Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Nguyễn Vỹ: Say… Viết - "Gửi Trương Tửu"

Nguyễn Vỹ: Say… Viết - "Gửi Trương Tửu"

Tôi đã biết tiếng Nguyễn Vỹ từ hơn 40 năm trước nhân một lần dự sinh nhật của anh bạn viết văn trẻ Trần Quý Thường. Khi rượu đã ngà ngà, Thường đọc cho cả bàn nghe ba khổ thơ của bài gửi Trương Tửu, trong đó có câu ‘’… khổ như chó’’. Mọi người nghe xong trầm trồ tán thưởng, đề nghị Thường đọc cả bài. Thường lắc đầu: Tớ cũng chỉ nghe thằng bạn là sinh viên Khoa Văn trường đại học Tổng hợp đọc, toàn bài dài, chỉ nhớ nhất đoạn thơ này, cậu ta bảo đọc tại chỗ trong thư viện Quốc gia (đường Tràng Thi Hà Nội).

- Thề thì chúng mình đến đó đọc rồi chép lại - một người góp ý.
Trần Quý Tường lắc đầu: Cậu tưởng đơn giản thế a? Vào đây đọc phải có thẻ. Muốn có thẻ phải có tiêu chuẩn… chúng ta không thể có các tiêu chuẩn để được cấp thẻ!
Từ đó, tôi cố gắng tìm hiểu về NV nhưng không hề có sách báo nào nhắc đến tên ông. Đầu thế kỷ 21, tôi mới được đọc toàn văn bài Gửi Trương Tửu và biết chút ít về NV qua lời kể của ông Đỗ Đình Thọ, trong Nguyễn Bính Thơ và Đời. Rất may cách đây ba tuần tôi tìm được cuốn Toàn Tập Thi Nhân Tiền Chiến Việt Nam của Nguyễn Tấn Long trong ngăn tiếng Việt của Thư viện thành phố Berlin - mới biết tường tận về thi sĩ Nguyễn Vỹ.
Những năm 30 của thế kỷ 20 - nhất là ba năm (1936 - 1939) - Dưới tác động của Mặt trận Bình Dân lên năm quyền ở Pháp, chế độ kiểm duyệt của thực dân Pháp ở Đông dương được nới lỏng, văn đàn Việt Nam trở nên sôi động trong không khí tìm tòi sáng tạo. Nhờ vậy nhiều tác phẩm Văn, Thơ có giá trị Nhân bản - Nghệ thuật ra đời, đánh dấu một thời đại mới của Văn học Việt Nam đương đại. Trong đó phải kể sự chuyển mình của thi ca và phong trào Thơ Mới!  
Thơ - là ‘’Tiếng lòng’’ của người nghệ sĩ dùng ngôn ngữ cùng phương pháp trình bầy để diễn đạt. Thơ Mới ra  đời, được viết ra bởi người viết hoàn toàn tự do, không bị các quy tắc của thể thơ cũ gò bó, ảnh hưởng, ràng buộc (1). Thơ Mới đã mang lại cho Thi đàn Việt Nam luồng gió mới, sản sinh nhiều cây bút trở thành những ngôi sao chói sáng trên bầu trời Văn chương. Nguyễn Vỹ - Thi sĩ có cá tính độc đáo - là một trong số những ngôi sao đó. Ông góp phần tô đậm diện mạo văn học Việt trong buổi đầu chuyển mình. Sự hiện diện của Nguyễn Vỹ đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc Việt Nam ở những năm 30 của thế kỷ 20 và tiếp tục cho đến hôm nay!. 
Theo Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân (xuất bản năm 1942): Nguyễn Vỹ sinh năm 1910 (2) tại Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Thời thanh niên đã từng cắt tóc đi tu. Tu không thành, phá giới đi gánh cát thuê ở bãi sông, bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn… Sau thời gian lăn lộn trong  mội trường thực tế đầy khắc nghiệt, lam lũ… dường như đã đủ ‘’vốn sống’’, Nguyễn Vỹ quyết định về Hà Nội, hành nghề viết văn, làm báo cùng bạn văn đất Hà Thành. Điều đáng chú ý: Ông đã cùng nhà văn Trương Tửu, Họa sĩ Nguyệt Hồ thành lập nhóm Việt - Pháp, ra tờ báo tiếng Pháp Le Cygne, nhằm truyền bá tư tưởng tiến bộ.
Toàn tập Thi Nhân Tiền Chiến - Việt Nam (nxb Văn học - Nguyễn Tấn Long - 1998) thì viết: Tờ Le Cygne có rất nhiều bài viết công kích chính sách, đường lối cai trị của thực dân Pháp… Cơ quan An ninh thực dân, nhận ra: Le Cygne sẽ là mối họa tiềm ẩn đối với chế độ. Họ vội bắt chủ báo Nguyễn Vỹ, đóng cửa vĩnh viễn tờ Le Cygne - kết án tù 6 tháng và phạt 3000 quan tiền. Hết hạn, ra tù, trở về, ông lại viết, chống quân phiệt Nhật… lại bị Nhật bỏ tù.
Ra tù, vào Sài Gòn, làm báo Tổ Quốc, rồi báo Dân chủ, Dân ta, tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với chính quyền, bảo vệ quyền lợi cho dân cần lao. Kết quả: Tất cả các tờ báo đều bị bị đóng cửa. Dường như suốt thời gian dài, liên tục Nguyễn Vỹ, dùng cây bút, tài năng để phản kháng, phê phán, đấu tranh với bất công.
Ngày 7.2.1971, ông mất trong một tai nạn xe hơi trên đường Sài gòn - Tiền giang (3).
Ông Đỗ Đình Thọ kể lại trong tác phẩm: Nguyễn Bính - Thơ và Đời (nxb Văn học 2000): Nguyễn Vỹ rất giỏi tiếng Pháp, làm thơ tiếng Việt khá hay. Một giai thoại văn chương rất thú vị, thời đó lưu truyền thể hiện thi tài, cá tình của Nguyễn Vỹ: Trong một lần Trưởng phòng Kiểm duyệt báo chí của sở Mật Thám Bắc Kỳ - René Creyssac (R.C) - ‘’tạ sự’’ đến thăm nhóm Việt - Pháp  (lúc Báo chưa bị đóng cửa) - mà theo tin tức mật vụ: Nhóm - có xu hướng ‘’Dân chủ - Tự do’’ - gồm: Nguyễn Vỹ, Nguyễn Bính và Họa sĩ Nguyệt Hồ. Ba người quyết định tìm cách đánh tan ấn tượng xấu về Le Cygne của R. Creyssac. Họ bàn bạc đi đến thống nhất: Rủ y đi ăn, nhậu, giải thích, tranh thủ… rồi ‘’chiêu đãi’’ thuốc Phiện ở tiệm thuốc nổi tiếng Hà Thành thời đó - tiệm Phi Yến Thu Lâm, phố Mã Mây.
Để quảng bá cho thương hiệu mình, chủ tiệm cho kẻ chữ Phi Yến Thu Lâm (Yến bay trong rừng Thu), đồng thời vẽ đôi chim Yến bay trên bầu trời. Các khách hút, thường tán: Phiện Thú Lắm (Phi Yến = Phiện. Thu Lâm = Thú Lắm). R.C là con cáo già trong nghề.  Y rất giỏi tiếng Việt, tiếng Hán, thuộc Truyện Kiều và am hiểu văn hóa Phương Đông. Cao hứng và cũng muốn thử tài văn sĩ Bắc Hà, R.C ra một  đề cho những người mời ăn, hút - cùng làm thơ, hứa rằng nếu bài thơ hay sẽ được thưởng ‘’mấy điếu (thuốc phiện) chính hiệu…’’. Mọi người tán thưởng. R.C chậm rãi đọc đề ra:
"Phi yến Thu Lâm… nghĩ cũng hay’’ - đoạn dơ tay làm điệu bộ - Xin mời!
Nguyễn Bính nói ngay:
‘’Nằm trên giường, tựa nằm trên mây’’
Nguyễn Vỹ nói bằng tiếng Pháp nhưng lại hợp cảnh, hợp tình đúng niêm luật:
‘’Uyn, Đơ, Troa, Cát - Ken - cờ - Píp’’ (quelques Pipes)
Nguyệt Hồ - kết:
‘’Quật ngã A Nam, ngã cả Tây’’!
Bài thất ngôn tứ tuyệt, liên hoàn - của cả bốn người - nói về cảnh hút thuốc Phiện và cái thú đi mây về gió thật hay:
Phi Yến Thu Lâm nghĩ cũng hay
Nắm trên giường tựa nằm trên mây
Uyn đơ, Troa, Cát - Ken cờ Píp
Quật ngã A Nam, ngã cả Tây! (4)
Điều hay, thú vị ở câu thứ 3: Toàn chữ Pháp nhưng lại rất đúng niêm, luật, âm điệu và rất chỉnh cả nghĩa liên hoàn lẫn tiếng, chữ viết. Thú vị hơn: Nói đúng hoàn cảnh của những con nghiện đang ‘’làm tình’’ Nàng tiên nâu. Quan Cẩm dù rất khó chịu câu thư 4 ‘’… quật…  ngã cả Tây’’, nhưng Nguyễn Bính nhanh trí ‘’giải thích’’… quan ta nghe, miễn cưỡng… khen hay và giữ đúng lời hứa...        
Sự nghiệp Văn - Thơ của Nguyễn Vỹ rất đồ sộ.
Ông để lại nhiều tác phẩm gồm tiểu thuyết, biên khảo, thơ… Trong đó có hai bài thơ rất giá trị: Gửi Trương Tửu và Sương Rơi.
Đặc biệt là Bài Gửi Trương Tửu. Đầu bài thơ đề tựa: Viết trong lúc say...
Trên đời có hai loại người chỉ nói thật, không nói dối: Sắp… chết và Sắp… say (rượu).
Gửi Trương Tửu - theo thể thơ thất ngôn trường thiên, độc vận. Toàn bài được TNVN đăng tải - gồm 6 đoạn, 40 câu, mỗi đoạn nói về một vấn đề. Theo thông lệ của thơ Đường - Vào đề: Tác giả giải thích nguyên nhân có lá thư gửi cho bạn rượu - Trương Tửu:
Nay ta thèm rượu nhớ mong ai
Một mình rót uống chẳng hề say
Trước kia hai thằng hết một nậm
Trò truyện dông dài, mặt đỏ xẫm
Nay một mình ta một be con
Cạn rượu rồi thơ mới véo von 
Nhà thơ đang ‘’khát ‘’rượu, có rượu nhưng chỉ có một mình. Rượu ngon… (lại) không có bạn hiền, nên nhớ tới Trương Tửu, đành tâm sự với bạn trong tâm tưởng rồi khẳng định: Chỉ cạn rượu (say), ‘’thơ mới véo von’’.
Tiếng hót véo von của chim họa mi là tiếng hót hay.
Thơ ‘’véo von’’ cũng có thể hiểu là thơ hay…
Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác
Mà coi đồng tiền như cái rác
Kiếm được xu nào đem tiêu hoang
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang
Xáo lộn văn chương với chả cá
Chửi Đông, chửi Tây, chửi tất cả
Rồi ngủ một đêm, mộng với mê
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê…
Có hơi men, tác giả nhớ về quá khứ, về thời - cả hai nghèo kiết xác. Nhưng khi có tiền, họ vẫn hoang toàng trong đời sống, vung vãi tinh lực, kiến thức - trong những trận say túy lúy để có sức ‘’chửi Đông, chửi Tây’’ cho sướng miệng rồi kéo nhau đi thưởng thức món chả cá ngon có tiếng của đất Hà Thành. Đêm đến tiếp tục say với mộng mơ... sáng dậy không còn nhớ  chiếc ‘’Văn tự’’ mua bán… ‘’Trời’’ - kia. Sau trận ‘’quên hết sự đời’’. trở về cõi thực, cả hai nhìn nhau sảng khoái ‘’cười hê… hê’’.
Giấc Nam Kha dứt, chợt giật mình - ‘’Bừng con mắt dậy thấy mình tay không’’, liên hệ với cuộc sống của kiếp nhà văn mà đau, buồn. Thời đó, dân trí của ta quá thấp, nhiều người mù chữ. Kinh tế quá nghèo, đói, lấy đâu ra tiền thừa đẻ mua báo, mua sách đọc giải trí, trừ số ít dân trung lưu, dân buôn bán nhỏ ở thành thị. Do vậy nhà văn không thể bán văn chương, thơ phú để lấy tiền sống tạm qua ngày, đói khổ là phải. Cũng may, Mặt trận Bình Dân Pháp lên nắm quyền ở ‘’Mẫu quốc’’ (…), có một số thay đổi trong chính sách cai trị. Chính phủ thực dân ở Đông Dương muốn lấy lòng dân thuộc địa để tô điểm cho khuôn mặt ‘’Bình dân’’ của Sếp mình, hòng ve vuốt giới trí thức bản địa - nguồn gốc của ngòi nổ phản kháng. Họ giảm bớt sức ép cai trị khiến dân chúng dễ thở hơn (…) trong đó có phần nới lỏng kiểm duyệt Văn chương. Mới chỉ có chút ít quyền, được ‘’nói cho Sướng miệng’’ thế thôi, mà văn học nghệ thuật thời kì này đã nở rộ, ra đời nhiều tác phẩm giá trị. Còn đời sống của cả xã hội vẫn chưa có gì thay đổi lớn, vẫn đói rách triền miên. Chúng ta nên nhớ: Giới Văn Nghệ Sĩ khi xưa không được nhà nước cho ăn lương, tất cả đều tùy thân vận động ’’Tùy nghi di tản’’. Nhân dân cần lao tất nhiên còn bi thảm hơn, vì chịu số phận của kẻ nô lệ: ‘’Một cổ đôi tròng’’, bị ‘’Đè đầu cưỡi cổ’’.
Sau phút ưu tư, trước hoàn cảnh bi đát… tác giả ghi lại cảm xúc đang dâng trào:
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn A Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm giời: Kiết vẫn kiết!
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh
Ông trở nên bất đắc chí, đem so sánh cuộc sống của nhà Văn với kiếp sống của Chó - con vật mạt hạng nhất trong số các vật nuôi ở Việt Nam.  Hãy bình tĩnh, hãy ghìm mình lại, đừng tự ái khi gã say ví ta với chó! Thật ra đây chỉ là Ngoa dụ mà Nguyễn Vĩ dùng để miêu tả sự khốn khó của  người Việt dưới chế độ nô lệ. Quan niệm của cả  xã hội: Nhà Văn thuộc tầng lớp ở trên cao mà còn khổ như vậy thì dân đen sẽ như thế nào? Lời ví von có hơi cường điệu, cũng giống như dân gian bảo tay nói phét, lừa đảo là Bán trời không văn tự, thôi! Vả lại, nếu đem kiếp sống khốn khổ của nhà Văn thời đó mà ví với chó gia súc của dân nghèo thì hơi… quá. Nhưng nếu ví với Chó Berger, Chó Nhật của dân giàu và Chó săn của ông chủ thực dân, thì… cũng chẳng ngoa chút nào!.
Thế nhưng - Người Việt có tính hay mẫn cảm: Tuy nghèo, đói nhưng, tính sĩ diện thì hết chê. Lại nữa: Quan niệm, cái nhìn về Chó của người Việt hoàn toàn khác dân văn minh Tây Âu bởi chú Khuyển của dân ta cũng… ‘’khác‘’ chú Cẩu của họ. Dù thế nào, đem Nhà văn - đại diện cho một tầng lớp Trí thức - ví với Chó thì thật… quá xá!
Thi sĩ Tản Đà - nổi danh trên Văn trường Việt Nam từ đầu thế kỷ (Tản Đà sinh năm 1888. Nguyễn Vỹ sinh năm 1910) dù cụ là bậc trưởng thượng nhưng không hề phân biệt tuổi tác, thi tài, vẫn coi Nguyễn Vỹ là bạn văn, thường cùng uống rượu. Khi đọc được bài thơ của ‘’hậu bối bất trị’’ - cụ bất bình, hỏi: Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó, anh không sợ xấu hổ à?
Nguyễn Vỹ mơ mơ màng màng - trả lời tiền bối đáng kính: Ví như vậy thì chó xấu hổ chú chúng ta xấu hổ cái nỗi gì! (5).
Ngay trong lúc mê, say, ông vẫn mơ giấc mơ đầy hoang tưởng:
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng
Tôi làm Trạng Nguyên, anh Tể Tướng
Và anh bên Võ, tôi bên Văn
Múa bút tung gươm há một phen… (*)
Theo nhà phê bình Nguyễn Tấn Long viết trong Toàn tập - Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến: bắt đầu từ đây - 14 câu thơ - ‘’Thực dân Pháp không cho Nguyễn Vỹ nói’’ - bị kiểm duyệt cắt bỏ (chắc Hoài Thanh không được đọc):
Cho bỏ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu, mục, nát, thối
Cho người làm ruộng, kẻ làm công
Đều được an vui, hớn hở lòng?
Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho lịch sử!
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ ngồi dậy cười say sưa
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Đất nước?
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được tư do muôn muôn năm
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét lầm than tang tóc
Rồi tiếp dòng mơ say, ông liên hệ với thực tại - so sánh:
Chứ như bây giờ là trò chơi
Làm báo làm bung, chán mớ đời
Anh đi che tàn một lũ ngốc
Triết lý con Tườu, Văn chương Cóc (6)
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà (7)
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua
Đi che Tàn (lọng, Ô) nghĩa là đi hầu.
Anh đi che tàn một lũ ngốc. Còn tôi bưng thúng theo đàn bà ra chợ bán... Văn.
Anh làm Tể tướng, tôi Trạng Nguyên.
Anh bên Võ, Tôi bên văn - Đúng một phần đời hiện thực, trộn với  giấc mơ của của tác giả lúc căn bệnh Nhân cách phân liệt - trỗi dậy!
- ‘’Con Tườu’’ là thế nào?
- Con Tườu là con Khỉ.
Người Trung Hoa coi con Khỉ, tập trung của cái xấu trước tiên là ngoại hình. Khi ghét người nào đó, họ thường nói câu cửa miệng: Mày hãy soi gương xem cái ‘’tướng Khỉ’’ của mày đi!
Nhưng khó chịu nhất: Khỉ hay bắt chước và  không có chút ‘’lịch sự’’  tối thiểu như mọi con vật khác: Khi thấy nhiều người xúm vào xem… Hậu duệ của lão Tôn - Hoa quả vương - sẵn sàng vạch chỗ kín ra… gãi hoặc nghịch bậy mà lẽ ra theo cách nghĩ của người: Phải kín đáo, dấu tiệt!. Con Tườu là vậy. Triết lý con Tườu là thứ triết lý của kẻ hay bắt chước, triết lí đậm ’’Hầu... phẩm’’!
- Còn ‚’’Văn Chương Cóc’’?
- Đó là văn thơ giản lược, sao chép - không phải văn theo kiểu được Viết Sự Kiện - nghĩa là bay bổng! Ẩn dụ này bắt nguồn từ ý nghĩa của bài thơ Con Cóc:
Con cóc trong hang - Con có nhảy  ra
Con có nhảy  ra -  Con cóc ngồi đấy
Con cóc ngồi đấy - Con cóc  nhẩy đi!  
Qua phút choáng váng, nhà thơ xẹp đi, trở lại hiện trạng cuộc đời rồi tự an ủi mình, an ủi bạn… nhưng chỉ được ít phút, lại nổi xung… lần này tức giận thật sự. Cuối cùng, tỉnh rượu, nhà thơ nhớ lời tiền nhân: ‘’Lập thân tối hạ thị văn chương’’, tự chửi đổng, chửi mình cơ hội, nhiễm nặng tật Thấu cáy học được trong những canh bạc Xì tố. Nhà thơ chắc mẩm đã ‘’chơi nước cờ cao’’ (…) nhưng thực tế, té ra - cuộc Thấu cáy trở nên rất thấp, dẫn đến gặp Bĩ, thua đâm, đâm thất vọng, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ... tự nhận hành động của mình: Điên!
Cho nên tôi buồn không biết mấy
Đời còn nhố nhăng, ta chịu vậy
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa
Bực chí thành say, mấy cũng vừa
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ
Chơi nước cờ cao lại gặp bĩ
Rồi đâm ra điên, đâm ngẩn ngơ
Rút cục chỉ còn mộng với mơ! 
(Viết trong lúc say - Báo Phụ nữ 193…(?)
Những vần thơ được tác giả sử dụng ngôn từ ‘’quá thật’’ khiến nhà phê bình Hoài Thanh bức xúc, viết trong TNVN - (có phần võ đoán, chủ quan, thiên lệch): ‘’Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ ra xem nhưng lại tưng hửng trở vào…’’. Bất bình vì Nguyễn Vĩ làm ông ‘’… inh cả tai’’ (nhức óc). Hoài Thanh đã nhìn Nguyễn Vỹ bằng con mắt không mấy thiện cảm. Có thể ông không được đọc 14 câu thơ mà kiểm duyệt Pháp cắt bỏ. Cũng có thể ông tự ái khi Nguyễn Vỹ ví ‘’Nhà văn… như chó’’ nên trút giận… rồi viết ra những dòng văn kia - chăng?
Trên đời này, con người không thích ai làm họ inh tai, nhất là lại cho họ ‘’cái bạt tai’’ làm họ ù tai, khiến nhức óc. Cái tai do trời ban cho con người, có hình thù đặc biệt: Âm thanh dội vào, được các vành tai tiếp nhận, uốn lượn đưa vào màng nhĩ. Âm thanh càng thê thọt, hiệu quả có lúc - (chứ không phải mọi lúc) - càng cao. Âm thanh làm đinh tai, người nghe không chịu được - có lúc, (chứ không phải mọi lúc) - nhức óc, nổi cáu, thậm chí (phát) Điên. Người đã nổi điên, hành động vô ý thức - sẽ xẩy ra và đối tượng gây họa phải lãnh hậu quả…
Nhưng, vì nói thẳng, nói thật, Gửi Trương Tửu vẫn có nhiều người thích nghe, thích đọc.
Cho dù được viết đã trên dưới 70 năm, Thi phẩm của Nguyễn Vỹ vẫn có giá trị Nhân văn mang dấu ấn của thời đại.
Thi sĩ Nguyễn Vỹ là điển hình cho một lớp văn nghệ sĩ đương thời bất mãn vì có tâm huyết, có tài năng nhưng không được thi thố với đời để phục vụ nhân sinh. Gửi Trương Tửu đúng là tác phẩm giá trị của dòng văn chương ‘’Hiện Thực Phê Phán’’ - như cách xếp loại truyền thống của giới phê bình Việt Nam - trước đây...
Ghi chú:
(1) Thơ cũ: Đường luật, lục bát, song thật lục bát - có nhiều quy tắc… Thơ Mới ngược lại, không  gò bó như thơ cũ…
(2) Toàn Tập Thi nhân Tiền Chiến - Việt Nam - cho rằng: Nguyễn Vỹ sinh năm 1912
(3) Theo TNTCVN Toàn Tập  - Nguyễn Tấn Long - nxb Văn Học - 1998.
(4) Chuyện này in trong Nguyễn Bính - Thơ và Đời, nxb Văn Học 2000
(5) Thi nhân Việt Nam. NXB Văn học 2002.
(6) Trương Tửu lúc đó viết cho báo Hữu Ích của Lê Văn Trương. Nguyễn Vỹ viết cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Thảo.
(7) Thời Nguyễn Vỹ sống, các Bà, các Cụ Bà, vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng (Nam Định, Thái Bình…) - đi chợ thường đội thúng, khi đến chợ hạ thúng, bưng thúng, bày hàng bên trên mẹt đậy - bán cho khách…

15/10/2007
Lê Xuân Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...