Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Tấm lụa đào 2

Tấm lụa đào 2

Chương 9

Bữa cơm chiều của nhà trường thật vô vị. Minh cứ hình dung mặt tiền của rạp Nam Xuân, nơi Minh sẽ đứng chờ.

Thuở học trường tiểu học Nhà Nước, gánh hát nào đến mà thiếu bọn Minh. Có tiền để mua bánh tét, bánh bao, khá chút nữa là phở, hủ tiếu xí mại chớ ai lại mua vé coi hát và vé xem đá banh? Cặp giò để đâu mà không trèo, không chui kia chứ ! Bây giờ đã thành nhân, ai lại làm cái trò trẻ con đó nữa.

Cơm nước xong, Minh cũng lên lớp ngồi đàng hoàng. Nhạc Tây từ đằng rạp hát vọng lại trong lồng ngực làm chàng nôn nao.

Bữa nay tuồng có đấu poa-nha, lông-rông qua cửa sổ, Minh cũng không màng. Thầy Xuỵt biết rành tâm lý học sinh "dù khoá cửa chúng cũng chui ra ". Cho nên thầy đi bước trước để mua cảm tình với đám "học trò có bộ giò ăn cướp". Thầy bảo:

- Gánh hát diễn ba đêm, mỗi đêm tao lén cho đi mười đưa. Bây bàn với nhau rồi lách êm. Còn bao nhiêu phải ở lại học đến hết giờ. Mấy bữa đằng rạp có gánh hát, ông đốc thường đến bất ngờ xem lớp học, nếu thấy trống lổn, ổng sẽ cất chén cơm tao. Tao thương bây, bây cũng phải thương tao chớ !

Như vậy là thầy trò thủ huề. Trong mười trò đi đêm nay cố nhiên phải có Minh. Minh là kẻ ít nhảy rào nhất. Người đứng đầu sổ là Bền. Nhưng từ lâu rạp hát của Bền là nhà Madeleine và "đào" hấp dẫn nhất là Madeleine.

Minh đi theo con đường đá gồ ghề giữa trường và mé giếng nước thị xã, quẹo mặt vài trăm thước là đến rạp hát, nhưng vốn thuộc đường, Minh băng qua sân trường Bá Nghệ cho gần. Mỗi một phút có giá trị vô cùng đối với Minh tối nay.

Bụng Minh luôn luôn sợ người ta tới trước không thấy Minh rồi sẽ bỏ đi. Minh lỗi hẹn, người ta sẽ giận. Khó mà năn nỉ.

Bao giờ cũng vậy, gánh hát đến là cái cớ để thiên hạ đến rạp hát chơi bài, hoặc ăn quà, có khi chỉ xướt một lóng mía rồi về, chớ người vào rạp xem hát thì không bao nhiêu. Hát hoặc xem hát bên ngoài có khi còn thú vị hơn ở bên trong.

Minh đến nơi đã thấy đen nghẹt những người. Những gánh cháo, gánh chè dàn mặt trận khít rim hai bên cổng vào với những chiếc đèn chai leo lét, không cho khách tránh né đường khác, những chú bé rao to để được chú ý, những ảnh tài tử treo trên tường dưới những bóng điện tù mù quyến rũ những bầy bò hong như tiêu rắc trên dĩa xào tiệm nước....Minh đi vào cái sinh hoạt nhộn nhịp ban đêm của rạp hát với tất cả sự hờ hững. Mắt chàng đảo khắp nơi tìm bóng dáng một người.

Ở góc đường phía bên trái tranh tối tranh sáng có một cây bã đậu lớn như một tàn lọng, là nơi chàng đứng đợi ngươì ta, hoặc người ta có thể đứng đợi chàng, ngoài ra không còn nơi nào khác kín đáo hơn, nhưng khổ thay, vùng đất lại bị một gánh sữa đậu nành chiếm mất.

Người đến càng lúc càng đông. Có lẽ đêm nay tuồng hát hay lắm. Minh tìm một tờ quảng cáo để đọc. Văn chương gì trật trẹo khó hiểu thế. Minh chỉ liếc sơ mấy tấm hình đào kép in tèm lem xếp lại đút túi. Rồi đi lanh quanh mắt ngó bốn phía như thợ chụp hình tìm đề tài.

Bên trong, nhạc Tây trổi lên nghe giựt gân từng chập. Hết nhạc Tây tới nhạc ta rỉ rả. Người đi xem lũ lượt kéo nhau ùn lại ở cửa rạp chờ xét giấy trước khi vào rạp. Bỗng một hồi chuông reo. Chắc màn đang kéo lên. Khán giả đang thích thú, nhưng ở ngoài không thấy "người ta" tới chàng càng bồn chồn. Một cô áo trắng đến mua sữa làm Minh suýt kêu lên. Nhưng không phải vì cô này dắt theo một thằng nhóc.

Minh đi tới đi lui cho đỡ sốt ruột nhưng lại càng sốt ruột. Hay là người ta hẹn nơi nào khác ? Và cũng không nói sẽ đến lúc nào. Hay mình đã nghe lầm ? Tại sao mình không hỏi lại cho chắc ? Minh cứ lưỡng lự và tự trách.

- Cậu dùng tào hũ hay sữa ? - Tiếng của lão bán hàng.

Minh giật mình đáp như máy:

- Cho tôi ly sữa.

- Cậu uống cho khoẻ rồi vào xem ! Tuồng này hay lắm. Hai người thương nhau rốt cuộc chết hết trơn ! Chịp ! - Lão già vừa múc sữa vừa bình luận...

- Ủa, sao vậy cụ ?

- Ai biết đâu. Quảng cáo nó chỉ cho biết khúc đầu và khúc chót, còn khúc giữa thì nó lại bịt kín mít. Nếu biết thì ai còn đi coi! - Lão già nói với giọng pha trò...- nhưng khúc giữa mới là khúc ha...ay nhất ! Tụi nó khôn tổ bà !

Minh bưng ly sữa mà bụng càng hoang mang, không biết nàng có hẹn thật hay mình laị cũng tưởng tượng như bức thư ? Và rạp hát có thể là rạp hát bóng lắm chớ không nhất thiết phải rạp Nam Xuân.

Bỗng Minh buột miệng hỏi:

- Nãy giờ cụ có thấy cô nào tới đây không ?

- Cô nào ?

Minh ú ớ:

- Cô em tôi đấy mà !

- Tới uống sữa đậu nàng của tôi thì nhiều lắm, tôi biết cô nào ?

Minh làm thinh.

- Cô ấy mặc áo gì ? - Lão già lại hỏi.

- Áo trắng ủa..ủa áo tím ! Ơ mà kia kìa...- Minh bước đi, miệng gọi - Emilie !

- Em xin lỗi anh ! Anh chờ em lâu chưa ? - Emilie mừng rỡ.

- Không lâu...lắm !

Emilie cũng tỏ ra hấp tấp và ngượng ngùng nhìn Minh. Nàng quay sang lão già:

- Cụ cho tôi xin hai ly. Ðể nguội, chút nữa tôi quay lại uống!

Rồi không ai bảo ai, hai người dắt nhau đi nhanh ra khỏi cái ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn dầu, như lẫn tránh cặp mắt của lão già.

Ðến một vùng bóng tối, hai người dừng lại. Minh chưa kịp nói gì thì Emilie bảo:

- Em chỉ ở đây được vài phút thôi.

- Sao vậy ?

Emilie ngập ngừng:

- Vì em nói với ba em ...a....a..

- Em đang coi hát ? - Minh nhìn Emilie.

- Em nói em khát nước nên đòi ra.

- Anh cũng khát !...

Emilie làm thinh, Minh nói tiếp:

- Nhưng bây giờ hết khát rồi.

Emilie có vẻ hốt hoảng:

- Ai đi ngang nhìn kìa !

- Không có ai đâu.

- Có chớ sao không. Ba em bắt được thì chết! Thôi để em đi vào.

Minh đưa tay cản lại vô tình đụng nhằm tay nàng rồi chàng nắm luôn.

- Khoan vô đã em ! - Minh nói giọng run run.

Emilie lại vùng ra và bước đi.

- Chưa được một phút mà !

- Anh nói gì...thì để lần khác. Lần này không được đâu!

- Mỗi sáng anh đón em ở ngã ba nhá !

Emilie xua tay:

- Cũng không được ! - Emilie nói xong vụt đi nhanh.

Minh bước theo như chiếc lá bị cuốn hút bởi một cơn gió. Chàng nghe đất dưới chân chập chờn. Mùi hương tóc và áo nàng phất lại sau như một loại phấn hoa lạ làm con bướm tình ngây ngất. Chàng tưởng mình đi trong mộng.

Ðến khi có tiếng người, Minh mới tỉnh ra, tần ngần dừng lại.

- Xin cho coi giấy!

Thì ra người gác cửa. Minh nhìn hút theo thì bóng Emilie đã xa dần bên trong rạp mờ tối. Cuộc gặp gỡ chỉ có thế. Những gì chàng dự định nói với Emilie đều tan biến hết khi gặp nàng, chàng chỉ nói những câu không đâu.

Chàng trở về trường, vừa giận vừa hận nhưng không biết giận ai, hận ai. Thầy Xuỵt thấy chàng về sớm thì gạn hỏi:

- Mọi lần tụi bây coi tới vãn, sao bữa nay bỏ cuộc, bộ không có oánh kiếm đấu "boa nha" hả ?

- Buồn ngủ quá thầy ơi ! - Nói vậy rồi Minh lên giường buông mùng.

Nhưng Minh không nhắm mắt được. Nhạc Tây từ rạp hát cứ vang vang trong đầu chàng. Chàng nhớ laị từng cử chỉ và lời nói của Emilie. Nàng hứa đến và đã đến. Như vậy là nàng có yêu mình. Nhưng sao nàng không nói gì ? Tại sao lần trước nàng tỏ ra thân mật với mình trước mặt mọi người còn lần này chỉ có hai đứa mà nàng lại sợ ? Toàn những câu hỏi không có giải đáp.

Minh lăn qua trở lại một chặp rồi tốc mùng đi tìm Bền. Nhưng Bền chưa về. Ðã khuya nhưng đằng rạp hát còn văng vẳng tiếng trống tiếng kèn. Một hấp lực đưa Minh trở lại chỗ cũ, nơi hai đứa vừa đứng với nhau, bóng cây mặt đất như còn ấm.

Minh nghe còn đâu đây dư hương của tóc áo nàng. "Emilie!" - Minh khẽ gọi. Không có tiếng vang trong không trung, chỉ dội lại trong lòng chàng. Emilie, em có bao giờ đến nữa không? Ta cứ đứng đây chờ em suốt đời . Minh sực nhớ hai ly sữa đậu nành. Lão già vẫn còn đó, lão dựa gốc cây ngáp dài. Chắc lão chờ vãn hát, khách ra để bán đợt chót.

Thấy Minh đến, lão sốt sắng:

- Tôi chờ hoài không thấy cậu mợ trở lại. - Lão múc sữa đưa cho Minh. - Còn mợ đâu ?

- Dạ..dạ...

Minh nâng ly sữa nóng hổi, dạ bàng hoàng, môi hớp ngụm sữa mà không nghe mùi vị của sữa. Hai tiếng "cậu mợ" làm Minh ngờ ngợ, mơ mộng.

Lão già gợi chuyện:

- Cái tuồng nầy , tôi tưởng là mới mẻ, chẳng dè "bổn cũ soạn lại" cậu à !

Minh đẩy đưa:

- Vậy hả cụ !

- Ðây là sự tích của Lan và Ðiệp, thầy tuồng lấy làm cải lương Hoa rơi Cửa Phật đó mà. Nhưng nhờ dàn đào kép thượng thặng và sơn thủy mới nên bán hết vé..- Thấy Minh làm thinh, lão tiếp: - Tội nghiệp cho hai đứa nhỏ thương nhau mà không thành giai ngẫu. Con Lan bỏ đi tu rồi chết trong chùa...Còn thằng Ðiệp...

Lão già ngưng ngang rồi kêu lên:

- Ơ kìa, mợ ra tìm cậu đó !

Minh ngó theo tay lão già:

- Emilie! - chàng kêu lên - Anh đây này!

Ly sữa từ tay chàng rơi tuột xuống hòn đá vỡ toang.

Emilie bước lại. Lão già đã múc sữa đưa cho nàng. Emilie móc túi trả tiền rồi hai người cùng đi. Lão già chạy theo đưa lại bảo là "mợ" đã trả rồi lúc nãy.

- Sao em trở ra?

- Em ngồi xem tuồng mà bụng nóng y như lửa đốt, không hiểu gì hết. Ba em thấy em xoay qua trở lại bèn hỏi em. Em nói lớp hát buồn quá em không muốn coi nữa. Ba bảo em ra ngoài đứng chờ hoặc kêu xích lô về trước cũng được. Ba em muốn coi cho biết kết cuộc ra sao !

- Em coi đến đọan nào ?

- Ðoạn "Lan lên chùa. Anh Ðiệp tìm đến. Chị Lan cắt dây chuông rồi chạy vô. Anh Ðiệp kêu lên một tiếng đau đớn." Em nghe như nhát dao cứa vào tim em. Em khóc.

Minh đứng lặng thinh. Emilie thút thít. Minh không biết dỗ dành cách nào đành nhìn nàng như con bướm vờn cánh hoa rung rinh mà không dám đậu lên.

Hồi lâu Minh mới tìm ra câu an ủi nàng:

- Ðó là tuồng người ta đặt ra chớ không phải thiệt đâu Emilie à !

Emilie ngẩng mặt lên, nước mắt lấp lánh trên má, giọng run run:

- Chị ấy cũng tên Lan, trùng tên với em.

- Nhiều người trùng tên nhau, đâu phải mình em!

Chương 10

Bà Ðầm đang giảng bài thì anh lăng tông đem giấy mời đến. Bà xem xong hỏi có chuyện gì vậy ? Anh lăng tông đáp với sự dè dặt:

- Dạ , tôi không biết có phải lại vụ thư từ lăng nhăng của đám học trò "nhổ giò " ở lớp nhứt không ?

Bà đầm kêu lên "Ô la la " một cách thất vọng. Anh lăng tông vừa đi ra khỏi cửa, bà nói với học trò:

- Chuyện đó có đáng gì mà phải họp hội đồng kỷ luật ? Nếu là học trò dưới mười tám thì chỉ là chuyện đù vui vẻ, còn nếu chúng trên mười tám thì lại là quyền của chúng.

Tuy bà đầm nói vậy nhưng Minh vẫn nơm nớp lo sợ. Minh mò xem thư từ định gởi cho Emilie còn trong túi không ? Còn thư từ của Emilie gởi cho chàng đều cất trong rương có khoá, Chàng chỉ đọc trong mùng với chiếc đèn pin bắt muỗi. Ðọc xon, cất vào và khoá liền. Không thể nào lọ đi đâu được.

Vậy vụ này xảy ra ở lớp nào ? Chàng ngoảnh sang thấy vieux Bền ngồi tỉnh queo. Chàng nháy mắt , Bền đáp lại như bảo :"Không có gì đâu !". Bà đầm sửa soạn đi họp còn nói rán:

- Tình yêu là sự sống của con người, là nguồn hứng của các văn thi sĩ, Paul và Virginie mới mười lăm mười sáu tuổi đã yêu nhau. Tình yêu của họ được viết thành sách và giảng dạy ở các trường. Thế thì tại sao ở đây người ta lại cấm đoán ?

Hội đồng kỷ luật đã đủ mặt ở văn phòng. Bà đầm vào vừa an toạ xong thì tuyên bố khai mạc buổi họp. Thầy Xuỵt rút trong cặp ra một tờ giấy và đọc lên một bài thơ thất ngôn mà thầy đã bắt được và cất giữ như một hồ sơ tối quan trọng. Giọng thầy khàn khàn:

Con gái mười lăm muốn lộn lèo
Ngày đêm khóc lóc rụng lông nheo
Mai này mẹ gả cho thằng ấy
Mặc sức đêm ngày nó đá đeo.
Mặc sức đêm ngày nó đá đeo
Tuổi mới mười lăm đã lộn lèo
Mai đây mẹ gả cho thằng ấy
Ngày đêm nó đá rụng lông...


Ðọc xong thầy lắc đầu:

- Học sinh bây giờ quá quắt lắm. Hồi thuở tôi đến trường thầy bảo gì nghe nấy. Lơ mơ bị phạt quỳ sơ mít. Còn bây giờ chúng không coi thầy bà ra gì ráo trọi. Việc nào trường cấm đoán chúng càng làm hung. Hễ phạt thì lại đụng tới cha mẹ chúng nó, có chuyện lôi thôi.

Giáo sư Tràng, dạy môn "Annamite" và giảng Lục Vân Tiên bằng tiếng Pháp - gọi Nguyệt Nga là phiăng xê củ Van Tien - dịch từng câu cho bằ đầm nghe nhưng đến các chữ "lộn lèo" và "đá đeo " thì ông đùn cho giáo sư Long và khẩn khoản:

- Anh là người dịch cả bài diễn văn của ngài tham biện hôm buổi lễ, vậy xin tiếp với tôi !

- Dịch một chục bài diễn văn cũng không khó bằng mấy chữ này bạn ạ ! - Giáo sư Long lắc đầu nguầy nguậy.

- Anh cứ dịch theo kiểu cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch mấy câu Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta " ra "Il y a cent ans dans la vie de l'homme " chớ khó khăn gì.

- Dịch như thế thì người Pháp đâu có hiểu được sự thâm thúy trong ngôn ngữ ta.

- Thì mình cứ dịch với tất cả khả năng của mình thôi, chớ làm sao bây giờ !

- Vậy ông bạn thử dịch giùm hai chữ "lộn lèo" và "đá đeo" cho bà bạn mình nghe chút !

Giáo sư Tràng lắc:

- Tôi xin đầu hàng.

- Tôi cũng xin chịu thua! Hoạ may cụ Trương vĩnh Ký tái sinh mới dịch nổi.

Bà đầm sốt ruột chờ nghe ý nghĩa của những tiếng "Annamite"

Giáo sư Long bảo:

- Chữ "lèo" không có trong tiếng Pháp. Muốn cho bà Pottier hiểu cái lèo là cái gì thì chỉ có cách là cho bà coi cái lèo trên con diều giấy và cái lèo ở cánh buồm ghe thuyền ngoài sông cái " lơ cái lèo" c'est le cái lèo . Người Pháp họ không dịch được, hai tiếng "nhà quê" nên cứ để nguyên như vậy mà đọc theo tiếng Pháp "les nhaques" cũng như họ đọc "Thủ dầu Một " và "Biên Hoà " ra là " Tuy đô mốt" và "Bie noa " vậy! Còn đá đeo thì cứ dịch ra "pierre portée" nghĩa là một công việc nặng nhọc như đeo đá chớ không phải nhẹ nhàng như dạy học đâu bà Pottier ạ !

Mọi người cười ầm và gật đầu tán thưởng. Thầy Xuỵt báo cáo tiếp, bằng một giọng nghiêm chỉnh tối đa:

- Dạ, em Hoàn ở "cua xúp " vừa trình cho tôi một mẩu giấy chớ không phải tôi bắt được. Tôi hỏi đứa nào viết đưa cho em ? Em thưa rằng em thấy ở trong tủ của em chớ không có đứa nào đưa . Tôi hỏi em có nghi ai không ? Em bảo em không nghi ai nhưng có một đứa cùng lớp bữa nào cũng chọc ghẹo em .

Rồi thầy lấy ra một mảnh giấy và đọc :

Mống chuồng mọc giữa đồng chòi
Có muốn xem còi , cứ bảo anh cho !

Giáo sư Long cười ngất và nói liền:

- Mống chuồng là cái Arc-en-ciel... Còn đồng chòi là cái chòi c'est la chaumière ở giữa đồng ... Ðây là phong cảnh rất đẹp của đồng quê, ai cũng đã từng trông thấy hết . Còn cái còi cũng không có nghĩa gì xấu . Còi là cái tu huýt, le sifflet . Trọng tài điều khiển một trận đá banh, ngậm còi trong miệng thổi oéc oéc trên sân cỏ . Thầy Giám Thị cũng có một cái để chỉ huy học sinh tập thể dục . Các cô gái hiếu kỳ muốn coi hoặc thổi chơi, vậy thôi !

Bà đầm phụ hoạ:

- Con gái đòi xem còi , thổi còi , thậm chí sắm riêng một cái còi, có gì là phạm kỷ luật .

Cả hội nghị cười ngả nghiêng .

Thầy Phước dạy lớp supérieur biết học trò của mình bị xí nha lê , nhưng thầy không dự phiên họp để bênh vực chúng . Trái lại, thầy cứ bình chân như vại, thầy chỉ ngóng nghe . Khi thấy học trò mình "trắng án" thì thọc tay trong túi quần Tây đi qua đi lại trước hàng ba và cất tiếng hát nho nhỏ, và hút gió theo điệu tango chinois như để trêu tức thầy Xuỵt :
O ma belle, je t'adore !
Người đẹp ơi, anh yêu em say đắm !

Thầy Xuỵt ấm ức , nhưng đành làm vui với đám học trò lớn:

- Mới lên cua xúp mà đã biết đá đeo, lộn lèo rồi! Lên cao hơn nữa ai canh giữ tuị nó cho nổi !

Tội nghiệp cô bé Hoàn đã mười sáu tuổi rớt sơ học có ba năm liền, nên không lên nổi năm thứ nhứt . Nhưng trời lại phú cho Hoàng một thân hình đẫy đà nên bạn gọi cô là La grande Nanon , một nhân vật của tiểu thuyết Balzac và hay ghẹo chọc cô .

Bà đầm về lớp lấy phấn viết ngay lên bảng những tiếng Annamite không có dấu "da deo, lon leo"...và hỏi:

- Các con có hiểu đá đeo và lộn lèo là gì chưa?

Đám học trò ôn binh bụm miệng cười khúc khích. Bà tiếp:

- Lộn lèo thì tôi chưa hiểu, nhưng còn đá đeo theo Giáo sư Long giải nghĩa thì đó là một công việc nặng nhọc chớ không phải như dạy học. Các con chớ nên đeo đá nhiều mà mất sức khoẻ.

Học trò lại cười to hơn.

Cơm chiều xong, Minh và Bền dắt nhau đi chơi.

- Thư từ mày gởi cho Emilie phải cẩn thận nhé. Thầy bắt được thì mày lên tableau d' honneur .

- Lo cho mày kìa !

- "Văn chương phú lục chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong " chớ lo gì! Há ha....

Hai đứa đi ra sân thì gặp lão già đang quét lá. Lão dừng chổi, quệt mồ hôi và hỏi Bền :

- Hổm nay sao không thấy đội nào tới đá ở sân nhà hết vậy cậu?

- Sắp có rồi cụ ạ !

- Đội nào đó cậu?

- Đội a a..chân gu..ốc cao đá với đội chân giày bata nhà!

- Cậu còn đá nữa không? Kiếm cho tôi cái vé vô cửa để coi cậu làm bàn - ông già nói tỉnh bơ.

Minh đáp:

- Lúc rày nó đá tới hai đội lận cụ ạ. Sợ e nó sút cú "lộn lèo " ủa "lộn mèo " không nổi như trước.

- Nói vậy ngoài đội nhà ra cậu còn đá cho đội nào nữa hả?

- Không! Hai đội đều của nhà hết. Nhưng đội mới này nó đá mệt hơn. Chỉ có mình nó và thủ môn của bên kia thôi. Mà trận nào nó cũng thua bàn trắng, thủ hoà là may lắm.

Lão già làm bộ chưng hửng :

- Đội gì kỳ gì vậy?...À, tôi hiểu ra rồi ! - Lão cười đắc chí, nhìn Bền - Hèn chi độ rày tôi thấy cậu hôi sút sức. Hà hà ! Nhưng không sao đâu ! Rán sút cú pho ! Chỉ một ít lâu thủ môn ôm "banh lông " của cậu rồi phoọc phe " luôn.

Rồi quay lại Minh, lão hỏi:

- Còn cậu đã bơm được xe cho e..em gái chưa?

Bền đáp hớt :

- Nó đang còn xách ống bơm chạy xà quần !

- Tiếng "bơm" làm cho tôi nhớ chuyện hồi bên Tây ! - Lão già nói - Hồi đó tôi suýt bị nhốt cát sô cũng vì vụ bơm xe đạp cho bà đầm chủ nhà.

- Bơm xe sao mà ở tù vậy cụ? - Minh tò mọ

- Thế mới tức cười chứ ! Chẳng là như vầy - lão già đằng hắng lấy giọng - Tôi mang tiếng là đi lính Tây hồi "cát tó đít duýt " nhưng qua bển có thấy giặc giả gì đâu ! Chỉ toàn là giặt quần áo, sửa xe, lau giày đinh cho vợ chồng một ông quan ba, tiếng Tây nó gọi là "cập tền " đó. Ông quan ba đi làm trong trại lính cũng như ong dèm Ric , ong dèm Rắc ở bên Sài gòn mình (11ème RIC: 11ème Regiment d'Infanterie Colonial là trung đoàn bộ binh thuộc địa ; 11ème RAC là 11ème Regiment d'Artilleria Colonial: trung đoàn pháo binh thuộc địa ) - Lão cười khẩy rồi tiếp - Một bữa trưa, tôi đang giặt quần áo cho vợ chồng ổng, bỗng tôi nghe tiếng kêu: "Ê, cá rán xanh !" Số numrô lính của tôi là "45" nên bà ta chỉ gọi số lính chớ không gọi tên vì tên tôi là thằng Khoánh rất khó kêu, bả không thèm dùng.

Tôi ngoảnh nhìn lên lầu thì thấy bà đầm ngoắc ngoắc. Chu cha mẹt ơi, cái bàn tay trắng phau, dịu nhiễu. Tôi đáp ngay :"Uẩy ma đam " nhưng chưa biết bả sai minh đi chợ hay nấu nướng món gì. Thì thấy bả cong hai ngón tay thành một vòng tròn và dùng ngón tay trỏ xọt xọt. Miệng thì giục :"Vít, vít " Mau lên ! còn tay kia càng xọt nhanh. Tôi nghe tụi lính thuộc địa kháo với nhau những chuyện về mấy bà đầm hay nuôi chó béc giê . Bà nầy không nuôi chó, chỉ có chồng, nhưng ông quan ba thì lại già cúp bình thiếc nên bả cần mình đây chớ gì. Thoáng nghĩ vậy, tôi bèn rửa tay chân mặt mũi coi cho được rồi vọt lên lầu. Đến chân thang thì thấy bả đã thay đồ ngủ mỏng te, da thịt lồ lộ coi thiệt ngứa mắt. Nhưng tôi mới vọt đuộc vài nấc thang thì bả trỏ chiếc xe đạp ở chân cầu thạng Bả lại đưa tay xọt xọt....và quát om: "Vít, vít. Mầy đui hả? " Ra thế. Tôi nghe lạnh toát cả người, quay trở xuống ký cách bơm xe.

Bền và Minh cười ngất. Bền hỏi:

- Sao bả không nói mà lại "xọt"?

- Bả nói tôi đâu có hiểu, tôi nói cái kiểu mêm xối xèng dà na bạc dà na cọ bả cũng đâu có nghe ra, nên bả phải nói bằng tay chân - Lão già tiếp - Tôi bơm xe chưa xong thì nghe tiếng giày đinh cồm cộp đi xuống. Tôi ngước lên. Ông quan ba mặt đỏ rừ. Thì ra ổng về nhà để cùng bả ăn bữ....ữa trưa. Mọi lần ổng cũng về, nhưng đi bằng xe nhà binh. Không hiểu sao bữa nay ổng lại đi xe đạp êm ru. Cái thân của ổng cũng chẳng kém ông có Ca Re của mình, bánh xe xẹp lép nên bắt tôi bơm.

Bền cười:

- May mà xe của ổng, chớ xe của bả xẹp bắt cụ bơ....ơm thì cụ có mà dãn xương sống!

- Dãn thì dãn chớ cũng rán bơ....ơm ! Khà khà ! - Lão già cười híp mắt é

Hai đứa vừa quay lưng thì lão gọi giật lại:

- Tôi nghe các cô các cậu cua xúp xầm xì chuyện gì đó hai cậu?

Bền đáp:

- Tụi con trai hỏi đám con gái có muốn xem "còi" thì cho xem chớ đâu có chuyện gì.

Lão già cười ngất :

- Bên Tây nó không kêu đó là cái "còi". Tụi đầm con nó biết "thổi còi" hết trơn nên chúng nó đòi coi làm chi. Còn mấy cô của mình lớn chồng ngồng mà không biết nên đòi coi..Mà có cậu nào dám cả gan cho cô nào coi hay không?

- Dạ, chắc thiếu gì đứa cho coi, nhưng không biết có cô nào chịu coi không?

- Hừ ! Sớm muộn cũng biết, đòi coi làm gì cho mất công ông giám thị.!

Chương 11

Gần ngày bãi trường kỷ luật hơi nới rộng. Giáo sư đến lớp cho bài làm rồi lên văn phòng đọc báo hay nói chuyện với nhau. Thầy Xuỵt bớt đi rình và được thêm giờ ngủ để "dưỡng thai" cái bụng gần ngày. Học trò vắng mặt một phần ba. Vài cậu ở nội trú được cha mẹ đem xe hơi , xe ngựa lên xin phép rước về. Đám học trò nam từ 1ère trở xuống tha hồ nghịch phá và kháo nhau về những "pierre portée". "le cái lèo renversé", " mống chuồng, đồng chòi " v.v...

Riêng học trò 4ème thì gạo kỹ bài để đi thi "thành chung" vì biết rằng ở cuộc thi này sự kiểm soát của giám khảo rất gắt gao, không thể đánh bùa như thi sơ học.

Tuy eo hẹp thì giờ Minh vẫn nhín ra để gặp Emilie. Từ sau lần gặp Emilie, Minh hy vọng tràn trề và do đó, mỗi lần gặp nàng , chàng thấy bạo dạn hơn trong cử chỉ lẫn lời nói. Sáng nay Minh chận đường Emilie ở Ngã Ba rủ nàng đi chơi.

Minh nắm tay nàng trùm cả tay cầm xe đạp, bóp mạnh :

- Bữa nay Giáo sư bận họp, học sinh được nghỉ ! - Minh đặt chuyện.

Emilie hơi lưỡng lự :

- Để em tới lớp xem đã.

- Anh nói thiệt mà. Đi chơi anh sẽ kể chuyện này cho em nghe. Hôm trước chưa kịp mở miệng em đã về.

- Nói gì thì nói bây giờ hổng được sao?

- Chuyện dài cả cây số lận.

- Hồi nào đến giờ em chưa bỏ học như vậy.

- Tại Giáo sư không dạy chứ mình đâu có lỗi.

- Ngày mai không được sao?

- Ngày mai ăn khỏi trả tiền hả? - Minh bóp mạnh tay Emilie làm nàng kêu lên.

- Em nói thiệt chớ không phải kiểu ăn quán đó đâu !

- Đừng đợi ngày mai việc gì mình có thể làm hôm nay mà !

Emilie vụt nhớ lần gặp Minh ở bên ngoài rạp hát. Emilie tự hỏi sao mình bạo gan thế. Đêm đó Emilie về phòng viết nhựt ký rồi xé đốt hết. Cả tro nàng cũng quậy cho nát ra, nàng sợ có ai trông thấy mấy chữ "Minh nắm tay nàng ". Nàng nhớ cặp mắt của lão già bán sữa đậu nành. Lão nhìn nàng có vẻ xoi mói và hăm doạ :"Chết nghe, con gái lén nhà đến đây gặp trai !" Nhớ tới đó Emilie lại sợ. Từ bé đến giờ nàng chưa từng đi như vậy.

Emilie ngẫm nghĩ một hồi rồi gật :

- Cũng được, nhưng phải sau mười giờ !

- Tại sao vậy?

- Vì ba má em đi xuống Mỏ Cày có việc.

- Lâu mau?

- Đi đám cưới của người chị bà con cô cậu với em ! Mà chín giờ mới ra bến xe.

- Vậy anh ngồi đây đọc sách chờ em tới mười giờ nghe !

- Em không có chở anh được đâu.

- Anh có xe kia kìa..- Minh trỏ chiếc xe dựng ở gốc cây.

Emilie kêu lên:

- Xe nữ của ai vậy?

-...Xe của bà Mad, thằng Bền lấy cho anh mượn vài ngày.

Emilie trố mắt:

- Vài ngày? Đi đâu mà dữ vậy?

- Đi với em chớ đi đâu? - Minh vẫn chưa buông tay Emilie ra, chàng nhìn nàng gần như hôn - Em biết không, con Mad với thằng Bền sắp làm đám cưới rồi !

- Anh bày chuyện hoài !

- Thiệt mà. Ông via con Mad hứa sẽ cho nó đi Tây học tiếp. Con Mad cũng trở về làm đám cưới rồi ở bển luôn.

Minh riết tay Emilie vào tay cầm xe:

- Anh chờ em ở đây nhé !

- Nếu quá mười giờ mà anh không thấy em thì ...em không thể ra!

- Thì anh ngồi hoá đá ở đây luôn....

Emilie đạp xe tới trường. Nàng thấy lớp học đông đủ. Giáo sư đã bắt đầu giảng bài.

Nàng đến dựng xe ở gốc vú sữa, ôm cặp đến lớp, nhưng không hiểu sao nàng lại đi thẳng lên văn phòng. Thầy Xuỵt hỏi:

- Con nhỏ sao bữa nay đến trễ vậy ? Bớt điểm đó nghe !

- Dạ ở nhà ba má em có chuyệng.

- Chuyện gì ?

- Dạ, ba má em đi đám cưới , bắt em đi, nhưng em không đi. Ba má bảo nếu không đi thì ở nhà lo cho mấy đứa em đó.

- Mấy ngày ?

- Dạ, chỉ ngày hôm nay thôi.

Thầy Xuỵt biết xưa nay Emilie là đứa học trò ngoan nên gật đầu cho phép miệng.

- Chỉ nghỉ một ngày thì khỏi xin với ông Ðốc, tao cho cũng được. Nhưng bữa nào tao gặp ba mày thì tao hỏi lại coi mày có đặt chuyện không nghe chưa ?

Emilie suýt thú thật với thầy. Lần đầu tiên nàng biết thế nào là sự sợ hãi của đứa học trò trốn học, nhưng nàng hình dung Minh đứng sốt ruột chờ đợi thì lại quả quyết:

- Nếu em nói láo thì em xin chịu phạt.

Thế là cô học trò ngoan qua mặt thầy giám thị lâu nay có tiếng không bị học trò qua mặt.

Nàng đạp như bay, gần đến nơi thì lại ngập ngừng muốn quay trở l5i, nhưng trông thấy Minh đang ngó mong thì quên hết tội lỗi. Nàng bảo:

- Lớp học trống trơn. Các giáosư không có tới.

Minh biết là nàng bịa đặt cũng như chàng vừa bịa đặt để hợp lý hoá bưổi faire l'école buissonnière (trốn học) hôm nay. Láo gặp láo là thế.

Minh hỏi:

- Có nhiều chỗ đẹp lắm. Em muốn đi đâu ?

- Anh đi đâu thì em đi đó, miễn anh đừng bỏ em bơ vơ thì thôi.

Minh biết nàng nói một câu có ý nghĩa nên lại cầm tay và nhìn trong sâu mắt nàng:

- Anh không bao giờ bỏ em bơ vơ - rồi kể một loạt những địa danh - Bắc Rạch Miễu, cầu Cá Lóc, tiệm thuốc Bắc Thọ Xuân Ðường, tiệm Rượu, bến đò Cái Cối hoặc chạy lang thang tới đâu hay đó.

Emilie làm thinh. Minh hỏi:

- Hay em muốn...- Minh nghiêng sát má nàng, định hôn, cái hôn chàng tính tặng cho người yêu hôm gặp ở bên ngoài rạp hát, nhưng vì sợ hãi, vì bộp chộp rồi quên - bến Bắc Rạch Miễu nghen !

Emilie mặt đỏ rần, nàng né qua và lắc đầu làm Minh hụt lần nữa.

- Bến bắc Rạch Miễu tới mười bốn cây số, em chưa từng đạp xe xa như thế. Cầu Cá Lóc chỉ có mấy gốc cây me còi. Bây giờ mình đâu còn trèo được như hồi trước nữa. Chùa Phật có gì lạ hả anh ?

- Ở sau vường cây mát lắm ! Ở đó mình sẽ mua dừa tươi uống nước.

- Em muốn đi Phú Khương không ?

- Em không muốn đi ra đó ! Rủi bể bánh xe không về được.

- Anh cõng cả em lẫn xe.

Minh thấy mình hơi bạo mồm, định rút lời nói, nhưng bỗng Emilie hỏi ngoắt lại:

- Tại sao kêu là cầu Cá Lóc hả anh ?

Cả hai cùng nhìn nhau cười. Minh đáp:

- Chắc ở đó hồi trước có nhiều cá lóc nhất vùng nầy.

- Vậy hễ chỗ nào có nhiều cá trê, cá rô thì kêu là cầu Cá Trê, cầu Cá Rô hả anh ?

- Anh nói mò vậy thôi chớ không rành !

- Còn chuyện cá bống mú khoét hang vô tiệm rượu rồi trổ qua sông Ba Lai, có không anh?

- Mấy ông già kể lại như vậy thôi, chớ sự thật thế nào, không ai biết rõ. Nhưng bây giờ người ta bảo cái bậc thạch ở mé sông trước tiệm rượu là để bít miệng hang cá đấy !

Ðạp một lúc hai người đã thấy mình chạy dọc bờ sông ra bến Bắc Hàm Luông. Ghe thương hồ đậu dày đặc ngóc mỏ lên bờ, cột buồm tua tủa làm người ta có cảm tưởng đây là một bầy cá kình sắp vượt Vũ Môn. Emilie trỏ sang bên kia bờ sông:

- Tại sao bến đò có tên là Cái Cối hả anh ?

- Chắc hồi đó ở bên kia sông có một ông thợ đóng cối tốt lắm. Ở xa người ta cũng nghe danh nên tìmtới mua, riết rồi thành danh là Cái Cối

- Thiệt hả anh ?

- Thiệt !...Minh cười xoà.

Càng về phía bến Bắc Hàm Luông, dòng sông Cái Cối càng nở rộng ra. Mặt nước lấp loáng dưới nắng trưa chói loà như một tấm kiếng khổng lồ lật ngửa, phản chiếu trời mây lồng lộng sâu thẳm. Vài chiếc tàu nhà binh ở đâu mới tới đỗ tại bến La Marne để lấy nước, con nít xúm lại coi mấy anh lính thủy Pháp cởi trần da đỏ như thoa trái mồng tơi. Bỗng Minh nói:

- Năm tới không biết ai sẽ là Jeanne d'Arc hả em ?

- Thì cũng con Liễu thôi chớ ai, anh ! Nó là hoa khôi trường này mà! Anh Bền cưới con Mad rồi sẽ hối tiếc . Yêu con Liễu có phải đẹp đôi hơn không ?

- Anh ta bảo con Liễu bắt anh ta chờ hơn một năm . Lâu quá !

- Chờ một ngàn năm cũng chờ! Một năm mà lâu sao?

- Tại tánh nó như vậy. Nó bảo banh trong chân không sút để người ta cướp mất.

- Ảnh coi người ta là trái banh à ?

- Ðó là ví dụ thôi chớ không phải vậy. Nó cũng biết con Liễu để ý nó. Và nó cũng yêu con Liễu nhưng trái nào chín trước thì hái trước. Chờ trái kia biết có hái được chăng. Rủi nó rụng vô tay người khác có phải uổng công không ?

- Mình đứng dưới gốc canh chừng thì làm sao rụng vào tay người khác được

Ra gần đến vàm sông, gío thổi ngược bét mắt ác hơn cho gió sớm mai ở dốc nhà trường. Emilie một tay kềm xe, còn tay kia đè gấu váy xuống, để che lấp cái bớt son giống như cánh hoa hồng.

- Cấm nhìn nghe !- Emilie nói.

- Ai nhìn gì đâu ! - Minh bướng bỉnh cứ thỉnh thoảng lại nhìn sang xoi mói.

Ở những khúc quanh, Minh cố tình ép Emilie để có dịp chạm vai vào vai nàng.

- Coi chừng đụng người ta ! - Emilie lại rầy rà - Người ta té cho coi !

- Người ta nào ?

- Người ta chớ người ta nào ?

Hai người lại cười với nhau. Emilie gắt:

- Cấm nhìn nghe !

- Nhìn gì ?

- Nhìn gì thì biết lấy !

- Cấm ai ?

- Cấm ai thì biết lấy ! - Emilie tiếp - Má bảo đó là cái bớt bà mụ làm dấu cho khỏi lộn.

- Anh không lộn em với ai hết.

Minh chú ý đây là lần thứ hai nàng nói trổng với mình. Lần thứ nhất ở rạp hát nàng bảo "ba" (chớ không phải "ba em"), lần này lại bảo "má" (chớ không phải "má em") Nàng là người tỉ mỉ có ý tứ. Ðó không phải là vô tình mà là cố ý để cho chàng nghe. Một tiếng nói đã thu hẹp khoảng cách vô ngần giữa chàng và nàng.

Một chiếc xe sắp qua mặt bóp còi te te. Minh đưa tay lên che mặt Emilie "Coi chừng bụi vô mắt" và thừa cơ ép sát vào người nàng làm vai Minh chạm khẽ vai nàng.

Hai người đạp xe song song nhau. Emilie làm thinh còn Minh luôn gợi chuyện, đặt chuyện.

- Ðêm đó anh định đứng nép ở cửa rạp hát. Chờ vãn hát em ra.

- Ấy chết, sao anh dám làm vậy ?

- Sao?

- Ba thấy chớ sao !

- Ba đâu có biết anh là ai ! Em có thấy anh không ?

- Anh có thấy em không ?

- Không! Ủa có. Hì hì. Anh liền đi theo em vô rạp nhưng bị người ta cản lại.

- Còn em trở vô ngồi coi tiếp, em không hiểu gì hết.

- Sao vậy ?

- Em không biết tại sao nữa ! Còn ba cứ chốc chốc lại nhìn sang hỏi: Con có nhức đầu đau bụng gì không ? Em đáp lạc đề : Con đã hết khát nước rồi. - Emilie tiếp- thật ra lúc thấy chị Lan lên chùa thì em khóc. Khóc hoài không nín, đến đỗi ba nghe ba hỏi. Em chối. Em cảm thấy thương chị ấy quá. Và thương mình nữa.

- Tại sao lại thương mình ?

- Vì em cũng tên Lan.

- Rồi sao em bỏ đi ra lần thứ hai ?

- Vì em có linh tính rằng anh còn ở lẩn quân bên ngoài chớ chưa về nhà.

Te te...te. Một chiếc xe đò bóp kèn rồi vọt qua mặt hai người, cắt đứt câu chuyện. Một làn bụi mỏng dấy lên rồi tan nhanh. Bỗng Emilie bụm mặt kêu lên:

- Chết, chết rồi anh ơi !

Chiếc xe nàng đang lăn nhanh bỗng chậm lại và hơi lảo đảo. Minh cũng hồn vía lên mây, nhảy xuống, vịn xe cho Emilie dừng lại:

- Gì vậy em ? Gì vậy ?

Mặt Emilie tái nhợt. Minh lôi xe lên lề và dìu Emilie lại ngồi trên một chiếc băng xi măng gần đó. Nàng vẫn gục đầu trong tay và lặng thinh.

- Em đạp gai hả ? Em trặc chân hả ?

Minh ngồi thụp xuống vuốt ve hai bàn chân Emilie. Emilie ngoẹo đầu vào thành băng đá hồi lâu mới nói giọng run run sợ hãi:

- Ba em mới đi qua !

- Sao anh không thấy ?

- Trên xe đò ! Anh có biết ba em ra sao mà thấy ?

- Sao em thấy được ?

- Em thấy rõ ràng mà. Ba mặc áo tây xám, thắt cà vạt nâu. Ông ngó sang phía này này !

Minh loay hoay không biết hư thực thế nào, nhưng cứ gạt ngang:

- Không phải đâu em !

Minh tạo ra cơ hội để nhìn hai bàn chân nhỏ nhắn của nàng. Minh lột giày ra nhưng không thấy vết thương nào, chàng hỏi:

- Em có nhớ mấy ông khách uống sâm banh bằng gót giày không?

- Có ! - Emilie gật đầu rồi lại lắc.

Minh tìm bằng mắt bằng tay khắp hai bàn chân Emilie nhưng vẫn không thấy vết trầy nào. Chàng mang giày trở lại cho nàng và cố xua đuổi cơn sợ hãi của nàng:

- Không phải ba đâu em !

Emilie buông tay ra đặt trên vai Minh và cúi xuống nhìn. Hai mái tóc kề sát xoã vào nhau. Ðôi mắt soi nhau như hai mảnh trời riêng hầu không còn khoảng cách. Emilie than thở:

- Em chết mất ! Thế nào em cũng bị một trận đòn !

Bất thần Minh cúi xuống đặt môi trùm những cánh hồng nơi bắp chân Emilie. Nàng dãy dụa như để thoát ra. Nhưng nàng cảm thấy đê mê. Tay nàng để rơi trên tóc Minh và vô tình ghì đầu Minh vào cho cái hôn sâu và lâu hơn.

Nàng kêu khe khẽ:

- Anh...Anh, người ta nhìn kìa !

Nhưng Minh không thấy ai hết. Ðoá hoa hồng trên làn tuyết mỏng. Ôi tuyệt trần.

Minh đã hôn nàng. Minh đã thốt ra một lời tình tứ bằng cái hôn đầu. Của chàng và của nàng.

Ðến chiều tối Emilie mới về tới nhà. Nàng không rõ là nàng đã được Minh đưa đi những đâu, nhưng nàng nhớ hình như cùng với Minh , nàng đã đi khắp nơi có cảnh đẹp. Nàng không nhớ Minh đã nói với nàng những chuyện gì, chỉ còn ghi lại có một câu mà thôi :"Emilie, anh yêu em!" thốt ra từ miệng chàng.

Nàng không ăn cơm, vào buồng nằm luôn không dậy.

Bà Phán đi vào sờ trán Emilie và hỏi:

- Con nóng lạnh phải không con ?

- Dạ, con không có bịnh đâu má à. Má đừng lo.

- Hôm qua chắc con gặp bài khó, con mệt óc mà sanh bệnh chớ gì ?

Emilie ú ớ, không trả lời rõ tiếng.

Nàng chắc chắn không có điều gì nàng sơ hở làm cho ba má biết chuyện riêng của nàng. Nhưng nàng cứ bị ám ảnh về việc ba nàng ngồi trên xe đò ngó thấy nàng. Nàng hỏi mẹ:

- Ba con đi Mỏ Cày hồi nào má ?

- Hồi sáng. Chuyến xe chín giờ !

Emilie giật mình:"Lúc đó ...hơn chín giờ ". Nàng lại hỏi tĩếp:

- Ba đi xe màu gì má biết không ?

- Ðáng lẻ ba má cùng đi, nhưng cuối cùng ba con bảo má ở nhà nên ba con ra bến xe một mình, má đâu có biết ba đi xe màu gì. Mà con hỏi làm gì màu xe ? Màu gì thì màu, miễn đừng chết máy dọc đường thì thôi. Xe chạy miểng gáo hay trục trặc lắm !

Emilie lại hỏi tiếp:

- Sao ba nói mai ba mới đi ?

- Ba nói bữa nay chớ đâu có nói ngày mai ! Người ta hẹn ngày mai sẽ tiếp ba con thì ba phải đi bữa nay. Xuống dưới đó, ở nhà coậu con chơi một đêm rồi mai người ta tới gặp.

- Mà...ai vậy má ?

- Ờ..ờ...Người ta, con không biết đâu!

- Chớ không phải đám cưới chị gì sao má ?

- Năm tới cậu con mới gả. Năm nay chưa được tuổi.

Ngồi lặng lẽ bên giường con gái hồi lâu bà mới thỏ thẻ:

- Ba muốn năm tới con ở nhà đó Lan à !

- Con còn hai năm nữa mới thi thành chung mà má !

- Nhưng người ta muốn gấp gấp

- Người ta nào vậy má? Họ muốn gấp gấp cái gì má?

- Cậu con làm mai cho con ở dưới đó...- Bà Phán nói luôn- Chỗ này được lắm. Con về không phải làm dâu cực nhọc. Người ta có của ăn của để và dòng họ có máu mặt trong làng. Họ là bạn thân của câu con từ lâu. Má cũng biết gốc gác của họ.

Bất giác Emilie kéo mền trùm kín cả đầu. Bà Phán không nói gì nữa, bước ra ngoài.

Emilie oà lên khóc. Bà Phán lại trở vào ngồi bên mép giường rủ rỉ nói với con. Emilie không nghe gì hết. Nàng cố nén tiếng khóc. Những giọt nước mắt đầu tiên của Graziella, ngọt ngào hờn tủi mà Emilie được nếm hôm nay.

Những cái nhìn đám đuối, những cái bắt tay riết chặt, những đụng chạm và cái hôn đầu của đời nàng tất cả hầu như trở lại trên da thịt nàng, trong tâm trí nàng. Bỗng nàng tốc mền ngồi dậy. Nàng kéo chân lên đưa cho mẹ xem cánh hoa trên bắp chân nàng. Và nói qua làn nước mắt:

- Con đau ở đây nè má !

Bà Phán chưa kịp nhìn, thì nàng giật mình kéo quần xuống thật nhanh. Bà Phán cũng không để ý, đứng dậy bảo:

- Ðể má lấy dầu cù là xoa thì bớt đau.

Emilie gục đâu vào vai mẹ nước mắt ràn rụa. Nàng không thể kềm nổi tiếng khóc. Ðiệp khúc trong bài thơ Premiers Regrets vang dội trong đầu nàng:

Tại sao cứ trở lại kỷ niệm xưa 1
Tôi không muốn khóc chỉ muốn mơ

Emilie nghe cái hôn đã biến thành vết bỏng lan vào tận tim mình.

Bà Phán trở vào với hộp cù là:

- Ðây là cù là hiệu Ông Phật , cảm mạo sơ sơ, bị bầm đen, đau nhức chút đỉnh dùng nó xoa bóp là hết ngay. Chỗ nào đau đưa má coi, con!

Bà Phán nói xong, ngồi xuống giường lật lưng con gái ra xoa cù là và dùng đồng xu cạo gió hai bên sống lưng. Bà không ngờ làn da của Emilie lại hồng tươi, nõn nà và thơm tho như vậy. Chỉ hai lần cạo nhẹ, bà đã kêu lên:

- Gió nổi lên bầm hết cả lưng con nè ! Bộ con đi đâu mắc mưa sao vậy ?

Emilie chỉ "ư ư " theo nhịp tay lên xuống của mẹ, chớ không đáp.

- Hay tại con dang nắng nhiều ?

Emilie nằm im, mặt úp trên chiếc gối tai bèo mà nước mắt ràn rụa. Nàng kêu khe khẽ theo nhịp vuốt mạnh của tay mẹ mà nghe đê mê như một nỗi đau em dịu đang thấm vào hồn. Ôi bàn tay của mẹ và cái hôn của chàng hoà vào nhau đã đem lại cho Emilie những hạnh phúc xa lạ mà tới nay đời con gái của nàng chưa từng được biết.

Nước mắt nàng chảy xuyên những lớp vải thấm vào những lá thư nàng đã mang giấu kín trong ruột gối. Ở đây, chúng nằm im lớp lang như được xếp từng trang. Không có cặp mắt nào, ngoài cặp mắt Emilie đọc những dòng chữ của chàng. Mỗi lần nàng học bài xon, lên giường ngủ, áp mặt vào gối nàng có cảm giác thơ thới lạ thường. Nàng tưởng đó là trái tim của chàng chớ không phaỉ là chiếc gối thường ngày nữa. Và Emilie nghe lại giọng nói của êm ru đưa nàng vào mộng: "Emilie, anh yêu em".

Emilie bảo mẹ:

- Chắc má cạo hết gió rồi má à !

- Còn nhiều lắm. Gió ra bầm tím cả lưng con. Ðể má cạo cho thật hết! Rồi còn chỗ đau ở chân, đưa má xoa bóp cho. Bộ con bị cái bàn đạp xe bật trúng hả ?

Emilie lắc đầu:

- Hết đau rồi má à !

- Lâu quá má không thấy lại cái bớt son bà mụ làm dấu trên chân con, xem nó nở lớn cỡ nào rồi ?

Emilie hoảng hốt nằm ngửa lại và tréo hai chân vào nhau chắc cứng. Bà Phán lại bắt gió ở cổ con gái. Vừa giật bà vừa rủ rỉ:

- Ba con đi Mỏ Cày , nếu mọi chuyện đều êm xuôi như người ta hứa thì..Tết này người ta đem trầu rượu đến nhà mình.

Emilie nhắm nghiền đôi mắt, nước mắt trào ra khoé chạy dọc xuống vành tai nóng hổi. Nàng mếu máo:

- Con muốn đi học thêm má à.

- Con cãi ba con không được đâu. Ba con đã hứa với người ta mấy năm rồi con nhớ không ? Lần đó con đi với ba má xuống nhà cậu con rồi người ta thấy con, người ta để ý con, rồi người ta nhờ cậu con nói giùm. Năm nay người ta nhắc tới hai ba lần . Cho nên cậu con mời ba con xuống bàn bạc.

Emilie hít hà:

- Ðau quá má à. Má đừng giật nữa.

- Ðau nhưng hết bịnh con à !

- Con không có bịnh đâu má ! Má càng cạo con càng nghe đau thêm !

Bà Phán kéo mền lên đắp cho con.

Emilie vùi mặt vào gối. Nước mắt lại tuôn tràn ngập lụt. Nàng nghe như trong tâm tư có một tiếng kêu:

- Graziella, Virginie, Loan, Nga, Lan ơi ! Ðời em sao giống đời các chị vậy.

Bên ngoài chắc trời tối lắm. Những đóa hoa nguyệt quới đang nở. Mùi hương thơm nức cả Ngã Ba. Chàng làm gì giờ này? Sáng mai chàng có đứng đón tặng mình đoá hoa như những lần trước ?

Ôi, cái hôn đầu. Vết bỏng như rực lên trên da Emilie, lần này thấm cả nước mắt.

Bỗng Emilie tốc mền vùng dậy nhìn mẹ, van lơn:

- Con phải học cho xong đã má ạ. Con không muốn đi xa m1a !

Bà Phán không thấu rõ tâm can con nhưng vì cưng con nên không làm phật ý con:

- Ừ, đó chỉ là việc mới bàn sơ thôi. Con không chịu thì ba má định lại chứ khó gì.

Emilie ôm choàng lấy mẹ hôn rối rít, giọng thều thào:

- Má nói thiệt hả má ?

- Má nói thiệt !

- Má hứa với con đi !

- Má hứa để con học xong rồi sẽ tính tới...

- Má hứa...má hứa thêm gì khác đi má.

- Má biết hứa gì nữa bây giờ ?

Bà Phán biết rằng con gái mình đã trao trái tim cho cái chàng tên "Minh" nào đó trong nhật ký mà có lần bà bất ngời đọc được, khi Emilie viết nhật k1y như vậy thì tình cảm đôi bên đã đậm. Mà cái thứ tình cảm này khi đã đậm thì khó nỗi làm cho nhạt phai. Ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên. Nghĩ vậy bà vuốt tóc con gái và bảo:

- Má hứa sẽ chiều ý con.

- Má nói thiệt nghe má ! - Emilie rối rít.

- Nhưng con cũng phải nghe ba má.

- Dạ. Con sẽ nghe ba má. Con xin ba má chiều ý con !

Bà Phán thở dài. Ðứa con gái nào cũng vậy nhưng cha mẹ bắt lấy chồng là lấy chồng.

- Con nằm xuống nghỉ. Má bảo chị ở nấu cháo thương hàn cho con ăn hết bịnh , mai đi học.

Emilie noí:

- Má bỏ tiêu ít ít , cay qua con ăn không được. Mà con hết bịnh rồi má à !

- Con chưa hết hẳn đâu con ! Thứ bịnh này dây dưa lắm.

Emilie nằm xuống gối. Nàng nghe êm ái lạ thường. Cơn giông vừa kéo tới tưởng đã tàn phá cả vườn cây và luống lan nhưng nhờ phép lạ mà nó tan đi và mặt trời lại mọc. Cỏ cây hoa lá vẫn bình thường. Phép lạ của tình yêu.

Ðột nhiên nàng ngồi bật dậy vén ống quần lên xem cái chỗ mụ bà làm dấu. Những cánh hoa nở trên tuyết mơn mởn. Nó đỏ rực lên hơn bao giờ hết. Nó giống những cánh hồng hay nhưng mảnh tim mang hình dáng đoá hoa. Và những dấu răng...bầm tím rướm máu. Suýt chút nữa má đã trông thấy thì có chối đằng trời.

Nàng bước lại bàn cầm bút viết thêm trang nhật ký.

Rồi lên giường nằm nhưng không yên ổn . Nàng trăn trở. Tình yêu đã khắc in vào da thịt nàng.

Nàng nghe những giọt nước mắt chảy ròng ròng thấm vào gối, vào tận ruột gan.


--------------------------------

1

Nguyên văn: Mais pourquoi revenir à ces souvenirs?
Je veux rêver et non pleurer (Premiers Regrets của Lamartine)

Chương 12

Minh và Bền ngồi chơi bên ven hồ tắm sân vận động. Bền nhắc chuyện nghịch ngợm với mấy cô đầm hôm nọ và những việc xảy ra ở nhà trường.

- Con Yvonne láng cháng bị ông thầy tiếng Ăng Lê tha mất...rồi.

- Mày cũng tha mất con Mad, chớ còn nói ai ?

- Phải mày chưa nợ con Emilie , tao bảo con Mad làm mai cho. Mày thấy con nhỏ này thì mày đi hết nổi.

Minh xua tay:

- Không được đâu mày ơi! Tao có thể nào đem một con đầm mang giày cao gót vô ngôi nhà tranh vách lá của ba má tao được ?

- Cưới vợ cho mày chớ bộ cho ổng bả sao?

- Ðã đành rằng cho tao, nhưng còn phải liệu cơm gắp mắm nữa chớ !

- Cưới xong mướn phố ở trên này. Rồi đi kiếm sở làm với tao. Ông via con Mad đã hứa thì thế nào cũng chắc mà. Tụi thằng Don Quichotte, Tartuffe đều rục rịch lui ghe hết rồi đó. Thi đâu hay rớt gì tụi nó cũng ở nhà. Mày tính sao ?

- Tao muốn lấy cái "bac" xong mới nghỉ.

- Con Emilie chờ mày à ?

- "Ẻn" hứa thi thành chung xong mới tính chuyện cưới hỏi.

- Rủi thằng nào nó chớp trước rồi làm sao?

-"Ẻn" thề rồi. Tao cũng hứa với nàng. Hai đứa ngoéo tay chắc chắn.

- Thiếu gì cuộc ngoéo tay, tưởng là chắc, chẳng ngờ quác.

- Nhưng không ít cuộc ngoéo tay không quác.

- Vậy thì tốt lắm, nhưng nếu rủi nó quác thì mày làm sao?

- Tao tin là không đâu!

- Mày đã...gì chưa ?

- Gì là gì ?

- Cái thằng, mày còn thủ cẳng vậy làm sao nắm chắc được. Mày muốn nghe tình sử của tao và Mad không ? Nó hướng dẫn mình bước lên "con đường tráng nhựa bao la " - Bền sợ Minh đoán ra sự thể hôm đêm nọ nên né ngang. - Tụi nó cũng tùy đứa , đứa vầy đứa khác. Như con Mad thì sống theo phong tục Việt Nam . Nó biết cả những cổ tục như vụ cắt tai lợn, phạt vạ đàng gái...

Bền không bật mí những cách gợi tình bằng tiểu thuyết của Mad, vì Bền sợ Minh công kích:" tụi nó ghê lắm !", nhưng Minh luôn luôn nói xa xa bằng cách nêu ra những ví dụ trên sân banh: " Tụi nó mạnh đạn lắm. Mình quần không nhẹp đâu. Mày không thấy tụi thằng Guichard, Paccini, Coréa lướt tụi mày đó sao ?

Bền cũng có mặc cảm "tụi nó mạnh ghê lắm!" nhưng cố gạt qua lời bàn của Minh

Hai đứa đang tâm sự vặt ngon trớn thì bỗng có tiếng kêu, Bền ngó lại, thì ra con Thérèse. Thérèse đạp xe vọt nhanh, tay ngoắc lia, rồi quăng xe chạy lại vừa thở hổn hển vừa bảo Bền :

- Anh đến nhà chị Mad ngay bây giờ nè !

- Làm gì như ma vật ông vải vậy ?

- Có chuyện quan trọng. Chị ấy bảo em đi tìm anh về ngay - Thérèse liến thoắng - Lần này dám có đấu gươm giữa Don Gormas và Don Rodrigue , Chimène đứng giữa xem. Bên nào thắng chị Mad cũng không sợ mất phần.

- Con nhỏ này! - Bền đứng dậy hôn bừa lên má Thérèse - Còn mày thì được lợi gì ?

- Em hả ? Em được xem một màn kịch không tốn tiền.

-Thôi...chở anh về nhà xem. Ai muốn đấu thì anh đấu với !

- Ai chở anh cho nổi! - Thérèse phụng phịu coi thiệt dễ thương.

- Thì đưa xe anh chở cho. - Bền vừa nói vừa vuốt lưng cô bé.

Thérèse đưa chiếc xe nhưng là xe đầm lại không có poọc ba ga nên không chở được.

- Anh chạy về trước đi.

- Có phải là chiếc xe Bền lấy cho tôi đi dạo với Emilie không ?

- Phải. Chính nó là của bà Mad .

- Cái gì của Mad là của Bền .

- Nhưng có thể đây là lần cuối cùng!

- Gìỡn hoài cô em ...- Bền gác chân lên xe nhưng còn nói rán - Chóng ngoan rồi anh giới thiệu cho một phi ăng xê Annamite đặc biệt hơn cả anh lẫn anh Minh .

- Ai vậy ?

- Lạc Phi lô !

- Phi lô đầu bù tóc rối đó hả ?

- Sao cô biết ?

- Anh ta làm giám thị cuộc thi pont de singe (cầu khỉ ) hôm cuộc lễ chứ gì ?

- Phải đó. Coi được không ?

- Hễ anh thấy được thì em được.

- Nhưng mà thằng Minh phải làm mai để trả công cô làm mai Emilie cho nó .

- Em không có làm mai đâu. Em chỉ nói giùm hai người cái tiếng khó nói thôi.

- Ờ, bây giờ nó sẽ nói giùm cô tiếng đó với thằng Phi lô

- Nói giùm cho anh ta chớ sao cho em ?

- Cho ai cũng được miễn nói ra cho hai đứa cùng nghe thì tốt rồi.

Bền phóng thẳng. Thérèse ở lại với Minh. Thérèse hỏi:

- Vụ anh tới đâu rồi anh Minh ?

- Chúng tôi đã hứa với nhau.

- Trao nhẫn rồi à ? Chóng thế !

- Chưa trao nhưng đã hứa là chắc !

- Mấy hôm nay Emilie có vẻ buồn. Gương mặt phờ phạc hình như mới ốm dậy. Anh có thấy thế không?

- Có thấy dấu bắt gió ở cổ nàng, nhưng gương mặt thì vẫn như thường chứ đâu có phờ phạc!

- Em nghĩ nó có chuyện gì. Nên mấy lần bà đầm gọi, nó lớ ngớ nên đều lãnh điểm xấu.

- Ðiểm tốt hoài sao? Cô ấy đâu phải nhất lớp.

- Em đoán là có một sự biến chuyển trong tâm hồn cô ta.

- Cô ấy có nói gì với em không ?

- Cạy miệng nó cũng không nói. Nó không bốp chát cái miệng như tụi này đâu. Em thấy nó buồn buồn thì đoán vậy thôi. Yêu là chết trong lòng một tí mà. Không yêu thì càng chết nhiều tí! Phải không anh ?

- Suy bụng ta ra bụng người.

- Anh có thế không?

Hai người nhìn nhau cười. Thérèse lại tiếp:

- Con Yvonne khoe với em là chúng nó đang hạnh phúc lắm. Ông thầy Ănglê quả số đỏ thật. Mới dạy có mấy câu vớ vẩn : I love you, you love me thì đã được love rồi. Ổng lớn hơn nó chừng mười hai tuổi. Nhưng không sao.! Bên em, có ông bạn của ba em làm thiếu tướng ba mươi chín tuổi lấy một cô mười tám tuổi gọn hơ.

- Bộ bên em mới có vụ đó sao ! Bên anh cũng thiếu gì cái cảnh "Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm "

- Bất bình đẳng. Ðàn ông con trai ỷ quyền đè nén tụi con gái lắm.!

Thérèse la lên và cười ngặt nghẹo, đập vai Minh .

Bền về đến sân thì đã thấy Mad đứng ở thềm nhà. Mad chạy ra đỡ lấy xe, dựng vào tường và cắp tay Bền đi vào trong. Bền lấy làm lạ sao hôm nay Mad ăn mặc rất đỏm, nước hoa nực nồng mà gặp mình lại không hôn. Mọi lần đâu có thế. Vắng một chút là hớt hải chạy đi tìm. Gặp là hôn rối rít:" Con mèo ngoan của em ! Con chó nhỏ của em" ngay cả ngoài đường, như xa nhau hàng chục năm vậy.

Bền đi hết nửa dãy hành lang quẹo vào một quảng rồi Mad mở cửa phòng khách. Chếc dương cầm và cái sô pha lưu niệm êm đềm biết bao nhiều lần với Bền nay đã dời chỗ. Mấy quyển tiểu thuyết Mad dở ra chỉ định những đoạn cho Bền đọc cũng không còn thấy trên đầu tủ. Chiếc máy hát vẫn nằm đó nhưng không có dĩa naò cài sẵn mà lòi lớp nỉ xanh lét.

Mad ấn Bền ngồi. Vẫn không hôn. Nàng đi vào trong một lát rồi trở ra với một thanh niên Pháp cao ráo, mặt thỏn, mày râu nhẳn nhụi, tóc hạt dẻ. Mad lôi tay anh chàng đến trước mặt Bền và giới thiệu:

- Ðây là Raymond hôn phu của em vừa bên Pháp sang bằng tàu thủy.

Bền tá hoả tam tinh như bị một quả bóng nện vào giữa mặt, nhưng cố bình tĩnh đứng dậy giơ tay nói lời xã giao đại khái. Mad tiếp:

- Chuyến tàu bị nạn nên anh sang đây trễ mất mấy tháng.

Anh chàng Raymond đưa tay cho Bền trong lúc Made giới thiệu Bền với Raymong.

Hai bàn tay đàn ông bắt nhau không siết, chỉ vừa đủ cảm thấy sự lạnh nhạt là buông ra. Raymond nói ngay như đã dự tính sẵn từ lâu cái phút gặp gỡ do Mad đạo diễn này.

- Tôi có nghe hôn thê tôi thuật rất nhiều về bạn...một người rất tốt...

- Ðâu có gì nhiều. Chúng tôi là người cùng lớp.

- Xin cảm ơn bạn đã an ủi "vợ tôI" trong lúc tôi đi vắng.- Raymond cố nói với giọng tự nhiên.

- Không có chi! - Bền lắp bắp vài ba câu không suông sẻ.

Raymong mới Bền ngồi. Một bữa tiệc nhỏ gồm có champagne và thức nhắm nguội được bày ra để Raymong thết kẻ đã "an ủi" vợ mình trong lúc mình đi vắng.

Ngồi chạm cốc với tình nhân cũ và tình địch mới mà Bền nghe như ngồi trên bàn chhông. Bền nhấp nhỏm không biết người ta lừa mình vàocái bẫy êm dịu nào, nhưng dân Nam kỳ lá gan to bằng cái thúng, sợ chi ai, nên cứ ngồi lì và rượu tì tì. Rượu vào lời ra. Bền rất hùng hồn. Bền khen ngợi Madeleine như một nhân vật thần kỳ của tiểu thuyết. Nào là can đảm, nào là thủy chung v.v.. lại còn đẹp như ...Jeanne d'Arc...

- Bạn sẽ rất hạnh phúc khi có một người như Mad làm vợ !

- Cảm ơn bạn! Chúng ta hãy chạm cốc chúc mừng nhau và cùng khen ngợi vợ tôi !

Mad cũng đáp lời rất văn hoa:

- Nếu trên đời tôi và chồng tôi có một người bạn quý giá nhất thì đó là Bền . Bền là một người có tài. Ba má tôi bảo thế. Nếu Raymond sang đây chậm tí nữa thì Bền sẽ là chồng tôi . Phải không Bền?

- Cảm ơn Mad đã cho tôi một giá trị lớn mà tôi không có! - Bền đáp gượng.

Raymond chen vào:

- Xin bạn chớ quá khiêm tốn. Tôi đã nghe bố vợ tôi kể laị rằng báo chí thể thao xứ nầy đã cho bạn là một trung phong trẻ tuổi nhất và có hy vọng nhất của làng bóng Nam Kỳ. Ở xứ tôi, người nào đứng ở vị trí của bạn sẽ có ít nhất năm bảy chục thiếu nữ xinh đẹp xin được nâng khăn sửa túi sau một chiến thắng vinh quang như vậy.

Mad dẫu môi:

- Vậy anh Bền nên đi sang Pháp mà sống, Bền ạ!

Raymond hùng biện:

- Vừa rồi trung phong Martin của đội bóng quốc gia đá một phát gỡ hoà 1-1 với đội Ðức làm toàn dân Paris nở mặt nở mày, vì không phaỉ mang nhục cõng con zéro trên lưng taị sân nhà. Sau trận đấu, em biết có bao nhiêu thư của các demoiselles gởi tới xin làm vợ chàng ta không ?

- Bao nhiêu ?

- Em đoán thử coi nào ?

- Năm, bảy cô sứt tay gãy gọng là cùng chớ gì nữa ?

- Xí! Năm trăm cô ! Trong đó có hai trăm mười bảy cô là nữ sinh nheo nhẻo. Báo chí tổng kết như vậy.

- Vậy thì anh nên tập đá bóng đi- Mad ngả đầu vào vai Raymong - Mà dù anh có đá vô gôn Ðức một chục quả, anh cũng chưa chắc được một bức thư của em đâu nhá!

Buổi tiệc vưi vẻ, thân mật, đầy vẻ văn minh, văn hoá, văn nghệ, ít nhất là bề ngoài.

Xong phần rượu đến phần nhảy đầm. Raymond bảo vợ:

- Em nhảy với anh ấy vài bài đi !

Mad ngoan ngoản đứng dậy kéo tay Bền , trách yêu Raymond:

- Ðáng lẽ ra anh ấy phải mời em chứ. Sao anh bắt em phải mời ảnh ?

- Anh biết! Nhưng đây là buổi tiệc đặc biệt. Cái gì cũng đặc biệt!

Bền đã hiểu thêm nền văn hoá của nước mẹ: đàn bà trên hết. Nhất vợ nhì trời.

Lần đó tưởng Mad đã không cho Bền hưởng cái ân huệ cuối cùng, nhưng rồi ngay sau đó Mad lại cho Bền cái Bền vừa đòi mà không được. Và lại cũng ở đây hôm nay, với những bản nhạc du dương quen thuộc, nghe hát là xúc động xuân tình, Bền lại ôm nàng tiên trong tay trước mặt tình địch. Rồi cũng ở đây, Bền nghe hai vợ chồng chưa cưới Madeleine-Raymond tán tỉnh mình như một người bạn hiếm có.

Tiễn Bền ra tận ngõ, Raymond bắt tay Bền thật chặt:

- Khi nào rỗi, bạn cứ tự nhiên đến chơi. Lúc nào tôi đi vắng, bạn cứ đến an ủi vợ tôi. Hãy coi chúng tôi là bạn, rất bạn!

Mad cũng tô bồi thêm tình bạn của ba người bằng mấy câu văn hoa và chấm dứt bằng một cái hôn nửa tình nhân nửa bạn trai làm cho Raymond suýt nổi cơn ba đình, nhưng nền văn minh trống trải của mẫu quốc có nói rằng :" Không nên đánh một người đàn bà dù với một cành hoa" . Huống hồ gì nổi giận hoặc gây sự với đàn bà.

Bền vừa ra ngoài vài bước, quay lại thì cánh cửa sắt nặng nề đã khép. Qua song sắt thưa, Bền thấy họ âu yếm nhau dưới tàn một cây Palmier, nơi mà hôm qua Bền ép nàng vào đó đến nghẹt thở và nàng đã rên lên:

- Em muốn có với anh một đứa con !

Bền đi lững thững trên đường . Ðèn đã bật lên từ lâu. Bền không biết đi đâu . Sực nhớ rằng lớp học Ăng lê đã mở cửa. Nhìn vào trường đèn đuốc sáng choang. Thì cứ vào ngồi, còn nghe hay không thì chuyện đó tính sau, Bền tự nhủ . Nhưng vừ đến dốc đá ong thì bị một chiếc xe đạp nữa đụng bánh vào chân đau điếng.

Bền quay lại :"Liễu!", Bền nắm bánh xe chắc cứng và bật ra tiếng nói như máy:

- I love you

Liễu cũng đáp lại như ....tia chớp:

- I don't

- You are lovely

- I'm not
- Liễu à, em không yêu anh thiệt sao ?

Liễu đáp bằng tiếng Pháp:

- Nơi tôi đứng, tôi chỉ muốn đứng một mình...- Cái câu mà Liễu đã dùng trong lá thư "thay mắt" Emilie gởi cho Minh hôm naò.

- Trong lòng anh, em là người duy nhất.

Liễu cười nhạt rồi vùng vằng bỏ đi nhưng bàn tay của cầu thủ vẫn nắm chặt bánh xe chưa chịu buông tha:

- Em nói đi. Chỉ một tiếng thôi, rồi em sẽ thấy anh...như thế nào. Yêu hay không?

Liễu lắc và nói tiếp, giọng hờn mát:

- Trong buổi dạ tiệc anh đâu thèm ngó tới ai mà bây giờ anh nói vậy ?

- Anh đã nói vớ em rằng anh với nó chỉ là bạn ca hát thôi. Nó mê đá bóng nên nó làm như thế chứ nó có gì với anh đâu! Nào Jeanne d'Arc yêu quý của anh ! Anh sẽ về Domrémy chăn cừu với em nhé . Jeanne d'Arc, em đừng làm thinh nữa.

Bền vò đầu bức tóc:

- Khổ quá! Nếu không tin thì hãy theo anh sang nhà con Mad ngay bây giờ, xem thằng chồng nó vừa sang kìa.

- Em không đi đâu hết ! Buông em ra để trễ giờ học.

- Không buông !

- Chị Mi tới thấy thế này về méc ba em đánh đòn...!- Liễu vùng vằng đi thẳng.

Bền đứng ngó theo mút mắt. Bây giờ Bền mới thấy ai nói với mình:" Mày không yêu con Liễu sau này sẽ hận " là đúng!

Nếu thằng Raymond cưới con Mad thì cái tai lợn sẽ bị ai cắt ? Nó đâu có màng. Cái tai có mất thì nó còn nguyên cả cái đầu. Dù có bị xẻo tai , nhưng đầu lợn vẫn còn là đầu lợn, chớ có là đầu gì khác mà lo.

Ngồi trong lớp Bền cứ bàng hoàng về màn kịch bên nhà Madeleine. Một cú riđô 1 bất ngờ mà Bền không tưởng tượng nổi. Thằng tình địch đã biệt tăm nay lại lù lù vác xàc đến và cuỗm ngang trái tim của Mad từ tay chàng. Nhưng nghĩ cho cùng thì chính Bền là kẻ đoạt nó từ tay Raymond. Thôi thì của thiên trả địa. Mình cũng có mất gì nào ? Mấy lần Bền được Mad đưa tới thăm cặp René-Hélène để chứng minh mối tình Pháp Việt cũng hạnh phúc như Thiên Thai, thì Mad nào có biết René đã rỉ tai Bền những câu gì. Chỉ nghe một câu thôi chàng trung phong tài hoa cũng đã choáng váng. Hai câu là cho Bền sựng lại. Ba câu, Bền lắc lư. Trong lúc Mad tưởng rằng sự thăm viếng đó củng cố thêm tình yêu của Bền đối với nàng, thì ngược lại, mối tình của hai người lại bắt đầu lung lay. Nhưng Bền đã tiến vào vòng lửa quá xa, dấn thân vào thêm nữa thì bị thiêu rụi tóc, còn lùi ra thì cũng đã nám mặt, nhưng không có đường lùi. Cho nên Bền cứ như cây kim bị hút vào khối nam châm vĩ đại Madeleine.

Bỗng đâu cơ hội bất ngờ. Raymond đến như một cứu tinh của Bền . Rất may là Mad còn giữ tình cảm với hắn. Dù sao thì tiếng "Anh yêu em" thốt ra từ miệng của một gã người Pháp đối với nàng vẫn du dương hơn là từ miệng chàng Annamite như Bền . Bây giờ thì bà mẹ Mad sẽ trở đầu lưỡi lại:" Một kẻ vô học chánh quốc còn hơn một tên Annamite có học !"


--------------------------------

1

Rideau: tấm màn. Coup de rideau: cú buông màn ngoạn mục

Chương 13

Ngọn đèn dầu u toả ánh sáng vừa đủ trong gian nhà ngang. Ông Hương nằm trên võng, chiếc võng đan bằng vải vụn té ra từ những chiếc áo dài may mướn của bà Hương và con gái bà. Người trong xóm thường đến nhà ông chơi để hỏi thăm về thời tiết , mùa màng, giống lúa hoặc chuyện láng giềng, gả cưới, vay mượn v.v... Ông Hương Thân còn biết những bài thuốc truyền miệng rất thần hiệu thường phổ biến cho bà con. Trước đây ông có bày cho chị Năm Gừng một "bài thuốc" rất rẻ tiền mà đã thay đổi cả cuộc đời của chị. Số là chị Năm có chồng đã ba năm mà không có con. Bên chồng chị rất bất bình "đàn bà là để đẻ con, đàn bà gì lại không đẻ?" Anh Năm thì không nói gì, anh tin ở mạng trời. Trời cho thì có, trời không cho thì không. Trời không cho anh có con nối dòng.

Ông Hương bảo:"Cháu đi kiếm cái trứng ngỗng đem về để cho ung rồi lưộc ăn. Ăn ba trứng sẽ đẻ một bầy nhóc cho mà coi. Chừng đó lại khóc mếu đổ thừa tại tao, tao không biết thuốc ngưng đẻ đó". Chị Năm về thuật lại chồng. Anh Năm không tin nhưng vẫn đi tìm trứng ngỗng cho vợ luộc ăn . Quả nhiên mấy tháng sau chị Năm vác cái bụng bin rỉn đến với chồng đền ơn ông Hương bằng một buồng chuối già hương. Bây giờ chị Năm có ba đứa và đang mang bầu.

Bữa nay nhà ông Hương sắp có đám tiệc, bà con đến để làm giúp. Ðó là lệ thường của thôn quê Việt Nam , không riêng ở vùng nào.

Sắp ra về thì ông Nhì hỏi ông Hương:

- Tôi đọc Tam Quốc đã lâu nhưng không hiểu tại sao lại có cái trận Xích Bích. Anh Hương có rành thì nói nghe chơi. Bây giờ còn sớm, bà con có về nhà cũng chưa ngủ được. Còn mấy chú đục vô mùng rọ rạy rồi "sanh chuyện" chớ chẳng ích chi!

Ông Hương làm Hương Thân trong làng đã nghỉ việc từ lâu, còn ông Nhì là em ruột của ông. Hai anh em ở giáp ranh đất và đều đọc truyệng Tàu từ thuở nhỏ.

Nghe hỏi trúng tủ, ông Hương đáp ngay , không phải suy nghĩ. Truyện Tàu nằm sấp lớp trong bụng ông như cơm trong nồi, muốn xúc chừng nào cũng có. Ông nói:

- Sở dĩ có cái tên Xích Bích vì đó là một địa danh cho nên truyện chép là Trận Xích Bíc . Nhưng một số thi văn thì lại cho rằng ngọn lửa quá lớn làm cho những vách núi trong vùng bị nung đỏ, bây giờ hãy cò dấu vết xưa ở đó. Xích là đỏ, Bích là vách, tường . Xích Bích là tường đỏ. Hai lẽ đó, không rõ lẽ nào. Mình là kẻ hậu sanh thì chỉ đọc sử sách chớ làm sao thấy sự thực được. Sách nhiều đến đời mình không đọc hết ! Riêng tôi chỉ biết có vậy thôi. Nhưng chú thử nói coi ai đánh trận Xích Bích nè ! - Ông Hương hỏi ngược lại ông Nhì.

- Thì Châu Do chớ còn ai nữa anh!

Ông Hương đưa một tay nắm mép võng, ngồi bật dậy, một tay xua lia:

- Người thường như mình thì hiểu như vậy, nhưng theo lời phê phán ghi trong truyện thì không phải Châu Do đánh đâu chú ạ!

- Ðúng ra là Gia Cát Lương bày mưu - ông Nhì tiếp - Ngoài ra còn cầu gió Ðông Phong.

- Cũng có một phần nhưng không hoàn toàn như vậy !

- Vậy thì do Phụng Sồ lập kế gạt Tào Tháo.

- Phụng Sồ là kẻ bàng quang. Ðó là do bốn người đàn bà.

- Bốn người đàn bà nào to gan vậy anh ?

- Vợ và em Tôn Sách - ông Hương tiếp ngay - Trước khi lâm chung, vợ Tôn Sách có trối lại cho con là Ngô Tôn Quyền rằng thế nào Tào Tháp cũng đem quân xuống Giang Nam chinh phục nước Ngô. Con đường sống của đất nước này là liều chết chống quân rợ Bắc Ngụy. Nhưng bà sợ con quên lời trối của mình , nên dặn lại người em gái tức là dì ruột của Ngô Tôn Quyền phải nhắc nhở cháu luôn, chớ có đầu hàng bọn Bắc Ngụy, phản dân phản chúa. Ðó là hai người đàn bà nhé !

- Còn hai người đàn bà khác là ai vậy anh?

- Là hai nàng Ðại Kiều và Tiểu Kiều.

Ông Nhì ngạc nhiên hỏi:

- Hai người đàn bà khuê các này sao đánh được trận đó anh Hương ?

- Chú Nhì nó cũng biết rằng, đây là hai mỹ nhân. Ðại Kiều là vợ của Ngô Vương Tôn Quyền. Còn Tiểu Kiều là vợ của Ðô Ðốc Châu Do. Lâu nay Tào Tháp thèm thuồng hai nàng nên vừa cử đại hùng binh xuống Giang Nam lại vừa cho xây đài Ðồng Tước. Ðịnh bụng chiếm được Giang Nam sẽ bắt hai nàng nhốt trong đài Ðồng Tước để an hưởng tuổi già.

Ông Nhì bật cười:

- Té ra họ Tào cũng chết vì cái hố tí tẹp và cạn xợt của đàn bà như Ðổng Trác.

- Anh hùng hay tiểu nhân đều cũng thế thôi! -ông Hương cười khà khà rồi tiếp - Ðổng Trác, vua Trụ, vua Ðường đều y như vậy. Trận Xích Bích dài lắm, muốn nghe hết bà con phải chịu khó thức khuya.

Bà Hương vui vẻ khuyến khích chồng:

- Ông cứ nói đi, tôi sẽ đãi cho một nồi khoai lang va một ơ dừa kho. Ai có xót ruột thì ăn.

- Ừ, vậy thì được rồi, nhưng con Sương phải vô trong rương lấy quyển sách có bài "Phú Xích Bích đem ra đây cho ba.

Cô Sương là con gái út của ông bà Hương, khuê môn bất xuất. Cô dạy môn Nữ công tại gia cho các cô trong vùng lân cận. Cô học trường làng đến lớp Ba thì ở nhà học chữ Nho của ông Hương. Cô biết làm thơ Ðường và đọc được một số thì phú chữ Nho. Trong rương của ông Hương có rất nhiều sách, nhưng nghe nói đến Phú Xích Bích thì cô biết nó nằm ở quyển nào và vào lấy ra đem cho ông Hương.

Ông Nhì nói:

- Anh đọc bài đó tôi đâu có hiểu, anh Hương !

- Ðây là quyển sách nói về trận Xích Bích, có cả bản đồ. Tôi chỉ giở ra nhìn để kể cho đúng thôi. Ðể tôi trở lại từ đầu nghen!...Tào Tháo đem trăm vạn hùng binh vừa thủy quân vừa bộ binh đến bờ Bắc sông Trường Giang chuẩn bị tiến xuống phía Nam lấy đất Ngô. Ðại quân đóng dàn ra trên bờ và dưới nước khắp một bề dài là ba trăm dặm. Nghĩa là bằng từ đây lên Mỹ Tho hai mươi lần. Như thế thì rõ binh Tào mạnh như thế nào?

Rồi ông Hương kể từ đầu đến cuối. Về khuya người nghe thưa dần vì không hiểu hoặc phải về ngủ để mai đi ra đồng, rốt cuột chỉ còn có ông Nhì và cô Tư Ðèo là con gái Út của ông Nhì. Ông Hương lấy làm lạ tại sao con nhỏ không biết truyện Tam Quốc mà bữa nay lại ngồi rốn lại đây.

- Bộ mày còn thèm dừa kho hả mậy? - Bà Hương hỏi.

- Dạ cháu còn muốn nghe thêm

Tư Ðèo vừa nói vừa rón rén bước lại gần chong đèn đưa lưng bàn tay ra và hỏi ông Hương:

- Tay ...cháu nổi mụt cóc nhiều qua làm sao trị hả bác ?

Bà Hương không cần nhìn, nói ngay:

- Dễ mà cháu, bữa nào cháu mần gà, lấy cái mề, lộn ra cho sạch rồi chà lên vài lần thì nó rụng hết.

Ông Hương nằm trên võng nhìn ngang. Thấy bàn tay Tư Ðèo liền trơn thì hỏi:

- Cháu đâu có mụt cóc nào hả Ðèo ?

Ông Nhì đỡ lời:

- Nó không có đâu anh Hương !

- Vậy sao nó nhờ trị ? - Bà Hương bước tới cầm bàn tay con Ðèo lật qua lật lại xem.

Ông Nhì đáp thay con gái:

- Dạ, chẳng như vầy. Hôm bữa đám hỏi của nó, "thằng nọ" ngồi ăn cơm chung với gia đình. Nó ra vô trong bếp rội thức ăn. Ðến chừng đàng trai về, má nó hỏi nhỏ nó thấy "thằng nọ" ra làm sao? Hai mẹ con thủ thỉ với nhau, nó bèn nói a a..."Ảnh coi được, nhưng bàn tay trái ảnh có tới ba mụt cóc!"

Ông Hương bà Hương cười ngất. À, ra vậy. Bà Hương bảo:

- Con gái xét nét con trai dữ quá he !

Ông Hương cười rung cả đầu võng:

- Thì hồi trước bà cũng xét tôi như vậy chớ khác gì! - rồi ông quay lại Ðèo - Nếu chà mề gà không hết thì cháu lấy mật vịt xiêm bôi lên, nếu vẫn không hết nữa thì cắt mục cóc cho chảy máu ra, lấy chút xà bông đắp lên rồi lấy vải rịt lại chừng vài bữa thì cóc nhái gì cũng rụi mất, không ló lên nữa.

Tư Ðèo hỏi:

- Dạ cắt có đau không bác ?

- Ðau "ai" chớ đau mày sao ?- ông Nhì gắt yêu con gái.

Nhưng Tư Ðèo vẫn hỏi:

- Rồi có thẹo không bác?

- Thẹo nhỏ thôi, không ai thấy đâu - Bà Hương bảo - Con gái đời bây giờ thiệt quá lắm. Người ta ngồi ăn cơm mà dám nhìn kỹ như vậy. Hồi đám hỏi của tôi, má tôi kêu bưng trà ra, tôi sợ muốn chết, chân cứ lấp vấp, tay run làm khua tách rổn rổn, mắt không dám ngó ai! Thôi, về lấy mề ga chà nó, cháu !

- Nếu cuối cùng rịt xà bông không hết thì còn một cách nữa, không chảy máu, không có thẹo.

- Cách nào vậy bác? - Ðèo mừng quýnh hỏi ông Hương.

Bà Hương nói thay:

- Cháu chờ cho mụt cóc già, tức là nó mọc lên cao thì lấy tóc quấn nhiều vòng rồi bưộc thật chặt. Xong bỏ quên đi đừng chú ý. Lâu lâu ngó lại không thấy nữa! Nó rụng hồi nào không hay !

Ðèo mừng rỡ::

- Thiệt hả bác?

Ông Hương nói:

- Cháu về bảo nó đưa bàn tay cho mà buộc. Mà phải tóc của cháu thì mụt cóc mới mau rụng ! Còn hễ cháu có mụt cóc thì tóc nó buộc mới kết quả nhanh. Cái thứ mụt cóc coi vậy chớ cũng kén chọn dữ lắm! Hì..hì..đó là luật âm dương điều hoà!

Ông Nhì còn ở nán lại hỏi thăm mấy vị thuốc Nam. Ông nhắc lại vợ con Năm Gừng ăn trứng ngỗng rồi đẻ cả bầy. Ông Hương nói:

- Ðó là bài thuốc không tốn tiền cũng không mất công thầy thuốc nhưng mà thiệt hiệu nghiệm. Tôi không biết của ai truyền cho, nhưng hồi thuở nhỏ tôi nghe lén của bà nội rồi nhớ suốt mấy chục năm không nói với ai, vì không biết ai cần chớ không phải làm hiểm.

Ông Nhì tiếp:

- Trong làng mình có bà Hương Sư Gìn hồi còn trẻ cũng không sanh sản gì. Bà già chồng giàu có, muốn có cháu nội để ăn của mà chờ hoài không lú ra. Bà rước thầy pháp đến trấn yểm gốc cây nầy, treo bùa khu vực nọ, thậm chí giăng cờ giăng quạt bốn góc giường con dâu. Rồi vẽ bùa trên lưng con dâu nữa. Tốn biết bao nhiêu tiền gạo mà cái bụng con dâu vẫn không phình lên cho!

Bà Hương ngắt ngang:

- Không biết gặp thầy nào chớ thầy Hai thì thầy vẽ bùa trên lưng bịnh nhơn bằng lưỡi đó !

Cả nhà cùng cười. Ông Nhì tiếp:

- Bà Hương Sư bị ếm riết , ba bốn năm lền mới đẻ được một đứa nhỏ, to bằng bắp tay, nhưng chỉ nuôi được hai ba ngày thì chết. Năm sau lại đẻ, cũng chỉ vài ngày là chôn. Người ta đồn đó là con ranh, con lộn . Chôn dập nó mà không trấn bùa ngải thì nó trở lại ngay. Thằng sau cũng chính là thằng trước. Bà già chồng lại đi chùa, cầu Trời khẩn Phật. Thậm chí đem vòng vàng quăng ra đường bố thí, nhưng cũng không ăn thua. Rồi không biết ai bày cho, bà đi bắt đỉa trâu, lựa con nào con nấy thật mập, đựng một mo đài, bà lén cả nhà, không cho ai biết, bà bắc nước sôi trụn và cạo thật kỹ. Con nào con nấy trắng tươi như con bánh canh. Rồi bà bằm thịt nạc vò viên, nấu bánh canh, thả đỉa vô, hầm thật rệu. Con dâu tưởng là bánh canh thiệt chớ nào biết đỉa trâu nằm lẫn trong đó...Nếu biết chắc nó nuốt không vô!

- Rồi sao ? - Bà Hương hỏi.

- Sau đó ít lâu bà ta có cả bầy cháu lớp trai, lớp gái chớ sao nữa chị !

-"Bài thuốc đỉa trâu" thật hay ha ! Vậy mà lâu nay chú Nhì kín miệng không nói ra.

- Trứng ngỗng cũng hiệu nghiệm vậy rồi, ba con đỉa trâu tung ra ích gì ?

- Ðỉa trâu hay hơn chứ chú! Vì nó trị được cả hai chứng : không đẻ và đẻ con ranh Tôi mới biết được một bài thuốc trị bệnh suyễn hay lắm- ông Hương tiếp - Nó chỉ gồm năm loại rễ cây: rễ chanh, đinh lăng, cóc kèn, rễ tranh, rễ mây vóc Nhưng thời buổi văn minh này không mấy ai để ý tới nữa. Hồi trước ông bà mình không biết thuốc Tây mà cả đời tôi , ở xóm nầy tôi không thấy ai đi nhà thương. Có bịnh chỉ một nồi xông là khỏi. Nặng lắm, mời ông thầy Chệt là cùng.

Thấy trời đã khuya, ông Nhì đứng dậy kiếu từ.

- Chú có rảnh, hôm đó qua chưng dọn giùm nhà cửa tôi chút !- ông Hương dặn vói theo.

- Ðàng trai đã hẹn ngày rồi hả anh ? -ông Nhì bước qua ngạch cửa còn quay lại hỏi ông Hương .

- Họ đã coi ngày và vừa cho tôi biết.

- Tôi tưởng còn lâu.

- Ðám hỏi xong một tháng đám cưới luông. Bên đàng trai coi bộ rấp nhíu. Tôi cũng chiều ý người ta.

- Ổng già rồi nên muốn có cháu nội sớm để ẳm bồng ! -ông Nhì nói xong trở lại bộ ván ngồi bàn góp.

Cô Sương đang nằm trong buồng tẩn mẩn nghiên cứu bài Phú Xích Bích gặp nhiều chỗ khó, cô bước ra định hỏi ông già nhưng vừa tới cửa nghe câu chuyện bên ngoài. Cô dừng lại lắng tai, biết ba má đã đồng ý cho "người ta" đến xem mắt cô.

Cô nghe lén mà biết thôi chớ chưa bao giờ ba má cho cô hay chánh thức. Chuyện hôn nhơn cha mẹ đặt đâu ngồi đó. (Mấy ai dám cãi lại luân lý). Ít lâu nay cô cũng đoán như vậy nhưng không biết là ngày nào "người ta" sẽ đến. Và cô cũng giữ vẻ bình thản như không hay chuyện gì hết .

Ý nghĩ "người ta đến xem mắt mình" làm cô ngượng chín người. Cô thấy hân hoan và cũng có chút chờ đợi nhưng không để lộ ra ngoài. Chỉ vui thầm trong bụng mà thôi.

Sinh hoạt trong gia đình hình như cũng khác trước. Sự thực ra thì cô chỉ cảm thấy như vậy, chứ cũng bấy nhiêu người trong nhà, bấy nhiêu việc làm đó, ngày giống ngày dưới mái ngói xưa cũ này, chớ có gì thay đổi đâu.

Cô xếp sách cất trong rương và đi ra sau bếp. Khi bước qua cửa buồng cô vẫn còn nghe tiếng bàn bạc. Cô dừng lại nghe tiếp. Bà Hương hỏi:

- Bữa đó đãi người ta món cua biển xào dấm được không,ông ?

- Bà muốn làm món gì thì làm, nhớ đừng có để ăn rồi người ta chê là đàng gái không biết nấu cơm.

- Cua biển xào dấm pha nước đường khuấy bột nêm lá rau cần Tàu thì làng này chỉ có ông Hội Ðồng mới ăn nổi thôi đó nghen ông !

- Sao lại đãi cua xào dấm mà không thịt hầm ra gu ?

- Vì nhà sẵn có dấm thanh nuôi bằng nước dừa xiêm, pha đường cát cả keo đầy ông à !

Ông Hương lắc đầu:

- Không nên ! Vì hai lẽ. Ăn cua nhai rôm rốp, người ngoài nghe tưởng suôi trai suôi gái cãi lộn. Hoặc rủi bên trai có người răng yếu rồi làm sao ?

Ông Nhì cười:

- Vậy thì chị nên đãi món cá khoai nấu cháo dừa. Món này ăn khỏi nhai. Xong, tới tráng miệng mình đãi bánh lọt. Hai món này dẫu không còn răng ăn cũng dễ dàng. Cứ húp là nó chạy tuốt.

Cả nhà cùng cười. Cô Sương cũng cười theo rồi đi xuống bếp.

Xuống bếp để làm gì cô cũng không rõ. Cô cứ cầm món này lên, để xuống rồi lấy món khác, nhưng không làm hẳn một việc gì, tay không yên được.

Cô nhìn ra mé ruộng. Ngọn đuốc của ai quơ quơ chập chờn đỏ nghế ! Chắc mấy người đi soi cá về. Họ đang hò đối đáp chọc ghẹo nhau. Mấy câu đầu bị gió thổi tan đi, nhưng khi họ vào gần nhà thì cô nghe rõ từng tiếng và cô có thể đoán ra giọng của ai:

Anh chê em ốm mà lại lưng tôm

Anh đi tìm người mập anh ôm cho thoả lòng

Tiếng cười rộ lên rồi tiếng la hét loạn xạ hưởng ứng. Những câu như vậy cô thường nghe vào mùa cấy, mùa gặt hoặc ở sân đạp lúa. Có những câu còn "ác" hơn nữa kia nhưng cô không chút xúc động, còn bữa nay không hiểu sao nghe họ chọc ghẹo nhau , cô lại thấy mặt nóng bừng. Phải chăng vì bếp lửa nấu khoai lang còn rực than củi dừa ?

Ðám người đi soi cá đi qua hè nhà. Cô Sương gọi:

- Có cá mắm gì không cho tôi mua ít con, bà con!

Bên ngoài đáp lại:

- Có cá chớ không có mắm!

- Mua nhiều con mới bán chớ mua ít con không bán !

Cô Sương mở cửa. Hai ba đứa trẻ quần áo ướt mem, ném đuốc bỏ nơm bên ngoài. Ðứa nào đứa nấy môi tím ngắt. Thằng Tích chìa cái giỏ, gìở hom ra. Cô Sương soi đèn vào và la lên:

- Gần đầy giỏ. Cá ở đâu mà bây bắt nhiều dữ vậy ?

Thằng Tích cười hề hề:

- Cá cua tôm ếch nhái rắn lươn mà gặp cháu thì kể như "bà hú" nghe cô!

- Bộ tay mầy có phép hả Tích ?

- Cháu mà thọc xuống nước giơ tay lên là một bên hai con cá lóc ba con rô, còn bên kia là một cặp trê vàng trê trắng, còn mỗi kẽ tay là kẹp một con...

- Thôi mày ơi! Láo vừa vừa vậy !- Thằng Tư Cồ gạt phắt.

- Cá chạch cũng không trốn khỏi tay cháu - Thằng Tích bị chận còn nói bừa .

Cô Sương khêu đèn lên, bảo:

- Mày bắt cặp cá lóc kia cho cô!

- Còn gì nữa cô Bảy ?

- Thôi, bấy nhiêu đủ rồi. Mai mua thêm.

Thằng Tích bắt hai con cá bỏ vô việm để sẵn ở góc bếp. Cô Sương đậy nắp lại. Thằng Tích lại chìa giỏ:

- Còn con trê trắng bắt nấu cháo đậu xanh nước cốt dừa luôn đi cô !

Bỗng cô Sương kêu lên:

- Trời đất, mày chém nó sao mà đứt mình vậy Tích ?

- Nó chém cháu trước. Nhức muốn la làng. Cháu mới nổi giận chém nó đó chớ. Không chém dễ dầu gì bắt được nó.

Cô Sương đưa tay ra dấu bảo im rồi nói nhỏ:

- Má cô theo đạo Phật mày không biết hả Tích ?

- Dạ biết chớ. Cháu bán núm rơm núm mối cho bà ăn chay hoài mà!

- Ðậy hom giỏ lại đó. Ðể bà xuống bà thấy bà hổng chịu mua của mày đó.

- Tại sao vậy cô?

- Bà không ưa tay sát sanh hại vật của mày chớ sao . Ðến đổi đóng đinh bà cũng sợ đau thân cây huống gì mày chém đứt mình con cá.

Thằng Tích cười:

- Cháu chém nó thì bà không chịu. Còn nó chém cháu thì sao ? Ngạnh cá trên trắng có nọc như cựa gà đó cô ơi! Cháu thù nó tự nãy giờ. Cô không mua cháu đem về nhà trút giỏ ra sân cho nó lóc rồi cháu xách củi gộc nện cho đã tay.

Thấy lũ trẻ sắp ra về, cô Sương hỏi:

- Hồi nãy ai hò vậy Tích ?

- Chị Hai Ròm với anh Năm Lùn.

- Bộ hai người đó chưa xáp hả ?

- Chịu đèn rồi mà còn làm bộ hò mùi nhau. Anh Năm Lùn bị tụi cháu chọc: "Ví dầu chồng thấp vợ cao; "Bẻ dừa" không tới lấy sào mà quơ " nên ảnh mắc cở cứ dạt ra hoài ...Cho nên chị Hai mới trách như vậy đó. Ảnh chỉ sợ vô đèn trông rõ mặt nhau nên không ghé bán cá cho cô.

Cô Sương đẩy đưa:

- Cặp đó xứng quá rồi, còn đèo bòng gì nữa ?

Bọn thằng Tích sắp đi ra, cô Sương nói vói theo, giọng ngọt hơn tự nãy giờ:

- Cháu về ngang nhà ông Hai Tú cháu làm ơn réo ổng giùm cô. Nói mai lại móc cái gốc u nghe ! Ðừng quên !

- Dạ, cháu không quên đâu. Cháu biết móc gốc u lấy củi chắc hầm thịt...vì nhà sắp có đám...gì, phải không cô ?

- Mày lẻo mép lắm nghe Tích! Ðám gì ?

- Ðám gì hổng biết nhưng má cháu cũng tới để phụ giúp ông bà. Cô có cần bẻ dừa xiêm cho khách uống nước thì có cháu đây! Rột cái là hạ xuống nguyên buồng.

- Ðám giỗ đấy. Cái thằng! Ai nói với mày vậy hả Tích! - Cô Sương đứng ở bẹ cửa nói giỡn với bọn con nít mà nghe rất vui thích trong lòng - Mai tụi bay có soi được cá, ghé cô mua thêm nghen !

Thằng Tư Cồ nói:

- Mai cháu tới cữ "ghét" , chắc không đi "ga guộng" được cô à !

- Mày "ghét" mà cữ "gồi" à ? - Cô Sương quen giọng nói đớt của thằng Tư Cồ nên hiểu ngay và trêu nó.

- Ngày ghét ngày thương - thằng Tích nói hớt - Hết thương tới ghét !

- Rồi có uống thuốc không ?

- Có thuốc phát lãnh trong tiệm Chệt nhưng tới cữ cứ "gun" như thằn lằn đứt đuôi.

Cô Sương vụt ngó lên dạ kèo, trỏ chú thằn lằn đang bò đớp con mối cánh , bảo:

- Mày bắt nó, gói trong giẻ rồi buộc cổ tay trái bảy ngày là hết "gun"

- Sao kỳ vậy cô ?

- Ðó là thuốc trị "ghét" . Mà phải nhớ buộc lên cườm tay trái mới trúng.

- Chớ bên tay mặt không được sao cô ?

- Nam tả, nữ hữu. Nam thất nữ cửu Con trai buộc bên trái, con gái buộc bên phải. Con trai buộc bảy ngày, con gái phải chín ngày thì mới hết.

- Tiệt nọc không cô ?

- Tiệt.

- Nếu vậy cháu sẽ đền ơn cô cặp cá "gô" !

- Cặp cá "gô" bỏ trong "gổ" nó quậy "gồ gồ", bỏ trong "gộng" thì nó nhảy "gột gẹt", còn bỏ trong lu thì nó quậy "gổn gảng" ..- cô Sương pha trò.

Cô Sương đứng ngó theo ánh đèn của đám trẻ và dõi theo chân chúng lội trong bùn nhão đến hết nghe mới quay vô. Cái gì đối với cô sao cũng vui hơn ngày thường.

Cô vào buồng cầm sách lên lẩm nhẩm tiếp bài Phú Xích Bích , nhưng chữ nghĩa bữa nay sao lắm nét "liễu leo " , nét " lưỡi mác" , lộn xộn hơn mọi lần, không ăn vô mắt nữa. Cô xếp sách ngó lên nóc mùng. Màu trắng làm tâm trí cô thơ thới, cô nghĩ tới cái gì mênh mông trong sạch và thơm tho như mây, như tà áo, như bông bưởi, bông cau. Hình như buồng cau ngoài hiên đã trổ. Hàng cau tơ ngoài mé mương đã có nhiều buồng. Mấy đám cưới trong xóm liên tiếp gần đây đã đến xin để xây mâm trầu. Rồi cô nghĩ đến đám cưới của con Ðèo đã gần kề mà nao nao trong lòng.

Cô thầm nhủ:Cau tốt trái trong vườn còn nhiều, đâu phải chỉ có hàng cau này. Rồi cô ngủ thiếp đi trong giấc mơ êm đềm không có hình dáng ai rõ nét.

Con chim chìa vôi hót líu lo báo hiệu buổi sáng, đánh thức cô dậy. Vài tia nắng hồng lọt qua kẽ ván len vào làm rung rinh vách mùng như những ngón tay lạ bỡ ngỡ. Như đã dự định, cô chỗi dậy chải tóc kẹp rồi soạn đồ đạc trong tủ ra phơi. Những quần lụa áo nhiễu đâu hồi thời cố lỉ cố lai nào bị cất vào đây không có dịp xài nữa, hôm nay được bàn tay cô chủ tái sanh cho thấy mặt trời.

Bỗng cô bắt gặp một chiếc gói nhỏ nằm lép ở ngăn trên cùng. Dù không mở ra, cô biết vật gì trong đó. Nếu không phải hôm nay thì cô không có dịp động tới nó. Cô cầm lên tay thì nghe dịu nhiễu và nặng nặng. Cô đặt chiếc gói lên giường và mở ra . Màu lụa hồng tươi làm mát mắt cô. Cô cầm lấy xổ ra, giơ lên. Dải lụa chấm đất, thân lụa dịu dàng ẻo lả như vóc ngọc của mỹ nhân.

Bất giác cô Sương choàng qua vai rồi nhích bước đến gương soi. Cô giật mình thấy trong gương một tiểu thư thiệt xinh đẹp, đôi má ửng lên vì màu lụa đào hay vì thẹn. Cô quay ra rồi đi thẳng xuống bếp hỏi mẹ:

- Má ơi, tấm lụa này ở đâu vậy má ?

Bà Hương không nhìn, nói ngay:

- Của ba mày mua dưới ghe Chà Châu Giang hồi nẳm, lúa hai cắc một giạ mà giá mười giạ lúa đó con.

- Sao mắc dữ vậy má ?

- Thì của qúy nó mắc chớ sao con. Từ đó tới giờ ba má cũng để ý tìm mua, hễ có ghe Chà lại chợ thì má hỏi nhưng không thấy loại lụa này nữa !

Bà Hương lau tay rồi cầm tấm lụa căng ra, bảo:

- Con xem đây này, lụa người ta dệt hình, dệt chữ, chớ không phải lụa mình trơn như lụa bán trong tiệm chợ mình.

- Lụa bán trong tiệm cũng có hình chớ má !

- Có hình nhưng là hình bông hoa chớ hình và chữ không có ý nghĩa như tấm lụa này. Ba con mua về chỉ cho má xem. Người thường không biết được đâu. Con phải nhìn nghiêng nghiêng thì mới thấy hình với chữ nổi lên. Ðó, thấy chưa? Ðây là hình con chim Loan . Ðối diện là con chim Phượng . Loan là chim mái. Phượng là chim trống. Loan Phượng là loại chim quý, chim linh.

- Viết vầy nè má ! -cô Sương viết trên không - Hai chữ đó ba dạy cho con từ lâu! Quân Sư Phượng Sồ trong trầng Xích Bích là chữa Phượng nầy. Tức là người hiền tài hoặc là con chim phượng còn nhỏ đó mà.

Bà Hương gật đầu:

- Má chỉ nghe ba con nói rồi nhớ bụng chớ má không biết viết! - Bà Hương tiếp - Con thấy hai con chim Loan Phượng đâu mỏ với nhau không?

- Dạ thấy. Loan bên phải. Phượng bên trái.

- Do đó mà trong nhà có đám cưới người ta thường treo bốn chữ " Loan Phượng Hoà Minh ", tức là đôi chim đồng cất chung tiếng hót. Ý là vợ chồng thuận hoà.

Bà Hương lại tiếp:

- Còn ở dưới đôi chim có bốn chữ nhỏ nghĩa gì má quên rồi. Chắc là:" Sắc Cầm Hảo Hiệp " như người ta viết câu đối cho đám cưới.

Cô Sương nghiêng tấm lụa ra mặt trời và nói:

- Không phải đâu má à !

- Ðể tao hỏi ba mày !

Bà Hương định đi lên nhà trên tìm ông Hương, nhưng cô Sương nói:

- Con đọc ra rồi má à !

- Chữ gì ?

-" Vân Trình Vạn Lý " má à !

- Nghĩa là sao ?

- Dạ nghĩa là...Rồng gặp mây bay ngàn dặm.

Ông Hương nghe hai mẹ con trò chuyện bèn xuống góp thêm về gốc gác tấm lụa.

- Người chủ ghe có ba tấm lụa cùng dệt một lối chữ ngầm, mỗi tấm đều mang hai chữ "Loan Phượng" ở vế trước, nhưng vế sau thì khác nhau:

Tấm thứ nhứt: "Loan Phượng Hoà Minh, Sắc Cầm Hảo Hiệp"

Tấm thứ hai: " Loan Phượng Tề Phi, Vân Trình Vạn Lý"

Tấm thứ ba: " Loan Phượng Vu Phi, Vân Long Phong Hổ "

Ý câu thứ nhất thì ai cũng hiểu rồi. Ý câu thứ hai là khi trai gái thành vợ chồng như đôi chim bay xa vạn dặm. Ý câu thứ ba là khi nên vợ chồng thì vợ giúp người chồng sẽ làm nên nghiệp lớn. Như mây báo hiệu rồng xuất hiện, gió cho biết cọp sắp đến. Ðó là câu chữ của thời xưa phò vua giúp nước chớ bây giờ vua đâu còn, nước đã mất, rồng cọp đều nằm cò queo nên người ta không xài câu đó nữa. Do đó ba mua tấm thứ hai. Ý ba là khi gả con thì con sẽ giúp chồng con tiến thủ trên đường đời, như rồng gặp mây bay ngàn dặm vậy.

Những chữ đó cô cũng hiểu, nhưng nghe ông Hương giải nghĩa, cô vui nức trong lòng, mắt chăm chú nhìn hình và chữ trên tấm lụa. Ông Hương tiếp:

- Mình lụa này ba ít thấy ở miệt mình. Có lẽ đây là lụa trên Tân Châu Hồng Ngự hoặc ở Nam Vang gì đó. Coi đây này, con xếp nó lại cất trong tủ mất mấy năm liền mà mở ra vẫn không có lằng, cho nên trước khi treo lên con không phải ủi như các thứ lụa khác.

Bà Hương đưa lên mũi hít hít và bảo:

- Ông thử xem, không có mùi mốc !

Rồi bà bảo cô Sương đem tấm lụa ra chỗ nắng trải vắt qua hai ngọn cây kiểng hình rồng phượng ở sân nhà ngang và ngồi trông chừng. Màu lụa đào ửng trên má nàng trinh nữ sắp về nhà chồng như một lớp phấn hồng.

Mấy người đàn bà con gái lối xóm tới tiếp tay sửa soạn đám tiệc với ông bà Hương, ai thấy tấm lụa cũng trầm trồ. Bà Nhì nói:

- Cháu Sương về nhà chồng đem theo tấm lụa này cũng đủ làm của hồi môn rồi. Cả người lẫn của đều đẹp. Tôi chờ ghe Chà tới mua cho con Ðèo tôi một tấm.

Cô Sương thẹn thùng bước lui vào buồng, nhưng chốc chốc lại kê mắt vào kẽ ván nhìn tấm lụa mơn mởn lung linh rung rinh giữa nắng đào.

Chương 14

Xách va ly xuống dốc Minh mới biết cảnh trường buồn bã dường nào, vì không có học sinh. Victor Hugo có viết một câu thơ xã hội rất hay:

Ngôi nhà không trẻ nít như chiếc lồng không chim

Thì bây giờ đây, Minh cũng có thể nói:

Nhà trường không học trò như chiếc lồng lớn không chim

Lá rụng phủ đầy mặt sân, không dấu chổi quét của lão già cựu chiến binh. Các lớp học đóng cửa im ỉm, không một bóng thầy trò. Minh sẽ khóc thét lên nếu không có thầy Xuỵt hiện ra. Mọi ngày thì thầy trò gờm nhau, nhưng bây giờ thì không còn cách biệt. Thầy Xuỵt ôm choàng lấy Minh như người thân đi xa mới về:

- Sao, đậu chớ mậy ?

- Dạ, "mention bien" thầy ạ !

- Vậy là giỏi rồi. Miễn đậu thì thôi, mention gì cũng được. Còn mấy thằng kia ?

- Dạ Lạc Phi Lô, Thanh, Tartuffe đều đậu.

- Vậy thì năm nay trường mình nổi danh như cồn.

Thầy Xuỵt dắt Minh vào, mở cửa phòng ngủ , bảo:

- Tao biết nhà mày ở xa, bây giờ không còn xe tàu gì ngoài bến! Ở đây ngủ một đêm với tao cho vui.

- Bộ thầy không về thăm nhà sao thầy ?

- Tao chỉ về vài ngày rồi trở lại. Trường lớp không ai coi trong hai tháng bãi trường, ông Ðốc muốn tao xem sóc giùm. Thằng Bồi Ðông với ông già chui rúc đằng sau không mấy khi tao gặp mặt.

Thầy bật đèn. Minh nhìn suốt phòng ngủ. Giường vạt xẹo xọ xếu mếu, không ngay hàng thẳng lối, cái nọ chồng lên cái kia, cái lại chổng cẳng lên trời. Thật không gì buồn cho bằng. Thầy Xuỵt kêu Bồi Ðông đem chiếu gối đến cho Minh.

Minh lấy quần áo ra nhà tắm tẩy trần một phút. Nhà tắm là nơi lũ quỷ giỡn rần rật và lắm trò hề, bây giờ lại êm ru, một mình một chợ, không tranh giành nước, xà bông, tha hồ xài mà không vui chút nào.

Tắm xong, Minh cho anh Bồi năm xu. Anh bảo Minh đưa quần áo cho anh giặt. Minh trở vào phòng ngủ , giường chiếu đã tươm tất, định ngã lưng một lần cho khoẻ, nhưng thầy Xuỵt gọi lên văn phòng.

Lâu nay không có người hàn huyên, thầy xổ bầu tâm sự ngay:

- Giáo sư Long được gọi về Sở Học Chánh nghe đây được bổ nhậm dạy ở Pétrus, nhưng ổng không nhận,ổng về bán quán ở bến Bắc Vàm Cống. Chỉ vì một chữ ổng dịch sai trong bài diễn văn của quan Chánh Tham biện trong ngày lễ kỷ niệm Jeanne d'Arc và vụ chống những trò chơi cạp chão và leo cột mỡ bò.

- Chữ gì thầy ?

- Chữ "mère Patrie" là "Mẫu quốc Pháp" ổng lại chỉ dịch ra là "nước Pháp" suông.

- Có lý gì ổng laị không dịch được tiếng đó sao thầy ?

- Ai biết đâu ổng, nhưng chuyện đã xảy ra như thế rồi. Thôi, bỏ qua chuyện người lớn đi. Bây giờ tới chuyện người nhỏ? Mày tính sao ?

- Dạ...để thong thả chút thầy !

- Ngày tháng qua mau ghê, mới đây mà đã hai năm. Nhớ ngày nào mỗi lần bãi trường tao sợ mày bỏ học như tụi thằng Bền . Tụi nó dông mất hết. Chỉ có mày với vài thằng đeo đuổi nên đỗ Tú Tài. Thật danh dự cho trường mình - Thầy ngưng một chốc rồi tiếp - Giáo sư Tràng được Nha Học Chánh mời dạy trường trung học Le Myre de Villers ở Mỹ Tho, bà Pottier về Sài gòn với chồng. Năm tới trường mình sẽ khuyết ít nhất ba giáo sư chính. Mầy có thể thay một chân. Tương lai của mày tươi sáng thấy rõ rồi. Ðám con gái sẽ bu mày. Mày ở đây rồi xin gặp ông Ðốc. Chắc ổng sẽ mướn mày dạy.

- Tôi chưa học trường Sư phạm làm saodám đứng ra dạy , thầy /

- Mày có bằng Tú Tài I I rồi, cứ dạy tuồng bụng từ 1ère đến 4ème chớ cần gì sư phạm mậy. Thiếu gì giáo sư không có học trường đó. Nhưng đâu có ai xét hỏi gì. Học của thầy thế nào thì trả lại trò thế ấy. Hôm qua là học trò, hôm nay là thầy. À, mày nhớ vụ con Mi chị con Liễu hồi nẳm không ?

- Dạ nhớ ! Rồi sao thầy ? ...- Minh dư biết mà làm bộ đẩy đưa - Mới đây mà đã hai năm rồi hả thầy ? Em không ngờ em học mau như vậy.

- Có công mài sắt chầy ngày nên kim. Tận nhơn lực, tri thiên mạng ! Ta nói vậy mà Tây nó cũng nói như vậy ! Con nhỏ sắp thi thành chung thì bỗng nhiên thằng nỡm của nó xin cưới chạy tang vì bà nội nó đau nặng, sợ không qua khỏi.

- Rồi có cưới không thầy ?

- Thì ba nó phải bắt về cho người ta cư...ưới chớ sao không ! Cưới rồi thì bà già lại sống nhăn, còn khoẻ mạnh hơn hồi trước nữa.

- Ủa, sao kỳ vậy thầy ?

- Ai biết đâu!

Minh lặng thinh. Thầy Xuỵt nói:

- Có thể là thằng quỷ kia thấy trong trường nầy có nhiều công tử nhoáng qua nhoáng lại nên nó cá ăn thì giật , để lâu hết mồi . Cá ăn mồi gì không biết mà vừa rồi tao gặp hai vợ chồng nó đi ngoài chợ, con nhỏ cái bụng chang bang. Còn mày, tính sao ?

- Dạ, tôi đâu có tính gì, thầy !

- Giấu tao hoài mậy. Bộ mầy tưởng tao không biết gì hết sao chớ. Nè, từ việc mày với nó mùi nhau ở bên hông rạo Nam Xuân cho đến bữa hai đứa bỏ học đi dạo bến Bắc Hàm Luông tao đều rành hết nghe mày.

Minh lại làm thinh, nhưng rất đổi ngạc nhiên. Học trò khi cả gan phạm kỷ luật thì đều tin rằng thầy không biết gì hế.

- Hồi trước tụi tao còn quỷ hơn tụi bây nữa. Dám bỏ trường ba, bốn ngày đi ra Vũng Tàu tắm biển kia đấy, chứ như tụi bây là hiền. Nói thiệt tao nghe, rồi tao giúp cho. Tao muốn mời ông già nó tới cũng được kia mà !

Minh mắc cở, nhưng đành phải thưa thật:

- Dạ thì cũng nhu thầy biết vậy thôi.

- Có hứa hẹn gì nhau không ? Chẳng phải tao tò mò nhưng tao muốn biết tụi bây đã ăn chịu vớinhau tới đâu để tao giúp cho đúng cái tỷ lệ thuận.

Minh ngập ngừng rồi đáp:

- Dạ ...có.

- Có , nhưng tới đâu ?

- Dạ thì...tôi hứa với Emilie là khi tôi đậu tú tài và nàng xong thành chung thì hai đứa sẽ xin phép cha mẹ...

- Vậy thì tốt quá! Xứng đôi lắm - Rồi thầy tiếp - Mày còn nhớ vụ "đá đeo " năm trước không ?

- Dạ nhớ chứ ạ !

- Mày biết thằng quỷ nào làm cho Hội đồng Kỷ luật họp cả giờ và bà Pottier ngồi dẩu tai nghe Giáo sư Long, Giáo sư Tràng dịch mấy tiếng trời đánh đó không. Ối cái thằng mắc dịch làm cho tao điên đầu và cả cua xúp nhốn nháo lên.

- Dạ thằng nào vậy thầy ?

- Té ra cái thằng chồng nó bây giờ. Cái thằng Fernand Sáu con ông Hội Ðồng gì đó ở Phú Khương mà tụi học trò chế nhạonó gọi nó là thằng "Fẹt xít " ấy mà. Nó lết mòn cả bàn ghế mà không lấy nổi cái certificat nên ông già nó bắt về cưới vợ. Và vợ nó là con Hoàn chớ ai. Thiệt là xứng đôi hết chỗ kể.

Minh thấy thầy vui vẻ thân mật nên hỏi phăng:

- Dạ, sao thầy biết nó phá con Hoàn ?

- Thì mấy thằng trong bọn nó cũng o con Hoàng nhưng không được, nên sau khi con Hoàn làm đám cưới với thằng Fẹc xít thì chúng nó mới xì ra. Ối trời ! Cái nghề của tao toàn làm những chuyện thiên hạ ghét. Mày không biết, một lần tao đi dạo bên mé giếng, có đứa xô tao xuống nước đó. Một lần khác, trong đám nội trú tụi bây có đặt một trái pháo chọi dưới đôi guốc tao, tao bước lên, nổ, làm tao hết hồn . ..Nhưng mà thôi, học trò trường tư nào cũng phá surveillant như vậy cả. Tao xí xoá cho qua, bụng không giữa lại chút nào, chỉ mong sao mấy đứa bây đỗ đạt thành tài, rồi đến thăm tao vậy là đủ rôi ! - Thầy Xụyt nghẹn ngang không nói được nữa.

Minh cũng xúc động bồi hồi, thấy thương người giám thị tận tình và hiểu tâm lý học trò. Anh Bồi Ðông và lão quét sân nghe Minh về , cũng đến thăm. Lão già móm mém:

- Sao, đỗ hạng mấy cậu ?

- Ðỗ cao đó bác. - Thầy Xuỵt đáp thay.

- Rua một cái đi! Từ nay hết ai kêu cậu là học trò . Cậu sẽ là ông nọ thầy kia với người ta rồi .

Thầy Xuỵt bảo Bồi Ðông:

- Mày lấy xe chạy vô nhà con Emilie bảo nó ra đây tao nhờ chút việc nhà trường.

Bồi Ðông rụt cổ, thè lưỡi:

- Rủi đụng nhằm ông ...già cô ấy rồi làm sao ? Ý mà tui hổng biết nhà!

- Dễ ợt thôi. Lần trước ổng mời tao với ông Ðốc vô nhà ăn giỗ. Ðể tao chỉ đường cho. Mày vô xóm Mỹ Hoà bỏ ba cái nhà lớn, cách một khoảng trống, đến cái nhà gạch nóc bánh ếch theo kiểu Tây, cửa ngõ có giàn hoa lý, thì cứ quẹo vô đưa giấy này cho ông Phán. Nói ông Ðốc kêu nó ra dạy việc! - thầy Xuỵt móc một góc tư ấn vào tay Bồi Ðông rồi đẩy anh ta ra cửa - Ði mau lên !

Lão cựu chiến binh hễ có dịp là trổ tài đi lính Tây của mình. Lão vuốt vai Minh:

- Cậu mà đậu tú tài thì Tây nó phục lắm. Cỡ còm măng đăng của nó cũng không có nổi bằng cấp nầy. Bây giờ câu quay lại dạy chúng nó cho bỏ ghét. Hồi tôi ở bên Tây, tụi nó cứ đá đít cú đầu mình mắng cô soong , con vịt hoài hoài. Cứ mỗi lần bị như vậy thì thứ bảy tôi đi vô xóm Mông pác nát đè mấy em ra mà trả thù . Ái chà! Nhưng cậu bây giờ cần gì phải qua đến bên đó cho mất tiền tàu, cứ ở đây như cậu Bền cũng dư trả thù được mà. Mà người bị trả thù càng cám ơn cậu ấy nữa là đàng khác !

Thầy Xuỵt bỗng thấy mình cũng nên làm thân với lão:

- Cụ trả thù được mấy lần cả thảy ?

Lão già khoa tay:

- Nhớ sao cho hết hả thầy, cứ chiều thứ bảy không bị cấm trại mà có tí xủng xẻng trong túi thì thế nào cũng có " ẳng đê u " với các em. Hể có " ẳng đê u " thì có trả thù chớ có khi nào đăng xê suông suông đâu thầy. Tụi nó thích bọn " ăng na mít" tôi lắm . Hễ vô trận thì ba ván liền không bỏ ngang ván nào !

Bồi Ðông mang về một bức thư của ông Phán, hứa sáng mai sẽ cho Emilie ra trình diện ông Ðốc. Thầy Xuỵt khoa tay, vỗ vai Minh thật mạnh:

- Bây giờ mày là cậu Tú Minh rồi. Ông già nó biết chuyện giữa hai đứa mày thì tao xin ông Ðốc, đứng ra làm mai cho. Hai mươi mốt tuổi đỗ tú tài toàn phần rồi, còn con gái nào dám chê nữa ? Sợ người ta kêu gả con rần rần mà mày lựa mệt đó chớ ! Hì hì ! Mày bắt đầu vô học trường nầy từ 1ère hả Minh ?

- Dạ.

- Bốn năm trung học , hai năm tú tài! Mới đây mà sáu năm. Mau quá. Vô thì học trò đẻn mà ra thì thầy, ông . Trường Minh Châu này hãnh diện đã đào tạo ra được nhiều đứa như mày. Quả thật người ta nói đúng: Không thầy đố mày làm nên ! Thế nào, mày có nhận dạy cho trường không để tao trình với ông Ðốc? Mày dạy 1ère, 2ème, nó dạy cua xúp

- Dạ, thầy cho phép tôi vừa thưa với ba má tôi xem ba má tôi tính lẽ nào.

- Ờ phải! Nhưng tao chắc ổng bả chịu liền chớ gì. Dạy ở đây, gần nhà "ông già vợ" thiệt khoẻ cho mày!

Mấy tiếng "ông già vợ" làm Minh vừa sung sướng vừa ngượng ngùng.

Nói chuyện tới khuya, thầy Xuỵt mới cho Minh xuống phòng ngủ. Thầy bảo:

- Mấy con rệp đói chắc sẽ tha hồ hôn hít nựng nịu mày sáng đêm, không ngủ được đó!

Trái với dự tính của thầy, không có con rệp nào cắn mà Minh vẫn không ngủ được. Minh lăn qua trở lại tới khuya. Ánh trăng bên ngoài dọi vào kẹt cửa thành mấy vệt trắng xanh trên gạch. Minh ước ao được chuyện trò với Emilie dưới ánh trăng . Nói toàn là những viễn ảnh huy hoàng của cặp vợ chồng mới: chồng là giáo sư , vợ là cô giáo hoặc thư ký của một công sở v.v.. như hai đứa đã từng ước mơ. Nay đã gần kề sự thật.

Trời sáng lúc nào không hay.

Minh xếp chăn mền, rửa mặt chải đầu xong mặc quần áo tươm tất rồi chạy đưổi theo đoàn lực sĩ đến sân vận động và rẽ sang Ngã Ba. Những gốc cây dầu, mấy luống hoa nguyệt quới vẫn còn y nguyên như hôm Minh từ giả Emilie để lên Sài gòn thi. Chỉ cách có hai tuần lễ mà Minh đã là con nguời khác. Chàng cảm thấy yêu Emilie hơn. Lời nói chưa đủ, cần phải có nhiều cử chỉ. Tiếng thầy Xuỵt vẫn còn văng vẳng bên tai chàng: "Hai mươi mốt tuổi đỗ tú tài toàn phần!" . Chàng nó vào xóm Mỹ Hoà, cái phong cảnh mà mắt chàng từng quen từ hai năm nay.

Ðàn bà đi chợ, xe đạp, xe hơi tránh nhau trên đường lao xao. Minh vụt nhớ lần đi dạo ở bờ sông Cái Cối lần đầu. Emilie hoảng sợ chiếc xe đò lướt qua...chàng mỉm cười. Bây giờ chắc nàng không còn sợ nữa.

Niềm hạnh phúc sáng hôm nay sẽ lớn gấp mấy lần trước gộp lại. Chàng dự định sẽ nói với Emilie những gì, sẽ rủ Emilie đi đâu. Chàng nghe rộn lên trong lòng khi nhớ đến đoá hoa hồng trên làn tuyết nõn. Nàng đã kể cho chàng nghe về trận sốt kỳ đó và suýt bị má bắt gặp những dấu vết lạ thường.

- Mình...hồi nào mình cũng không hay !

Kìa, một vạt áo dài phất lên giữa nền vườn cây xanh đậm. Chiếc xe lăn đến gần. Chàng nhận ra Emilie mặc đồ đầm . Cái dáng mảnh mai quen thuộc ấy dầu ở giữa chợ đời, chàng vẫn không lẫn với ai, không cần "mụ bà phải làm dấu" . Chiếc thắt lưng màu tím nổi bật lên nền áo trắng tinh khôi. Mấy lúc sau nầy Emilie thường dùng màu tím. Nàng bảo nàng không thích những màu lộng lẫy, sáng chói. Màu tím vẫn lộng lẫy nhưng lại chững chạc hơn các màu khác.

- Emilie ! - chàng cất tiếng gọi làm nàng giật mình ngẩng đầu nhìn lên.

Chiếc xe chạy chậm rồi dừng lại trước mặt Minh . Emilie reo lên:

- Anh về bao giờ vậy ?

- Mới chiều hôm qua.

Emilie suýt trách yêu "Sao không cho em hay ?" nhưng nàng chợt nhớ ra rằng Minh đâu có cách nào cho nàng hay được, nên ngưng ngang.

Minh bảo ngay:

- Em ra hiệu xe đạp Tám Trận ngoài Bến Chợ mướn một chiếc cho anh. Anh sẽ cuốc bộ ra đó rồi mình đi dạo.

- Ông Ðốc bảo em ra làm việc gì ngoài trường.

- Không có việc gì hết.

- Ổng gởi giấy cho ba em mà.

- Anh biết ...anh biết!!!

Minh cho Emilie rõ đó là mưu kế của thầy Xuỵt giúp Minh gặp nàng. Nhưng nàng không tin. Nàng bảo:

- Ðể em ra trường một chút, rồi sẽ đi mướn xe sau. Bây giờ anh đi lần ra đó trước .

- Em biết hiệu xe Tám Trận chớ ?

- Biết mà !

- Ở đâu ?

- Gần tiệm vàng Hồ Mưu . Chị Oan con gái của ổng là vợ chưa cưới của ông "Gôn" Qúy Mập chớ ai.

- Ðưa xe đây anh chở em !

- Không được ! Người ta trông thấy, kỳ lắm !

Minh ngó theo người yêu mút mắt. Nàng như một cánh bướm xa dần rồi biến mất dưới tàn những cây dầu con ráy cao vút.

Hai đứa đạp xe rong chơi. Emilie không bị giật mình như lần đầu tiên vì chiếc xe đò nữa. Bây giờ hai đứa tính chuyện tương lai rõ nét hơn.

Emilie nhắc lại vụ anh chàng nào đó...với vẻ mỉa mai:

- Em đâu có biết anh ta. Thế mà đòi cưới em thì nghĩa làm sao ? Chẳng lẽ về tới nhà anh ta mới giở màn che mặt ra cho em nhìn à? Ðó là đám cưới trong Hồng Lâu Mộng một ngàn năm trước ở bên Tàu. Anh ta là con chủ hãng dây luộc dừa ở An Hoá. Ái chà, bộ người ta muốn buộc cổ em bằng dây luộc lối đó hay sao ấy ! - Emilie hơi khựng lại một chút - nhưng em nhất định ...xin ba má cho em học thêm vài năm nữa . Ba má nói a ...a...tùy em!

- Không phải chuyện "áo mặc không qua khỏi đầu " à ?

- Ai bảo vậy ?

- Anh nghe người ta thường nói.

- Không có đâu anh à ! Ba em là dân Tây mà! - Bỗng Emilie cười như nắc nẻ - Gặp anh em mừng quá, rồi quên hỏ chuyện anh thi kết quả ra sao ?

- Bùi Kiệm !

-...Thiệt hả?...Bùi thì Bùi em vẫn yêu anh. Bằng cấp không hẳn là một bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc gia đình. Mà chính là tư cách và tình yêu của người chồng mới bảođảm.

- Còn em đậu rớt ?

- Có lẽ em đội sổ. Bài thi năm nay khó quá. Em gạo một đằng, đề thi lại ra một ngả. Suýt chút nữa trợt vỏ dưa. Cũng may, em được mention assez bien

- Còn anh thì... mention Emilie ! Ðó là điểm cao nhất của anh!

Hai người nhìn nhau tự mãn, không còn thấy trở ngại gì trên con đường xây dựng hạnh phúc của họ nữa. Minh kể chuyện ông Ðốc có thể mướng dạy cho nàng nghe. Emilie thè lưỡi:

- Eo ôi, thầy gì hơn học trò có mấy tuổi ?

- Vậy thầy Phước và cô Sầy cũng học trường này rồi trở lại dạy trường này đó thì sao !

- Em nghe đồn thầy và cô sắp cưới, không biết có đúng không ?

- Còn thằng Bền với con Liễu đâu mất biệt ! Mấy lúc sau này anh không thấy tụi nó nữa.

- Chị Mi lấy chồng rồi Liểu nghỉ ngay năm 3ème . Em cũng không gặp lại.

- Mai anh về quê.

Emilie nhìn Minh chờ đợi câu nói tiếp.

- Chừng một tháng anh trở lên.

- Một thá...áng?!

- Anh lên là xong hết.

- Xong chuyện gì?

- Còn chuyện gì nữa!

Hai người laị nhìn nhau. Cái nhìn hạnh phúc của đôi chim loan phượng đậu chung cành kề mỏ nhau và cùng hoà tiếng hát bao la giữa trời xanh.

Minh đưa tay sang nắm riết, phủ cả tay cầm xe làm Emilie kêu lên:

- Ðau em !

- Trước kia mỗi lần ra gốc cây vú sữa mà không thấy ai thì anh hôn lên tay cầm xe đạp của em.

- Anh là Jean Jacques Rousseau 1 à ?

- Không! Anh không những muốn làm Rousseau mà còn muốn trở thành Maréchal Ney 2.

- Chi vậy ?

- Ðể được oai hùng quát: "Soldats! Visez au coeur!" Binh sĩ hay nhắm tim ta !

- ...Ai là soldat ?

- ...Chẳng lẽ...

- ...Lại em ?


--------------------------------

1

Nhà triết học thế giới gốc người Pháp có tật hay hôn bàn ghế và vật dụng của vợ

2

Nguyên soái dưới quyền Napoléon bị quân độc tài bắt xử tử

Chương 15

Nhựt ký Emilie:

Kể từ ngày gặp Minh , chưa bao giờ mình buồn như hôm nay. Anh xuống đò. Chiếc đò tồi tàn và đông khách. Hàng hoá chất đầy và vô trật tự trên mui. Có những chiếc thùng thiếc sơn đen được đóng trong khung gỗ dùng làm phao cấp cứu khi có tai nạn trên sông.

Anh đứng ở mũi đò thờ thẫn. Anh chỉ vẫy tay, nhưng không hiểu tại sao mình lại buông xe đạp nhảy xuống đò suýt hụt chân. Mọi người nhìn mình như một phénomène vì cách ăn mặc của mình. Anh nắm tay mình, nếu không chắc mình ngã mất. Anh nói:"Em đừng buồn!" Rồi hai đứa đứng bên nhau không nói gì nữa hết.

Bên em anh chỉ muốn ngồi im
Để nghe tiếng gọi của đôi tim
Dẫu ngàn câu nói không bằng một
Tiếng gọi "anh" và tiếng đáp "em"

Mấy câu thơ của ai chợt đến trong đầu mình. Sao tác giả mô tả được tình cảm của mình một cách tuyệt diệu thế. Hành khác lên xuống ồn ào quá , mình không muốn nói gì mà cũng không nói được gì, chỉ muốn khóc. Thôi, nín đi cô giáo cua xúp (Chớ không phải cô giáo ăn xúp cua). Ừ thì nín để hành khách cười cho. Ai cũng có vẻ hấp tấp, chỉ có "cô thầy" là tỉnh khô.

Mình muốn bảo anh nán lại vài ngày để đía cho hết chuyện. Ngày nào mình cũng nói dối ba má là mình đến nhà cô Sầy ở cầu Cá Lóc để thọ giáo môn sư phạm chuẩn bị dạy nấu món "xúp cua", nhưng sự thực mình chạy rong khắp phố với anh hơn là học sư phạm. Nhưng cũng may là không bị cảm nắng (!?) như kỳ trước. Hú vía, kỳ đó nếu má thấy được mấy cái dấu má hỏi thì mình không biết trả lời thế nào. Chuyện các đây hai năm mà ảnh vẫn nhớ...cái hoa hồng. Thỉnh thoảng ảnh liếc sang, mình biết ý nên đè gấu váy xuống. Mắc cở quá chừng. Hôn đâu không hôn lại cứ đòi cái hoa hồng. Mấy cái dấu răng còn ràng ràng như phỏng lửa làm sao xoá được, mà xoá làm gì. Đó là một kỷ niệm không thể xoá.

Anh thật bạo dạn. Vậy mà hồi mới gặp anh mình thấy anh nhút nhát, tiếng nói run run, tay lọng cọng nắm ghi đông xe đạp, chụp nhằm tay mình rồi nhanh nhẹn rút lại "xin lỗi " lia. Bây giờ quàng vai mà không xin lỗi gì hết. Mà nghĩ cũng kỳ, mình cũng không bắt lỗi, lại muốn được ngồi như thế mão.

Anh đứng với mình ở mũi đò rất lâu. Tay trong tay ngó mình lom lom. Mình như bị chói, không dám nhìn lại, cứ quay mặt ra sông. Thuyền bè ở đâu mà nhiều vậy, lớp chèo, lớp chạy buồm. Mình thoáng nghĩ nếu được đi một chuyến với anh ra sông cái chắc thích lắm. Chừng đó....mình sẽ đi với anh về...(chừng đó là chừng nào? Về....đâu hả nhỏ?)

Đang miên man nhớ lại. Rồi tiếng tù và rúc lên...Tul....mình giật mình, tưởng là đò sắp nhổ neo. Nhưng anh bảo chưa. Chừng nào thổi ba tiếng mới tách bến. Lần thứ nhất chỉ giục hành khách xuống đò. Chắc anh đi đò này thường lắm nên có kinh nghiệm. Một chút như vậy mà mình cũng không biết. Từ bé đến lớn cứ ru rú ở nhà rồi đến trường, có đi đâu mà biết. Một người quen chào anh, anh mừng rỡ đáp lại. Người kia thấy anh đứng với mình có vẻ thân mật nên không hỏi gì thê m Đây rồi sẽ có tin đồn về tới quê anh cho coi. Đồn thì đồn, trước sau gì mình cũng tới đó...bằng con đò ọc ạch này. Vui ghê !

Nhớ lại lần đi chơi suốt ngày, trên đường về, mình định né ngang, nhưng thầy Xuỵt đã đứng ở thềm vẫy tay. Hồn vía mình lên mây, tưởng như bị kêu lên Hổi Đồng Kỷ Luật. Mình dừng xe trên dốc , không muốn đối diện với thầy. Nhưng thầy đã bảo :"Emilie vô đây ông Đốc biểu!" thế là chạy không thoát. Thầy ác quá nghen thầy. Mình nghe chân cẳng cóng ríu lại, dắt xe xuống dốc suýt ngã. Anh nhanh nhẹn dắt xe xuống trước. Thầy bước xuống sân:"Cậu Tú mợ Tú đi đâu cả ngày tôi chờ muốn chết vậy?" Anh ấp úng. Thầy bắt tay anh vui vẻ :"Sáng sớm tao xuống phòng ngủ đã thấy cái mùng giắt lên, mền gối không xếp mà cái giường trống lỗng. Tao tưởng mày đi lên sân vận động tập thể dục rồi chớ. Nào dè chờ mãi, càng ngày càng trưa, mất hút..."Thầy ngó sang mình đang đứng núp sau lưng Minh (như ngồi trong lớp gặp bài khó sợ thầy kêu , núp sau lưng bạn ). Thầy bảo ngay:"Cô định đi làm việc ở đâu chưa? Ông Đốc muốn mời cô dạy cua xúp thay cô Sầy!". Mình biết rồi còn làm bộ hỏi:"Cô Sầy đi đâu sao thầy?" "Cô đi 'dạy' cậu Phước! Há há...cũng như nay mai Emilie 'dạy ' cậu Minh vậy !" Hai đứa đứng chết trân. Mình muốn chui xuống đất. Nhưng thầy vui vẻ: "Tao mừng cho hai đứa bây 'công thành danh toại '.Bây giờ đi làm việc kiếm tiền giúp cha mẹ , báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục !"

Thầy giản mô ran cho một hồi mình lùng bùng lỗ tai không có nghe gì hết, chỉ mong thấy dứt chuyện để mình lủi, nhưng thầy lại kéo nhằng sang ông trung phong Bền "Tụi bây có gặp nó không?" "Dạ không!" "Sau khi xong 4ème, trợt cái vỏ dưa năm trước, nó đi mất biệt. Mấy trận đá lớn tao có đi coi, không thấy nó chạy đâu cả" " Chắc nó đi xuống Cà Mau, Rạch Gía gì rồi thầy" Minh đáp. Thầy tiếp :" Ðám cưới con Mad lớn ghê. Ông già tía nó có mời ông Ðốc. Ông Ðốc phó cho tao đi. Ôi chao ! Săm banh như nước lã. Có ông chủa tỉnh tới nữa. À, ông thầy Ănglê với con Yvonne cũng sắp cưới nhau rồi ...Khà khà...Tụi nó với nhau thì được, chớ mình nhào vô là không xong đâu. Thằng Bền hết hát Les Bateaux des Iles với con Mad là may đó. Dính vô rồi sẽ mệt cầm hơi. Bây không nghe ông già quét trường đó sao? Tây Ðầm thay vợ đổi chồng như thay áo "

Thầy kết thúc câu chuyện (May quá. Cúng ông Ðịa nải chuối):"Tụi bây về nghỉ ít bữa rồi tới đây lãnh việc. Chồng dạy ban trung học (!!!), chưa có kinh nghiệm, có lẽ ông Ðốc cho mày dạy 1ère và 2ème thôi. Còn Emilie thì thay cô Sầy . Nhà gần đây, dạy xong chiều về cơm nước hú hí. Tới tháng chồng lãnh tám chục, vợ sáu chục. Một trăm bốn chục mà lít gạo một cắc, ký thịt ba cắc rưỡi, vé xem hát thượng hạng sáu cắc. Vậy thì xài ngã nào cho hết? Tao một tháng lãnh bốn mươi lăm đồng nuôi mẹ sề và một bầy con mà còn phong lưu ra phết, nữa là hai vợ chồng son tụi bây...À quên..Ban đêm hai đứa bây có thể mở lớp đặc biệt dạy cho đám học trò "cứt gà sáp" hoặc "ăn me dốt" kiếm thêm năm bảy chục. Ông Ðốc sẵn sàng cho mượn lớp, không lo mòn bàn ghế. Ðược chưa?" Thầy nói như pháo chuột nổ dây nghe không kịp.

Tul ...Tul...Tù và rúc lần thứ hai.

...Thầy vẽ ra cả tương lai y như là mọi việc đã nắm trong tay...Mình viết lộn xộn quá chừng. Cứ nhớ ngược lại chuyện mấy ngày trước bởi vì sắp chia tay. Ði là chết trong lòng một ít. Ðứng ở mũi đò, tù và đã thổi lần thứ hai rồi mà chưa chịu đi lên bờ. Cứ viết vớ vẩn loanh quanh. Có lẽ mình không muốn cho con đò quay mũi. Cho nên bước đi một bước giây giây lại dừng. Hélas! Ce n'est qu'un aurevoi ! Chỉ là một cuộc tạm biệt. Nhưng mà dù tạm biệt cũng là một séparation . Và mọi sự chia ly đều đau đớn. Mình không muốn xa anh một chút nào, một phút nào (Lỡ có người coi được dòng chữ này thì mắc cở lắm nghe nhỏ). Bà má Virginie bảo con gái:" Ðừng bao giờ nói cho thằng Paul biết rằng mày yêu nó!" ...Còn mình thì đã nói cho Minh biết rồi ! Chẳng sao ! Ai có tình cảm nấy . Ðời mình đã thuộc về anh rồi !

...Ngày hôm sau. Mình lại đi chơi với anh (Ðã xuống đò rồi lại còn đi chơi !) Mình lại nói với ba má là đi tới cô Sầy để học bài sư phạm. Sau nầy...mình sẽ nhận tội với ba má (Sau này là bao giờ ?). Thị xã nầy tưởng lớn mà chẳng ngờ nhỏ hẹp quá. Chạy dọc bờ sông ra tiệm rượu, nhà thuốc tây Hồ Thu, tiệm chụp hình Ðinh Bá Trung (có cô em của Nghĩa bạn cùng lớp với mình, có chồng hồi năm ngoái, mình có đi dự. Bạn bè chúc mình...) qua tiệm may Nhựt Tân, nhà thuốc bắc Thọ Xuân Ðường, rạp Casino, tiệm nước Lục Mừng. Chỉ mất ba mươi phút. Minh hỏi: "Emilie , em muốn đi đâu nữa ?" Emilie đáp:" Anh dẫn em đi đâu em đi đó!" "Thế là huề" "Ừ, mình đi lại chỗ băng đá...""Em không sợ chiếc xe đò màu vàng nữa à ?" "Hai năm rồi! Em chỉ nhớ chiếc băng đá - nơi anh hôn cái hoa hồng - Cấm không được nhìn nữa". Cả ngày chỉ toàn những chuyện vặt như vậy, những chuyện không có nghĩa lý gì hết cả nhưng lại nói liên miên một cách thích thú mê ly, chuyện cá hoa bắt sang con bướm rồi trở thành hoa rơi cửa Phật , rồi hai đứa lại đạp xe vô khu nhà thờ ở bên bờ sông.

"Anh thích em mặc đồ đầm hay áo dài?" "Ðồ gì cũng thích!" "Anh thích màu gì ?" "Em mặc màu gì anh thích màu đó. Em thích màu gì anh thích màu đó." "Anh nói cái kiểu vérité de la Palisse 'Một phút trước khi nó chết thì nó còn sống . Một phút sau khi nó hết sống thì nó đã chết !" (Khi người ta yêu nhau thì nói chuyện gì nghe cũng hay cả)

Hai đứa cùng cười. Cười hoài. Mong đừng cười bao nhiêu khóc bấy nhiêu. Cười trước khóc sau. Nhưng mà cười không lâu. Vì tiếng tù và đã vang lên kia rồi, Tul...Tu..ul ...Tu...uul !!!Như tiếng rống áo não của con thú gì đó ở thời đồ đá mài ! Tiếng thứ nhất ngắn, tiếng kế dài hơn và tiếng cuối cùng dài hơn nhiều nghe như " Au...re...voir" vậy. Anh nhìn mình . Mình làm như không biết. , dán mắt vào cổ áo của anh, thấy mạch máu đập mạnh. Anh dắt tay mình ra mũi đò và khẽ bảo:"Em, Emilie !" mình như tê dại không nghe thấy, không cảm xúc gì hết. Hoàn toàn vô tri. "Emilie , đừng buồn. Anh sẽ trở lại". Ðành rằng anh sẽ trở lại, nhưng em không muốn anh đi.

Người phu đò hùng hục xô đẩy những kiện hàng trên mui xếp lại cho gọn. Những giỏ đựng heo trống lỗng (heo đã bán hết) buộc trên mui lổng chổng. Vài hành khách không chịu ngộp leo ngồi trên mui hứng gió.

Anh đã đưa mình lên bờ hồi nào mình không hay. Mình rưng rưng nước mắt rồi oà lên khóc. Mình muốn gục đầu vào vai anh , nhưng lại ngẩng lên. Anh đưa tay quệt nước mắt cho mình "Emilie đừng buồn. Anh sẽ trở lại. Chúng ta sẽ...sống bên nhau mãi mãi""

Người phu mở dây cuộn lại và ném xuống đò, xong nhảy xuống còm lưng nhổ cây sào mũi. Anh laị thủ thỉ:" Chậm lắm là một tháng. Em nhớ nhé! Hôn em!" Rồi chàng nhảy xuống mũi đò. Người phu đò cầm sào chõi vào bậc thạch.

Chiếc đò lùi lại rồi từ từ quay mũi ra giữa sông. Minh vẫy tay :"Emilie!" chàng gọi. Mình ngước nhìn theo, nước mắt âm ấm gò má, lau vội và vẫy tay đáp. Một sợi dây vô hình đã buộc tim mình vào mũi đò, nên mũi đò càng xa bờ, tim mình nghe càng đau như có ai rứt "Ôi cái cảnh biệt ly " trong sách Quốc Văn lớp dự bị! Hồi đó thầy dạy thì mình không hiểu gì , không thấy nỗi buồn biệt ly. Nay trong cảnh mới biết là điều thấm thía. Và nó trở thành hơi thở củ amình chớ không còn của sách nữa. Chiếc đò đậu gần bờ coi thì lớn, ra giữa sông thì bé tí. Mình nhìn theo những vệt nước sóng khuấy lên mà tưởng mái chèo đụng đến tim mình

- Khuya rồi! Sao không ngủ đi con ! - Má hé cửa nói vào phòng.

- Con còn học bài sư phạm ! - Emilie vừa nói vừa lật qua trang giấy trắng. Rồi nàng cặm cụi vẽ hình cái mũi đò có hai con mắt to với những giọt nước mắt. Ðò đã đi xa khuất mất rồi. Tiếng tù-và vang âm não nùng ác nghiệt. Ðò ơi, mau trở lại nghen đò !

Chương 16

Minh nằm dưới đò nghe sóng vỗ lách tách đều đều . Ði đò là một lối giao thông nhàn hạ giúp hành khách nghỉ ngơi hoặc tiết kiệm thì giờ và lại rẻ tiền. (Xe cộ không đi đêm được)

Bóng Emilie đứng trên bậc thạch vẫy tay cứ chập chờn theo nhịp sóng, không tan, chàng lại tự trách:" Giá mình nhờ người quen đem tin về nhà rồi ở lại trường vài hôm nữa lấy cớ là gặp ông Ðốc để nhận việc làm!" Ngày vui ngắn chẳng đầy gang.

Minh thiếp đi trong sự mỏi mệt . Khi bừng mắt ra thì đò đã cặp bến. Một khung trời khác hẳn hiện ra trước mắt Minh . Ngôi nhà lồng chợ thấp lè tè với mấy tấm quảng cáo rách còn cố bám lấy tường . Chắc một gánh hát nào vừa lui ghe. Hai dãy phố lá xám ngắt đứng hai bên hông nhà lồng như những đống rơm mục. Chợ đang đông. Người đi lại dập dìu. Không có gì sang trọng như chợ tỉnh thành nhưng nó đã ghi trong đầu Minh biết bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ. Kể từ khi Minh bước vào lớp đồng ấu trường làng đến nay là mười hai năm. Thời gian đi nhanh như gió. Những đứa bạn trôi nổi khắp nơi nhưng trường xưa vẫn như cũ. Nhiều lần Minh cũng muốn ghé thăm thầy để bắt chước "Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?" nhưng hiềm một nổi, mỗi khi Minh về nhà thì lại nhằm lúc bãi trường.

Minh rảo bước đi trên sân chợ lát đá ong đỏ thẫm. Cái thềm chợ vẫn còn nguyên.

Mỗi buổi sáng, Minh thức dậy từ trên giường phóng xuống đất đến đầu bộ ván gõ, mắt nhắm mắt mở, tay quơ ngang là đụng hai đồng xu mát lạnh ở đó. Nếu không có xu là vì má ra vườn sớm. Thì Minh lại chạy ra tìm :" Má ơi, con đi học nghen má !" Ý nhắc má cho xu. Nếu má vẫn quên thì Minh lại trở vào:" Má ơi con đi học " lần nữa. Má nhớ ra, bảo :"Con vô mùng giở mí chiếu lên lấy.." Minh chỉ lấy đúng hai xu. Vô đến chợ, chao ôi hàng bánh bày tở mở trước mắt. Bánh mặn nhưn tôm đỏ như mặt trời, bánh cam nhúng đường bóng láng , bánh da lợn ướt rượt, bánh xèo thơm phức, xôi, bánh phồng vàng tươi....thứ nào cũng làm cho Minh chảy nước miếng .Nhưng Minh chỉ mua một món thôi . Rồi lại thềm nhà lồng ngồi ăn. Xong vô nhà thím Bầu xin nước uống. Nơi đây trưa nào Minh cũng mua một lóng mía tây vàng rực giá có nửa xu. Vừa đi vừa xước hết khúc mí thì cũng là lúc trống đổ hồi. Như vậy còn được nửa xu, mua hai cục đạn đá xanh đỏ bắn cu li vào giờ chơi, hoặc khi tan học mua một miếng kẹo da trâu, một cây kẹo rô-be nhai, mút về tới nhà. Ðó là ngày vui thú của tuổi thơ. Một ngàn ngày như thế không đổi, không khác một ngày nào đã xảy ra trong đời Minh . Cho đến khi lên trường quận.

Bây giờ nhìn đám trẻ, Minh nhớ laị quãng đời xa lắc xa lơ của mình. Minh đi theo con đường mé sông qua các tiệm Chệt rồi men theo dốc cầu cao - gọi là cầu Mống - đi ra mối đường rẽ về nhà ở cuối ấp Thạnh Ðông.

Ðàn bà, đàn ông, đi chợ buổi sáng nhiều người không nhận ra Minh, vì áo tây giày tây, nhưng Minh vẫn nhận ra họ. Minh thay đổi chứ họ có thay đổi chút nào đâu. Vẫn chân đất đầu trần, áo quần vải thô, cuộc đời lam lũ, đầu tắt mặt tối quanh năm.

Ði đến nửa đưòng thì gặp má bưng gà đi chợ bán. Minh nghẹn ngào:

- Má !

Bà Tư nhận ra, đứng khựng lại nhìn con:

- Mày hả Minh ?

- Dạ !

Mấy người quen cũng bu quanh, kẻ vổ vai, người sờ đầu:

- Mèn ơi! thằng nhỏ nay lớn đại !

- Gặp ở chỗ lạ chắc không nhìn ra nó.

Một người nói với bà Tư:

- Thôi, gà đem về làm thịt đãi bà con, bán chác gì nữa thím Tư !

Một cô gái bảo:

- Ở nhà còn cả bầy, đưa đây cháu đi bán giùm cho bác.

Bà Tư đưa mấy con gà cho cô gái, nhưng rồi lại bảo:

- Thôi để bác đi bán. Bác còn mua rượu trà bánh mứt...

- Ờ phải rồi, sắp có đám ..!

Bà Tư không hỏi Minh thi đậu hay rớt, chỉ giục:

- Con về mau kẻo ba mầy trông !

Minh về tới cửa ngõ thì thấy ông Tư đang xoay trần tưới cam. Minh lột nón cúi đầu:

- Thưa ba con mới về.

- Minh đó hả con ? Thi cử ra sao ?

- Dạ đậu rồi ba!

- Vậy hả. Ðậu hay rớt gì cũng được. Nhưng nếu rớt thì người ta cười tao là ông già thằng Bùi Kiệm.

Nguyện vọng của ông Tư là nuôi cho thằng con học đỗ thành chung đi làm thầy giáo rồi xin đổi về làng. Chẳng ngờ bây giờ nó đỗ cao hơn gấp bội.

Ông Tư gác chiếc gàu mo rồi đi theo con vô nhà.

- Cam mù này trái sai không ba? - Minh hỏi.

- Sai lắm nhưng phải đi bắt kiến vàng thả lên, nếu không trái chai, không có nước. Vừa rồi tao đi bắt cũng bộn nhưng bị ba con kiến hôi đuổi đi thưa thết. Phải bắt lớp mới lên ngay mới kịp lứa trái nầy.

Minh thấy sung sướng vô cùng khi bước chân về nhà báo cho gia đình mình thi đậu. Minh biết, tuy ba noí vậy chớ ba hy vọng ở Minh rất nhiều. Làng này khôgn có ai ngoài con trai ông Hương Sư đậu bằng thành chung. Vậy mà ổng đã oang oang cái miệng: "Tao là vua làng nầy. (Tại sao?) Vì tao là cha của Trạng Nguyên!" Ông Tư ghét câu nói phách lối đó lắm. Tuy không đụng chạm gì nhau, nhưng ông Tư muốn cho cái mặt của ông ta đừng có nghênh lên nữa.

Minh nhớ hồi thi sơ học, ông Tư và Minh đứng nghe đọc kết quả cuối cùng. Chờ mãi không nghe xướng tên Minh , ông cứ sốt ruột hỏi: " Sao không thấy mày Minh ?" Nghe thêm một lúc nữa, vẫn không nghe, ông hơi cáu: "Mày rớt thì về chăn trâu cho ông nội chớ tiền đâu cho mày học nữa!"

Cũng may kỳ đó Minh đậu cao.

Bây giờ thì cậu bé suýt bị đi chăn trâu kia trở thành cậu Tú: Tú Minh.

Tin Minh đỗ tú tài lan đi rất mau. Chẳng mấy chốc mà nhà đông nghẹt những khác. Làng này từ xưa đến nay chưa có ai đỗ tới đó. Hương chức hội tề, các thân hào nhân sĩ vác dù tới chia vui. Ông Hương Sư , thay vì ganh tị thì lại xách cặp rượu có dán giấu hồng đưa đến mừng: "Hậu sanh khả uý. Thằng con anh hơn thằng con tôi là điều may mắn cho làng mình!"

Một ông kỳ lão tới hỏi ông Tư:

- Nghe nói thằng con của chú thi đậu, mà bằng cấp gì vậy chú ?

Ông Tư bảo Minh :

- Con hãy nói cho ông cụ nghe chút con !

Minh chắp tay thưa:

- Dạ, con đậu tú tài toàn phần thưa cụ!

- Tú tài là cái gì chớ ?

Một ông hương chức tỏ vẻ thông thạo, cắt nghĩa thay Minh :

- Trường mình dạy ba lớp, học xong thi tiểu học . Lên quận học ba năm nữa thi sơ học . Sơ học nghĩ là mới học "sơ sịa" thôi. Lên tuốt tới Mỹ Tho học bốn năm nữa mới thi đít lôm .

- Ðít lôm là cái gì ? - Một người khác hỏi.

Ông hương chức cắt nghĩa tiếp:

- Ðít lôm là bằng cấp củ mấy ông thầy giáo dạy trường mình nè.

- Phải người ta kêu là "rút rơm trâu ăn mê " đó không ? - Một vị khác pha trò.

Mọi người cười. Một bác nông dân châm vô:

- Tôi rút rơm cho trâu ăn từ nhỏ đến giờ sao không ai cho tôi bằng cấp gì hết?

Ông cụ lại hỏi:

- Còn bằng cấp của thằng nhỏ này là gì ?

- Dạ, đó là bằng Tú Tài , cao hơn mấy ông thầy giáo làng mình một bực.

- Mèng đéc ơi! Cao dữ vậy sao ? Tôi tưởng thầy giáo là hơn hết thẩy rồi, không có ai bằng. Tú Tài có phải cao hơn hết không ?

- Trên Tú Tài còn nữa. Làng mình chưa có ai đậu nổi đâu.

Ông Tư có bốn người con: Minh, Mẫn, Thiệp, Bảo . Minh, trai đầu lòng, Bảo, trai út. Ông lấy tên Cù Lao Minh và Cù Lao Bảo đặt cho con, để nó đi đâu xa cách mấy cũng không quên tỉnh của nó là nơi ông bà khởi nghiệp và nằm xuống. Ông cho Minh học hết mình còn mấy đứa em của Minh thì ở nhà lo ruộng nương . Lối xóm hỏi ông: "không sợ tụi nó phân bì hay sao?" Ông bảo:" Ðứa nào giỏi thì cho nó giỏi luôn. Ðứa làm ruộng thì lo làm ruộng. Ðể học oam oam không tới đâu hết thì được việc gì ?" Quả nhiên ngày hôm nay chứng minh rằng chủ trương của ông là đúng. Một chục đứa đậu sơ học không bằng một đứa đậu tú tài

Ông kêu bắt heo làm thịt liền để chiều nay cúng ông bà, đãi dòng họ và lối xóm. Ba vị thầy học cũ của Minh cũng tới. Thầy lớp đồng ấu là Huỳnh Hữu Vị, lớp dự bị là thầy Trần văn Lâu, lớp sơ đẳng là thầy Lê Văn Thượng. Ba ông đều già, trên năm mươi tuổi. Thầy Lê Văn Thượng đưa tay cho Minh bắt, còn tay kia thì vò đầu Minh, nói:

- Hồi đó tao hai mươi mốt tuổi mới đỗ Thành Chung, bây giờ mầy hai mươi mốt tuổi đã đỗ Tú Tài. Thiệt nay có khác xưa.

Ông Tư nói:

- Dẫu nó có đỗ cao tới đâu nó cũng là học trò của thầy. Người mình thường nói Không thầy đố mầy làm nên . Còn thánh hiền thì dạy: "Quân - Sư - Phụ!" nghĩ là trong xã hội có ba bậc đáng kính, nhất là Vua kế là Thầy , sau chót mới tới Cha

Một bà hứ cái cóc:

- Thánh hiền nói vậy tôi nghe vậy, nhưng tôi không phục.

- Tại sao ?

- Hỏi vậy Mẹ để đâu ? Bỏ xó à ?

Mọi người cười rần. Một ông đầu bạc nói:

- Hễ có cha thì phải có mẹ. Vậy sửa lại là : Quân, Sư, Phụ Mẫu . Mẹ "nằm" kế bên cha.

Một ông khác xua tay la lớn:

- Không được !Mẹ nằm kế bên cha không ra cái gì hết !

- Vậy nằm ở đâu ?

- Mẹ phải nằm dưới cha mới đúng.

Mọi người lại cười rần rần. Ai nấy đều thích chí gật đầu. Một người lại hỏi cái bà vừa thắc mắc:

- Nằm vậy được chưa bà, hay đòi nằm trên ?

- Qủy không đâu nà! Người ta nói thiệt lại bắt quanh bắt quẹo. Ừa đó, nằm trên thì nằm chớ sợ ai.

-Ừ, muốn nằm trên thì người ta để cho nằm trên, thành ra sách thánh hiền phải sửa lại như vầy :" Quân, Sư , Mẫu, Phụ " . Chịu chưa ? Nhưng nằm trên một lát rồi bị lật xuống nằm dưới mấy hồi.

- Ừ, phải đó, nằm dưới khoẻ hơn mà lại sướng hơn nằm trên - Một ông pha trò làm cái bà thắc mắc cười trừ.

...Sáng hôm sau Minh dậy sớm đi rảo ngoài vườn. Mấy chục gốc cam tơ trĩu trái. Hai cây vú sữ trắng trước nhà rậm um, bóng cây che cả nửa sân. Minh chợt nhớ tới gốc vú sữa nhà trường, lâu nay không có học trò chắc nó buồn lắm. Hình ảnh Emilie ở bến đò sống lại trong đầu Minh , bàn tay giơ lên như những búp hoa huệ kỳ lạ.

Mới đây mà đã xa nhau ngần ấy rồi. Không biết nàng làm gì trên đó bây giờ ? Minh mong ngày tháng qua mau để trở lên gặp nàng. Trong khung cảnh đồng quê chàng vẫn không bỡ ngỡ. Chàng là cây năn cây lác ở đồng này mà cái ngọn có đôi kho ngóng thấy đèn điện của thị thành, nhưng cái gốc có bao giờ xa đồng ruộng.

Ðang vẩn vơ suy nghĩ thì thằng Bảo chạy ra:

- Anh Minh, đi bắt kiến vàng với em !

Minh nhìn Bảo trìu mến:

- Em học khá không Bảo ?

- Ðể em đưa vở cho anh xem.

- Hột vịt ung sắp hàng trong đó hả?

- Ðâu có anh. Em không khi nào lọt xuống hạng ba.

Bảo vác cái bao bố tời đi trước. Minh theo sau xách cây câu liêm móc dừa. Minh đã rành vụ bắt kiến vàng thả lên cam từ lâu nên vui vẻ đi theo em.

Thằng Bảo dắt Minh xuống bở trâm bầu ở đầu đất. Nhìn lên ngọn cây, thấy cơ man nào là ổ kiến. Lạ thay cái xã hội loài kiến. Hễ ở dâu có kiến vàng thì không có kiến hôi, và ngược lại.

Bảo nói một cách rành rẽ:

- Muốn bắt đầy bao mà khỏi bị con nào cắn thì phải muối tro cả mình mẩy. Như vậy nó không khi nào dám động tới.

- Giỡn hoài! Mấy lần anh làm như vậy anh cũng bị cắn, về tới nhà phát nóng lạnh nhớ không ? Vậy em có cách nào khác không ? Hay là cứ gồng mình cho nó cắn miết rồi nó sợ luông?

Bảo cười hề hề:

- Người ta bày đặt vậy tôi, chớ hễ phá ổ nó, nó đeo được ở đâu thì cắn ở đó, có khi nó chui vô ...quân nó cắn muốn la làng.

Bảo nói liền miệng , tay móc lia. Rụng ổ nào Minh chụp lấy bỏ vào bao túm miệng lại. Bảo vừa phủi kiến vừa chắt lưỡi:

- Ba cái vụ này cũng tại lũ kiến hôi. À, anh có biết bài thơ Kiến Vàng không ?

- Ở đâu mà em thuộc ?

- Thầy Tám vừa dạy. Ðể em đọc cho anh nghe:

Kiến hôi, bây hởi, dám to gan

Dụm miệng cùng nhau cắn kiến vàng

Mai mốt quen cây cùng thuộc côi

Ðầu bây tao đái, chớ than van!
Kiến vàng ta mới về chưa làm ổ xong nên bị kiến hôi ăn hiếp, anh biết không? Kiến hôi cắn và đái một lượt. Em bị kiến hôi đái vô mắt khóc hoài.

Hai anh em bắt đây bao buộc miệng thiệt chặt, phủi sạch đám kiến bu bên ngoài rồi xỏ cây ngang khiêng về.

Dọc đường Bảo hỏi:

- Anh biết bà nào cãi ba cái vụ " quân sư phụ" hôm qua không?

- Bà nào ?

- Bà mai của anh đó. Bả tới nhà mình luôn. Ba má kêu là bà Sáu.

- Hả? Mày nói gì vậy Bảo ?

- Thì bà mai của anh đó chớ nói gì ?

- Bả làm gì mà em gọi là bà mai ?

- Bả đi kiếm "chị Hai" cho anh chứ làm gì ?

Minh tưởng thằng bé đùa nên không hỏi tiếp. Thằng Bảo lại nói:

- Bả đi lên Mỏ Cày mua xuyến, vân Tàu nữa !

- Chi vậy?

- Ðặng may áo dài cho anh chớ chi ? Má đợi anh về là bả đo, cắt may.

- Em không đặt chuyện chớ Bảo ?

- Anh không tin thì về nhà em chỉ cho anh coi.

- Coi cái gì ?

- Giày hàm ếch, khăn đóng, rượu trà, khay trầu rượu.

Như vậy là chắc có thiệt rồi. Thằng Bé đâu có đặt được bấy nhiêu chuyện đó. - Minh nghĩ thầm - Minh không chú ý bờ ranh mấp mô nên bị vấp một cái đau điếng. Minh xuýt xoa một lát rồi hỏi:

- Em biết "người đó" ở hướng nào không?

- Người nào?

- Người đó đó.

- À, người bà Sáu làm mai cho anh hả ? Người ta ở ngoài làng Minh Ðức gần vàm. Không xa nhà ngoại mình lắm. Anh cũng biết người ta nữa mà ! Hồi nẳm ba với em đi chung đò với anh đó, nhớ không ?

- Tao đi đâu đó mà biết ?

- Hồi anh học ở trển về...cách đây lâu lắm. Hồi đó anh còn nhỏ, ba ra chơi có dẫn anh theo.

- Tao không nhớ ai hết.

- Em với chị Mẫn rình mò nghe ba má bàn với nhau nhiều lần rồi.

- Bàn làm sao ?

- Nói anh về kỳ này là làm đám hỏi. Năm tới đám cưới...Ủa, hỏi rồi đám cưới liền chớ không chờ năm tới.

- Biết người ta có chịu nhận tao hay không mà cưới với hỏi ?

- Em hổng biết nhưng thấy ba má sửa soạn cái gì cũng sẵn hết trơn.

- Tao có thấy cái gì sẵn đâu nào.

- Má đã phơi nếp để đặt rượu. Ba hỏi mua bò ở dưới chòi. Còn má thì đi chợ gặp ghe chén, má kêu ra nhà mua mấy trăm chén tộ, nồi ơ.

Minh kêu đau , ngồi khuỵu xuống, mặt nhăn nhó. Thằng Bảo vô tư cứ nói tiếp:

- Ba nói xong đám anh rồi mới cho người ta đến xem mắt chị Mẫn.

- Bộ có ai tới coi Mẫn rồi sao ?

- Có người ở dưới làng Mới...Anh đau lắm hả?

- Chảy máu !

Thằng Bảo liếc qua rồi sìa môi:

- Vậy mà ăn thua gì ! Em có khi bị đứt miễng ốc lòi mỡ kìa, còn không ngá...án.

Về nhà Minh đi bứt tay chuối chẻ ra và nối lại buộc chuyền từ cây cam này qua cây cam kia như những chiếc cầu dây rồi thả kiến lên. Chúng sẽ bò đi khắp vườn cam như giang san của chúng. Những đàn kiến hôi bị...địch thủ đông hơn lấn áp sẽ dần dần chạy đi bất khả vãng hồi, để cho cam có nước.

Minh miên man nghĩ ngợi. Chuyện mua giày, may áo cho Minh chứng tỏ sự thật. Minh hỏi Mẫn, Thiệp thì hai cô em gái cũng nói y như Bảo.

Một bữa thừa lúc sắp nhỏ vắng nhà, bà Tư liền kêu Minh tới hỏi:

- Con ở nhà được bao lâu ?

- Dạ, chừng hai tuần thôi má à !

- Sao mọi năm bãi trường tới hai tháng mà năm nay ít vậy ?

- Dạ, ông Ðốc định mời con dạy cho trường Minh Châu. Con đã nhận lời.

Minh thuật lại mọi điều kiện thuận lợi, rồi tiếp:

- Con sẽ lên trên đó thưa laị một lần nữa cho chắc để ông Ðốc khỏi mướn người khác, rồi về ở nhà một tháng như mọi năm.

- Ừ, ở nhà cho ba má tính công việc của con.

- Việc gì vậy má? - Minh đã biết rồi còn hỏi lơ.

Bà Tư nói:

- Ba má định việc gia thất cho con.

Minh ngồi lặng thinh, tê điếng cả người. Bà Tư tưởng con ưng thuận nên nói tiếp:

- Chỗ này ba má vừa ý lắm. Chắc cũng không ai chê được. Ðây là con nhà gia giáo đức hạnh. Ba mày quen biết ông già nó từ trẻ, đi học chữ Nho cùng một thầy. Năm, sáu năm trở laị đây, ba mày cứ ra nhà đó chơi luôn là có dò xem con nhỏ. Nó học hết lớp ba thì ở nhà học chữ Nho của ông già nó dạy.

- Biết người ta chịu con không má ! - Minh nói nhát gừng.

- Chịu chớ sao không" Con mà không chịu thì còn chịu ai? - Bà Tư lại tiếp - Nó học chữ Nho giỏi lắm. Laị biết làm thi phú nữa. Mấy ông hội đồng, cai tổng cũng gắm ghé muốn đánh tiếng. Nhưng con nhỏ ra một điều kiện.

- Ðiều kiện gì vậy má ?

- Nó ra một bài thơ Ðường rồi bảo hễ ai hoạ lại được thì nó mới cho tới coi mắt.

- Rồi có ai tới không má ?

- Mấy cậu công tử tiền thì nhiều, nhưng thi phú thì không thạo nên thụt hết.

Minh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

- Vậy chắc người ta không ưng con đâu má. Vì con cũng đâu có biết thi phú gì.

- Con không biết thi phú, nhưng con có tài học của con. Nó có chữ nọ thì con có chữ kia chớ đâu thua !

Minh làm thinh. Bà Tư tiếp:

- Có mấy chỗ muốn gã con gái cho con nhưng ba không khứng, chỉ nhứt quyết con nhỏ thôi.

Minh lại chống chế:

- Con chưa muốn lập gia đình má à. Ðể con làm việc vài năm kiếm tiền giúp ba má rồi mới tính sau.

Bà Tư lắc đầu:

- Ba má không ham tiền, chỉ mong có cháu ẵm bồng thôi. Laị nữa con phải có vợ để cho em con lấy chồng.

- Thì ba má cứ gả nó đi chớ chờ con làm gì ?

- Con nói vậy nghe sao được ? - Bà Tư gạt ngang - Em mà có gia đình trước anh thì không khỏi bị xóm làng cười chê, cho rằng luân lý ngược ngạo. Ở bên đàng trai coi thầy bói nói con Mẫn chỉ được năm tới, nếu không gã năm tới thì phải chờ tới hai năm nữa. Như vậy nó phải hai mươi mốt tuổi mới lấy chồng. Tội nghiệp nó mà ! Con làm anh phải biết thương em gái.

Minh sực nhớ con Madeleine cũng hai mươi mốt tưổi mà bị con Liễu chiếm mất địa vị Jeanne d'Arc và con mang danh hiệu "con gái già ", nên cụt lý.

Bà Tư tiếp:

- Con coi gương chú Út và cậu Bảy con kìa. Chú Út cũng đi học Sài Gòn rồi mê một cô áo trắng áo xanh gì đó, nhưng ông nội con không cho, bắt cưới vợ dưới quê. Ban đầu chú làm dữ nhưng cuối cùng rồi cũng chịu nghe ông nội. Bây giờ con cái cả bầy đó, gia đình như bát nước đầy, có sao đâu...Cậu Bảy con đi học ngoài Huế, ngoài gì đó cũng định xin bà ngoại con cưới một cô gái Huế trọ trẻ, bà ngoại cũng chìu lòng, ra tận Huế xem mắt. Nào dè con gái quan Thượng Thơ, đâu có xứng suôi gia với ngoại. Cậu con đâu dám cãi lời. Ngoại cưới mợ con bây giờ. Ăn ở với cậu con mấy chục năm nay con thấy đó. Những cô áo hường, áo xanh làm tình tự nhân ngãi thôi con à., chớ cưới về họ không có chính chuyên, không có ăn đời ở kiếp với con đâu. Nhà mình xịt xạt như vậy con đem một cô áo mốt, áo đầm chân guốc chân giày, môi son đỏ chót về coi sao được con! Nó nghe mình ăn nói quê mùa ngờ nghệch nó chê cười cha mẹ rồi con chịu im được hay sao ?

- Con dạy nó chớ má!

- Nồi nào úp vung nấy con à! Ðã đành con học giỏi, muốn cưới cô nọ cô kia cho xứng với con. Nhưng nồi và vung xứng rồi còn phải xứng với cái bếp nữa chớ. Cái bếp nhà mình chỉ xài nồi đất chớ đâu có xài nồi đồng được con !

Minh làm thinh nhưng trong bụng buồn tênh. Bà Tư lại tiếp:

- Hồi nãy má nói là ba con để ý gia đình đó từ sáu, bảy năm nay, nhưng đúng ra là hai bên đã hứa với nhau trên hai mươi năm rồi đó con!

Minh nhìn mẹ, ngạc nhiên. Bà Tư vẫn bình tĩnh:

- Má không có nói thêm đâu. Hai bên học chung thầy, tâm đầu ý hợp nên có thề nguyền với nhau hễ sau này có gia đình, nếu đều sanh con trai thì cho chúng kết bạn tâm giào " hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly " , còn nếu một bên sanh con trai, một bên sanh con gái thì sẽ làm thông gia với nhau.

Nghe mẹ kể, Minh càng sửng sốt. Tuy đuối lý, Minh vẫn còn chống chế:

- Con đi dạy trên tỉnh, cách trở vậy sao tiện, má ?

- Mày cưới nó rồi bỏ nó ở nhà với tao. Tao không có bắt nó dầm mưa dang nắng gì mà sợ. Mày cứ đi, lâu lâu về thăm nhà. Hoặc muốn chồng đâu vợ đó thì cứ dắt theo.

Bà Tư nói tiếp:

- Ba mày đã định, đôi bên đã giao ước, hẹn ngày hẹn giờ xong, như dao chém cột rồi. Không thể nào con cãi lại ba con được đâu.

Minh thỏ thẻ:

- Dạ, con đâu có dám cãi ba. Con chỉ muốn con đi làm việc ít năm kiếm tiền giúp ba má rồi việc đó sẽ tính sau.

- Mày tính sao thì tính, đừng để cho ba mày thất hứa với người ta.

Minh nghe chết điếng trong bụng, nhưng cũng tìm cách hoãn binh:

- Con không dám để cho ba má thất hứa với người ta nhưng con xin ba má để cho con suy nghĩ.

Bà Tư càng nồ tới:

- Ba mày đã suy nghĩ cho mày rồi.

- Dạ, mà con chưa biết mặt người ta, người ta cũng chưa biết mặt con, rồi làm sao má?

- Mặt nó trắng, tóc nó đen. Hai bàn tay mười ngón đủ, chân đều, vậy là đựơc rồi. Hồi ông ngoại mày gả tao cho ba mày, tao có biết mặt ba mày, ba mày cũng có biết mặt tao ra sao đâu. Vậy mà ăn ở với nhau có cả bầy tuị bay đó. Gặp chỗ tốt ba mày mới nôn nả, chớ ai laị đi cưới tiểu thư mặt lọ lem về làm dâu bao giờ "!

Minh viện hết lý này lẽ nọ để mong ba má đình hoãn một thời gian (từ đó Minh sẽ tìm kế thoát thân) nhưng lý lẽ nào đưa ra cũng bị bà Tư đánh bạt. Bà còn bảo:

- Nếu năm nay không cưới được thì ba năm nữa mới có ngày tốt.

- Ai nói vậy má?

- Thầy Tám chớ ai !

Minh mừng quýnh:

- Vậy để ba năm nữa con làm có tiền sẽ tính má à !

- Ba năm nữa ai chờ mày mà tính. Hễ mày xục xịch thì người khác cưới ngay. Con hội đồng, cai tổng tới nườm nượp, nhưng người ta trọng nghĩa khinh tài nên không gã, chỉ chấm có một mình mày thôi.

Minh đành ngậm miệng. Dư âm tiếng tù và đột nhiên dội lên trong đầu Minh não nuột vô cùng.

Chương 17

Ông Nhì rót trà ra tách ông Hương, hai người vừa nhấm nháp vừa bàn công chuyện, rồi đi quanh xem sự chưng dọn trong nhà lần chót.

Ông Hương ngắm nghía bộ chưn đèn bằng thau đã được lau vàng rực và nói:

- Bộ lư đồng này đã dùng đến ba đời rồi đó chú Nhì. Lâu lắm tôi mới có dịp đem ra chưng một lần . Lần này xong rồi để tới đám cưới và Tết luôn .

Ông Nhì trỏ chiếc bàn tròn bằng gỗ trắc, bốn chân là bốn con rồng ngậm trái châu và nói:

- Anh coi, tôi bắt sắp nhỏ chùi từng cái vảy rồng sạch bóng. Chốc nữa suôi gia hai bên ngồi ở đó, còn chiếc ghế kia để cho thằng rể. Nó theo lối tân thời , mình không nên để nó đứng suốt buổi nói chuyện, tội nghiệp.

Ông Hương gật:

- Ðời bây giờ mình châm chước bớt lễ nghi, chớ hồi tôi với chú đi làm rể đã không được ngồi mà còn bị bắt làm công việc nặng như đứa ở trong nhà.

- Thời đó khác anh à! Bây giờ thằng chồng con Ðèo, tôi miễn cho hết. Mình đày đoạ nó bao nhiêu, về sau nó hành hạ con gái mình bấy nhiêu.

Ông Nhì ra mé ao bẻ một mớ bông ngãi vàng đem vô cắm trong bình bông đặt ở giữa bộ tràng kỷ, là nơi để dành cho bà con hai họ ngồi bàn chuyện tiếp với hai bên suôi gia.

Ông Hương đi tới đi lui xem lại lần nữa các bức hoành phi, những đôi liễn sơn mài chữ vàng rực rỡ. Ở căn giữa treo tấm chấn do cô Sương thêu phỏng theo kiểu thợ Bắc, nhưng có chế biến với tài nữ công của cô. Cô phải bỏ ra sáu tháng ròng để hoàn thành tấm chấn này. Ý bà Hương là cho đàng trai biết sự khéo léo của con gái. Ở vùng này, người ta chỉ mua các loại tiền bàn, chấn, y môn đem về xài chớ không có ai thêu được như cô Sương.

Ông Nhì ngắm nghía một hồi rồi định dời chỗ cặp khuôn đóng kiếng lộng hai bài thơ Ðường do ông Hương viết chữ Nho cho cô Sương thêu, để khi bên suôi trai ngồi thì ngó thấy.

Dù là bạn cố tri nhưng mình phải giữ tư thế của mình. Bên gái thường bị đàng trai coi rẻ, nhất là khi đàng trai có phần lấn lướt về sức học hoặc về tài sản. Ông Nhì còn muốn dời hai tấm khuôn thêu hình Rồng , Phượng, ở đầu hai cửa buồng qua chái nhà để lát nữa khách ngồi dùng cơm sẽ ngó lên. Nếu để ở chỗ cũ thì hơi khuất , ít người nhìn thấy. Nhưng ông Hương bảo cứ để ở đó là hơn. Muốn khoe ta cũng phải kín đáo, không nên lộ liễu.

Bây giờ chỉ cần thắp nến và đốt ba cây nhang là gian nhà sẽ tràn ngập không khí cổ kính thiêng liêng cho buổi lễ.

Cuối cùng hai ông ra bến nước xem lại chiếc cầu vừa mới bắc dành cho khách từ dưới ghe bước lên. Một tấm ván lung lay sẽ làm cho khách trợt chân. Một cử chỉ nhỏ sơ sót của đôi bên đều có ảnh hưởng đến tương lai của đôi trẻ.

Xong, hai người trở vào nhà ngồi uống trà và bàn chuyện tiếp. Ông Nhì hỏi:

- Nghe nói thằng nhỏ có sức học cao hả anh?

- Nó vừa đỗ tú tài.

- Con Sương chỉ học tới lớp ba trường làng, rồi làm sao hả ?

- Vợ chồng đâu có nói tiếng Tây mà chú sợ ! Nói về tài học thì nó giỏi tiếng Tây, con Sương giỏi chữ Nho, bù qua chế lại cũng được chớ mình có lép đâu !

Ông Nhì ngẫm nghĩ một hồi lại nói:

- Tôi sợ mình chưng dọn như vầy họ chê mình là "xưa" quá chớ !

- Không có đâu chú. Chúng tôi cùng học một thầy Nho mà. Nhưng dầu cho ảnh có theo tân thời thì theo, mình cứ giữ tục lệ ông bà. Không có xưa làm sao có nay ?

Kiểm tra mặt tiền xong, hai ông đi ra sau bếp xem xét tiếp. Ông Nhì hỏi bà Hương:

- Bữa nay chị làm mấy món vậy chị ?

- Bảy món ăn tại bàn chính, còn tráng miệng thì không kể.

- Ðâu chị kể em nghe coi.

Bà Hương nói:

- Ba nó muốn rước anh Năm Quý nấu đồ Tây, nhưng tôi nói đồ Tây để dàng đãi đám cưới, còn bữa nay mình phải tự nấu nướng để ngườ ta biết cái gia chánh của mình. Nếu mướn thợ , người ta sẽ bảo nhà mình không biết nấu ăn.

- Món thứ nhứt là món gì vậy chị ?

- Thị kho tàu là gốc rồi!

- Món đó thì cũng được, chị có món gì đặc biệt không?

Cô Ðèo vọt miệng:

- Cua biển xào dấm hồi hổm bác trai nói đó ba !

Bà Hương cười:

- Thịt kho tàu của bác khác của người ta, cháu à. Ướp thiệt kỷ, kho nước dừa xiêm miếng thịt vàng đều, mỡ rệu, để vô miệng là tan không phải nhai nghe cháu!

- Cha chả, tôi nghe phát đói bụng ! - Ông Nhì nuốt nước miếng rồi hỏi tiếp - Còn món thứ hai ?

Bà Hương trỏ ngoài ao, người lối xóm đang quần bắt cá nuôi:

- Cá éc chưng bún củ hành Tàu. Món thứ ba hủ hoa hầm nhưn đặc biệt.

- Là nhưn gì, chị ?

- Cá thác lác nạo lấy thịt, trộn với thịt heo nạc bằm nhuyễn và nấm mèo phơi khôné

- Tôi ăn cơm nhà này hoài mà nghe nhắc tới cũng thèm.

- Lần này khác chú à ! Chút nữa chú cầm khách rồi sẽ thấy !

- Mới có ba, còn bốn món nữa.

Bà Hương ngó vô bếp, thấy lửa to, bảo:

- Cho lửa riu xuống, bây chụm vậy thịt không kịp thấm nước dừa, còn nhưn hủ hoa thì nhảy ra ngoài hết, chút nữa múc ra, vỏ ruột hai nơi, khách sành ăn sẽ cười cho.

Thằng Tích cầm bập lá đập nước rầm rầm dưới ao, lùa cá nuôi vô hốc mương để mấy người lớn bao đăng lấy bội xúc. Nó ôm được một con cá chài, ném lên bờ như trái bầu rụng:

- Con này biết nói đó.

Mấy cô nhổ lông vịt rủ rỉ với nhau ở ngoài sàn nước:

- Dượng nó chắc ngộ trai lắm !

- Ờ ờ, người ta bận đồ Tây chớ không có đội khăn đóng như đám chồng con Ðèo đâu.

- Cô Sương đi ra cho người ta coi chắc túm chưn bước không được.

- Bây nói lén tao cái gì đó hả ? - cô Sương ló đầu ra vọt miệng hỏi.

Bọn con gái cười rúc rích.

- Nhớ nghe ! Cười người bữa trước, bữa sau người cười cho mà coi ! - cô Sương ở trong bếp mặt mày đỏ lơ đỏ lưỡng bước ra vui vẻ đối đáp với đám con gái.

- Tụi em mừng cho cô chớ đâu có nói lén gì !

- Vịt này mập quá, nấu cháo mỡ đặc nồi đó cô ơi !

- Vịt tiềm thuốc Bắc chớ không có nấu cháo em à !

- Trời em muốn là con trai đi coi vợ để được đãi ăn cho đã !

Bà Hương kêu thằng Tích lên bảo:

- Con ra vườn lựa cam chắc hái một chục rưỡi có đầu, trái nào trái nấy bằng nhau, để nguyên cuống với lá nghe.

- Chi vậy bà ?

- Nửa chục để tráng miệng, còn một chục biếu khách cầm tay đáp lễ lúc ra về.

- Ðáp lễ là sao bà ?

- Thôi đi đi, người ta gần tới rồi. Ý mà để việc đó cho mấy đứa con gái làm. Hái xong đem vô lột vỏ sáu trái rồi giẽ ra từng múi bóc chỉ thật sạch sắp trên dĩa bàn theo hình rẽ quạt nghe không ? Còn thằng Tích đi theo bà ra bồ lúa bà nhờ một chuyện nữa. Rồi chừng mày cưới vợ bà trả công cho !

- Dạ! - Thằng Tích hăng hái đi theo bà Hương ra bồ lúa.

Bà Hương bảo:

- Con leo lên giữa bồ móc cái việm vàng lên cho bà.

- Trời đất, bà có cả việm vàng lận sao bà ?

- Cái việm da màu vàng đựng cơm rượu chớ không phải vàng, con ơi! Ai mà bỏ vàng trong việm ?

Thằng Tích nhảy phóc lên bồ lúc, hai tay moi lia rồi bưng chiếc việm vàng nhỏ, đem ra mé bồ chuyền xuống. Bà Hương đỡ lấy để xuống đất, phủi lúa và bụi trên nắp, mở dây ràng rịt năm bảy chặng mới giở ra. Bà vừa giở vừa lầm thầm vái:"Ơn ai cho ổ cơm rượu ngon lành để tôi đãi khách lấy tiếng cho con gái tôi ". Ba ngày trước đây khi vùi việm cơm rượu vào lúa, bà cũng vái như vậy nên thánh thần phù hộ. Ổ cơm rượu lên men đều bốc hương ngọt dịu. Những viên cơm rượu tròn trịa, trắng phau, đều đặn nằm sắp lớp như những nàng công chúa đang ngủ say trong vườn thượng uyển.

Bà bảo thằng Tích vừa tuột xuống đất:

- Con vô bảo cô lấy cái keo kiểu nắp vuông , một cái muỗng lầu- một loại muỗng quý - và đôi đũa tre mới đưa con đem ra cho bà. Con đi chầm chậm đừng có chạy trợt té bể , đứt chân nghe không ? Ngày nay không nên đánh bể món gì trong nhà hết.

Thằng Tích "dạ" một tiếng rồi phóng mất. Nháy mắt nó trở ra với keo và muỗng. Bà Hương vò đầu nó:

- Ðã bảo đừng có chạy, cũng chạy !

- Dạ, con chạy theo trâu, chạy đuổi chim, bắt cá quen rồi, đi chậm không được. Hễ bước ra là chạy. Ðất khô hay ruộng lầy con đều chạy tuốt hết.

- Giỏi! Ðể rồi bà thưởng.

Thằng Tích lại phóng ào xuống ao tiếp tục đuổi bắt cá nuôi.

Bà Hương ngồi xuống, múc một chút nước cơm rượu nếm thử và gật đầu tỏ ý hài lòng. Từ đó tới giờ chưa lần nào ngon bằng. Quả là bà cậu giúp vận. Rồi bà gắp từng viên một với tất cả sự khéo léo của một bàn tay nữ công đầy kinh nghiệm, sắp vào lòng keo theo thứ lớp xoay tròn đến đầy nửa keo thì ngừng tay để múc từng muỗng nước sánh đặc rưới lên, cho đến nước xăm xắp những viên cơm rượu mới thôi.

Bỗng Tư Ðèo chạy tới:

- Bác ơi! Người ta tới rồi !

- Vậy hả? - Bà Hương vội vàng đứng dậy - Quần áo tao lấm lem như thế này làm sao ra tiếp khách?

- Dạ không! Người ta gần tới. Bác trai biểu bác vô sửa soạn để ra tuồng.

Tư Ðèo bưng việm cơm rượu, bà Hương ôm keo đi vô nhà.

Bà coi qua bếp núc, giao quyền cho Tư Ðèo điều khiển rồi đi lên nhà trên, vô buồng nơi cô Sương đang trang điểm, với sự giúp sức của bà Nhì.

- Ðeo bông gì cho nó hả chị ? - Bà Nhì hỏi.

- Nó còn con gái thì kẹp tóc, đeo bông toòng teng, chừng nào về nhà chồng hãy bới đầu đeo bông tai bèo nhận hột cẩm thạch.

- Còn áo màu gì ?

- Cái màu hường tôi mới lấy trong rương ra ủi hồi hôm treo ở đầu giường kia !

- Quần gì ?

- Quần sa teng trắng cũng ủi rồi đó.

- Ðeo nữ trang gì thêm không ?

- Một chiếc kiềng cổ, tay trái chiếc cẩm thạch, tay phải chiếc xuyến vàng. Ðừng đeo nhiều người ta nói mình khoe của, nhưng cũng nên thêm mấy vòng xơ men .

- Vòng xơ men là vòng gì chị, thuở nào tôi chưa được nghe.

Cô Sương đỡ lời mẹ:

- Ðó là nữ trang tân thời. Con gái đi học trên tỉnh quận dùng nó để nhớ ngày. Hễ thứ hai thì đeo hai vòng, thứ ba, thứ tư thì đeo ba bốn vòng. Mỗi chiếc chột nhỏ như râu tôm đó thím.

- Còn trên tóc, giắt món gì , chị ?

- Bên trái giắt trâm. Tóc cài lược. Phía dưói dùng cái kẹp có hình hai quả trơn hoặc theo xưa thì dùng chiếc kẹp Phụng Kiều

- Không xài kẹp con bướm à ?

- Ba nó bảo con gái không được xài bất cứ thứ gì có hình con bướm, vì bướm có nghĩa bay bướm !

Bà Nhì vừa đeo nữ trang vừa thủ thỉ với cháu:

- Năm nay đám hỏi, năm tới đám cưới. Còn có mấy tháng nữa đâu. Con gái lần lượt về nhà chồng hết. Ngó đi ngó lại xóm này vắng teo.

Cô Sương xúc động rơm rớm nước mắt:

- Thím qua lại với má cháu. Mấy chị cháu ở xa, con cái đùm đề ít khi về.

- Không sao đâu, ở đây có chú thím.

- Cháu không muốn có gia đình sớm, vì không ai phụng dưỡng cha mẹ già.

- Thím cũng biết vậy, nhưng con gái lớn lên phảicó chồng. Ðó là ý muốn của cha mẹ. Năm nay là năm tốt, xóm này gả cưới tới năm, sáu đám. Con được chỗ nơi tài đức song toàn, chú thím rất mừng cho cháu. Vợ chồng đẹp đôi, mà suôi gia cũng xứng.

Bỗng nghe tiếng lao xao bên ngoài. Bà Nhì rỉ tai cô Sương :

- Hình như người ta tới đó cháu.

Cô Sương ôm trụ giường và gục đầu vào vai bà Nhì. Bà Nhì gỡ nhẹ ra và bảo:

- Ðể thím đi coi!

Bà rón rén bước lại hé cửa nhìn ra. Cửa cái gồm bốn cánh đã mở rộng chờ đón khách từ sáng. Bà thấy một hàng người trịnh trọng đi vào.

Một chập, bà trở lại vỗ khẽ vai cô Sương :

- Họ đến thiệt rồi đó cháu.

Cô Sương vẫn gục đầu vào trụ giường. Bà Nhì laị thỏ thẻ:

- Thằng chồng cháu đi đầu bưng khay hộp.

Tiếng "chồng" được nghe lần đầu tiên làm cô vừa thẹn thùng vừa hơi lo. Cái tiếng vừa xa lạ vừa thân mến. Cô nghe như có trăm ngàn con kiến bò khắp da thịt nóng ran.

- Cháu đứng dậy cho thím xem lại cái áo chút...Ờ, được rồi. Cái áo may vừa vặn quá. Cổ, tay vừa sít . Hai vạt thiệt ôm

Ông Hương đón khách vào nhà mời ngồi. Ông nói:

- Bữa nay anh chị hạ cố đến nhà tôi, thiệt là quý hoá vô cùng.

- Dạ, cũng nhờ bà Sáu hướng dẫn.

Bà Sáu phá tan cái không khí xã giao khách sáo bằng mấy câu nói bình dân:

- Hai anh quen nhau mấy chục năm trước chớ bộ nhờ tôi mới biết sao ? Tôi làm mai cho có vị vậy tôi, chớ hai anh đã hứa với nhau cho hai cháu nên vợ nên chồng từ hồi chúng nó còn trong bụng mẹ kia mà!

Câu nói làm mọi người thân mật gần gũi nhau ngay. Thảo nào trong vùng này ai cũng phục tài " bắc cầu Ô Thước của bà Sáu. Ðám nào bà nhúng tay vào thì cũng kết thúc đẹp đẽ. Nghe bà mai nói vậy, ông Hương tiếp ngay:

- Chị nói đúng, tôi với anh Tư quen nhau từ thuở nhỏ học chữ thiên trời địa đất , quỳ gối xơ mít tới bây giờ là bốn năm chục năm.

Ông Tư nói:

- Ðúng ra là trên năm chục năm!...Rồi lớn lên, cưới vợ, làm làng làm xã cũng tới lui với nhau luôn. Ảnh làm Hương Thân làng Minh Ðức, tôi làm Hương Huấn làng Hương Mỹ cho nên người ta mới gọi tôi là Tư Huấn chớ tôi đâu phải tên Huấn.

Bà Sáu thay mặt chủ nhà rót trà mời hai người và nói:

- Cơ khổ hôn! Vậy mà lâu nay tôi tưởng chánh lục bộ, ghi tên anh như vậy chớ! Thôi, mời hai bên suôi gia uống nước rồi tôi nói chuyện. Ðể lâu nó nguội. Ủa Minh ! Cháu để khay hộp lên trường kỷ kia đi, rồi lại ngồi ở đây. Có ghế sẵn dành cho rể cưng đó cháu. Ủa, chị Hương đâu sao không ra ngồi cho cân xứng., bên trai có đủ má ba thì bên gái cũng phải đủ tía má, đừng để chim chích cánh không bay được.

- Má sắp nhỏ đang lo bếp núc. Chị dạy gì vợ chồng tôi xin bái lĩnh.

- Hứ, anh làm như tôi là nguyên soái vậy. Tôi mà dạy anh thì trời sập. Công việc của tôi là dắt cháu Minh đến đây xin phép anh chị Hương coi mắt cháu Sương., bây giờ chấm hết. Tôi giao cho mấy anh. Ðể tôi vô bếp với ông táo ông lò chớ ngồi ghế chạm uống nước trà tôi không quen. Còn cháu Minh, cháu cứ ngồi đó nghe cha mẹ nói chuyện. Muốn được vợ phải chịu khó một chút. Sốt ruột không được.!- Bà Sáu tả xung hữu đục làm cho không khí càng thân mật, vui vẻ, hai bên suôi gia bớt kiêng dè với nhau.

Nói xong bà đứng dậy đi vô trong thì gặp ngay bà Hương ở cửa buồng sắp bước ra. Bà laị tía lia :

- Chị khỏi ra, chị Hương à. Ðể cho mấy ổng hát tích gì thì hát. Còn tôi với chị thì ra sau bếp diễn lớp :"Ông Táo kiện ông Lò "! - Rồi bà nắm tay bà Hương đi vô, vừa đi vừa rỉ tai - Con nhỏ đâu?

- Nó đang sửa soạn trong buồng.

- Ðể cho tôi vô đó chút được không?

- Dạ, mời chị đi với tôi! Con nhỏ nhát quá hà !- Bà Hương nói.

- Con gái thì vậy chớ sao. Phải già cái đầu như mình sao mà dạn được.

Bà Hương vừa mở cửa, bà Sáu đã bước thẳng tới Sương:

- Chèn ơi! Công Chúa Thoại Ba, tiểu thư của viên ngoại cũng không có sánh bằng. Thôi vậy đủ rồi. Ðẹp lắm rồi. Xứ này tôi hứa chắc không có ai bì kịp mà. - Bà sà laị ngồi bên Sương - Nghe cô nói nè con! Con gái lớn lên phải lấy chồng. Lấy chồng cho đáng tấm chồng. Nó vừa đậu bằng cao cấp ở trên Sài gòn, Mỹ Tho gì đó, cô không có biết, nhưng nó nhu mì dễ thương, chuyện gì chớ còn cái chuyện ăn hiếp vợ thì nó không có đâu. Nó học Tây mà ba má nó biểu bận áo dài bịt khăn đóng mang giày hàm ếch nó cũng nghe theo, không cãi một tiếng. Trang điểm vầy đẹp rồi. Thôi, tôi xin phép chị Hương dắt con nhỏ ra mời trà khách.

Cô Sương nghe tê tái cả người khi nghe bàn tay bà Sáu nắm vai cô:

- Ði con! Ði theo cô!...Chị Hương sắp sẵn giùm tôi mâm trà....Con ra rót trà mời khách rồi vô chớ không có việc gì nặng nề hết á! Bà vừa nhấc vai cô Sương đứng dậy vừa nhìn xuống chân - Ðôi giày cườm thêu đầu phụng thiệt đẹp, vừa chân con quá.. Không cao gót, dễ đi, ít vấp, ít té. Trong nhà thì mặt đất bằng phẳng, ra khỏi cửa thì lông chông gai góc con ơi! Ðừng ham cao gót.

Bà Hương đem mâm trà đặt vào tay con gái, trong lúc bà mai vẫn không ngớt miệng:

- Con bước ra với vẻ mặt tươi tỉnh nghe. Cứ dòm thẳng, mặc kệ ai liếc ngó mình. Nè , cô nhắc cho con nhớ: Nó ngồi đằng sau lưng ông già chồng con. Ừ nó đó. Con rót trà tay đừng có run ra ngoài mâm nghe.

Bà Sáu dìu Sương đi, tay mở cửa buồng:

- Ngó ra ngoài đó chút đi con. Ðọ, thấy rõ chưa, đừng có khớp. Họ cũng người như mình. - Bà Sáu nói to lên - Nè, công chúa ra mắt các anh các chị.

Cả bàn chủ khách đang ngồi bàn tính công việc bỗng im bặt. Mọi cặp mắt đổ xô về phía cô Sương . Bà Sáu vẫn đi sau cô hộ vệ từng bước và bô lô cái miệng:

- Ðừng có ngó hung, cháu tôi sợ nghe! Hễ nó sơ sót là tại mấy ông bà đó!

Cô Sương đi tới bàn. Bà Sáu nhắc:

- Cúi đầu chào đi con. Ðây là ba má chồng tương lai của con. Còn đây là...là cái người cô nói với con trong buồng hồi nãy. Minh ! Con biết ai đây không? Ðây là con gái cưng của ông bà Hương và con dâu cưng tươnglai của ba má con đó nghe. Mấy tấm chấn trên bàn và các bức tranh thêu lộng kiếng kia cũng đều do một bàn tay nó thêu đó nghen...Thôi, đủ lễ rồi con, cúi đầu một cái rồi vào! Có khó khiếc gì!

Bà Sáu lại hộ vệ cô Sương trở vào buồng. Bà rủ rỉ:

- Con không cần ngó nó. Ðã có cô ngó giùm cho con rồi. Chẳng phải mới gần đây mà mấy năm trước nữa kia. Nó đi với con cũng xứng mà đứng lại cũng vừa, không chỗ nào chê được . Cô đã nói tốt là tốt. Tốt đôi, tốt phước, cái gì cũng tốt hết.

Cô Sương cảm thấy như qua một giấc chiêm bao ngắn, một cuộc vượt sôn đầy hồi hộp. Bà mai lại đi vào tiếp tục sứ mạng của mình. Hết khen cô dâu lại tô phết chú rể. Tiếng nói của bà ấm như sáo thổi, như chim hót. Bà hỏi cô Sương :

- Con thấy có được không ? Ðược quá phải không con ? Mấy cậu công tử vùng này làm sao có nổi sự học thức đó. Vừa đậu xong đã có nơi mời thỉnh làm việc rồi. Có mấy nhà muốn cô làm mối gả con cho nó, nhưng ông già nó nhứt định phải làm suôi với ba con. Con thấy thế nào ? Chịu thì nói cho cô biết. Còn không thì cũng cứ nói để cô chạy lo...đám khác cho nó. Nó mà ưng chỗ nào thì chỗ đó phải cắn câu ngay..vậy là con ưng rồi. Mọi việc sẽ tiến hành êm xuôi dễ ợt thôi.

Thế là xong phần chính thức của đám hỏi.

Cơm nước dọn ra, hai bên đàng trai đàng gái ngồi quanh bàn ăn uống nói chuyện. Cô Sương đã "qua truông" lấy lại sự dạn dĩ. Cô thay áo ngắn màu xanh da trời , cổ trái tim có thêu bông bằng chỉ trắng ở cổ,tay và lai áo. Cô đi lên đi xuống rội thức ăn.

Ðám con gái núp ở cửa nhà cầu ngó ra nhưng không thấy chú rể nên ức lắm. Chờ cô Sương trở vô, Tư Ðèo chận ngang:

- Ảnh ngồi ở đâu chị ?

- Ở ngoài chớ đâu mà hỏi ! - cô Sương đỏ mặt đập vai Tư Ðèo , rồi đi thẳng.

- Chị nhìn kỹ giùm em một chút nghe. ! - Ðèo nói với theo.

- Mày có muốn dòm người ta thì bưng thức ăn ra mà dòm. Tao không ngó ai hết.

- Em muốn chị xem cho kỹ rồi vô đây nói cho tụi em nghe! Hí hí !...

Cô Sương bị chọc ghẹo nhưng rất thích. Chờ cô bưng món vịt tiềm trở ra, Ðèo lại chận đường:

- Chị nhìn rõ nghe !

- Nhìn rõ rồi. Bàn tay trái có ba mụn cóc. Hỏi nữa thôi ?

- Xứng với chị không ?

- Xứng lám! Còn gì nữa hỏi luôn đi, con quỷ !

- Chị trở ra lần nữa, nói em chúc anh sớm sớm vầy duyên can lệ với chị nghe !

Cô Sương véo vai Tư Ðèo:

- Sớm sớm nè ! Can lệ nè !

Ðèo bị véo đau xuýt xoa lia lịa. Cô Sương nói:
- Rồi tới phiên mấy đứa bây, tao ngạo lại cho mày biết mấy cái mụn cóc!
- Mấy cái mụn cóc rụng hết rồi!
- Cóc,cóc, cóc nè ! - Bà Nhì đi ngang dọi đầu mấy cô lia lịa - Giỡn trửng om sòm khách người ta nghe người ta cười cho đó.
Ðến xế chiều buổi lễ mới chấm dứt. Ông Hương bà Hương tiễn đưa đàng trai xuống tận bến. Chiếc xuồng của đàng trai đi khuất mọi người mới vào nhà.
...Ngồi trên xuồng, bà Sáu tiếp tục trổ tài ăn nói với chú rể:
- Nếu tui là con trai thì tui ưng con nhỏ liền, khỏi phải nói tới nói lui thêm một câu.
Ông Tư vui vẻ:
- Thì tôi có nói tới nói lui gì đâu chị Sáu ! Tôi đã ngắm nghía và hứa hẹn với ông già con nhỏ lâu rồi, chớ phải mới đây sao !
- Tôi cũng có gặp nó vài lần. Hồi nó còn để bánh bèo kia. Mới vắng có mấy năm mà nó lớn quá chừng. Vừa ngộ lại vừa đoan trang. Mình hạc xương mai, cử chỉ khoan thai thùy mị. Con gái ở vường mà tôi đố con gái ở thành ăn qua nó - Sẵn trớn bà Sáu nghênh mặt tuyên chiến luôn - Con gái ở thành chỉ được cái quần áo nhổm nha, phấn son loè loẹt thôi chớ đức hạnh thì thua gái vườn xa. Bị vì họ hiễm ba cái văn minh ở trển. Mình cứ theo ông bà mình ăn chắc mặc dày, mắm dưa làm gốc.
Minh nghe bà Sáu nói không hở miệng mà nhức tai. Minh rụt đầu vào hai gối nhưng bà Sáu nào có tha cho. Bà vỗ vỗ lưng Minh :
- Cháu đã chịu rồi chứ Minh ?
Minh không đáp. Bà Tư thay lời:
- Nó làm thinh là nó ưng rồi, chị không phải hỏi. Chị cứ lo việc của chị cho sớm
Minh bị ốp từ mọi phía đành im lặng. Minh nghe bực bội, bứt rứt khó chịu nên tìm cách xoay sở. Minh nghiêng đầu ra be xuồng thò tay khoát nước. Nước tuôn bên mạng xuồg trào bọt trắng xoá. Minh vốc lên phả vào mặt, dội cả vào tóc, như muốn xoá tan cái hình ảnh cô dâu vừa mới in vào đầu chàng. Phải xoá ngay khi nó chưa khắc sâu.
- Bộ nước ngược sao xuồng đi chậm vậy chị ? - Bà Tư hỏi.
Bà Sáu chụp lấy trả lời liền:
- Nước đang ròng nên nó...vậy. Chịu khó chèo ngược khúc quanh là nước lớn, nước xuôi chèo khỏe re đó chị. Tại mình đi hơi gấp nên phải chịu mệt chút.
Minh nghe hai bà đối đáp với nhau một cách ý nhị thì càng xốn xang, nhưng không biết chống laị cách nào. Chàng nhìn lên bờ, qua kẽ những bụi lá dừa nước thấp thoáng bóng người đi trên lộ. Chàng mường tương Emilie đang đạp xe trên đường ra bến Bắc Hàm Luông với chàng, tay nàng đè mép váy:"cấm nhìn!"
Minh không nghĩ mọi việc xảy ra nhanh chóng và bất ngờ đến thế. Minh không phương chống đỡ, trì hoãn hoặc tránh né. Tơ là đẹp, tóc tơ là duyên trai g1i, nhưng tơ vò thì rối rắm không gỡ được. Cuộn tơ ấy đang nằm trong lòng chàng. Nắng trưa như đổ lửa lên đầu. Chung quanh chàng mọi người đều hả hê, thoả mãn về dung nhan lẫn cử chỉ của cô dâu, hơn nữa , hãnh diện vì gia đạo của đàng gái. Ai cũng góp một câu khen.
Bỗng bà Sáu nói với bà Tư:
- Anh chị Tư à! Lúc nãy anh chị Hương có nói với tôi là ảnh chỉ thách cưới gấp.
- Là ra ngoài ngày ?
- Ra ngoài ngày tức là qua sang năm, mà sang năm thì không được tuổi.
Ông Tư kêu lên:
- Cha chả! Vậy tôi lo sao kịp ?
Bà Sáu bảo:
- Ảnh chỉ không đòi phải làm rình rang. Bên trai tùy nghi mà bước tới. Còn nếu năm nay không xong thì phải chờ ba năm nữa họ mới cho cưới.
Ông Tư lại kêu lên. Nhưng bà Tư thì laị bình tĩnh:
- Ở bển người ta đã mở hơi như vậy rồi, thì mình phải thính tai! Nhưng tôi thấy năm nay hay ba năm nữa cũng vậy thôi. Cưới sớm thì mình được dâu sớm chớ có haị gì, phải không chị Sáu?
- Ờ, có dâu sớm thì có cháu sớm ẵm bồng với người ta lên chức bà nội sớm, phải không chị Tư ? - Rồi không để cho bà Tư nói gì thêm, bà Sáu tiếp ngay - Ðể mai tôi trở lại trả lời hễ ở bển định sao , bên này làm vậy!
Trời nắng chang chang mà Minh nghe lạnh buốt.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...