Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Vẻ đẹp mùa thu nước Nga qua thơ

Vẻ đẹp mùa thu nước Nga qua thơ

Mùa thu ở mỗi nơi đều có những vẻ đẹp riêng biệt, nhưng mùa thu nước Nga từ lâu đã đi vào thi ca, nhạc họa như một nhan sắc khó lẫn. Mùa thu nước Nga thường bắt đầu từ cuối tháng 9 đến tháng 11 trong năm. Cứ mỗi độ thu về, những hàng cây lá phong, lá sồi, lá bạch dương lại rải thảm vàng rực rỡ cả bầu trời và mặt đất. Mùa thu nước Nga cũng sống động trong các áng thơ của những thi sĩ Nga tài danh qua các bản chuyển ngữ sang tiếng Việt để người đọc dù có thể chưa một lần đến với xứ sở Bạch Dương, vẫn không khỏi bâng khuâng, xao xuyến trước cảnh sắc thiên nhiên đặc biệt này.
Tuyệt tác Mùa Thu Vàng của danh họa Nga Levitan

MÙA THU VÀNG RỰC RỠ
Sắc vàng đặc trưng của mùa thu nước Nga đã đi vào rất nhiều bức tranh phong cảnh, mà nổi bật là kiệt tác Mùa Thu Vàng của danh họa Nga Levitan, tác giả miêu tả những hàng cây bạch dương khoác tấm áo vàng rực rỡ biểu tượng cho mùa thu vừa hùng vĩ vừa lãng mạn đầy chất Nga dưới bầu trời xanh mơ và dòng sông dịu dàng uốn lượn. Mùa Thu Vàng chính là tác phẩm ghi dấu tên tuổi cũng như khẳng định đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của Levitan.
Cuối tháng 9 ở Nga, trước khi những đợt gió lạnh ào đến, những cơn mưa dầm dề đổ xuống, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho mặt đất một khoảnh thời gian ấm áp, đẹp đẽ lạ thường, một khoảnh khắc mong manh vừa hư, vừa thực. Vào mùa thu năm ấy, nữ sĩ Olga Berggoltz lên thăm người yêu, nhưng cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng vì mối tình tan vỡ, để rồi một mình nàng ra ga trong tiếng mưa rơi mùa thu lạnh buốt. Như thường lệ, trên khắp đường phố Moskva, người ta gắn những tấm biển nhỏ trên các thân cây đang trải đầy lá vàng, ghi rằng: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”:
“Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa.
Moskva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Phải chăng cảnh sắc thiên nhiên khi ấy cũng là nỗi lòng thi sĩ? Khi nàng vừa chia tay mối tình sâu nặng, như những hàng cây đang thổn thức ngoài kia, rơi xuống ký ức từng chiếc lá vàng đong đầy bao kỷ niệm:
“Ôi trái tim, trái tim một mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng” 
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!”
(Mùa lá rụng - Olga Berggoltz)
MÙA THU ĐẦY THI VỊ
Nước Nga rộng lớn, tâm hồn người Nga khoáng đạt đã quyện vào nhau thành nguồn cảm hứng bất tận trước thiên nhiên vô vàn quyến rũ. Mùa thu nước Nga giữa rừng lá rụng, với những thân cây thường tạo cảm giác buồn mang mác, nhưng là nỗi buồn đẹp, nỗi buồn đầy thi vị:
“Ôi mùa thu, mùa buồn đầy thi vị
Tôi yêu sao cảnh đẹp những ngày này
Yêu những lúc khi thiên nhiên huyền bí
Đang từ từ lột xác cả rừng cây
Đều mặc áo đỏ hay vàng - Không nghỉ
Trên bầu trời là những đám mây bay
Và chốc chốc để rơi vài giọt nắng
Thần mùa đông đã đứng chờ im lặng”.
(Aleksandr Pushkin)
Mùa thu có nét tương đồng với tuổi trung niên của một đời người. Đã qua rồi thời ồn ào, nông nổi, một thời ngộ nhận, để bắt đầu nhường chỗ cho những suy nghĩ trầm tĩnh, đầy trải nghiệm cho bản thân sống chậm và biết nâng niu, trân trọng từng ngày. Có lẽ vì thế, mùa thu cũng sâu sắc, lắng đọng trong những câu thơ:
“Mùa thu đến lá trong vườn đã rụng.
Lá vàng bay, bay theo gió. Ngoài đồng
Phía xa xa, ngay sát rìa thung lũng.
Đang khoe mình, đỏ rực cả hàng phong.
Anh khẽ nắm tay em, một lúc.
Buồn và vui, lẫn lộn giữa trời chiều.
Anh nhìn em và khóc vì hạnh phúc.
Vì vụng về không biết nói anh yêu”
(Aleksey Tolstoy)
Không phải ngẫu nhiên mà Nga được lọt top “10 đất nước có mùa thu đẹp nhất thế giới”. Khi khắp đất trời chuyển mình từ hạ sang thu, khung cảnh như được tô điểm những sắc màu như trong các bộ phim thần thoại: Lá thu rụng trên các thảm cỏ hai bên đường, trải thảm vàng rực rỡ từ Thủ đô Moskva tới Thành phố St. Petersburg cho đến những đỉnh núi Altai.
“Mùa thu. Lâu đài cổ tích
Mở rộng cửa mời khách xem.
Bên hồ những con đường vắng
Qua rừng vắng bóng dáng quen.
Chẳng khác gì nơi triển lãm:
Tranh treo đầy khắp các phòng
Nào du, nào tần bì, liễu
Tất thảy được mạ vàng ròng.
Vòm lá vàng cây phong lữ 
Như vòng hoa của cô dâu
Bạch dương sau màn voan phủ 
Hôn lễ tinh khôi, trong veo
Mặt đất phủ dày lá đổ
Chẳng còn kênh rạch, hố hang
Chái nhà giữa hàng phong đứng
Như được đóng trong khung vàng.
Cả rừng cây thu tháng chín
Sáng ra còn đứng sóng đôi,
Để chờ hoàng hôn nhuộm vỏ
Sánh vàng hổ phách ngời ngời”
(Boris Pasternak)
Lại một mùa thu đang đến bên thềm nhà. Năm nay, cả thế giới phải tạm dừng những chuyến du lịch để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Ngồi bên khung cửa lặng lẽ nhìn những chiếc lá vàng bắt đầu rơi trong gió, vẻ đẹp mùa thu nước Nga hiện lên huyền ảo trong những áng thơ diễm lệ của các thi sĩ Nga, làm lòng người thấy an lành, lắng đọng và hồi sinh…
12/9/2020
Vũ Thanh Hoa
Theo http://www.baobariavungtau.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...