Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

"Đất nước gần bầu trời" - Cuốn du ký đậm chất văn chương

"Đất nước gần bầu trời"
Cuốn du ký đậm chất văn chương

Năm 2016 cuốn truyện kể về chuyến đi công tác của nhà văn Lê Toán đến đất nước Mông Cổ được nhà xuất bản uy tín Kim Đồng phát hành với 1500 bản in được bán hết. Không chỉ được người đọc nhiệt thành đón nhận mà còn được các nhà văn nổi tiếng dành cho cuốn sách với nhiều lời tâm đắc ngợi khen.
(Nhà văn Mai Phương)
Mấy năm gần đây thể loại du ký xuất hiện rất nhiều trên thị trường sách Việt Nam.
Những vùng đất lạ trở lên quen thuộc với những người chưa một lần đặt chân đến. Địa lý, phong tục, ẩm thực... trải đều trên từng câu chữ. Truyền hình đã đưa người xem du lịch qua màn ảnh nhỏ. Giờ chúng ta lại được du lịch qua từng trang sách. Cũng giống như những cuốn sách du kí khác là trải nghiệm của người viết đã đưa người đọc tiếp cận với những thông tin kiến thức của vùng đất mới. Nhưng điều đặc biệt là cuốn sách du ký này đậm chất văn chương, là cuốn ký sự đặc biệt về Mông Cổ, một vùng đất ít người viết.
Điều này không gây ngạc nhiên với người đọc khi tác giả là nhà văn đã xuất bản hàng chục đầu sách với hàng trăm truyện ngắn viết cho thiếu nhi và gần đây có thêm cuốn Mua Giấc Mơ dành cho người lớn - Nhà văn Lê Toán. Bút pháp điêu luyện, kiến thức sâu rộng, trải nghiệm nhiều, kinh nghiệm sống phong phú nên tác phẩm của ông ẩn chứa nhiều tầng nội dung lại được viết bằng những câu từ giản dị, gần gũi giúp người đọc tiếp cận rất dễ dàng với tác phẩm.
Đọc Đất nước gần bầu trời mang tới cho người đọc cảm giác gần gũi như một tối mùa đông ngồi quanh bếp lửa. Nghe ông mình kể lại những câu chuyện về chuyến du hành ông vừa trải qua. Đất nước xa xôi mà sinh động hấp dẫn như ta đang trực tiếp đến.
Những trang viết đầu tiên đã đậm chất văn chương, phương pháp viết so sánh được sử dụng. Từ dùng để miêu tả đã mang màu sắc nghệ thuật, hình ảnh để so sánh lại rất thân thuộc của làng quê Việt: “Máy bay đang bay thấp trên mặt biển Hàn Quốc. Phong cảnh ngoài cửa sổ máy bay luôn biến đổi kỳ ảo. Những con tàu chở hàng chạy trên mặt biển giống như những con nà niễng bơi trong ruộng nước chuẩn bị cấy lúa mùa” - trang 9.
Con nà niễng - lạ hay quen. Con vật quen thuộc với những ai sinh ra ở làng quê. Hẳn là nhà văn đã dành tuổi thơ của mình để chơi, để phụ công việc nhà nông nơi cánh đồng “nà niễng”. Trong những trang sau người đọc lại gặp rất nhiều hình ảnh ông so sánh. Trên chuyến bay, hay mỗi đoạn hành trình hình ảnh ông gặp nơi đất nước Mông Cổ xa xôi lại gợi lên trong ông hình ảnh thân thuộc nơi quê nhà: “Thành phố bỗng bé nhỏ như đám đồ chơi của học sinh mẫu giáo bày trên chiếc chiếu dệt của miền Nga Sơn vậy!” - trang 11.
Đoạn hành trình băng qua đồng lúa với bút pháp tả cảnh sinh động đến ngỡ ngàng mang đến cho người đọc một cảm giác ngợp như bơi trong biển lúa: “sóng vàng lan lan phủ phủ lên những ngọn đồi nhấp nhô. Màu vàng của lúa nhuốm vàng sậm cả chân trời”. Biển lúa ấy “lại” làm ông nhớ đến hình ảnh quê hương: “Trở về đồng ruộng Việt Nam, con trâu đi dăm chục bước đã xong một xá cày” - trang 56.
Viết về Mông Cổ, đất nước của thảo nguyên và đồi núi... làm sao thiếu được những đàn gia súc, những con thú hoang. Và nhà văn đã viết về chúng với cách viết nhân hóa sinh động và tài tình. Cách viết này rất hấp dẫn với trẻ thơ.
Bò thì ra vẻ bề trên. Cừu thì đãng trí. Chó chăn cừu hay bắt nạt...
“Dê phởn chí nô đùa trong mây. Bò nghênh sừng như vừng trăng khuyết. Vừng trăng khuyết đó khều khều mấy túm mây trắng muốt. Ngựa gõ móng lốc cốc, lốc cốc như đang gõ vào mặt trống của bầu trời. Ngựa lắc bờm trong mây chẳng khác ngựa trời do Tôn Ngộ Không hồi làm Bật Mã Ôn chăn dắt trên thượng giới “- trang 85.
Những con Saravag (sóc đất) chắp tay nghiêm trang mắt ngước lên trời - hình ảnh ấy hiện ra rõ nét trong tâm trí tôi mỗi khi nghĩ về đất nước Mông Cổ. Dù tôi chưa từng đến, hẳn là tài hoa của người viết.
Đọc Đất nước gần bầu trời nhà văn viết rất khoáng đạt, lời văn vui nhộn với những từ ngữ ông dùng lại dân dã gần gũi. Người đọc tiếp cận và ghi nhớ rất nhanh một lượng thông tin lớn. Ông kể về văn hóa giao thông đông đúc chen chúc của Mông Cổ với những gia đình có hàng chục chiếc ô tô, đông tắc đến hàng chục phút vẫn chưa nhích được nửa vòng bánh. Đến khi ông dùng câu nói vui của Việt Nam “muốn nhanh thì phải từ từ” thì người đọc sẽ ghi nhớ giao thông giờ cao điểm ở Mông Cổ: “người đi bộ trên hè phố lại đi nhanh hơn người đi bằng phương tiện giao thông dưới lòng đường”.
Đọc một lần người đọc cũng không thể quên con số 60.000 héc ta lúa mì của một gia đình nông dân, thích thú với vẻ kinh ngạc của những người Việt Nam khi nghe con số khổng lồ ấy. Và đọc đoạn ông viết ông sợ nhầm hỏi lại, ông sợ người trả lời nhầm hỏi lại tiếp. Và để chắc chắn ông lại đợi thời điểm không ai ngờ để hỏi nữa!.
Quả thật sự dí dỏm của ông làm chúng ta bật cười, và nghĩ nhà văn cẩn thận quá. Sự cẩn thận rất dí dỏm ấy của ông đã cho người đọc một hình dung rõ ràng về một cánh đồng lúa mì mênh mông bát ngát và con số ấn tượng dù độc giả đọc truyện đã lâu.
Rất nhiều đoạn nhà văn Lê Toán viết thấm vào người đọc tình yêu của ông với quê nhà một cách dung dị mà sâu sắc. Cánh đồng làng ven sông Bạch Đằng của ông nơi ông thả diều, bắt dế. Vốc nắm đất Mông Cổ nhớ nắm đất quê hương. Với sự tĩnh lặng của thảo nguyên ông nhớ sự ồn ã của côn trùng trên cánh đồng nhỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Vui đấy mà ẩn chứa bao nỗi niềm, cũng là chân dạo bước rong chơi năm châu bốn bề, mà tâm hồn để lại chốn quê nhà...
Đọc một cuốn sách du ký mà tâm hồn ta bay bổng, trí tưởng tượng theo từng dòng văn, theo mỗi chặng đường xa xôi.
Đọc Đất nước gần bầu trời ta như được cùng tác giả nằm áp tai xuống đất nghe tiếng vó ngựa thảo nguyên dồn dập. Ngắm đôi mắt Thành Cát Tư Hãn cương nghị bao dung. Và cùng chạy trên thảo nguyên muôn hồng ngàn tía. Vỡ òa với hàng vạn loài chim hoang dã trú ngụ trong chiếc tổ khổng lồ là những ngôi chùa.
Và cùng ông bên những người bạn Mông Cổ say sưa thưởng thức rượu quý, bát thịt cừu hầm béo ngậy thơm ngon.
Hình ảnh sinh động cứ nối tiếp nhau, ta đọc và có thêm biết bao kiến thức về một Mông Cổ, một đất nước gần bầu trời, nơi cách Việt Nam gần 6 giờ bay:
“Hãy nhắm mắt và tưởng tượng như mình đang là một lữ khách trên lưng lạc đà, dưới chân - mặt đất rộng bao la, trên đầu - cao xanh lồng lộng, phía trước là mây trắng và chim điêu tung cánh... Đừng chần chừ gì nữa, xin mời các bạn đến với Mông Cổ - Mongolia - thanh bình, tươi đẹp và hiếu khách!” (Dorj Enkhbat - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Mông Cổ tại Việt Nam).
Ta chưa đến thì sách đưa ta đến!.
14/5/2018
Nguyễn Yến
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...