Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Hoàng Lộc, rượu, mỹ nhân và thơ

Hoàng Lộc, rượu, mỹ nhân và thơ
Nội dung thi phẩm của nhiều tay làm thơ, xuất thân từ đất Quảng Nam, khởi từ năm 1960, thường bén rễ xanh cành bởi những nguồn phân: quê hương, thân phận, rượu và mỹ nhân. Một giai đoạn lịch sử, gồm hơi thở và thân xác chiến tranh được cảm nhận, nhìn thấy, một cách khá sinh động, rõ nét qua thơ. Thi ca như vậy, kể như gắn liền với đời sống một cách tích cực. Hoàng Lộc góp sức không nhỏ vào thành quả này. Anh trở thành một nhà thơ gạo cội của Hội An. Sự xuất sắc được chứng nhận bởi giải thưởng thi ca, của Trung tâm Văn Bút Việt Nam tại Sài Gòn, năm 1971. Ngoài ra, anh còn được giới làm thơ cùng thời, nhìn nhận là người giàu hoa tay, chuyên trị thơ tình lứa đôi.
Năm 1965, Hoàng Lộc cho in thi phẩm đầu tay: Thơ Học Trò. Năm 1971, Trái Tim Còn Lại ra đời. Năm 1999, tại hải ngoại, Hoàng Lộc cho trình diện Qua Mấy Trời Sương Mưa. Và hiện nay, anh đang giới thiệu thơ của mình cùng bè bạn  qua cõi chơi đương đại, rộng rãi: http://hoangloc.vnweblogs.com. Theo tin chuyền miệng: anh đang cho thực hiện tuyển tập thơ để đời, được in từ quê nhà, nơi anh vẫn thường đi về mỗi năm vì hiếu thảo.
Tôi khá chậm tiến trong việc sử dụng internet, và chỉ có được một tập Qua Mấy Trời Sương Mưa, nên chuyến theo gót thơ này, gắng lắm, cũng chỉ bám được một phần rất nhỏ, trong tám mươi mốt bài của thi phẩm này.
Xin giới thiệu vài nét tổng quát. Qua Mấy Trời Sương Mưa được ra đời trong sự chăm sóc nhan sắc của họa sĩ Đinh Cường. Một góc phố Hội An, cái hồn của quê nhà Hoàng Lộc. Một bóng áo trắng, tóc xanh môi hồng, cái tình của thi sĩ. Bản vẽ của Đinh Cường dành riêng cho tập thơ, không trích lại từ một họa phẩm. Điều quí này có từ lòng yêu thích thơ Hoàng Lộc của ông họa sĩ. Tuy vậy mẫu bìa, theo tin hành lang ở quán cà phê, có người thích, có người không mấy ưng ý.

Qua Mấy Trời Sương Mưa dày hai trăm lẻ bốn trang. Giấy có gân chìm, rộng 13cm1/2, cao 21cm. Bìa mỏng, có áo khoác ngoài. Trình bày tổng quát bởi nhà thơ Phan Xuân Sinh. Nhạc sĩ kiêm nhà thơ Đynh Trầm Ca góp một bản phổ nhạc. Họa sĩ Huỳnh Ngọc Diệp góp một phụ bản. Nhà xuất bản Văn Mới in.
Ngoài khả năng làm thơ hay, Hoàng Lộc còn sở hữu một nhan sắc, được xếp vào hạng tiêu chuẩn phong độ, nam nhi chi chí. Vóc người cao ráo. Khuôn mặt dài, đủ thể hiện nội lực trong tình yêu. Sóng mũi, ria mép đều hoàn hảo. Mái tóc không cần nuôi dài hoặc đội mũ, như một số nghệ sĩ khác, vẫn nhìn ra được cốt cách thi nhân. Trong ảnh chụp, in bên trong bìa trước, hình như thi sĩ đang làm thơ, hoặc viết thư tình gì đó. Dáng trang nghiêm, nhưng phảng phất tiếng cười, y hệt bản tính cởi mở, trào lộng của nhà thơ ngoài đời thường.
Với những dòng dông dài trên, không phải tôi cố tình lấy đà, để chuẩn bị chạy theo thơ Hoàng Lộc. Viết về một tác giả, nhưng không nghiêng về phê bình, điểm sách, tôi nghĩ, một đôi khi cũng nên ba hoa, lạc đề đôi chút. Và phải nói ngay ở đây, tôi là người quen biết tác giả lâu năm. Nhưng không được nằm trong danh sách bạn bè của anh. Và hình như còn có lúc, cùng chấm trúng một người đẹp nữa kìa. Nhưng không vì thế, mà những gì tôi viết về thơ anh, không trung thực với cảm nhận, đánh giá riêng, dù có thể rất hời hợt.
Xin nhập cuộc Qua Mấy Trời Sương Mưa:
Lưng bìa sau, Hoàng Lộc đã chọn sáu câu lục bát, phối trí lại hàng ngũ, ngắn gọn, thật thích hợp với nội dung cô đọng. Có thể xem như lời vào tập. Tôi xin trích đủ, để quí bạn tùy nghi săm soi:
          biết từ cái
          nửa-trăm-năm
          thứ chi đã trải
          đều lầm hết trơ
          biết sông nhớ
          thuở đầu nguồn
          khi lòng chảy
          đủ cô đơn đất trời
          biết cân đai
          biết nón cời
          mừng ta
          sống đã ra người
          trước, sau...
Tôi nhớ, qua điện thoại, nhà thơ Thành Tôn rất tán thưởng sáu câu trên. Ông bụt này đặt biệt khoái hai câu đầu. Hẳn ông cũng nghĩ ra mình đã nhầm lẫn, trong hơn nửa đời người về những điều mình đã trải qua. Tôi thì không. Tôi rất mặn mà với hai câu cuối. Cân đai, Nón cời, hình ảnh hưng suy của đời người, Hoàng Lộc có đủ, và có một cách hiển hách cho từng giai đoạn. Tuyệt nữa là sống đã ra người có thủy có chung trước sau.
Thơ Hoàng Lộc có nhiều điều để tán thưởng.
Ở thơ anh, những chất liệu như quê hương, thân phận, tình lứa đôi, như dính liền nhau, không có ranh giới rõ ràng. Hay đúng hơn, anh pha trộn những sắc thái thi ca ấy lại với nhau, bằng một kỹ thuật thật linh động, hợp lý và tài tình. Tôi vốn có ý định, chọn từng nhóm thơ có cùng một chủ đề, để theo đó, đẩy đưa dòng cảm xúc có được trong khi đọc. Nhưng sự phân loại như vậy, với riêng tôi, thật sự không ổn lắm khi đến với thơ Hoàng Lộc. Dù sao, tôi cũng thử cố gắng theo con đường mòn này.
Với Hoàng Lộc, tôi tin chắc, anh rất ưa dùng chữ Thơ Tình, để xác định nội dung thơ của anh. Tình thường bao gồm tình người, tình quê hương, tình nam nữ... Nhưng với Hoàng Lộc, tình lứa đôi, mới đúng là cốt lỏi của tôi anh.
Nếu chỉ dựa theo thơ, tôi tin, ai cũng xếp anh vào lớp “đại gia” của tình yêu. Một cao thủ trong tình trường. Một anh hùng sát mỹ nhân, Một khách mã thượng nòi tình...  hoặc nhiều tên gọi khác. Từ Hải, Kim Trọng có đủ, quanh quẩn trong thế giới luyến ái. Riêng tôi có suy nghiệm khác hơn chút đỉnh. Hoàng Lộc có trái tim nhạy cảm với sắc đẹp mỹ nhân. Chính xác trăm phần trăm. Anh yêu thương, nhung nhớ hết thảy những người đẹp, đã làm cho trái tim anh bồi hồi. Điều này là quyền của anh, thượng đế cho phép. Nhưng được yêu lại là vấn đề khác. Và tôi cũng lại tin. Hoàng Lộc viết thơ tình cả đời, nhưng nhân tình đếm chưa đủ ngón tay. Cái bí quyết, cái chìa khóa để viết hay thơ tình là ở đây. Hoàng Lộc đã có được cái cần có, quý thật. Khi yêu và được yêu, bạn khó có thừa thời gian để thơ thẩn. Và dù có thẩn thơ được, những bài viết cũng khó đạt mức tuyệt hảo như Hoàng Lộc. Ba hoa của tôi, biết đâu không là lời giải đáp nghi vấn, cho nhiều bạn yêu thơ tình Hoàng Lộc. Ông bạn đồng hương, mà tôi hãnh diện.
Và bây giờ, thay vì săn ngắm những đoạn tình thơ, tôi xin đi ngay đến bến đậu quan trọng nhất của thi sĩ Hoàng Lộc. Tình cho người bạn trăm năm.
Hoàng Lộc không phác họa chân dung của vợ anh. Nét đẹp, nét duyên dáng của người bạn đời, anh ích kỷ giấu biệt. Anh chỉ ngợi ca cái đẹp chìm, đức tính của vợ mình. Sự tán thưởng của anh cũng không lộ liễu, mà chỉ đơn thuần như một lời khen. Anh thường dùng sự so sánh để giới thiệu, hoặc làm nổi bật thêm, vai trò quan trọng của người bạn đời. Và qua thơ, ta thấy người đàn bà cưu mang nhà thơ, có đủ những truân chuyên, vất vả, những đau buồn khổ nhục:
          trong thơ xưa ai gánh gạo đưa chồng
          hay vẫn chỉ là em nỉ non tiếng khóc
          hay vẫn chỉ là em bốn mùa khổ nhọc
          hồn vọng phu đã lội mấy sông đời?
          anh xưa kia vì chút mộng bên trời
          mê bắt bóng, khuây cái sầu tan hợp
          giữa cõi phù vân đôi lần em chết ngộp
          mới hay chiều cố xứ có em trông
          người trong thơ xưa lặn lội bờ sông
          hay vẫn chỉ là em, cái cò tội nghiệp ?
          anh lận đận trong đời do số kiếp
          như em tin người tướng sĩ năm nào
          ai bảo tim hồng ý biếc ơn nhau
          không, ơn của chỉ riêng em trong thời anh mạt vận
          chiếc nhẫn cưới bán theo ngày túng quẩn
          em thương chồng nên nợ với thi thơ
          trong lòng anh, em đứng với người xưa
          em hơn hẳn cả người xưa – đã chắc
          anh bình sinh chuộng những điều không thật
          hạnh phúc thì rất thật giữa tay em
          của vợ công chồng nói mãi nghe quen
          để lắm lúc anh vô cùng xấu hổ
          những thua thiệt riêng em, người vợ khổ
          khi trăm dâu trút xuống một đầu tằm
          trong hiên tù quạnh quẽ từng ấy năm
          thân một bóng ngó quê nhà xa lắc
          câu thơ cổ làm anh rơi nước mắt
          như lần đầu hiểu được tấm lòng em
(Thơ Tặng Vợ Nhà, QMTSM, 45-47)
Cái sung sướng, cái hãnh diện của người vợ ở đây, là được chồng ví mình với những gương hiền thê của tiền nhân. Điểm này cũng là chiêu nịnh vợ đắc ý nhất của tác giả, nhất là khi chàng cao hứng đẩy sự ca tụng lên đến tuyệt điểm:
“Em hơn hẳn cả người xưa – đã chắc”.
Cái sảng khoái của người làm thơ khi viết được câu này, chắc chắn vượt lên trên cái thú uống một hớp rượu ngon. Không hiểu sao, trong sự quả quyết của tác giả, tôi chợt thấy lấp ló đâu đó, nét tinh nghịch với một chút nựng yêu vô hại, nhưng lém lỉnh vô cùng. Nhiều khi, vì tôi suy bụng ta ra bụng người chăng? Ông thi sĩ thử đọc lại, đọc lại lần nữa xem sao.
Trong bảy đoạn thơ, tôi tâm đắc nhất và rất muốn mượn để dùng, hai câu:
“của vợ công chồng nói mãi nghe quen
          để lắm lúc anh vô cùng xấu hổ”
          Thật đơn giản, chí tình và xác thực.
Nằm trong một bài thơ khác viết cho vợ và tình nhân, ở đoạn cho vợ, vẫn dùng kỹ thuật liên tưởng so sánh, nhưng lần này, người vợ được nằm gần với đời thơ hơn:
          “... nếu không có em, ơn người vợ khổ
          ai khêu ngọn đèn, che giùm cửa sổ
          để anh về ấm lại những ngày đi
          ai khóc òa trên bản thảo canh khuya
          khi đọc thấy những điều không dám đọc?
          mới buổi cưới  xin em con bím tóc
          mà bây giờ em phải bới thêm chang...”
          (Thơ Viết Dở Cho Vợ Và Tình Nhân, QMTSM, 87-89)
Hoàng Lộc quả là một nhà thơ hạnh phúc trong tình yêu. Đã được người vợ đọc bản thảo, lại còn lời thêm những giọt nước mắt, thay vì những uất ức, phẩn nộ, dĩa bay, chén chạy khắp nhà. Nước mắt cam chịu thường đồng lõa với sự âm thầm chấp nhận. Hậu quả những cuộc ngoại tình thường rất nhẹ nhàng và có nhiều nét đẹp. Chính vì thế, nhà thơ càng ngày càng bay bướm. Gia tài tình nhân cùng với thời gian giàu có thêm. Không biết trong tập Trái Tim Còn Lại, và trên cõi chơi internet, thân mẫu của hai mỹ nhân Hoàng Phương Chi, Hoàng Phương Thảo, có còn thêm được bài lót lòng nào nữa không ? Tôi tin rằng có và sẽ có. Không phải vì “thịt đâm vô thịt nhớ nhau suốt đời”(ca dao) mà vì cái tình nghĩa phu thê vốn vô cùng linh hiển, đậm đà.
Gia tài nhân tình của thi sĩ Hoàng Lộc đồ sộ đến đâu ? trong đời thường, không có ai quan tâm kiểm tra. Nhưng trong thi ca, Hoàng Lộc lộ ra là một tỉ phú tình yêu, với  những bài thơ thất tình thật tuyệt vời.
Tình yêu của thi sĩ hình như không chỉ có tình yêu thứ nhất, như nhà thơ Xuân Diệu từng ta thán. Trái lại, sau mỗi cuộc tình, trái tim người làm thơ như mới ra, đậm đà, tha thiết hơn. Tôi rất tiếc, đã không tìm được bài thơ tình lứa đôi đầu tiên của Hoàng Lộc. Nhưng đọc nhiều bài, trong Qua Mấy Trời Sương Mưa, tôi ngộ ra, dù hình ảnh, ngôn ngữ có tuổi đến đâu, qua tài nghệ điều hành chữ nghĩa của Hoàng Lộc, cũng phơi phới trẻ trung. Và mỗi bài viết, mang cái hồn khác nhau, không lặp lại. Nhà văn Trần Doãn Nho, một cây bút tinh tế, nổi tiếng qua nhiều bài điểm sách, viết về Hoàng Lộc:
“... thơ của Hoàng Lộc qua ba chặng đời khác nhau:một Hoàng Lộc trẻ,một Hoàng Lộc ở tù về và một Hoàng Lộc lưu lạc.Ý thì có khác, dĩ nhiên. Nhưng tứ thơ, không khí thơ và trái tim nhà thơ thì  dường  như vẫn thế: yêu. Chan chứa yêu, đằm thắm yêu, say sưa yêu. Yêu không biết mệt mỏi. Ta có thể nói, anh bày ra "cuộc yêu" trong đời của anh và trong thơ của anh. Ở hoàn cảnh nào,Hoàng Lộc cũng có thể làm thơ tình một cách hồn nhiên, một cách bình thường, y như thể thế giới này không có gì khác hơn ngoài tình yêu trai gái, bởi vì suốt đời anh là một "đời tình": (Trần Doãn Nho)
Mời đọc một bài thất ngôn, hai đoạn, đã được nhạc sĩ Đinh Trầm Ca phổ nhạc trước năm 1975:
          đã tới ngày em bay qua sông
          ơi con sao nhỏ vừa sổ lồng
          ta đứng nghe mùa mưa xuống lạnh
          mà điếng hồn cho gái sắc hương
          đã tới ngày em bỏ quên ta
          che tay kỷ niệm ngó mơ hồ
          nắng gió trong lòng em bất chợt
          em vừa giết một đứa làm thơ...
          (Tới Ngày Em Quên, QMTSM trang 33)
Tôi nhớ mang máng, bài này được đăng ở tạp chí Văn, thời anh Trần Phong Giao chăm sóc. Phạm Ngọc Niên, một nhà giáo, bạn tôi, đã rất thích hai chữ “điếng hồn” của tác giả. Chính Niên bàn thêm: Hình ảnh con sáo sang sông, không mới trong văn chương Việt Nam. Nhưng tình huống tiếp theo, đã được diễn tả rất mới, linh động và khá bất ngờ ở ba câu cuối. “che tay kỷ niệm ngó mơ hồ”. Khó có câu nào viết đẹp hơn. Phạm Ngọc Niên còn đi xa hơn: Hai từ “một đứa” ở câu cuối, lạ, diễn tả được sắc thái phũ phàng của người bị phụ tình. Nhưng đọc toàn câu hơi trục trặc. Và Niên, tự ý đọc lại một câu đồng nghĩa “em vừa giết chết kẻ làm thơ”. Nghe xuôi giọng hơn thật, nhưng không có được cái tủi thân phận như tác giả.
          Một bài thất tình xinh xắn khác của Hoàng Lộc:
          em nhìn gần, em chẳng biết nhìn xa
          gần thấy khó và xa càng không thấy
          chút tình của ta sao mà khổ vậy
          mãi lem hem từ bữa nói yêu người
          em nhìn ai chưa chắc rõ ràng ai
          chưa chắc rõ trong vòng ba bốn thước
          chút tình ta đâu cần hơn được
          mãi ơ hờ trong đáy mắt xanh kia
          đêm lá me bay - xuống phố, quay về
          cửa sổ nhà em ngọn đèn thức ngủ
          em vẫn lờ mờ không hay không rõ
          ta chợt giật mình ngó lại tình ta
          em nhìn gần, em chẳng muốn nhìn xa
          (gần – có chồng em, có con em đấy !)
          chút tình ta  lạc loài biết mấy
          nghìn trùng thêm sau mắt kính nhìn gần
          ta dẫu một đời cặm cụi tình nhân
          vẫn khó tới trong vòng ba bốn thước
          tình lỡ rủi cháy bùng lên ngọn đuốc
          cũng hoang tàn đóm lửa phía ngoài em... (1987)
          (Thơ Cho Người Cận Thị, QMTSM 95-96)
Một cuộc tình, một hình ảnh, thật ngộ nghĩnh, cảm động. Bài thơ vừa chân thật vừa phảng phất nét hư cấu mới lạ. Người thiếu nữ trong thơ, rất đáng yêu và cũng rất đáng thương. Còn anh chàng thi sĩ, vẫn chỉ lặp lại những phản ứng thất tình, thiếu tích cực. Nhưng đây chính là điểm sáng, cho thấy khả năng diễn tả nội tâm hợp lý, đầy tình thơ của tác giả. Mỗi người trong chúng ta, tôi nghĩ, đa số đều đã được một vài lần thất tình. Anh chàng Hoàng Lộc trong thơ, đâu khác chúng ta ngoài đời thường bao nhiêu. Mặc cảm bị coi nhẹ (mãi ơ hờ trong đáy mắt xanh kia) hoặc không được biết tới (em vẫn lờ mờ không hay không rõ - em nhìn gần, em chẳng muốn nhìn xa). Đâm ra hờn giận. Nhưng cái hay, cái hơn của nhà thơ so với chúng ta, là không hằn học, bực bội. Buồn tình, buồn đời, chỉ sinh ra những lời “nói mát” có vần điệu: (chút tình ta  lạc loài biết mấy - tình lỡ rủi cháy bùng lên ngọn đuốc, cũng hoang tàn đóm lửa phía ngoài em). Và cuối cùng cam chịu một cách rất thi sĩ.
          Mời đọc thêm bài Tình Sau Tình Trước, trang 105, 106:
          em chê ta quá nhiều tình trước
          nên e dè không dám nhận tình sau
          bài thơ lớn, nếu cần, em đọc suốt
          ngập ngừng chi dòng cuối với câu đầu?
          đời thơ ta, đời tình ta - lổn nhổn
          có cái hay ho, lắm cái chẳng ra gì
          biết chừng đâu em là câu thứ bốn
          để huy hoàng tứ tuyệt buổi Đường Thi
          lớp con gái thời ta xưa hết sạch
          mỗi hoa nhường là mỗi biển dâu xanh
          khi em đến thơm dòng dòng cổ lục
          bên hiên trăng ta quá đỗi nòi tình
          em, sách quý – thư phòng ta để bụng
          rằng mai kia một nọ chắc em vào
          tình như gươm ta chỉ cần chém trúng
          thì lần đầu lần cuối khác chi nhau?
Có thể xem đây là một bài thơ tán gái khá cao tay. Tôi không rõ tác giả có bị dị ứng với ba chữ “thơ tán gái” hay không. Nhưng tôi vẫn dùng, vì không tìm được chữ chính xác hơn.
Với giọng điệu bông đùa tế nhị, cùng nội lực trí thức kín đáo, bài thơ chắc chắn sẽ được các khứa lão, các chàng sồn sồn, đã trải qua năm bảy cuộc tình, rất thích. Riêng tôi, chả cần xin phép tác giả, cũng sẽ copy sẵn, chờ tìm cách tặng người đẹp, vẫn thường đi ngang nhà, kín đáo ngó lên bàn viết. Tôi tin kết quả sẽ rất tốt đẹp, khi “nàng” đọc được lời tán tỉnh văn hoa này. Bởi tôi biết “nàng” sẽ nắm bắt được, những nét tinh tế của bài thơ:
Thứ nhất, đẹp biết bao nhiêu, khi so sánh cuộc đời là một bài thơ lớn.
Bài thơ là sự nối kết những con chữ, những dòng câu, giàu màu sắc, giàu hình ảnh thành một tổng thể, cùng chia đều nhau sứ mệnh: mang suy tưởng, nhịp đập trái tim của người viết đến với người đọc.
Đến với một bài thơ, không nên đánh giá riêng bất cứ câu nào. Bên cạnh những câu giàu chất thơ, vẫn cần có chữ, hoặc câu thô nhám hơn, nếu những chữ hoặc câu đó, cần có để nói lên sự chân thật, trong tình huống không cần đến sự ba hoa. Tất cả những ý nôm na này, Hoàng Lộc chỉ cần viết gọn ít câu:
Ngập ngừng chi dòng cuối với câu đầu?
hay:
          biết chừng đâu em là câu thứ bốn,
          để huy hoàng tứ tuyệt buổi Đường Thi
Thứ hai, sự khéo léo khi cần khoe “cái tôi”. Phô trương cái xấu của mình, cũng là một chiến thuật thu phục nhân tâm, tạo cảm tình với người đối diện. Đã có nhiều nhà thơ áp dụng. Ở đây, tác giả không nhiều lời. Anh chỉ ỡm ờ dùng đúng năm chữ “lắm cái chẳng ra gì” để giới thiệu mình. Lời tự kiểm tuy có thể thành thật, nhưng đầy tự mãn.
          Thứ ba, cái đẹp ở tài dùng chữ. Ví dụ:
          để huy hoàng tứ tuyệt buổi Đường Thi.
Với người khác, có thể thay chữ buổi bằng chữ của. Một giới tự biểu thị quyền sở hữu, để minh định cái huy hoàng thuộc về thể thơ Đường. Cũng đúng. Nhưng không hay bằng danh từ buổi của Hoàng Lộc. Buổi ở đây phải được hiểu là một thời hưng thịnh của thơ Đường. Một cụm chữ khác, tác giả dùng cũng rất hay: : tình như gươm.
Thứ tư, sự liên tưởng, đối chiếu giàu chất thơ. Luân Hoán để nói người tình và mình, trong Đưa Nhau Về Đến Đâu cần hai câu:
          “trái tim ta vẫn rộng rãi thư phòng
          có em ngủ muôn đời trên vần điệu...”
Hoàng Lộc, chỉ gom lại trong một câu:
            em, sách quý – thư phòng ta để bụn
Đọc thơ, thật ra không cần đến những suy ngẫm vớ vẩn như trên. Bởi sự cảm nhận, dẫn đến suy diễn của mỗi người thường khá khác nhau. Tôi vẫn nghĩ, có nhiều nhà phê bình thứ thiệt, thường đẻ ra những ý tưởng mà chính tác giả, không hề nghĩ tới khi sáng tác.
Xin trích thên hai bài thơ tình thú vị khác trong Qua Mấy Trời Sương Mưa:
          cái đã chắc lắm khi thành chưa chắc
          đời phù vân ai chẳng khỏi hồ nghi
          trong lòng anh tình sau và nghĩa trước
          muốn yêu em ôi biết nói câu gì?
          chút nắng rớt trên đầu non bữa ấy
          đôi giọt vàng còn đọng tới trăm năm
          nếu quả có Quỳnh Như cho Phạm Thái
          thì ăn thua chi những cuộc tình lầm!
          khi tỏ ý đã riêng đành có lỗi
          bởi thiệt lòng không khéo dễ điêu ngoa
          em cố gở đời tình anh chỉ rối
          cũng chắc chi lòng nhau đừng phong ba?
          mà phải nói chớ đâu dừng được nữa
          đã nhện giăng bụi bám một hiên sầu
          em hãy đốt giùm anh thêm đóm lửa
          thử ngọn tình hiu hắt đến bao lâu!
         (Viết Cho Cuộc Tình Lâu Ngày, QMTSM107-108)
          quả nhiên trong kinh thánh có ghi rằng
          cái xương sườn của tôi chính là em đấy
          khi chứng cớ đã rõ ràng đến vậy
          nghĩ mích lòng? em vốn vẫn làm cao?
          em lắc đầu? em chẳng của tôi sao?
          giùm tới hỏi Chúa Trời kia khắc biết
          dẫu phải lắc lơ xa hằng mấy kiếp
          tôi dễ chi quên đã mất cái xương sườn
          ngày ấy chia tay trước cửa địa đàng
          em - rất tiếc - tôi chưa hề đánh dấu
          để xuống đời ưa nhìn lầm nhận ẩu
          người đàn bà nào tôi cũng tưởng là em
          mãi đặt điều thẹn, ngượng - hoá nên quen
          chớ thiệt tình yêu : người đòi - kẻ trả
          em chính của tôi - cứ thẳng thừng: em ạ,
          hãy gửi nguyên đây một cái xương sườn!
          em chớ làm cao và chớ giận hờn
          đừng nỡ mập mờ kinh tân kinh cựu
          cái xương ấy tôi là người sở hữu
          kinh luật nào em chẳng thuộc về tôi?
          lầm lũi yêu thương đứt nửa đời rồi
          tôi đã trần thân với đớn đau khổ nhọc
          cái xương sườn xưa tôi quyết đòi cho được
          em chối từ ư? em có quyền gì?
          (Đòi Lại Cái Xương Sườn QMTSM 115-117)
Lần này, tôi xin lỗi, không dám mon men theo thơ tản mạn nữa. Xin dành phần cho bạn đọc. 
Tình yêu nam nữ của Hoàng Lộc, thật sự không giới hạn trong một chủ đề. Suốt tập Qua Mấy Trời Sương Mưa, và có thể trong cả những thi phẩm khác, thơ tình yêu của anh phục kích, lấp ló khắp nơi, lấn chiếm sang nhiều chủ đề khác. Rượu cũng là một chủ đề lớn, chiếm một vị thế quan trọng trong thơ Hoàng Lộc. Thế nhưng, tình yêu lứa đôi vẫn ăn dầm nằm dề, trong vần điệu thơm nồng hương Lý Bạch.
Chỉ căn cứ theo tên bài, trong 81 ngọn thơ của Qua Mây Trời Sương Mưa, đã có đến mười hai ngọn, từ Rượu hiện hữu một cách hiên ngang. Trước tiên, hãy nghe cái lý giải của nhà thơ, khi chàng, Bỏ Làm Thơ Đi Uống Rượu:
          đời chẳng còn ai quí kẻ làm thơ
          ta mới nản văn chương, ngồi uống rượu
          ba mươi mấy năm đôi lần tình phụ
          ta đã ớn rồi con-gái-con-gung
          khi giơ roi quất những cuộc tình khùng
          ta quất trúng trái tim mình vô tội
          ba mươi mấy năm đời ta lỡ mỏi
          gã Khổng Minh trong truyện cổ buồn hiu
          trước đổi đời danh sĩ cũng lêu bêu
          hà huống gì ta một thằng say rượu?
          hà huống gì em lòng non thục nữ
          yêu thiên tài, yêu chỉ để làm duyên
          nếu thiên tài đúng là những tên điên
          chắc dễ nguôi khuây một đời gió thổi?
          ta đây nản văn chương tìm quán rượu
          bởi chẳng còn ai quí kẻ làm thơ
          sợi tình cừu em thả xuống ngày xưa
          đã quấn đủ bao nhiêu vòng oan nghiệt?
           xin cảm ơn em hành ta thấm mệt
           để yên lòng mê rượu, bỏ văn chương.
Động lực chính để Hoàng Lộc trở thành một đệ tử, không được nhập môn, của ông Bá Luân Lưu Linh đời Tấn bên Tàu, được tác giả xác nhận một cách minh bạch: “đời chẳng còn ai quí kẻ làm thơ / ta mới nản văn chương, ngồi uống rượu” Thật ra, sự thất chí về văn thơ chỉ là tòng phạm. Căn nguyên khởi thủy, hay thủ phạm, vẫn hiện nguyên hình là giai nhân và ái tình. Suy nghiệm kỹ hơn, chính hai vị thần này, đã góp công lớn, để đẻ ra cái thú tiêu khiển thanh tao văn chương. Hai câu cuối của bài thơ là hai câu hay, nhưng không xác thực trên thực tế. Bởi tác giả không hề đoạn tuyệt với tình và văn chương. Anh chỉ đèo bòng thêm một cái lạc thú lớn nữa thôi: rượu! Chẳng có ông nhà thơ nào dại dột từ chối cái thấm mệt dễ thương: được em hành!
Giai nhân cộng với thất tình là tế bào khai sinh ra bệnh mê rượu, hiện rõ nét hơn trong bài Về Hội An Uống Rượu Đợi Người:
          đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu
          ai hay sầu chật một hồn sầu
          ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ
          hồng nhan, hồng nhan - ta chiêm bao...
          về đây chợt ngó trường giang rộng
          ngứa cổ cười khinh mùa phong yên
          nương tử, tài hoa anh đã cạn
          rựơu buồn đâu dám đợi tay em...
          tình vụng như rượu nồn lỡ sặc
          hồng nhan ơi, em có thương giùm?
          (trang 28- 29)
Những đoạn trích dẫn tiếp dưới đây, nhằm mục đích xác nhận nguyên nhân, giúp Hoàng Lộc trở thành rực rỡ khi anh được may mắn đến cùng rượu. Vị cay hương nồng này, từng quật ngã khá nhiều hảo hớn. Nhưng với Hoàng Lộc, nó trở thành một người bạn chí thân, chí tình. Nó giúp anh trải lòng ra cho đời thưởng thức. Nó nâng chân từng con chữ, sống phương phi trên tay anh. Những bài viết có liên quan đến rượu của Hoàng Lộc, đều đạt được cái thần của thơ. Không cầu kỳ, không trau chuốt. Nhiều khi với những từ ngữ, thuần túy của một miền quê nổi tiếng cục mịch, Hoàng Lộc cũng vẽ lên được những nét thơ lộng lẫy, rất cá biệt. Hình như Hoàng Lộc chưa say rượu bao giờ. Anh không biết say. Anh chỉ biết nương vào hơi men, để nói ra tình mình bằng thơ. Một thứ thơ rất mới, rất cá biệt, dù hình thức đã có tuổi thọ rất cao. Cái gì đã giúp những bài thơ rượu của Hoàng Lộc hồng hào da thịt ? Câu trả lời vẫn chỉ là sự lặp lại: tình yêu lứa đôi:
          “... có phải ngươi là người dại gái
          một đời ngâm câu thiên nhất phương (*)
          thôi ngươi hãy ghé đây ngồi quán
          cùng nghiêng tai nghe mưa đêm trường...”
          (Rựơu Mùa Đông 62-63)
*vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương, thơ Vũ Hoàng Chuơng, HKQ ghi chú
          “... như em lâu lắm về xa lắc
          bên sông chim cũ hát câu gì
          rượu vào dễ khiến ta văng tục
          ai dám cười ta còn sân si?...
          chủ quán còn khinh ta lận đận
          huống hồ em chẳng vội buông tay
          nghênh ngang dép đứt, hồn cô quạnh
          gã thất tình xưa đã quá say”
          (Uống Rượu Một Mình QMTSM 67-68)
          “... với rượu đắng ta là tay từng trải
          nhưng với tình ta hãy còn thơ dại
          em không tin hay em muốn nặng lời? ...
          như ta đây rồi sẽ khổ vì em
          chớ điên cha chi lại uống say mềm?”
          (Rượu Tỏ Tình, QMTSM84-85)
          “... cô một đời riêng: quán nghèo, quí rượu
          anh một đời riêng: làm nông, thi sĩ
          rór rượu buồn xin dâng tặng quãng đời chung
          anh uống giùm cô chỗ rượu khốn cùng...
          chỗ buồn kia cô cứ rót tràn ly
          bởi nhà thơ thường sính rượu hồng nhan”
          (Uống Giùm Rượu Tặng 100-101)
          “...bữa rựu chiều ta, em ở đâu?
          mang mng lưng chén cái thương sầu
          phải em còn tiếc lòng khuê các
          đành bỏ tình kia chịu ốm đau?
          (Ta, Bữa Rượu Chiều 120 - 130)
Dĩ nhiên với một người mê rượu, sành uống như Hoàng Lộc, việc bỏ người đẹp lại sau lưng, để mang rượu vào cùng bằng hữu, cùng đất khách trời quê là chuyện không thể, không xảy ra. Những bài thơ rượu ở góc cạnh này, thường mang những ưu tư về cuộc sống, về thân phận con người giữa một thời kỳ đất nước hứng chịu bom đạn. Đọc những bài chí-tình-ca này, người đọc dễ thông cảm tác giả, ngậm ngùi cho cả một thế hệ giàu bi thương. Bài thơ tặng Đynh Trầm Ca của Hoàng Lộc, không chỉ dành riêng cho người của thơ, của nhạc Mạc Phụ (tên tật của ĐTC), mà tặng hết thảy chúng ta, lứa tuổi khởi đi từ 1937 về đến 1975:
          rượu tàn niên chừ gió xa xăm
          gió chi thổi miết năm mươi năm?
          quán cô hồn một ta chớ mấy
          sợ - mà khinh - những cái thăng trầm
          trời vẫn xanh, đỗ thừa tay ngắn
          con đường kia trầy trợt lắm lần
          gõ ly ơ hờ du tử khúc
          tứ xứ còn nghiêng mỗi bước hân
          ghé đây em, ta mời chút rượu
          kẻo chẳng còn ai uống được giùm
          lếch thếch buổi chiều hiên phố hẹp
          chưa đành thôi hẳn những tin xuân
          có khi khuất lấp bao ngày cũ
          trúng sai chi khỏi khổ người sau
          giá có em ngồi, ta kể lại
          mỗi biển xanh từng hóa ruộng dâu
          giá có em cùng chia chút rượu
          dễ khi gió đã lặng bên trời
          và ta chẳng vạn lần như một
          hễ tới là tan ngắt cuộc vui
          tiếng thở dài nghe quá cũ càng
          rượu tàn niên tống khứ năm buồn
          riêng chung mấy chén, đời như rượu
          gượng để đừng say giữa cố hương...
          (Rượu Cuối Năm, 150-151)
Nói về rượu trong thơ Hoàng Lộc thật không cùng. Bài nào của anh cũng nên đọc, đáng trích dẫn. Bạn sẽ rất lý thú khi đến với: Rượu Huế, Uống Ở Hội An, Với Rượu Chiều Xuân, Nhớ Rượu...
Tôi chợt có một thắc mắc hơi ngớ ngẩn: Hoàng Lộc viết những bài thơ này vào những thời khắc nào? Trong khi đang uống rượu? Sau hoặc trước khi uống rượu? Có lẽ cả ba thời điểm đều có thể sáng tác được. Nhưng thói quen của Hoàng Lộc rơi vào đâu? Riêng suy nghiệm của tôi, một người uống ruợu tài tử, uống rượu xã giao, uống rượu vì sức ép của bè bạn, uống rượu vì giữ thể diện hảo... đoán mò rằng: Hoàng Lộc đã viết được rất tới, sau những chầu rượu, thậm chí sau những cơn say dài. Sự tỉnh táo, khoảng trống vắng, bình an của tâm hồn, là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Bạn có thể làm thơ tình, trong hai thời điểm đẹp nhất của tình yêu: đang yêu và thất tình. Nhưng những bài thơ ấy, hình như không hay hơn, những bài bạn sẽ viết sau khi tâm hồn lắng đọng. Rượu không thể so sánh với tình yêu. Nhưng so với tình nhân thì có thể, dù rằng rượu ở một “đẳng cấp” thấp hơn.
Rất mong có dịp được nhà thơ Hoàng Lộc, giải đáp cái nghi vấn ba hoa của tôi, một người ghiền thơ, nhưng quen đọc ba chớp ba nhoáng.
Ngoài hai điểm tựa lớn, tình nhân và rượu. Hoàng Lộc cũng đồng hành với nhiều nhà thơ cùng thời tại Quảng Nam. Anh chọn những tiền nhân không phân biệt quốc tịch, những nhân vật lỗi lạc trong văn thơ, và những người quen thân, để làm bệ phóng gởi những ưu tư, suy ngẫm của mình đến khách yêu thơ. Trong hai bài viết về hai thi sĩ Phan Xuân Sinh và Hà Nguyên Dũng, tôi đã có trích những bài thơ ngùn ngụt hào khí của họ.  Ở đây, tôi lặp lại công việc ấy với Hoàng Lộc. Sự giới thiệu hoàn toàn không có mục đích so sánh. Bởi mỗi người có khả năng thể hiện riêng. Nhất là thơ của cả ba thi sĩ đều là thơ đúng nghĩa.
Mời cùng nghe Hoàng Lộc, tâm sự với ông Quan Công ở chùa Ông Hội An:
Quan Vân Trường mặt đỏ cũng thành danh
ta đỏ mặt hơn ông, đời lại hỏng
ông cốt cách quỳnh tương, ta hồ đồ rượu dỏm
cuộc trăm năm đã đến thế - hoang tàn
          Kinh Châu, Kinh Châu mờ hơi sương
          lòng ông, lòng ta - ai biết được?
          hào khí ngời thanh long, cũng sụt sùi ngọn bút
          chuyện nghìn xưa thầm hòi chuyện nghìn sau
          ông còn đất để về, ta biết về đâu?
          mịt mịt trời sương - mờ mờ thân thế
          châu với quận đã lạc loài tri kỷ
          mảnh trăng suông vừa nhạt thếch rượu mời
          chốn trần gian tốc gió bốn trời
          trên đất lạ còn rung bờm xích thố
          ông tử vi thần thơm lừng thiên cổ
          ta thơ cuồng vất vưởng mỗi tờ mây
          để có lần ta chếnh choáng qua đây
          chén rượu dỏm chừng không gượng nổi
          ông linh hiển, mặt mày ông đỏ chói
          (Bữa Say Ghé Chùa Ông Ở Hội An)
Quan Vân Trường, Kinh Châu, Thanh Long, Xích Thố... là những văn liệu rút ra từ nguồn văn học cổ. Thường được gọi gọn nhẹ là điển tích. Bài thơ dùng nhiều điển tích thường cho thấy vẻ uyên thâm của tác giả. Điển tích có nhiều loại khó hiểu, cần phải được chú thích, để người đọc thấu hiểu đoạn thơ. Những điển tích Hoàng Lộc dùng trong bài thơ trên, thuộc loại quen thuộc, có liên hệ với nhau. Xin phép được dài dòng:
Quan Vân Trường là tự của ông Quan Vũ, người đứng đầu trong ngũ tướng của nhà Thục Hán bên Tàu. Gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu. Quan Vũ còn có tự là Trường Sinh và thường được gọi là Quan Công. Vũ khí ông xử dụng là Thanh Long đao, nặng 18 kg. Người bạn cùng trải qua chiến trận với ông là con ngựa Xích Thố. Kinh Châu là tên một thành phố nằm ở đoạn giữa Trường Giang. Thành phố này được cho rằng do Quan Vân Trường xây dựng. Tuy được tiếng là trượng nghĩa, hào hiệp, nhưng Quan Công khá cao ngạo, nên về sau bị đối phương phục kích và Tôn Quyền đã cắt đầu ông đem nạp cho Tào Tháo. Quan Vũ được tiểu thuyết hóa và thần thánh hóa. Ông được lập chùa thờ nhiều nơi, nhiều đời. Khi người Trung Hoa đến Hội An, họ đã xây dựng Quan Công Miếu, ngay trung tâm thành phố, rất bề thế vào năm 1653. Quan Vân Trường được mô tả là người có khuôn mặt đỏ. Hoàng Lộc tự cho phép mình bình đẳng, chuyện vãn với Quan Công, quả là một điều thú vị. Anh nói với người xưa như nói với chính mình. Điều này hình như chỉ có nhà thơ, nương hơi men mới thực hiện được.
Trong một lần cồn cào vì cái đói, ở trại tập trung cải tạo tại Tiên Lãnh, Hoàng Lộc chợt nhớ một câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ “...người quân tử ăn chẳng cần no...”. Rồi ngẫm đến cốt cách, thể diện người xưa, ông sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa Hoàng Lộc, tự nhiên bực mình. Thế là kho thơ Việt Nam, có thêm bài Nói Chuyện Đói Với Nguyễn Công Trứ.
Xin để trong ngoặc đơn. Cụ Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778 tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ có tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn. Cuộc đời làm quan thăng trầm bất thường. Nhưng luôn luôn giữ tiết tháo của người quân tử. Cụ mất năm 1858, để lại nhiều áng thơ nổi tiếng, thường được truyền miệng như “ đã mang tiếng trong trời đất, phải có danh gì với núi sông - kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo. ..”
          Bài thơ khá cao ngạo của Hoàng Lộc với nội dung:
          quân tử nào ăn chẳng cần no?
          Tồn Chất tiên sinh, ông là tên bá láp
          bởi có những đêm ta nằm ta ngáp
          khi đã thua từng cơn đói đầu hôm
          xưa lắm rồi kiểu nói văn chương
          bần tiện không di mới là quân tử
          ta thấy bọn cứ lạy dài uy vũ
          rồi vẫn huyên hoang giở giọng khinh đời
          ông ngày xưa sống để dong chơi
          nay ta sống để ở tù - hẳn khác
          cái nghèo của ông, nghèo chờ hiển đạt
          cái đói của ta, cái đói trường kỳ
          cửa khóa then cài ta gặp buổi loạn ly
          bụng nước thay cơm kêu đâu cần vỗ
          tráng sĩ bạch đầu nhìn qua cửa sổ
          một khoảng trời mù đêm vẫn là đêm
          từ thuở thiếu thời, ta chịu đói không quen
          năm canh đó với bao lần trở giấc
          nhẩm phú hàn nho, biết lời ông nói trật
          muốn chửi đổng vài câu, lại sợ ông buồn
          (QMTSM trang 43-44)
Bài thơ hay ở tính chất khẩu khí. Cái đói cộng với cái tù túng, sinh ra bực dọc, nóng nảy. Hoàng Lộc thể hiện được nỗi niềm này rất thành công. Ngoài ra cái tài dùng hình ảnh lẫn văn tự trong thơ cổ, để tạo một câu thơ đối chọi cũng rất linh động. Từ “ ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch” (NCTrứ), chuyển ra thành bụng nước thay cơm kêu đâu cần vỗ, thật tuyệt vời. Và theo quan niện ngày xưa, đấng trượng phu phải vượt được ba điều: Phú quí bất năng dâm (giàu sang không sinh dâm loạn) Bần tiện bất năng di (nghèo nàn không thay đổi bản chất, chí khí), Uy vũ bất năng khuất (trước bạo lực không khuất phục, qui lụy). Hoàng Lộc viết đoạn thơ thứ hai cũng rất thích hợp với quan niệm của anh. Tuy nhiên, ở góc cạnh lễ nghĩa, chúng ta thấy có chút gì không ổn. Cụ Nguyễn Công Trứ và Hoàng Lộc cách nhau nhiều thời đại, quan niệm kẻ sĩ đương nhiên có phần khác nhau. Sự sai đúng tùy thời. Cụ Nguyễn Công Trứ có thể ăn không cần no là điều có thật với cụ, thời cụ. Không thể so sánh. Thêm vào đó ba chữ “tên bá láp” đạt tới cái đích khẩu khí, cao ngạo, nhưng lại phạm cái thất kính với người xưa, nhất là người “ đã có công gì với núi sông”, Nếu quan niệm biết làm thơ đã là có công.
Hoàng Lộc chính xác ở nhận định trong cảnh bị giam cầm: “cái nghèo của ông, nghèo chờ hiển đạt/ cái đói của ta, cái đói trường kỳ”. Nhưng anh đã thiếu công bằng với vị quan văn phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó từ năm 1827 đến năm 1835. Cuộc công danh của cụ Nguyễn Công Trứ coi vậy mà rất thăng trầm. Đã có lúc cụ bị giáng xuống làm lính. Như vậy không thể nói “ông ngày xưa sống để dong chơi”. Có lẽ Hoàng Lộc chỉ dùng câu này, cho mục đích làm nổi bật cái long đong, cũng do thời thế của anh:  “nay ta sống để ở tù - hẳn khác”.
Một điểm khác cũng rất đáng vỗ tay tán thưởng Hoàng Lộc. Anh bị bức chế phải ngồi tù, từ cái sự thay đổi chế độ sau 1975. Cơn đói của anh phát sinh từ đấy. Nhưng anh không hằn học chế độ. Mặc nhiên chấp nhận như một việc phải đến đã đến. Hoàng Lộc nhiều lần khẳng định: thơ anh là thơ tình. Những mảnh vụn chính trị, rất hiếm khi được anh mang vào thơ. Họa hoằn lắm là những nét mờ nhạt. Đại loại như  “tráng sĩ bạch đầu nhìn qua cửa sổ/  một khoảng trời mù đêm vẫn là đêm”. Tâm hồn của Hoàng Lộc là tâm hồn của thơ, của tha thứ. Khó có thể tìm thấy câu chữ nào của Hoàng Lộc làm phiền đến thể chế đương quyền tại Việt Nam. Ấy vậy mà trong một lần, được nhắc tên trên một bài vào tập cho một tuyển thơ tại quê nhà, tên anh cũng bị gạch bỏ cùng một vài người khác, có lý lịch xấu hơn anh.
Trong những bài có liên quan đến người xưa tích cũ của Hoàng Lộc, tôi cũng rất thích bài anh viết tặng cho nàng Chiêu Quân. Người đẹp này họ Vương, là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa thời xưa. Nàng được nhập vào cung đời vua Hán Nguyên Đế, chỉ để làm cung nữ, chưa lần nào được gặp vua. Hô Hàn Tà, vua nước Hung Nô ngõ ý muốn làm con rễ Hán Nguyên Đế. Nhưng vị đế vương này chỉ cấp cho Hàn Tà, năm cung nữ, trong đó có Chiêu Quân. Sau khi có ba con cùng vua Hung Nô, Hô Hán Tà qua đời. Chính Hán Thánh Đế buộc Chiêu Quân tuân theo tập tục nối dây của người Hung, để làm vợ Phục Chu Luy Nhược Đề, con trai người vợ lớn của chồng. Có thêm hai con, Chiêu Quân qua đời được an táng tại Thanh Trủng (Nội Mông ngày nay). Với đời tình giàu bi thương, Chiêu Quân được các đại thi sĩ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Trạch, Quách Mậu Thiến, Quách Mạt Nhược, Tào Ngu, Mã Trí viễn... mang vào thơ. Thi sĩ Việt Nam, cũng lắm kẻ dành vần điệu cho người đẹp Vương Tường (tên thật của Chiêu Quân). Tuy nhiên không mấy người trải lòng rộng rãi như thi sĩ Hoàng Lộc:
          Hán Đế một lần lên ải bắc
          mà lòng không dám giữ Chiêu Quân
          chao ôi, uổng một tay hùng liệt
          đành chống gươm đau một khúc đàn
          thuở đó làm vua ưa để tiếng
          ngó ra trăm họ tưởng con mình
          ví ông một quyết hoà ra chiến
          đã tránh đời sau chút trọng, khinh?
          ông lầm như chính ông từng đã
          (thì đứa Mao Diên Thọ đấy rồi !)
          Chiêu Quân kia với người thiên hạ
          nỡ lòng ông chọn cái không vui
          ta chẳng từng lên chi ải bắc
          gã làm thơ đâu thể là vua
          ý như có bữa làm vua thiệt
          một phút, quân reo giữa đất Hồ
          ý như có bữa làm vua thiệt
          chi khắp bêu rêu một khúc đàn
          tình ta, lại cả ta-quyền-lực
          không dễ rời đâu em, Chiêu Quân!
          (Viết Tặng Chiêu Quân 155)
Tôi vẫn thường thắc mắc về các bài thơ, được các tác giả ghi tặng bạn hữu của họ. Quà tặng này có nghĩa như thế nào qua nội dung bài viết? Phần lớn, theo nhận xét riêng, giá trị sự trao tặng thường là xã giao. Rất hiếm bài nhắc lại kỷ niệm giữa người tặng và người nhận. Ở thơ Hoàng Lộc, tôi tìm được điều này trong bài tác giả tặng nhà thơ kiêm võ sĩ Hạ Quốc Huy. Những lời tâm sự cởi mở, những bày tỏ khí phách cao ngạo, tuôn chảy như đã được tán thưởng đón nhận. Lời thơ thật sự sảng khoái, mời đọc vài đoạn trong bài Mặc Cho Đời Bụi Phủ:
          “... về đây đã hết tay hào sảng
          vỗ bụng trông trăng chếch cả cười
          ai có ngờ bên đời gió thổi
          hãy còn sót lại một nhà ngươi
          tiếc vì hai đứa ta vô phúc
          đến buổi gươm cùn mới gặp nhau
          tiếng ngựa xa dần trên giấc mộng
          trong tim cũng rách áo công hầu...
          bây giờ hai đứa ta mê rượu
          chí cả lùi sau ngọn tiểu sơn
          cũng mặc cho đời nhau bụi phủ
          ngươi ơi rượu xé đắng trong hồn”
Bài thơ chắc chắn làm người được tặng hài lòng. Trong tập Qua Mấy Trời Sương Mưa, Hoàng Lộc dành ít nhất mười bài để ghi tặng những người anh quen thân. Trong số mười bài này, có đến bảy bài có bóng dáng, hơi hám người được tặng trong thơ. Một tỉ lệ, tôi nghiệm ra, cao nhất trong số các tác phẩm tôi đã đọc. Ý nghĩa của sự đề tặng của Hoàng Lộc thật nghiêm chỉnh. Xin trích thêm vài đoạn, cho người nhận là Lộc em:
          “ có lẽ còn thương thời đi học
          nên em thường mặc áo trắng dài
          áo ngày xưa bây giờ sờn rách
          mà màu trắng ấy chẳng chi phai!...
          áo em trắng gởi ngày mây nổi
          bờ sông buổi sớm khói chìm sương
          là khi ta thoáng nghe lời gọi
          lòng hóa thành mây bay tha phương..”
          (Màu Áo Màu Mây, 125-126)
Thơ có đề tặng khác hẳn với tranh đề “dành riêng”. Ở hội họa, dành riêng nói lên sự sở hữu tác phẩm, dù phải bỏ tiền mua hay được tặng thật sự. Ở thơ, đề tặng chỉ có ý nghĩa tinh thần. Tuy nhiên niềm hãnh diện và sự vừa lòng của người được ghi tên rất cao. Tôi vẫn thích và sẽ rất sung sướng nếu được thi sĩ nào đó đề tặng thơ. Niềm vui này có lẽ còn lớn hơn, niềm vui nhận được cả tập thơ có đề tặng với chữ ký tác giả. Lý do đơn giản: tôi cũng muốn nhiều người biết đến mình, dù chỉ hờ hững liếc mắt qua.
Cũng như hầu hết các nhà thơ, Hoàng Lộc đã cho chữ nghĩa ghé vào nhiều miền đất. Nơi anh trồng tỉa cảm tình của mình qua từng chặng đường đời. Tuy vậy, thơ viết về quê hương của Hoàng Lộc không được nhiều. Rất vui, trong cái ít ấy, phần nhiều là những bài rất hay. Hay như thế nào? mời các bạn nghiền ngẫm:
          khi anh về trời phố cũ lên sương
          đôi chút lạnh đôi chút sầu tháng chạp
          vừa đủ mỏi đôi chân thằng lãng bạt
          anh nghiêng vai ngó lại cuộc đời mình
          áo bụi mù và tóc gió phai xanh
          tay vẫn ngắn để trăm lần thua thiệt
          phố thì nhỏ anh còn qua chưa hết
          lại hoài công đi bắt mộng bên trời
          khi nhớ ra mình đã tuổi ba mươi
          ba mươi tuổi sao cứ hoài lỡ vận?
          khi anh về buồn hơn loài mây trắng
          nghĩ người xưa phú quí mới hồi hương
          chuyện công danh như muối xát trong hồn
          chưa áo gấm nên hoài hoài viễn xứ
          anh sợ qua nhà từng bằng hữu cũ
          sợ qua đường gặp những dáng tình xưa
          kỷ niệm thì xa, xa quá - mơ hồ
          chẳng lẽ nhắc để làm nên yêu dấu?
          khi anh về bé vừa lên mười sáu
          rất dịu dàng nhưng rất lạ đời anh
          khi đưa tay gõ vội trái tim mình
          nghe sai lỡ như một lần dâu bể
          anh đã già rồi hồn khô ý trễ
          tương lai mù trên mấy ngọn sầu đông
          yêu vô vàn cũng rớt giọt tình không!
          khi anh về bất ngờ anh biết khóc
          qua hiên nhà người, bé vào lớp học
          bé đâu hay thành phố đó lên sương
          là khi anh cúi xuống một đời buồn ..
          (Ngày Trở Lại Hội An 17-19)
Cô bạn gái chung giường của tôi đọc bài vừa dẫn, quả quyết tôi nhầm lẫn, nếu xếp bài thơ vào loại thơ quê hương. Theo cô ta, bài thơ vẫn chỉ là một bài thơ tình. Địa danh được nhắc tới chỉ là cái cớ, để từ đó tác giả nhớ lại kỷ niệm xưa, mà chủ yếu vẫn là cô bé vừa lên mười sáu tuổi khi anh về bé vừa lên mười sáu. Tôi chống chế bằng những dẫn chứng:
          khi anh về trời phố cũ lên sương
          đôi chút lạnh đôi chút sầu tháng chạp ....
          phố thì nhỏ anh còn qua chưa hết...
Thơ Quê hương không nhất thiết là thơ mô tả cảnh sắc. Hình ảnh cảnh vật vốn sinh động ở ngoài đời. Nhưng khi được mang vào thơ, chúng trở thành cảnh chết. Người làm thơ phải thở vào chúng, những tình cảm, những suy tưởng... vốn đã từng gắn liền với chúng ngoài đời thường. Có như thế, cảnh vật mới thực sự linh động trong thi ca. Hình ảnh, tình cảm con người được nhắc tới, cũng là một góc cạnh cần thiết, khi diễn tả, giới thiệu một địa danh. Có thể nói, hầu hết những bài thơ được xếp loại thơ quê hương, đều có những tâm sự, những kỷ niệm riêng của người viết. Những bài thơ quê hương nổi tiếng, đậm đà nét tả chân của các thi sĩ Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Vũ Quỳnh Bang, Trần Hiền Ân... cũng đều có sắc tố tâm hồn.
Để thuyết phục cô-em-thường-cho-gối-tay,về thơ tả cảnh của Hoàng Lộc, tôi xin trích thêm vài nét vẽ thật linh hoạt, của ông nhà thơ tuổi quý mùi, quê quán Hội An:
          “... ở đây trời đất mù như khói
          phố như sương giữa đất trời mù
          anh che không hết từng cơn gió
          tạt bên đời, ướt ngọn tình xưa...”
          (Khi Mới Đến Đà Lạt 31-32)
          “... cây quenđã thiết thân người
          cái trưa nắng bỗng thấy trời đầy mây...”
          (Qua Đò Duy Vịnh 81-82)
          “... chiếc thuyền con mặc dòng nước chảy
          ngó bến nào cũng cứ mù sương...”
          (Câu Đêm Ở An Bàng 86)
Sau cùng, để dừng chân bước trong chuyến theo chân thơ Hoàng Lộc, tôi xin phép chị Nhật Nguyễn cho mượn ít sau sau:
“...Hoàng Lộc đến với đời này bằng trái tim không bình yên. Cõi thơ anh tưởng như là thế giới riêng tây. Thế giới ấy dù mở ra thăm thẳm chiều sâu, nhưng bằng ngôn ngữ bình dị đời thường, lại khiến ta dễ rung động gần gũi” - Nhật Nguyễn.
16-4-2010
Hà Khánh Quân
Theo http://www.xuquang.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long 2 Tháng Ba, 2023 Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc...