Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Dù chỉ là một khoảnh khắc

Dù chỉ là một khoảnh khắc
Mỗi một lần bước chân ra đường, tôi đều mong sẽ có một câu chuyện giúp bản thân “trưởng thành” hay ít ra tôi cũng không lãng phí thêm một ngày. Và đó là một buổi sáng cuối tuần cách đây nhiều năm.
Hôm ấy, trong quán cà phê gần trường đại học Hoa Sen tổ chức một buổi ra mắt sách. Tôi không còn nhớ được cuốn sách viết về chủ đề gì, tác giả là ai nhưng trong trí óc tôi vẫn in rõ mối nhân duyên ngắn ngủi. Bất ngờ tôi nhận ra cô bạn cùng khoa đang làm kế toán viên cho công ty tổ chức buổi ra mắt sách. Chúng tôi ngập ngừng chào nhau. Việc nhận ra tên nhau, rồi chợt nghĩ lại mình không hề làm cùng ngành với bạn khiến cả hai chẳng biết nói gì thêm. Tôi ngồi im, còn bạn vội vã chạy về phía các đồng nghiệp.
Chia sẻ chung một chiếc bàn nhỏ là một người đàn ông phải áng chừng gần 70 tuổi, bỗng cất tiếng :
“Có mỗi mình chú lớn tuổi ngồi đây kỳ quá, thôi chú lên lầu nhìn xuống cũng được.”
“Không bác ơi, bác ngồi lại với cháu”.
Rồi chúng tôi chẳng nói gì với nhau, cứ lặng im theo dõi buổi ra mắt sách. Sau đó bác hỏi tôi làm gì, tôi đáp ước mơ của cháu là trở thành nhà văn. Rồi trả lời bác tên cuốn sách Nhật Ký Mèo Liggen mình đã xuất bản. Mắt bác sáng rực lên. Bác hẹn gặp lại tôi ở buổi ra mắt của Quán Văn trong thời gian sớm nhất. Trong đầu tôi chẳng biết Quán Văn hay người đàn ông kỳ lạ ấy là ai.
Trở về nhà, tôi lên mạng tra thông tin, mới biết được người đàn ông ấy là Chu Trầm Nguyên Minh, một nhà thơ- nhà văn khá nổi tiếng trong giới văn nghệ. Một số bài thơ của chú đã phổ nhạc, trong đó Lời Tình Buồn là bài hát tôi từng nghe bởi giọng ca Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Ngọc Lan, nhưng mấy ai nhớ tới tác giả bài thơ ngoài tên của nhạc sĩ Vũ Thành An và ca sĩ.
“Anh đi rồi, còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở?
Trời sa mù tầm tay với âu lo.”
Tôi lần tìm đến Quán Văn, cảm giác ban đầu như thể mình lọt thỏm giữa một không gian lạ. Phần lớn họ là những cây đa cây đề trong làng văn chương, hoặc cũng đã quen biết nhau và có vốn liếng sáng tác nhiều. Trong số họ, có tác giả, dịch giả nổi tiếng, họa sĩ và nhạc sĩ. Quán Văn như một mái nhà cho những ai cùng chung đam mê từ Nam chí Bắc, hải ngoại gặp gỡ. Là một người đột ngột rẽ từ kinh tế sang văn chương lại chẳng có bất kỳ mối quan hệ nào trong giới nghệ thuật nên tôi cứ lặng lẽ quan sát những diễn biến xung quanh. Phần lớn những người làm nghệ thuật sẽ có khuynh hướng thu mình, phải có một thời gian để hiểu và quý mến nhau như tri kỷ, lúc đó tình cảm của họ trở nên quyến luyến bịn rịn khó rời.
Chú Chu Trầm Nguyên Minh lâm bệnh không thể đến Quán Văn, nhưng tôi may mắn được làm quen với chú Trương Văn Dân, cô Elena, chú Nguyên Minh… Tôi bất ngờ khi được biết chú Dân là dịch giả cuốn Mùa Hè Tươi Đẹp từ tiếng Ý, một tác phẩm tôi khá yêu thích. Chú là chiếc cầu nối giúp tôi gắn kết hơn với Quán Văn. Và chú Nguyên Minh, người chủ biên của Quán Văn, càng làm tôi tò mò hơn. Dáng người nhỏ bé, nhưng ẩn sâu trong đôi mắt ấy là một trái tim bừng bừng nhiệt huyết. Từng là chủ biên của tờ Ý Thức trước năm 75 nhưng vì thời cuộc chú phải tạm gác lại giấc mơ văn chương. Nhưng, cũng như phần lớn những người lỡ gánh nặng văn chương, họ càng trốn tránh, hoặc vì gánh nặng cơm áo gạo tiền thì lòng khao khát, sự day dứt lại dày vò họ, và điều ấy lại càng trăn trở hơn khi đời người ngắn ngủi dần tiến tới những năm tháng trở về với cát bụi. Vì thế Quán Văn đã ra đời, là nơi cho những con người trót vướng nợ trần gian với văn chương nghệ thuật, tụ tập lại với nhau, cùng nhau say trong men sáng tạo. Mỗi buổi ra mắt sách là dịp họ tề tụ đọc cho nhau nghe những vần thơ, cùng hát ca với tâm trạng hân hoan rạng ngời.
Có lẽ tôi là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của Quán Văn, người chỉ đáng tuổi con cháu họ. Tôi từng học tác phẩm Đời Thừa của Nam Cao vào năm trung học, nhưng tôi chẳng bao giờ ngờ rằng có một ngày mình lại ngấm được nỗi đau của nhân vật Hộ nhiều như thế. Lúc nào cũng tràn trề khao khát được sáng tác, thế nhưng cái dạ dày lại thường réo gọi sục sôi. Tôi không muốn trong giai đoạn sung sức tuổi trẻ lại phải tạm gạt khao khát văn chương sang một bên, và lòng rất muốn có những bạn hữu thân tình cùng chia sẻ đam mê chung như Quán Văn, nhưng …ngay lúc còn trẻ trung thay vì về già mới có cơ hội như họ.
Ngày chú Dân, cô Elena (xin phép cháu không nhớ chính xác là hình như còn thêm một chú nào nữa) cùng tôi đi thăm bác Chu Trầm Nguyên Minh trên giường bệnh. Người đàn ông gầy gò sức khỏe suy sụp nhưng tinh thần phấn chấn sôi nổi hẳn lên khi bác và chú Dân nói về những bản thảo văn chương. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy, chú nắm tay mình, dặn dò “Cháu là thế hệ tiếp nối của Quán Văn”.
Cho tới một ngày tôi bàng hoàng nghe tin chú đã ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình và bạn hữu. Lần gặp gỡ bên giường bệnh là lần thứ hai trong đời tôi được gặp chú, và cũng là lần cuối cùng.
Một người xa lạ chỉ ngồi cùng tôi tầm một canh giờ trong một quán cà phê nhỏ. Một người xa lạ tin tưởng vào khao khát đam mê của tôi.
Ngày tôi gặp chú, tôi chỉ là đứa chân ướt chân ráo bước theo con đường văn chương với vỏn vẹn hành trang là một cuốn sách duy nhất đã ra đời. Sau ngần ấy năm, số sách xuất bản dày thêm. Mỗi lần nhìn vào những cuốn sách ấy tôi lại nhớ tới chú Chu Trầm Nguyên Minh và lời động viên trên giường bệnh. Tôi viết, không chỉ vì đam mê của bản thân mình nữa, mà còn vì lời của chú luôn văng vẳng bên tai tôi.
“Khi những người thân thiết không thể hiểu được đam mê của bạn, hãy cứ dấn thân vì nhất định sẽ có những người xa lạ động viên tinh thần bạn”. Từ tận đáy lòng mình, cháu luôn ghi nhớ và cám ơn chú.
Link bài viết về cuộc đời của chú Chu Trầm Nguyên Minh, chỉ được công bố sau khi tác giả đã qua đời. (Nguồn từ chú Đặng Châu Long gửi cho trang web sangtao.org).
Qui Nhơn, tháng 11 năm 2017
Nguyễn Kim Ngân
Nguồn: https://sangtao.org/ 
Theo https://kimngannguyen.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tác phẩm mới, cái nhìn riêng của Huỳnh Như Phương 14 Tháng Bảy, 2022 Có một “gia tài” gồm nhiều tác phẩm (giáo trình, chuyên khảo, bài...