Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Lý thuyết biểu tượng - Những khả dụng khi tiếp cận tác phẩn văn học

Lý thuyết biểu tượng - Những khả dụng
khi tiếp cận tác phẩn văn học

Những tác phẩm được giảng dạy trong chương trình phổ thông thường ngắn gọn, dễ tiếp nhận, khi sử dụng lý thuyết biểu tượng để giải mã sẽ giúp học sinh có cách nhìn sâu hơn, mới mẻ hơn. Ngoài cách mà chúng ta vẫn thường áp dụng khi phân tích một tác phẩm văn học như tìm hiểu tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, bổ dọc hay phân đoạn để làm rõ về hình ảnh, ngôn ngữ… rồi nêu bật lên ý nghĩa; cách tiếp cận từ lý thuyết biểu tượng xuyên suốt không chỉ không gian, thời gian mà còn bồi đắp những hiểu biết về văn hóa, vốn tri thức liên thông với các ngành khác… bởi “biểu tượng không bao giờ thuộc vào một mặt cắt đồng đại của văn hóa, nó bao giờ cũng xuyên qua mặt cắt đó bằng chiều dọc, đi từ quá khứ đến suốt tương lai” (1).
1. Một vài dẫn nhập về lý thuyết
Theo nghĩa ban đầu, biểu tượng là một vật được cắt làm đôi, mỗi người giữ một phần, sau một khoảng thời gian gặp lại, ghép hai mảnh với nhau sẽ nhận ra mối quan hệ khi xưa. Bởi thế, biểu tượng là cái nhìn thấy được mang một quy ước, kí hiệu dẫn ta đến cái không nhìn thấy được; nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc cho rằng, biểu tượng là “vật môi giới giúp ta tri giác cái bất khả tri giác” (2). Từ điển Petit Larousse cho rằng, biểu tượng là dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó. Còn theo C.G. Jung - nhà phân tâm học người Thụy Sĩ thì biểu tượng là một danh từ, một tên gọi hay một đồ vật, ngay cả khi là quen thuộc ở trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn chứa đựng những mối liên hệ về mặt ý nghĩa, bổ sung vào cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của chúng.
Biểu tượng mang một ý nghĩa cụ thể được thành viên của một nền văn hóa nhận biết. Nhắc đến biểu tượng ấy, người ta sẽ nghĩ đến dân tộc ấy, miền đất ấy, vùng văn hóa ấy và ngược lại. Như khi nói tới văn hóa Việt Nam không thể quên chùa Một Cột, Văn Miếu, tà áo dài, hoa sen, trầu cau, chiếc bánh chưng… Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biểu tượng “làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận” (3). Vai trò của biểu tượng trong đời sống tinh thần mỗi con người là vô cùng quan trọng. Biểu tượng “khiến đứa trẻ và con người cảm thấy mình không phải là sinh linh đơn độc và lạc loài trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh” hay “Biểu tượng diễn đạt một thực tại đáp ứng nhiều nhu cầu về nhận thức, về tình yêu thương và về sự bình an” (4), bởi “cưỡng lại các biểu tượng là tự cắt què đi một phần của chính mình, làm nghèo đi toàn bộ tự nhiên; và dưới cái cơ chế là hiện thực chủ nghĩa, chạy trốn lời gọi mời xác thực nhất vào một cuộc sống hoàn chỉnh. Một thế giới không có biểu tượng thì sẽ ngạt thở: nó sẽ tức thì giết chết đời sống tinh thần của con người” (5).
Tồn tại cùng với lịch sử phát triển văn hóa của con người, biểu tượng làm phong phú các hiểu biết thẩm mỹ của con người và cao hơn nữa là “khắc sâu trong hoạt động tiến hóa toàn vẹn của con người”, L.A. White định nghĩa văn hóa như là truyền thống ngoại thân xác, trong đó các biểu tượng đóng vai trò chủ đạo. White coi hành vi biểu tượng là một trong những đặc điểm chủ yếu của văn hóa. Ông cũng là người chỉ ra những đặc trưng của văn hóa bằng liên tưởng dòng chảy văn hóa với sự thay đổi, lớn lên, phát triển tương hợp với các quy luật vốn có (6). Khi khảo sát tác phẩm văn học, tìm hiểu ý nghĩa của những biểu tượng là công việc quan trọng. Nó giúp nhận rõ hơn cái thông điệp được gửi gắm, giúp khám phá ra cái thế giới tinh thần ngầm ẩn bên trong, những trầm tích văn hóa... Khác với biểu tượng văn hóa, theo Hegel, biểu tượng trong tác phẩm văn học có thể chiếm hữu được tất cả toàn bộ hiện tượng thực tế, hòa tan vào nội cảm và bản chất của sự vật để tạo nên một tổng thể không chia cắt được. Như cách diễn tả của Jean Chevalier: nói chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng thì vẫn còn chưa đủ, phải nói một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta. Tuy nhiên, biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm văn học không trùng khít với biểu tượng văn hóa mà được cấu tạo lại thông qua tín hiệu nghệ thuật, chính là ngôn từ. Lúc này, ở trong một văn bản ngôn từ/ một tác phẩm thơ, biểu tượng văn hóa sẽ đóng vai trò là “mẫu gốc” để từ đó làm phong phú hơn các ý nghĩa cho biểu tượng thơ - ý nghĩa đặc trưng của biểu tượng văn hóa được lưu giữ và ý nghĩa phái sinh sau khi được tri nhận.
2. Nghiên cứu trường hợp
Nghiên cứu mỗi nền văn hóa cần coi trọng việc nghiên cứu biểu tượng bởi biểu tượng là “đơn vị cơ bản” của văn hóa và văn hóa là một tập hợp hệ thống các biểu tượng. Khi tìm hiểu một tác phẩm văn học, biểu tượng đóng vai trò như một điểm tựa để bóc tách các lớp nghĩa, các thông điệp truyền tải từ văn bản đó. Chúng tôi lựa chọn nghiên cứu hai trường hợp tiêu biểu, một tác phẩm thơ là Ánh trăng của Nguyễn Duy với biểu tượng trăng tiêu biểu cho thiên nhiên quen thuộc, một tác phẩm văn xuôi là Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài với hệ thống biểu tượng là những không gian trong cuộc sống bình thường như lỗ vuông, xó nhà… từ đó giúp nhìn ra những hiệu quả tìm hiểu tác phẩm mà lý thuyết biểu tượng mang lại.
2.1. Ánh trăng
Sống gắn bó với thiên nhiên, coi thiên nhiên là người bạn thân thiết. Sự nhận thức về thiên nhiên xung quanh đến thời kỳ hiện đại vẫn còn mang dấu ấn đậm nét. Đặc trưng “chinh phục thiên nhiên là giá trị chủ đạo của các dòng văn minh phương Tây, còn hòa hợp với tự nhiên là giá trị chủ đạo của phương Đông” (7) vẫn còn phù hợp. Nhiều tác giả tìm về với thiên nhiên để diễn tả những tâm tình, sự gắn kết và trân trọng. Đặc biệt, trăng là biểu tượng tồn tại từ rất xa xưa nhưng mỗi lần khám phá là mỗi lần biểu tượng trăng mang đến những ý nghĩa mới. Nguyễn Duy với Ánh trăng thể hiện một cái nhìn vừa hướng về quá khứ đã qua vừa mang lại những thông điệp mới cho hiện tại. Với cách đọc bài thơ từ lý thuyết biểu tượng sẽ đem lại nhiều kiến giải mới mẻ cho ý nghĩa tác phẩm từ biểu tượng trăng.
Kết cấu song hành
Ấn tượng đầu tiên mang lại nơi người đọc đấy là sự du dương, dễ nhớ dễ thuộc và dễ cảm nhận của bài thơ. Nhưng ẩn sau lớp vỏ ngôn từ tưởng như bình thản ấy là một sự tăng nhịp ngày một mạnh mẽ, ngày một day dứt của xúc cảm mà nếu không có kết cấu trùng điệp thì không thể diễn tả được: Hồi nhỏ...; như là... Cấu trúc thơ song hành với nhiều sự trùng điệp tạo nên một sự đăng đối hài hòa cho nhịp điệu cũng như cho ý nghĩa muốn diễn tả.
Điểm đặc biệt hơn, sự đăng đối thứ hai của bài thơ đến từ cách những biểu tượng xuất hiện. Biểu tượng trăng được lặp lại xuyên suốt bài thơ cộng hưởng với hệ thống biểu tượng biển, rừng... được nhắc ở đầu và cuối bài thơ tạo nên một chỉnh thể thống nhất, một vòng tròn khép kín nhằm tăng cấp độ nhấn mạnh những ý nghĩa tiềm ẩn:
- Hồi nhỏ sống với rừng
với sông rồi với biển
- Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng...
Hồi nhỏ gắn bó với rừng, sông, bể; đến khi chiến tranh thì gắn bó với trăng. Nhưng cuối bài thơ, khi những kí ức về năm tháng chiến tranh ùa về “ngửa mặt lên nhìn mặt” thì vầng trăng lúc này lại như đảm nhiệm thêm cả vai trò gắn bó của những ngày thơ ấu “có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng”. Những xúc cảm tạo được ấn tượng mạnh hơn, những cặp biểu tượng cũng vì thế cùng đồng hiện để tạo nên hiệu ứng diễn tả tâm trạng rõ rệt nhất.
Hệ thống lớp nghĩa
Tính phong phú những lớp nghĩa của biểu tượng chính là sự tương ứng với tính đa dạng của cuộc sống. Bởi vậy, từ một biểu tượng, chúng ta có thể tìm ra nhiều lớp nghĩa phái sinh. Với Ánh trăng của Nguyễn Duy, trăng không chỉ mang ý nghĩa vốn có mà nó còn được bồi đắp thêm những tầng bậc nghĩa khác nhau.
Đầu tiên, trăng đóng vai trò là người bạn tri kỉ, tình nghĩa gắn bó suốt những năm tháng khó nhọc: Hồi chiến tranh ở rừng/ Vầng trăng thành tri kỉ. Những năm tháng ấy được tác giả diễn tả bằng một thái độ trân trọng tưởng chừng như chẳng thể quên vào cái thời điểm mọi suy nghĩ và hành động tất thảy đều “hồn nhiên như cây cỏ”. Nhưng rồi cái quy luật trôi chảy của thời gian và cuộc sống đã cuốn con người đi như một lẽ tất yếu. Một trình tự thời gian đã được nhà thơ kể lại, câu chữ giản dị thôi nhưng ẩn chứa nhiều bất ngờ:
Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.
Giọng thơ vẫn giữ sự bình thản mà ý nghĩa được truyền tải đã khác đi. Vầng trăng được ví với người dưng qua đường. Ở đây, sự lãng quên quá khứ được diễn tả một cách tinh tế. Con người khi quen với cuộc sống vật chất đầy đủ thường không ý thức được những gian khổ đã qua, những gì đã cùng mình đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Và đến đây, trăng chỉ là người dưng không hơn không kém, tất cả những năm tháng gian lao kia đã không còn mảy may lưu lại trong kí ức con người. Bởi thế lớp nghĩa thứ hai của biểu tượng trăng dù là người dưng nhưng đem đến nhiều ám ảnh bởi nó đóng vai trò một chứng nhân cho sự bội bạc của con người. Bài thơ sử dụng nhiều danh từ, cách gọi tên, định danh sự vật rất rõ ràng. Nhưng ở đoạn thơ nói về sự lãng quên của con người, Vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường, động từ diễn tả được sự thờ ơ, vô tâm khiến mọi thứ có thể trôi qua dễ dãi. Ngược với sự bội bạc của con người, vầng trăng vẫn tròn đầy ân nghĩa:
- Đột ngột vầng trăng tròn
- Trăng cứ tròn vành vạnh
Trăng tròn vành vạnh dù con người không còn nhớ nữa lại ẩn chứa nhiều hơn những điều chỉ vài từ giản đơn miêu tả. Trong tương quan với mặt trời, biểu tượng trăng vừa thể hiện tính tuần hoàn bất tận của thiên nhiên tạo vật vừa thể hiện sự trường tồn bất tử. Ở những khúc cuối này của bài thơ, vầng trăng vẫn tròn mà tình người thì hao khuyết. Trăng tròn ở đây đảm nhận một ý nghĩa lớn lao hơn, không chỉ là người bạn tri kỉ tâm giao, không chỉ nhận ra sự bội bạc của con người mà nó còn vượt lên trên hết thảy những điều ấy, nó đủ bao dung và che chở cho những lỗi lầm của con người: ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình.
Theo quan niệm của người phương Đông, “trăng là thiên thể cầm nhịp tốt nhất cho sự sống” (8) bởi thế, người ta có thể nhận ra ở trăng nhiều điểm tựa tinh thần quý giá. Chính bởi ý nghĩa này mà nhà thơ Nguyễn Duy có sự sáng tạo tài tình hơn nữa khi truyền tải thêm một thông điệp nữa từ biểu tượng vầng trăng. Trăng vẫn tròn dẫu thời gian trôi chảy, nó sẽ vẫn mãi “im phăng phắc” nhưng cũng đủ để con người “giật mình” sám hối khi bỗng chốc nhận ra sự phản bội (nhiều khi sự vô tình đồng nghĩa với phản bội) của con người trước ân nhân. Vầng trăng ở đây đã thức tỉnh con người, đã hướng thiện để con người biết trở về với những gì là cội nguồn, là thiêng liêng.
Dụng ý của Nguyễn Duy rất tinh tế khi nhan đề là Ánh trăng nhưng xuyên suốt toàn bài thơ, “ánh trăng” được nhắc lại duy nhất một lần cuối bài. Không xuất hiện song hành cùng một hình ảnh khác như “Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu; cũng không phải là cách gọi “mảnh trăng” như thơ Tố Hữu: Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đêm còn nhớ mảnh trăng giữa rừng mà toàn bài thơ Nguyễn Duy chỉ gọi trăng bằng cách gọi duy nhất là “vầng trăng” và một lần là “trăng” nhưng lại là “trăng cứ tròn vành vạnh” như để nhấn mạnh cái tính chất tròn đầy, viên mãn mà cũng đầy bao dung, độ lượng ấy.
Ý nghĩa thời đại
Tìm hiểu biểu tượng là một quá trình không đơn giản nhằm giải mã những lớp nghĩa còn chìm khuất. Khám phá và nhận chân giá trị ấy giúp con người tìm về được khởi nguyên, tâm lý, tính cách dân tộc. Bài thơ Ánh trăng ra đời năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, tức là ở thời điểm ba năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Con người có một độ lùi nhất định để cảm nhận về những chiến thắng đã qua và cũng vì lẽ đó nhận ra mình đã quá say sưa với những điều tốt đẹp, đủ đầy của hiện tại mà vô tình lãng quên quá khứ, một quá khứ đã đánh đổi bằng gian lao, bằng máu. Nhà thơ Nguyễn Duy không cần phải khoa trương một cách lộ liễu rằng chúng ta phải nhớ ơn những người đã ngã xuống cho độc lập tự do, chỉ bằng cách tạc nên một vầng trăng với nhiều tầng bậc ý nghĩa như trong bài thơ đã đủ để chúng ta suy ngẫm về cội nguồn, về truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Ngoài đóng vai trò là “vật môi giới” để ta liên tưởng, khám phá những giá trị tiềm ẩn; biểu tượng trăng còn xuất hiện mang ý nghĩa giáo dục, trăng thức tỉnh để con người sám hối khi trót lãng quên quá khứ. Chính vì lẽ đó, Ánh trăng không chỉ có ý nghĩa trong thời điểm ra đời mà sau hơn 30 năm, bài thơ với những thành công tài tình khi tạc dựng biểu tượng vầng trăng vẫn còn nguyên những giá trị tinh thần quý giá.
2.2. Vợ chồng A Phủ
Vợ chồng A Phủ là một khúc bi ca về số phận con người trong xã hội xưa chịu nhiều áp bức của chế độ cường quyền. Hình tượng nhân vật đau khổ nhất nhưng cũng đẹp nhất là những con người đi từ bóng tối đến ánh sáng tìm hạnh phúc cho mình. Trong loại truyện số phận như Vợ chồng A Phủ, miêu tả những diễn biến tâm lý nhân vật là một thành công chủ đạo của tác giả, bên cạnh đó, ý đồ tạo dựng không gian nghệ thuật mang tính biểu tượng đóng góp không nhỏ trong việc thể hiện tình cảm, thái độ và quan niệm của Tô Hoài về cuộc sống. Công trình của Lefebvre The production of Space (1974) về sự lý thuyết hóa không gian không chỉ quan tâm đến không gian thực tiễn mà tập trung vào những biểu tượng về không gian, nó không chỉ tồn tại thuần túy mà luôn là “sự ảnh hưởng và sự thể hiện cụ thể của các mối quan hệ xã hội” (Đặng Thị Thái Hà dịch). Theo quan điểm của GS. Trần Đình Sử, không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó, bởi thế, Tô Hoài xây dựng một ngoại cảnh đầy dụng ý nghệ thuật để đặt các nhân vật vào trong đó đã giúp tác phẩm của ông có thêm những ý nghĩa phong phú và sâu sắc.
Những không gian đối nghịch
Trong Vợ chồng A Phủ, những không gian đối nghịch được tạo dựng xuyên suốt tác phẩm, khi trực tiếp, khi gián tiếp. Nó không đơn thuần là sự xác định nơi chốn, bối cảnh bao chứa nhân vật mà từ những khung cảnh hiện thực ấy, trở thành những kí hiệu đặc biệt bộc lộ tâm trạng, số phận và cả những lựa chọn đầy đau đớn của hai nhân vật chính Mị và A Phủ.
Ở hướng thứ nhất khi xây dựng những không gian đối nghịch, Tô Hoài chủ yếu hướng vào hai nhân vật chính của truyện, bởi thế, không gian ở đây mang tính cá nhân nhưng cũng không vì thế mà giảm đi ý nghĩa khái quát của tác phẩm. Số phận của Mị và A Phủ khi còn ở Hồng Ngài là số phận đau khổ của những con người chịu cảnh nô lệ, áp bức. Những phác họa đầu tiên về Mị là sự miêu tả thân phận, vẻ mặt buồn rười rượi lúc nào cũng cúi. Từ đó, những lý giải ngày một tường minh hơn, ngày một xót xa hơn và đỉnh điểm của những nỗi đau ấy chính là việc tác giả xây dựng một biểu tượng lỗ vuông trong không gian sống của Mị. Thế giới trong này là tù ngục và thế giới ngoài kia là tự do.
Cũng tương tự như mô hình Nhà tù hình tròn (The Panopticon), Foucault (dẫn lại ý tưởng của Jeremy Bentham), cho rằng không gian được kiến tạo như một kí hiệu của quyền lực, nó phân định, sắp đặt và áp chế lên chính con người. Ở trong không gian đó, Mị ngồi trông ra chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Con người đã ở vào thế cô độc đến rệu rã cả tinh thần. Mị không biết khổ vì bị cái đau khổ làm mất hết cảm nhận khi kéo dài quá lâu sự chịu đựng. Từ một người con gái hiếu thảo không dám tự tử vì sợ gánh nặng nợ nần dồn lên vai người cha, Mị trở thành một con người vô cảm trước nỗi bất hạnh của đời mình. Sức tố cáo của tác phẩm vì thế mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi từ nỗi đau đến cùng cực mà con người bị tiêu diệt luôn cả khát vọng sống dù chính đáng.
Cũng là sự đối nghịch không gian, một lỗ vuông nhỏ nhoi giúp người đọc thấy hết được sự tù ngục về cả tinh thần lẫn thể xác của Mị thì hình ảnh xó nhà là ấn tượng mạnh đầu tiên khi khắc họa nhân vật A Phủ.
Cuộc xử kiện lạ lùng mà nhân vật chính quỳ ở xó nhà chứng kiến mấy chục tên chức việc tham gia bữa tiệc thuốc phiện thâu đêm suốt sáng tại nhà thống lý Pá Tra. Nếu như Mị không có ý định phản kháng bởi đã chai sạn trong tâm hồn, ý thức thì A Phủ cũng không có được cái quyền tự bào chữa cho mình. Anh im như tượng đá khi chứng kiến tất thảy, kể cả sau này khi tự tay đóng cọc trói mình vì lỡ để hổ ăn thịt con bò nhà thống lý.
Những không gian tương hỗ
Khi xây dựng tâm lý, số phận nhân vật, Tô Hoài đặt họ vào những không gian nhỏ hẹp, lỗ vuông, xó nhà… từ đó làm nổi bật lên sự đối nghịch của cuộc sống tù đày nô lệ với những khát khao thầm kín về tự do. Ở hướng thứ hai, tác giả tạo dựng những không gian tương hỗ nhau về cả hình thức biểu đạt lẫn ý nghĩa truyền tải.
Xuất hiện từ đầu tới cuối tác phẩm là những không gian rộng lớn gắn với lao động con người:
- Mị lên núi hái thuốc phiện, đi nương bẻ bắp
- A Phủ dẫn bò ngựa đi nương ăn, ngủ ở lại trong rừng
- Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị thường ra thổi lửa hơ tay…
Tất cả những không gian ấy đều gắn với sự khó nhọc, vất vả như trâu ngựa của số phận con người. Con người nhỏ bé và đơn độc trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh. Sự khoáng đạt của không gian không làm cho con người hòa mình vào đó mà lại càng chia tách và nhấn mạnh sự lầm lũi, khổ đau. Đến cuối tác phẩm, sau hành trình Mị và A Phủ vừa chạy vừa lăn tới lưng dốc núi, hai người đã vượt đến Phiềng Sa sau ròng rã hơn một tháng. Ở không gian xa đó, một cuộc sống mới được tạo lập. Iu. Lotman cho rằng, “muốn trở thành cao cả thì không gian không chỉ cần bao la (hoặc vô bờ bến) mà phải có phương hưóng và con người ở trong đó cũng phải vận động về một mục đích. Không gian ấy phải trở thành con đường”. Đối lập với cuộc sống tù túng giam hãm chật chội kia là một không gian bao la, không gian của cuộc sống tự do được tranh đấu.
Ở đây, những sự đối nghịch gắn với số phận cá nhân không còn nữa mà là một không gian tương hỗ với nhau để nói lên số phận chung của cả dân tộc: hành trình đi từ nô lệ đến tự do, đi từ bóng tối đến ánh sáng cũng chính là con đường mà dân tộc ta đã chọn lựa và đấu tranh có được trong suốt bao nhiêu năm. Từ đó, hạnh phúc được mở ra, dù chỉ đang là một con đường đầy hứng khởi và hy vọng.
Nếu tác phẩm văn chương là sự cảm nhận thế giới và con người, thì thời gian, không gian chính là hình thức để con người cảm nhận chúng như cách nói của GS Trần Đình Sử. Mỗi tác phẩm đều có không gian của nó nhưng để tạo nên hiệu quả nghệ thuật thì không phải nhà văn nào cũng thành công. Tô Hoài với Vợ chồng A Phủ không chỉ gây ấn tượng mạnh trong cách xây dựng tâm lý nhân vật mà còn ở cách tạo dựng những không gian. Con người đi từ không gian của áp bức đến không gian của tự do. Tác giả đã thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc và thái độ quyết liệt trong hành trình đưa nhân vật của mình nhận đường, rồi đi tìm lại khát vọng sống, khát vọng yêu và khát vọng tự do.
Một trong những biểu hiện cụ thể của sự kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc là sự tìm về những khởi nguyên - cội nguồn, những biểu tượng ăn sâu vào tâm thức con người dân tộc, và tiếp thu sáng tạo từ mạch nguồn lâu bền ấy. Nhà nhân chủng học người Pháp Claude Lévi Strauss cho rằng: “Người ta không thể quyết định đi về đâu nếu trước tiên người ta không biết mình từ đâu đến” (9). Những tác giả của thời kỳ hiện đại luôn có ý thức kế thừa và phát huy những lối tư duy đã tồn tại hàng ngàn năm, đặc biệt trong những tác phẩm văn học dân gian để biểu đạt cách cảm nhận cuộc sống trong thời kỳ hiện đại. Trong chương trình ngữ văn phổ thông, hầu hết các tác phẩm đều có thể đọc hiểu thêm từ lý thuyết biểu tượng, như “mặt trời” trong Viếng lăng Bác của Viễn Phương, “đá” trong Nói với con của Y Phương, “rừng núi”, “áo chàm” trong Việt Bắc của Tố Hữu, “đàn ghita” trong Đàn ghita của Lorca… Đây cũng là một hướng nghiên cứu thú vị có thể vận dụng trong chương trình học để học sinh phần nào có những kiến giải mới mẻ và hữu ích hơn từ những tác phẩm quen thuộc.
Chú thích:
(1) IU.M. Lotman, Kí hiệu học văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2015
(2) Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hóa học, Nxb Văn hóa thông tin - Viện Văn hóa, Hà Nội, tr.67.
(3), (4), (8) Chevalier Jean, Gheerbrant Alain, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng và Trường viết văn Nguyễn Du, 2002, tr.VIII, 587, 936.
(5) Trần Trọng Dương (2009), Chuyên đề “Biểu tượng Việt Nam”, Tạp chí Tinh Hoa (The Magazine of Elites’ Life), số 01.
(6) White Leslie A. (1949), The science of culture: a study of man and civilization, N.Y, p.328.
(7) Hồ Sĩ Quý (2005), Về giá trị và giá trị châu Á - The Value and Asian values, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.83.
(9) Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Truy (2002), Triết lý phát triển ở Việt Nam - mấy vấn đề cốt yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.282.
Tháng 12/2017
Đỗ Thị Thu Huyền
Theo https://www.khoanguvandhsphue.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...