Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Thử nhận diện: Chân dung nhà văn

Thử nhận diện: Chân dung nhà văn

Giống như nhiều người, tôi cũng yêu thích, ngưỡng mộ Nhà thơ Xuân Sách và tác phẩm Chân Dung Nhà Văn. Tôi quyết định thử làm vai trò của người nghe, thưởng thức khúc độc tấu của người gẩy đàn tài ba - Xuân Sách bàng cách THỬ NHẬN DIỆN
Có cả thẩy 100 chân dung. Tôi chỉ cố sức tìm hiểu được số ít trong đó. Nếu nhận diện chưa đúng, còn có khiếm khuyết - mong bạn đọc bỏ qua!
Trong cuốn Chân Dung Nhà Văn, Thi sĩ Xuân Sách viết (vẽ) - bức chân dung rồi xếp vào vị trí đầu tiên - đánh số thứ tự - 1. Điều đó nói lên: Người được vẽ chân dung là một tài năng, có vị trí quan trọng đối với nền Văn Chương Việt Nam hiện đại.
Ta thử tìm hiểu - nhận diện xem bức chân dung này là ai? 
1. 
Xung Kích tràn lên, nước Vỡ Bờ
Đã Vào Lửa đỏ hãy còn mơ
Bay chi Mặt trận Trên cao ấy
Quên Chú Nai Đen, vẫn đứng chờ!
Các cụm từ: Xung Kích, Vỡ Bờ, Mặt Trận Trên Cao. Vào Lửa. Con Nai Đen làm tôi liên tưởng tới hình ảnh một tác giả còn có những tác phẩm nổi tiếng khác: Nguyễn Trãi ở Đông quan (Kịch nói), Bài Ca Hắc Hải (trường ca), bài thơ Đất Nước, Người Hà Nội, Diệt Phát Xít (nhạc): Đó chính là NGUYỄN ĐÌNH THI - Tổng thư ký Hội nhà văn Việt nam - ’’Người hùng’’ của Nền Văn - Nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa - đương đại!
Nguyễn Đình Thi có thực tài, tinh thông nhiều lĩnh vực trong Cầm, Kỳ, Thi… thơ. Ở lĩnh vực nào ông cũng được dư luận xếp hạng xuất sắc.
Lẽ ra, ông xứng đáng được nhận trọng trách cao hơn nữa. Phải chăng có những lý do đặc biệt nào ảnh hưởng tới việc bổ nhiệm, đề bạt này? Dư luận cho rằng, nguyên nhân ảnh hưởng tới bước quan lộ của NĐT là từ câu chuyện tình riêng tư - của ông: Đầu những năm 50 của thế kỷ 20 - Nguyễn Đình Thi được cử dẫn đầu đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới. Ở đây ông gặp nữ văn sĩ, nhà báo người Pháp - bà Ma dơ len Rip pho. Trai tài, gái sắc, hai người yêu nhau. Nguyễn Đình Thi không được ''tổ chức’’ cho phép.
Thời kỳ đó, và nhiều năm sau này, cán bộ - thậm chi dân thường - nếu được cử đi nước ngoài công cán, học tập, lao động, ’’lỡ’’ yêu thương người thuộc sắc tộc, quốc gia khác - đều bị coi là ’’tộí’’, Nếu ’’trầm trọng’’, bị ''tổ chức'' trừng phạt: Đuổi về nước, ghi lý lịch. bị quy cho Tư tưởng tiểu tư sản - Tạch Tạch Sè (biến âm viết tắt TTS). Đến mức này, ’’nạn nhân’’ coi như ''xong'', suốt đời không ngóc đầu lên được. 
Chuyện ngăn cấm ’’yêu sâu đậm’’ làm giới trẻ hậm hực, phản ứng. Song, tất cả đều im re, hoặc chỉ dám thì thào trong bóng tối. Tuy vậy, lớp trẻ - không cam chịu. phản ứng bằng bài thơ (khuyết danh):
Văn minh như thể nước Nga
Người ta chẳng cấm thò ra thụt vào.
Lạc hậu dù đến thể nào
Cũng chẳng cấm đoán thò vào thụt ra.
Anh hùng như thể nước ta
Cớ sao lại cấm thò ra thụt vào?
Sáu câu thơ có ba câu hỏi kèm dẫn chứng:
- Nước Văn minh - Chẳng hề Cấm! (Thò ra thụt vào)
- Nước lạc hậu - Cũng không Cấm! (thò vào thụt ra)
- Nước anh hùng - Cớ sao Cấm? (Thò ra thụt vào)
Đọc lên, ta thấy vui, thâm thúy đến cay độc. cười trong chua xót...
Hai từ thò ra thụt vào... thò vào thụt ra cứ lặp đi lặp lại, cò cưa, ký cưa... khiến người nghe mường tượng ra: Miệng một cái hang xuất hiện đầu con rắn, thấy bên ngoài im im... nó đưa đầu, lưỡi lo le từ trong hang thò ra quan sát để hành động...
Chợt bên ngoài có tiếng động... động mạnh... đầu rắn vội thụt vào nhanh để tránh... đòn.
Chỉ được một lúc, động tác của cái đầu con rắn lặp lại... Cứ thế... cứ thế... Hừ... quái quỷ thật: Thò ra thụt vào... thụt vào... thò ra - Hê... hê... hê - Người đọc - cả già lẫn trẻ, cả Nam lẫn Nữ - đều phá lên cười, vui.
Chuyện quan hệ nam nữ - thời kỳ nửa thế kỷ trước - bị cấm đoán đến cay nghiệt. Giới trẻ chất vấn ''Trên'' nhưng không có câu trả lời, việc ’’Cấm’’ cứ tiếp tục! Bị ’’thiệt hại’’ nhiều nhất là Văn Nghệ Sĩ!.
Nguyễn Đình Thi là một trong những ’’công thần’’ của chế độ trên lĩnh vực Văn Nghệ, chắc không bị phê bình, nhưng mối tình ''Pháp - Việt đề huề'' không thành, mặc dù người phụ nữ ông yêu cũng là một nữ đảng viên Đảng Cộng Sản Pháp!
Vào khoảng đầu những năm sáu mươi (TK20), trong tuyển tập thơ Tình Yêu của nhà xuất bản Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi cho in một bài thơ có tựa đề - NHỚ.
Đầu bài thơ ông viết - ''Tặng M...''.
Tiếp sau đó là ba khổ thơ chứa chan tình cảm, tình yêu thương nồng cháy:
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây.
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người!
Việt Bắc 1951
N.Đ.T
Chữ M có nghĩa là Em - người Nguyễn Đình Thi yêu!
Cũng có nghĩa là chữ đầu M - tên ''nàng'' Madlen Rippho!
Có thể trong tận đáy sâu tâm hồn, ông Thi không vừa lòng với cách ‘‘Ngăn cấm‘‘ của ''lãnh đạo''. Nhưng đó là nguyên tắc tổ chức đành chấp nhận. Trong khoảng 25 năm từ 1960 - 1985, những tác phẩm nổi tiếng với nhiều thể loại của nhà văn lần lượt ra đời. Trong số đó, phải kể đến hai vở kịch: Con Nai Đen và Nguyễn Trãi ở Đông Quan có nội dung ’’gai góc’’, bị giới phê bình cho là ''có vấn đề’’ . Những ’’lính gác trung thành của lâu đài văn hóa Việt’’ - thẳng tay… ’’phang’’ - dù đó là tác phẩm của Tổng thư ký Hội nhà văn.  
Đặc biệt vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, do  đạo diễn nổi tiếng - Nguyễn Đình Nghi, (con trai cụ Thế Lữ) - dàn dựng. Khi đoàn kịch nói trung ương đang tập dượt diễn thử, dư luận đã nổi lên như sóng cồn. Giới trí thức - văn nghệ sĩ thủ đô - lúc đó đặt vè: 
''Nguyễn Đình Thi với Đình Nghi
Mượn đời Nguyễn Trãi nói gì với ta?'' 
Không ai có thể phán quyết được vấn đề Nguyễn Đình Thi đặt ra. Vở kịch gián tiếp phê phán lớp người già tham quyền cố vị... nói lên nỗi lòng nhiều ''công thần của chế độ'', hiện đang thất sủng, bị chèn ép. NTƠĐQ động chạm khía cạnh giống như Nguyễn Trãi - sau khi giúp Lê Lợi dựng nghiệp lớn, về cuối đời bị vạ ''Lệ Chi Viên'' (1)...
Đích thân ông Trường Chinh - lúc đó là ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội - nhân vật được xếp hàng thứ hai, sau Tổng bí thư Lê Duẩn (dù chỉ là  trên danh nghĩa, hình thức) - yêu cầu xem vở diễn. Đoàn kịch nói Trung Ương được lệnh tổ chức diễn ở nhà hát Lớn Hà Nội cho ông Trường Chinh và Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương, duyệt. 
Khi xem xong, có thể ’’ngầm’’ đồng ý với Nguyễn Đình Thi, nhưng, tình hình, thời thế... ’’Người anh cả của nền Văn học - Nghệ thuật nước nhà’’ - như lời của một nhà lý luận hàng đầu tôn vinh - ông Trường Chinh vẫn phải đành gạt bỏ vở kịch, ra lệnh cho Bộ Văn Hóa ’’không phổ biến’’. Nguyễn Trãi ở Động Quan bị ''xếp kho'' nhiều năm.
Sau sự kiện này, Ông NĐT buồn, có ý định ''rửa tay gác... bút''…
Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (1983) nhóm họp, Nguyễn Đình Thi lại được chỉ định ứng cử và lần này ông lại trúng cử Tổng thư ký. Trong hôm ra mắt ban chấp hành mới, bế mạc đại hội, trước màn ảnh nhỏ, khán giả cả nước được nghe Tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam xúc động - tuyên bố: 

''... Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của đảng''!
Câu nói của ông Thi được bà con ta ghi nhớ!
Nhiều nhà văn không đồng tình.
Nhà văn là Kỹ sư tâm hồn, là người làm công việc cao quý: Phản ánh, ghi chép lịch sử của dân tộc, của đất nước dưới hình thức, qua thể loại có tính đặc thù: Văn học - Nghệ thuật.
Nhà văn phải là người tham gia cải tạo xã hội, dự báo cho dân tộc - (ngay cả cho Đảng) - những khả năng mới sẽ xảy ra để dân tộc và Đảng điều chỉnh, hành động, đưa đất nước tiến lên… Nếu chỉ dựa và lựa ánh sáng… của Đảng để ’’lấp lánh’’, nhà văn đó cũng sẽ không được ngay Đảng - cần. Họ phải bằng tài năng của mình thể hiện bản lĩnh thông qua các sáng tác văn học - nghệ thuật có giá trị nhân văn - nghệ thuật đích thực. Đó mới là chức năng của nhà Văn chân chính. Chỉ chờ để ’’lấp lánh’’ trong từng thời điểm, thì… Dân tộc, Xã hội và Đảng - cũng sẽ không cần loại nhà văn đó!
''Những kỹ sư tâm hồn Việt Nam'' cảm thấy người đứng đầu tổ chức đã công khai hạ thấp nhân phẩm của họ. Theo Bùi Minh Quốc trong bài ''Vài kỷ niệm làng văn bị trói'', kể lại câu chuyện điển hình về sự ''phảng ứng'' của giới cần lao và trí thức Văn Nghệ Sĩ trước câu tuyên bố của Tổng thư ký - Nguyễn Đình Thi:
''... Hôm sau (hôm Nguyễn Đình Thi nói trên truyền hình) tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng. Ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là Nguyễn Đình Thi, rồi tặc lưỡi mà bảo: Nhà văn các ông... hừ... việc gì phải thế?...
Một anh bạn tôi - (vẫn lời kể của BMQ) - bên ngành giáo dục, nhà gần chợ Bắc Qua, kể với tôi rằng, có một cô gái buôn gà thường ghé sang nhà anh xem nhờ tivi (2) - hôm tường thuật lễ bế mạc đại hội nhà văn cô ta cũng xem. Khi xem xong đoạn ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy (...) cô gái đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm (bặm trợn, dân giã, chợ búa): Gớm, ''cậu'' đéo ’’lào’’ (nào) mà ’’lịnh’’ (nịnh) thế?''.
Nguyễn Đình Thi đã để lại cho nền Văn học - Nghệ thuật Việt Nam gia tài sáng tác khá đồ sộ, góp phần làm phong phú nền văn học nghệ thuật nước nhà ở nửa sau của thế kỷ 20. Trong nhiều thập niên, ông trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam.
Tuy nhiên - vì cũng là con người như mọi con người bình thường khác - Nhà Văn cũng không thể nào tránh được những phút quá ’’xuất thần - bốc hỏa - lên đồng’’, khi tâm can có hơi men, tâm trí đang bức xúc... 
Chúng ta hãy thông cảm cho một tài năng, xem như những tật nhỏ của những người nổi tiếng, giống như sự đãng trí của vĩ nhân: Phải đục hai cái lỗ to, nhỏ - cho hai mẹ con con… mèo - ra vào, xuyên qua tường ngăn ở một căn phòng…
5.8.2008
Chú thích: 
(1) Đây là một truyền thuyết được sử sách ghi lại. Xin tóm lược câu chuyện vụ án Lệ Chi Viên: Khi còn hàn vi, trước khi đi theo giúp Lê Lợi, cụ Nguyễn Trãi dậy học. Trường học có nhiều học trò, nhưng sân trường lại quá hẹp. Cụ ra lệnh cho học trò ’’Lao động công ích’’ - phát quang, san đất mở rộng sân trường để lấy chỗ vui chơi. Cụ ấn định công việc sẽ tiến hành vào ngày sau...
Đêm đó cụ nằm mơ thấy một người đàn bà bụng chửa, dắt theo hai đứa trẻ tiến đến quỳ lạy xin cụ rút lại lệnh phát quang kia, vì  nếu làm vậy, mẹ con người đàn bà sẽ không nơi nương thân... Bừng tỉnh, Cụ cho là giấc mơ huyễn hoặc, bỏ qua.
Sáng hôm sau, học trò thi hành lệnh của thầy...
Chiều đến, người trưởng tràng (lớp trưởng) đến báo tin, việc san lấp, phát quang sân trường đã xong... anh ta không quên kể lại, trong khi làm việc, đụng phải tổ rắn, giết chết một rắn mẹ rất to, bụng chửa - và hai rắn con... Cụ Nguyễn Trãi không chú ý chuyện này... khen ngợi các trò, bình thản về nhà....
Đêm đó, ngồi vào bàn đọc sách, tự nhiên từ trên mái nhà có một giọt máu rỏ xuống đúng chữ Tam, thấm ướt ba trang giấy... cụ lạ lùng, mệt mỏi bỏ đi nằm. Trong mơ cụ gặp lại người đàn bà và hai đứa trẻ kia, mình đầy máu... bà ta vừa khóc vừa nói: ''Ta đã xin ngươi... chẳng những ngươi không cho mà còn sai đệ tử giết mẹ con ta... ngươi sẽ gặp quả báo!''...
Thời gian trôi đi...
Cụ Nguyễn Trãi lên đường giúp Lê Lợi.
Kháng chiến chống quân Minh thành công cụ được nhà vua dành cho nhiều ân sủng. Nhiều năm làm quan trong triều. Con trai vua Lê Lợi nối ngôi, gian thần hoành hành, Nguyễn Trãi can ngăn mà không được đành cáo quan về ẩn dật, dạy học. Cụ tình cờ gặp người con gái trẻ, xinh đẹp, gánh chiếu đi qua (khi đó cụ ngoài 50). Ông Đồ Nguyễn Trãi tức cảnh đọc:
Cô ở đâu ta bán chiếu gon
Hỏi thăm gánh chiếu hết hay còn
Xuân sanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Cô gái bán chiếu chính là nàng Thị Lộ, đẹp người, hay chữ, thấy ông đồ buông lời chọc ghẹo, chẳng những không e ngại như bao thiếu nữ đương thời, trái lại, nàng ứng khẩu đáp lại ngay:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ sao ông hỏi hết hay còn
Xuân sanh chừng độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có - có chi con!
Cuộc làm quen, dẫn đến mối lương duyên như đã tiền định... 
Nguyễn Trãi và nàng Thị Lộ đã đi vào lịch sử huyền thoại của dân tộc... tạo ra bi kịch cho dòng họ một nhà chính trị đại tài, một danh nhân văn hóa Việt Nam...
Vua Lê đi kinh lý qua vùng kinh Bắc, thấy phong cảnh đẹp, đặc biệt là khu vườn vải Thiều nằm ven sông... nhà vua hạ lệnh cắm trại nghỉ lại. Theo lễ quân thần, Cụ Nguyễn Trãi sai gia nhân và người thiếp yêu của mình - nàng Thị Lộ - đến chỗ vua nghỉ phục dịch. Nhà vua đêm đó trúng phong hàn chết... lại có mặt Thị Lộ. Lũ gian thần rắp tâm muốn hại Nguyễn Trãi từ lâu mà chưa có dịp... nhân việc này... chúng gắn câu chuyện ''Rắn Tinh báo mộng trả thù'' vào... cho Thị Lộ là con Rắn Tinh biến thành người... giết vua để trả mối thù khi xưa... (ứng với chuyện giọt máu rơi chữ Tam (ba họ)... Ba trang sách (Tam Đại - ba đời)...).
Triều đình ghép Cụ vào tội Khi Quân, đưa ba họ của cụ ra chém.
Đến thời minh Quân Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi và vụ án Lệ Chi Viên mới được giải oan (…).
(2) Vào đầu những năm 80, đất nước còn đói nghèo. thỉnh thoảng những người khá giả mới có tiền mua một chiếc Tivi đen - trắng. Cứ tồi đến chủ nhà mở cửa hoặc đưa ra sân để cho bà con láng giềng cùng xem. Hiện tượng cô bán gà trọ, đi xem nhờ ti vi hàng xóm là chuyện hoàn toàn có thật, ở nhiều nơi trong thành phố đều có cảnh này…
Con số 49 là con số độc.
Dân ta đã có câu tổng kết: ’’Bốn chín chưa qua, Năm (mươi) ba đã tới’’ - đó là hai cột mộc - Xung và Hạn, rất ‘’nguy hiểm’’ cho một đời người. Có lẽ Xuân Sách đã đánh số 49 cho bức chân dung hoàn toàn ngẫu nhiên?
Chúng ta hãy cùng nhau nhận diện chân dung số 49: Đây là ai? 
49.
Chuyện kể cho người mẹ nghe
Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang
Đứa con nuôi của trung đoàn
Phá Vây xong lại chết mòn trong vây.
Biển Lửa (truyện phim), Phá Vây (tiểu thuyết), Con nuôi của trung đoàn (truyện) - là tên các tác phẩm của nhà văn PHÙ THĂNG.
Phù Thăng - tên thật là Nguyễn Trọng Phu, sinh tại Hải Dương, đi kháng chiến chống Pháp từ năm 1947. Phù Thăng - đọc, đảo lái đi thành ‘’Thằng’’ Phu. Thiếu úy Đỗ Đức Dân, bạn thân, đồng hương, cùng đơn vị chiến đấu với Phù Thăng chuyển ngành (đợt 8 vạn binh sĩ giải trừ quân bị) - về làm phó chỉ huy công trường Khoan - Bắn mìn của mỏ Cọc 6 - Công ty than Hồng Gai - kể lại khi báo chi phê phán cuốn tiểu thuyết Phá Vây - hồi hơn 40 năm trước: ‘’Cậu ấy lấy bút danh Phù Thăng, ngay từ khi viết Báo tường của đơn vị’’!
Sau này, trở thành hội viên Hội nhà văn, trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Trọng Phu vẫn dùng bút danh Phù Thăng, và ngay sau đó Phù Thăng đã trở nên nổi tiếng qua cuốn tiểu thuyết Phá Vây. Và sự kiện ‘’Phá Vây‘‘ - xứng đáng xếp vào loại ’’độc nhất vô nhị’’ trong lịch sử văn học của làng Văn Chương Việt, ở nửa sau thế kỷ 20! 
Phá Vây viết về đề tài chiến tranh.
Nhân vật chính (hóa thân của tác giả) là cán bộ chỉ huy đơn vị trinh sát, có những suy tư về chiến tranh, về hòa bình khác thường, độc đáo. Lãnh đạo Văn Nghê thời đó rất ’’cay’’ nhà văn mượn nhân vật để phê phán chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng chiến tranh, phát triển thành nguyên lý: ''Làm Cách Mạng không thể đeo găng tay'' (J.Stalin),'' Súng đẻ ra chính quyền'' (Mao Trạch Đông) và gần nhất - Pol Pot đã tiến hành ‘’Đấu tranh giai cấp’’ với chính dân tộc mình, bằng cuộc Diệt chủng man rợ...
Trần Đăng Khoa nói văn tắt trong Chân Dung Và Đối Thoại về nguyên nhân Phù Thăng ‘’mang họa’’: ‘’Tập sách sẽ là con thuyền xuôi chèo mát mái nếu không có vài dòng Phù Thăng luận về chiến tranh…’’ (CD&ĐT trang 66).
Nguyễn Quang Thân trên TT&VH số 55 ngày 24.2.2008 - thì trích ‘’cụt lủn’’ về nguyên nhân tai họa của Phù Thăng chỉ do một câu than vãn: ‘’… Đời Lính là đời quá nhọc nhằn’’.
Nói và trích dẫn như vậy quá thiếu, khiến người đọc dễ gây phản cảm: Lẽ nào chỉ viết có thế mà ‘’đày đọa’’ một con người - một nhà văn đến tận đáy cuộc đời?
Sự thực đoạn văn nặng ký ‘’vài dòng’’ do Nguyện Hưng Quốc trích - đưa vào một tiểu luận - như sau: ''... Chiến tranh đã gây lên và sẽ gây lên bao nỗi đau khổ, vất vả, tủi nhục, căm giận khác nữa… Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả, và đời lính chỉ là cuộc đời nhọc nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đãu có thu được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng đã trả một giá quá đắt. Phải sớm kết thúc cuộc đổ máu cùng những thảm họa của nó!''.
Có thế chứ! Đây mới là nguyên nhân chính khiến tác giả mang họa.
Đoạn văn, tác giả viết ra hoàn toàn không đúng lúc. Chiến tranh đang bao trùm không gian Việt Nam, được lý giải: Có hai loại Chiến tranh - Chính nghĩa và Phi nghĩa. Chúng ta làm chiến tranh dù dưới hình thức nào, với lý do gì cũng là Chính nghĩa. Bọn Đế quốc và bè lũ tay sai gây chiến tranh là Phi nghĩa. Cần phải ủng hộ triệt để cuộc chiến tranh CHÍNH NGHĨA, chống lại chiến tranh PHI NGHĨA... 
Thế mà Phù Thăng lại coi chiến tranh chung chung… và cần phải ‘’sớm kết thúc’’. Trong thời điểm khi mà nghị quyết 9 đã đưa ra, các đoàn quân đã rùng rùng chuyển động hướng ra chiến trường… làm sao có thể chấp nhận, cho ‘’luồng tư tưởng’’ này tồn tại. Hệ thống tuyên truyền và nền Văn Nghệ được huy động tối đa ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước. Bỗng dưng cuốn sách của Phù Thăng công khai nói ngược thậm chí phủ định - một ý kiến ‘’lạc lõng’’. Không bị xếp vào rọ ‘’Phản động’’ là may cho Phù Thăng lắm rồi. Sẽ không nghi ngờ lòng trung thành của một sĩ quan quân đội nhiều năm cầm súng chống Pháp, giờ cấm bút chiến đấu trên mặt trận Văn Nghệ, chỉ gọi lên phê phán rồi yêu cầu phải sửa lại tác phẩm, (cắt bỏ những đoạn văn luận bàn về chiến tranh).
Phù Thăng không chịu, công khai từ chối lời yêu cầu kia: ''Thực tâm tôi nghĩ thế nào thì tôi viết ra một cách trung thực thế. Nếu các anh cảm thấy không được thì thôi, không in nữa. Nếu trót in rồi thì không phát hành nữa, chứ bây giờ bảo tôi chữa khác đi, thì thú thực tôi chẳng biết chữa thế nào''. (Chân dung và Đối thoại trang 67).
- ’’Thế là thế nào? Nuôi quân ba năm sử dụng một ngày. Đảng và Nhà nước nuôi anh, cho anh cơm ăn, áo mặc, môi trường để viết rồi giúp anh in ấn, phổ biến, quảng bá tác phẩm để anh gặt hái vinh quang. Giờ cần anh ủng hộ ‘’bằng… mồm’’, anh lại từ chối à’’?
- Ơn đó tôi ghi nhận, nhưng đây là lương tâm, lương tri, bản lĩnh của người cầm bút, tôi không thể làm khác.
- Thế thì…được… được!‘’
Ngay sau đó, các Báo, Tạp chí đăng tải những bài viết phê bình Phá Vây mà không cho ông lên tiếng thanh minh, bảo vệ, cũng giống như trường hợp các nhà Văn khác, từng bị ''Trói vào mà đánh, khen thay chịu đòn''. Kết quả là: Phá Vây bị thu hồi, tác giả bị chuyển đi, lần lượt từ cơ quan này đến cơ quan khác, bị ‘’treo bút ngầm’’. Từ đó không thấy ông xuất hiện trên văn trường nữa. Ông sống lặng lẽ cho tới khi đủ tuổi hưu trí, về quê nhà đi cầy, vui với đồng ruộng và lũ... Gà - Vịt (1).  

Đề tài này quả thật gai góc: Cả chục năm sau - Việt Phương cũng viết, bàn về Chiến tranh, bằng những câu thơ ‘’Không hợp thời’’: 
Ta thắng Mỹ cho ngàn vạn năm đời sắp tới
Cho cả thời con cháu ta sẽ hỏi
Vì đâu?
Ngày xưa trước năm 2000
Người ta giết nhau,
mạng người như hòn sỏi?...
Sau Hiệp định Paris (1973) - Phạm Tiến Duật - cũng lại ‘’than thở’’ về chiến tranh - trong  bài thơ Vòng Trắng:
''... Khói bom lên trời thành một vòng đen
Trên mặt đất hiện bao nhiêu vòng trắng
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang vòng tròn như một số Không...''
Việt Phương, Phạm Tiến Duật - cũng giống như Phù Thăng - có những suy nghĩ ‘’lệch lạc’’ về chiến tranh khiến ‘’Con thuyền… cuộc đời’’ họ đều không ‘’xuôi chèo mát mái’’.
Cũng không thể ‘’trách’’ những người lãnh đạo được, vì lúc đó, chủ trương, đường lối, nghị quyết giải phóng miền Nam bằng chiến tranh đã ban hành, muốn thực hiện được mục đích, người lãnh đạo buộc phải làm như vậy…
Nhưng cũng không thể ‘’chê’’ Phù Thăng quá cố chấp (…). Đó là ‘’nghiệp chướng’’ của người cầm bút có bản lĩnh, chân chính và sự kiên trì trong ý thực hệ của người lãnh đạo văn nghệ của chế độ! Cả hai phía hành động đều đúng theo ‘’chức trách’’ của mỗi bên… Cuộc đấu sức quá chênh lệch khiến nhà văn phải lãnh nhận hậu quả.
Có điều: Hành động của Phù Thăng khiến chúng ta nhớ đến chuyện viên quan viết Sử thời Đông Chu Liệt Quốc bên Trung Hoa, cách đây hơn 2000 năm, Sử gia Tư Mã Thiên đã ghi lại, có thể tóm tắt:
''Một người thoán đoạt ngôi vua. Sau khi tại vị, ông ta ra lệnh cho các quan trong triều tìm mọi cách ca tụng mình. Trong khi các quan thực thi ý kiến của vua mới, riêng viên quan chép Sử lại ghi vào sách:
''Năm ấy... tháng ấy... ngày ấy... ông X giết vua...''. Nhà vua vô cùng tức giận, cho gọi người chép Sử đến, bắt ông phải sửa lại đoạn văn. Người chép Sử không nghe, vua tuyên bố: Nếu không sửa lại sẽ bị chém đầu. Người chép Sử vươn cổ ra chịu chém chứ nhất định không sửa câu văn mình đã viết.
Con ông ta nghe tin, đến thay Cha, lại bị chém.
Người Cháu noi gương Cha, Ông tiếp tục lặp lại: ''Ngày... ông X giết vua''. Nhà vua đọc đoạn văn, nhìn đứa cháu của viên quan ngự Sử, ngửa mặt lên trời than: Ta chịu thua các ngươi! đoạn tha tôi chết cho Cháu người chép Sử.
Người Cháu thoát chết ra về, tới cửa thấy có nhiều người xếp hàng chờ mình. Anh ta ngạc nhiên. Những người đứng chờ giải thích: Chúng tôi chờ, nếu ông bị chém đầu, sẽ lần lượt thay thế chức vị của ông''. 
Ta cũng lại liên tưởng tới hoàn cảnh của nhà bác học Ga li lê trước lúc đao phủ châm lửa giàn thiêu, hỏi ông lần cuối rằng, có thừa nhận trái đất đứng nguyên không? Trước ngọn lửa, Ga li lê đành chấp nhận và đồng ý cải chính: ‘’trái đất đứng nguyên’’… Khi được cỡi trói, chưa ra khỏi giàn thiêu, ông đã lại thốt lên: Dù sao thì trái đất vẫn cứ… quay!
Giá - Phù Thăng hành xử như Ga Li lê thì…
Nhưng ‘’Thằng - Phu - Chữ’’ đã nêu tấm gương sáng về lòng dũng cảm của người Nghệ sĩ chân chính! Có thể coi ông là người chép Sử của Việt Nam thời hiện đại.
Qua Phá Vây, Phù Thăng muốn gửi tới người đọc đương thời bức thông điệp về chiến tranh và hòa bình. Sự bất đồng quan điểm với lãnh đạo cấp cao đã đến điểm đỉnh. Phù Thăng lại không nhân nhượng... Guồng máy chỉ đạo chiến tranh không thể để cho vật chắn cản đường: Phải ‘’gạt - xúc - quẳng’’ đi! Nó không thể tồn tại trước ‘’Ba dòng thác cách Mạng’’: Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước‘’ dù có phải đốt cháy cả dẫy trường Sơn’’!
Kết cục ‘’Không xuôi chèo mát mái’’ đã đến với nhà văn tài năng!
Việt Nam ta có câu ngạn ngữ: ''Về đuổi gà cho vợ'', là ám chỉ việc các đấng trượng phu thất bại trong sự nghiệp, trở thành phế nhân, chỉ còn làm ông chồng suốt ngày ngồi bên bếp lửa vuốt… đuôi mèo (2), hoặc đuổi gà cho bà xã, sống qua ngày. Câu ngạn ngữ đó vận ngay vào Phù Thăng. Chỉ khác một điều, ông không thất bại theo nghĩa hẹp của câu nói kia. Ông về phục vụ bà nhà: Đi cầy, hàng phục ‘’Trâu điên’’ - như Trần Đăng Khoa kể trong CD&ĐT - và chăn… Vịt!.
Thế nhưng con gà cứ ám ảnh ông...
Chân dung và Đối thoại, xuất bản gần 10 năm trước (1999), Trần Đăng Khoa dành cho Phù Thăng những dòng chứa chan ân tình rồi tóm tắt, giới thiệu Hạt Thóc - Truyện ngắn có thể xem là ‘’Nặng Ký’’ trong sự nghiệp sáng tác sau Phá Vây của Phù Thăng. Người đọc ‘’rùng mình’’ khi nghe đoạn văn của Hạt Thóc, (cũng như đã từng rùng minh khi đọc ‘’vài dòng’’ trong Phá Vây): ''... Thật tội nghiệp cho gã! Thà gã cứ coi mình là một cục cứt để rồi mà sợ chó thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy....''.
Câu văn gợi cho ta nhớ tới câu ví: ''Trí thức không đáng giá bằng cục... Phân''! Nhưng ‘’Trí - ta’’ hãy dẹp sự tự ái sang bên, tiếp tục nghe Phù Thăng tâm tình:
''... Chó đang thưa vắng dần...  Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó. Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân...
Nhưng đó lại là những con chó hòa bình, chẳng có gì phải sợ. Khốn nỗi gã lại là hạt thóc, một hạt thóc bé nhỏ nên mới sợ Gà. Mà Gà thì ở đâu chẳng có. Chúng sinh sôi nẩy nở đàn đàn lũ lũ... đến cả những phố phường sầm uất... cũng có thể bất thần nghe tiếng gà gáy te te... bởi vậy tính mạng gã luôn bị đe dọa''. (CD VÀ ĐT Trang 62 - 63).
Chó thì được bà con nông dân nuôi ở làng quê để giữ nhà chống trộm, để giúp các cháu bé ''làm sạch'' sau khi các cháu bĩnh ra, chứ ở Hà Nội có điện, có nước máy, cần gì chó, ai nuôi chó… ta. Thế mà bây giờ chó ở làng quê, miền ngược đang thưa dần... chỉ ở Hà Nội mới có chó... thậm chí rất nhiều chó là đằng khác! Sao lạ vậy nhỉ?
Chó nhiều - chẳng việc gì phải sợ: Không phải chó điên, chó sói, chó Berger to như con bê, được nuôi phục vụ việc bắt trộm cướp, bắt hung thủ trong các vụ án hình sự! Đây là những con chó không thể làm hại người - chó thuần chủng, ’’chó hòa bình’’.!
Chó ngào ngạt chẳng những suốt rẻo đê Nhật Tân, mà dường như còn ảnh hưởng ''mùi'' cả Hà Nội rồi lan ra xung quanh, khiến hàng ngày người ta ‘’đánh hơi’’ thấy, lũ lượt kéo về thưởng thức: Rượu - Thịt Chó!
Chó - nhưng ''đó là những con chó hòa bình chẳng có gì phải sợ'' - nghĩa là chúng không thể cắn người được. Ngược lại, chúng còn bị người ‘’cắn’’… lại rồi nhai ‘’chín’’, nuốt ‘’tươi’’!
Một số ông chủ của đất Ngàn năm văn vật và ngay cả ở Sài Thành Hoa Lệ ''Hòn ngọc của Viễn Đông'' - dùng chúng làm phương tiện hốt bạc. Họ biến việc nuôi, cung cấp, kinh doanh, nhập khẩu… chó - thành Vàng và Đô la, khiến đi trên đường phố, khách du lịch, vãng lai luôn gặp những bảng hiệu: ''A ! đây rồi - thịt cầy bảy món''!
Rượu - Thịt Chó đã trở thành món hấp dẫn của cả dân Việt khiến ngành kinh doanh ăn uống phục vụ, nhanh nhậy khai thác biến ngành ẩm thực thuần Việt ngày một phồn thịnh phát đạt. Và trong nền kinh tế thị trường (có giai đoạn được định hướng XHCN - bây giờ thì không), họ hàng nhà Khuyển được nhanh chóng phân loại, xếp hạng: Nhất Vện, nhì Vàng, tam Khoang, tứ Mực - đáp ứng nhu cầu, khẩu vị của người ăn!
Thế là người này bảo người kia, rủ nhau ùn ùn, nghìn nghịt kéo đến Nhật Tân... rồi hình thành từng mâm, từng nhóm, từng cặp... Từ già đến choai choai. Từ các ông, gã, thằng... Phu đến các sĩ phu đủ kích cở, chủng loại - đều có mặt trong bữa nhậu. Đến ngay cả các nam thanh, nữ tú - Sinh viên, học sinh - cũng hăng hái tham gia mâm rượu. Tất cả (xếp chân bằng tròn trên chiếu)... đồng loạt vui vẻ, hả hê ''đưa cay'', ‘’trăm phần trăm’’ rồi cắn, nhai ngồm ngoàm, thưởng thức hương vị của khúc dồi, đĩa chả, bát nhựa mận trong tâm trạng ‘’Thăng hoa’’, say sưa ngẫm nghĩ về câu nói của dân gian:
Sống ở trên đời ăn miếng Dồi chó
Chết xuống âm phủ liệu có hay không.
Tiếp đó, TĐK diễn giải - Hạt Thóc (3).
Chuyện kể về nhân vật - nhà văn bị tâm thần. Gã tâm thần mang trong lòng nỗi ám ảnh, tưởng mình là một hạt thóc... và vì là ''Thóc'' nên luôn sợ... Gà... ''Mổ''!
Nỗi ám ảnh ngày một tăng... đến độ gã phải vào nhà thương điên để chữa trị. Rất may, được người bác sĩ tài giỏi, thân ái, thậm chí kính trọng trí tuệ gã người bệnh của mình. Ông bác sĩ nhân ái kia chăm sóc gã tận tình đúng như câu khẩu hiệu do đích thân cụ Hồ nói về trách nhiệm của thầy thuốc, được ghi khắp nơi trên tường của các trạm xá, bệnh viện: Lương y ‘‘kiêm‘‘ từ mẫu. (Thầy thuốc kiêm mẹ hiền - nguyên văn lúc đầu phát ra, sau sửa ‘‘Kiêm‘‘ thành ‘‘Như‘‘). Gã được sống trong căn phòng: ''... chẳng có cửa rả, ngày đêm mở thông thống... bệnh viện chẳng có tường ngăn, rào chắn, bệnh nhân chẳng ai bị trói giữ giam nhốt...'' (Sách đã dẫn, trang 63) - nghĩa là gã tâm thần được sống và chữa trị trong môi trường thoải mái, tự do!
Nhờ vậy, nhà văn tâm thần kia khỏi bệnh. Người ta cho gã xuất viện. Thế nhưng trên đường từ bệnh viện về nhà, nghe thấy tiếng gà gáy... căn bệnh cũ lại tái phát... Người Bác sĩ ngạc nhiên hỏi, gã trả lời: Quả thực tôi đã khỏi bệnh, tôi là NGƯỜI hẳn hoi!
- Thế sao nghe tiếng ... anh lại sợ như trở cơn vậy?
- Đúng! Dù tôi là NGƯƠI... Nhưng lũ kia lại cứ coi tôi là... HẠT THÓC, thì sao?...
Thực ra Phù Thăng không phải là ''Thóc''... cũng chẳng phải ‘’Gà’’, lại càng không về... đuổi ''Gà''! Theo Trần Đăng Khoa nhận xét : Ông là chỉ huy của một đoàn quân... ''ông chỉ khẽ vẫy tay là cái đoàn quân ấy rùng rùng chuyển động...'', (CD và ĐT trang 67).
- Phù Thăng là ''Tư Lệnh'' của đoàn quân... ''VỊT''!
Việt Nam ta khi xưa thường gọi những người lao động là PHU: Phu Mỏ. Nông Phu. Phu Xe. Phu Mộ. Phu Bốc xếp, Phu... Phu... Nếu là người có chữ nghĩa, trí thức thì gọi là SĨ PHU. Còn nếu là kẻ vô tích sự thì là THẤT PHU! Nhà văn tự nguyện đại diện cho họ hàng nhà Phu bằng bút danh PHÙ THĂNG - THẰNG PHU, là bởi ông sinh ra từ giới cần lao này. Phù Thăng tình nguyện đại diện cho những Ông, những Gã, những Thằng Phu... vì Ông muốn làm một người Phu chân chính, thực hiện lời dạy của tiền nhân: ''Quốc Gia hưng vong, Thất Phu hữu trách''!
Nhưng, ông đã phải trả giá quá đắt cho hành động tích cực của mình bằng sự trả thù của ý thức hệ, dám đi ra ngoài khuôn mẫu. Phù Thăng chết dần, chết mòn trong vòng vây thù địch chỉ vì yêu quý chế độ, giữ vững khí tiết của nhà văn chân chính, ‘’vắt’’ ra những giọt, những dòng… máu lầy nhầy tủy - não, mà lẽ ra ông cần phải biết: Người cầm quyền không thích loại ‘’máu’’ này!
Nếu ông chịu làm ’’cục cứt’’ chồm hổm để mà đợi lũ chó ngoạm - như ông nghĩ - thì đời ông chắc sẽ khác đi nhiều!
Nhưng khốn nỗi: Ông là Phù Thăng - Thằng Phu… Chữ!
Sau sự kiện Phá Vây, trên văn đàn Việt Nam, tên tuổi ông bị sổ thẳng.
Cho đến nay, hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày nổ ra sự kiện Phá Vây, người đương thời không còn ai biết đến bút danh Phù Thăng nữa. Tuy muôn, châm nhưng Văn Chương Việt vẫn dành cho Phù Thăng chỗ, để đăng tải toàn văn truyện ngắn Hạt Thóc và khi ông về với cát bụi đã có những dòng cáo phó chân tình. Thiết nghĩ, thế cũng là nén nhang thắp cho Phù Thăng về nơi chín suối thanh thản.
Liệu VCV có thể làm tiếp việc nữa: Cho đăng tải toàn văn hay trích đoạn Phá Vây?
Hoặc giả, cổ súy Mạnh Thường Quân nào hảo tâm cho xuất bản những di cảo của nhà văn - ‘’sử gia’’ (tin rằng những tác phẩm như Hạt Thóc - vẫn còn), tạo điều kiện cho Phá Vây chính thức bước vào đời (nếu chưa xuất bản), hoặc tái xuất giang hồ (tài bản) - mà lúc tại thế, từ hơn 40 năm trước - Phù Thăng đã mong muốn Đứa con đẻ của Thăng - Phu - Chữ (chứ không phải Con nuôi của Trung Đoàn) được sống đời của nó.
Thế nhưng, ác thay, vừa sinh ra đã bị ‘’cầm tù’’, bây giờ đã sắp lên lão (50).  Đứa con tinh thần nào của Nhà văn cũng muốn được sống thoải mái, tự do trong cuộc đời của chúng. Những đứa ‘’con… đẻ’’ của Phù Thăng - Nếu được như thế - chắc người cha khốn khổ sẽ ngậm cười mà an nghỉ ở thế giới bên kia!.
Chú thích:
(1) Trong phim Chuyện Tử Tế, Đạo diễn Trần Văn Thủy đã dùng câu bình rất ‘’sắc’’: ’’Xem ra khoảng cách giữa nhà quay phim và gã chăn vịt chỉ là gang tấc’’. Phù Thăng cũng từng là ‘’Gã chăn vịt’’…
(2) Nguyên văn câu ca dao: Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng em ngồi bếp vuốt đuôi con mèo.
(3) Hạt Thóc - VCV đăng ngày 23.2.2008. http://vanchuongviet.org/
Xuân Sách vẽ chân dung số 39 bằng 8 câu thơ thất ngôn, trong đó có những địa danh của Sơn Tây, Thanh Hóa, Hòa Bình:
39.
''Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi''!
Về làm xiếc khỉ với đời thôi
Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm
Sống tạm cho qua một kiếp người
Áo sờn  thay chiếu anh về đất
Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh
Gửi hồn theo mộng về Tây Tiến
''Sông Mã gầm lên, khúc độc hành''.
Chẳng cần phải suy nghĩ, nhận ra ngay câu đầu và câu cuối thơ Chân dung là hai câu thơ của bài Tây Tiến - tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ nổi danh trên văn trường Việt Nam nửa sau của thế kỷ 20: QUANG DŨNG. Ông cũng còn là tác giả của những bài: Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đôi Bờ (đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành bài hát).

Thơ Quang Dũng phảng phất chất hoài niệm, pha chất hùng ca, lắng đọng. Đặc biệt - trong nhiều bài thơ của ông, chúng ta luôn được nghe nói đến các địa danh của Sơn Tây và những nơi ông cùng Trung đoàn Tây Tiến đi qua, người đọc đồng cảm cùng tác giả. Trí tưởng tượng của họ bị kích thích mạnh bởi lời thơ lúc mộc mạc, giản dị, khi kiêu hùng, hoành tráng nhưng thắm đượm tình người, tình yêu quê hương đất nước.
Mấy khổ thơ trong bài Viếng Bạn của ông làm chúng ta suy tư, cảm động:...
Rồi đây cùng đất nước.
Mà riêng rẽ Âm Dương
Người bảo ''đi là chết''
Kẻ sống càng đáng thương...
Tôi sẽ cùng chết đói
Và cùng rét anh ơi!
Với triệu người bạn hữu
Là triệu mảnh đời tôi...
Đêm 19/12/1946, Người Hà Nội mang đồ vật trong nhà của mình ra xây dựng chiến lũy trên đường phố, ngăn chặn quân thù rồi ra đi Kháng Chiến để lại sau lưng ''khói lửa ngút trời''. Quang Dũng - thời điểm đó là người chỉ huy Trung đoàn Tây Tiến (có những người con Hà Nội tham gia) cũng đưa đơn vị của mình tiếp tục cuộc chiến đấu ở chiến trường mới. Cảm thụ được sứ mạng của mình và bè bạn, ông phản ánh không khí hăng say của những người lính trẻ bằng những vần thơ đầy hào khí:
''... Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Hun hút cồn mây súng ngửi trời...
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người...
Khi xa Hà Nội, mỗi khi nghĩ về Hà Nội, những chàng trai đất Thăng Long trào dâng xúc cảm. Quang Dũng đã nói hộ họ nỗi niềm tâm sự này trong bài thơ Tây Tiến. Ai đọc Tây Tiến, qua câu thơ đầy gợi cảm - đều nhớ Hà Nội da diết, nhất là những bóng ‘’dáng kiều thơm’’:
''... Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã  gầm lên khúc độc hành''.
Những câu thơ này chẳng những một vài người lãnh đạo không thích thú, xúc động, mà còn dị ứng hơn rồi phát ra những câu chê trách, thậm chí truy chụp, cho thơ Quang Dũng ‘’mang đầy mộng mơ Tiểu tư sản...’’, nặng tính ‘’anh hùng cá nhân’’ - biểu hiện của hệ tư tưởng Tiểu tư sản, trộn lẫn phong kiến cổ điển. Các chiến sĩ - hình tượng trong thơ - phảng phất hiệp sĩ Kinh Kha: ''Một đi không trở lại''. Rồi khẳng định: Thơ như vậy không có giá trị gì (cho cách mạng), các hình tượng trong thơ lại càng không thể là hình ảnh của những chiến sĩ Cách mạng...
Chính vì vậy, khi còn sống, những thi phẩm xuất chúng của Quang Dũng không được phổ biến. Nhiều người biết, yêu quý ông còn đi xa hơn, đặt dấu hỏi:
- Vì sao thơ Quang Dũng hay như vậy, con người Quang Dũng giỏi như thế mà thơ không được phổ biến? Quang Dũng có tri thức, có tài thao lược của viên võ quan Văn - Võ song toàn - lại bị thải hồi ngay ở tuổi 30, trong lúc đang sung sức, đã được thử thách trong chiến đấu?
Mãi sau, những người mến mộ Quang Dũng mới hiểu: Lúc trẻ, Quang Dũng đã từng tham gia trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Tổ chức này mới ra đời có mục đích tôn chỉ: Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc. Sau khi lãnh tụ Nguyễn Thái Học mất, do biến động của thời cuộc… cộng với một số biểu hiện hồi tháng 8 năm 1945 ở Hà Nội mà điển hình là vụ án Ôn Như Hầu… những người đã tham gia QDĐ đều có một dấu hỏi lớn đối với chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Ngay như ông Trần Huy Liệu, nhà cách mạng, người Cộng Sản lão thành, (gốc QDĐ, đã ly khai), từng bị tù cùng những lãnh tụ của ĐCS Đông dương (…), khi CM tháng 8 nổ ra, ông Trần làm đại diện cho chính phủ cách mạng nhận ấn kiếm thoái vị của cựu hoàng Bảo Đại ở Huế. Sau 1954, dưới thời chính phủ VNDCCH ông Trần Huy Liệu cũng chỉ được giao trách nhiệm: Viện trưởng Viện sử học. Huống hồ những người đã gia nhập QDĐ ở cấp thấp như Quang Dũng.  
Sau hòa bình (năm 1954), Quang Dũng ra khỏi quân đội, chuyển ngành, về công tác ở cơ quan dân sự, định cư ở Hà Nội - nơi ít bị ảnh hưởng của Cải Cách Ruộng Đất. Đó là một cơ may, cũng là phúc cho ông, còn nói gì hơn!. Ông lui về sống lặng lẽ, an phận trong căn phòng nhỏ hẹp cùng gia đình, không xu nịnh để kiếm miếng đỉnh chung, mặc dù rất nghèo, thậm chí quá nghèo...
Tạng người Quang Dũng to cao. Trông ông y hệt người phương tây, làm nhiều người lầm lẫn. Một lần - hồi chiến tranh chống không quân Mỹ - Du kích của một miền quê, tưởng ông là phi công Mỹ, bị bắn rơi, trốn chạy, giờ đói quá phải ra xin ăn (Quang Dũng đói ăn gầy hốc hác). Họ bắt trói đưa vào trại giam, sau tìm hiểu, biết - mới thả...
Lần khác - ở Hà Nội - dắt chiếc xe đạp cà tàng đến nơi làm việc ở tòa báo. Đang đi trên hè phố, lũ trẻ nhỏ tưởng ông là ''ông Liên Xô'' chúng bu lại, lẵng nhẵng theo sau, reo hò hát bài đồng dao của chúng:
Ông Liên Xô
Bà Trung Quốc
Ông đi guốc
Bà đi giầy
Ông nhảy dây
Bà đá bóng
Ông đua võng
Bà nằm giường...
(Bài Đồng dao rất dài, chế nhạo hiện tượng ông chẳng bà chuộc của hai ‘’đại ca’’ trụ cột của phe ta...)
Hoặc nhìn thấy chiếc xe ‘’cởi truồng’’, chúng hát trêu:
Ê… ê!
Xe không phanh mời anh đứng lại.
Không đứng lại phải nộp phạt ngay:
Mất tý da đền ba đồng sáu
Mất tý máu đền sáu đồng tư
Mất mẩu xương phải ''sùy'' trăm bạc...
Ông cười vui với các cháu. Đó thực là những giây phút hạnh phúc hiếm hoi của ông...
Khi đất nước bắt đầu đổi mới, cởi mở, bạn bè - những người mến mộ Quang Dũng - cùng nhau tập hợp những sáng tác rải rác của ông, đem in trong Tập Mây Đầu Ô. Tây Tiến, Đôi Bờ, Đôi Mắt Người Sơn Tây và nhiều bài thơ hay khác được phổ biến rộng rãi. đàng hoàng bước lên vị trí xứng đáng của nó trên Văn - Thi đàn Việt Nam.
Quang Dũng quanh năm đói, chỉ thèm ăn một bữa dù là cơm rau, nhưng no nê - mà vẫn không được. Hoàn cảnh của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ (trước năm 1975), ai cũng như ai. Nếu làm việc ở cơ quan hành chính sự nghiệp, mỗi người, mỗi tháng chỉ được mua 13,5 Kg gạo. 250 gram thịt, 250 gram đường... một năm bốn mét vải... (Dân thường tiêu chuẩn còn thấp hơn...). Với đàn trẻ nhỏ không thể để các con đói, với sức vóc như ông, cái đói triền miên là tất nhiên.
Báo Khởi Hành số 44 tháng 6/2000 đăng bài ký tựa đề Hương Cố Nhân của tác giả Phan Thanh Hoài, chúng ta đọc một đoạn văn sau đây mà xót xa, cảm động:
''... Tôi đang có vấn đề, Quang Dũng lắc đầu - kỳ này hơi gay: Ăn lấn vào lương thực, mà tôi là thủ phạm ăn khỏe nhất nhà. Ông thấy đấy! tôi nặng trên sáu chục cân mà có 13,5 Kg lương thực một tháng. Cha nào nghĩ ra con số ấy ghê thật, lại còn mỗi loại lao động ăn một mức. Riêng tôi tháng nào cũng ăn lấn vào khoảng 4 - 5 cân. Tôi đang bị hụt vào tiêu chuẩn khoảng 15 cân. Đi đâu được một tháng bây giờ thì hay quá!
Tôi bèn nghĩ tới việc rủ Quang Dũng đi chơi cho khuây, vơi đi nỗi buồn: Đi chùa Hương ông ơi!  
Quang Dũng trố mắt xua tay: Tiền đâu? Hội hè tốn lắm!
- Ta đi xe đạp... tà tà... Vào chùa đi bộ, không đi đò mà men theo vách núi.
Nghe tôi nói, QD như nhớ lại điều gì đã quên từ lâu: Ờ nhỉ, ta vác đi ít mì cho đỡ tốn. Trên đường vào chùa Hương, tôi có nhiều cơ sở đóng quân xưa, bà con tốt lắm... ăn vài ba ngày chẳng thành vấn đề. Ta vào nhà bà con, nếu thấy dễ dàng, gia đình nào nhiệt tình, kinh tế khá, cho ăn thì tốt quá. Bằng không ta tìm nơi đổi mì lấy gạo là tốt nhất...''.
Sau năm 1975 các tiêu chuẩn này được nhích lên, nhưng cũng chẳng là bao. Quang Dũng vẫn ở trong số những Văn Nghệ Sĩ... ‘’đói’’! Hoàn cảnh chung của cả xã hội như vậy, phải chấp nhận.
Ở nửa sau những năm 1980, sáng sáng, người dân Hà Thành thường gặp một ông già to cao, trong đoàn các ông bà già ra công viên Thống Nhất (sau đổi thành công viên Lênin), tập thể dục. Đó là nhà Thơ tài danh Quang Dũng của chúng ta. Ông tập thể dục dưỡng sinh nhằm cố tìm cách kéo dài tuổi thọ, đảm bảo sức khỏe để chống chọi với cái đói. Thật mâu thuẫn: Tập thể dục thì khỏe người nhưng sau đó cơ thể đòi dinh dưỡng để phát triển. Một tháng chỉ có mấy chục bạc lương, tiêu chuẩn cuộc sống chỉ có thế, lấy đâu ra để bồi dưỡng sau khi tập thể dục!. Chung quy vẫn đói, ''đói truyền đời... điệu múa cổ cũng chậm buồn như đói'' - như Nguyễn Duy đã viết trong bài thơ Đánh Thức Tiềm Lực. Có thể xếp Quang Dũng vào danh sách nhà thơ đói… ăn… nhất nước!
Cuộc đời đã không cho Quang Dũng mãn nguyện.
Chỉ cố chống chọi được đến 1988, do - hậu quả của suy dinh dưỡng kéo dài triền miên - ông giã từ thế giới này, sang thế giới bên kia để tìm một thế giới tốt đẹp hơn! Cầu chúc cho ông may mắn, không còn gặp nỗi bất hạnh như thế giới mà ông đã tồn tại 67 năm - từ 1921 đến 1988...
Quang Dũng được Xuân Sách vẽ, dường như lấy ý từ những câu thơ hào hùng, bi tráng, tô đậm bức Chân dung nhà thơ tài danh của nền Văn Chương Việt Nam ở nửa sau thế kỷ 20!
Xuân Sách vẽ chân dung 83 thật chân phương, chỉ đọc, ‘’xem’’, người ta nhận ngay ra đó là Nhạc sĩ VĂN CAO:
Thiên Thai từ giã về dương thế
Suối Mơ ngày ấy Buồn Tàn Thu
Sân đình ngất nghểu ngôi Tiên Chỉ  
Uống rượu say rồi hát Quốc Ca!
Bởi: Thiên Thai, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Quốc Ca là tên những ca khúc âm nhạc của nhạc sĩ lừng danh, người được Làng Văn - Nghệ miền Bắc trước những năm 60 đặt cho biệt danh: ''Cụ Tiên Chỉ''.
(Thời phong kiến trước 1945, cụ Tiên chỉ là chức to nhất ở Làng. Khi Làng xã có việc hôi họp, tế lễ, cụ Tiên chỉ được mời ngồi chiếu trên, các ý kiến của cụ được chức sắc trong làng làm theo).
Viết về Văn Cao đầy đủ nhất là từ điển Wikipedia. Ở bài này, người viết chỉ xoay quanh một vài nét đặc trưng nhất của chân dung mà Xuân Sách điểm xuyết.
Văn Cao tên thật Nguyễn Văn Cao, quê cha gốc Huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, sinh tại Hải Phòng ngày 15.11.1923. Mất ngày 10.7.1995 tại Hà Nội.
Tác giả Tiến Quân Ca (được nhà nước lấy làm Quốc ca của chính thể Cộng hòa XHCN Việt Nam) - có rất nhiều tài: Học vẽ ở trường mỹ thuật Đông Dương cùng thời với những Họa sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam, nhưng lại nổi tiếng ở lĩnh vực Thơ, Âm nhạc. ''Cụ'' là nhạc sĩ, tác giả Quốc Ca còn sống cùng với tác phẩm của mình thuộc loại lâu trên thế giới - 51 năm (1944 - 1995). Ngoài vẽ và sáng tác nhạc, Văn Cao còn nổi tiếng ở lĩnh vực thơ... 
Trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao bị xếp vào thành phần ‘’lãnh đạo’’. Biệt danh ''Cụ Tiên Chỉ'' là do giới Văn Nghệ đặt cho Văn Cao để chỉ tài năng đa dạng của ông (Cầm, Kỳ, Thi, Họa), nhưng trong phong trào NVGP ông có viết bài cho hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm, có một số ý kiến tán đồng, tâm đắc với bạn văn nhưng không phải là người khởi xướng NVGP. Vì uy tín và tài năng, biệt danh Cụ Tiên Chỉ nhân đó bị gán ghép và trở thành lời kết tội ‘’Linh hồn của nhóm NVGP’’. Theo sau đó, ông bị vô hiệu hóa, treo bút (không được công bố sáng tác bằng tên thật), về làm người minh họa cho Báo Văn Nghệ, thiết kế Mỹ thuật cho những vở diễn và viết nhạc cho hãng phim truyện Việt Nam. 
Có một thuyết nói rằng Văn Cao bị ‘’ông bạn’’ trả thù: Vào hồi hai người - ông Văn Cao và người bạn kia đi kháng chiến, sống trong rừng Việt Bắc. Một lần, sau chuyến đi công cán trở về, bạn khoe với Văn Cao - rằng, mới làm được một số bài thơ rất hay... Văn Cao hồn nhiên, tếu, bảo bạn : ''Thơ cậu như ca dao ấy, có gì mà khoe!''. Vô tâm, nói rồi quên ngay. Chẳng ngờ, câu nói đó đã theo bạn mãi, và khi có quyền thế đã ‘’tính sổ’’ với người dám chê thơ, coi thường mình, bằng cách gán cho Văn Cao tội đầu têu, xúi bẩy Văn Nghệ Sĩ ‘’chống Đảng’’, đày đọa ông gần 30 năm. Về chuyện ‘’Câu nói’’, người xưa đã từng khuyên: ‘’Nhất ngôn ký xuất, Tứ Mã nan truy’’, ‘’Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói’’!
Một số Văn Nghệ Sĩ có dịp gặp Văn Cao (lúc sinh thời) - lại có ý kiến khác:
Văn Cao từng tâm sự rằng, giữa lúc cuộc Cải Cách Ruộng Đất có sai, toàn Đảng Lao động Việt Nam tiến hành sửa sai... để làm giảm sức căng và áp lực dư luận, anh chị em Văn Nghệ Sĩ của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm bị đưa ra ‘’trám lỗ hổng’’ để lái dư luận dãn ra...
Dù cho thuyết nào đúng, Văn Cao vẫn là người bị trù dập có phần oan uổng.
Thật đáng tiếc cho Nền Âm nhạc, Thi ca Việt Nam ở nửa sau của thế kỷ 20. Văn Cao bị treo bút là đã mất đi một tài năng đang độ viên mãn. Mãi cho đến khi đất nước thống nhất (1975), ông sáng tác và công bố ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, được những người yêu nhạc cả nước đón nhận nồng nhiệt. Trong bài hát có câu: ‘’... Từ nay người biết yêu người...’’ - đó là nỗi niềm trăn trở trong suốt cuộc đời ông!
Vào cuối năm 1981, nhận một lần gặp Nguyễn Nghiêm Bằng - con trai thứ của Nhạc sĩ Văn Cao, cùng học ở Đại học xây dựng. Vốn ngưỡng mộ người nhạc sĩ lừng danh, tôi ngỏ ý muốn đến thăm nhà anh với mục đích được gặp tác giả Tiến quân ca. Bằng vui vẻ nhận lời, đưa tôi về chơi. Cửa vào căn hộ nằm lệch một bên. Căn phòng lớn được ngăn thành nhiều buồng để ông bà cùng ba người con trai và một cô con gái sinh sống. Bạn đọc biết không: Căn hộ một buồng của một gia đình sáu người này, không có nhà vệ sinh. Muốn đi, mọi người phải ra ngoài trời theo cầu thang đi xuống tầng trệt!
Phòng ngoài cùng là nơi ngủ, tiếp các bạn Văn - Sĩ, và để tác giả sáng tác. cạnh cửa sổ đặt chiếc Dương cầm, vỏ gỗ trông cũ kỹ. Vách ngăn là chiếc tủ gỗ chỉ hai khoang ở phía dưới có cánh cửa dùng để đựng quần áo, còn bên trên để trống, làm giá sách và những thứ linh tinh. Trên tường ở ba mặt - treo la liệt những bức vẽ của tác giả. Tôi nhớ rõ: Một bức vẽ hình người nhưng có hai mặt trên cùng một cái đầu, bức khác vẽ bà Nghiêm Thị Băng - bạn đời của ông lúc còn trẻ... Sát tủ, song song, kê chiếc giường cá nhân cho ông nằm. Cạnh giường đặt một bàn gỗ, bốn chiếc ghế. Để tiết kiệm diện tích và không gian, bàn, ghế được thửa vừa nhỏ để chủ nhân có thể ngồi ngay trên giường tiếp khách... rượu. 
Lúc này, trên ghế có hai người khách, trong đó một người là nhà văn Đỗ Chu (Bằng đã cho tôi biết, bố mẹ anh rất quý Đỗ Chu, Bố thường cùng Đỗ Chu uống rượu). Tôi chào, chủ nhân ngẩng lên đáp lời rồi lại hướng vào ‘’thầy tướng’’ Đỗ Chu, nghe thầy ‘’phán’’. Nguyễn Nghiêm Bằng kéo ghế mời tôi ngồi, nói với bố mẹ: Con đưa anh bạn tới chơi, nhân tiện nhờ anh Đỗ Chu bói cho anh ấy một quẻ.
- Ừ, ngồi cùng nghe rồi Chu sẽ xem cho.
Sau ít phút, Đỗ Chu kết thúc quẻ, quay sang tôi bỗ bã, hỏi: Ông muốn xem thế nào?
- Xin ông xem hộ tôi: Có thể xuất ngoại được đợt này không? Tôi nói ngày tháng năm sinh. Đỗ Chu cắm cúi lập bảng... Nhạc sĩ hướng vào tôi, hỏi nơi tôi công tác, gia cảnh... tôi trả lời... lúc này Bằng mới rút từ trong túi ra chai Russkaia Vodka đưa cho bố: Anh Quang biếu bố chai rượu được cơ quan Cục chuyên gia phân phối nhân thể anh ấy sắp lên đường đi Hợp tác lao động.
Vào thời đó, đối với người thích rượu, chai Vodka Nga là món quà quý, ông Văn Cao cầm chai rượu ngắm nghía rồi cười vui.... Vừa đúng lúc ‘’Thầy’’ lập xong bảng. Anh nói vắn tắt: Ông tuổi Nhâm Ngọ... sao này chắn, sao kia giải... sẽ phát lộc ở nơi xa rồi quả quyết: Lần này nhất định ông sẽ đi được.
Đỗ Chu được mọi người tán thưởng vì anh xem tử vi có tiếng trong giới nhà văn trẻ, đa số đối tượng được anh xem đều công nhận đúng. Với tôi, quả thật quẻ tử vi và lời phán của anh đã ứng: Chỉ hai tuần sau, tôi lên đường đi HTLĐ ở Bulgaria. 
Ở những năm đầu của thập niên tám mươi - khi mà chủ trương thay quốc ca đưa ra, Văn Cao thực sự rất buồn. Không buồn sao được khi mà dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Việt, niềm tự hào cao nhất của nhạc sĩ - sắp bị xóa sạch. Ông lui về ‘’cố thủ’’ trong căn phòng nhỏ bé, chật chội, vui cùng những chai rượu cuốc lủi (nút lá chuối khô) nức hương mùi gạo nếp. Sinh hoạt của nhạc sị thời gian này thường gói gọn trong căn hộ của mình, nhiều bạn hữu đến thăm khiến ông suốt ngày nhận quà rượu và đãi rượu bạn... Tài uống rượu suông - uống ‘’xếch' (không mồi nhắm) - của ông thật ‘’kinh người’’ khiến các đệ tử Lưu Linh của đất Hà Thành phải kính nể. Ông có thể uống rượu liền tục trong ngày với bạn bè mà vẫn tỉnh táo...  
Vào năm 1981 đó, không hiểu do từ ai, lý do gì lại đề xuất thay bản Quốc Ca đã dùng từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - bằng bản Quốc Ca mới. Mọi người đều rõ: Bài Tiến Quân Ca của Văn Cao - được dùng làm Quốc ca của Chính phủ cách mạng lâm thời - ra đời năm 1944, khi ông Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Đông Dương (tiền thân của Đảng CSVN ngày nay). Như vậy, chắc chắn thay Quốc Ca không phải do ông Trường Chinh chủ xướng. Có thể do ‘’cay cú’’ trước uy tín, tài năng của Văn Cao, người ta đi đến quyết định tai hại ''xóa sạch dấu vết'' của ông bằng cách thay Quốc ca chăng?
Nhưng, đây là nghị quyết của Bộ chính trị, cần phải thực hiện nghiêm chỉnh! Thế là một bộ máy chỉ đạo thi sáng tác Quốc ca được thành lập... tiếp theo đó, hàng chục nhạc sĩ, hàng trăm người có lòng nhiệt huyết với bản quốc thiều của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam - lao vào sáng tác dự thi...
Ròng rã nhiều ngày, đài Phát thanh, đài Truyền hình quốc gia, địa phương thi nhau phát các bài dự thi tuyển chọn Quốc Ca để trưng cầu dân ý, chọn lấy một chiếc ''cột cờ trong bó đũa''. Xung quanh việc tuyển chọn quốc ca mới có rất nhiều giai thoại. Một nghệ sĩ danh tiếng của đất Hà Thành kể lại: 
‘‘... Một lần tôi vào quán nhậu Thanh Hoa (nằm trong sân trụ sở 5 hội chuyên ngành - 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội). Chợt nhìn thấy sát tường rào có bàn rượu đang ồn ào, với 6 người mặt mũi đỏ gay... đột nhiên một người cất tiếng hát khe khẽ nhưng rõ tiếng:

Ai đã từng nghe qua quốc ca cu (cũ),
quốc ca cu có nhiều thiếu sót
Ai đã từng nghe quốc ca cù (cũ)
quốc ca cù, quốc quốc ca cú (cũ)
Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy
cả Tiểu đoàn ca quốc ca cù
Người chiến sĩ, ca bài quốc ca cú...
Tôi dừng lại chăm chú nhìn và nghe... rồi tai ù đi vì lời bài hát do người hát nhại theo bài Tiểu Đoàn 307, với những câu ''Quốc Ca Cu... Quốc Ca Cù... Quốc Ca Cú''... ép vần cho phù hợp với cung bậc, giai điệu của nốt nhạc, lặp đi lặp lại, làm người nghe lúc đầu ngỡ ngàng rồi sau thì không nén chịu được phải cười hết cỡ... ‘’thợ mộc’’! 
Người hát vốn là nghệ sĩ có tuổi. Anh hát theo kiểu ép vần của Bút Tre, nhại lại giai điệu bài hát Tiểu đoàn 307, nhạc Nguyễn Hữu Trí, bài tủ của nghệ sĩ Quốc Hương. Lời đặt nhại từ đầu đến cuối, mà đoạn đầu bài hát gốc - nguyên văn:
Ai đã từng đi qua Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy.
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn,
tiếng tiểu đoàn Ba trăm lẻ bảy.
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy,
cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng,
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi...
Điều làm cho người được chứng kiến phải bật cười. Người hát có cặp mắt hơi trố, cứ long lên, đảo liên hồi, nhìn hết người này đến người kia, trong đó như ngầm bắn ra lời chất vấn ''Tại sao... tại sao?...''. Bài hát dứt, mọi người ngồi xung quanh được dịp đế vào... câu chuyện thay quốc ca cứ thế nổ ran…
Cũng từ ở đây, khi xã hội đang đói kém, kinh tế kiệt quệ… một vè ''Sấm Trạng'' từ  trong dân gian được phổ biến, lan truyền: 
Thứ nhất là loạn Quốc Ca - (thi Quốc Ca)
Thứ nhì loạn gạo - (Đói, gạo tăng giá từng ngày...)
Thứ ba loạn tiền - (Đổi tiền, đồng tiền mất giá, trượt giá từng ngày...)
Tư Loạn mua chức, bán quyền
Thứ Năm buôn lậu, chích, ghiền, xì ke
Thứ Sáu loạn hội, loạn bè (lúc này rất nhiều Hội ra đời)
Bảy, Tám loạn Híp (HIV, AIDS), loạn nghề mạị dâm
Thứ Chín - trộm, cắp tràn lan.
Mười Loạn tham nhũng, quan tham lộng hành.
Nước nghèo, Dân đói triền miên
Bao giờ hết loạn: Nước lên, Dân giàu!
(Giai đoạn này nhà thơ Tố Hữu đang làm Phó thủ tướng thứ nhất (Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng - theo mô hình tổ chức chính phủ của Liên Xô).
Dư luận xã hội hoàn toàn không tán thành việc thay bài Quốc ca. Theo họ: ''Tiến Quân Ca - Quốc Ca - ra đời trong không khí sục sôi  vùng lên của toàn dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập. Bài hát đã thúc dục người người lớp lớp... ngã xuống... tiến lên! Giờ đây, không có một lý do nào chính đáng để thay thế bài Quốc ca''.
Trên thực tế, hàng trăm bài, để chọn ra 10 bài hát, cũng không có bài nào sánh được bài Tiến Quân Ca của Văn Cao - xét thuần túy về nghệ thuật. Văn Cao có viết một bài đăng trên báo Nhân Dân vẻ ‘’cam chịu’’ về chủ trương thay Quốc ca này... sau đó lặng lẽ lui về ''Uống rượu say rồi hát Quốc ca’’ - của mình, nhớ về  những kỷ niệm khi bài Tiến Quân Ca được Quốc Dân Đại Hội ở Tân Trào chọn làm Quốc Ca của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa... Có thể giới quân sự ngầm không đồng tình, dư luận của nhân dân phản đối... cuối cùng chủ trương thay Quốc Ca bị lặng lẽ xóa bỏ. Ai là người đầu tiên khởi xướng cho một việc làm tai hại này? 
Năm 1986 - năm đất nước đổi mới, Văn Cao được phong tặng những danh hiệu cao quý, các sáng tác trước đó hầu như bị cấm phổ biến, dần được phục hồi bằng cách cho tổ chức các đêm nhạc, các nghệ sĩ được hát tất cả những bài hát của Văn Cao. Ông còn được cấp nhà mới - thay cho căn nhà nhỏ bé, chật chội mà ông bà cùng các con sinh sống suốt mấy chục năm. Đây thực sự là một sự đãi ngộ đền bù. Tuy chậm nhưng còn kịp. Văn Cao chỉ được hưởng những ‘’ân sủng’’ không bao lâu rồi theo quy luật của cuộc sống ông đã về với tổ tiên mình.
Lúc sống - một thời gian dài bị trù dập, bạc đãi, giờ nằm xuống Văn Cao hầu như đã được phục vị trong lòng người dân Việt, làm dịu đi phần nào ý nghĩa câu ngạn ngữ: ''Lúc sống thì chẳng cho ăn/ Khi chết bày vẽ làm văn tế ruồi'’.
Xuân Sách vẽ chân dung số 2 bằng ngôn ngữ, bỗ bã nhưng toát lên vẻ kính phục:
Bỉ Vỏ một thời oanh liệt nhỉ
Sóng Gầm sông lấp mấy ai hay
Cơn Bão đến động rừng Yên Thế
Con Hổ già uống rượu giả vờ say.
Bỉ Vỏ (Tiểu thuyết), Sóng Gầm (Tiểu thuyết), Cơn bão đã đến (Tiểu thuyết) Núi rừng Yên Thế (Tiểu thuyết) - là bốn trong số nhiều sáng tác của người được được mệnh danh là Nhà Văn từ ‘’bùn lầy nước đọng đi lên’.
Đó chính là NGUYÊN HỒNG.
Ông tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 (tại Nam Định, mất ngày 2 tháng 5 năm 1982) - trong một gia đình nghèo, mồ côi cha, từ nhỏ theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn đầu tay tựa đề "Linh Hồn", đăng trên Tiểu thuyết thứ 7. Năm sau (1937), ông cho xuất bản tiểu thuyết Bỉ Vỏ - tác phẩm thực sự gây tiếng vang trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ. Bỉ Vỏ là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những con người nhỏ bé dưới đáy cuộc đời như Tám Bính, Năm Sài Gòn... Cho đến nay, Bỉ Vỏ và các nhân vật của cuốn sách vẫn được người đọc yêu quý, tìm đọc.
Nguyên Hồng tham gia Cách mạng từ năm 1935, năm 1940 bị Pháp bắt tù… Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra, cũng như nhiều Văn Nghệ Sĩ đương thời, ông tham gia hăng hái. Toàn quốc kháng chiến, Nguyên Hồng đi kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại - Năm 1956, ồng cùng Nguyễn Công Hoan được giao trọng trách lãnh đạo tuần báo Văn của hội nhà Văn Việt Nam. Lẽ ra, nhiệm vụ là phải dùng diễn đàn của báo Văn ’’vạch mặt’’, phê phán nhóm Nhân Văn Giai Phẩm... Nguyên Hồng đã không hoàn thành nhiệm vụ, trái lại có phần nương nhẹ, nể nang, thậm chí ’’phụ họa’’. Báo Văn phải đình bản. Nguyên Hồng bị Kiểm điểm vì quan điểm mơ hồ trước cuộc ’’đấu tranh giai cấp’’ đang diễn ra gay gắt ’’một mất, một còn’’. Phần khác, cùng lúc ông lại viết một truyện ngắn cho đăng trên báo Văn mà nội dung cũng ‘’mơ hồ’’ trước kẻ thù - cái ác - biểu tượng là Con hổ. Thực ra - theo Tô Hoài - Truyện này Nguyên Hồng viết theo lời kể của cụ bà - mẹ mình. Câu chuyện chỉ mang đậm tinh nhân văn chứ không chứa hàm ý gì khác, hoặc hai mặt. Có thể tóm tắt: ''Một phường săn bắt được chú Hổ con vài tháng tuổi ở trong rừng, đem về nuôi. Do còn bé, Hổ con được nuôi như nuôi chó. Con hổ lớn lên hiền như... chó thật. Hàng ngày nó sống hòa bình vơi gia súc dưới sự chỉ huy của con người. Nhưng vốn gốc dòng Hổ, mọi người biết nó rất hiền nhưng nhìn nó vẫn... sợ không dám gần. Người chủ đành đưa Hổ thả về rừng. Ít lâu sau ‘’Hổ ta’’ nhớ... người -  lại quay trở về...''.
Nội dung chỉ có vậy.
Truyện đăng tải vào lúc xã hội miền Bắc đang có những biến động lớn: Cải cách ruộng đất có sai, Đảng phải tiến hành sửa sai. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đang ’’khuấy động dư luận’’ - đòi Văn Nghệ Sĩ tự do trong sáng tác... Không khí của những buổi họp kiểm điểm được Tô Hoài nhớ lại, viết in trong tập hồi ký Cát Bụi Chân Ai:
''Tôi ngồi cạnh Nguyên Hồng.
Kiểm điểm Nguyên Hồng một buổi vẫn chưa xong. Một chồng báo Văn, như mọi hôm. Cả tổ với nhiều tổ khác tới viện trợ cũng không hỏi thêm Nguyên Hồng một câu nào nữa. Bây giờ mà động đến, lại phân tích, lại bổ xung, lại ''tôi xin góp'' - thì chắc lại như hôm qua, hôm kia, trông trước kia kìa: Nguyên Hồng xòe bàn tay (úp) trên chồng báo vuốt vuốt, mếu máo nói, nước mắt như trút... Tôi thức đêm thức hôm... tôi bỏ hết sáng tác, ngày đêm tôi chỉ nghĩ đến tờ báo... bài này đề tài công nhân... bài về kháng chiến... bài về thống nhất... bài về sửa sai Cải cách ruộng đất... tôi không... tôi không... rồi chẳng mấy lúc Nguyên Hồng khóc hu hu... (CBCA trang 119)
… Nguyên Hồng bật khóc, khóc tức tưởi, khóc òa trong những buổi đấu tố triền miên đó. Ông tìm người này, người kia kiện cáo, thanh minh kể cả tìm tới ông Nguyễn Lương Bằng (được thời đó mệnh danh là Bao Công của Việt Nam). Kết quả vẫn chẳng đi đến đâu…
‘’… Khi đưa cho Nguyên Hồng bài báo Tô Hoài viết đăng trên báo Nhân dân. Đọc xong, Nguyên Hồng buông tờ báo xuống. Rồi xua tay, nói như hét vào mặt tôi (Tô Hoài): Tiên sư thằng Câu Tiễn (1)!. Ông thì không. Nguyên Hồng thì không!
Nguyên Hồng quỳ xuống trước tôi rồi cứ phủ phục thế, thút thít. Chị ấy bỏ chảo nem, chạy đến: Thầy nó làm sao? Lại làm sao thế? 
Tôi đỡ Nguyên Hồng lên. Bà cụ có lẽ nặng tai, vẫn ngồi rờ rẫm khâu ríu chỗ rách. Dưới sân, trẻ con đùa cười như nắc nẻ, lại cành cạch tiếng giã cua… như không có gì mới xẩy ra. Chúng tôi ngồi trở lại, yên lặng như từ nãy vẫn thế.
Nguyên Hồng noi khẽ: Tao tính cả rồi. Trông đây này: Gian phòng vẫn bề bộn màn mùng như mọi khi... tôi gật gù, nhưng thật cũng chưa hiểu ra như thế nào.
- Tao về Nhã Nam.
- Về Nhã Nam?
- Ừ, Nhã Nam. Đủ lắm rồi. Ông đ... chơi với chúng mày nữa...'' (CBCA trang 129).
Dường như không thể chịu đựng hơn, Nguyên Hồng xin về hưu ở tuổi ngoài 50 - một hiện tượng độc đáo trong giới cầm bút miền Bắc từ trước - (kể cả cho tới nay). Cũng có thể xem là đặc biệt có một không hai đối với hàng ngũ cán bộ đi theo Kháng chiên chống Pháp ở những năm đầu của thập niên sáu mươi của thế kỷ 20. Ông trở lại Nhã Nam - nơi hồi kháng chiến chống Pháp cơ quan văn Nghệ sơ tán - dựng nhà cùng vợ con sinh sống.
Trong Chân Dung Nhà Văn, Xuân Sách  đã nhắc đến Con Hổ ‘’già’’ - bố của Hổ ‘’bé’’ mà ông lấy làm vật hình tượng - tải đi tư tưởng trong truyện ngắn kia. Hổ ‘’con’’ của Nguyên Hồng do Người nuôi lớn lên, được sống hòa bình với những con vật khác. Nhưng vì là... Hổ, nên không được Người chấp nhận. ‘’Cậu’’ bị xua đuổi vào rừng... nhưng đã quen cuộc sống bình lặng, ’’Cậu’’ ta không chịu được môi trường sống của đồng loại hoang dã, lộn trở về với... Người! Nhưng lại vẫn bị Người xua đi!
Khác với Hổ con của Nguyên Hồng, Hổ ‘’thanh niên‘’ - của Thế Lữ - bị bắt nhốt làm cảnh, ''buồn’’ lặng lẽ trút tàn hơi, gầm lên: ''Hỡi rừng xanh kiêu hãnh của ta ơi'' (2)!
Còn ông bố chúng nó - ‘’Hổ già’’ thì… khóc òa, khóc tức tưởi rồi vùi mình trong những cơn say sưa thực và cả ''giả vờ say'' - để quên hết nỗi buồn rồi quyết định đi... ở ẩn. Cuộc về hưu non, thực chất là trốn chạy, làm chúng ta nhớ tới chuyện Giới Tử Thôi thời Đông chu liệt quốc bên Trung Hoa cách đây hơn 2000 năm, câu chuyện có thể tóm tắt:
Giới Tử Thôi là trung thần nhà Tấn, theo Tấn Văn Công Trùng Nhĩ tòng vong (đi trốn, lánh nạn cùng chủ). Khi Tấn Văn Công đói, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi mình cho chủ ăn. Lúc trở về lên ngôi vua, Tấn Văn Công ban thưởng cho mọi người nhưng lại quên Giới Tử Thôi. Có người biết chuyện trách, Tấn Văn Công hối hận cho người đi tìm...
Giới Tử Thôi buồn, chán cho thế sự tình người - cõng mẹ già đi vào rừng sâu ở ẩn... Trùng Nhĩ thân chinh đến cửa rừng gọi, sai quân lính đi tìm, Giới Tử Thôi nhất quyết không ra. Một công thần mách: Đại vương cứ cho đốt rừng, Giời Tử Thôi rất có hiếu với mẹ, sợ mẹ nguy hiểm nhất định sẽ trở ra.
Tấn Văn Công làm theo.
Giới Tử Thôi thực sự lo cho mẹ, quyết định cõng mẹ trở ra gặp Trùng Nhĩ đang đứng đợi ở cửa rừng. Mẹ thương con không chịu để con chịu nhục quyết định cùng chịu chết cháy chứ không về theo lời kêu gọi của Tân Văn Công - Đông Chu Liệt Quốc, Hồi 36.(3)! 
Nguyên Hồng có một đặc điểm: Hay xúc động, dễ khóc!
Sau này, nhiều người từng quen biết Nguyên Hồng kể lại những tình huống ông… khóc! Mỗi khi đối tượng mà ông quen biết, nghe kể… gặp những trắc trở, ông khóc thay cho họ. Từ khi lùi về ẩn dật ở Nhã Nam - Yên Thế, tâm tính Nguyên Hồng như biến đổi...
Vũ Thư Hiên kể lại: Một lần gặp Nguyên Hồng trên đường phố Hà Nội, ông định tới bắt tay - chào tác giả Bỉ Vỏ. Đột nhiên khi nhìn thấy bạn văn, Nguyên Hồng làm một động tác kỳ lạ: Lùi lại, tạt vào vệ cỏ bên đường, chắp hai tay trước ngực, vái... vái - như động tác của các nhà quân tử xưa, kính trọng nhau khi gặp mặt - thay cho câu nói, tiếng chào đáp lại thịnh tình của Vũ ’’tiên sinh’’ rồi - vội vã bỏ đi...
Từ 1946 - đến khi chết 1985 - 40 năm, Nguyên Hồng viết nhiều, điển hình là bộ tiểu thuyết Sóng Gầm, bộ trường thiên tiểu thuyết Cửa Biển, và rất nhiều tác phẩm khác. Nhưng các tác phẩm này không được độc giả yêu thích bằng Bỉ Vỏ và Những ngày thơ ấu - xuất bản trước 1945. Người ta nhớ mãi câu: Anh đây công tử không Vòm/ Ngày mai Kẹn rệp biết Mòm vào đâu.
Các từ: Vòm (nhà), Kẹn rệp (túng thiếu, đói), Mòm (ăn) - được nhân vật Bỉ Vỏ nói, từ hơn 70 năm trước - bây giờ giới trẻ ’’bặm trợn’’ - vẫn dùng...
Chú thích:
(1) Câu Tiễn là vua nước Việt, thua trận, bi vua nước Ngô là Phù Sai bắt đem về nước Ngô - cầm tù. Vì quyết tâm trả mối thù… Câu Tiễn nghe theo lời quân sư Phạm Lãi, chịu nín nhịn, chờ thời. Trong đó phải kể tới chi tiết: Để lấy lòng Phù Sai, Câu Tiễn đã ‘’nếm phân’’ của Phù sai, nhằm chứng minh rằng mình đã hết lòng với vua Ngô, không có ý làm phản…
Phù Sai mất cảnh giác không nghe lời can gián của quân sư Ngũ Tử Tư - tha chết cho vợ chồng Câu Tiễn. Nhờ đó Câu Tiễn đã trở về nước phục vị lặng lẽ chuẩn bị lực lượng rồi khi đủ sức, Câu Tiễn mang quân tiêu diệt Phù Sai, chiếm lại nước Ngô…
(2) Câu này theo các bản đang lưu hành đã được Thế  Lữ sửa lại.
Bản Nhớ Rừng được Hoài Thanh đưa vào cuốn Thi Nhân Việt Nam xuất bản năm 1941, tái bản năm 1977, nguyên văn như sau: ''Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi''.
(3) Mặc dù đã hàng nghìn năm, dân TQ vẫn ghi nhận sự tích này trong đời thường: Để kỷ niệm ngày GTT chết cháy, hàng năm, vào ngày đó người ta có tục kiêng lửa gọi tết Hàn Thực (ăn đồ lạnh) không nấu nướng.

22/8/2008

Lê Xuân Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...