Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Ẩn số cuộc đời

Ẩn số cuộc đời

Người Bác sĩ đưa tờ bệnh án, gạch đít nhấn mạnh các chỉ số hàm lượng đường trong máu, Ông Yên cầm đọc, nhận ra tình trạng bệnh của mình đâm  hoang mang. Thấy bệnh nhân xúc động quá mức, Bác sĩ khuyên yên tâm, nên vào viện ngay để chữa trị toàn diện. Chẳng còn suy nghĩ, tính toán - kể cả về nhà - ông quyết định đi sang khu tiếp đón người nhập viện. Thủ tục khám, tiêm thuốc, vào viện diễn ra trong vòng một giờ, nhận phòng, tắm táp thay quần áo xong, cảm thấy người mệt (có lẽ do tiêm thuốc liều cao) - ông lên giường nằm rồi thiếp đi...

Chuông báo đến giờ ăn chiều vang lên, ông Yên tỉnh, trở dậy ra khỏi phòng.
Khu nhà bệnh này hình dạng bên ngoài cũng giống như mọi nhà nhưng cấu trúc bên trong hơi khác: Một khoảnh sàn - lối đi, rộng chừng 3,5 mét, chạy dọc nhà, có tường ngăn phòng bệnh nhân với lối đi - tạo ra hành lang riêng biệt. Tường hành lang làm vai trò tường nhà - cấu tạo cửa kính lật, đóng mở bằng hệ thống điện lực. Cứ mỗi khoảng cách của hai phòng liên tiếp, được lắp một lò sưởi. Hành lang luôn có ánh mặt trời và không khí trong lành. Mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát.
Ngay trước các phòng đều được đặt một bàn chữ nhật cùng bốn ghế để bệnh nhận tiếp khách, ăn uống. Ông Yên ngồi vào bàn, người phục vụ đẩy xe tới, đặt xuất ăn trước mặt. Chưa kịp ăn, chợt thấy phía cửa ra vào xuất hiện người đàn ông châu Á, trung niên và hai đứa trẻ chừng 8 đến 12 tuổi. Khi tiên đến cửa phòng tiếp giáp, người kia dừng lại, đặt túi xách lên bàn - nói tiếng Việt - bảo hai đứa trẻ ngồi chờ, một mình đi vào, lát sau cùng một phụ nữ chừng trên dưới 35 tuổi trở ra. Người đàn bà ôm hai đưa trẻ, âu yếm, hỏi chuyện, đoạn hướng vào người đàn ông (ông Yên đoán chắc đó là chồng) - hỏi:
- Hàng quán dạo này thế nào, anh?
- Vẫn bình thường - ''người chồng'' trả lời uể oải. Chợt bệnh nhân nhìn sang phía ông Yên, mặt vui lên, giọng xởi lởi: Ô! Bác là người Việt phải không? Bác nhập viện khi nào?
- Chào cô! Tôi vào sáng nay.
Cô ngập ngừng giây lát chỉ vào người đàn ông - Đây là Chất, chồng em cùng các cháu. Em là Thu.
Chất đứng dậy tiến sang bắt tay ông, giọng hồ hởi: May quá! Có bác là người Việt ở gần nên nhà em cũng đỡ buồn. Nhân tiện - anh ngập ngừng - nhờ bác, nếu cô ấy có gì cần... bác làm ơn điện ngay cho em theo địa chỉ này. Chất nói nhỏ chỉ đủ cho hai người nghe - đưa tấm Card. Ông Yên nhận, thoáng vẻ ngạc nhiên...
Cô Thu nhìn những gói, bịch hoa quả rồi bảo chồng: Em có ăn được đâu. Lần sau đừng mang nhiều thế! Chất gật đầu, đáp chiếu lệ: Cố ăn hoa quả để đỡ háo. Thu cúi xuống ăn xuất do người phục vụ đưa. Vừa ăn cô vừa tiếp tục hỏi chuyện hai con... ông Yên cũng lặng lẽ ăn, suy nghĩ về người bệnh ''hàng xóm'' của mình...
Bữa chiều của cả hai bàn diễn ra khoảng hơn 40 phút. Chất thu dọn bát đĩa rếch đặt vào nơi quy định rồi cùng hai con ra về. Thu nhìn theo cho tới khi họ khuất sau khung cửa mới quay sang nói với ông Yên: Mời Bác sang đây.
Ông Yên tiên đến ngồi đối diện, nhìn Thu chăm chú: Trên khuôn mặt trái xoan do bệnh tật, da dẻ xanh sao, hai gò má nhô lên trông càng thêm hốc hác, tiều tụy.
- Bác bị bệnh gì - Thu hỏi.
- Tôi bị Tiểu đường cấp tính. Còn cô?
- Em bị Thận. Cô nhìn ông thoáng vẻ buồn nhưng rồi nhanh chóng thay đổi - Bác ăn hoa quả đi. Nhà em mỗi lần vào thăm, mang hơi nhiều. Em chẳng ăn được.
- Cô để mặc tôi. Thế, vào viện được lâu chưa?
- Em vào lần thứ hai, đã được hơn một tháng.
Có lẽ nằm ở đây lâu ngày không ai truyện trò bằng tiếng mẹ đẻ, bây giờ gặp ông, Thu tâm sự cởi mở. Cuộc tiếp xúc đầu tiên đã gây cho ông sự thắc mắc cùng những ấn tượng cảm tình. Hàng ngày ba lần - sáng, trưa, chiều - ông và Thu gặp nhau ngoài ''Phòng khách''. Trước và sau bữa ăn, hai người thường nói đủ mọi thứ chuyện. Có lúc thật sôi nổi... Rồi trong buổi chiều 5 ngày sau, cô đã kể cho ông nghe quãng đời đầy sóng gió, trái ngang của mình nơi xứ lạ quê người...
Thu cùng Chất đến Đức du học từ giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước. Như bao lứa đôi khác, họ yêu nhau rồi về phép nghỉ hè, làm đám cưới bên nhà. Tốt nghiệp, cũng là lúc ''Bức tường Berlin'' sụp đổ. Theo thông lệ trước nay, bắt buộc, học xong phải về nước nhận công tác. Rất may lúc ấy lại có chủ trương cho du học sinh được ở lại nếu chính quyền nước sở tại cho cư trú hợp pháp. Muốn được cấp phép cư trú phải tự nuôi sống mình và đóng các khoản bảo hiểm. Hai vợ chồng căng ra tìm việc làm. Từ bé đến giờ chỉ đi học. Học xong, có mảnh bằng nhưng chẳng có giá trị gì đối với những ông chủ các xí nghiệp mới được cải tổ. Thế là phải chạy vạy tìm. Mà lại phải là công việc được tuyển dụng hẳn hoi, có đóng thuế và bảo hiểm xã hội. Đọc rao vặt phát chán, chỉ thấy Công ty vệ sinh thành phô có nhu cầu nhân lực, còn chẳng cơ sở nào ký hợp đồng tuyển dụng trong thời điểm này cả. Kiếm được việc làm thỏa mãn yêu cầu của mình là quý lắm rồi, hai vợ chồng chẳng những không kiêng dè, xấu hổ, mà còn vui vẻ chuẩn bị cho ngày ''ra quân''! 
Công việc thật đơn giản, hàng ngày chỉ lau rửa sàn nhà, tẩy rửa các bồn xí công cộng. Tuy nhếch nhác nhưng lại hợp với khả năng của những người chưa quen lao đông, không cần đào tạo nghề. Bù lại, do đây là công việc người Đức chê không làm, ông chủ cần giữ người nên ngoài ký hợp đồng ra, họ còn đối xử với công nhân khá chu đáo. Đồng lương thu nhập tuy thấp, môi trường làm việc ''không vệ sinh'' nhưng rất lý tưởng đối với hoàn cảnh của vợ chồng những kỹ sư ''Bằng đỏ'' - thất nghiệp, muốn tạo dựng cơ nghiệp ở nước Đức thống nhất.
Sau hai năm chăm chỉ, tằn tiện vợ chồng Thu đã có số vốn kha khá. Cũng vào lúc cô mang thai rồi sinh con. Bây giờ đã có cơ sở nghỉ ăn trợ cấp thất nghiệp mà chính quyền không thể khước từ cấp phép cư trú, họ quyết định chuyển hướng làm ăn.
Hai miền Đông, Tây hợp nhất, đang từ chỗ hàng hóa chỉ vẻn vẹn những đồ do DDR hoặc hệ thống XHCN đông Âu sản xuất. Mẫu mã xấu, đơn điệu, đắt. Giờ ê hề, đủ loại của các nước tràn vào. Điều quan trọng: Giá rẻ, khiến sức tiêu thụ của dân tăng nhanh. Theo gương đàn anh, đàn chị Hợp Tác Lao Động (Khách thợ), hai vợ chồng cũng mở quầy buôn bán ‘‘hàng xén‘‘. Bắt tay vào làm mới vỡ ra, học được nhiều điều mà không ở sách nào dạy... kể cả cách thức gian lận, trốn thuế…
Cái gì cũng có thời điểm, giới hạn. Chính quyền mới sau thời gian bận bịu việc tổ chức lại xã hội, giờ tạm ổn, họ bắt đầu củng cố, đưa hệ thống thương nghiệp vào nề nếp. Nhận ra lĩnh vực làm ăn ''cò con - chụp giật'' đã hết thời, vợ chồng Thu chuyển sang mở quán ăn châu Á. Mở lớn thì chưa đủ vốn, chưa biết quản lý, đành chọn loại quán ăn di động. Dưới thời D.D.R dân đông Đức không được ăn món ăn Việt Nam là bởi hệ thống XHCN không cho phép người nước ngoài hành nghề. Bây giờ quán ăn châu Á mọc lên như nấm mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cho dân. Ba năm ''Cày cật lực'' vợ chồng thả cửa  gặt hái thành quả...
Dân mình đa số có tật: Hễ thấy bạn bè làm ăn khấm khá ở ngành nào là ùa nhau cùng ‘‘Sao y bản chính‘‘ chứ không chịu vắt óc tự tìm ra cho mình đường đi riêng. Căn phố khi Thu mở quán chỉ có một cửa hàng của cô, thế mà bây giờ thêm ba cái nữa. Thậm chí có người mở chỉ cách quán cô mấy trăm mét. Tuy vậy họ cũng không thể cạnh tranh nổi nên đi đến hạ sách - Giảm giá!.
Đến nước này thì đành chịu thua những ''Chi Phèo''. Vợ chồng Thu lại quyết định chuyển hướng. Chỉ mơi vừa đánh tiếng bán cơ ngơi, ngay lập tức có đến bốn người đòi mua (trong đó có cả chủ quán nằm xeo xéo ở phía bên kia đường). Thu bán được món tiền gấp năm lần số bỏ ra khi đầu tư xây dựng, ấy là chưa kể đã khai thác liền trong ba năm.
Lao tiếp vào ngành gì đây?
Hai vợ chồng căng ra suy nghĩ. Sau mấy năm lăn lộn từ quầy bán nhỏ, Thu nhận ra: Nếu cứ loay hoay với những ''mẹt'' hàng thì luôn luôn phải đối mặt với biến động của xã hội, thời cuộc, rồi lại phải ''chuyển hướng'', mất thời gian, không thể ''an cư - lạc nghiệp''. Một bạn học đến chơi vô tình khoe, nơi anh ta đang sống sắp mọc lên một siêu thị khổng lồ. Hai vợ chồng đều nhận ra một lĩnh vực làm ăn mới: Kinh doanh ăn uống trong Siêu thị!.
Ngay lập tức Thu gọi điện đến văn phòng cơ quan quản trị bất động sản bày tỏ nguyện vọng. Người thường trực ở đầu kia ngập ngừng... hỏi lại: Xin lỗi! Tôi đang được hân hạnh nói chuyện với ai đây? 
Đã sống ở Đức nhiều năm, trong đầu Thu bật ra nhanh phương sách rồi bình tĩnh đáp, rằng cô là Maria Thu, thương gia Việt Nam, muốn thuê một gian trong siêu thị để mở nhà hàng ăn uống Châu Á. 
- Chào bà Maria. Chúng tôi hiện còn một chỗ trống, nếu bà hứng thú, xin mời tới để trao đổi cụ thể.
Thu xin lịch gặp rồi tường thuật lại nội dung cuộc trao đổi cho Chất nghe, đề nghị hai vợ chồng cùng đi. Chất suy nghĩ vài phút, bảo chỉ mình cô đến là đủ. Tuy đã biết năng lực của vợ trong ứng xử giao tiếp và nhất là tính quyết đoán trong thương trường, Chất vẫn không quên nhắc nhở cô hết sức cố gắng, tìm cách đặt chân được ở đây!
Lời nhắc có tính chiến lược trước lúc ''Hội kiến'' đã giúp Thu định hướng cho một công việc làm ăn mới nhưng rất hấp dẫn. Cô thêm tự tin, hăng hái chuẩn bị cho chuyến đi, Trước tiên là trang điểm. Cô không quá nhấn mạnh bản thân mà có ý tạo ra hình ảnh của mình đậm đặc tính ''Dịu dàng'' của phụ nữ Á đông. Khi chọn trang phục cô lại phân vân giữa áo dài truyền thống và y phục theo sở thích của phụ nữ Đức quý phái. Cuối cùng quyết định chọn trang phục Đức... Chất đứng ngắm vợ chăm chú, lát sau mới trầm trồ thốt lên - Được! được lắm! 
Văn phòng giao dịch của cơ quan quản trị bất động sản nằm trên một phố lớn gần ZOO. Người thường trực chỉ xem qua tấm Card của khách, viết số phòng, số tầng, tên người sẽ tiếp - vào một mảnh giấy rồi nhấn chuông, một cô gái trẻ, đẹp tiến tới dẫn Thu ra tận cầu thang máy, mở cửa, đợi Thu vào, thang máy chuyển động rồi mới chia tay khách. Thu tìm đến địa chỉ rất nhanh. Chưa kịp gõ cửa, đã có tiếng người vang lên từ chiếc loa bé xíu gắn ngầm trong tường, cạnh ổ khóa: Xin mời vào!
Ngay đồng thời, cửa tự động mở: Từ trên chiếc ghế xoay bọc da mầu trang nhã (trông như chiếc ngai) sát góc trong - một người đàn ông trung niên, to, cao, râu quai nón - đứng dậy tiến về phía khách, dơ tay bắt. Bàn tay của ông ta to, khiến tay Thu lọt thỏm. Tuy thế hơi ấm tử bàn tay kia truyền sang, cô cảm thây dễ chịu.
- Tôi là Klaus Schumann, trưởng đại diện của Công ty IWG!
- Tôi là Maria Thu!
Sau giây phút xã giao, Chủ mời Khách tới bộ sa lông đặt gần một quầy rượu và hệ thống tủ lạnh. Ông ta hỏi giọng thân tình: Chị uống gì? Rượu mạnh hay Vang?
- Cho tôi Vang! Chủ rót ra ly chuyên dùng đựng rượu Vang... Khi cả hai đã có trong tay ly rượu, chủ dơ lên, nói: Nào, xin mời!
Thu cảm thấy thứ Vang này mùi thơm rất đặc biệt, có lẽ được cất dưới hầm nhiều năm. Sau hớp rượu đầu tiên, Klaus lên tiếng trước: Cửa hàng ăn uống Việt Nam của chị có gì khác China Resstaurant?
Câu hỏi vừa như ra vẻ muốn tìm hiểu nhưng lại như ngầm nói ''Liệu món ăn có na ná như các quán ăn Tàu nhan nhãn trên khắp nước Đức không?''. Thu hiểu rằng mình đang bị ''kiểm tra''. Nhưng đây là vấn đề hệ trọng quyết định đến kê hoạch và sự quan tâm của hai vợ chồng... cô quyết định ‘‘phản công‘‘:
- Mỗi nước, mỗi dân tộc đều có món ăn truyền thống của mình. Cùng nói tiếng Đức nhưng món Súp gà của Đức khác của Áo. Tuy cận kề nhau, món ăn Việt Nam nhất định khác món của Trung Quốc, Thái Lan.
Chủ nhân hình như chăm chú quan sát người đối diện hơn là nghe - dù giọng nói nhẹ hơn người Đức nhưng phát âm thật chuẩn. Khuôn mặt của người phụ nữ xinh đẹp một cách dịu dàng thánh thiện. Còn vấn tóc trên đầu lại tỏ ra đài các. Mùi thơm của nước hoa từ trên người cô tỏa ra thật quyến rũ... 
Thu thừa biết ''đối tác'' đang nghĩ gì về mình. Cô tảng lờ, tiếp: Siêu thị của anh có bao nhiêu tầng, mặt bằng mỗi tầng bao nhiêu mét vuông? Căn phòng trống ở tầng mấy?
- Năm tầng, mỗi tầng gần năm nghìn mét vuông - chủ nhân trả lời thụ động. Ngừng lại như ngẫm nghĩ, đoạn tiếp - ‘‘nó‘‘ ở tầng một. Chị có muốn xem không? Vừa nói Klaus xoay ghế, hướng người về phía chiếc Tivi màn hình tinh thể lỏng khổng lồ, loại 16/9, đường chéo tới hơn một mét - đặt đôi diện - bật điều khiển từ xa. Toàn cảnh siêu thị nhìn từ bên ngoài rồi lần lượt ở bên trong các tầng, từ bãi đậu xe trên nóc đến tầng nửa ngầm... sau cùng trở lại tầng một - nơi có căn phòng trống kia. Tất cả hiện ra trên màn ảnh với màu sắc rực rỡ... Thu cảm thấy nếu đi trên thực địa cũng không thể nào có được cái nhìn toàn cảnh, sinh động tỉ mỷ như vậy.
- Tôi hoàn toàn bị cơ ngơi của anh chinh phục. Xin cho biết thủ tục thuê mướn!
- Hiện đã có ba người đặt đơn. Họ đều là những ông chủ Resstaurant của những nước có thế mạnh, nổi tiếng về ẩm thực. Klaus nheo mắt nhìn Thu giây lát rồi mới tiếp - Nhưng chúng tôi chưa quyết định cho ai thuê. Chị là người thứ tư.
- Liệu tôi có thể được lên ''sàn đấu'' không? Điều kiện, luật chơi thế nào?
- Điều đó... hừm... ta sẽ bàn sau... cũng chẳng có gì đặc biệt. Xin hỏi, chị sống ở Đức lâu chưa? Vào ngành ăn uống phục vụ được mấy năm rồi?
- Tôi học luật ở Đại học tổng hợp Berlin (ĐHTH) - thấy nhắc đến ĐHTH mắt Klaus sáng lên - Tu nghiệp trong trường dạy nấu món ăn Việt Nam ở Hà Nội. Tuy nói nhưng Thu vẫn quan sát thái độ của chủ nhân... nhận ra sự quan tâm kia... cô lờ đi, tiếp - Bắt đầu lập nghiệp bằng chiếc quán ăn nhanh (Imbiss) đặt trên xe ô tô, đến nay đã  năm năm...
- Thế ư... Hợp đồng ở đây bắt buộc phải ký dài hạn - Klaus cắt ngang - Tiền đặt cọc, tiền thuê phòng hàng tháng đắt hơn bên ngoài nhiều - mời chị xem bảng giá...
Thu liếc nhìn... chủ yếu là mục tiền cọc - thấy khả năng mình có thể huy động được nên trong đầu bật nhanh quyết định...
Klaus ngừng một chút rồi tiếp - Chị thử xem! Nói đến đây cặp mắt anh ta như bật thành lời - ''có thể kham được không'' - Nếu đồng ý với các điều kiện này, chúng ta sẽ ký hợp đồng, chị không cần phải lên ''sàn đấu''.
- Tại sao?
- Bởi vì chị là phụ nữ - lại là phụ nữ châu Á! Không ai để phụ nữ lên sàn đấu với đàn ông!
Thu cười theo xã giao, tiếp: Về nguyên tắc tôi đồng ý!
- Nhưng... có một phụ lục nho nhỏ.
Thu giật mình nhìn Klaus. Trong đầu bật nhanh ý nghĩ: Liệu đây có phải là điều kiện ''đầu tiên - kiểu Đức'' không?
Klaus dường như không nhận ra phản ứng của khách - nhướng mắt nhìn Thu chăm chú. Trong cặp mắt sáng, thông minh kia ánh lên tia như cười cợt - Phụ lục nhỏ là: Hôm khai trương tôi phải được mời món ăn đặc biệt của Việt Nam mà các vị tự hào!
- Ôi! Tưởng gì, nhất định anh và các đồng nghiệp sẽ được tôi mời hẳn một bàn tiệc nhỏ. Đảm bảo anh sẽ thích.
- Được! chúng ta sẽ xem. Bây giờ chị cầm bảng hợp đồng này về nghiên cứu, nếu không có gì cần hỏi thì ký và bốn giờ chiều mai mang sang đây. Chúng ta sẽ uống mừng thành viên mới của Trung tâm thương mại.
Thu đứng dậy bắt tay rồi từ biệt. 
Cô ra về trong niềm vui khôn tả. Đây có thể là bản hợp đồng đầu tiên trong đời cô thấy thỏa mãn nhất. Trong tâm trí Thu như vang lên giọng nói của ai đó mà không mường tượng ra hình dáng:
 - Sẽ mệt đấy bạn ạ! Mỗi ngày mở mắt ''chưa kịp súc miệng'' bạn đã phải chi 500 D. Mark đó.
- Đúng! Đắt sắt ra miếng. Dám chơi dám chịu, tôi chấp nhận - Thu khẳng khái bật ra thành lời.
... Ngay trong một tuần khai trương, doanh số của cửa hàng đã đạt kỷ lục: Sau khi trừ mọi chi phí, lãi có thể trả tiền thuê trong một tháng. Hai vợ chồng phải mướn thêm năm người làm. Sau một tháng hoạt động, thu nhập hàng ngày vẫn xấp xỉ mức như những ngày khai trương, đó là điều đặc biệt đối với những cửa hàng ăn uống châu Á. 
Một buổi sáng đầu tháng thứ tư.
Vừa phân công cho nhân viên xong, Thu nhận được điện do Klaus mời lên văn phòng. Bước vào đã thấy có thêm hai người nữa cùng Klaus đang chờ. Ngồi giữa là một người đàn ông tuổi trạc Klaus nhưng thân hình có vẻ thư sinh. Sau khi bắt tay, giới thiệu, ông khách kia đi ngay vào đề: Tôi đã được Klaus cho biết, cửa hàng của chị làm ăn khá lắm. Chúng tôi hiện đang còn một số Trung tâm thương mại khác nằm ở các tỉnh bên phía tây, chị có hứng thú tham gia đầu tư thêm các cơ sở của mình không?
Đúng như các cụ ta nói: Hữu xạ tự nhiên hương. Thu cảm nhận được ảnh hưởng của kết quả mà vợ chồng mình đã tạo ra. Do đã suy nghĩ bàn bạc từ trước, đây là cơ hội hiếm có... tuy nhiên cùng một lúc mà huy động khoản tiền đặt cọc bạc triệu thì quả là gay dù có thể mượn được của ngân hàng. Cô nói thật suy nghĩ của mình, chắc mẫm họ sẽ từ chối. Chẳng ngờ ông chủ tươi cười trấn an: Chúng tôi hiểu. Nhưng đối với chị có ưu tiên riêng. Trên nguyên tắc mỗi cơ sở kinh doanh đó chị phải ký giao kèo và chấp nhận các quy định đã được công ty đặt ra. Còn tiền đặt cọc, với chị - có thể chỉ đóng trước 1/3, con lại ký  nợ, trả dần.
- Thưa ông, tôi muốn biết nơi có thể đặt cửa hàng ở đâu?
- Ba trung tâm ở ba thành phố nằm ở khu công nghiệp Rhein. Nếu chị muốn, chúng tôi bô trí để đi xem, sau đó trở về làm thủ tục.
''Con tàu đã đặt trên đường ray, không muốn đi cũng bị gió đẩy''. Trước sự mời chào chân thành có phần ưu ái của người lãnh đạo công ty kinh doanh bất động sản khổng lồ này, Thu chỉ còn biết gật đầu đồng ý rồi ''hạ quyết tâm''. Tuy vậy vẫn phân vân không thể hiểu sức hấp dẫn của cô đối với các ông chủ tư bản lọc lõi này là ở đâu? Chắc chắn không phải ở phong cách hay sự làm duyên! Có thể do kiến thức và sự hiểu biết văn hóa xã hội Đức, hay ở uy tín của các món ăn khiến khách hàng thích thú đến ăn đông, góp phần làm Trung tâm buôn bán của họ thêm nhộn nhịp? Hay là do tất cả cộng lại?
Sau một đêm cân nhắc, suy tính, bàn bạc... vợ chồng Thu vạch các phương án rồi phân công nhau đi tổ chức thực hiện. Thu đi xem cơ ngơi mới, ký kết các hợp đòng thuê mướn với các chủ siêu thị. Chất đi mời chào các bạn mình tham gia góp vốn hoặc sang nhượng chủ quyền phần quản lý kinh doanh ở từng cửa hàng trong từng siêu thị. Cả hai thống nhất một nguyên tắc: Nhất thiết tất cả mọi cơ sở đều phải lấy lô gô cửa hàng như đã trình tòa cho quán đã mở đầu tiên: Con gà Trống đang cất cao cổ - Gáy!  
Chỉ trong vòng tám năm, từ người bán đồ ăn trên quán di động, vợ chồng Thu đã lần lượt vươn tới làm chủ gần hai chục cửa hàng nằm trong các siêu thị khổng lồ trên khắp nước Đức. Điều quan trọng: Hễ nơi nào chuẩn bị xây dựng siêu thị, các ông bà chủ đều gửi thông báo mời Thu tham gia. Đây mới là phần thưởng cao nhất: Uy tín của lô gô Con Gà!...
Bệnh nhân ngừng lời, nhìn bầu trời trong vắt. Cuối hè, hơn 20 giờ mà không gian vẫn sáng. Lúc mặt trời sắp lặn, những tia nắng vàng rực phủ hàng cây trồng quanh hàng rào bệnh viện khiến người nhìn cảm thấy cành lá chúng như được nhuốm màu. Rồi theo thời gian mặt trời đi xuống, màu sắc lá cây chuyển dần từ vàng rực sang nhạt dần rồi xanh và khi bị những tòa nhà cao tầng chặn ánh mặt trời lại - hàng cây xanh thẫm. Tới khi ánh sáng tắt hẳn, nền trời dần tôi: Màn đêm ập đến! 
Thu như đang chìm đắm trong quá khứ xa xăm. Hành lang đã bật đèn, bất giác cô ngẩng lên nhìn người đối diện, giây lát sau khẽ cất tiếng, giọng trầm, đục:
... Mọi việc đang tiến triển tốt thì em đổ bệnh, ngất ngay tại bàn làm việc. Chất đưa đến bệnh viện cấp cứu... Bác sĩ theo dõi là một phụ nữ có tuổi. Khi tỉnh hẳn, em thẳng thắn đề nghị bà cho biết tình trạng bệnh tật. Bà Jena sau ít giây suy nghĩ rồi nhìn thẳng vào mặt em: Bạn thân mến! Tôi hiểu lòng chị lúc này. Cũng là phận đàn bà, tôi cũng có chồng và hai con nên rất thông cảm với chị. Nhưng đây là sự thật. Chúng ta cần đối diện với sự thật - tôi muốn nói rằng bệnh của chị đã rất nặng. Đó là hậu quả của việc không chăm sóc sức khỏe, không chịu chữa trị kịp thời khi bệnh chớm phát, và bây giờ...
- Bây giờ thì sao? Xin bà hãy nói thẳng, đừng ngại.
- Tôi rất khâm phục sự kiên cường của chị! Nêu vậy không giấu nữa: Chị không còn sống được bao lâu. Trừ phi... trừ phi...
- Tri phi thế nào?
- Trừ phi có một người hiến bộ phận này để thay thế! Nhưng đó là điều quá lý tưởng. Hiện nay ở Đức rất nhiều người sắp hàng chờ. Điều quan trọng nhất: Không phải chỉ là thứ tự sắp hàng mà là các thông số Kỹ thuật - Sinh học của người hiến, liệu có trùng với người được thay, không?
- Nếu thân nhân của tôi tự nguyện hiến cho tôi?
- Đây là phương án tốt nhất cho người bệnh. Nhưng tôi đã nói - Vấn đề phụ thuộc vào các thông số kỹ thuật - sinh học. Tất nhiên - bà Jenna ngập ngừng... ngập ngừng, lát sau mới tiếp - Cứ thử... đi khám và gửi cho chúng tôi kết quả khám nghiệm!
Thu nghe xong không còn muốn tiếp tục truyện trò với bà Jenna nữa, cô cám ơn rồi hạ giọng đề nghị: Xin bà và các đồng sự giữ kín bệnh án, trong mọi trường hợp chưa nên nói thật với chồng tôi, cho một bản sao để tôi tự nói với chồng, con lúc cần thiết.
Bà Bác sĩ gật đầu đồng ý.
Hai người chia tay nhau, Thu tiếp tục chìm đắm trong suy tư: ''Sinh Lão, Bệnh, Tử'' sao có thể cưỡng lại được quy luật tự nhiên. Cần phải chọn cho mình một phương sách hợp lý nhất trước khi ra đi. Bắt đầu từ hai đứa trẻ sau đó mới là cơ ngơi mà cô đã cùng Chất tạo dựng. Các con hãy còn quá bé. Nếu cô nằm xuống nhất định Chất sẽ phải đi lấy người khác. Thu không tin thời nay vẫn còn cảnh mẹ ghẻ con chồng. Nhưng ai biết đâu được tương lai. Khi cô không còn trên cõi đời thì mọi chuyện đều có thể sảy ra đới với các con. Vậy thì sẽ giải quyết vần đề này ra sao? Trừ phi... trừ phi... Cô cảm thấy nghẹt thở khi trong đầu lóe ra ý nghĩ...
''Nhưng nếu làm được việc này thì vân đề của các con sẽ tạm ổn''. Như được tiếp thêm ý chí, Thu rút chiếc máy Télé Funk, đi về cuối hành lang, mở cửa, ra phòng tiền sảnh của bệnh viên (trong khu nhà bệnh người ta cấm không được dùng máy phát sóng cầm tay) - vào mã số rồi gọi thẳng về Việt Nam. Rất may Xuân - em gái - vừa đi làm về. Thu thông báo ‘’vừa phải’’ cho em về mình… hỏi em về công việc đang làm, chuyện yêu đương, mặc dù biết man mán em gái chưa có người yêu...
Xuân tỏ vẻ hốt hoảng, xúc động, cô mếu máo như sắp òa khóc. Lát sau dần trấn tĩnh, hỏi chị đang ở đâu, tình trạng sức khỏe thực ra sao? Thu cho em biết sơ bộ về bệnh tật của mình, nhấn mạnh rằng trong khoảng một vài tháng cô vẫn có thể tồn tại sau đó thì chưa biết, dặn em không được cho anh rể biết điều mà cô vừa thông báo. Xuân thắc mắc, Thu không giải thích, quyết định bày tỏ lòng mình: Bây giờ em chú ý nghe chị nói rồi suy nghĩ và cho chị biết ý kiến. Hiện nay chị đang chờ cuộc đại phẫu thuật... Chỉ có vậy mới kéo dài cuộc sống. Mà khả năng này rất mong manh. Đề phòng chị có mệnh hệ nào thì còn chủ động khắc phục hậu quả. Điều chị lo lắng nhất là hai cháu. Chị mà ''đi'' nhất định anh ấy sẽ phải lấy người khác. Mà điều này... như vậy các cháu sẽ khổ. Chị đã suy nghĩ rất nhiều, rút ra: Chỉ em mới có thể cho các cháu tình cảm giống như chị. Xin em, nếu chưa yêu ai, hãy thay chị, làm vợ, làm mẹ các cháu...
- Chị nói sao? Em thay chị à - Xuân hoảng hốt ngắt lời Thu.
- Đúng vậy! Chỉ có em, chị mới đủ tin cậy yên lòng trao trách nhiệm này trước khi nhắm mắt. Bởi vì em là Dì các cháu, là mẹ hai. Chúng là máu mủ ruột rà của chị em mình...
- Nhưng anh Chất phải đồng ý chứ? Lại còn những chuyện khác!
Thu hiểu ''Những chuyện khác'' em gái đang lo ngại. Đó là chuyện ''gia đạo'', là tình cảm của em với người anh rể mà từ trước đến giờ chỉ thuần túy, đơn giản là anh rể em vợ. Lại còn cơ sở pháp lý của cuộc hôn nhân mới và thái độ của hai bên bố mẹ nữa. Chặng đường thuyết phục tuy còn dài nhưng cô vẫn tin ở khả năng dàn xếp của mình. Cô thở phào ''chỉ sợ nó không nghe lời đề nghị của mình thôi!''.
Tuy vậy, lo lắng của Thu đã giảm đi. Sau lúc lâu cả hai chị em im lặng, cô dấn tới - Chỉ cần em đồng ý, mọi chuyện để chị lo. Em hãy thương hai con thơ dại mà chị sắp không thể chăm lo cho chúng đến ngày lớn khôn. Chị biết rằng đề xuất chuyện này với em thật quá đột ngột. Đây là cả cuộc đời, là tương lai của em. Cuộc tình mà em miễn cưỡng sẽ không hạnh phúc. Bởi vậy nếu em không thật thoải mái thì chị đành tìm giải pháp khác. Có điều này chị cần nói: Tình yêu như rượu nồng. Rượu sẽ dịu, đi đến ngọt ngào chính là được ủ theo thời gian...
Xuân nghe nhưng vẫn im lặng.
Thấy đã nói tạm đủ, Thu chuyển hướng - Em suy nghĩ rồi cho chị biết ý kiến. Nếu chưa quyết định chưa nên cho bố mẹ biết tinh trạng thực của chị. Hàng ngày vào giờ này chị sẽ chủ động gọi điện về, em túc trực để nghe. Chị nhắc lại: Nhất thiết không để cho hai bên bố mẹ, anh Chất biết rõ chuyện này!
Xuân không lên tiếng,
Thu chủ động cúp máy.
Sau cú điện thoại Thu thấy mệt rã rời. Trong lòng ngổn ngang trăm mối. Cô chưa thể yên lòng nhưng vẫn tin rằng em gái sẽ chấp nhận lời đề nghị của mình. Cô còn phải thuyết phục Chất, có thể còn khó hơn em gái mình. Nhưng cũng có thể sẽ dễ dàng hơn. Chất sẽ phản ứng ở khía cạnh luân lý gia đình. Thu tin rằng nếu khơi gợi, xoáy sâu khía cạnh "thương con" anh sẽ đồng ý. Chất thường ngày vẫn quý Xuân bởi cái tính chín chắn, thông minh, trẻ trung và nhất là lại xinh đẹp. Vả lại trong hoàn cảnh trớ trêu này, tình yêu vợ, thương con, chắc sẽ giúp anh vượt qua ngưỡng cửa luân thường đạo ly của gia đạo.
Thu thở dài bật ra thành lời: Mọi chuyện vẫn còn đang ở phía trước!
Theo đúng hẹn, hôm sau Thu lại gọi điện về. Xuân đã chờ sẵn ở đầu bên kia. Xuân nói ngay: Em đã suy nghĩ cả đêm qua và hôm nay đã thay chị nói với bố mẹ... Cả nhà ủng hộ chị. Riêng em, vì thương chị, thương các con, em sẽ làm mọi điều mà chị muốn, để nguyện vọng của chị trước lúc ‘‘nếu thực phải ra đi‘‘ - trở thành hiện thực. Em thấy trách nhiệm của mình trước chị, gia đình chị và hai con. Em sẽ theo thời gian để giành lấy hạnh phúc thực sự từ mối tình mà chị đặt vào tay em rồi công phu vun đắp!
- Ôi em! Chị cám ơn em. Từ bé đến giờ chưa khi nào chị vui bằng lúc này, khi mà trao chồng chị và hai con cho em. Thu bật khóc. Đầu kia Xuân òa khóc theo. Ở hai nơi xa nhau gần hai vạn dặm, hai người đàn bà đã hy sinh cho nhau trong niềm thương yêu vô bờ.
Cuộc ''thuyết phục'' chồng diễn ra suông sẻ chứ không như Thu nghĩ. Thực ra Chất đã biết tình trạng bệnh tật của vợ. Chất chỉ còn biết nghe lời Thu như lời trối trăn của người sắp từ giã cõi đời. Ngay đến lời nói anh cũng cố gắng tạo ra vẻ nhẹ nhàng, tự nhiên. Vốn tinh tế, nhạy cảm, Thu đâm cảnh giác dè dặt: - Anh có thật thương yêu Xuân không, hay chỉ để làm vừa lòng em?
Chất nhìn thẳng vào mắt vợ trả lời thành thật - Sao em lại nghi ngờ anh? Chả lẽ em muốn anh bộc lộ vui mừng ra ngoài vì vợ mình trao đứa em gái cưng cho mình ư?
Nghe chồng nói, mắt Thu rực sáng. Cô nhận ra Chất nói thực lòng. Hai người tiếp tục bàn để thực hiện ''hồi thứ hai của vở kịch cuộc đời''.
Chất làm các giấy tờ cần thiết để ly hôn vợ vắng mặt, chuẩn bị các giấy tờ để sau khi kết hôn với Xuân, bảo lãnh vợ sang - Đó là yêu cầu quan trọng nhất mà Thu quan tâm. Thông thường từ khi có đề nghị đến khi Đại sứ quán Đức ở Việt Nam cấp Visa vào Đức để đoàn tụ gia đình thường rất lâu, ấy là chưa kể họ nghi ngờ ''Kết hôn giả'' nên gây khó dễ. Nhưng thật may: sau khi đọc hồ sơ của anh, sở ngoại kiều cùng lãnh sự sứ quán Đức hẹn một tuần sau đến lấy Visa. Đây có thể là trường hợp ngoại lệ, đặc biệt nên Xuân lên đường sang Đức theo diện đoàn tụ sau khi cuộc ly hôn vợ vắng mặt của Chất diễn ra chỉ mấy tuần...
Và đến giờ khi ngồi kể cho ông Yên nghe chuyện này, thời gian đã được gần hai tháng.
- Cuộc sống của họ bây giờ ra sao - ông Yên hỏi?
- Mấy lần Xuân vào thăm, xem ý nó kín đáo không bộc lộ tình cảm bằng lời nói, nét mặt. Nhưng chắc rằng Xuân thỏa mãn với cuộc tình bất ngờ. Các cháu cũng vui vẻ chấp nhận mẹ kế. Thực ra mối quan hệ này vẩn trên cơ sở cũ vì mỗi năm em cho chúng về thăm ông bà nội ngoại, cô dì.
Họ đã quen nhau, bọn trẻ không hiểu hết tâm tư của người lớn... lại được chăm sóc chu đáo như khi em chưa vào viện nên chẳng có phản ứng gì...
Mà này - Thu đột ngột chuyển hướng câu chuyện - em chỉ kể chuyện của em, còn Bác thì em chưa biết gì - Thu ngẩng lên, vui vẻ trở  lại, hỏi ông Yên.
- Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Chuyện của tôi cũng không kém chuyện của cô nhiều lắm. Tuy vậy để lúc khác tôi kể. Bây giờ chỉ tóm tắt để cô hiểu về người hàng xóm: Tôi hiện sống độc thân. Hai con đã trưởng thành đi xa, ở riêng. Tôi cũng bị bệnh năm năm. Nhưng chỉ cần tiêm thuốc và ăn kiêng là ổn chứ không như cô. Anh em mình có duyên gặp nhau tại đây... biết hoàn cảnh của cô... nếu cô cần điều gì tôi sẽ giúp. Đừng e ngại.
- Rất cám ơn Bác. Có lẽ... có lẽ... điều em cần nhất là hàng ngày bác ngồi đây cùng em, kể cho em nghe mọi chuyện bên ngoài... Thú thật em rất nhớ quá khứ và lo sợ tương lai.
Ông Yên nhìn cô vẻ xúc động. Người đàn bà đang lăn xả vào cuộc sống với hào quang chói sáng trong hoạt động kinh doanh, giờ ngồi đây đếm từng ngày sự tồn tại của mình. Cảm thông với cô song chỉ còn biết cất lời an ủi khách sáo hy vọng xoa dịu được nỗi đau của con người đang đi tới mép bờ vực thẳm.
Hàng ngày cứ sau ba bữa ăn sáng, trưa, chiều - ông thường ngồi nán lại truyện trò lan man với Thu, gợi cho cô nghĩ về quê hương... thuở ấu thơ... rồi sau tìm một câu chuyện nào đó gắn vào để đưa đẩy mà phần nhiều phải bịa ra. Cũng may những chuyện bịa đều có cốt ngoài đời khiến người nghe tin. Những lúc nghe một chuyện hài hước, kệch cỡm... Thu thường vui hẳn lên, thậm chí cười sảng khoái - điều mà đã lâu lắm không có ở cô. Thấy không khi chan hòa, ông Yên hỏi: - Em có thích đọc sách, xem phim không?
- Em thích lắm. Hồi nhỏ, học phổ thông rồi vào Đại học, sách là người bạn thân thiết của em. Từ khi có phim Hồng Kông em thích đến độ say mê, ngày cuối tuần xem thâu đêm suốt sáng… Nhưng khi bắt tay vào quản lý kinh doanh, thực sự em không còn thời gian rỗi. Ngay đến mang bệnh mà cũng chẳng nghĩ đến chữa trị nữa là…
- Được! anh sẽ cùng em kể cho nhau nghe những cuốn sách chúng ta đã đọc. Em đồng ý chứ?
- Tất nhiên rồi.
Hai người vui cười. Lúc đó dường như Thu quên hẳn hoàn cảnh của mình. Cô chỉ còn thấy hiện tại tươi đẹp, sau những ngày hai người trao đổi, mạn đàm về câu chuyện… về nhân vật do tác giả sáng tạo… khi họ không đồng ý tác giả cho nhân vật có tính cách như thế... dẫn đến to tiếng, gay gắt... Hai người khăng khăng bảo vệ quan điểm, cuối cùng chỉ khi ông Yên phải ’’chịu thua’’, không khí tranh luận mới trở lại bình thường…
Một buổi trưa, ông Yên đang đọc Đông Chu Liệt Quốc - Thu gọi, mời ra ''Phòng khách''. Ông thấy có cô gái xinh đẹp ngồi cạnh bàn - đang lôi từ trong túi ra những gói giấy bạc. Thu chỉ cô gái giới thiệu: Đây là Xuân, em gái em! 
Cô gái ngừng tay ngẩng lên chào.
Xuân đẹp hơn ông tưởng tượng. Cô thanh minh chuyện ít vào thăm chị vì bận việc nhà, chăm sóc các cháu, học tiếng Đức và giúp anh Chất quản lý kinh doanh. Cô ngần ngừ, dè dặt - Em được anh Chất nói lại, có bác là đồng hương cùng nằm viện với chị em! Chúng em vô cùng ơn trên... (làm như ông là cứu tính do Chúa sai tới giúp gia đình cô vậy). Cô cố tình không đả động đến chuyện ''vợ chồng''... Ông Yên ngầm hiểu, hỏi dăm câu khách sáo rồi ''cáo lỗi'' về phòng. Khoảng nửa tiếng sau Thu lại gọi ông ra (khi đã Xuân về) - vồn vã hỏi: Thế nào, cảm tưởng của bác về Xuân ra sao?
- Cô ấy, tươi trẻ, thông minh... tóm lại: Đẹp người đẹp nết! 
Thu tươi tắn rạng rỡ hẳn lên, tuồng như nghe người ta khen ''con gái mình'' không bằng. Chỉ ít phút sau trạng thái ưu tư lại trở về, ông Yên không muốn niềm vui của cô tắt nhanh nên phải kéo dài cuộc tiếp xúc bằng một câu chuyện ''bịa'' - khác...
Những ngày sau và nối tiếp những ngày sau nữa... ông sắp không thể bịa thêm được, đành lôi từ trong ký ức những tác phẩm mà ngay từ tuổi cắp sách đến trường phổ thông đã đọc, rồi lớn lên, trưởng thành say mê đọc các cuốn khác... Cứ sau mỗi ngày ông lại lần lượt lôi ra một chuyện, dàn cảnh, vào đề cho hợp lý để không đến nỗi rời rạc, lộ liễu - kể cho Thu nghe. Ông cảm thấy vui mỗi khi cô cười sảng khoái. Nhưng khi cô trầm tư suy nghĩ về đạo lý về thế thái nhân tình trước thân phận các nhân vật - ông lại chột dạ... 
Một hôm, khi thấy Thu có vẻ buồn bã hơn mọi ngày. Ông cho rằng cô đang suy nghĩ về căn bệnh của mình... Trong đầu vụt lóe ra ý nghĩ, ông hỏi: Cô đã đọc Nếu còn có ngày mai - chưa? Thu ngẩng nhìn ông đầy vẻ ngạc nhiên nhưng chưa lên tiếng. Ông tiếp ngay - cuốn tiểu thuyết nói về sự kiên cường của người con gái trước thử thách nghiệt ngã của số mệnh, nhưng không cam chịu... rồi vươn lên để chiến thắng! 
Mắt Thu sáng lên...
Bằng thái độ trân trọng, nhiệt tình, ông kể cho cô nghe nội dung cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mỹ - Cuốn sách ông thích nhất và hầu như thuộc lòng nội dung từng chương hồi...
Mấy ngày liền Thu như sống cùng tác phẩm. Cô mường tượng ra hình dáng cô gái - nhân vật chính, cảm thấy mình có nhiều nét giống cô ta... Câu chuyện đã kết thúc mà Thu vẫn cứ như đang sống cùng nhân vật. Thu trầm trồ: Tuyệt vời! Văn học Mỹ luôn song hành cùng thời đại. Không một nền văn học của nước nào có được hơi thở của cuộc sống dữ dội, gay gắt, của thời hiện đại như văn học Mỹ!
Ông Yên sáng mắt, mỉm cười, gật đầu đồng tình - trước nhận xét của Thu!
Buổi sáng vào đầu tuần thứ ba (kể từ lúc ông vào viện), không thấy Thu ăn sáng. Đang gợn lên thắc mắc thì một y tá đến yêu cầu ông lên gặp chủ nhiệm khoa. Linh tinh có chuyện, bỏ dở xuất ăn vội vàng đi ngay. Ông Bác sĩ lịch sự giải thích: Bệnh nhân Maria Thu sẽ được làm cuộc đại phẫu thuật. Bà ấy muốn gặp ông.
Bác sĩ dẫn tới phòng chuẩn bị.
Thu đang nôn nóng chờ. Thấy ông vào, cô vui hẳn lên, giọng tình cảm - Anh ơi! Rất may cho em: Có một vận động viên người Pháp bị tai nạn ô tô chết đột tử. May hơn nữa người kia đã viết di chúc từ trước, hiến toàn bộ cơ thể mình cho nhân loại. Trong số hàng chục nghìn người xếp hàng, chỉ em là được chọn. Cám ơn chúa đã cho em ân huệ này.
Lần đầu tiên từ khi gặp, quen nhau đến giờ, cô thay đổi cách xưng hô.
Ông Yên xúc động vui đến độ không nói lên lời, trong khi Thu vẫn ở trạng thái phấn chấn, tiếp - Em cần có chữ ký của thân nhân. nhưng không muốn phiền Chất, Xuân lại đang túi bụi với công việc, đành nhờ anh. Em đã nói với ông trưởng khoa rằng anh là anh họ và viết giấy ủy nhiệm rồi. Anh có thể giúp em được không? 
- Được chứ! Sao lại không! Anh hân hạnh được giúp em - ông cũng nối theo cách xưng hô của Thu.
- Cám ơn anh. Còn một đề nghị thứ hai - Đây là điều không muốn, nhưng ngộ nhỡ em có mệnh hệ nào, nhờ anh nói với Xuân rằng: Hãy tin tưởng ở mình. Hãy kiên cường vượt qua mọi thử thách và thực hiện mục đích... Chúc Chất thành đạt. Thơm hai cháu hộ em! Dứt lời Thu quay sang bảo nữ bác sĩ - chúng ta bắt đầu.
Ông Yên tiến đến nắm tay Thu, bốn mắt nhìn nhau...
Thu  ngạc nhiên... ông Yên  cúi xuống đặt lên trán cô cái hôn. Mặt Thu biến đổi... đột ngột hơi rướn người vươn hai tay quàng lấy cổ ông ghì... ghì rồi cũng đột ngột buông tay. Chiếc xe chuyển bánh đi về phía cuối hành lang. Ông Yên tần ngần đứng nhìn khi cánh cửa căn phòng mở rồi nhanh chóng đóng lại - như miệng của con quái vật nuốt chửng một thân phận. Ông tự hỏi: ở đằng sau cánh cửa ấy, người đàn bà trẻ đang phải chịu đựng tiếp những thử thách gì?...
Ca phẫu thuật kết quả mỹ mãn.
Bệnh nhân được rời khỏi phòng giải phẫu chuyển đến khu vực tĩnh dưỡng có chế độ săn sóc, phục vụ cao. Bác sĩ đồng ý, ông gọi điện cho Chất, Xuân cùng hai con đến thăm Thu...
Hàng ngày ba bận ông đến với Thu. Tuy chưa nói được bình thường vì vết mổ chưa liền, nhưng hễ ông xuất hiện, mặt Thu lại biểu lộ vui mừng khôn tả. Hai người vẫn dành cho nhau tình cảm mà cứ ngày một thắm thiết hơn. Với ông, đó là thứ tình cảm đã lâu lắm không cảm nhân được...
Bốn tuần chữa trị, bệnh tình của ông đã giảm, bác sĩ cho về nhà tiếp tục tiêm thuốc theo chỉ dẫn. Ông báo tin, Thu tỏ ra lo lắng, u buồn. Thấy vậy ông an ủi: Em yên tâm đi. Hàng ngày anh sẽ đến thăm như khi chúng mình là ‘‘hàng xóm‘‘. Ngừng lại một chút, ông tiếp - giá họ cho anh nằm thêm mấy tuần nữa thì tốt biết mấy!
- Anh chỉ nói dại. Ai lại muốn nằm thêm trong bệnh viện. Em buồn là tự nhiên chứ không mong anh ‘‘làm hàng xóm‘‘. Tuy vậy cô cũng hiểu câu nói kia ông chỉ nhằm diễn đạt tấm lòng của ông dành cho mình - cô thấy vui hơn.
Cứ mỗi lần đến thăm, lúc ra về ông Yên lại nắm tay Thu từ biệt trong cảm giác bịn rịn. Còn Thu thì không muốn buông tay. Tình cảm bột phát nhưng trong sáng, tha thiết như của người cha đối với đứa con gái... của cặp người tình đang sung sức trai trẻ, của người vợ yêu chồng, có chồng đứng bên cạnh lúc vượt can, khi lâm nạn... Tình cảm đó lớn dần, đến độ khi xa nhau trong ngày mà vẫn nhớ nhung... lúc gặp nhau thì vui mừng... khi chia tay không muốn... 
Ba tuần sau khi giải phẫu Thu được xuất viện.
Trước hôm ra viện một ngày, Thu gọi điện cho ông lên gấp, ‘‘phải lên ngay‘‘ - sau giờ ăn sáng ''để em có việc nhờ'' - mà lẽ ra theo lịch là 6 giờ chiều. Ông Yên linh cảm thấy có chuyện gì đó quan trọng đối với ông và Thu. Song là chuyện gì thì không thể hình dung ra cụ thể. Đến nơi thấy Thu đang ngồi với vẻ nóng lòng. Khi ông vào cô nắm vội tay kéo ngồi xuống. Không để cho cô kịp lên tiếng, ông Yên đã hỏi: Có gì quan trọng mà em cần anh thế?
- Anh có thể giúp, tìm cho em một căn hộ hai buồng ngay trong ngày hôm nay được không?
- Hơi khó. Sao lại gấp thế? Để làm gì?
- Ý tưởng này vừa xuất hiện mấy tiếng trước đây. Không thể chần chừ... Đành vậy thôi.
- Nhưng tại sao mới được chứ?
- Em không muốn về nhà mặc dù Chất, Xuân nài nỉ. Em không thể khuấy động tổ ấm của họ! 
- Anh hiểu! Nhưng còn các con thì sao?
- Tạm thời chúng phải ở với vợ chồng Xuân. Vả lại Chất vẫn thuê người trông các cháu. Sau ít lâu, khỏe hẳn em sẽ đón chúng về sống cùng.
- Hãy suy nghĩ cho kỹ. Làm vậy liệu có nên không? Có đáng không? Dù sao thì cả hai vẫn là người thân yêu nhất của em.
- Chính vì yêu thương họ, em mới đi đến quyết định này. Em muốn cho họ có trọn vẹn hạnh phúc. Chỉ có cách này mới chặt đứt sợi dây vô hình ràng buộc tình cảm của họ đối với em. Cuộc đời đầy biến động, nay thế nhưng mai có thể khác... Nhất là đàn bà chúng em trong máu vốn có sẵn ''Gien... Ghen''. Tốt nhất là tránh trước. Vả lại... vả lại... tình cảm của em đối với Chất thực sự đã không còn như trước, về liệu có ích gì? 
- Với em có thể không sao, nhưng còn họ - nhất là Xuân. Họ sẽ không đồng ý. Lại còn bố mẹ hai bên... Làm vậy mọi người sẽ hiểu lầm Xuân...
- Đành chịu! Sau này Xuân sẽ cám ơn em và mọi người sẽ hiểu. Làm việc lớn mà không kiên nghị, dứt khoát thì sao làm được. Với em lúc này: Hạnh phúc của Xuân là tất cả! Em đã nợ em gái mình đến độ không gì có thể trả đủ!
Sau câu nói, Thu chăm chắm nhìn vào mắt ông.
Tia mắt dường như rực sáng, long lanh. Ông Yên cảm nhận được cái nhìn, chậm chạp nắm lấy tay Thu, khẽ khàng, giọng lạc hẳn đi: Anh thực sự cảm phục em. Được! Anh ủng hộ. Nhưng - ông dừng lại, ngập ngừng - hiện nay em mới ra viện, sức khõe chưa hồi phục, cần có người săn sóc...
Mặt khác, tìm được căn hộ theo ý muốn trong một ngày không dễ. Hay là... thế này - ông ngập ngừng như cố lựa chọn... sau rốt khó khăn lắm mới thốt lên - Nhà anh còn hai buồng trống, các cháu chuyển đi, anh vẫn chưa cho ai thuê, em đến ở tạm, khi sức khỏe hồi phục hãy tìm nhà mới cho đỡ cập rập.
- Thật ư? Anh chịu cho em ở nhờ ư? Thế thì tốt quá! Thu vui hẳn lên vồ lấy tay ông Yên lắc lắc. Từ khi gặp nhau - nhất là sau cuộc giải phẫu - đây là lần đầu tiên cô bộc lộ tình cảm quá nồng nhiệt...
Ông Yên không nói nên lời. Một cảm giác đặc biệt như thấy kiến cắn nhoi nhói đang tỏa lan trong người... rồi ào vào trái tim.
Giọng Thu vẫn nhẹ như người nói mê: Còn một điều nữa, anh cố gắng giúp em.
- Nói đi! Điều gì?
- Khi đưa em ra xe về nhà, trước mặt Chất và Xuân anh phải ''đóng kịch''... phải thật tình cảm... Làm giống như ''chồng đón vợ'' ra viện - càng tốt!
Cả hai bật cười. Ông Yên lại nắm tay Thu gật gật đầu...
Ngày hôm sau sự việc diễn ra đúng như hai người dự liệu: Chất ngơ ngác như không tin vào mắt vào tai mình... Còn Xuân tự hỏi - Không hiểu đó là màn kịch chị mình đang diễn để từ chối trở về căn biệt thự đầy tiện nghi sống cùng với vợ chồng cô... Hay - đây chính là cuộc đời họ?.
Một phút của Một trăm năm: 20 giờ 4 - Ngày 20 tháng 4/2004.

2/8/2006
Lê Xuân Quang
Nguồn: Rút trong tập CANH BẠC CUỘC ĐỜI. 
NXB Hội Nhà Văn Việt Nam, tháng 4/2005
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...