Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Vầng mây ấm giữa miền yêu

Vầng mây ấm giữa miền yêu 
Trong cái xôn xao, ồn ã đa sắc màu của miền thơ hôm nay, có nhiều cây bút cứ cần mẫn thả lên từng trang đêm những lời thổn thức. Rồi những trang thơ ấy rơi vào im lặng phần vì tác giả không muốn công bố những sáng tác của mình. Năm tháng qua đi, nhiều ngọn chữ đã ngả màu, những sáng tác ấy có thể sẽ chìm vào bụi thời gian, nếu như thơ ấy, người ấy không có duyên, có phận với miền thơ… Những bài tình thơ của người thơ Lê  Thanh Hảo Vân đã “ngủ” rất lâu trong im lặng như thế, nhưng rồi trăm sự chẳng tránh được chữ “duyên”, mùa thu năm Quý Tỵ này, tình thơ Tóc mây đã ấm nồng trên tay bạn đọc.
Tóc mây với hơn tám mươi bài thơ được tuyển chọn kỹ càng từ mấy chục năm đắm đuối với thơ của chị. Bồng bềnh trong vầng mây thơ ấy là một chữ yêu thăm thẳm, yêu đến lao đao cả một kiếp người… Mấy dòng dẫn nhập này xin chạm miền yêu đa chiều của chị. Những câu thơ trong miền yêu ấy chính là trái tim của tình thơ Tóc mây.
Miền yêu trong Tóc mây được mở ra với tình yêu chị dành cho quê hương và người thân. Tình thơ  ấy trải dọc miền mây biếc bằng những câu chữ dung dị, chân thành. Miền quê yên bình của chị được thu vào hình bóng người mẹ già tảo tần lam lũ, chênh vênh dưới chiều hiu hắt: Tóc chiều bạc những vấn vương/ Tay gầy đan sọt, ủ tương ngày hè/ Mẹ – làn gió ngát hương quê/ Nuôi con lớn giữa bộn bề chung, riêng.(Mẹ…). Nào, mời thơ về cùng chị trong ngan ngát hương trầm ngày giỗ cha: Nén nhang cùng bát cơm quê/ Rượu mời uống cạn nhớ về ngày xưa/ Suối vàng mẹ gặp cha chưa/ Hương trầm ngát cả duyên xưa cõi lành.(Giỗ cha). Viết về quê hương tưởng dễ mà lại khó vô cùng, dễ bởi quê là nơi thân thuộc, thiêng liêng với mỗi người cầm bút. Nhưng viết như thế nào để tạo được cái “chất riêng” cho thơ mình khi chạm bút vào quê mới là điều cần nói: Mơ về cùng mẹ bắt cua/ Đồng chiều năm ấy gió mưa cũng gầy/ Bây giờ mẹ hóa vào mây/ Chân con bấm lõm cuối ngày lặng im… (Đồng chiều). Ấn tượng lắm Lục bát ơi, từng nét sáng tạo đổ dồn, để bóng chữ hóa thân thành bóng mẹ, hai mươi tám chữ gọi nhau về từ một giấc mơ, rồi lấp lánh sáng lên trong bóng chiều thăm thẳm.
Người thơ ơi. Tóc mây chị thả kín khoảng trời yêu. Mỗi sợi tóc thơ mang hồn vía yêu thương đan vào nhau dày đặc trong chín bậc của tình yêu đôi lứa. Này lời hò hẹn chín mọng trong nỗi nhớ, run rẩy tan vào từng con chữ: Vẫn đôi mắt ấy trong xanh/ Cái nhìn âu yếm long lanh thuở nào/ Em ngồi với bóng lao đao/ Mâm cơm lẻ cứ chênh chao một mình. (Nhớ). Nỗi nhớ ấy được sinh ra từ miền chung thủy, nó cứ lớn dần lên trong cõi yêu vĩnh hằng: Tan vào nỗi nhớ mong/ Tình anh xanh cỏ biếc/ Nhủ thầm trong khao khát/ Chở mùa về phương em. (Nỗi nhớ của anh). Này đây, những đắng đót, xót xa của phận người, phận thơ cứ ngược xuôi trong miền thương nức nở: Bởi anh chưa qua sông Hồng/ Nên chẳng gặp em thời con gái. Ừ, suốt thuở hoa niên, tình thơ đã để lạc nhau cả một mùa con gái. Để cau trầu vườn yêu chín vội xuống tay người: Mùa thương nào chín vội/ Làm day dứt lòng người/ Hẹn thề ngơ ngác nổi/ Để buồn chìm trong tôi. (Sợ). Điểm nhấn trong mảng thơ tình của chị đó là khi những mâu thuẫn, éo le, trắc trở của tình yêu lên đến cực điểm thì thơ ôm chị vào lòng, đó chính là hiệu ứng của thơ tác động ngược lại tâm thức người đã sinh ra nó, để những nỗi đau của cõi tình trở nên thiêng liêng và thánh thiện: Nổi nênh mưa nắng khuyết hao/ Tròn trăng mùa lại vàng bao sắc màu. (Bão đời). Đọc Tóc mây, mong lắm mùa yêu trong đời chị ngày thêm tròn lại, tin lắm những hạt vàng của cõi yêu trong thơ chị sẽ chín thơm lên, dẫu mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa…
Miền thương ơi. Tóc mây thơ ấy, ánh mắt ấy, nụ cười ấy thì luôn hết mình mà cháy cùng bão lửa tình yêu. Người đã hết mình yêu thì cũng hết mình chung thủy. Đáng quý lắm, đáng trọng lắm cả nụ cười và nước mắt trong miền thơ ấy. Chia tay với những câu thơ tình của chị, chợt nhớ đôi câu đối cổ mà người xưa viết tặng người nhi nữ chung tình:
Nhi nữ chung tình nguyên thị Phật
Anh hùng mạt lộ bán vi Tăng
(Khuyết danh)
Tạm dịch: (Nhi nữ mà sống hết mình cho người mình yêu ấy là thành Phật. Anh hùng đến lúc mạt vận cùng đường thì đi tu cũng không xong). Tóc mây ơi, thơ ấy, tình ấy, là kể như người thơ Hảo Vân đã đắc đạo với cõi yêu rồi.
Tác giả Hảo Vân
Bên cạnh mảng thơ ngồn ngộn ý tứ trong cung bậc của cõi yêu, Tóc mây còn có những bài thơ mang tính trải nghiệm sâu sắc. Nhiều ý thơ được thể hiện bằng thể thơ truyền thống nhưng cũng hàm ngôn và đa chiều lắm: Trời cho vay chút hồng nhan/ Rồi đòi đến tận đa đoan kiếp người/ Mới hay chín bỏ làm mười/ Nghìn vàng đúc một nụ cười thế thôi.(Kiếp xưa). Hình như khi đối diện với mực đen – giấy trắng – đêm dài, Lê Thanh Hảo Vân đã vắt kiệt mình cho thơ để ngộ ra những điều thăm thẳm trong Đạo người: Chín phần hóa đất nuôi cây/ Một phần theo gió mà bay lên trời/ Đã ai trọn vẹn kiếp người/ Khóc thì vô lý mà cười vô duyên! (Ngẫm một kiếp người)…
Tóc mây thơ, tập đầu tay của Lê Thanh Hảo Vân dẫu còn một vài hạn chế, đôi chỗ ý tứ, ngôn ngữ thơ chưa thoát được cái vỏ tự sự, lớp lang của thơ truyền thống, như ở các bài: Chiều mưa; Dối mong; Tiễn anh… Nhưng những gì mà người thơ Lê Thanh Hảo Vân đã làm được với cả miền yêu và miền thơ qua tập thơ này là điều rất đáng nâng niu và chia sẻ. Khép lại vài dòng cảm nhận ban đầu khi đọc Tóc mây, người viết bài mong bạn đọc gần xa tiếp cận tình thơ này bằng sự vô tư và chân thành nhé. Nào, xin hãy nhè nhẹ mở tấm tình thơ trong làn tóc mây thơm hương chanh, hương xả của một nhi nữ chung tình.
Hà Nội, mùa thu năm Quý Tỵ
Nguyễn Thế Kiên
Theo http://vanhoadatviet.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái chi còn lại họa còn văn chương

"Cái chi còn lại họa còn văn chương" Những ranh giới giữa đạo và đời đã không còn nữa, mà quấn quyện vào nhau trong một dòng chả...