Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Mênh mang một vùng "biển thức"

Mênh mang một vùng "biển thức"

Ai đã một lần ra với vùng biển Cô Tô, chắc hẳn không thể nào quên cảm giác “mạnh” của sóng nước, của gió trời, của bao la biển cả; rồi bỗng chốc trở nên như hoang mang, lo sợ khi chỉ còn biển mênh mang không dấu tích của đất liền. Nhưng vượt lên tất cả là niềm tự hào về non sông phúc địa nước non mình và hơn thế là niềm kiêu hãnh được dang rộng cánh tay ôm cả đất trời mà như thấy mình lớn hơn giữa thiên nhiên hùng vĩ.  
Với tôi, ký ức về lần đầu tới vùng biển này đã lắng sâu trong tâm trí, mà mỗi lần nhắc tới biển, đảo, cái cảm giác ăn cùng sóng, ngủ cùng sóng và say cũng cùng sóng lại hiện lên như đang chuyến hành trình. Ngày ấy đúng vào tết năm 1965, khi đất trời đang rạo rực bước sang năm mới, tôi theo cha cùng các chú công tác ở Công ty Thủy sản Quảng Ninh, (sau này là sở Thủy sản Quảng Ninh) ra Cô Tô dự tổng kết và chúc Tết cô bác xã viên Hợp tác xã đánh cá Cô Tô. Cha tôi vốn là một du kích có bản lĩnh kiên cường, ông đã từng cùng đồng đội chiến đấu cố thủ trong sự vây giáp của giặc Pháp suốt 5 ngày đêm trong hang núi, vào năm 1950 tại xã Yên Đức. Trận chiến không cân sức, quân giặc đã dùng xăng, rơm rạ đốt cửa hang làm 73 chiến sĩ hy sinh, còn lại cha tôi cùng một số chiến sĩ khác đã dũng cảm mưu trí chiến đấu, buộc quân giặc phải rút chạy. Sau này được phân công về công tác tại ngành Thủy sản, với bản lĩnh kiên cường, ông thường xuyên có mặt trên các tuyến đảo xa, động viên cô bác xã viên đánh bắt cá và bảo vệ ngư trường. Lúc đó tôi mới chừng bảy, tám tuổi đầu, nhưng thích tìm hiểu, khám phá nên thi thoảng ông cũng cho theo ra đảo xa. Tầu ngày ấy nhỏ, công suất lại yếu, khởi hành từ bến Hòn Gai, phải sang ngày hôm sau mới ra tới Cô Tô. Thời gian trên tầu dài đằng đẵng, sóng lớn cứ chồm lên rồi lại quật xuống, mọi người trên tầu đều say sóng, ai nấy nằm bẹp ôm mỗi người, cái xô, chậu. Chỉ riêng những người lái tầu là không say. Cái say sóng nó khủng khiếp đến nỗi tưởng chừng trên đời không cái say nào sánh bằng. Đặt chân lên bờ, vài ngày sau vẫn còn thấy lâng lâng như đang trên sóng. Những chuyến như vậy, đến đâu cũng được nghe các cô bác kể về đảo, về biển, về những con người quả cảm nơi đảo xa. Và đây cũng là lần đầu tiên được đón tết xa nhà, cái tết giữa biển trời mênh mông sóng và gió. Vào giờ phút giao thừa, các tầu kéo còi, đốt pháo, thổi tù và làm sôi động cả một vùng biển như muốn đánh thức bình minh lên sớm. Sau phút giao thừa, các cô bác chúc nhau ly rượu rồi cùng nhau giăng buồm, nổ máy ra khơi đánh bắt cá gọi là khai lưới đầu năm lấy may. Từng đoàn thuyền của Hợp tác xã đánh cá Cô Tô cưỡi sóng ra khơi mang theo ánh đèn gọi cá sáng rực cả một vùng biển thức. Rồi những mẻ lưới đầy cá được kéo lên trong tiếng hò reo phấn khởi của muôn thủa dân chài biển Đông cứ lặp đi lặp lại như lời chào năm mới giữa trùng khơi.  
Lần này ra Cô Tô cũng vào những ngày sắp bước sang năm mới, chuyến tầu cao tốc khởi hành từ cảng Vân Đồn, chỉ sau gần một giờ chạy, chưa kịp biết sóng gió thế nào tầu đã báo còi cập bến Cô Tô. Theo lộ trình công tác chúng tôi ra Thanh Lân, một hòn đảo xa đất liền thứ hai của tỉnh sau đảo Trần. Thanh Lân không rộng, người dân sống chủ yếu bằng nghề biển. Được anh Quân, người địa phương dùng xe ô tô gia đình đưa đi thăm đảo, con đường bê tông quanh co xiên đảo luồn dưới những cánh rừng nguyên sinh, rồi bất ngờ sóng trào lên, biển hiện ra trước mặt tưởng như vừa nhìn qua khung cửa nhà trời. Biển trong xanh đẹp đến mê hồn, sóng nước nhấp nhô như lấn át cả trời mây. Xa xa, những chiếc tàu thuyền của ngư dân mảnh mai chao lượn trên sóng mà ngỡ như những cánh diều từ chân sóng bay lên. Quân say sưa kể biển, về những ước mơ từ biển sau mỗi sớm bình minh. Bất chợt tôi nhớ tới lời thơ ai đó viết về biển mà tâm trạng vô cùng hân hoan, xúc động: “Những ước mơ bay lên từ chân sóng. Mây lang thang chở tràn trề hy vọng. Nhận yêu thương từ lòng biển chân thành”.
Nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Hòn đảo nằm giữa trời nước mênh mang, cảnh sắc hoang sơ như ngày đầu thiên nhiên tạo dựng, tôi cùng Quân lang thang bên bờ biển, ngắm nhìn bãi triều Thanh Lân dưới hoàng hôn mà tưởng như lạc vào địa giới trong tiểu thuyết Robinson Crusoe của nhà văn Anh Daniel Defoe.
Dừng lại trước cửa ngôi miếu nhỏ bên ghềnh đá nhìn ra biển, Quân cho biết, theo người già kể, đây là ngôi miếu cổ thờ Ngư Ông, ngôi miếu linh thiêng lắm. Người dân làm nghề biển, thường qua đây thắp hương cầu cho mỗi chuyến ra khơi được an toàn, thuận buồm xuôi gió. Hàng năm, thi thoảng vào những ngày nước lớn, cá heo thường theo nhau tụ về trước cửa miếu đùa giỡn trông vui mắt lắm. Có năm cá heo mắc cạn tới đôi ba lần, người dân ở đây lại hò nhau ra cứu nạn cho cá. Thắp nén nhang thành kính cầu cho chuyến công tác nơi biển đảo được viên mãn, cầu cho người dân nơi đảo xa này được an lành. 
Rời Thanh Lân, ngồi trên tầu tôi cứ miên man về miền đất khơi xa giữa mênh mông trời, mênh mông nước, nhớ về những câu chuyện được nghe từ lần đầu ra biển, tôi thiếp đi mà như mình đang thức, ai đó kể tôi nghe về huyền tích nơi đầu sóng đã bao đời nghiêng mình trước sóng gió biển Đông. Chuyện kể rằng: “Từ thủa hồng hoang, trời đất còn trong cát bụi, ở mênh mông biển phía Đông xa lắm có một hòn đảo của vương quốc trời, với nhiều loài vật sinh sống, nhưng loài vật nào cũng tranh làm bá chủ, nên thường gây đánh lộn. Thượng đế phải phái bốn loài vật linh thiêng xuống trần gian trông coi đó là Long, Ly, Qui, Phượng. Long (rồng) đại diện cho sức mạnh, trí tuệ và quyền uy. Ly (Lân) tượng trưng cho may mắn, là biểu tượng cho sự nguy nga tráng lệ, thái bình, thịnh vượng. Quy (rùa) tượng trưng cho sự cao quý, trường thọ, hạnh phúc và phát triển dài lâu. Phụng (chim phượng hoàng) tương trưng cho những gì xinh đẹp, biểu tượng của thánh nhân, của sự bất tử và tái sinh. Những ngày đầu cuộc sống được ấm êm, hạnh phúc, nhưng rồi âm mưu bá chủ vẫn cứ lớn dần, cho đến một ngày kia, nạn hồng thủy dâng trào, bỗng chốc đảo nhà trời chìm trong lửa, nước. Các loài vật nháo nhác cùng nhau bay về hướng mặt trời lặn, trong đó có bốn loài tứ linh. Bay mãi, bay mãi, tới bờ biển phía Nam thì trời tối, bốn loài vật dừng lại chờ trời sáng, nhưng do đường xa thăm thẳm, các loài vật đã thiếp đi, hình thành nên các đảo nằm chắn giữ biển Đông của nước Việt. Nơi Rồng mẹ hạ xuống nay là Cái Rồng (thuộc huyện Vân Đồn), Rồng cha hạ xuống nay là đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), các Rồng con hạ là vịnh Hạ long, Bái Tử Long. Xa hơn là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (trong đó như đảo Sinh Tồn, Song Tử, Nam Yết... rồi là đảo Phú Quốc (Kiên Giang), xa hơn nữa về phía Tây Nam là đảo Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao... thuộc đất mũi Cà Mau. Ba loài còn lại, nơi Lân xuống, nay chính là đảo Thanh Lân (thuộc huyện Cô Tô), nơi Qui (tức rùa) đậu, nay là đảo Trần, thuộc quần đảo Cô Tô. Loài chim Phượng hoàng chính là đảo Cô Tô), Phượng hoàng mẹ là Cô Tô lớn, Phượng hoàng con là Cô Tô con, cùng các con vật khác nằm rải rác trên vùng biển nước Nam. Tôi choàng tỉnh khi tầu vừa cập bến Cô Tô và nghe đâu đó lời hát: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam! Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì yêu thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương” của nhạc sĩ Hồng Đăng. 
Nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Chẳng biết chuyện huyền tích đã vùi sâu đáy sóng tự bao giờ và vùng biển kỳ vĩ này có hội tụ các loài linh vật đã bao đời chầu giữ, phù giúp miền biển tiền tiêu luôn bình an. Nhưng tôi đã leo lên đỉnh núi, nơi có ngọn đèn biển cao nhất đảo, để mà ngắm nhìn sự kỳ vĩ, huyền ảo của vùng biển này. Trong giây phút đầy xúc cảm, mà nhận ra Cô Tô mang dáng hình một con chim Phượng hoàng khổng lồ, đầu hướng về phía Nam, nơi hiện nay là âu tầu tránh bão. Phần đuôi ở phía Đông bắc đảo, nơi có rừng chỏi cổ thụ quanh năm xanh tốt, người ta bảo đó là phần lông đuôi chim Phượng còn sót lại. Phần sải cánh của chim Phượng, một bên là khu bãi tắm Vạn Chải. Chuyện kể rằng khi chim Phượng hoàng sà xuống mặt biển, một bên cánh chải xuống phía Bắc đảo, tạo thành những dòng nước chảy xiết gọi là vạn chảy, tiếng địa phương gọi là Vạn Chải. Một bên về phía Nam, khu cảng tàu sang đảo Thanh Lân, nơi đây hiện có những dải đá với các thớ đủ màu xếp chồng vào nhau tạo sắc cầu vồng sặc sỡ, người ta bảo đó là phần lông cánh của chim Phượng. Người dân cho biết mỗi buổi hoàng hôn, thủy triều mới lên, hoặc xuống gần kiệt, bãi đá nhô lên tỏa sắc màu lung linh trên sóng, cảm giác như chim phượng đang vỗ cánh bay lên. 
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tứ linh là bốn loài vật linh thiêng Long, Ly, Quy, Phụng, nếu hội đủ bộ tứ linh thì vạn vật viên mãn. Chúng mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa là lửa, nước, đất và gió. Truyền thuyết cha rồng, mẹ tiên, hình thành nên dân tộc Việt Nam, truyền thuyết về các loài linh vật hình thành nên dáng núi, hình sông, tạo nên đất nước, tạo nên bức tường thành trấn giữ biển khơi từ đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Vùng biển Cô Tô, nơi ngự đủ tứ linh, hội đủ trí tuệ, uy quyền, diễm lệ và thọ trường, được coi là vùng địa linh trọng yếu của nước Nam. 
Người xưa kể rằng vào thời ngàn năm Bắc thuộc, có một viên quan nổi tiếng về pháp thuật ở phương Bắc được giao chức Tiết độ sứ ở Giao Châu. Khi quản Giao Châu, đi đến đâu quan Tiết độ sứ cũng xem hình thế đất đai, thấy nơi nào “linh thiêng, đắc địa” là ông dùng thuật pháp yểm bùa để triệt “nhân kiệt”. Một lần về vùng đất An Bang (Quảng Ninh ngày nay), khi ra vùng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và quần đảo Cô Tô, thấy vùng biển, đảo có nhiều núi non bày đặt như thế cờ. Biết đây là vùng địa linh, tiếp nhận linh khí từ biển Đông tràn vào, tạo thế phong thủy “trường cửu” của Giao Châu. Viên quan này liền tìm thế đất cúng yểm, làm cho Giao Châu suy yếu để dễ trị vì dài lâu. Hôm đó, viên quan này vừa bày đặt dụng cụ pháp thuật, trời đang trong xanh bỗng mây đen ở đâu kéo đến, đất trời tối sầm, sấm chớp đùng đùng, Biền thấy tối tăm mặt mũi, chui vội vào hang đá gần đó. Một áng mây ngũ sắc có ánh sáng chói chang, hiện lên một người mặt mũi phương phi, cưỡi rồng vàng tiến đến trong tiếng nhạc và mùi hương trầm thơm ngát, Ngài chỉ tay mà mắng viên quan Tiết độ sứ. Hắn kinh hoàng, mắt hoa, đầu óc choáng váng, ngã lăn ra đất. Bọn lính hầu vội xúm lại lập tức đưa hắn xuống thuyền, rời đảo về phủ. Sau lần đó, viên quan này không một lần dám bén mảng đến vùng này và đã phải thốt lên rằng: “Giao Châu địa khí bảo hộ trường” (đất Giao Châu được khí thiêng bảo hộ bền vững). Nhà phong thủy Tả Ao có viết “Thiên sơn vạn thủy triều lai, can chi bát quái trong ngoài tôn vinh” nói về phong thủy địa linh Giao Châu vững chãi, đẹp như ngai gấm. 
Bây giờ ra vùng biển Cô Tô, xâu chuỗi lại những chuyện đã từng nghe thì nhiều điều thú vị, tưởng như cổ tích. Từ chuyện chim phượng hoàng đánh rơi chuỗi hạt cườm trên cổ xuống biển, loài nhuyễn thể ăn và lưu giữ nó. Chẳng biết chuyện trời phú thế nào nhưng ngọc trai Cô Tô được xếp hàng quý hiếm bậc nhất các nước khu vực. Ngọc Cô Tô có kích cỡ lớn, sắc cầu vồng lung linh huyền ảo, người ta bảo có hạt ngọc lớn còn soi được như gương. Theo người dân kể lại, vào những năm 60 của thế kỷ trước, có một kỹ sư ngành thủy sản mới ra trường được điều ra đảo Cô Tô công tác giúp dân cách đánh bắt và bảo quản tôm cá. Một lần lang thang bên bãi biển, anh nhặt được mảnh họa báo do sóng biển dạt vào in hình phu nhân Tổng thống Philipin tặng phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ chuỗi ngọc trai. Từ thông tin về giá trị của ngọc trai được làm quà tặng của các nguyên thủ quốc gia, Cô Tô lại là xứ sở của ngọc trai, chàng  kỹ sư thủy sản đã đề nghị được ở lại công tác lâu dài trên đảo và anh đã nghiên cứu, đề xuất việc khai thác, bảo vệ và nuôi loài nhuyễn thể đẻ ra ngọc ở Cô Tô. Ngọc trai khai thác được chuyển về Hà Nội làm đồ trang sức và xuất khẩu. Ngọc trai Cô Tô nổi tiếng từ đó. 
Tiếc rằng, ngày nay nghề khai thác và nuôi ngọc trai ở Cô Tô mai một và ngày nay ít người nhắc tới. Tôi chợt nghĩ, nếu Cô Tô lại có những chàng kỹ sư ngành thủy sản tâm huyết như người kỹ sư thủy sản năm xưa, ngọc trai Cô Tô sẽ lại được tỏa sáng như huyền tích chuỗi hạt cườm của chim Phượng hoàng rơi xuống miền biển này.
“Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”.
Mỗi mùa xuân về, ước vọng mỗi người đều mong muốn làm nhiều hơn cho quê hương, gia đình và đất nước ngày càng thêm giàu đẹp, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác chúng ta từng căn dặn. Đối với mỗi người dân Cô Tô, còn mong muốn làm nhiều hơn cho vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên và vẻ đẹp trong sâu thẳm của văn hóa miền biển Cô Tô ngày càng hiển lộ và bừng sáng thêm, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng vì sự phồn vinh của đảo ngọc tiền tiêu.
Năm con khỉ đang lùi dần vào quá khứ, nhường chỗ cho năm con gà cất tiếng gáy gọi “biển thức” trước bình minh đảo ngọc giữa trùng khơi. Có thể gọi năm khỉ là năm Cô Tô có bước đột phá ngoạn mục với sự kiện là huyện đảo đầu tiên của cả nước đón Bằng công nhận chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm công bố quy hoạnh xây dựng, phát triển Cô Tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Những giá trị đem đến từ nông thôn mới đã như ngọn gió xuân thổi bùng lên sức sống ngàn đời của một huyện đảo xa xôi giữa biển trời. Nhìn những công trình văn hóa lịch sử, tâm linh được sửa sang và xây dựng mới đang mọc lên trên phố biển, ta không chỉ nghĩ đến ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, tính nhân văn sâu sắc của nó mà còn nghĩ đến không gian phát triển bền vững cho một vùng biển đảo dưới tác động ngành du lịch đang có những bước dài cùng biển biếc. 
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư, kiêm Chủ tịch huyện Hoàng Bá Nam, cho biết: “Cô Tô đang quyết tâm phấn đấu, huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, làm cho mỗi ngôi nhà, góc phố đẹp hơn, mang đậm kiến trúc, văn hóa miền biển để thu hút du khách, bạn bè bốn phương. Khai thác tốt tiềm năng, biến lợi thế ít thành lợi thế nhiều, biến tiềm năng nhỏ thành tiềm năng lớn để đón các nhà đầu tư chiến lược cùng đồng hành phát triển bền vững biển Cô Tô”. 
Trong tiềm thức, âm thanh huyễn hoặc bỗng vọng về giữa chốn biển trời mênh mông sóng, mênh mông gió: “Ném vào đâu một tiếng đàn/ mà biển quê hương dội sáng ngàn năm”. Bao huyền tích về biển mãi chìm sâu đáy nước, đến hôm nay “biển lại hát cùng ta, biển kể chuyện quên hương”.
Đang bên biển mà vẫn nhớ biển vô cùng. Nhớ về thủa xa xưa biển chưa có sóng như bây giờ. Nhớ tự bao giờ biển đã là một phần máu thịt của con dân nước Việt mấy ngàn năm sừng sững trước biển Đông. Những âm thanh bổng trầm như bản hoan ca giữa trời nước mênh mông nơi bình minh bắt đầu đang thổn thức vào xuân. Trong giai điệu ấy ẩn chứa một tình yêu mới: “Cô Tô vào xuân/ Ta đi trên phố biển mỗi lần/ Quê em, hóa quê mình/ Khát khao gõ cửa mùa xuân về”. Ta ngẩn ngơ nhận ra mùa xuân đang về với đảo ngọc Cô Tô mà chưa kịp đón mưa bay, gió bụi. Phố biển sớm xuân đẹp đến nao lòng, con đường nhỏ xinh bên bờ sóng đang trải lớp thảm nhựa cuối cùng kịp đón xuân sang, chúng tôi đến với chợ cá sớm, từng đoàn tầu thuyền chở đầy cá tôm đánh bắt trong đêm còn tươi rói bày bán khắp chợ. Anh bạn tôi hòa cùng những người khách ra đảo mua tôm, cá làm quà Tết mang về đất liền. Nhìn sắc mặt vui tươi, mãn nguyện của cả người bán, lẫn người mua trong những ngày sắp bước sang năm mới, tôi chợt nhận ra trong mỗi món quà kia còn có cả niềm vui và ước vọng một mùa xuân mới từ biển xa, “một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời”.
20/2/2017
Phạm Thành
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...