Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Ngày Tết nhớ ca khúc "Hoa Xuân"

Ngày Tết nhớ ca khúc "Hoa Xuân"

... Hoa Xuân, một bài hát mang chút lãng mạn không thái quá, đôi khi có triết lý, nhưng thứ triết lý rất đời thường, toát lên một vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết, biểu lộ nét chân quê mộc mạc đã làm rung động hàng triệu trái tim mỗi độ Xuân về...
Hằng ngày, cũng có thể hằng tháng, hằng năm, nhiều người không có thời gian nghe nhạc, cuộc sống bây giờ hình như chạy đua với thời gian. Nhưng trong năm ba ngày Tết họ cũng ghé tai nghe nhạc Xuân. Nhạc Xuân là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết. Tiếc rằng viết nhạc Xuân không dễ, nên có hàng chục nhạc sĩ viết nhạc xuân, nhưng nhạc Xuân “nghe được” chỉ đếm trên đầu ngón tay! Để có được một nhạc phẩm Ly rượu mừng như Phạm Đình Chương là điều hiếm có vì nó mang nét nhân văn, và tính dân tộc: Sĩ, nông, công, thương, binh.
Có lẽ trong một năm Tết là ngày thiêng liêng và quan trọng nhất. Dù ai ngược xuôi đây đó, xa quê nhà, nổi trôi theo năm tháng vì cuộc mưu sinh hay một lý do nào đó, thì những ngày Tết cũng phải về thăm quê. Tết là ngày hội truyền thống của dân tộc. Năm ba ngày Tết người ta gặp và thăm viếng nhau chúc tụng, hỏi thăm sức khỏe, chuyện làm ăn của năm cũ và nhân những ngày này người ta cũng sẵn sàng xí xóa cho nhau những gì “gút mắc” nếu có. Và nếu có hứa hẹn gì nhau, hoặc tính chuyện làm ăn cho năm mới, người ta thường nói “ra giêng rồi hãy tính”.
Năm ba ngày Tết, mỗi gia đình dù sang hay hèn, giàu hay nghèo “rớt mồng tơi”, trong nhà cũng không thể thiếu một bình hoa. Giàu thì hoa mai, cúc, hồng, đào, lay ơn… Nghèo thì vạn thọ, hoa… giấy (hoa giả). Hoa Tết tưng bừng ngược xuôi: Hoa mai ra Bắc, hoa đào vào Nam, hoa hồng Đà Lạt tỏa khắp bốn phương.
Hoa hiện diện trong đời sống hàng ngày, nhưng hoa nở rộ và tự phát trong những ngày Tết. Hoa tượng trưng cho tình yêu, sự thanh khiết, tình bằng hữu, dẫu chỉ nhìn một cành hoa, thậm chí một đóa hoa thôi, ta cũng thấy tâm hồn thư thả, cuộc đời đẹp hơn, và quên đi phiền muộn. Nhưng, tiếc thay, đời hoa lại sớm nở tối tàn!
Hoa là đề tài hấp dẫn của người nghệ sĩ. Đứng trước hoa, ai mà chẳng chạnh lòng? Có biết bao bài thơ, bài nhạc không tiếc lời ca ngợi hoa, nhưng cũng không ít đấng mày râu thân bại danh liệt cũng vì "HOA". “Hồng nào hồng chẳng có gai”?
Hoa Xuân, một bài hát mang chút lãng mạn không thái quá, đôi khi có triết lý, nhưng thứ triết lý rất đời thường, toát lên một vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết, biểu lộ nét chân quê mộc mạc đã làm rung động hàng triệu trái tim mỗi độ Xuân về. Nhạc phẩm Hoa Xuân được ra đời năm 1953, nghĩa là trước ngày Đình chiến một năm, chấm dứt cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.
Hoa Xuân gồm 32 trường canh, nhịp 4/4 điệu Dole chậm, gam Si Thứ. Những móc đơn rải nhẹ trên 32 trường canh, giống như những nụ hoa vừa chớm nở của một mùa Xuân tràn trề sức sống. Sự tha thướt và dịu dàng ấy được tác giả cho phép, nhưng không thái quá bằng những tín hiệu Piano (nhỏ) rồi đến Piano nissimo (rất nhỏ). Đôi khi những nốt nhạc được thả lỏng như một dòng thác cuồn cuộn chảy (Forte):
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường tung cánh tròn…
Hoa Xuân trong bối cảnh vừa chấm dứt chiến tranh, con người được trút bỏ những đau thương mất mát quay về với đời thường trong cái hào quang chiến thắng. Tác giả mượn hoa để nhân cách hóa, bằng những hình ảnh lãng mạn và trữ tình, đôi khi có một chút kiêu ngạo thật dễ thương:
Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cầy trên đồi
Hay là chàng chiến sĩ miền xa…
Cái đáng trân trọng của Hoa Xuân là đề cao sức lao động, lấy gam màu dân quê làm nền để phác họa một bức tranh rất thực, vì khởi đầu dân Việt sống bằng nông nghiệp:
Những đoàn người trên luống cày nâu
Thấy hoa xuân phép lạ ra màu
Bỗng lòng người ra sức cày sâu…
Hoa bèn yêu bóng dáng cần lao…
Chiến tranh thì ai cũng sợ, chỉ có một thiểu số người sống nhờ chiến tranh (có chiến tranh mới bán được vũ khí…) mới không sợ chiến tranh. Nhưng mơ ước của nhân loại vẫn là một thế giới sống trong hòa bình, và ở đó Hoa Xuân như một ẩn dụ giữa Hoa và Người:
Hoa vì thế giới biết sum vầy cuộc vui…
Xuân! Hoa nở vì ai…
Hoa Xuân là một bài hát viết về ngày Tết đứng được với thời gian cho dù tác giả của nó là Phạm Duy đã qua đời. (Phạm Duy, một cánh chim không mỏi từ những ngày đầu âm nhạc Việt Nam còn trong thời kỳ phôi thai). Trong âm nhạc (ca khúc) không có khái niệm “cũ, mới” chỉ có “hay, dở”. Nhạc phẩm Hoa Xuân đã cách chúng ta một chặng đường quá xa, nhưng nghe lại Hoa Xuân để thấy cuộc đời đẹp đẽ biết bao cho dù thời cuộc có đổi thay, nhưng hình ảnh Tết xưa vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi độ Xuân về:
… Xuân! Hoa tỏa hương mới
Xuân! Hoa là tình tôi
… Có một bầy thôn nữ nhìn hoa
Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa
Có một vài tóc trắng thầm mơ
Ước cho hoa nở mãi không già
Và nghe lại Hoa Xuân, tôi bỗng nhớ mình là một em bé quê của ngày Tết xa xưa ấy:
Có một đàn em bé ngoài đê
Hát câu i tờ đón Xuân về…
Thời gian có thể trôi qua không quay trở lại nhưng cảm xúc mà ca khúc Hoa Xuân chuyển tải có lẽ mãi mãi tươi trẻ, hồn nhiên trong lòng người, mãi mãi như thế!.
27/1/2021
Trần Hữu Ngư
Theo https://hvhnt.binhthuan.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...