Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Lưu Quý Kỳ: Nước về biển cả, sông núi còn đây

Lưu Quý Kỳ: Nước về biển cả,
sông núi còn đây

Lưu Quý Kỳ sinh ngày 31-10-1919 tại xã Minh Hương, huyện Điện Bàn, nay thuộc thành phố Hội An. Bố ông làm nghề cắt tóc. Mẹ ông là một tiểu thương, buôn bán, chạy chợ kiếm sống. Lưu Quý Kỳ được gia đình nuôi cho ăn học hết Thành Chung rồi vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế. Tháng 6-1937, trong khi đang học ở Trường Kỹ nghệ thực hành, ông bị đuổi học vì tham gia phong trào bãi khóa của học sinh. Tháng 8/1937, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng, bắt đầu con đường gian khổ, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những ngày đầu tham gia cách mạng, Lưu Quý Kỳ làm công tác tuyên huấn của chi bộ đảng ở Hội An. Tháng 11/1937, ông được tổ chức cử vào Sài Gòn làm Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ, kiêm Tổng thư ký Ban vân động “Đông Dương văn sĩ tả phái Liên đoàn”. Khi đó Lưu Quý Kỳ mới 18 tuổi. Trong thời kỳ này, ông thường xuyên tham gia hoạt động báo chí. Ban đầu ông được cử làm Thư ký tòa soạn báo “Dân tiến”, tờ báo do Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương xuất bản nhằm phát hành về khu vực miền Trung thay thế cho tờ báo “Dân” ở Huế bị chính quyền Pháp đóng cửa. Sau tờ “Dân tiến”, ông tiếp tục làm Thư ký tòa soạn của các tờ báo khác do xứ ủy Trung kỳ chủ trương xuất bản như “Dân muốn”, “Tiến tới”. Năm1939, Lưu Quý Kỳ được cử làm chủ bút báo “Mới”, cơ quan của Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ. Ông còn tham gia biên tập cho một số tờ báo do Đảng chủ trương xuất bản công khai như: “Lao động”, “Phổ Thông”, “Dân chúng”, “Tin tức”; tham gia viết bài cho các báo “Công luận”, “Điện tín”, “Thế kỷ” v.v...
Năm 1940, Phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp thất bại, chính quyền thực dân ở Việt Nam ra tay đàn áp những người cách mạng, yêu nước. Lưu Quý Kỳ bị bắt và đưa đi đày tại Trà Khê, Tây Nguyên. Trước ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương 8/3/1945, ông được trả tự do. Ông trở về quê, liên lạc với tổ chức của Đảng và tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hội An. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Lưu Quý Kỳ được giao làm chủ bút báo “Quyết thắng”, cơ quan Việt Minh khu vực Trung Bộ, sau đó kiêm cả chủ bút báo “Ánh sáng” - Cơ quan của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác (tên công khai của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó) ở Trung Bộ. Năm 1947, ông được giao làm chủ bút báo “Cứu nước” - Cơ quan Khu ủy Khu IV, kiêm phụ trách tờ tạp chí “Kháng chiến”, Ủy viên Ban biên tập tạp chí “Sáng tạo” - Cơ quan Văn nghệ Khu IV.
Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc cùng tập sách “Lưu Quý Kỳ - Sông núi còn đây”
Tháng 8-1948, theo quyết định của Đảng, Lưu Quý Kỳ lên đường vào Nam Bộ lần thứ hai. Ông có mặt trong đoàn cán bộ do Lê Đức Thọ dẫn đầu hành quân vào Nam Bộ. Đây là cuộc hành quân đầy gian nan vất vả, để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Sau này, ông nhớ lại chuyến đi đặc biệt này trong tác phẩm bút ký Đường mòn Hồ Chí Minh: “Đối với tôi, chuyến đi này là một cuộc đổi đời có ý nghĩa, một lớp cải tạo sâu sắc tư tưởng và tình cảm. Chuyến đi đã giúp tôi hiểu khá nhiều về thực tế đấu tranh, đức tính cao quý của người lao động, tinh thần anh dũng bất khuất của dân tộc ta. Chuyến đi cũng giúp tôi thấy rõ sức mạnh của dân tộc, ý chí của con người”.
Sau 6 tháng ròng rã đi bộ dọc theo dãy Trường Sơn, tháng 3-1949, Lưu Quý Kỳ cùng đoàn cán bộ Trung ương vào đến căn cứ kháng chiến Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười. Tại đây, ông đã được cử giữ các trọng trách: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Sở Văn nghệ - Tuyên truyền Nam Bộ (sau đổi là Sở Thông tin Nam Bộ), Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ Nam Bộ, Chủ bút tạp chí Lá lúa - cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam bộ, chủ bút tạp chí Thống nhất, kiêm chủ bút báo Nhân dân miền Nam - cơ quan Trung ương cục, Giám đốc Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ. Đây là thời kỳ công tác kháng chiến, làm báo gian lao, thiếu thốn, nguy hiểm nhưng cũng đầy sôi nổi và sáng tạo của ông.
Sau Hiệp nghị Giơnevơ, Lưu Quý Kỳ cùng vợ tập kết ra Bắc, gửi lại hai đứa con thơ cho người má vợ nuôi. Nghĩ tưởng sau hai năm, Bắc - Nam sum họp một nhà, gia đình sẽ lại đoàn tụ. Ai ngờ đằng đẵng 21 năm trời, gia đình ông sống trong cảnh xẻ chia, canh cánh nỗi đau, da diết thương nhớ. Để rồi khi tóc ngả màu sương mới trở về trong niềm vui không trọng vẹn bởi thời gian và sự nghiệt ngã của cuộc chiến tranh.
Tập kết ra Bắc, Lưu Quý Kỳ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Miền Nam, rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Tháng 10-1981, tại Đại hội tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp tại Mátxcơva, Lưu Quý Kỳ tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội và được bầu làm Phó Chủ tịch OIJ. Ông cũng là người có đóng góp lớn trong xây dựng phát triển cơ sở đào tạo cán bộ báo chí, trực tiếp giảng dạy và ấp ủ nhiều dự kiến về phát triển, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ tuổi.
Mặc dù đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của Đảng và Hội Nhà báo Việt Nam, Lưu Quý Kỳ vẫn dành thời gian để đi, tìm hiểu thực tiễn cuộc sống, tranh thủ mọi điều kiện, từng chuyến công tác để viết báo. Qua các trang viết, người ta có thể thấy dấu chân ông trên khắp các công trường, nhà máy, đồng ruộng ở nhiều tỉnh, thành phố ở Miền Bắc, dọc ngang tuyến lửa Khu IV. Nhiều bài viết của ông phản ánh kịp thời các sự kiện thời sự quan trọng của đất nước, các vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị, quan hệ quốc tế. Đặc biệt, những bút ký của ông với những cảm nhận về đất nước, mùa xuân và công cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng đất nước được đọc trên sóng phát thanh vào mỗi dịp sau giao thừa Tết dân tộc hằng năm luôn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người.
Lưu Quý Kỳ viết văn, làm báo, viết chuyên luận về văn hóa, văn nghệ, viết chuyên khảo, bình luận tuyên truyền phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng. Ông thực sự là một người đa tài, một người hoạt động sáng tạo đa dạng, vừa mang phẩm chất chuyên nghiệp của một cây viết lão luyện, vừa có sự nghiêm cẩn, sâu sắc của nhà nghị luận chính trị, vừa có cái chất bay bổng, lãng mạn của một nghệ sĩ. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm thơ đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau. Thơ của ông còn được nhiều cán bộ kháng chiến chép vào sổ tay cá nhân, truyền tay nhau đọc. Ông viết nhiều bài báo, chuyên khảo để chỉ đạo về đường lối văn nghệ kháng chiến, hay bàn luận, phẩm bình về các trào lưu văn nghệ, các tác phẩm văn học. Nhưng có lẽ bút ký là thể loại được ông viết nhiều nhất, thuận tay nhất và cũng là thành công nhất. Các bút ký của Lưu Quý Kỳ được in trên báo, phát trên đài phát thanh và phần cơ bản đã được tập hợp lại trong các cuốn sách như: Miền Nam yêu quý (Nxb Sự thật 1955), Một phút về Nam (Nxb Thanh niên 1960), Phút im lặng (Nxb Sự thật 1972), Nước về biển cả (Nxb Thanh niên 1972), Tâm sự với anh (Nxb Văn học 1984) v.v...
Lưu Quý Kỳ sống và viết vào thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc. Đó là một thời đầy gian khổ, hy sinh ác liệt những cũng rất đỗi hào hùng và vẻ vang của dân ta, thời của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, của cuộc chiến đấu chống lại một đế quốc hùng mạnh nhất thời đại vì độc lập tự do của dân tộc, vì quyền sống và hạnh phúc của nhân dân, vì trách nhiệm và lương tri của nhân loại. Đó là thời đại của Bác Hồ và rất nhiều những anh hùng, dũng sĩ, rất nhiều những con người bình dị mà làm nên huyền thoại giữa đời thường. Thời đại và cuộc chiến đấu quật khởi của dân tộc đã tạo nên những chất liệu sống vô cùng phong phú, vô cùng quý giá. Cây bút tài hoa của ông đã nhiệt thành đón nhận những chất liệu phong phú đó để tạo nên một dòng bút ký tươi mới những sắc màu, sinh động những đường nét và nóng ấm hơi thở của hiện thực vĩ đại của dân tộc.
Các bút ký của Lưu Quý Kỳ mang hơi thở của thời cuộc, bám sát các sự kiện của đời sống xã hội trong nước và quốc tế. Trong mỗi bài viết của ông về các sự kiện đó, người đọc ngày hôm nay còn cảm nhận được dòng cảm xúc thôi thúc của tấm lòng sục sôi nhiệt tình cách mạng như trào lên ngòi bút, hiển hiện lên trên trang giấy.
Ngay từ thời Mặt trận dân chủ, Lưu Quý Kỳ đã có những bài bút ký ca ngợi các chiến sĩ trong đoàn quân quốc tế rút lui khỏi Tây Ban Nha - Dưới Khải hoàn môn, ca ngợi cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Abixinia (tức Êtiôpia ngày nay) chống phát xít Italia - Công lý sẽ thắng. Bài viết Tuổi trẻ và tự do! đăng trên báo Mới số ra ngày 10-7-1939 kỷ niệm Cách mạng Pháp 1789 vang lên âm hưởng hào hùng, ngợi ca những liệt sĩ thiếu niên Bara, Viala, đã hy sinh dũng cảm vì tự do:
“Và các bạn trẻ của tôi ơi! Các bạn có cùng tôi nhận thấy rằng: Trên màn trời đỏ thắm, còn biết bao nhiêu bạn trẻ khác đang hăng hái kiêu hãnh, nối gót Bara, Viala để lần lượt tiến lên, đầy một lòng tin mãnh liệt sẽ mang lại cho nhân loại cái mộng đẹp mà họ từng ôm ấp: Tự do”.
Bài bút ký Trên tàu tập kết của Lưu Quý Kỳ như cô đọng một hoàn cảnh điển hình của cuộc tập kết cán bộ, bộ đội từ Nam ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Hoàn cảnh dứt áo xẻ chia gia đình, người Nam, kẻ Bắc của tác giả cũng chính là hoàn cảnh chung của hầu như tất cả các cán bộ tập kết. Tất cả họ đều nén lòng mình lại, nuốt ngược dòng nước mắt từ biệt người  thân vì hy vọng sau hai năm sẽ xum họp trở lại. Chính vì hy vọng ấy và hơn nữa vì ý thức rõ trách nhiệm của người cán bộ cách mạng mà trong khi chứng kiến cảnh vợ mình “ôm chầm lấy mẹ, siết chặt hai con, nước mắt ràn rụa”, ông đã kìm nén cảm xúc của mình để động viên: “Em đã hy sinh cho kháng chiến gần mười năm trời. Bây giờ, thêm vài năm xa con nữa, há đâu lại không chịu nổi!”.
Bài bút ký ấy đã diễn tả hành trình cuộc tập kết sinh động, cụ thể như một cuốn phim tài liệu. những người và cảnh, những cuộc chia tay và nước mắt, những âu lo, dự cảm và niềm tin son sắt vào chiến thắng hiển hiện sáng rõ trên từng trang viết. Và cũng có thể coi bút ký Trên tàu tập kết là tác phẩm mở đầu cho một loạt bút ký của Lưu Quý Kỳ thể hiện tình cảm nhớ thương da diết của ông đối với miền Nam - một nửa đất nước trong đó có quê hương ông còn đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và sự thống trị của kẻ thù. Đó là các bút ký: Hai ngón tay (1957), Phút im lặng (1957), Gửi những người giữ lửa (1960), Tiếng sấm đất (1960), Gió lành gió độc (1962), Tâm sự hai miền (1962), Chân cứng đá mềm (1964), Lửa đạn và đèn nê ông trên sông Hương (1972) v.v...
Vào những năm tháng của cuộc chiến tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai, Lưu Quý Kỳ cũng đeo ba lô lên đường, như một người lính, có mặt tại những nơi ác liệt khi khói súng các trận đánh còn chưa tan, khi máy bay địch còn gầm réo và pháo sáng của chúng đang treo trên đầu. Mỗi một cuộc đi, mỗi một địa điểm dừng chân quan sát, mỗi cuộc gặp mặt chuyện trò với nhân dân, cán bộ, bộ đội hầu như đều tràn vào các trang viết của ông thật hồn hậu và rung cảm. Có cảm giác như hiện thực hào hùng của cuộc chiến đấu đó cần cảm nhận và phản ánh trực tiếp nó cũng đã trở thành văn.
Trong chuyến đi Thanh Hóa năm 1966, Lưu Quý Kỳ viết Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất. Một chi tiết bình thường mà ông chứng kiến và đưa vào bài viết: “Lại báo động, đồng chí phụ trách bến phà chậm rãi quay chiếc đèn lồng dầu hỏa cho ánh sáng của nó chiếu về phía trong nhà, khép cánh cửa lại mời chúng tôi vào trong. “- Vào đây đã. Lúc nào có pháo hãy xuống hầm núp!”. Thật là sự bình thản đến lạnh lùng của người dân vùng đất lửa. Phải dũng cảm, tự tin và rất quen thuộc với cuộc sống mà cái chết do chiến tranh reo rắc lúc nào cũng lơ lửng trên đầu thì người ta mới thản nhiên bình tĩnh thế!”.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn
Khi vào công tác tại khu vực giải phóng cài răng lược ở Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, năm 1972, tác giả đã chứng kiến, quan sát hai kho hậu cần của địch bị quân giải phóng đánh nổ tung, lửa cháy rực trời. Cũng trong cuộc đi ấy, Lưu Quý Kỳ viết Lửa đạn và đèn nêông trên sông Hương. Từ một điểm cao quan sát thấy dãy đèn nêông trong thành phố Huế, ông viết:
“Không biết có lúc nào dãy đèn này rực sáng không, còn hôm nay, dưới mắt tôi, cái ánh sáng bàng bạc, le lói đang toát ra sự thiểu não, tuyệt vọng của những kẻ đang cố thủ trong căn cứ xâm lược ở Huế. Nhất là khi những loạt đạn pháo của Quân giải phóng rực lửa băng qua trên cao, rót xuống sân bay Tây Lộc, đồn Mang Cá, căn cứ chỉ huy địch ở Ngọ Môn, thì ánh đèn nêông càng trở nên lu mờ, ảm đạm”.
Từ việc quan sát ánh đèn nêông thành phố, Lưu Quý Kỳ liên tưởng đến sự suy yếu của kẻ thù và dự cảm ngày tận số của chúng không còn xa nữa.
Trong các tác phẩm của Lưu Quý Kỳ, các bút ký viết về mùa xuân, về đất nước nhân dịp Tết hay đầu năm mới dương lịch chiếm vị trí đặc biệt. Mỗi tác phẩm loại đó như một bản tổng kết năm cũ, dự liệu cho năm mới. Nhưng những tổng kết, dự liệu ấy dưới ngòi bút của ông như được thổi hồn vào, trở thành những trang văn hào sảng đầy chất thơ, không ít đoạn văn vang lên âm hưởng hùng tráng của những thiên anh hùng ca. Những ai đã sống thời thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, được nghe những bài bút ký xuân của Lưu Quý Kỳ đọc trên chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam hẳn không thể quên không khí náo nức, sục sôi gợi lên từ những câu văn hừng hực khí thế chiến đấu chiến thắng hay khi trầm lắng, sâu sắc bởi những câu văn đầy chất suy tư và giàu nhạc điệu.
Đầu năm 1969, tính sổ xuân trước - Mậu Thân, ông viết:
“Và từ đêm xuân đáng ghi nhớ đó, vạn vật đổi thay, lòng người phấn chấn.
Bóng giặc mờ dần. Đọt khoai, ngọn lúa vươn thẳng về phía làn khói.
Ngọn rau, lá cải thêm bùi. Con cá, con tôm trồi lên gần mặt nước…” (Sông núi vào xuân).
Vào buổi đầu xuân Quý Sửu - 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, đội quân xâm lược Mỹ chuẩn bị rút về nước, Lưu Quý Kỳ viết bút ký Vui lớn buổi giao thừa. Từng câu, từng chữ của ông như reo lên trên trang giấy, rộn rã, ngất ngây.
“- Đồng bào ơi, đồng chí, anh em, bè bạn ta ơi!
Có ai nghe tiếng gì rộn rã trong pháo giao thừa đêm nay? Có ai cảm thấy điều gì hừng hực trong khí xuân đang đến?
Thắng lợi, tin vui khắp nước nhà!
Ở miền Bắc, bầu trời ta lại trong xanh, thảnh thơi én liệng; mặt đất ta yên lành ong gây mật, tằm nhả tơ.
Ở miền Nam, quân xâm lược đang cút đi, sông núi sẽ thuộc về ta, gia đình rồi đây xum họp”.
Ấy là sự ngất ngây trước chiến thắng. Ấy là nỗi mừng vui đến khóc, đến cười sau những năm dằng dặc nhớ về quê hướng nhớ về người thân! ấy là lòng người, tình người da diết, là nhiệt huyết nóng bỏng của tác giả được phơi lên, được tô xiết lên mặt giấy. Ấy là sự ngất ngây có sức mạnh thôi thúc, động viên khuyến khích những người lính, người cán bộ, người dân đang ngày đêm chiến đấu, lao động và độc lập tự do của Tổ quốc, vì nền hòa bình tươi sáng cho non sông.
Các tác phẩm của Lưu Quý Kỳ thể hiện thiết tha cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước, yêu chế độ, yêu Đảng, yêu Bác Hồ. Quê hương, đất nước hiện lên trên các trang viết của ông cụ thể và hồn hậu, gần gũi và thân thương. Đó là tất cả những gì rất thật, đã gắn bó qua thử thách, đã hòa nhập vào máu thịt, trở thành một phần cuộc sống của ông.
“- Chào má Sáu, chào bác Tám, chào anh Năm, chào chị Bẩy, chào em Chín… Hạt cơm, bát cháo, con cá, con cua của tất cả bà con cũng như dòng máu, hơi thở và lời dạy dỗ của bà con, giờ đây hiện lại trong tâm trí tôi. Tôi muốn chào cả những người vĩnh viễn không nghe được lời chào của tôi. Họ đã ở trong lòng đất ấm áp của Nam bộ thân yêu này. Xin chào anh Tiệp, anh Thành, anh Trung… và bao nhiêu bạn đã cùng Nam tiến một lần với tôi, nhưng mãi mãi các anh không rời khỏi đất, mảnh đất quê hương nghìn đời của dân tộc ta” (Trên tàu tập kết).
Đối với Lưu Quý Kỳ, Tổ quốc cũng thật cụ thể, có thể như sờ thấy, có thể gọi tên. Ở thời điểm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nước, ông hình dung đất nước đã lớn lên từ một cậu bé “hai bàn tay, đôi chân non nớt” ngày nào đã trở thành “chàng trai đang độ thanh xuân” (25 tuổi lửa). Trong các bút ký của Lưu Quý Kỳ, đất nước - Đảng - Bác Hồ hòa quện vào nhau không thể tách rời. Hầu như ở bất cứ trang viết nào của ông đã có hình ảnh về đất nước, về dân tộc thì cũng có quan hệ với công lao, sự lãnh đạo của Đảng, tới tấm lòng, trí tuệ và hoạt động không mệt mỏi của Bác Hồ vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Từ cây đàn bầu - nhạc cụ độc đáo của dân tộc, Lưu Quý Kỳ suy nghĩ về lịch sử hào hùng của dân tộc, liên hệ tới con đường cách mạng gian lao, kỳ công đầy thử thách của Bác Hồ để cứu nước, cứu dân, nghĩ tới Đảng “Giống như Tháng Gióng” vừa ra đời đã vững tay chèo lái con tàu cách mạng Việt Nam. “Dân ta, Đảng ta và Hồ Chủ tịch đã chứng minh sự vô địch và trí thông minh tuyệt vời của dân tộc ta trước mọi thử thách…”, lời khẳng định ấy trong tác phẩm Người nghệ sĩ tài ba, độc đáo, không chỉ là kết luận đầy thuyết phục từ thực tế lịch sử mà còn vang lên như một niềm tự hào, sự tin yêu của một con người đã gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Về tình cảm, sự ủng hộ của bạn bè năm châu, bốn biển đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, Lưu Quý Kỳ có những trang viết đầy xúc động trong Đồng Mác và quả tim, Angiela Đêvit: Lương tri của thế giới… Nhưng đối với kẻ thù hay những kẻ bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ, đem ngòi bút phục vụ cho bọn lái súng, ông lên án một cách giận dữ và đanh thép. Trong bài viết Khi nhà văn trở thành lính phỉ biệt kích, ông kết tội không tiếc lời.
“Hắn đang ngụp lặn trong cái hố xí dơ bẩn, thối tha nhất mà thế gian này có thể có.
Tội của một tên lính viễn chinh Mỹ chỉ là tội của bản thân nó gây ra theo lệnh của lầu Năm Góc. Còn tội của Xtenbéc là tội vừa giết người, vừa hô hào cổ vũ kẻ khác đi giết người, là tội lừa gạt dư luận thế giới, là tội phá hoại lương tri, phá hoại mọi đạo lý ở đời”.
Thêm một lần ta hiểu thái độ yêu ghét rất rõ ràng của Lưu Quý Kỳ. Và hơn thế nữa, vốn có ở trong ông, đó là sự trung thực, là đẩy tới tột cùng, cực điểm của lòng yêu thương và sự căm giận. Cũng bởi văn là người, con người Lưu Quý Kỳ say lý tưởng, đã chấp nhận gian khổ của con đường cách mạng, dấn thân tranh đấu cho tình yêu và tự do của con người chống lại cái ác và sự hận thù.
Bao trùm lên tất cả các tác phẩm của Lưu Quý Kỳ là sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, của tự do. ngay từ trong những tháng năm
khó khăn gian khổ, ông đã tin “đầy một lòng tin mãnh liệt” về cái ngày tự do sẽ ca khúc khải hoàn (Tuổi trẻ và tự do). Trên tàu tập kết ra Bắc, ông tâm niệm “rằng chuyến tập kết này là chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Nước ta là một, Nam Bắc phải chung nhà” (Trên tàu tập kết). Khi kẻ thù dựng tuyến, ngăn sông, xẻ chia đất nước, niềm tin của ông càng được thử thách, sự lạc quan của ông như được chắp cánh. “Một dân tộc biết quý độc lập tự do hơn tất cả, biết đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng tiên phong, đã dám đánh, quyết đánh và biết cách đánh, thì có thể thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù bọn chúng có to lớn đến đâu, hung bạo đến đâu” (25 tuổi lửa).
Niềm tin chiến thắng, sự lạc quan cách mạng của Lưu Quý Kỳ bắt nguồn từ việc ý thức sâu sắc những bài học lịch sử, từ chính thực tế ngoan cường và hào hùng của cuộc cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Nó được thử thách, trở thành tâm huyết máu thịt của con người ông như một lẽ đương nhiên không thể khác: “Chim tự do bay trên bầu trời. Cá tự do lội dưới nước. Con người phải tự do sống giữa xã hội! Chân lý và chính nghĩa phải thắng!” (Angiela Đêvit lương tri của nước Mỹ).
Bút ký của Lưu Quý Kỳ giàu chất thơ, chất nhạc. Đọc nhiều bài viết của ông có thể thấy những đoạn văn của ông như vang lên hào sảng trong một tiết tấu nhịp nhàng. Có khi cả một bài bút ký được viết với những câu ngắn, những mệnh đề cân đối, chau chuốt cả vần điệu trong từ ngữ và những hình ảnh sinh động, tạo thành nhịp điệu và tính cân đối mang hơi hướng cổ văn. Chất sự kiện báo chí luôn hòa trộn với chất thơ, sự bay bổng lãng mạn đã hầu như tạo ra một cái gì đó rất riêng Lưu Quý Kỳ. Phải chăng cái rất riêng đó được thăng hoa từ một tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, từ một niềm say mê lý tưởng cách mạng, từ một sự trải nghiệm và tích lũy tri thức phong phú, từ một tấm lòng nhân hậu thiết tha, từ một tâm hồn trong sáng với chất nghệ sĩ đậm đà hương sắc xứ Quảng - từ chính con người Lưu Quý Kỳ.
Ngày 1-8-1982, trong khi đi công tác nước ngoài với tư cách là đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Lưu Quý Kỳ đột ngột qua đời tại Đại sứ quán Việt Nam ở Thái Lan. Trong suốt 45 năm liên tục hoạt động cách mạng và viết văn, làm báo phục vụ cách mạng, Lưu Quý Kỳ đã viết đến gần 3000 bài báo, xuất bản 27 cuốn sách các loại và nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài. Ông đã sống một cuộc đời sôi nổi, sáng tạo, đầy nhiệt huyết của một nhà báo cách mạng kiên trung, nhà báo tài năng. Bạn bè quốc tế nói về ông với sự cảm phục, trân trọng: “Mất đồng chí Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất. Thiếu mất kinh nghiệm cũng như niềm tin không lay chuyển của đồng chí vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc là tổn thất đối với chúng tôi”.
Nhà báo Hồng Chương đã nhận xét: “Nhà báo lâu năm, xuất sắc, có tên tuổi, lại chịu khó, chịu khổ, đi bộ hàng nghìn kilômét, suốt 6 tháng trời, dọc Trường Sơn từ Bắc vào Nam, lội suối leo đèo, xông pha bom đạn, vượt qua hết phòng tuyến này đến phòng tuyến khác của địch vào tận Đồng Tháp Mười để đánh giặc và làm báo, làm báo để đánh giặc, như trường hợp Lưu Quý Kỳ thì thật hiếm có. Nếu không có lý tưởng cách mạng cao đẹp, nếu không có lòng yêu nghề thiết tha thì không thể có sự tận tụy đối với nghề làm báo đến như vậy!”.
Tôi muốn mượn đầu đề một tác phẩm của Lưu Quý Kỳ, một bài viết đầy cảm động ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của nhân dân cũng như của chính tác giả trong những ngày cả nước đau thương trước tin dữ Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, bài bút ký “Nước về biển cả sông núi còn đây”, để làm đầu đề cho bài viết này. Cũng là mượn cái ý của ông để nói về một quy luật tự nhiên, mọi dòng nước rồi đều trôi về biển cả, mọi con người rồi đều đi đến cõi vĩnh hằng, nhưng đất nước và dân tộc dân tộc mãi mãi còn đây, mãi mãi tự hào về Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đã làm rạng rỡ thêm non sông, đất nước, rạng rỡ dân tộc và Đảng ta. Cũng như chúng ta mãi mãi tự hào về một thế hệ những con người dũng cảm từ trong đêm đen nô lệ đã nghe theo tiếng gọi của non sông đứng lên làm cách mạng, theo Bác Hồ, theo Đảng, đem máu xương và tài trí của mình đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, cho nhân dân, thống nhất cho non sông, đất nước, mà Lưu Quý Kỳ là một trong những đại diện xứng đáng của thế hệ ấy.
Hà Nội, tháng 2-2017
Tạ Ngọc Tấn
Theo http://hoinhabaovietnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng...