Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Ca sĩ 'thất học'

Ca sĩ 'thất học'
Ca sĩ 'thất học': 1 - Thói ăn xổi ở thì
Thích nổi tiếng nhanh, nền tảng cơ bản về âm nhạc không có, điều kiện đào tạo thiếu và chệch hướng, Ca sĩ Việt ngày nay khó tìm được vị trí cao.
Thời nay, làm ca sĩ chỉ với giọng ca không thôi chưa đủ. Muốn trở thành ngôi sao trên sân khấu mang tầm quốc gia và khu vực đòi hỏi ca sĩ phải có nhiều kỹ năng qua đào tạo rèn luyện bài bản, đúng chuẩn mực quốc tế mới mong đạt đến. Thế nhưng, không phải ca sĩ nào cũng nhận thức được điều đó.
Thích “ăn xổi ở thì”
Đạt được thứ hạng cao ở các cuộc thi hát trên sóng truyền hình nhưng hầu như các giọng ca triển vọng này không muốn bước chân vào các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp mà chỉ muốn làm ca sĩ ngay. Thậm chí, các suất học bổng của một số trường dạy nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước ưu ái dành cho cũng bị họ từ chối. Đi học trường lớp bài bản là điều mà các giọng ca trẻ rất e ngại, trong khi các ca sĩ trên thế giới và trong khu vực đều lấy việc học làm nền tảng phát triển sự nghiệp lâu dài.
Không muốn mất thời gian cho những khóa học bài bản dài hạn, một số ca sĩ trẻ muốn mình có được sự khác biệt, nổi trội nên nghĩ ra nhiều cách thức tạo phong cách trình diễn gây ấn tượng so với đồng nghiệp bằng cách đi học một vài ngón nghề đủ để làm màu trên sân khấu. Ca sĩ K. là một ví dụ. Cô tìm đến một nghệ sĩ violon tiếng tăm của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM để học nghề. Với quyết tâm cao, cô không ngại dành thời gian cho việc học nhưng chỉ yêu cầu người dạy là “luyện cho em có thể kéo thuần thục một đoạn nhạc để tạo không khí hứng khởi cho người xem khi trình diễn trên sân khấu là đủ”. Nghệ sĩ violon này cho biết anh thật sự kinh ngạc đến mức không thốt nên lời khi nghe yêu cầu của cô ca sĩ này.
Thực tế, trường hợp của ca sĩ K. không hiếm. Trong tư duy của hầu hết ca sĩ hiện nay, học nhạc chỉ là thứ phụ trợ cho nghề hát, nắm bắt cơ hội làm cho mình nổi tiếng mới là quan trọng. Vì vậy, thay vì phải xây dựng nền tảng bằng kiến thức âm nhạc cho bản thân, nhiều người đã chọn việc xây dựng một ê-kíp hỗ trợ, trong đó có giới truyền thông, ngồi bày mưu tính kế làm sao có được sự nổi tiếng nhanh nhất. Ca sĩ Ngọc Tuyền kể một “hot boy” có giọng hát tốt đã học luyện thanh để thi vào Nhạc viện TP HCM. Cậu ta có đủ khả năng trở thành sinh viên khoa thanh nhạc Nhạc viện TP HCM nếu chịu thi vào nhưng đáng tiếc là chỉ luyện thanh được 2 tuần, cậu ta bỏ học. Một thời gian ngắn sau đó, ca sĩ Ngọc Tuyền mới vỡ lẽ khi thấy chàng trai này cặp kè với một người mẫu tham gia đóng phim, đi hát và giỏi nhất là tạo xì-căng-đan để được xuất hiện sớm trên mặt báo.
Những trung tâm đào tạo ca sĩ do các ca sĩ có tên tuổi thành lập mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu muốn trở thành ca sĩ của nhiều người trong những năm gần đây. Đó là những khóa đào tạo ngắn hạn, đôi ba tháng với bài tập vỡ giọng, kinh nghiệm biểu diễn cùng đôi ba bài vũ đạo… Sau khi bỏ tiền đầu tư một sản phẩm CD, những học viên này nghiễm nhiên trở thành ca sĩ. Vài năm gần đây, khi các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng ca hát nở rộ, nhiều thí sinh sau khi rời cuộc thi bước ngay vào nghề ca hát trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Ca sĩ chỉ hát được buổi tối
Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện ca sĩ không thể hát trong khoảng thời gian từ sáng đến chiều, vì lúc ấy, thanh quản chưa “mở”. Đó là lý do họ “chỉ có thể hát vào buổi tối”, như nhiều ca sĩ vẫn nói. Nghe có vẻ hợp lý nhưng những người trong giới khẳng định đã là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải hát được bất cứ lúc nào. Đâu có ca sĩ chuyên nghiệp nào trên thế giới từ chối hát buổi sáng hay chỉ có thể hát được vào buổi tối như ở Việt Nam! Thực tế cho thấy Thu Minh, Hồng Nhung, Thanh Thúy, Thanh Bùi, Đức Tuấn, Quang Dũng... vẫn xuất hiện trong những chương trình ghi hình lúc sáng sớm. “Ca hát cũng chỉ là một công việc nên cũng sẽ phải phục vụ bất cứ thời gian nào khi có yêu cầu” - ca sĩ Hồng Nhung cho biết. Nhìn khắp thị trường nhạc Việt, số ca sĩ “hát được mọi thời điểm trong ngày” rõ ràng không nhiều. Có ca sĩ khá nổi tiếng trong ngày ra mắt album của mình mà không thể hát được vì lý do “chưa mở giọng”.
Điều thường gặp nhất ở giới ca sĩ là họ luôn cho rằng mình không thể hát hay, thậm chí hát live (hát giọng thật) khi tiết mục biểu diễn có thêm phần vũ đạo. Nhiều ca sĩ phân trần “vũ đạo quá mệt nên khó để hát thật” nhưng theo ca sĩ Đức Tuấn “đã là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải hát hay; còn những thứ khác, công chúng không quan tâm”.
Với phần lớn ca sĩ hiện nay, việc “hát lúc nào cũng được, hát hay kể cả khi hát live lẫn khi kết hợp với vũ đạo là điều khó thực hiện. Bởi đến 90% giọng ca hiện nay đều không được đào tạo bài bản. Ý thức học tập chỉ dừng lại ở mức “học thì tốt mà chẳng học cũng không ảnh hưởng gì”. Vì vậy, số ca sĩ vừa làm nghề vừa chịu khó học luyện thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt là ca sĩ trẻ. 
Bắt chước rập khuôn
Trong giới ca sĩ trẻ hiện nay, công chúng không thể phân biệt được từng giọng ca nếu không nhìn. Họ giống nhau không chỉ chất giọng, cách xây dựng hình ảnh và phong cách âm nhạc... Đây là hệ quả của nhận thức bắt chước rập khuôn một hình mẫu đang thành công trên thị trường nhạc Việt, bất chấp có phù hợp với mình hay không.
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá: “Trình độ cảm thụ âm nhạc là giúp ca sĩ hiểu thông điệp của một ca khúc nhưng phải xử lý ca khúc ấy bằng cảm xúc của người hát đó mới là ca sĩ chuyên nghiệp. Trong khi đó, nhiều ca sĩ Việt chỉ biết hát như thợ hát, hát như trả bài. Không phải họ không có cảm xúc nhưng họ không biết chuyển hóa thông điệp ca khúc thành cảm xúc qua trải nghiệm của cá nhân. Có thể gọi đó là cảm xúc ngẫu hứng của mỗi người nhưng chỉ có người được đào tạo mới biết áp dụng như thế nào”.
Ca sĩ 'thất học': 2 - Học opera, hát nhạc pop
Có đến 95% ca sĩ trong trường đều chọn con đường trở thành ca sĩ nhạc pop thay vì ca sĩ nhạc cổ điển như được đào tạo.
Có đến 95% ca sĩ được đào tạo bài bản trong các trường nhạc chính quy ở Việt Nam hoặc không chính quy đều theo đuổi sự nghiệp nhạc pop (đại chúng) với tâm lý “dễ dàng đến với số đông công chúng yêu nhạc”, như lời bày tỏ của nhiều ca sĩ. Còn những nơi đào tạo ca sĩ chính quy nhất hiện nay cũng chỉ giảng dạy bằng giáo trình đào tạo những giọng ca opera (cổ điển) chuyên nghiệp.
Luyện thanh là chính
Hầu như ca sĩ ở Việt Nam hiện nay được đào tạo bài bản trong các nhạc viện đều có khả năng hát opera rất tốt. Đơn giản vì giáo trình giảng dạy chung cho hệ trung cấp, cao đẳng hay đại học thanh nhạc trong các trường nhạc chính quy đều dựa trên giáo trình thanh nhạc cổ điển. Nói cách khác, nền tảng giáo dục thanh nhạc hiện nay ở Việt Nam là kỹ thuật thanh nhạc cổ điển. Vì vậy, từ những ngôi sao ca nhạc của thị trường nhạc Việt như Trần Thu Hà, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương…, những giọng ca được đánh giá cao như Ngọc Anh (thành viên Tam ca 3A), Nguyễn Ngọc Anh, Khánh Linh, Tấn Minh…, thậm chí những giọng ca trẻ đang nổi tiếng như Võ Hạ Trâm, Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn… đều được rèn luyện thanh nhạc cổ điển. Ngoại trừ những người đủ kiên nhẫn và quyết tâm theo đuổi chương trình học lên hệ cao đẳng hay đại học mới có cơ hội được học giáo trình giảng dạy thiên về chất nhạc nhẹ nhiều hơn. Vốn dĩ nhạc nhẹ là nền công nghiệp ca và diễn nên ngoài việc hấp thu những kỹ thuật thanh nhạc mang tính nền tảng, nghệ sĩ còn phải theo đuổi những khóa học về kỹ năng biểu diễn. Tuy nhiên, cho đến nay, như lời của nhiều ca sĩ được đào tạo bài bản trong các trường nhạc chính quy như nhạc viện, các trường cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật: “Học viên chủ yếu được đào tạo về thanh nhạc là chính còn những giờ về kỹ năng biểu diễn cần thiết vẫn còn ít ỏi. Ca sĩ phải tự học từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau để có thể trở thành một ca sĩ nhạc pop chuyên nghiệp”.
Cho đến nay, có đến 95% ca sĩ được đào tạo trong trường đều chọn con đường trở thành ca sĩ nhạc pop thay vì ca sĩ nhạc cổ điển như được đào tạo. Trong số đó, có những ca sĩ đã áp dụng kỹ thuật thanh nhạc cổ điển nền tảng rất thành công khi trở thành ca sĩ nhạc pop như Trần Thu Hà, Nguyễn Ngọc Anh, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Tâm, Khánh Linh, Văn Mai Hương… Đó là khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và kỹ năng ứng dụng linh hoạt, thông minh những gì được học trong nhà trường khi khai phá và thể hiện những ca khúc nhạc nhẹ.
Theo nhận định của những người trong giới, bộ môn phân tích tác phẩm hay còn gọi là giải mã tác phẩm chiếm vị trí quan trọng trong việc giúp hình thành nên độ tinh tế cần thiết trong việc nắm bắt thần thái ca khúc khi thể hiện của ca sĩ. Đúng như tên gọi, bộ môn này dạy cho người học nắm bắt được tinh thần của một ca khúc.
“Cảm thụ được tác phẩm âm nhạc hay không còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Vì vậy, không phải ai cũng có thể nhận ra ca khúc hay hoặc dở đối với số đông công chúng. Có những ca sĩ luôn tìm được ca khúc ăn khách để hát nhưng có ca sĩ cả đời không tìm được một ca khúc ăn khách nào. Việc học giúp cho ca sĩ  có thêm khả năng này” - nhạc sĩ Dương Khắc Linh phân tích.
Rèn giọng thôi chưa đủ
Một trong những điều khiến cho nhạc Việt trở nên mờ nhạt chính là việc ca sĩ Việt rất thiếu “gu âm nhạc” - nhạc sĩ Hoàng Huy Long nói. Điều này hoàn toàn không quá lời bởi không khó để nhận ra sự luẩn quẩn của rất nhiều ca sĩ trên thị trường âm nhạc hiện nay. Không biết làm gì và cũng không hiểu bản thân có thể làm gì nên cứ thấy ai thành công thì bắt chước, thấy nhạc sĩ nào có bài ăn khách thì hát theo, chẳng cần biết có phù hợp với khả năng hát của mình hay không.
Với nhiều ca sĩ nghiêm túc đối với nghề, dành thời gian để luyện thanh đã là nỗ lực quá lớn đối với họ. Nhiều người, trong đó có rất nhiều ngôi sao, tự hào rằng “mỗi tuần vẫn học luyện thanh cùng thầy, cô”. Nhưng điều đó hoàn toàn chưa đủ đối với một ca sĩ chuyên nghiệp bởi “luyện thanh chỉ là một phần rất nhỏ trong sự nghiệp của một ca sĩ. Phải tạo nên những nghệ sĩ có gu âm nhạc, có khả năng định hướng âm nhạc cho bản thân mình mới là điều quan trọng nhất. Đó cũng là tiêu chí mà những trường nhạc đẳng cấp quốc tế nhắm tới” - ca sĩ Thanh Bùi cho biết thêm.
Ở Việt Nam, vì chỉ được đào tạo trên nền tảng nhạc cổ điển nên dù cố gắng để bắt kịp xu hướng, trào lưu R&B, soul,… thịnh hành trên thế giới, phần lớn ca sĩ Việt luôn lúng túng, gượng gạo trong cách thể hiện. Cái khó là ở Việt Nam hiện nay, ca sĩ muốn học cũng không dễ vì không biết học ở đâu.
Ca sĩ Kỳ Phương, người vừa thành lập trường dạy nhạc HKP thuộc hệ thống trường học Hồng Hà, khẳng định những ca sĩ học trong trường và có thể nổi danh ở thị trường nhạc Việt toàn phải mày mò tìm lối đi cho mình. “Ai cũng nhận thấy những ca sĩ có chất giọng phù hợp với dòng nhạc cổ điển như ca sĩ Tạ Minh Tâm, Trọng Tấn… luôn thể hiện ca khúc theo phong cách opera chuẩn mực, họ hát rất hay nhưng có phần khô cứng. Trong khi đó, ở nhạc pop, công chúng đòi hỏi cách xử lý phải thật mềm mại, nhẹ nhàng. Nếu không đủ bản lĩnh, không học thì làm sao có được điều ấy. Ví như ca sĩ Hồng Nhung, để có được sự tinh tế trong xử lý ca khúc như hiện tại, chị đã phải học rất nhiều” - ca sĩ Kỳ Phương nói.
Ca sĩ 'thất học': 3 - Học còn để làm người
Tình trạng ca sĩ “thất học” cũng góp phần lý giải vì sao thị trường nhạc Việt xuống cấp về chất lượng nghệ thuật nhưng phát triển xì-căng-đan
Khi hoạt động biểu diễn được khai thác thành một ngành công nghiệp thì mọi thứ phải tuân theo quy tắc, trình tự  cùng những đòi hỏi khắt khe của nó. Những gì thuộc về bản năng ca hát không đủ thích ứng với guồng máy này nếu không được rèn luyện thêm kỹ năng cần thiết.
Cần những “sản phẩm” đào tạo thích ứng
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết để có được thành quả như hôm nay, anh phải mất đến 20 năm học tập, bắt đầu từ khi 10 tuổi. “Học nhiều không chỉ để trở thành một ca sĩ giỏi mà còn để biết dẹp bỏ cái tôi cá nhân nhằm làm việc chung, biết tôn trọng và đối thoại với người khác” - Thanh Bùi giải thích.
Khi đội U19 Việt Nam (thành phần nòng cốt là Học viện Arsenal-HAGL JMG) ra mắt làm nức lòng giới hâm mộ bóng đá, nhận thức của nhiều người về công tác tuyển chọn và đào tạo nhân tài trong các lĩnh vực đã thay đổi. Có năng khiếu, tố chất và được đào tạo bài bản bằng những giáo trình tiên tiến chắc chắn sẽ cho ra lò những “sản phẩm” tốt nhất.
Tài năng ca hát cũng cần phải được tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện như Học viện Arsenal-HAGL JMG đã làm. Rất tiếc là hiện nay, Việt Nam mới chỉ có trường dạy nhạc Soul Music Academy của ca sĩ Thanh Bùi đang đi những bước đầu tiên.
Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, bộ giáo trình của Trinity College London mà trường nhạc Soul Music Academy đang sử dụng được giảng dạy ở hơn 60 quốc gia dành đào tạo những nghệ sĩ nhạc pop chuyên nghiệp. “Một ca sĩ chuyên nghiệp phải biết chơi giỏi nhạc cụ, sáng tác hay. Những điều đó không chỉ nhờ vào tài năng thiên bẩm, ca sĩ cũng hoàn toàn có thể làm được nếu học hành nghiêm túc” - Thanh Bùi khẳng định.
Trong khi đó, ca sĩ Đức Tuấn cho biết: “Tôi luôn ý thức phải đi học vì tin rằng việc học sẽ giúp mình duy trì được tuổi thọ của nghề. Những kỹ thuật trình diễn học được giúp tôi biết cách giải phóng và tiết chế giọng hát của mình một cách phù hợp nhất. Nhiều ca sĩ hiện nay hát bằng bản năng nên chỉ sau một thời gian, họ bỗng nhiên không hát được nữa. Đó là chuyện mà chẳng ca sĩ nơi nào trên thế giới gặp phải cả”.
Học để biết ứng xử văn minh
Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, dù tài năng phát lộ đến mức nào thì học văn hóa vẫn là điều cần thiết. Bởi lẽ, trình độ văn hóa cao sẽ giúp nghệ sĩ có lựa chọn đúng đắn, ứng xử văn minh.
Chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm ca sĩ hoạt động chuyên nghiệp hiện nay có trình độ đại học. Theo những người trong giới, con số này chỉ là hàng chục trên tổng số hàng ngàn ca sĩ.
Đây chính là lỗ hổng lớn nhất của đội ngũ ca sĩ Việt. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao thị trường nhạc Việt xuống cấp về chất lượng nghệ thuật nhưng phát triển xì-căng-đan, những ứng xử không phù hợp với văn hóa truyền thống, những phát ngôn gây sốc, xúc phạm lẫn nhau mà chủ nhân của nó phần đông là ca sĩ hay người mẫu.
“Thói ích kỷ, mạnh ai nấy sống cũng là nguyên nhân khiến những người làm nghề trong làng âm nhạc Việt Nam không xích lại gần nhau cùng chung sức, chung lòng cải thiện thị trường âm nhạc đang xuống cấp, tạo nên môi trường lành mạnh để phát triển. Điều này không bao giờ thấy ở những nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển” - một người trong giới đúc kết.
Học không bao giờ là đủ
Với ca sĩ Thu Minh, âm nhạc Việt Nam chưa đủ sức để bắt kịp sự phát triển của âm nhạc thế giới. Tất cả tài năng âm nhạc của chúng ta chỉ phát triển thông qua việc tự tìm tòi, học hỏi. “Dù là ai và giỏi đến mức độ nào, bạn vẫn phải luôn học hỏi, cập nhật theo sự phát triển của thế giới để trang bị cho mình thêm những kiến thức âm nhạc. Từ đó, bạn tự tin đứng trên sân khấu thể hiện được nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Học không bao giờ là thừa cả” - Thu Minh nhìn nhận.
Thu Minh đã có một vị trí trong nền âm nhạc Việt Nam và âm nhạc luôn là niềm đam mê lớn nhất của ca sĩ này. “Với sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc, Thu Minh tin rằng việc mình luôn học hỏi sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới, giúp bản thân kết nối với cộng đồng quốc tế và chia sẻ được nhiều hơn với thế hệ trẻ sau này” - Thu Minh cho biết.
Trong khi đó, ca sĩ Hồng Nhung bày tỏ: “Tôi tin rằng học không bao giờ là đủ”.
Nguồn Người Lao động
Theo http://reds.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long

Lá bồ đề - Truyện ngắn của Lại Văn Long Tháng 5/2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do. Trước cơ...