tách uống sake mà nhà văn thích dùng để uống trà, và chiếc tách ông dành riêng để mời khách... Cũng tại đây, người ta đã dựng lại một căn phòng nhỏ, căn phòng của một geisha có thật tên là Matsuei, nguyên mẫu của nhân vật Komako. Trong bộ kimono ba màu giản dị, tóc vấn cao, cổ áo sau trễ nải để hở chiếc gáy trắng ngần, Matsuei ngồi bên bàn uống trà ngóng ra phía rặng tuyết tùng sẫm đen dưới thung lũng tuyết phủ, và xa xa là những đỉnh núi cũng phủ tuyết ngời lên dịu dàng trong ánh sáng. Có lẽ cô đang nghĩ về Kawabata.
Một bộ sưu tập tranh khổ lớn lấy cảm hứng từ câu chuyện cũng được treo trang trọng quanh phòng trưng bày, kết thúc bằng bức tranh rực lửa, khi mà Shimamura đứng như mộng mị chứng kiến cái chết của người chàng yêu, và trong giây lát, “cả dải Ngân hà như chảy tuột vào người chàng trong một tiếng gầm thét dữ dội”.
Hôm chúng tôi tới thăm bảo tàng, trời đổ mưa. Nước chảy thành suối hai bên vệ đường, nhưng đó không chỉ là nước mưa, mà là nước tuyết trên các sườn đồi đang tan chảy và cả nước tưới chống đọng tuyết trên đường. Tuy vậy, tôi vẫn quyết định đi bộ đến lữ quán Takahan, là nơi nhà văn đã ở và viết cuốn truyện này, thử đi trên con đường mà nàng Komako đã thuyết phục chàng Shimamura cùng vượt qua trong 1 đêm tuyết lạnh. Chặng đường dài gần 2 cây số, vắng vẻ, dốc dần lên lưng chừng đồi. Và đây rồi, lữ quán 800 năm tuổi sừng sững hiện ra trong màn mưa. Tuy đã sang xuân và mưa có làm tuyết tan, nhưng lữ quán vẫn bật ống tưới nước, chắc để cho tuyết rơi ban đêm không đọng dưới bậc thềm. Và chắc đây là nước suối khoáng dẫn ra từ phòng tắm suối nước nóng, giống như con mương đào cạnh chân tường nhà mà chủ ngôi lữ quán trong cuốn truyện đã cho đào để ngăn tuyết đóng bên nhà.
Lữ quán 800 tuổi này đã được xây dựng lại vào năm 1989, ngày nay là một tòa khách sạn kiểu Nhật bề thế. Trong sảnh rộng có cả thang cuốn dài và cao, đưa khách lên tầng. Bà chủ lữ quán dẫn tôi đi xem căn phòng, sau khi xây dựng lại, vẫn được giữ nguyên với các vật dụng và đồ gỗ từ thời Showa. Căn phòng nhìn xuống thung lũng trải dài tới những rặng núi xa.
Bà chủ lữ quán năm nay đã ngoại 70, vẻ mặt tươi sáng và đôn hậu, tự hào kể: ”Takahan là khách sạn có lịch sử lâu đời nhất ở Yuzawa. Chúng tôi là đời thứ 36. Tổ tiên của chúng tôi đã phát hiện ra nước suối nóng ở đây, và đã đến đây sinh cơ lập nghiệp.”
Các bức ảnh trưng bày trong lữ quán cho thấy, lữ quán đã thay đổi rất nhiều. Vào năm Meiji 38, tức năm 1905, lữ quán khi đó tuy đã nhà ngang dãy dọc, nhưng mới có hai tầng. Tới năm 1935, trong làng đã có rất nhiều lữ quán khác, tất cả đều thấp tầng, nằm nép mình bên sườn núi. Takahan khi đó đã được dựng lại thành 3 tầng. Đây chính là thời điểm mà Kawabata đang đi về giữa Tokyo và Yuzawa. Bà chủ quán cho biết: ”Lần đầu tiên ông tới đây là vào năm 1934, và trong vòng 3 năm sau đó, ông đi lại nhiều lần, để viết tác phẩm Yukiguni. Phòng ông ở vào thời đó là phòng tốt nhất của lữ quán. Ba bề là cửa sổ nên có tầm nhìn rất tốt, ông ấy rất thích. Ngày xưa, đến các lữ quán Nhật bản, buổi tối người ta thường mời geissha đến phòng chơi, từ đó Kawabata đã nảy ra cảm hứng để viết tác phẩm. Viết xong từng đoạn, ông lại gửi đến báo qua đường bưu điện. Nhiều người nổi tiếng đã đến đây và để lại lưu bút, trong đó có đạo diễn Toyota Shiro và các diễn viên Kishikeko, Yachigusa Kaoru cùng đoàn làm phim đến để quay phim Yukiguni, dựa trên tác phẩm của ông. Nhiều nhà thơ nổi tiếng, như Kitahara Hakushu hay các nhân vật nổi tiếng khác như thủ tướng Tanaka Kakuei cũng đã từng đến đây.
Không chỉ bảo tàng Yukigunikan và lữ quán Takahan, rất nhiều nơi trong thị trấn Yuzawa vẫn còn lưu dấu câu chuyện tình bi thương trong Xứ Tuyết, như khu rừng tuyết tùng cạnh ngôi đền phía dưới sườn núi, nơi Shimamura lần đầu tiên cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp thuần khiết và hơi thở mát rượi của Komako. Thác nước phía xa cho tới nay vẫn không hề thay đổi. Rồi khu trượt tuyết Nunoba lâu đời nhất ở Yuzawa, nằm trên đường từ nhà ga tới khách sạn, nay đã trở thành khu trượt tuyết lớn với nhiều đường trượt. Và còn rất nhiều dấu vết mới, mà sau này các đoàn làm phim dựa theo tác phẩm Xứ Tuyết đến đây đã để lại.
Trước đây, Yuzawa vốn nổi tiếng là khu nghỉ suối nước nóng, nhưng với sự phát triển của môn trượt tuyết, giờ đây, thị trấn miền núi này là một trong những khu nghỉ trượt tuyết hấp dẫn nhất Nhật bản. Trong dòng người vẫn đang háo hức đổ về nơi này, không ít người đã dành thời gian tìm lại một thế giới xưa cũ, tưởng chỉ còn trong ký ức, nhưng vẫn song hành với dòng chảy hiện tại của thời gian.
Trong chuyến đi lần theo dấu vết của câu chuyện trong Xứ Tuyết, chúng tôi tìm được một bài viết, đăng trên Tuần san Shincho, (Tân Triều) một tạp chí văn nghệ rất nổi tiếng của Nhật, số ra cách đây khoảng 7-8 năm.
Chính giữa trang tạp chí là ảnh bán thân thời trẻ của bà Odaka Kiku, nàng Geisha trong đời thực, nguyên mẫu nhân vật Komako trong tác phẩm Xứ Tuyết. Ảnh chụp năm 1935, khi bà tròn 20 tuổi. Cô gái trong ảnh có gương mặt tràn trề sức sống, tươi như 1 đóa hoa buổi sớm, đúng như lời miêu tả Komako của Kawabata, đó là một vẻ đẹp tươi mát tuyệt vời”.
Sinh ra trong một gia đình rất nghèo, bà đã đi học làm geisha từ nhỏ. Năm 13 tuổi, bà đến Yuzawa làm geisha kiếm sống, lấy tên là Matsuei. Năm 1934, bà gặp Kawabata. 1937 bà thôi làm geisha, lấy chồng làm nghề thợ may kimono. Bà hầu như không nói gì về mối quan hệ với Kawabata, kể cả khi ông đoạt giải Nobel và khi ông qua đời sau đó. Tuy nhiên, sau khi bà qua đời, chồng bà nói rằng, tuy Yukiguni là tác phẩm văn học nhưng hầu như tất cả đều là chuyện thật.
Ông cho biết, thời quen biết Kawabata, Matsuei thường đến với ông Kawabata ở khách sạn. Bà thường đến vào sáng sớm, đi thẳng vào phòng, mang theo nước nóng để chăm sóc cho Kawabata. Thời đó, bà còn rất nghèo. Tuy làm geisha nhưng chỉ có độc một chiếc áo kimono.
Trong khi Kawabata viết tác phẩm này, bà không hề hay biết rằng, mình chính là nguyên mẫu của nhân vật chính. Sau khi câu chuyện được đăng trên báo, mọi người đều nói rằng người phụ nữ trong câu chuyện chính là bà. Khi đó, bà cảm thấy rất giận vì Kawabata đã không nói gì cả. Sau này khi đi lấy chồng, bà đã đốt thư xin lỗi, tập bản thảo mà Kawabata gửi tặng, đồng thời đốt luôn cả nhật ký của mình.
Vốn là người có tính cách rất mạnh mẽ, quyết đoán, bà quyết rũ bỏ quá khứ để bắt đầu một cuộc sống mới tại một nơi khác. Khi Kawabata được giải Nobel, nhiều người đã đến thăm bà, có cả sinh viên đến phỏng vấn để làm luận văn tốt nghiệp. Có một lần, trước khi Kawabata tự tử, bà đã nhận lời tham gia một chương trình có Kawabata tham dự. Đây là lần duy nhất bà nhận lời tham gia một chương trình như vậy. Nhưng đáng tiếc, ông Kawabata đã chết trước khi chương trình kịp diễn ra. Sau khi bà qua đời, chồng bà đã tìm thấy rất nhiều bài viết trên báo liên quan đến Yuzawa được bà cắt ra và giữ kín. Chồng bà cho rằng, bà đã rất nhớ Kawabata, nhưng bà chôn chặt bí mật đó trong lòng để sống hạnh phúc và hòa thuận với chồng cho đến tận cuối đời.
Yasunari Kawabata
Ngô Văn Phú - Vũ Đình Bình dịch
Theo http://www.sachhay.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trướ...