Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Lặng lẽ Hải Vân quan

Lặng lẽ Hải Vân quan

Vợ chồng anh Đặng Ý ngồi ôm con, dõi mắt ra mặt đèo trong chiều tà loang nắng. Cả ngày không có một xe ôtô nào nghỉ chân, đổ nước mui ở quán. Con đèo vừa đẹp, vừa cao, vừa hiểm trở từ nay ngậm ngùi, chầm chậm lùi vào dĩ vãng…
Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn từng nhận xét: Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc từng mây là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Trước đây, vào thế kỷ XIII, vùng đất này thuộc về 2 châu Ô, Rí của Vương quốc Chămpa, được Vua Chămpa là Chế Mân cắt làm sính lễ cầu hôn Công chúa Huyền Trân đời Trần. Thành lũy 7 thế kỷ trên đường thiên lý Bắc - Nam Ngay trên đỉnh đèo, dấu vết tiền nhân vẫn còn để lại: những cửa đèo và thành lũy đắp ngang. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề 3 chữ “Hải Vân quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (đây là từ đề tặng của Vua Lê Thánh Tôn khi dừng chân ngắm cảnh nơi này). Sau ngày khánh thành, thông hầm đường bộ Hải Vân, chúng tôi trở lại con đèo dài và hiểm trở nhất Việt Nam. Đây là đỉnh núi cuối cùng của mạch núi Trường Sơn, vươn dài ra biển cả, là ranh giới tự nhiên giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Gần 21km đường đèo uốn lượn ôm lấy sườn núi, đường đèo chênh vênh. Một bên là núi cao, một bên là vực sâu, biển cả. Trên đỉnh Hải Vân, bốn mùa mây phủ nên nhân gian gọi là đèo mây. Hải Vân là cửa ải hùng vĩ nhất trên con đường thiên lý Bắc - Nam nên được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Nhiều câu chuyện truyền miệng của cư dân trong vùng kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ đất Quảng Nam, đường qua đèo Hải Vân rất ít người dám qua lại bởi một bên là núi cao hiểm trở với những vách đá dựng đứng, một bên là biển sâu thăm thẳm. Đèo Hải Vân khi đó hoang vắng, là nơi cư ngụ của những loài thú dữ và bọn lục lâm thảo khấu hung ác. Nhân gian còn đồn, đã có nhiều người bạo gan từ phương Bắc vượt đèo Hải Vân vào phương Nam và đã không bao giờ trở về. Oan hồn của những người này vẫn quanh quất trên đèo. Để tránh bớt tai bay vạ gió, cư dân địa phương và người đi đường thường lập các miếu thờ ven đường và hương khói quanh năm. Bảy thế kỷ qua, đèo Hải Vân như một thành lũy ngăn cách Bắc - Nam. Khi người Pháp xâm lược Việt Nam, họ khai phá làm đường men theo sườn đèo. Con đường đèo có từ thời đó và dần dà được mở rộng, nâng cấp cho đến bây giờ. Nhưng dù có đường rồi vẫn có người ví đèo Hải Vân như là sự thách thức. Sự thách thức con người vượt qua sự hiểm trở của thiên nhiên suốt chiều dài lịch sử. Khi hòa bình lập lại, chúng ta đã không ít lần tính đến chuyện làm hầm “chui” qua đèo Hải Vân. Nhưng đất nước còn khó khăn, còn phải lo nhiều thứ khác quan trọng hơn và đến năm 2000, Chính phủ đã quyết định xây dựng hầm. Không chỉ là “sự thách thức”, mỗi năm trên đèo Hải Vân xảy ra hàng chục vụ tai nạn thương tâm. Lỗi lái xe, lỗi thời tiết không nhiều bằng lỗi hiểm trở. 21km đường đèo có đến 9 khúc cua tay áo và hàng chục cua dốc khác. Bao nhiêu mạng người chết thảm dưới vực thẳm không thể thống kê nổi. Lặng lẽ đèo heo hút gió Chúng tôi rong ruổi trên đèo Hải Vân khi chiều tà đang buông lững lờ. Biển và mây quyện lấy khung cảnh sơn thủy hữu tình. Đèo vắng hoe. Ôtô giờ đi qua hầm, thỉnh thoảng mới gặp vài chiếc xe máy thung thăng đi. Những hàng quán dọc đường đèo không một bóng người. Những vòi nước đổ nước mui xe tải ngưng chảy tự bao giờ. Các chủ quán bắc ghế ngồi nhìn ra đường bằng ánh mắt buồn mênh mang. Chỉ vài ngày trước đó, xe cộ lên xuống đèo dừng nghỉ chân và đổ nước mui tấp nập. Căn chòi nhỏ vừa là quán, vừa là nhà của vợ chồng anh Đặng Ý (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nằm cách đỉnh đèo 3km. Vợ anh đang bế con nhỏ trên võng. Không có khách, anh cùng 2 người hàng xóm đang ngồi nhìn lơ đãng ra mặt đèo. Gió thổi rung bần bật mái tôn “ngôi nhà chị Dậu”. Quán xá xơ xác, xập xệ. Đã mấy ngày nay anh chị không buồn xuống thành phố lấy hàng nữa. Có lấy cũng không bán được. Đặng Ý kể, vợ chồng anh sống trên đèo Hải Vân đã 18 năm tròn bằng đất “nhảy dù”. 18 năm trước, sau những vụ làm ăn thất bát dưới thành phố, anh bỏ đồng bằng lên đèo kiếm kế sinh nhai. 2 vòi nước mui và quán nước lèo tèo cũng giúp anh nhì nhằng sống ngần ấy năm giữa biển và mây này. 18 năm là 18 lần anh phải làm lại quán. Nơi gia đình anh ở suốt ngày đá trên núi rơi xuống mái nhà. Cũng may, ngần ấy năm chưa lần nào đá làm bị thương người. Đặng Ý và 2 người hàng xóm thi nhau nói về những khó khăn khi sống trên đèo, lúc xe ôtô “bỏ” đèo để chui qua hầm. Trước đây, mỗi ngày thu nhập của gia đình anh cũng được trên dưới 50.000 đồng. Mới có hơn một tuần thông hầm Hải Vân, ngày cao nhất anh chỉ bán được 20.000 đồng cho khách đi xe máy qua đường. Đặng Ý than thở, sắp tới gia đình anh sẽ chẳng biết làm gì để duy trì cuộc sống. Không như gia đình anh Đặng Ý, gần 20 hộ kinh doanh hàng giải khát, đồ lưu niệm trên đỉnh đèo đầu tư nhiều hơn vào hàng quán. Ở dưới Huế, Đà Nẵng có hàng gì, trên này đều có, dù đắt hơn chút ít. Hơn 10 năm nay, xe tải, xe khách, xe du lịch mỗi lần qua đèo đều dừng lại kiểm tra phanh, uống nước, ngắm thành phố Đà Nẵng hiện phía xa xa. Thu nhập của các hộ kinh doanh trên đỉnh đèo khá cao và ổn định. Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (Lăng Cô, Huế) buôn bán trên đỉnh đèo đã 9 năm. Lúc đầu, chỉ mình anh chị sáng lên, tối về nhưng sau thấy bất tiện, anh chị quyết định làm quán kiên cố và đưa cả mấy đứa con lên sống giữa mây gió Hải Vân. Hằng ngày, anh chị bán giải khát, cơm phở, các con chia nhau bán đồ lưu niệm và phụ giúp bố mẹ. "Cũng như gia đình tôi, các hộ kinh doanh ở đây đã có số vốn kha khá nhưng chắc vẫn phải tính kế tìm nơi khác làm ăn thôi. Chúng tôi cũng định bám trụ để bán hàng cho khách du lịch nhưng chắc là không được vì du lịch trên đèo Hải Vân chưa phát triển. Đợi đến bao giờ? Chúng tôi phải làm sao đây?” - Chị Thanh ngậm ngùi. Dần lùi vào dĩ vãng...
Chúng tôi tiếp tục lên đỉnh đèo. Cổng đá “Đệ nhất hùng quan” đứng trầm mặc, im ắng giữa muôn trùng mây gió đỉnh đèo. Ít ai ngờ cổng đá đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia này lại vắng vẻ, u tịch đến thế. Không một bóng du khách. Không có dấu hiệu gì của sự phát triển du lịch. Một con ngựa già vẹo vọ ăn cỏ dưới bức tường rêu phong. Trước khi thông hầm Hải Vân, suốt ngày nơi đây dập dìu khách nghỉ chân trên đỉnh đèo ghé vào. “Đệ nhất hùng quan” đã bắt đầu dần lùi vào dĩ vãng? Và điều gì đến đã đến, ngay sau khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, đường đèo Hải Vân đã trở thành nỗi lo sợ của nhiều người đi qua đây (khi xe máy chưa được đi qua hầm Hải Vân). Đã có những thông tin về các vụ trấn lột, xin đểu xảy ra trên con đèo vắng. Nhiều người không dám một mình đi xe máy trên đường đèo vào buổi tối hoặc những hôm vắng vẻ nữa. Đến ngày 22/6/2005 và các ngày sau đó, thông tin trên không còn là tin đồn nữa. Vào hồi 2h ngày 22/6/2005, hai vợ chồng người bán cá đi trên đèo đã bị bọn xấu dọa dẫm xin tiền. Nhưng khi anh kể chuyện này với người dân trên đèo, họ bảo trước trường hợp của anh đã có 3 vụ người đi đường bị trấn lột tiền bạc, tài sản. Ngay sau đó, đã có thêm hàng loạt vụ trấn lột, xin đểu người đi đường xảy ra trên những đoạn đường đèo vắng khiến người dân thực sự hoang mang khi có việc phải đi qua đây. Cứ sau mỗi vụ tai nạn chết người trên đèo Hải Vân thì lại có một am thờ được dựng lên, chênh vênh, cô đơn bên vệ đèo. Đi 21km đèo, không đếm hết được số am thờ. Không biết có bao nhiêu oan hồn quanh quẩn dọc con đèo đẹp này... Nhiều lái xe tải Bắc - Nam tâm sự, khi hầm Hải Vân được đưa vào sử dụng, trong nỗi sợ mơ hồ con đèo bị... lãng quên, họ lo nhất những am thờ bên đường không còn ai hương khói để bớt lạnh lẽo! Có một nhân vật thầm lặng, bình dị gắn với đèo Hải Vân mà đồng nghiệp của chúng tôi tại Đà Nẵng kể lại, đó là ông Nguyễn Hòa, người Đà Nẵng. Cách đây gần 30 năm, trong một lần tình cờ lên đèo Hải Vân, ông chứng kiến một ôtô khách cán phải hòn đá nằm trên đường, lạc tay lái rơi xuống hố làm 28 người bị thương. Vụ tai nạn cứ ám ảnh ông. Từ đó, chiều chiều ông vượt qua vài chục cây số từ nhà lên đèo lặng lẽ nhặt đi những viên đá mồ côi lăn xuống nằm rải rác trên mặt đường. Nắng cũng như mưa, lũ cũng như bão. 30 năm đã trôi qua với ông già trên con đèo đẹp nhất nhì Việt Nam này. Nhân văn trong lặng lẽ. Ông mang tấm lòng của mình chặn đứng những tai nạn thương tâm cho người đi đường mà không mưu cầu gì. Nghe nói ông già đã “giải nghệ” vì ôtô không còn qua đèo nữa. Những tài xế đường dài từng qua đèo có lẽ không quên được hình ảnh ông già đen cháy, nhỏ nhắn âm thầm “nhặt” tai nạn, hiểm nguy cứu người, xe. Hình ảnh già cỗi, hành động nhân văn của ông sẽ cũng lùi dần vào dĩ vãng cùng với con đèo Hải Vân...?
Đèo Hải Vân là “thành lũy” ngăn trở hai miền Bắc - Nam suốt 7 thế kỷ, nhưng sau khi thông hầm Hải Vân, có một điều được nhiều người nghĩ đến nhất, đó là liệu Đà Nẵng và Huế có “biến” con đèo Hải Vân thành con đèo du lịch bên cạnh những di tích, danh thắng khác không?.
15-2-2007
Theo https://nld.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...