Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Tấm lụa đào 3

Tấm lụa đào 3

Chương 18

Anh! Anh! Em mong anh cháy ruột. Em không thể nào ngồi yên. Hình ảnh anh lúc nào cũng lảng vảng trong đầu em. Ở quê nhà anh có nhớ tới em không ? Mới có bấy nhiêu ngày mà em tưởng như hàng chục năm qua vậy.

Em không làm gì được. Thậm chí ăn cơm cũng ngừng đũa nửa chừng. Má hỏi em tại sao ? Em thưa rằng em đang lo nghĩ về nghề nghiệp. Ba má đã đồng ý cho em đi dạy rồi. Em chờ anh nhận lời với ông Ðốc nữa là xong. Một hôm đọc lại quyển " Paul et Virginie ", bỗng nhiên em khóc mùi. Bà Pottier giảng giải tại sao Paul đau ? Bây giờ em hiễu rõ hơn chứng bịnh của Paul. Xa nhau khổ quá anh à. Lần này mà gặp anh, em nhứt định không cho anh đi đâu nữa hết. Sáng anh phải đứng ở vườn hoa chờ em. Trưa phải ra hôn tay cầm xe đạp. Chiều phải đưa em về đến gần nhà mới được trở lại. Thỉnh thoảng anh và em đi xem hát. Bà má đã cho phép em đi một mình. Nhưng mình không vô rạp Nam Xuân đâu anh nhé ! Mình chỉ đến đó "uống sữa đậu nành", kẻo nó nguội lâu rồi.

Hôm qua em đến chỗ băng đá em từng ngồi vì sợ "chiếc xe đò màu vàng", anh nhớ chiếc băng kỷ niệm đó không ? Em đi đến tiệm rượu. Em đi qua tiệm chụp hình Ðinh Bá Trung. Rồi em đến hiệu xe Tám Trận. Ðể chi anh biết không ? Ðể tìm chiếc xe anh mướn đi chơi với em hôm nọ. Em nhớ rõ chiếc xe đó. Guidon carré, bánh trước hơi cũ, vè sau bị móp một chút. Thấy cái tay cầm của nó em muốn làm như anh quá! Nhưng sợ người ta cho rằng em điên. Bây giờ em mới hiểu tại sao anh cứ đến gốc cây vú sữa để ngó xe em và làm như thế.

Hôm qua em đến bến đò đứng ở nơi em đã đứng nhìn con đò tách bến, nhìn ra sông mênh mông. Ước sao chiếc đò hôm trước cặp bến, rồi anh nhảy lên bờ miệng kêu "Emilie , Emilie !" Nhưng em thất vọng. Em đi dọc bậc thạch, thấy chiếc ghe nào cũng là đò.

Xuân đã đem mong nhớ trở về
Lòng cô gái ở bế nsông
Cô hồi tưởng lại ba năm trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề
Nhưng rồi người khách tình quân ấy
Ði biệt không về với bến sông
Ðã mấy lần xuân trôi chảy mãi
Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.
............
Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Ðể buồn cho những khách sang sông
(Thơ "Cô Lái Ðò" của Nguyễn Bính)

Em có là cô lái đò kia không ?

Không bao giờ em "bỏ bến bỏ dòng trong để ...buồn cho những khách sang sông". Còn anh chắc cũng sẽ không làm người khách tình quân ấy "đi biệt không về"...

Em sợ quá. Em sợ cái tin một ngày nào đó sẽ đến với em. Tuy chắc không bao giờ nhưng vẫn sợ. Một bữa em gặp thầy Giám Thị. Thầy hỏi em:" Mày giấu thằng Minh trong túi mày hả nhỏ ? Cớ sao nay đã ba tuần mà chưa thấy nó tới ? Tao đã bẩm lên, ông Ðốc đã đồng ý rồi!"

Em đâu có giấu anh được. Anh chỉ sống trong lòng em thôi. Em thưa với thầy em không biết gì hết. Thầy laị nhắc nào là tiền lương, nhà cửa, vợ chồng, làm em ngượng quá. Lần này anh lên, em sẽ thưa với ba má rõ mọi việc. Ba má thỉnh thoảng, cũng nhắc lại cái anh chàng dưới An Hoá, Bình Ðại, con chủ lò dừa lò gạch, xưởng dây luộc gì đó, em thưa để con kiếm chút tiền giúp đỡ cha me...Ba em là người tiêm nhiễm Tây học nên không ép, còn má em thì cứ than thở: chỗ đó giàu, không chịu còn chỗ nào ?

Một hôm em soạn ra tất cả những thư từ và hoa nguyệt quới em mới phục anh ghê . Anh có biết là bao nhiêu bức thư không ? Bao nhiêu mẩu báo có tên em hoặc chỉ một chữ trong tên em không ? Nếu em góp lại tất cả, đem in thì dày hơn quyển "Thư cho người yêu phương xa "(Lettres à l'étrangère) của Balz. Thì giờ đâu mà anh học rồi thì giờ đâu mà viết thư . Ngày nào cũng viết . Còn bông nguyệt quới thì có cả túi . Ngày nào anh cũng hái cho em một đoá . Riết rồi em ghiền . Mấy lúc sau này, khi gần hết 4ème mỗi lần anh tặng, em giắt luôn lên tóc để khỏi mất và nghe mùi thơm suốt ngày .

Bây giờ em gom tất cả lại để trong ngăn kéo bàn học của ẹm Trước kia (hồi 2ème) em sợ má bắt gặp nên em may vào ruột gối, để đêm đêm vùi mặt vào đó nghe tiếng nói và thở hơi nguyệt quới của anh, cái tên đẹp ghê..Nếu (?...) thì sẽ đặt tên là ..., còn ...thì sẽ đặt là Q...

Mỗi lần em qua Ngã Ba nhìn vào những liếp hoa xanh ngắt điểm những đoá trắng như tuyết thì em nhớ anh vô cụng Nếu có anh ở đây thì em sẽ nhận được hoa luôn .

Một hôm em dựng xe ở chân đài chiến sĩ rồi phát khùng hái luôn mấy chục đọa Hái xong sợ lính bắt muốn chết, chạy bán mạng .

Về nhà khi chải tóc em lại thấy một cái bông sao vướng trên tọc Em nhớ có lần anh và em, đứng ngó hồi lâu những chiếc bông ấy lăn quay như vụ trong không gian rồi rơi trên cỏ . Anh nhặt lấy một chiếc bảo em tung lên rồi anh thổi mạnh cho nó bay. Anh bảo: anh làm gió cho em bay.

Những chuyện như vậy có nghĩa lý gì đâu, nhưng sao em cứ nhớ . Ðôi khi mơ màng ngủ lại thấy những chiếc bông sao xoay tròn trong đầu . Em tự nhủ:"anh đến với em !"

Con Liễu biến đâu mất sau khi em đậu Thành Chung . Con Yvonne oai lắm ! Một hôm em gặp nó ngồi xe mui trần với ông thầy Ăng Lê chạy vô Câu Lạc Bộ sân vận động . Con Thérèse có gặp em một lần, chạy xe qua nên nó chỉ hôn gió em. Bà Madeleine không thấy xuất hiện ở thị xã này nữa . Ai đóng vai Jeanne d'Arc bà cũng không màng . Ai gọi bà là gái già chắc bà cũng chẳng giận . Bây giờ bà già thật rồi . Ðã 23 tuổi !

Có lần em vô sân vận động nhân có trận đá giày, ý là để tìm anh Bền . Em có hỏi chị Oanh vợ ông Qúy mập về anh Bền nhưng ảnh bảo anh Bền không ra sân nữa . Người ta đồn ảnh lên Sài gòn hoặc đi Bạc Liêu. Thầy Giám Thị cũng không rõ . Ảnh bị Jeanne d'Arc đá cho thủng lưới , có lẽ vì thế con Liễu cũng dang ra luôn .

Thôi mệt quá rồi, em đi ngủ . Em sẽ áp mặt lên chiếc gối thở hơi anh và mộng thấy anh

Emilie đứng ở bến đò, nhìn mặt sông lấp lánh nắng chiều .

Hôm nay gần hết tuần thứ tư rồi . Minh phải lên . Emilie có linh tính như vậy vì đêm qua Emilie nghe ruột như lửa đốt .

Chiếc ghe nào cặp bến Emilie cũng theo dõi từng người lên bờ . Chờ mãi, Emilie đánh bạo hỏi một người trên chiếc ghe vừa đỗ bến:

- Có phải là đò miệt dưới lên không ông ?

- Không, ghe tôi ở Trà Vinh - rồi ông cắt nghĩa - Cháu xem con số trên mui kia kìa . Số 5 là Trà Vinh. Số 1 Gia Ðịnh . Số 2 Châu Ðốc . Số 3 Hà Tiên . Số 4 Rạch Giá . Số 5 Trà Vinh . Số 6 Sa Ðéc . Số 6 Bến Tre . Số 8 Long Xuyên . Số 9 Tân Anh . Số 10 Sóc Trăng v.v.. Cháu muốn tìm ghe tỉnh nào ?

- Dạ cháu muốn tìm ghe ở dưới quận lên !

- Tỉnh mới có số, còn quận thì không có đâu cháu ạ !

Emilie buồn rầu quay về . Còn đúng hai ngày nữa thì hết tháng . Ðôi chân rã rời . Emilie cơ hồ không muốn đạp nữa , nhưng khi chạy ngang trường thì thầy Giám Thị ngoắc lia:

- Vô đây biểu, nhỏ !

- Dạ !

Như máy, Emilie quẹo vô trường . Nàng không dắt xe mà thả ào xuống dốc .

- Ði đâu về mà mặt mũi coi bơ phờ vậy nhỏ ?

- Dạ cháu đi đằng nhà cô sấy học bài sư phạm .

- Học với gốc me và mắm ruốc hả ? Cô Sầy đang làm việc ở văn phòng kia kìa .

Emilie ngượng quá không biết nói gì thì thầy bảo :

- Ðứng đó ! Tao cho mày một cái surprise !

Thầy quay vào trong chưa đầy một phút thì có tiếng kêu:

- Emilie !

Emilie quay lại . Nàng tưởng chiêm bao : Minh đang đứng ở thềm . Chàng chạy ra sân nắm tay Emilie . Nàng nghe bàn tay như than hồng, nghe mi mắt ướt ướt, nhưng nàng cố cầm lại . Em đi đón anh . Nàng chỉ nói trong tâm tưởng chứ không thành lời .

- Anh vừa tới em à !

- Anh đi ngã nào ?

- Hèn chi !

- Hèn chi gì ?

Emilie làm thinh . Minh dắt tay nàng đi . Thấy nét buồn trên mặt Emilie, chàng an ủi:

- Thì anh hứa lâu nhất là một tháng mà . Hôm nay mới có ...

- Em không còn nhớ ngày tháng gì nữa hết .

- Còn hai ngày nữa mới hết hạn .

-....Nhưng em tưởng ba chục năm . Em già đi, anh thấy không ?

Sự thuộc đường của những bàn chân đã đưa hai người trở lại Ngã Ba thân mến ! Minh hái ngay một đóa nguyệt quới đặt vào tay Emilie :

- Cho em !

Emilie nâng lên mũi hít hít :

- Sao anh lại đi xe hơi ?

- Ði mau hơn xe đò .

- Vậy mà ngày nao em cũng ra bến chờ đò lên - Emilie nũng nịu - Ngày mốt anh không lên, em sẽ đi đò xuống cho coi .

- Em biết đâu mà đi ?

- Em hỏi đường rồi . Ðò đỗ bến chợ Cầu Mống chớ gì ? Ðúng không ? Anh ở đâu em cũng đi tới .

- Sao em biết giỏi vậy ?

Emilie cười:

- Bữa nọ em hỏi nhằm đò Thạnh Phú . Một bữa khác em hỏi trúng đò Cái Quao . Bữa đó đò Cầu Mống không lên .

- Ðò Cầu Mống ba ngày mới có một chuyến .

- Thì em đi xe, đi máy bay .

- Bây giờ em khỏi đi đâu hết .

- Em tưởng anh về dưới đó có gì vui rồi anh quên em chớ .

- Ở dưới có gì vui mà đến nỗi quên em được hả em ?

- Về nhà mà không vui à ?

- Vui....Nhưng năm nào cũng vậy thôi .

- Năm nay có khác chứ !

- Khác gì đâu ? - Minh giật mình đánh thót .

- Không khác à ? Vầy mà không khác sao ? - Emilie dỗi .

- Ư..ờ có khác, nhưng mà anh đâu có dám cho nhà biết ...anh với em....

Emilie chợt nghe giọng Minh thoáng buồn:

- Sao anh có vẻ ....như khác khác vậy ?

- Ðâu có khác gì !

- Có mà ! Ðừng giấu em...Anh quên em là thầy bói đọc được cả những ý nghĩ của người khác sao ?

- Ừ ờ ....Anh buồn vì xa nhà ....- Minh cố làm vui - Anh nhớ thằng em út . Anh đi nó khóc nhiều lắm . Vì ở nhà không có ai chơi với nó . Rồi Minh cố làm ra vẻ tự nhiên kể lại việc hai anh em đi bắt kiến vàng .

- Anh không sợ kiến cắn à ?

- Sợ gì ba con kiến . Thằng nhỏ gan hơn anh . Ngày nào cũng đi bắt vài bao đem về thả lên cây cam .

- Về nhà cả tháng chỉ đi bắt kiến vàng thôi à ?

- Còn làm nhiều việc ...khác nữa chớ .

- Em mong được về đồng quê chơi cho thoả chí . Ngày còn bé em được má em dắt về ngoại trèo hái ổi, tát mương bắt cá, thả diều, thích ghê lắm . Cho em nghe những chuyện anh làm một tháng qua ở dưới đó để em vui lây với ! Mà phải kể thứ tự ngày thứ nhất, ngày thứ hai....Cho đến ngày chót, như làm luận văn vậy . À em là cô giáo lớp nhất, còn anh là học trò của em nhé . Anh làm một bài luận " Tả cảnh đồng quê 'em' sống lúc bãi trường " , chóng ngoan rồi "cô" cho điểm lớn !

Minh đang lúng túng nhưng nhờ sự pha trò của Emilie mà chàng bình tỉnh lại :

- Cô giáo oai ghê . Ðể "em" làm bài luận văn miệng cho "cô" nghe nhé ! Ngày thứ nhứt về tới nhà bà con xúm xít chào mừng . Ông già làm heo thết tiệc . Ngày thứ hai đi bắt kiến vàng .Ngày thứ ba đi bắt kiến vàng . Ngày thứ tư kiến vàng đi bắt . Ngày thứ năm lại đi bắt ....

Emilie chận lại:

- Phải thuật lại bữa tiệc mừng, bà con vui vẻ cử chỉ ra sao, ai nói những gì, uống rượu nhiều không ?

- À, cô giáo bắt gắt nhỉ ?

- Ðừng quên là em đang học sư phạm nghe . Thôi, kể tiếp đi , với chi tiết rõ ràng hơn .

- Ngày thứ sáu đi ra đồng cỡi trâu . Em nhớ bài "Ai bảo chăn trâu là khổ mình học hồi nhỏ không ?

- Không nhớ gì hết . Chỉ nhớ anh thôi .- Emilie áp má vào môi Minh - Kể nốt đi !

- Thì mấy ngày sau cùng cứ "mêm sối xèng " thôi .

- Có ngày nào nhớ em không ?

- Ngày nào a...a ....a....cũng nhớ .

- Ngày nào cũng nhớ nhiều nhất ?

- Ngày nào cũng nhớ ...em nhiều hết á !

- Có ngày nào không nhớ em chút nào không ?

- Làm sao có một ngày nào như vậy được !

- Có thể một ngày nào đó anh bận liên miên không có thì giờ để nhớ em !

- Không có ngày nào như vậy hết ! Chỉ có những ngày anh nhớ em không làm được việc gì thôi !

Minh cố đối đáp vui vẻ để khoả lấp nỗi buồn lo trong lòng . Khung cảnh nhà ông Hương còn mới ràng ràng . Những lời bà Sáu còn vang vang bên tai . Giữa nắng trưa Minh gục đầu và nhớ Emilie . Minh phải làm vừa lòng mọi người . Minh không có can đảm cải lời cha mẹ . Bây giờ ngồi bên Emilie chàng mới thấy rõ chứng bệnh của thằng Paul khi xa Virginie . Bây giờ Minh không xa Emilie mà Minh vẫn thấy đau .

- Anh có được chừng mấy ngày như vậy ?

- Chừng ...nhiều lắm , anh không nhớ hết !

- Một ngày, một giờ, một phút anh nhớ em thì cũng đủ làm cho em sung sướng rồi . Anh Minh! Em nói đùa cho anh vui vậy thôi , chớ em biết hết bụng anh rồi !

Minh giật mình quay ngang :

- Em biết chuyện gì ?

- Chuyện gì mà em không biết !

- Ðâu em nói thử coi ?

Emilie nhủi mặt vào tóc Minh hít hít :

- Anh dang nắng nhiều quá hà . Tóc anh khét nắng ghê đi . anh ở dưới sốt ruột bao nhiêu thì ở trên này em bồn chồn bấy nhiêu . Em biết gia đình anh .....

- Gia đình anh làm sao ? - Minh càng giật nẩy người hỏi .

Emilie thản nhiên:

- Gia đình anh bắt anh ....ở nhà nhưng anh đặt chuyện để lên đây chớ gì !

- Sao em biết rõ vậy ?

- Suy bụng ta thì ra bụng người chớ sao ! - Emilie cười ngặt nghẹo - Cũng như em trước đây, vì muốn gặp anh nên đang coi hát mà cũng tìm cớ đi ra cho bằng được để gặp người ta . Còn anh muốn gặp em nên lấy cớ để đi lên đây .

Minh mừng như thoát nạn, tiếp ngay :

- Ðúng đấy Emilie, gia đình bắt anh ở lại lâu lâu nhưng anh muốn gặp em .

- Thì anh đã gặp em rồi . Còn đòi gì nữa ?

- Anh muốn bàn chuyện quan trọng với em .

Emilie nói hớt :

- Ông Ðốc nhận em thì ông cũng mời anh dạy . Thầy Giám Thị nhắc với em là ông Ðốc muốn gặp anh .

- Anh lên đây để gặp em trước, để để ...bà ...àn một chuyện quan trọng hơn cả chuyện ...đó ..ó ...!

Emilie xua tay, nói lấp :

- Em biết rồi, chuyện đó anh không phải lo . Anh sẽ rất ngạc nhiên khi nghe em nói .

Emilie lặng thinh, nàng đưa tay lên ngực như để điều hoà nhịp tim .

- Anh có tin rằng chẳng có trở ngại gì hết trên đường đi của chúng mình không ?

- Trở ngại ?

- Vâng! Nhưng trước kia thì có, nghĩa là hôm trước ba còn phân hai, bây giờ thì ba em đã nói rõ rồi . Chỉ còn một ngày thôi "La guerre de cent ans " (cuộc chiến trăm năm ) chấm dứt và chiến công thuộc về anh .

- Emilie, em giảng sử ký cho anh đấy hả ?

Emilie đưa tay lên trời làm một cử chỉ khoáng đạt như chưa bao giờ có và nói :

- Ba cho em tự do lựa chọn hôn nhơn . Ba còn giải thích thêm , ba không theo Tây hoàn toàn, nhưng cái nào của nó tiến bộ mình phải học . Rồi ba nhắc lại tuồng Hoa Rơi Cửa Phật ...Em xem tuồng đó với ba ở rạp Nam Xuân anh nhớ không ?

- Nhớ ...ớ ! A a ..anh nghe một ông cụ bảo là cha mẹ gắt gao qua nên hư nát lương duyên của con trẻ !

- Ðúng tuồng đó ! Ba bảo bây giờo em lớn rồi, sắp làm cô giáo lớp nhứt, em biết nhận xét, nên ba đình hoãn vô thời hạn cái vu "cậu ấm dây luộc" ở An Hoà rồi . Như v
vậy một ngày nào đó em mời anh đến nhà cho ba má biết mặt . Dám đi không ?

- Ờ ...ờ ...dá ...ám !

- Muốn ăn phải lăn vào bếp chớ . Nếu sợ "ma bắt" thì anh hãy nhờ ông Ðốc giữ cho . Ông Ðốc thân với ba em và ba con Liễu lắm . Mấy ổng lâu lâu đi xoa mạt chược với nhau .

Minh ngồi thừ ra, cứ lơ mơ hưởng ứng .

- Anh nghĩ gì vậy ? - Emilie lắc vai Minh .

- Anh suy nghĩ tới nhiều chuyện lắm .

- Nhưng tại sao anh ...

- Anh không nghĩ là đời anh lại có những chuyện bất ngờ như vậy . Và anh lo lắng trách nhiệm quá nặng nề với gia đình , cả bên anh lẫn bên em .

- Em nghĩ trước hết là anh với em cùng đi dạy cái đã .! Cha chả, tụi học trò lớp nhì một năm nay lên lớp nhứt sẽ ngạc nhiên khi thấy em làm cô giáo chúng nó . Còn mấy cậu học trò 3ème lên 4ème năm nay sẽ bảo giáo sư Minh chỉ hơn học trò vài tuổi . Anh đừng có kêu học trò bằng " mes enfants như bà Pottier nghen ! Em chắc anh hợp "gu" với ba lắm ! Còn má thì cưng em nhất ! Em lớn tồng ngồng mà bữa nào em ăn bánh, về nhà biếng ăn là má cứ đi ra đi vào tra hỏi chị bếp "nấu những gì mà con nhỏ không ăn vây?"

Khi yêu, người đàn bà phác hoạ cuộc sống cho người đàn ông . Còn người đàn ông thì chỉ yêu và làm theo mệnh lệnh của đàn bà . Người đàn ông nào làm như vậy thì gia đình sẽ hạnh phúc .

Thấy Minh ít đối đáp bàn tính, Emilie dỗi :

- Anh không có ý kiến gì hết . Cứ để em nói không hà !

- Anh biết gì mà nói . Em cứ đặt để mọi việc . Em bảo gì anh cũng nghe .

Sương khuya xuống lạnh vai . Emilie bảo:

- Thôi em về nhé .Mai gặp lại anh ! - Nói vậy mà nàng vẫn còn ngồi im .

Hương hoa nguyệt quới toả lan thành một vùng ngát hương bao bọc hai người . Minh nắm chặt tay Emilie . Emilie kêu lên :

- Sao tay anh lạnh ngắt vậy ?

- Tại mình ngồi ngoài sương !

Hai người đứng dậy , mặt đối mặt , tay quàng tay . Emilie trách :

- Từ gặp em tới giờ anh chưa hôn em .

- Hồi nãy trước mặt thầy Giám Thị, không nên !

- Rồi ra đây, anh cũng không hôn . Anh có việc gì mà hồn vía đi đâu hết vậy ?

- Anh mừng quá rồi quên . Bây giờ anh bù lại cho !

Minh úp mặt vào giữa hai quả đào tơ Emilie, rồi hôn bên kia, bên này thật dài . Rồi Minh sụp xuống úp môi vào đóa hoa hồng trên làn tuyết nõn .

Emilie đưa tay đặt trên đầu Minh , bám chặt những chòm tóc của chàng như những mớ hạnh phúc nàng đã nắm được trong tay .

Minh đi rảo bước với Emilie gần đến nhà nàng mới quay lại . Minh về trường vào phòng ngủ mà thầy đã dành cho chàng lần trước . Minh gieo ngưòi lên giường úp mặt vào vách .

Chàng không biết làm gì nữa . Cãi lời ba má ư ? Không thể được . Từ bé đến lớn chưa bao giờ ba bảo gì mà chàng không làm . Từ lớn tới giờ chàng chưa bao giờ thấy ai trong nhà dám cãi lời ba . Quân Sư Phụ ! Minh biết ba chàng thương chàng vô biên, nuôi chàng nên người, nhưng nên người theo kiểu cách của cha mẹ ,không ngoài khuôn khổ của gia đình . Mọi việc về đám hỏi cô Sương ở làng Minh Ðức đã chuẩn bị từ lâu . Không phải vài năm mà hàng chục năm . Thì ra gia đình đã hứa kết bạn thông gia với nhau từ xửa từ xưa .

Chàng thấy cô Sương quả là một người con gái hiếm có về nhan sắc lẫn về tài đức . Cô như đoá hoa nở trong góc vườn lặng lẽ ít mặt trời và vắng ong bướm . Chỉ có người khổ công đi tìm thì mới gặp . Da cô trắng xanh, tóc đen lấp láy mà bà mai ca ngợi là tóc mật , bàn tay nở như năm cánh sen , lại giỏi chữ Nho, lại biết làm cả thi phú . Một gia đình cổ Nho như vậy, Minh bước vào sẽ vui lên tưng bừng . Ánh đèn dầu làm không khí gia đình dịu mát lâu nay, bây giờ thêm ánh đèn điện chói chang rực rỡ . Nhưng làm sao quay lưng lại, phụ bạc Emilie ?

Minh không có can đảm cãi lời cha mẹ càng không có nghị lực nói sự thực cho Emilie nghe .

Minh trăn trở mãi không ngủ được . Minh cảm thấy mình phạm tội mà không biết xưng tội với ai . Chỉ có Emilie mới tha tội được cho chàng . Nhưng chính chàng không muốn xa Emilie . Emilie yêu chàng bao nhiêu, chàng yêu Emilie bấy nhiêu . Nếu chàng được quyền lựa chọn thì không ai khác Emilie . Chàng đã cảm thấy nàng là của chàng ngay từ phút đầu . Con đường hai đứa cùng đi đã quá xa, bây giờ bỗng nhiên kẹt lối ! Chàng không bao giờ có ý nghĩ xin cha mẹt nghĩ lại về việc cưới cô Sương . Chiếu chỉ vua đã ban, tội nhân chỉ còn ngửa cổ chờ lưỡi dao phập xuống .

Thầy Giám Thị nghe Minh rọ rạy thì rón rén mở cửa bước đến . Giường của Minh chỉ cách phòng thầy có mấy thước . Thầy cầm chìa khóa to, gõ gõ vào trụ giường, giọng thân mật :

- Sướng qua rồi không ngủ được hả mậy ?

Minh ngồi bật dậy . Thầy ngồi ở chiếc giường trống bên cạnh . Hai thầy trò nói chuyện xuyên qua vách mùng . Thầy cứ phác hoạ cuộc sống của hai đứa vơí những nét cụ thể hơn . Dưới ánh đèn ngủ lờ mờ và bị vách mùng ngăn cách nên thầy không thấy được nét mặt thờ thẫn của Minh .

Thầy nói chuyện một hồi rồi đứng lên :

- Cách đây hai ba hôm thằng Don Quichotte có ghé thăm tao . Học hết 4ème nó về nhà cưới vợ . Nó khoe với tao nó có một đứa con trai . Mày rồi cũng vậy thôi . Ờ ờ quên, mai có trận đá lớn giữa hội tỉnh mình với hội Trà Vinh . Cha chả hội này ít nhất cũng có vài ba thằng Thổ . Mình thường chê mấy cú đá bậy là " đá cho Thổ coi " bây giờ Thổ đá cho mình coi . Không khéo lại thua nó !

Chương 19

Emilie cảm thấy hạnh phúc tới với nàng càng lúc càng gần, càng rõ nét hơn . Với cái cớ đi gặp để được cô Sầy truyền nghề sư phạm, Emilie đến trường mỗi ngày hai buổi như đi học trước kia .

Thầy Xuỵt luôn luôn trêu ghẹo làm cho chàng và nàng càng khắng khít hơn. Minh chỉ trở lại có mấy ngày mà hai đứa đã đi chơi với nhau bao nhiêu lần . Hầu như khắp thị xã không có chỗ nào lõi dấu chân của hai người . Những lúc đầu Minh hoơi ngượng vì trong đầu còn lợn cợn hình dáng cô thôn nữ, nhưng chỉ hơn một ngày là Minh đã xua tan nói đi. Minh thấy Emilie gần gũi, thân thiết và hợp tính tình lẫn trình độ với mình . Còn nàng kia, than ôi, một lời chưa trao đổi thì làm sao chung sống suốt đời .

Chiều đến, gặp Emilie, thầy Xuỵt bảo ngay:

- Bữa nay đi lên sân vận động nghe !

- Chi vậy thầy ?

- Tụi bay coi Thổ đá banh còn tao tắm pít xin tẩy trần một bữa !

- Dạ, tắm xong, thầy sẽ trẻ lại mười tuổi !

Emilie thủ thỉ với Minh:

- Bữa nay ba có đi nữa ! Ba ngồi khán đài A .

Minh nhìn Emilie với cặp mắt lạ lùng. Emilie cười :

- Bộ anh sợ hả ?

- Khô..ông!

- Thầy Giám Thị đã nói với ba về anh rồi . Ba chịu anh lắm . Thầy hứa bữa nào sẽ dẫn anh tới gặp ba ! - Emilie nói một hơi .

Trước kia háo hức bao nhiêu, bây giờ chàng lại vừa lo vừa sợ bấy nhiêu .

Minh bước đi trên đưòong piste rải than hột đen mà tưởng như trên con đường đầy lỗ chân trâu ở quê mình. Emilie lại trỏ lên khán đài:

- Ba ngồi ở hàng ghế thứ hai bên trái. Ba bảo em: "Con gái cưng đi với ba đi con!" Em chịu thôi. Ngồi coi nửa chừng hổng lẽ bày chuyện "khát nước" để đi ra hay sao ?

Ði ngang chỗ bọn Yvonne và Thérèse chọc ghẹo mình năm trước, Emilie nhắc:

- Tụi nó nghịch ghê . Hồi đó em mới hơi để ý anh thôi, thế mà tụi nó bắt em phải nói " I love you cho bằng được . Trời trả báo cho nên con Yvonne bị ông thầy xớt mất . Anh có nghe em không, anh ngó đâu vậy ? Quay sang khán đài cho ba thấy anh chút !

Minh nghe mọc ốc cùng mình , chân bước lóng cóng. Minh ngó sang sân cỏ thay vì đưa tay che mặt.

Emilie cười:

- Bộ anh mắc cở hả ?

- Ðâu phải, nắng chói quá hà !

- Nắng chói hay sợ "ông già vợ" thấy mặt ? Em đùa vậy thôi, chớ ba đã gặp anh rồi.

- Hồi nào ?

Emilie cười nhí nhảnh:

- Hôm bữa đó !

- Bữa đó là bữa nào ?

- Bữa nào em không biết bữa nào nhưng chắc chắn là có .

- Bữa anh lên văn phòng đóng tiền trường chớ gì .

- Hổng biết !

- Hèn chi...à phải rồi ! Phải ông già mang kiếng cận không ?

- Ông già nào mà không mang kiếng cận ?

- Gương mặt hao hao giống em ?

- Em giống ba chớ sao ba giống em ?

Bỗng có một bàn tay, mọc ra từ đám khán giả như một nhánh hồng.

- Emilie lại đây !

Thì ra Yvonne. Nàng ta đứng bên ông thầy . Cả hai đều đội nón rộng vành và mang kiếng mát nhưng Emilie cũng nhận ra ngay vì hai cái bản mặt Tây Ðầm giữa đám người Ăn na mít . Emilie lôi tay Minh tới . Yvonne vui vẻ:

- Ðây là chồng tao nè Emilie ..! Còn kia là...?

- Là...gì hả anh ? - Emilie bị Yvonne hỏi bất ngờ nên lúng túng chờ Minh đáp .

Minh cười:

- Thôi mà bạn , biết rồi, còn phá nhau chi !

Yvonne vẫn không buông tha:

- Ðâu có phá, nhưng trước khác, bây giờ khác. Trước là học trò, bây giờ là ông Tú, cũng như moả đây, trước là học trò của ảnh, bây giờ...ờ hết học trò rồi !

- Lâu nay Yvonne có gặp...- Minh định hỏi có gặp Madeleine không, nhưng lại ngưng ngang vì sợ đụng tới vết thương lòng của người khác .

Nhưng Yvonne đáp suông sẻ:

- Không gặp ai hết . Ðứa thì nghỉ học, đứa lên lớp, tản lạc khắp nơi. Mình cũng sắp rời khỏi cái xứ hiu quạnh này.

- Ði đâu ?

Về bên Ăng lơ te ! Ở đây buồn quá . Cái tánh của mình không chịu ở đâu quá hai năm. Mình muốn dưới mắt mình phong cảnh phải luôn luôn mới . Nhất là thích đi tàu hoả từ Paris xuống Marseilles . Cứ ngủ một giấc mở mắt ra là thấy một cảnh lạ . Anh có đồng ý thế không ?

Ðức lang quân của Yvonne nãy giờ im như thóc, bây giờ có dịp nịnh đầm:

- Cái đó đã hẳn nhiên rồi, em yêu quý .

- Em không thích " Objets inanimés " của Lamartine chút nào. Em muốn vứt tất cả những gì cũ kỹ trong đời em để đón lấy cái mới .

Bỗng Minh kêu lên:

- Bền !

Một tốp cầu thủ đang lố nhố ở góc sân hí hoáy buộc dây giày và chạy tới chạy lui , quơ tay qươ chân để lấy trớn chuẩn bị ra sân. Một cái đầu ngẩng lên nhìn ra phía Minh:

- Bền! - Minh gọi lần nữa .

- Ðúng ảnh rồi. - Emilie tiếp.

Bền chạy ra reo mừng:

- Mừng ông Tú Minh.

- Sao mày biết?

- Bảng vàng niêm yết ở cổng trường kia kìa .

- Thầy Giám Thị nói lâu nay mày không ra sân cỏ nữa !

- Thì tao về nhà đá banh bưởi với trẻ em chớ sao !

- Không đi Rạch Giá, Bạc Liêu nữa à ?

- Hội tuyển B Nam kỳ mời tao, nhưng tao không đá. Ở nhà đá banh lông nhà.

- Mày lập hội dưới đó hả ?

- Không! Banh lông này tao đá một mình !- Rồi quay lại góc sân lôi tay một nàng dắt tới- Ðây, banh lông của tao đây. Tao "sút cú nào" bà Jeanne d'Arc ôm trọn ! Banh...sắp bể rồi đó.

- Liễu !- Emilie kêu lên rồi chạy vào. Hai người bạn cũ ôm choàng lấy nhau.

Bến tiếp với Minh:

- Ngạc nhiên hả ? Không có gì lạ, sau đám cưới chị Mi, tao làm đám hỏi. Hỏi rồi cưới vậy thôi. Mày biết cái tánh tao mà, hễ bóng trong chân thì "sút". Mà có chắc vô "gôn" mới "sút". Hơn nữa ông "via" tao muốn cầm chân tao ở nhà với sợi dây làm bằng cái lá Liễu.

- Mày hay thật !

Bền chạy lại thùng nước chanh múc hai ly đem lại:

- Mời ông Tú bà Tú giải khát với "tụi em" đi. Lâu quá không gặp. Tưởng biệt tích luôn chớ. Mà cũng may, bữa nay đá với Thổ Trà Vinh nên ông Cò Caraie và thầy Năm lôi tao lên "khắc" chân với tụi nó. Mày coi kìa, đội Trà Vinh đó, thằng nào thằng nấy đen kịn như than đước.

Liễu nói sang:

- Sau trận này em vứt ba cái đôi giày đó hết. Em không có cho đá nữa. Nhiều trận đá chơi xấu lắm anh à ! Hồi trước em thích, không hiểu sao bây giờ em ghét đá banh ghê!

Bền vẫn giọng cà rỡn:

- Mày thấy chưa Minh ? Tao nói đâu có đó mà. Nếu mày cứ nhút nhát thì đâu có ngày nay. Mà chừng nào " un et un font un (một với một là một) đấy ? Hai bạn phải kiến tôi cái đầu heo nọng đó nha ! Liễu, em ở đây với hai bạn mình nghe. Anh vào dượt sơ mấy cú để chút nữa khỏi " đá cho Thổ coi !

Bền bước lại hôn môi hôn má Liễu và bảo:

- Ðừng lo nghe bà bầu. Em cứ hoan hô mạnh đi. Hội tuyển A Nam Kỳ anh còn phá lưới, sá gì cái hội "đui cà then" này.

Rồi Bền quay lại bước đi oai vệ như viên tướng xuất chinh. Ðể cho Emilie và Liễu tâm sự với nhau, Minh đi đến tìm chỗ ngồi sau khung gỗ. Chàng xem cầu thỉ chạy lao xao trên sân cỏ, theo dõi trái banh tưng lên rớt xuống ! Chân đá, đầu đội liên miên. Qúy mập vẫn giữ gôn . Xệ, Xủng, Tưng vẫn oai vệ xông xáo, nhưng chàng xem không lý thú như ngày trước.

Mặc dù chàng cố xua đuổi hình dáng cô thôn nữ, tâm trí chàng vẫn luôn bị ám ảnh. Như mặt trăng dưới đáy ao. Nhặt một hòn đá ném nó tan trong chốc lát rồi cũng tụ lại y nguyên.

Chàng có nên nói thật với Emilie chăng ? Nói thì sự gì sẽ xảy ra. Không nói thì sự gì sẽ xảy ra ?

Bỗng trong sân, đội Trà Vinh bị cú phạt góc. Liễu kêu và vẫy tay lia:

- Anh Minh, anh Minh coi anh Bền chặt coọc ne! Tuyệt lắm !

Bền ôm trái banh hiên ngang bước ra đặt ở góc sân. Trong lúc chờ đợi tiếng còi của trọng tài, Bền chạy ra chỗ Liễu. Liễu rút khăn tay lau mồ hôi cho chồng. Bền vừa thở hổn hển vừa nói trong tóc Liễu:

- Em coi anh chặt cú này nghe. Trái banh sẽ rơi đúng trên sà ngang dồng dồng hai ba cái rồi rớt xuống ngay lằn vôi. Bên mình chỉ cần lấn thằng "gôn" là ăn.

Rồi Bền hôn Liễu:

- Hôn anh đi, anh sẽ hên ! Chụt! Chụt!

Emilie nhìn bạn. Khi yêu người ta có một ngàn cách làm cho nhau hạnh phúc. Và Emilie cảm thấy cái hạnh phúc của Bền-Liễu là cái hạnh phúc của Minh-Emilie đang gần kề. Emilie thỉnh thoảng liếc nhìn cái bụng của Liễu . Nàng sực nhớ tới trong nhật ký có những chữ Nguyệt và Quới viết tắt và nàng cười một mình.

Tan trận đấu , Bền xách túi du lịch ra sau khán đài thay quần áo rồi trở lại đi với Minh trong lúc Liễu và Emilie đủng đỉnh dắt nhau ra cổng.

- Sao, vô "gôn" rồi chớ ? - Bền cười ngỏn ngoẻn hỏi Minh.

Minh làm thinh , Bền vừa lau mồ hôi vừa tiếp:

- Mày phải "sút cú pho! làm bàn, đừng có lừa qua lừa lại trước mặt thành hoài người ta cướp mất banh. Có khi kẻ thủ thành cũng muốn mày "sút" để người ta biết tài mày và người ta ôm để mày biết tài người ta . Mày nên hiểu như thế. Hai năm rồi mậy ! Mầy phải noi gương tao kia kìa ! Hai bên đã đồng hè vô sân cỏ rồi thì phải đụ...ụng cho nhoáng lửa ra.

Minh thở dài. Nghe bước đi lạo xạo đường piste trải đá nhuyễn. Minh tưởng như gót giày có gu của chàng cầu thủ cào trên da mình. Minh thở dài:

- Mày làm đám cưới hồi nào vậy ?

- Chỉ sau chị Mi vài tháng thôi.

- Mày tài thiệt!

- Con Mad trở về với thằng nỡm của nó, tao vừa buồn vừa mừng. Buồn vì trái tim trống hoang, còn mừng vì thoát khỏi ma trơi mà không bao giờ hát " Si tu reviens " (Nếu em trở về)

- Sao mày nói nó yêu mày tận mạng và hứa không ngó mặt tên Sở Khanh?

- Khi người ta hứa nghĩa là người ta đang nói láo ! - Bền nói bằng tiếng Pháp - Promettre c'est mentir ! Bất cứ trong lãnh vực nào. Mầy hiểu không ? Nhất là trong tình trai gái !

- Ai bảo mầy vậy ?

- Tiểu thuyết ta và tiểu thuyết Tây. Hì ! Bởi vậy nên mới có các vụ Graziella, Paul et Virginie, Lan và Ðiệp v.v..

Minh lại thở dài sườn sượt. Bền vẫn hăng hái tiếp nhưng thấy hai nàng đứng chờ ở phía trong cổng thì Bền vẫy tay:

- Liễu! Em ra ngoài ngồi ở lều giải khát của bà Sẩm Lai Bửu Liên chờ anh...- rồi quay lại Minh - Bà Bầu tao bây giờ chịu phép rồi . Mày thấy chưa ?

- Tao không ngờ mày chuyển bại thành thắng được như vậy đối với bà Liễu.

- Buổi tối còn Mad cho tao " ô rờ lui tao về trường gặp " nàng đi xe đạp tới dốc. Tao nắm bánh xe ngay và bảo :"Liễu, anh yêu em!" . Hà hà. Hổng biết Lê Văn Truơng hay tao nói mà tao nhớ hoài! Hà hà....

- Nói gì ?

- Lấy đàn bà trị đàn bà !

- Nghĩa là sao ? Tao không hiểu gì hết .

- Mày cứ lo gạo bài nên không đọc tiểu thuyết . Có khi một ngàn bài "Ăng rệp" Vật lý, Sử ký không bằng một câu nói của văn sĩ đem áp dụng ra ngoài đời nghe mày ! Những cái thứ đó học tới trình độ nào mới xài được thì tao không biết, nhưng cỡ tao bây giờ chỉ để dạy học trò kiếm xu. Có thuộc lòng cũng vô ích.

Bà Bầu Liễu bưng hai ly nước chanh trở vô cho lang quân và khách. Bền xuýt xoa:

- Anh gặp bạn quên cả khát. Merci Madame Bền ! - Bền vừa nâng hai ly nước vừa nói tía lia - Em ra ngồi chơi chút đi hoặc dắt cô "bạn" dạo quanh đài chiến sĩ. Chút xíu anh ra hôn em trăm cái.

- Nửa giờ thôi à ! em mỏi chân lắm.

-Ừ, anh sẽ ra đón em vào phút thứ hai mưoi chín rưỡi - Bền hôn gió vợ rồi quay lại Minh...- Ngươì ta nói "đạp gai lấy gai lể " , mình bị đàn bà con gái phụ bạc thì tìm đàn bà con gái mà yêu thì "vết thương lòng" sẽ lành lại ngay, mày biết không ? Buông con Mad tao quơ ngay bà Liễu. Ban đầu bả hạch hỏi xỉ vả tao cả buổi trời, rồi ngày sau làm giận làm hờn. Tao một mực chối quanh giữa tao và Mad chỉ là tình bạn ngây thơ, trắng tinh như hai tờ giấy mới mua vậy. Và thề thốt nữa chớ.

- Thề gì ? - Minh lôi tay Bền ngồi ở một băng đá ở cạnh hồ tắm đang vui rộn rã.

- Thề rằng anh chỉ yêu em. Em là hoàng hậu của lòng anh, như các ông văn sĩ viết linh tinh trong sách. Trời , đọc tiểu thuyết là để nhớ những câu văn hay, để xài hoặc để làm theo. Mày không thấy tao ngáp phải con ruồi to tướng hồi nẳm sao ? Tao đâu có đọc hết Paul et Virginie , tao chỉ xem kỹ mấy chỗ cô cậu hái hoa bắt bướm và mùi mẫn với nhau thôi, rồi tao đoán mò là thằng Paul tương tư, chẳng ngờ trúng tẩy nên bà Pottier cho tao điểm tối đa. Không ngờ, ai ngờ tao với con Liễu yêu nhau, cưới nhau. Tuyệt chưa ?

- Ai mày cũng bồ được và cũng yêu được hết ráo.

Bền hớp ngụm nước chanh và lắc đầu:

- Ðúng vậy mà cũng không đúng vậy !

- Mới đi cặp với con Mad lại tỏ tình với con Liễu .

- Là vì con Mad bỏ tao. Tại nó không phải tại tao! Khi yêu nó tao cũng yêu hết sức hết lòng. Nó biểu gì tao làm nấy. Nó bảo tao đọc "Une vie" tao đọc Une vie , nó bảo tao đọc "Nuit de Noces " , tao cũng đọc...Chẳng những đọc mà còn làm theo nữa chớ.

- Làm theo cái gì ?

- Théorème réciproque (Ðau khổ vì yêu, lấy yêu mà trị đau khổ!) .Nếu không vậy thì còn thuốc gì hiệu nghiệm ? Nếu tao không yêu được Liễu thì cũng phải yêu người khác. Tao không như cô Rempailleuse của Maupassant , cũng không làm Duval của A. Dumas fils . Tao là tao: Thằng Bền !

- Mày không tính chuyện thủy chung sao ?

- Có chứ ! Tao yêu ai cũng thủy chung cả. Khi tao yêu người này thì tao chẳng hề dấm dớ với người khác. Lúc tao yêu Mad thì tao chỉ yêu Mad. Nhưng khi không yêu nó nũua hoặc nó không yêu tao nữa, thì tao yêu người khác. Và khi yêu người khác thì tao không bao giờ trở lại yêu Mad. Ðó là thủy chung của tao. Cô Rempailleuse yêu thằng Chouquet và đau khổ tới chết mà nó chẳng thèm đáp lại, còn Mr Duval thì đào mả người yêu để nhìn lại mặt. Và chỉ xem được cái thây ma thối rã . Tao không phản đối họ nhưng tao không làm theo họ hoặc cho đó là những điều sáng suốt . Yêu là một sự hùn hạp tình cảm một cách chân thành. Bên này bỏ ra bao nhiêu , bên nọ góp vào bấy nhiều. Không có cái lối xách gói chạy theo van xin mà không được!...Bền mở cái xắc ra lấy mấy quyển tiểu thuyết đưa cho Minh . Mày có đọc thì đọc "Tiếng hát giữa rừng khuya" của Tchya , " Kho vàng Sầm Sơn " của Thế Lữ , " "Lá ngọc cành vàng" của Nguyễn Công Hoan .

Minh cầm lấy , lật vào bên trong liếc sơ, để trên đùi, ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi:

- Tchya là nghĩa gì ? Trong tiếng Việt mình không có cái chữ lạ lùng này !

- Thế mà nó có nghĩa rất hay.

- Nghĩa gì ?

- Tao đánh liều, một bữa nọ tao chận đưòng hỏi Giáo Sư Long, ông ta bảo đó là các chữ đầu trong một câu nói của tác giả quyển sách " Tôi chỉ yêu Alice " hoặc là " Tôi chẳng hề yêu ai ". Không biết lẽ nào ! Mấy ông văn sĩ thi sĩ cầm chữ nghĩa trong tay, muốn viết sao thì viết, càng bí hiểm càng nổi tiếng. Ðộc giả không hiểu cũng mặc kệ .

- Alice là ai mà ổng chỉ yêu Alice ?

- Ai biết được. Thì cũng như mày bảo tao:" Tôi chỉ yêu Emilie " vậy ! Nếu mày viết sách thì bắt chước ổng ký là " Tchyem " cho thiên hạ điếc con ráy chơi ! "Tôi chỉ yêu Emilie" hay cũng có thể hiểu "Toi chẳng yêu em" . Hì hì..- Bền quay ngoắt lại - chắc bà bầu tao đang sốt ruột ! Sao? Chuyện của mày tới đâu ? Các ẩn số đã tìm ra hết rồi phải không ? Nếu có thể, nói cho tao nghe với .

Minh lại thở dài. Bền đoán có chuyện gì không suông sẻ. Nếu êm xuôi thì Minh đã xổ bầu tâm sự ngay cho Bền rồi. Ðợi Bền hỏi lần nữa chàng mới đáp:

- Xuôi thì cũng xuôi, nhưng đang mắc cạn.

Bền ngạc nhiên nhưng chưa kịp hỏi thì Minh bảo:

- Ba má tao không đồng ý !

Bền cười nhạt , rồi nói ngay không cần suy nghĩ:

- Ðó là cái công thức của thời đại này. Con trai đi học ở tỉnh thành có mèo văn minh bận đồ mốt thoa son đánh phấn, các ông via không ưng , bắt cưới vợ nhà quê môn đăng hộ đối. Con trai không nghe, bỏ nhà đi ở với mèo trên tỉnh. Ðó là solution một (giải pháp), solution hai là con trai nghe lời ông bà già bỏ con mèo mướp, cưới con mèo mun, làm con mèo mướp đi tu, tự tử v.v..Do đó có các tuồng cải lương diễn ở rạp Nam Xuân cho mình coi thường xuyên. Solution ba là con mèo mướp đã ôm banh lông mà bị chàng trai phụ bạ cưới vợ. Mèo mướp đẻ con đem cho nhà thớ. Hai chục năm sau người cah mới đi tìm gặp con, lại gặp trắc trở sao đó, rồi cha con đấu boa nha, lông rông qua cửa sổ. Do đó mới có những tiểu thuyết kiếm hiệp hai xu một cuốn. Mày nằm ở solution nào ?

Minh thuật lại chuyện nhà, Bền nghe xong cười ngất:

- Trường hợp của mày dễ ụi hà ! Nó nằm trong solution một , nghĩa là con trai không nghe lời cha mẹ, bỏ nhà đi xây tổ uyên ương với cỏ trên tỉnh. Chỉ có vậy thôi.

Minh xua tay:

- Tao không có can đảm làm cho cha mẹ tao buồn và tao mang tiếng là thằng con bất hiếu.

- Ðẻ một đứa cháu nội dắt về là bất hiếu trở thành có hiếu ngay mày ạ!

Minh lùng bùng lỗ tai. Ghê gớm như trời sập .Minh không có gan.

Bền bảo:

- Nếu mày không dám thì đi solution ba

- Tao cũng không thể làm như vậy được .

- Thì làm sao ?

- Theo mày thì làm sao ?

- Ông via tao rất dễ tính. Làm sao thì làm miễn có cháu nội cho ổng thôi, kế đó là ở nhà coi rưộng vườn cho ổng. Nội vườn dừa cũng đã ba mươi mẫu, còn ruộng , tao không biết có bao nhiêu, nhưng tao cũng không ở tại xứ, mà tao sẽ đi Rạch Giá.

- Chừng nào đi ?

- Bà Liễu đập bầu xong, cứng cáp, tao với bả đi. Bả không dám cho ông "trung phong" đi một mình...

- Hề hề! Vì sợ cú "lộn lèo" nguy hiểm của ổng phải không ?

Bền lảng sang chuyện khác:

- Ông già vợ hụt của tao đúng là Tây mẫu quốc, ổng lúc nào cũng khen tao. Trước kia, thấy tao lui tới với con Mad, ổng ngó tao có nửa con mắt. " Thằng Annamite " nào vậy ? Nhưng sau khi ổng biết con Mad đã cho "bóng tao lọt lưới nó" và tao cũng không chém chạy thì ổng rất thích tao. Ổng hứa sẽ cho tao đi Tây, hứa tìm ruộng cho tao làm...chủ.

- Nhưng khi thằng chồng con Mad sang ?

- Nó sang ổng vẫn chơi điệu. Trước kia con Mad định cưới tao, ổng bảo "Tốt!". Bây giờ tao bị con Mad cho "lui ghe", ổng cũng gật gù " très bien ". Nhưng ổng muốn tao đừng lui tới nữa gây rắc rối cho gia đình ổng. Tao tỏ ra "đứt đoạn tơ lòng" nên ổng vẫn giữ lời ước cũ. Vậy đó! Tao sẽ đi Rạch Giá nhưng không lập nghiệp ở dưới cái xứ Kinh Xáng Xà No, Xà Beng, Xà Búp gì đó, mà tao xuống bán cái rột rồi hốt bạc về trên này mua ruộng cho mướn, và lập thêm vườn dừa hoặc làm việc khác. Tao sẽ làm hãng xà bông, vựa dừa khô, vựa miển gáo bán cho xe đò. Như vậy tao có thể áp dụng ba cái công thức hoá học vào nghề nghiệp được. Tao năm nay 25 tuổi , tuổi con gà. Ba tao bảo "con gà chỉ ăn khi nào nó bươi " . Mặc dù đứng trong thúng lúa đầy tràn, nó vẫn bươi tung toé ra mới ăn, chớ không khi nào chịu đứng yên mà ăn no. Ông già tao chỉ lo tao bươi phá chớ không làm ra của, nên không muốn cho tao đi xa nhà là vậy đó.

Minh ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu:

- Tao nhất định không cưới vợ !

- Nhưng mầy đã bước vô vòng của người ta rồi. Ðã hỏi thì phải cưới. Con Emilie biết chuyện đó chưa ?

- Ai nói mà biết. Chắc hay được tin đó, nàng sẽ đi tu.

Bền cười xoà:

- Không có đâu mày ơi ! Mày nhảy ra thì không thằng này cũng thằng khác nhào vô. Sở dĩ thằng Tartuffe thằng Lạc Philo đứng ngoài là vì mày đang ở trong cấm địa , chớ mày forfait thì tuị nó ào tới liền. Con gái đâu có khi nào như khung thành bỏ trống mà luôn luôn có cầu thủ vờn bóng trước mặt. Khung thành không có thủ thành là sân bóng hoang.

Chương 20

Ðèn đuốc sáng choang. Cô dâu chú rể lần lượt làm lễ gia tiên. Mọi việc đều hoàn toàn như ý đối với đàng trai lẫn đàng gái từ đầu chí cuối, không một chút phật lòng. Ông Nhì, người được ông Hương cắt đặt lo việc lễ nghi lấy làm hãnh diện cho cá nhân ông lẫn cho thân tộc.

Ông đứng trước bàn thờ, tuyên bố:

- Tôi thay mặt cho nhà gái công nhận kể từ nay cháu Minh là con rể nhà này và cháu Sương thuộc về gia tộc của anh Tư chị Tư và là vợ chánh thức của cháu Minh - ông còn thêm một câu chữ Nho cổ điển để chấm dứt buổi lễ chánh thức và cũng là lời khuyên cô Sương - Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu v.v...

Bữa cơm đãi đàng trai vô cùng thịnh soạn. Ðó là kết quả của những thiên tài làm bếp bên đàng gái. Ðám cưới trưởng nam của ông Hội Ðồng mướn bếp Tây ở Sài gòn xuống nấu. Họ chở đồ đạc vật liệu ba xe cam nhông , từ miếng thịt , hột tiêu đến cái nĩa, cây xỉa răng, không xài món gì của gia chủa. Tiệc xong họ gom tất cả bỏ lên xe đi về. Sang thì sang thật nhưng có những món lạt nhách nuốt không vô. Còn đám gả cô Sương thì do bếp nhà nấu thiệt vừa miệng. So lại cũng đâu có thua đám kia .

Mấy chục phát pháo tre và một dây pháo nồi nổ vang đón chào khách đàng trai tới, bây giờ cũng lại bằng ấy tiếng pháo tiễn cô dâu về nhà chồng.

Bà Sáu chạy tới chạy lui bận rộn. Bà phải trổ tài của bà mai xuất chúng cho khách khứa thấy để bà còn được nở mặt nở mày hơn trong những cuộc xe duyên sắp tới.

Bà mặc áo xuyến, tóc bới bánh lái ghim cây trâm vàng có hình bươm bướm, tai bà lấp lánh đôi bông chuỗi , môi tưoi cỗ trầu như thoa son . Bà đã bắt được mấy mối ngay trong bữa cơm.

Cô Sương mặc áo vàng thêu bông trắng, bên ngoài khoác áo thụng xanh, đầu đội nón dứa quai thao cũng màu xanh lòng thòng, đặc biệt nhất là đôi bàn chân nhỏ xíu của cô mang đôi giày cườm "phượng đầu hài " (là đôi giày mũi nhọn giống như đầu con phượng), tóc cô thay vì kẹp như hôm đám hỏi, này được bà Sáu bới lên và cái chiếc trâm vàng "phượng kiều " có hình đầu và đuôi phượng chạm thật khéo và đây là của gia bảo, lần đầu tiên được đem ra dùng cho cô.

Bà Sáu trang điểm cho cô dâu và khen lấy khen để:

- Cháu tôi có thua gì công chúa "Thại" Ba không ? Phải có phượng liễn cho cháu tôi đi kìa mới xứng .

Mà thật, cô Sương rất đẹp. Mình hạc xương mai, đi đứng yểu điệu , chỉnh tề, phải thế con nhà gia giáo. Bà Sáu dìu cô ra tận bến sông, chống nạnh hai quai, vo vo cặp môi:

- Cầu ai bắc có đóng đinh không ? Kẻo cầu tre lắt lẻo gập ghình cháu tôi khó đi đó nghe ! Lỡ mà nó vấp trầy cái móng chân là tôi kiện tới "tà" áo đỏ !

Những câu nói không dứt và duyên dáng của bà làm cho mát lòng cả hai bên đàng trai lẫn đàng gái. Cô Sương bước từng bậc thang xuống thuyền trong lúc bà Sáu tay dắt, miệng nói:

- Tuy không có phượng liễn nhưng có ghe hầu rước cháu về nhà chồng. Kìa chiếc ghe mới sơn, cửa chạm lại gắn bông hoa nào có khác gì ghe hầu của Cai Tổng đâu! Nước xuôi thuyền cũng trôi xuôi; Phụ tùy phu xướng một đời hiển vang nghe cháu...Sương !

Chiếc ghe hầu dành cho cô dâu chú rể, bà mai và suôi trai (còn suôi gái thì chỉ đưa con ra bến, không đưa tới nhà rể, vì làm như vậy có nghĩa là đưa đi rồi lại rước về , không tốt cho gia đạo).

Một chiếc ghe lớn dành cho cả khách đàng trai đến rước dâu, đàng gái đưa dâu. Bà Sáu nói với Minh:

- Cháu nhớ không. Hôm đám hỏi, lúc về thì nước ngược, còn bây giờ rước dâu thì nước xuôi rí thấy chưa ? Bác nói là vạn sự khởi đầu nan. Nước lớn là điềm tốt chớ không phải chơi đâu !

Ghe rời bến đã xa mà câu văn trên miệng bà Sáu vẫn còn như nước chảy:

- Không ai được như cháu nghe Minh. Ðám hỏi với đám cưới chỉ cách nhau có một tháng mấy ngày.

Minh không nói một lời từ lúc bước xuống ghe đi rước dâu cho đến ngồi cận cô dâu trên đường về nhà.

Chàng không có cách nào chống trả hoặc trì hưỡn như đã dự định lúc gặp Bền:"Tao cương quyết không cưới vợ !" Ðịnh bụng sẽ tìm cách thưa với ba má trở lên dạy học. Rồi ở luôn theo kế hoạch của Bền. Nghĩa là chối bỏ cuộc hôn nhân ở quê nhà và cương quyết thành vợ chồng với Emilie. Tiếng của Bền còn văng vẳng bên tai chàng:

"Dắt một đứa cháu nội về là hết bất hiếu".

Minh thấy Bền đã rất sáng suốt vẽ lối cho Minh .

Ðối với Emilie , chàng nhất mực giữ kín và dặn kỹ Bền không phụ nhĩ cho Liễu. Là bạn gái, họ sẽ không giấu nhau những chuyện như vậy.

Hôm từ giã nhau ở bến đò, Emilie tỏ ý muốn cùng đi với Minh , nhưng Minh tìm cách nói xa nói gần và doạ sóng doạ gió để ngăn cản nàng. Và nàng đã không giữ ý định ấy được lâu, không phải vì nàng sợ sóng gió - người ta đi được, mình đi được- nhưng nàng ngại Minh cho nàng quá xốc nổi, hơn nữa, Minh bất ngờ dắt một đứa con gái về nhà không được sự cho phép trước của gia đình, cha mẹ Minh sẽ nhìn mình với cặp mắt nào ? Ngoài ra , ba má Emilie sẽ không cho nàng đi như vậy. Bao nhiêu chuyện bủa vây làm cho nàng không còn hăm hở nữa. Biết bao nhiêu việc trên đời mình định làm và nhất định sẽ làm được phăng phăng, nhưng vì hoàn cảnh, vì luân lý, vì nọ kia chằng chéo mà đành thối lui.

Minh biết lần chia tay này làm cho nàng buồn lắm. Chàng còn buồn hơn nhiều vì phải đối diện với một tình huống mới và nhất là phải nói dối nàng, tuy chàng biết trước một ngày gần đây chàng sẽ phải nói thật hoặc nàng sẽ biết hết sự thật.

Emilie cứ quấn quít bên chàng không muốn rời tay chàng một phút. Con trai trước khi được con gái yêu thì sôi nổi, nhưng khi đã được yêu rồi thì bớt đi cường độ; trái lại, con gái say đắm hơn . Hèn chi bà mẹ Virginie đã dặn con gái, đừng cho Paul biết Virginie yêu Paul. Cái tâm lý đó còn đúng mãi cho đến khi nào không còn tình yêu trai gái nữa.

Nàng hỏi Minh nhiều lần và lần nào cũng bắt Minh phải hứa chắc:

- Mấy ngày anh lên?

- Mười bốn ngày.

- Mười bốn ngày mới xuống đò hay là ngày thứ mười bốn anh đã có mặt ở bến này ?

- Em muốn thế nào anh theo thế ấy !

- Em không muốn xa anh! - Emilie nghẹn ngào.

- Anh chỉ yêu em. Nếu em không là vợ anh thì không ai cả.

- Em cũng vậy. Nếu chúng mình không thành duyên nợ thì em ở vậy suốt đời.

Mũi đò từ từ quay ra. Minh có cảm tưởng như hàng ngàn sợi tơ trì níu chàng lại, nhưng rồi không giữ nổi, phải đứt lìa.

Minh dùng tình yêu Emilie như võ khí hữu hiệu để chống với nghịch cảnh, không có gì có thể làm trở ngại bước chân chàng tiến tới và sánh vai với nàng trên đường đời.

Nước mắt của Emilie làm chàng đau khổ. Nàng đã khóc vì ta.

Nhưng than ôi! Bao nhiêu dự định của chàng đều tan vỡ mau chóng và dễ dàng. Hôm chàng vừa bước chân về tới nhà, thằng Bảo nói ngay:

- Ba má đã sửa soạn xong hết rồi.

- Sửa soạn cái gì ?

- Ðám cưới anh chớ gì nữa!

Minh sững sờ ngơ ngác. Té ra hôm đám hỏi xong ngồi dưới xuồng nghe bà Sáu nói đàng gái thách cưới sớm. Minh tưởng là không thể như vậy được, nào ngờ chuyện đó lại trở thành sự thật như một cơn gió vèo qua.

Thằng Bảo trỏ các thứ vật dụng để chứng minh lời nó nói:

- Ba để cho anh đi giày tây chớ không đi giày hàm ếch. Áo thụng xanh đã thỉnh trong đình đem về kia. Khăn đóng đó, ba đợi anh về đội thử coi có vừa không. Còn khay trầu rượu cất trong tủ. Cái quả son là để dành đám gìở mâm trầu .

Thôi thế là hết ý chí. Dứt tình yêu. Minh như con chim bị nhốt vào chiếc lồng luân lý:" Áo không mặc qua khỏi đầu.". Từ xưa tới nay vẫn thế. Minh không dám buông một lời tỏ ý không hài lòng với ba má. Minh biết ba má, các em đều lam lũ, chỉ có Minh được đi học. Ba má muốn chàng thành danh thành tài lúc ba má tuổi già. Minh không muốn làm đứa con cãi lởi cha mẹ từ thuở nhỏ đã học " cá không ăn muối cá ươn"

Ðêm sắp đi làm rể, Minh bỗng đổi tánh, đang lầm lì ít nói ít cười, Minh vui hẳn lên, pha trò với thằng Bảo, dịu ngọt với Mẫn, Thiệp và tỏ vẻ rất ngaon ngoãn với ba má như một đứa con nít. Minh lau chùi chân đèn trên bàn thờ và tưới hàng bông vạn thọ trước sân.

Cuộc đời chuyển động quá nhanh. Mới ở bến đò từ biệt Emilie và hứa hẹn sẽ trở lên mà bây giờ đã có vợ !!

Chàng ngồi bên cạnh cô nàng mà ngẩn ngơ tâm sự. Không dám cử động vì sợ đụng nàng. Không biết nói câu gì vì không biết cái gì để nói. Hỏi thăm gia cảnh bên nàng ư ? Chàng đã biết cả rồi. Hỏi nàng có yêu chàng không ư ? Chắc chắn là nàng không yêu chàng bằng Emilie !? Minh cũng không dám nhìn kỹ nàng. Sương chỉ là một cái bóng mờ trước mắt chàng bên cạnh Emilie . Hai người sẽ hoá đá mất nếu không có bà Sáu lúc nào cũng tô vẽ tương lai của hai người:

- Chồng rành chữ Tây, vợ giỏi chữ Nho, đẻ con ra chín, mười tuổi đã đổ trạng cho mà coi. Tui dám chắc hội đồng, cai tổng, cũng không bằng anh chị đó, anh Tư chị Tư.

Bà Tư hoàn toàn thoả mãn về việc cưới dâu, chờ đợi câu khen của bà mai để đáp lại, nên nói ngay:

- Ðó là nhờ công cán của chị, chớ vợ chồng tôi tài hèn đức mọn đâu làm nổi việc lớn như vầy.

Bà Sáu lại tiếp:

- Anh Hương giỏi chữ Nho chắc ảnh đã tính việc đặt tên cho cháu ngoại của ảnh, cháu nội của anh Tư rồi chớ gì.

Câu nói vô tình của bà Sáu làm Minh giật mình. Ðã có lần Emilie thủ thỉ với Minh rằng nàng đã để ý mấy đôi giày và áo đầm của trẻ sơ sinh bày bán ở tiệm may. Và nàng thủ thỉ với chàng sau khi gặp Liễu:"Em phải có con! Không có con em chịu không được. Thà nghèo mà có con hơn là giàu mà trụi lủi rồi đi xin con người ta!" Vui miệng , nàng lại kể truyện " "Aux champs" (Nơi đồng quê) của Maupassant cho Minh nghe. Rồi lại hứng thú bảo:" Nếu mình có con gái trước thì đặt là Nguyệt, còn con trai thì đặt là Quới . Anh biết tại sao không ?" . Minh hôn Emilie thay câu trả lời.

Nhưng bây giờ hoa nguyệt quới ở Ngã Ba đứng đó chờ đợi gầy mòn, rũ xuống , làm sao chàng còn hái tặng nàng được nữa.

Ðám thuyền rước dâu về đến nhà thì đúng bữa cơm chiều. Mọi lễ nghi theo cổ tục được giữ trọn vẹn gần như hồi thời đám cưới ông Tư bà Tư cách đây hai mười hai năm. Ông bà lấy đó làm điều hãnh diện với xóm làng.

Kiêu hãnh hơn nữa là các vị thầy học cũ của Minh từ các lớp Ðồng Ấu, Dự Bị, Sơ Ðẳng trường làng đều có mặt, ông thầy Xóm nay đã ngoài bảy mươi vẫn chống gậy đi tới dự và đọc tặng cho đôi tân hôn một bài thơ Ðường luật, lấy ý trong bài quốc văn " Carrot về thăm thầy cũ" .

Còn vị thầy lớp Dự Bị thì đọc lại bài học thuộc lòng mà ông đã dạy cho Minh hồi thuở trước:

" Ngon là mật mỡ tốt: vàng con!
Vì học mà nên ở các con
Sôi kinh nấu sử, con bền chí
Ngày nay rạng rỡ cả tông đường "

Buổi tiệc chánh thức chấm dứt, ông Tư bà Tư mời vị kỳ lão trong làng tám mươi tuổi, có mười bốn con, sáu mươi cháu nội ngoại mà hai vợ chồng một kèo một cột đều còn khoẻ mạnh, ngũ đại đồng đường vào buồng trải chiếc chiếu bông Cà Mau lên giường cho cặp tân hôn và chúc " một cây cù mộc, một sân quế hoè" .

Làm xong nhiệm vu thiêng liêng, ông cụ lui ra thì ông Nhì mang một gói giấy hồng đon buộc bằng dây kim tuyến vào để trên giường rồi thưa với thân mẫu chàng rể:

- Tôi là chú ruột của cô dâu. Anh chị tôi phó thác cho tôi mang vật mọn này đến tặng cho vợ chồng cháu tôi trong đêm hợp cẩn!

Rồi ông mở gói, cầm đưa lên, xổ ra. Ðó là một tấm lụa đào dài chấm đất, bề ngang chừng bốn gang tay. Ông nói tiếp:

- Trên tấm lụa có dệt hai câu, mỗi câu gồm bốn chữ Nho!

Ông Nhì đọc xong đưa cho bên đàng trai treo trên cửa buồng. Rồi mọi người lần lượt rút lui giữa niềm hoan hỉ của gia quyến.

Bà mai lấy làm hãnh diện về cái thành tích mình vừa đạt được là se duyên cho cặp trai tài gái sắc, nhưng , mặc dầu cái miệng của bà ít khi "kéo da non" bà cũng biết giữ ý giữ tứ, nên đôi khi bà cũng kín đáo.

Ðám cưới hoàn mỹ, ông Tư bà Tư mời bà ở lại để trao bạc và quà vật đền ơn...thì bà xua tay nói ngay:

- Ối ! Ơn nghĩa gì anh Tư chị Tư, tôi nối dây Tần Tấn được cho hai cháu, hai bên được dâu hiền rể thảo là tôi mừng rồi. Cho tôi cái đầu vịt gặm chơi là đủ, đầu heo đầu bò làm gì !

Nói xong, bà rút cục thuốc xỉa qua lại rồi nhét lên mép thù nụ một cục nhu bị kiến lửa cắn , lắng nghe bà Tư nói gì để đối đáp.

Bà Tư lấy ra tờ giấy bạc chưa xếp, đặt trên bàn và nói:

- Chị Sáu cầm chút xíu này thêm thì vợ chồng tôi mớ an dạ.

Bà Sáu liếc thấy hình "con công" xoè cái đuôi to tổ bố trên tờ giấy bạc thì hài lòng lắm, nhưng còn dùn thẳng:

- Tui nói tui không nhận là tui không nhận. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép mai ! Ăn nhiều hết lộc của con cháu, hết duyên mai mối của tôi sao ? Tôi với chị còn nhiều dịp mà!

Bà Tư nghe bà mai nói vậy thì hiểu ý, bèn cười:

- Tôi còn hai đứa con gái với thằng út rồi cũng nhờ chị chớ ai vô ?

Bà mai bắt lấy mối ngay:

- Con em kế cậu Minh được mấy tuổi rồi ?

- Mười tám.

- Sao chị đẻ thưa vậy. Trai đầu lòng hăm ba mà trưởng nữ có mười tám, bộ anh Tư hồi đó có bà nhỏ sao ? Hí hí !

Ông Tư cười:

- Có chứ! Có tới hai bà lận. Một bà lo nấu nướng, một bà thì tối giũ mùng.

- Giũ mùng rồi đi ra hay ở luôn trong mùng đó hả chị Tư ?

Cả ba cùng cười. Bà mai hỏi tiếp:

- Còn con nhỏ kế bao nhiêu:

- Mười bảy.

- Thưa rồi nhặt. Chắc là hai bà nhỏ cuốn gói dông mất, nên con chị hơn con em có một tuổi. Ðể tôi lo cho. Người ta đã trông thấy hai đứa nhỏ rồi.

- Ở đâu vậy chị ?

- Thì tụi nó đi rước dâu, bên đàng gái người ta dòm ngó chớ đâu nữa. Con gái mà đi đám cưới thế nào cũng có trăm cặp mắt đổ vào. Không chỗ này cũng chỗ kia đi tới, ai nhanh chân thì được. Ðể tôi chọn cho. Gả con chị tháng Giêng, con em về nhà chồng tháng Chạp được không ?

- Làm gì nôn dữ vậy chị Sáu ?

- Thôi thì Tết năm trước đám hỏi con chi. Tết năm sau đám cưới con em. Vậy là không có mang tiếng gả con rấp nhíu.

Ông Tư không nói gì, nhưng bà Tư gật ngay:

- Chị làm sao cho xong thì thôi. Con gái như hũ mắm treo đầu giàn. Gả sớm được ngày nào mừng ngày đó chị Sáu ơi!

Bà mai tiếp ngay:

- Thói thường ở trong nhà có hai đứa con gái tuổi xấp xỉ nhau , thì gả con chị xong phải tính cho con em, không nên để lâu, con em nó phân bì...Không nói dấu gì chị - bà mai ngó quanh - Xin lỗi anh Tư chị Tư nghe, đây là chuyện tôi đã gặp, tôi nói cho anh chị chớ không phải bịa đặt, ông Quản Hoà có hai đứa con gái, gả con chị xong, nhà hiếm người nên giữ con em lại để mầm mụng. Nhiều chỗ đi nói cũng không gả, lần lựa tới hai, ba năm. Chẳng ngờ, bữa nọ con nhỏ cuốn gói đi mất. Nói vậy là anh chị biết đi đâu rồi.

Bà Tư nói:

- Tôi có nghe chuyện đó.

Bà mai tiếp:

- Con gái thấy chị em bạn có chồng thì nôn lắm. Ðêm nằm trăn trở thở dài, nhớ tới người ta có đôi có bạn, còn mình sao mãi gối chiếc phòng không! Làm cha làm mẹ phải biết bụng con, nhất là con gái mới lớn. Cho nên có con gái tới tuổi gả thì đừng làm khó đàng trai cho lắm!

Ông Tư trở lại chuyện lúc nãy:

- Ðời bây giờ theo văn minh, giản lược bớt đi nhiều lễ nghi. Chớ hồi cỡ tui đi cưới vợ đâu có dễ như vậy. Cưới được con vợ đem về nhà, đầu phải trọc ba lớp tóc.

Bà mai xỉa thuốc hai, ba cái rồi hỏi bà Tư:

- Bộ hồi đó cô tiểu thư trầu này làm khó công tử râu kia dữ lắm hả ?

- Ðâu phải cô ta khó dễ mà do phong tục ông bà để laị, mình phải noi theo đúng lục lễ . Sót một cái là bị bất ngay.

- Cha chả, bây giờ anh mới khai ra.

Ông Tư tiếp:

- Lễ thứ nhất là lễ nói , tức là bên đàng trai tới nhà bên gái, ý là chọn được nơi này để cắm sào. Nhưng mới chỉ là lễ sơ vấn thôi. Sau đó tới lễ hỏi , ai có chữ Nho thì gọi là lễ vấn danh. Tức là đàng trai xin bên gái cho biết tên họ, ngày sanh tháng đẻ của cô gái để so tuổi tác, biết bản lộc mệnh của hai đứa trẻ.

Bà mai cười ngất:

- Tui hỏi thiệt chị Tư nghe ! Hồi đó chị có lén lén coi mặt ảnh không ?

Bà Tư hỏi ngược lại:

- Còn chị có không mà cật vấn tôi ?

Bà mai cười hà hà:

- Mắc cở muốn rụng rún, ai mà dám rình coi. Lo chui rúc trong buồng, xeo gãy cây song gài cửa cũng không dậy nữa là dòm !

- Vậy chừng nào mới biết mặt ổng ?

- Cưới xong , hai ngày mới dám dòm kỹ kỹ một chút. Còn chị ?

- Tui hỏng có biết mặt mũi ổng ra sao hết.

Bà mai hỏi:

- Vậy mà dám cho ảnh vô mùng ngủ chung ?

Bà Tư đỏ mặt phun cổ trầu lia lịa vào ống nhổ mãi không ngước lên, mà tay khoát lia:

- Chị quỷ không nà !

- Tui hỏi thiệt mà.

- Còn chị thì sao?

- Tui cả tuần lễ không có cho ổng đụng tới. Hễ bỏ tay lên mình tui là tui phủi văng ra.

- Phủi riết rồi văng cả bầy con đó hả ? - ông Tư cười rồi tiếp - Sau đó là lễ giao bạc tức là khi đã so tuổi đôi trai gái, hia bên hợp nhau, tới lễ đính hôn hai bên đã đồng ý ngày làm lễ cưới, tức là lễ nghinh hôn . Còn một lễ nữa, tôi quên mất...bây giờ chỉ còn có bốn lễ nói , lễ hỏi và lễ nghinh hôn . À quên, trước lễ nghinh hôn là phải xin làng dán bố cáo , là cốt để cho dân trong làng biết, xem có ai phản đối cuộc lễ này không. Nếu ai phản đối và làng thấy lý do chính đáng thì đình cuộc lễ lại, sượng ngắt như khoai ngập nước.

- Hồi nào tới giờ chị có gặp vụ nào như vậy chưa ?

- Không ! Hễ tôi làm là suông hết. Chị thấy không, hai ông suôi đều là nhà Nho mà mọi việc đều dễ dàng từ đầu chí cuối. Có nhiều đám, bà mai chẳng những lội rã đầu gối mà còn đen cả mặt mày nữa chớ.

- Tại sao vậy ?

- Vì đàng gái thách cưới nặng nề chớ sao. Họ đòi naò tiền chợ , rồi tiền nọ xo tiền kia, rồi đồ nữ trang phải gồm những gì, mấy cây kiềng, mấy đôi bông, mấy tấm lắc, mấy sợi dây chuyền cổ, chuyền rách, nào quần áo cho cô dâu, nào heo bò, xôi cỗ, rượu gì mấy cặp, trà thì trà gì, mấy gói, mấy cân. Nếu đàng trai lo không nổi thì phải nhờ miệng lưỡi của bà mai "xin bớt" giùm. Nhiều khi đàng gái giơ cao , đánh khẽ, nhưng cũng gặp nhà bắt gắt không hạ xuống chút nào. Chú rễ phải chạy cong đuôi lo cho đủ các thứ . Khi cưới được vợ thì nợ ngập đầu. Hai vợ chồng phải nai lưng ra cày cuốc để trả nợ cả chục năm mới dứt . Nhiều cặp mới ăn ở vài ngày, chàng rể đã khện cho cô dâu một trận nên thân:" tại cha mẹ mày nên tao mới khổ!" Rồi gây gổ, rồi để bỏ nhau. Ðó mới tới lúc bà mai đưa đầu chịu báng ! Hai vợ chồng chửi nhau thì kêu tên bà mai ra mà nhiếc . Nhiều cô đẻ không ra cũng đổ thừa bà mai. Thiệt là trăm dâu đổ đầu tằm.

Ông Tư cười khà khà:

- Khổ vậy sao chị vẫn vui vẻ ?

- Làm mai là làm phước anh Tư à! Se duyên được một cặp tốt lành khác nào lập nên một cảnh chùa . Nói cho ra lẽ vậy thôi, chớ hồi nào tới giờ tôi chưa bị ai chửi rủa lần nào!

- Có ai thách hung đàng trai phải bỏ cuộc không chị ?

- Không! Nhưng có lúc đàng gái bày trò phá phách gây rắc rối cho đàng trai. Ví dụ ngày rước dâu, họ cho trẻ con giăng dây bít mối đường không cho đàng trai vào. Ðàng trai biết ý, cho các em vài xu, thế là chúng thu dây lại. Nên nhớ là chúng cũng đưọc bên đàng gái dặn trước, cuộn dây lại chớ không có cắt dây . Cắt dây có nghĩa là làm dứt dây tơ. Mà đàng gái lại sợ chuyện này hơn đàng trai. - bà mai tiếp - Qua được cái sợi dây chặn đường, đến cái cổng nhà đóng kín.

- Không cho rước dâu à ?

- Ðó là chuyện khuấy chơi cho vui vậy thôi chớ không cho thì ma nào nó rước ? Theo tục lệ thì từ sau khi đính hôn , người con gái đã làm dâu, làm vợ người ta rồi, ai mó tới nữa ? Nhưng mà trong chơi có thiệt. Cũng như bài vè sau đây là để vui cười trong lúc ăn uống,, nhưng cũng để chế giễu những nhà có con gái thách cưới cao bỉ mặt chơi:

Em là con gái đồng trinh,
Cha mẹ thách cưới thoả tình bà con
Cưới em một gánh vàng son
Một trăm cây nhiễu, một vuông lụa đào.

Một nghìn thước gấm đủ màu
Nhị thập bát tú hai mươi tám vì sao trên trời.
Trầu cau rực rỡ xanh tươi,
Hộp thuốc bằng bạc, bình vôi bằng vàng.

Ghe hầu lộng lẫy thật sang
Bà con thân tộc nhà nàng đưa dâu
Ba thiên đôi guốc mạ vàng
Khua trống trong ngõ, rộn ràng khắp thôn

Lại thêm mấy ché mật ong
Một chum ngự tửu cho lòng ngoả nguê
Heo chín cặp , chục đôi bò
Năm mươi dê béo, trăm vò rượu ngon

Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Chàng không nạp đủ, đừng mong em về.

Ðọc xong bà mai cười:

- Chị Tư nghe ớn xương sống, cóng xương sường chưa ?

Bà Tư lắc đầu:

- Thách càng cao, con gái mình càng cực. Ðàng trai càng ghét, họ càng đày đoạ. Con mình ngóc đầu không lên chớ tốt gì, chị Sáu!

Bà mai chùi mép trầu bằng hai ngón tay rất vén khéo rồi ngoai ngoai cặp môi đỏ thén:

- Chị nói chí phải! Gả con chứ đâu phải bán con. Còn người ta cưới dâu chứ đâu phải mua đầy tớ về làm việc nhà.

Ông Tư nãy giờ ngồi lặng thinh bỗng bật ra tiếng nói:

- Hồi nãy tôi quên cái khoản đi đến nhà vợ chưa cưới làm rể ba năm nữa chớ ! Ðây là sự thử thách gay go nhất đối với chàng rể. Cả nhà bên vợ soi mói từng cử chỉ một, để chê chàng rể. Nếu có lổi gì to, ví dụ như lên mâm cơm mà quên thỉnh cha mẹ vợ trước, rồi kế đó là mời các anh chị em trong nhà xong, mình mới được phép ngồi, như vậy có thể bị bất , nghĩa là như học trò thi rớt và mất vợ dễ như chơi.

Bà Tư nói:

- Tôi cưới vợ cho con trai, anh chị suôi không đòi món gì mà bảo tùy ý gia đình tôi, bây giờ tôi gả con gái cũng dễ dàng như vậy. Tùy ý ở bển đi món gì tôi nhận món nấy, không đòi, không thách một tiếng.

Ông Tư gật gù :

- Phong tục ông bà mình ngày xưa có gắt gao thật, nhưng làm như vậy duyên kim cải mới bền. Bây giờ ngưòi ta giảm chướ nhiều quá...- ông Tư nói đến đây sực nhớ đám cưới thằng Minh cách đám hỏi có hai tháng thì nói tránh đi - Coi vậy cũng tùy đám. Có đám làm đủ thứ lễ nghi, đến chừng bỏ nhau vẫn bỏ, còn có đám giản lược đi nhiều mà vợ chồng vẫn ăn ở suốt đời với nhau.

- Ðó là do tuổi của hai người - bà mai nói - có những đôi chỉ tôn có cặp vịt, không có bông vàng gì hết mà cũng ở đời.

Ông Tư gọi thằng Bảo lấy khay trầu rượu đem ra. Bà mai biết ý liền xua tay:

- Thôi anh Tư ơi! Tôi không biết uống rượu đâu.

- Chị ăn thêm miếng trầu héo, hớp thêm chút rượu lạt gọi là nhận cái ơn của vợ chồng tôi.

- Ừ thôi, tôi nhận rồi đó! - bà mai qươ tay - Nè, còn thằng nhỏ kia là con trái út của anh chị hả ?

- Dạ .! - Bà Tư đáp - Anh nó là Minh, nó là Bảo. Còn lâu lắm mới tới phiên nó làm nhọc lòng chị.

- Coi vậy chớ nó nhổ giò lên mấy hồi! - bà mai cười và đưa tay vò đầu thằng bé - Ðể cô coi "lúa sớm" ở đâu tốt cô bỏ vòi cho con một đám nghe!

Thằng bé không hiểu lúa sớm là gì cũng "dạ" một tiếng to trong khi bà Tư cầm tờ bạc nhét vào giỏ trầu của bà mai.

Chương 21

Gian buồng trở nên vắng vẻ . Nàng ngồi ghé bên mép giường , tay vịn trụ mùng, đầu óc lửng lơ, như chưa bao giờ trải qua. Một chập nàng bỗng nhận thấy đức lang quân cũng không có ở đây. Nàng nghĩ, người ta lánh mặt để cho mình tự nhiên trong những phút đâu chung sống. Nàng bước lại khoá cửa rồi thay xiêm đổi áo.

Nàng mặc bộ đồ lụa hường do bà Hương may tay. Bà dặn con gái:

- Ðêm động phòng con nên mặc đồ trắng hoặc đồ hường. Màu trắng là màu trinh tiết, màu hường là mày trẻ trung hạnh phúc.

Nàng đưa tay vén bức màn the móc lên. Cặp móc bằng đồi mồi bọc lụa hồng quấn giống hình đôi phương giao đầu. Rồi không biết làm gì nữa, nàng nhìn cặp gối tai bèo dồn bông gòn no đều chưa có dấu lún, màu trắng dún ren xanh lơ nằm song song trên đầu giường. Chiếc chiếu Cà Mau sặc sở làm tăng vẻ nồng nàn của khuê phòng. Nơi đây sẽ trở thành thân mến với nàng cho đến suốt kiếp.

Ðạo lý luân thường nghìn xưa lại gôm trong hai chữ "thờ chồng". Vạn biến bất di

Chỉ có nàng mới được vào đây.

Chỉ có chàng mới được vào đây gặp nàng.

Nàng bỗng rưng rưng nước mắt. Giờ này hôm qua cả nhà còn vui vẻ ăn cơm chung. Cơm xong bà con họp lại chuyện trò và nghe truyện Tam Quốc, bộ truyện vòng vo kể mấy năm ròng chưa hết.

Nàng nhớ con Ðèo. Ðám cưới nó hồi năm ngoái. Nó đang mang bầu. Bây giờ chắc nó không còn tìm thuốc trị mụn cóc cho chồng mà lo chạy gạo. Ðây rồi cả bầy nhóc con, đứa ẵm đứa dắt, tha hồ đầu tắt mặt tối . Chị em chú bác mà sinh hoạt của gia đình nàng thì phong lưu, còn gia đình ông Nhì thì chật vật, không hiểu tại sao. Con cái thì ông Nhì đặt toàn là Ðèo , Ðẹt, Lượm...không có chữ nghĩa như bên nàng: Trang, Hương, Xuân, Sương...Nàng lại nhớ đám trẻ con xóm, những đêm chúng soi cá về ghé bán cho nàng. Ðám cưới xong chắc mấy chị nàng phải về nạy vì nhà chồng đa đoan công việc. Bà Hương một mình thui thủi trong bếp, hết ngó ra vườn lại nhìn ra sông, trông ngóng nàng, nhưng nàng đâu có về được. Ðã đem thân làm dâu nhà chồng là nàng đã thuộc về nhà chồng . Nàng nhớ những điều mẹ dặn, những gì không nên làm. Ðiều thứ mười hai là đừng có ngủ trưa, chớ dậy sau chồng để cho chồng nhìn thấy bộ mặt kỳ dị trong lúc mình còn ngủ. Nàng không hiểu tại sao nhưng nàng sẽ làm y như lời dạy.

Bên ngoài, tiếng cười nói của khách thưa dần rồi im hẳn. Nàng cũng thấm mệt. Nàng nghiêng mình nằm queo ở góc giường và ngủ thiếp đi trong ý nghĩ chàng sẽ vào nâng nàng lên nằm song song với nhau .

Một tiếng chén bát khua bên ngoài làm nàng bừng mắt. Ngọn đèn ống khói nhỏ vẫn còn tỏ. Không có ai vào đây.

Nàng lại thiếp đi trong giấc mơ thấy mình trở lại nhà nói chuyện với mẹ ở bếp. Bỗng một tiếng xaỏn, chắc con mèo làm rơi chiếc nắp vung nhôm. Nàng mở mắt ra. Vẫn im lìm. Không có còn mèo, không có cả chiếc vung nào hết.

Rồi nàng lại mơ màng trong giấc ngủ khác ngắn ngủi thú vị và chờ mong một chuyện thần tiên sẽ xảy đến.

Rồi nàng thức giấc với vệt nắng lan trên má ấm hổi. Nàng ngồi bật dậy kêu má ơi, như hoảng hốt.

Nhưng nhìn lại thì không phải nhà mình. Mùng giường chiếu gối đều khác. Một đêm đã qua - đêm tân hôn, đêm đầu tiên của cuộc đời làm vợ - nhưng không có chuyện gì khác hơn ở nhà xảy ra cho nàng. Cô Sương vẫn là cô Sương hôm trước, không chút gì thay đổi. Sương vẫn còn nguyên vẹn là giọt sương sớm trên cành cây lá cỏ như bao năm qua.

Nàng cho rằng đêm qua chàng vui chơi rồi say sưa với bạn bè và ngủ ngoài ván. Ðó cũng là sự thường. Vợ chồng là suốt đời chớ không phải một ngày một bữa. Nghĩ vậy rồi nàng ra ngoài lo việc bếp núc.

Sau đám cưới nhà cửa còn bề bộn. Những người lối xóm vẫn đến giúp dọn dẹp quét tước. Nàng nhận thấy ai cũng nhìn nàng với cặp mắt thân ái và mừng giùm cho người con gái tốt phước lấy được tấm chồng đáng giá.

Nàng nhơ trong những điều quan trọng bà Tư dặn kỹ là phải đối xử khéo léo với đám em chồng. Ðó là đầu dây mốt nhợ cho mọi sự lục đục giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Mẫn, Thiệp đã mười bảy, mười tám tuổi. Hai cô đều dễ chịu. Chúng làm quen với chị dâu một cách hồn nhiên. Có lẽ vì chúng nghĩ rằng rồi đây chúng cũng sẽ làm dâu người ta. Khó khăn với chị dâu rồi sẽ bị trả báo.

Thằng Bảo càng dễ chịu hơn. Sương không biết mặt bà con bên chồng. Sương hỏi nó thì nó rất mau miệng giải thích cô này chú kia. Nó còn kể luôn các sở thích của họ để Sương biết cách giao thiệp lấy cảm tình.

Sương mừng thầm khi thấy khuông nếp nhà chồng không khác mấy với sinh hoạt nhà mình.

Nồi cơm đầu tiên Sương nấu ở nhà chồng rất khéo, không khô không nhão. Sương dọn làm hai mâm. Mâm trên riêng cho cha mẹ chồng, mâm dưới, Sương và các em.

Bỗng bà Tư kêu lên:

- Ủa, thằng Minh đâu ?

- Chắc nó còn ngủ ! Bảo, vô kêu anh mày dậy ăn cơm ! - ông Tư nói.

Bà Tư xua tay:

- Thôi kệ, nó mệt để cho nó ngủ.

- Mệt gì cũng ráng ra đây ngồi cho đủ mặt ở bữa cơm đầu chớ !

Thằng Bảo đứng dậy chạy vô buồng rồi thối trở ra:

- Có hai cái gối ở trỏng á !

Bà Tư nhìn Sương. Nàng cũng nhìn ông già và bà già chồng, ý nói:

- Con tưởng ảnh ngủ đâu bên ngoài !

- Tao có thấy nó ở ngoài này đâu !

Thằng Bảo lại vọt tới lui như quân chạy hiệu.

- Ảnh ngủ ngoài ván giữa.

Ông Tư buông đũa:

- Hay là nó say rượu ?

Sương muốn chạy vào buồng lấy gối ra kê đầu cho chồng, mà sợ đám em chồng cười nên lại thôi, nhưng nàng hơi nóng lòng.

Ông Tư bảo:

- Nếu nó say thì lấy vôi ghi bàn chân nó, hoặc đứa nào lấy khoai lang nấu cho nó ăn thì nó tỉnh ngay.

Ông Tư hơi lo, hồi hôm bận tiếp khách nên quên nhắc nhở con trai. Ðêm tân hôn mà làm như vậy là không hay. Nhưng mà cũng may nó không vào buồng vợ nó. Say sưa mà ngủ với vợ đêm đầu là hại cả đời, chớ không phải chơi. Ông bà mình kiêng kỵ chuyện đó lắm.

Chương 22

Minh biết việc vắng mặt ở loan phòng đêm qua làm ba má bất bình, nên bữa nay vừa đỏ đèn Minh đã vào. Trước khi vào Minh còn dặn Bảo, cố ý cho ba má nghe:

- Em có tìm anh thì kêu anh ở trong buồng.

Gian buồng ông Tư dành cho vợ chồng Minh thật tươm tất. Nó gồm phân nửa chái nhà, cửa ra vào độc lập. Bên trong lót một chiếc giường đôi, ở góc phòng kê một cái tủ kiếng hai cánh. Ðối diện chiếc tủ là cái bàn rửa mặt có chậu thau đựng nước và một chiếc khăn bàn lông. Tuy không sang trọng như ở thành thì nhưng ở thôn quê, như vậy cũng đã trên mức thường.

Minh vào buồng mang theo một chồng sách gồm tiểu thuyết, sách giáo khoa và truyện Tàu. Minh nằm lên giường, vặn chiếc đèn và mở sách ra đọc.

Tuy mắt dán vào trang sách nhưng tai lắng nghe động tịnh bên ngoài. Sương còn lục đục ở bếp. Minh biết mọi việc do Mẫn và Thiệp cáng đáng cho Sương rảnh tay nhưng Sương trì huỡn. Minh nghe tiếng bà Tư bảo:

- Sương ngủ sớm đi con, kẻo thức mấy bữa rày mệt.

- Dạ được má, để con làm việc này chút.

- Ðể đó, mai hãy làm con. Còn hai đứa kia cũng dẹp đi! - Bà Tư bảo Mẫn và Thiệp.

Cực chẳng đã Sương phải vào buồng.

Ðó cũng thuộc trong những điều bà Hương dạy con và căn dặn kỹ càng trước lúc Sương về nhà chồng. Ngủ sau chồng và thức dậy trước chồng .

Sự cẩn thận về hình thức đó lại có tánh cách tâm lý ! Mấy bà già xưa không muốn cho chàng rể nhìn thấy con gái mình nằm chàng hảng chê hẻ, miệng há hốc hoặc nước miếng chảy ròng ròng xuống gối. Trong tình trạng đó tiên sẽ trở thành phàm, còn phàm sẽ trở tnên tục, mất hết mỹ cảm với đàn ông. (Lời khuyên quý giá đó, thời nay có mấy ai để ý?)

Sương không có điều gì hờn dỗi về sự vắng mặt của đức lang quân trong đêm tân hôn động phòng hoa chúc mà người vợ người chồng nào cũng chờ đợi. Nàng có tính trầm tĩnh trước mọi việc như một vị lão Nho có máu lạnh. Việc gì phải đến sẽ đến. Nó còn đó chớ mất đi đâu.

Nàng đẩy cửa nhẹ bước vào buồng rồi mở tủ lấy quần áo đi tắm. Tắm xong trở vào đứng trước gương chải tóc. Nàng chải thật lâu như chưa làm như thế bao giờ, để chờ đợi một tiếng nói của chồng thì ngưng, đặng có lý do mà đến giường chơ. Ai lại cứ ngang nhiên lên giường khi chồng chưa bảo, chưa mời hoặc chưa tỏ ý muốn vợ vào chung gối !

Nhưng mãi không thấy Minh bảo gì, chàng vẫn nằm nghiêng đọc sách như không biết có vợ trong phòng, và không nhớ rằng đêm tân hôn chàng đã vắng ở đây, vậy đêm nay mới là đêm Minh - Sương thứ nhất.

Thấy chàng vẫn im lìm, Sương cũng không phật ý. Sương nghĩ rằng chàng còn e ngại việc gối chăn, cũng như nàng. Hãy chờ đợi, và việc ấy tự đến một cách tự nhiên. " Nếu chồng không đòi thì đừng hỏi ".

Ðó cũng nằm trong điều dạy con của bà Hương. Sương mở tủ ra soạn lại từng món đồ, hết nữ trang tới quần áo, hết quần áo tới giày dép. Nàng làm mọi việc rất nhẹ nhàng, không tiếng động và với sự kiên nhẫn lạ thường. Nàng chờ đợi một câu nói thỏ thẻ bên tai nàng, một bàn tay nồng ấm nắm vai dìu nàng lên giường, nhưng không, không có một biến động nào xảy đến, cho đến khi nàng đã soạn xong tất cả đồ vật, không còn gì để làm nữa, sắp sửa khép cửa tủ lại thì Minh mới buông sách bảo:

- Ðể đôi giày cho tôi đi tỉnh ngày mai.

Giọng chàng bình thản, lạnh lùng như không phải nó với người vợ mới cưới.

- Dạ, đôi nào ?

Nàng biết là đôi nào, vì trong tủ chỉ có một đôi của chàng thôi, nhưng nàng vẫn hỏi thế để bắt chuyện. Ðó là câu nói đầu tiên của chồng nàng thốt ra với nàng trong đêm tân hôn. Chàng nâng sách ngang mắt và đáp cũng với giọng lạnh lùng:

- Ðôi giày mới lau đó! - chàng tránh tiếng "em" hoặc "mình" trong câu nói. Tiếng "mình" thì ngượng miệng vì quá mới đối với chàng, còn tiếng "em" thì chàng chỉ dùng với một người, mà người đó không phải là Sương.

Sương xách đôi giày ra, bước lại bên chồng:

- Phải đôi này không ...anh? - vừa nói nàng ngồi nép trên giường chỉ chạm khẽ vào chân Minh .

Như máy, Minh nhích vào bên trong để tránh sự đụng chạm, mắt vẫn không rời sách:

- Thôi đi ngủ, mai tôi đi sớm.

Nói xong, Minh đưa tay vặn đèn nhỏ lại, nhỏ hơn đến mức không còn nhỏ được nữa mới thôi.

Người theo Tây có khác gì kẻ Nho học ? Ðang sáng, chàng làm ra tối có ý là Thiên hôn địa ám, tất hữu lôi vũ, vân vũ ... (Trời tối sẩm lại ắt có sấm sét mây mưa)- nàng thầm nhủ.

Hai tiếng mây mưa làm cho Sương e thẹn, nhưng trong ánh sáng mờ yếu của ngọn đèn, cặp mắt lang quân không nhận ra được đôi má tân nhân ửng lên bừng nóng.

Sương lách xuống chân chồng bò vô nằm bên trong song song với chồng. Nàng nghĩ tới câu: Hai hàng chân ngọc duỗi song song " và úp mặt vào gối, lưng quay về phía chồng. Nàng nằm như gỗ, không dám nhúc nhích, cũng không dám thở mạnh.

Thiên đã hôn, địa đã ám. Mây mưa sẽ ập tới.

Gian phòng vắng lặng lạ lùng. Chú thằn lằn nằm ở dạ kèo tưởng được thảnh thơi trên thiên đàng, bỗng nghiêng mắt nhìn xuống rồi chắt lưỡi, như thèm thuồng cái hạnh phúc của đôi uyên ương bên trong chiếc màn lưới trắng như tuyết dưới trần gian.

Nhưng ngoài góc hè, tiếng nói tiếng cười râm ran. Minh biết đó là bữa tiệc của những người lối xóm còn ở nán, đang bày ra bên gốc chuối sau hè. Họ đang cưa những chai đế bằng mấy cặp giò bò đã hầm trong cái trả to với trái đu đủ non cho rục rồi lột thịt ra xắt mỏng, nhai dòn rụm như gân. Giọng của chú Năm khao khao vì rượu làm khô cổ:

- Ăn gân bổ gân, ăn giò bổ giò. Hổng bổ bề ngang cũng bổ bề dọc chớ nó chạy đi đâu!

Bác Ba cười khà khà, Minh tưởng nghe thấy cả mùi rượu.

- Mình đã già rôi, bổ vô đâu nữa!

- Thì cái giò sẽ nở thêm ra chớ!

Mọi người cười hô hố. Chú Chín mở màn tiếu lâm bằng mấy tiếng tằng hắng lấy giọng.

- Ðể tôi nói chuyện ông chủ điền nhậu giò bò rồi xách ba toong đi coi công cấy cho bà con nghe chơi. Cớ sự xảy ra cũng tại nhậu giò bò.

- Ừ kể đi. Nghe xong tụi tôi thưởng cho chú một khoanh...

- Ông chủ điền ra đến ruộng thì công cấy đã về...hết chỉ sót lại có một mụ đàn bà goá đang lom khom rửa chân ở mép bờ ranh. Ông ta sực nhớ câu ca dao: " chồng bà chết chửa đoạn tang, mà l...nhóp nhép như mang cá mè " . Ông ta bèn mon men tới và thọt cây ba toong nhỏ ông vô mang cá mè của bà - chú Chín nốc rượu liếm mép và ngồi im.

Cả bữa tiệc cười rúc rích. Một người sốt ruộc hỏi:

- Rồi sao nữa chú ?

- Bà kia vùng vẫy làm cả hai lún xuống bùn. Mấy người trên bờ thấy vậy tưởng hai người sa lầy nên chạy trở lại định lôi lên. Nhưng người đàn bà xua tay bảo:"Tui..ui le..eo lê..ên đư..ược hự ...hự" - Chú Chín lại ngưng và gắp miếng giò bò chấm mắm nêm nhai ngấu nghiến.

- Rồi sao nữa chú ?

- Thì ếch mắc cặp, càng chòi đạp, càng lún xuống sình chớ sao nữa! Nhưng mà người đàn bà nghĩ sao không biết, bữa sau lại đi thưa làng răng bà ta bị đâm trộm hoặc bị kẻ trộm đâm lén. Làng hỏi:" đâm trúng đâu?". Bà ta ấp úng không trả lời được. Làng bảo bà chỉ chỗ bị đâm cho làng coi cái...vết đâm sâu cạn. Bà ta không cho coi được. Làng lại hỏi có biết nó đâm bằng cái gì không ? Bà ta lại làm thinh. Làng hỏi mặt mũi thằng đâm lén ra sao? Bà ta thưa rằng bà ta không dám quay lại nhìn. Làng hét tại sao không dám? Bà ta nói sợ quay lại thì nó sút ra làm sao! Làng cười ngất bảo: Sợ nó sút ra uổng quá phải không? Như vậy thì bà muốn bị đâm thêm nữa, còn thưa kiện nỗi gì ?

Chú Chín mở màn coi bộ đắt khách. Người nghe đông dần. Có cả giới nữ. Nhưng họ không dám chường mặt ra mà chỉ đứng núp ló sau bụi chuối khúc khích cười hùn.

Bác Ba gật gù và bảo:

- Thưa làng không bằng méc tía. Ðể tui kể cho nghe chuyện thằng anh rể sợ gả em vợ nghèo ba năm...Hai anh em đang bắt cá dưới đìa, con chị có bầu gần ngày nên anh rể cứ tò vè con em. Sẵn dịp mò cá, anh rể cứ mò con cá rô mề của cô em. Mò trúng nhưng không làm gì được, anh ta bèn bảo:"Anh có tật ghiền thuốc , hễ tới cữ mà không hút thì chết giấc liền tại chỗ!" Cô em ngây thơ bảo:" Ðể em về nhà lấy!" Thằng anh xua tay:" Anh có thuốc đây, ngặt không có lửa, chỉ còn có một cây diêm thôi, nhưng khổ cái là vỏ bị ướt rồi, kéo không xẹt lửa". Cô em ngẩn ngơ không biết làm sao giúp ông anh rể thân mến qua cơn ghiền. Thì ông anh bảo:"Em cho anh quẹt cây diêm của anh vô cái vỏ của em được không ?" Cô em dẫy nẩy:"Em đâu có hút thuốc mà xài hộp quẹt". Thằng anh rể nhăn nhó:"Em có mà em làm hiểm không cho anh quẹt chớ!" Cô em nói:" Nếu em có thì em cho anh quẹt liền!" Thằng em rể bảo cô bé rề vô bờ rồi chỉ cái "vỏ hộp quẹt" của cô em. Cô em mắc cở, chửi "quỷ nè, quỷ nè" om lên. Thằng anh rể bèn ngã lăn ra dưới bùn dãy dụa, đờm trào hai bên mép. Cô bé hoảng hốt vực anh dậy và phụng phịu:" Em chỉ cho anh quẹt nhưng một cái thôi". "Ừ, một cái thôi". "Mà anh phải quẹt thiệt nhẹ kẻo rách của em"."Diêm anh nhạy lắm, quẹt một cái nhẹ là lửa xẹt liền". "Lửa đâu ở chỗ đó mà xẹt?" "Hổng tin em đưa anh làm thử cho coi".

Sau vài câu trả treo, cô bé đồng ý đưa cái "vỏ" ra cho ông anh rể quẹt nhẹ. Thằng anh rể từ từ lôi đầu cây diêm rồi kéo luôn cả cây ra. Cô bé bụm mặt la bai bải:" Diêm quẹt gì bự vậy?" Thằng anh rể bình tĩnh giải thích:"Tại ngâm dưới nước lâu qua nên nó nở ra bự chút thôi, em không thấy cái đầu nó tái ngắt đó sao? Em phải đưa cho anh quẹt mau, kẻo uớt lâu quẹt không cháy. Anh chết lần nữa là khó sống dậy đó". Vừa nói anh ta vừa rề gần lại cô em. Cô em sợ ông anh trào đờm lần nữa thì khó cứu, nên cực chẳng đã phải đưa cái vỏ ra mà miệng còn dặn:" Quẹt nhẹ thôi à! Làm rách của em về méc tía cho coi!" "Ờ, ờ, anh làm rách , anh bắt đền cho cái mới". Cô em yên tâm quay mặt đi để cho anh rể quẹt. Cô nghe cây diêm quệt qua quệt lại đến cả chục lần, càng ngày càng nhanh mà ông anh rể chưa chịu ngưng, bèn hỏi:" Cháy chưa? Có lửa chưa? Sao lâu vậy ?" Thằng anh rể bải:" Diêm ướt phải kéo lâu lâu mới ra lửa!" Cô bé nghe có gì khác khác chớ không phải chỉ "quẹt" bên ngoài nên cự nự. Thằng anh rể giải thích "Cái vỏ của em cũng ướt nên anh phải cho đầu diêm mám vô một chút tỉ tì ti". Cô bé bảo:" Em nghe ê răng quá hà!" "Em mà ê răng là lửa sắp xẹt rồi đó em! Em chịu khó để anh kéo ra kéo vô chút nữa là cháy thôi!" Rồi anh ta kéo lia lịa. Cô em quay lại nhì, không thấy lửa , chỉ thấy toàn là...

Cả bọn cười rào rào ngả nghiêng. Bác Ba nhậu gìo bò chờ cho tràng cười tạm yên rồi tiếp:

- Bữa sau ông già bảo cô bé đi bắt cá với thằng rể, cô bé lắc đầu không đi "Con sợ anh kéo lửa lắm!" . Ông già bèn hỏi phăng ra thì mới hay kéo lửa là vậy vậy. Ông bèn gạn hỏi:" Nó cao mày thấp, làm sao nó kéo được?" Cô bé đáp tự nhiên:"Dạ, con nhón lên, một hồi bùn lún, con đeo rễ cây giữ chắc cứng cho ảnh kéo đến chừng con bủn rủn hết tay chân, con buông tay để cho ảnh làm gì thì làm."

Ông già xáng một bạt tai cô bé xiển niểng, ông chỉ kêu trời chớ còn biết nói sao!

Minh nằm trong buồng nghe rõ từng câu và thấy những nét mặt mê tiếu lâm hiện lên trước mắt.

Vừa dứt câu chuyện "kéo lửa" thì có tiếng tiếp liền:

- Bây giờ ở đây có bác Ba thợ mộc. Nội xóm này nhà nào cũng do bác dựng lên. Bác làm thợ đã mấy chục năm, vậy cháu xin hỏi bác một câu, nhưng bác đừng bắt lỗi thì cháu mới dám.

- Hỏi đi. Vô bàn nhậy thì ai nấy đều sàn sàn như nhau, muốn nói gì nói không có ké né mà mất vui. Sách có chữ " tửu nhập thì ngôn xuất" mà. Hổng biết sao ?

- Dạ, cháu có nghe người ta hát câu này:

Má ơi, con vịt chết chìm

Con thò tay vớt, cá kìm nó cắn con!

Ðó là nghĩ gì?

- Dễ ợt. Còn câu gì khác, hỏi luôn đi! - Bác Ba thợ mộc quát.

- Dạ, còn câu này:

Má ơi! Con muốn lấy anh thợ bào

Khòm lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu

Mọi người cười rần. Có người phun cả rượu, văng cả thịt ra ngoài.

Một người nói:

- Câu đó không hay. Câu này mới khoái:

Má ơi, con muốn lấy anh thợ cưa

Ảnh xẻ một mạch từ trưa tới chiều

Chú Sáu tiếp luôn:

- Thợ bào thợ cưa không bằng thợ đục:

Má ơi, anh thợ đục mới tài,

Lỗ nhỏ khoét lớn, cạn thời ngoáy sâu

Một người bồi thêm:

- Nhưng thợ bào thợ cưa, thợ đục đều thua thợ khoan:

Má ơi, con muốn anh thợ khoan

Mũi khoan vặn xoáy ruột gan lộn tùng phèo

- Anh thợ khoan cũng thua lão chèo đò! - một người vọt miệng - nghe đây này:

Má ơi, con muốn lấy anh phu chèo

Khi quác, khi cạy (bên phải bên trái) ảnh xeo thiệt bền

Há há há, Hí hí hí. Không cho mấy con nhỏ , mấy bà lớn cười hùn nghe.

Ông Sáu nổi tiếng là con người thuộc văn thơ nhiều nhất xóm nãy giờ ngồi im, phụ hoạ:

- Bữa nay đám cưới cậu Minh là người có ăn có học, cho nên mặc dù mình nhậu với ba ông táo ở ngoài gốc chuối, nhưng tôi cũng xin kể một câu chuyện bằng thơ. E hèm!...Hồi nẵm có một đức ông chồng xa vợ lâu ngày mới gặp. Vợ mần gà thết đãi, cho nghỉ dưỡng sức và "tha Tào" đêm đầu. Ðêm sau lên giường, bà vợ nằm chờ hoài không thấy ông chồng khai chiến thì cất tiếng than bằng một bài thơ "yết hậu":

Về nhà thăm vợ để mà chi

Tắm mát ăn no lại ngủ khì

Mình ơi thức dậy chìu em tí !

Ði!

Anh chồng vươn vai ngáp dài rồi đáp lại cũng bằng thơ cùng thể đó:

Dãi nắng dầm mưa suốt mấy ngày

Nhức cả xương sường nhức cả vai

Chuyện ấy đêm nay đành gác lại

Mai!

Bà vợ sụt sịt thở dài:

Ngắt nhẹ mấy lần vẫn cứ im

Mình làm như thế khổ thân em

Tối lại hẹn khuya, khuya hẹn sáng

Thèm !

Ông chồng tức khí lồm cồm ngồi dậy:

Ngủ chung lắm lúc bực mình sao!

Mình muốn để êm, nó cứ gào

Muốn chết thì tao cho nó chết

Nà...ào !

Ông Sáu nghiến răng trợn mắt ra bộ dữ dằn và buông ly rượu, bảo "Nà...ào!"

Cả bữa tiệc lại cười ngả nghiêng. Một người hỏi bằng giọng dí dỏm:

- "Nó" là ai ? Và "Nà..ào" có nghĩa là gì, bác làm ơn cắt nghĩa cho bà con nghe với.

-"Nó" là nó đó đó! - Chú Năm vọt miệng đáp - Còn "nào" là đưa đây coi nào! Rồi...vậy vậy đó phải không?

Mấy bà mấy cô đang núp sau bụi chuối ù té chạy trốn. Một người nói vói theo:

-"Nào" nghĩa là bà muốn..chết kiểu nào tôi cho bà chết kiểu ấy. Rõ chưa ?

Minh nằm bên trong nghe rõ tất cả, không sót một chữ. Ðây là lần đầu tiên Minh nghe nhiều chuyện tiếu lâm nhất. Và chuyện nào cũng đầy hình tượng gợi sự ái ân một cách bóng gió hoặc cụ thể vô cùng. Nó nung bầu máu thanh xuân sôi trào. Ðến mấy bài thơ thi Minh có cảm tưởng là những người kia biết tình cảnh của vợ chồng Minh . Họ chế giễu Minh và Minh cảm thấy nhột nhạt, bứt rứt, tuy vợ chàng không than thở như người đàn bà kia.

- Thôi, khuya rồi! Mạnh ai nấy về để làm thợ bào, thợ cưa ...nào! - Câu nói bên ngoài vọng vào xoáy tận màng tai Minh .

Minh chưa bao giờ nằm gần một người con gái, nên đêm nay tay chân lọng cọng, không biết để đâu cho gọn. Quơ qua quơ lại trong đêm tối, rốt cuộc cũng đụng con người ngọc. Mỗi lần đụng chàng đều rút lại như bị chạm lửa, như thăm dò phản ứng.

- Ngủ chưa ? - chàng hỏi khẽ.

Nàng nằm im, không đáp. Biết người ta không ngủ - ai ngủ được trong những phút giây như vậy? - mà còn hỏi. Có lẽ không nghe tiếng đáp, chàng lại nghĩ nàng không còn thức. Chàng tự cho mình một lý do chính đáng để không phá giấc ngủ của "người ta". Rồi chàng nằm im, nhưng chàng lại thở dài, chàng trăn trở, day dứt hơn. Chàng không còn kiên nhẫn hơn nữa.

.....Bỗng nàng thức giấc, mắt mở choàng ra vì một cử chỉ của "người ta" hay vì một cảm giác khác thường do một sự đụng chạm tâm linh đánh thức nàng dậy. Nàng thấy thân thể mình như một quả chuối đã bị bóc vỏ hoàn toàn. Hồi nào? Ai? Nàng tự hỏi. Cũng như chàng. Biết rồi mà còn hỏi. Hai tia mắt sáng ngời rọi vào mặt nàng. Một làn hơi ấm rực phả vào cổ nàng. Bất giác nàng co một chân rồi cả hai chân lên. Rồi hai tay nàng che lấy ngực trống trải lành lạnh. Nhưng một bàn tay mạnh bạo kéo chân nàng thẳng xuống rồi lôi hai tay nàng đặt qua bên cạnh như bảo: phải nằm như thế !

Không ai có thể nằm như thế trước mặt người khác, nhưng không hiểu tại sao nàng không dám cãi. Phải chăng đây là bài học "phu xướng phụ tùy" mà nàng đang thực hành trang đâu một cách vừa bỡ ngỡ vừa sung sướng. Nàng nghe rờn rợn khắp da thịt như một đồi cỏ non sắp đón ngọn gió lạ đang tới.

Bỗng chàng ngồi bật dậy, quay ra gỡ cặp móc buông hai lá màn xuống. Ánh đèn yếu trở nên mờ, nhưng nàng vẫn thấy tia mắt chàng chiếu xuống da thịt nàng một cách táo bạo. Nàng tê rần các giác quan như những đồi cát bỏng chờ hứng những hạt mưa rào.

Nhưng bỗng chàng nằm vật xuống lăn ra mép giường, rên rỉ, nói lảm nhảm những tiếng gì nàng không hiểu. Nàng càng không hiểu tại sao chàng đối xử với nàng như vậy. Nàng nói với nàng trong thâm tâm "Sao chàng đày đoạ em bằng những cực hình mãi?" Nhưng có lẽ tiếng nói thầm kín ấy vang động tâm can chàng vì đày đoạ nàng cách đó thì cũng chính là chàng tự đày đọa. Chàng vẫn kéo dài thêm hình phạt thảm khốc đó cho cả hai. Nhưng mặc dù thân thể không bị dày vò, nàng vẫn cảm thấy ê ẩm, não nề. Nên nàng cũng quay lưng lại mà tự đưa mình vào lãng quên bằng giấc ngủ khó khăn nhất đời nàng. Nhưng giấc ngủ chưa kịp đến thì trời đất bỗng tối sầm.

Ngọn đèn dầu bên ngoài bỗng nhiên phụt tắt. Chàng đang cần bóng tối để hành động bạo dạn hơn chăng ?

- Em..! Ðêm nay chúng ta đã thành vợ chồng.

Nàng chỉ nghe có bấy nhiêu rồi cảm thấy thân hình như sợi dây đàn do một bàn tay vô hình vặn, càng lúc càng căng rướn lên, rồi như có lưỡi dao cắt ngang, vừa nghe đau đớn vừa êm ái. Ðúng ra nàng vẫn nghe, nghe rõ hết không sót một chút gì. Và dường như nàng cũng thấy tất cả., cả đôi phương loan đâu mỏ trên tấm lụa cửa buồng. Nàng có cảm giác không rõ rệt.

Nàng đáp ứng vừa phải. Và nghe mắt ướt đẩm khi trận mưa tan, một trận mưa nàng tưởng đếm được từng hạt, hạt rơi ở đâu , hạt rơi ở đâu.

Chương 23

Tiếng tù-và quen thuộc báo hiệu đò sắp tới. Cả nhà đưa Minh lên bến sông. Ông Tư bà Tư đứng một chốc rồi trở về để cho thằng Bảo , mấy chị nó ở lại với Minh và Sương. Nhưng Mẫn, Thiệp cũng từ giã anh rồi về ngay sau đó. Chỉ một mình thằng Bảo đứng lại chờ đò với chị dâu. Mẫn biết tâm lý của vợ chồng lúc chia tay nên gọi em: - Bảo ơi Bảo, về nhà xách con dao lên đống buồng dừa nước này nấu chè ăn! Bảo hỏi Minh:

- Chừng nào anh về nữa ?

- Ba tháng lận em à! - Minh cố ý nói cho vợ nghe.

- Sao lâu dữ vậy ?

- Tới bãi trường Tết mới về được. Lần này anh không học nữa mà dạy học nên đâu có rỗi để về như trước, em !

Thằng Bảo nói:

- Về kỳ sau anh với em đi soi mỏ nhác .

- Mỏ nhác ở đâu ?

- Lúa chín gặt xong thiếu gì mỏ nhác làm ổ trong rạ. Soi một đêm bắt cả giỏ, quay chảo nước dừa.

- Anh sẽ về mua cho em cái cặp da để vô trường chợ.

Thằng Bảo đi rồi, chỉ còn Sương ở lại với chồng. Sương nhận thấy Minh ít nói chuyện với mình. Ngay cả lúc sắp chia tay. Xa nhau ba tháng chàng cũng không ngỏ một lời quyến luyến hoặc âu yếm. Nàng không cho đó là một việc lớn. Quan trọng là việc hai người đã thành vợ chồng thực sự. Dường như chàng để tâm cho nghề dạy học hơn. Ðó là nguồn sống và danh dự của gia đình và là hạnh phúc của riêng nàng. Trong tình yêu của vợ chồng, lắm khi không nói lại hơn cả nói. Vì vậy nàng không thấy sự ít lời của chồng là một sự khiếm khuyết. Nàng nhìn thấy chồng mặt mày khôi ngô, dáng dấp chỉnh tề phải thế con nhà có học. Gia đình nàng rất hãnh diện được rể quý. Do đó xóm làng càng nể nang hơn. Bổn phận của nàng là xuất giá tòng phu . Chỉ có thế . Nàng không phải lo nghĩ gì nữa . Ðời nàng sẽ tùy thuộc vào chàng . Tiếng tù - và gần kề . Ðó tới . Mũi đò rẽ lùm ô rô, cóc kèn nhô vào bờ . Minh xách va ly bước lên . Sương ngó theo sững sờ . Minh quay lại mà không vẫy tay, nhìn vợ như một người gần như xa lạ . Ðò lui nhanh . Hai người chỉ sống với nhau qua tuần trăng mật . Suơng cắm cúi đi về . Nước mắt rưng rưng nhưng nàng quệt ngang .. Nàng không muốn khóc . May gặp thằng Bảo xách dao trở lại đốn dừa nước .

- Dừa của i mà em đốn ? - Sương hỏi .

- Từ dưới lộ lên tới đây là đất của mình hết ráo . Nữa ba cho em ở dưới lộ , còn anh chị thì ở trên mé sông . Chị Mẫn, chị Thiệp thì theo chồng , ba chỉ cho ruộng.

Bảo nói bô lô ba la rồi hỏi:

- Anh đi rồi hả chị ?

- Ði rồi ! - Sương nghẹn ngào đáp .

- Em không hiểu tại sao anh thích đi đò . Còn em thì em thích đi xe, nhưng xe hơi chớ còn xe ngựa em cũng ghét .

- Chừng em lên trường quận sẽ đi xe hơi . - Sương gượng nói .

Thằng Bảo đốn buồng dừa nước è ạch lôi lên bờ:

- Cái buồng dừa này còn nặng hơn cả trái chùy của Lý Nguơn Bá .

- Em biết Lý Nguơn Bá nữa sao ?

- Biết chớ ! Ðó là anh hùng số một đời Ðường, có cặp chùy ai cũng sợ ! - Bảo vừa nói vừa đập chẻ ra từng trái , còn Sương thì cạy lấy ruột bỏ vào tượng . - Chị ăn đi! Ðừng ăn nhiều phát ách

Cơm chiều xong, Sương mới cảm thấy nổi buồn mênh mông ray rứt . Thảo nào thời xưa có Chinh Phụ ngâm, Khuê Phụ thán, Chức Cẩm Hồi Văn... ...Ði đâu cho thiếp đi cùng, Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam ! Ba tháng sắp tới sống trong gian buồng này một mình. Tuy là có gia đình đông đủ cha mẹ anh em nhưng vắng chồng cũng như vắng cả. Cơm nước xong, ba má ngồi ăn trâu nói chuyện về đám hỏi sắp tới của cô Mẫn. Sương gượng gạo ngồi nghe rồi cáo lui vào buồng. Cả ngày nay, từ lúc chồng đi, nàng sợ bước vào đây. Chiếc tổ vừa đượm hương nồng ấm đã phải in bóng cô đơn của "chinh phụ". Nàng lên giường nằm trong bóng tối, nàng mới cảm thấy hết sự mênh mông của chiếc giường có vợ không chồng. Sương nằm lên chỗ Minh, trên gối Minh, thở nốt hơi hám của Minh còn sót lại. Nàng nhớ đêm hợp cẩn của vợ chồng nàng. Việc vợ chồng xảy ra...trễ một đêm. Rồi từ đêm đó trăng mật, nhưng trăng chỉ sáng từng chập và mật chỉ ngọt từng hồi. Có điều làm cho nàng ngạc nhiên là chàng chỉ nồng nàn trong lúc yêu đương. Dường như có điều gì làm chàng ngại ngùng nên chàng không âu yếm nàng. Và sau phút yêu đương, dường như chàng ân hận. Chàng như còn để dành cho ai. Hơn nữa, có lần chàng làm bạn đồng hành với nàng nửa chừng. Chàng đưa nàng gần tới ngưỡng cửa thần tiên thì ngưng, rồi rẽ ngang đi tìm thú vui khác với một người bạn vô hình.

Buổi sáng, khi xếp soạn chăn chiếu nàng còn tìm thấy rõ nhu in những dấu vết của lạc thú. Nhiều lúc nàng như tấm lụa đào nằm phơi phới chờ một tia nắng đến xuyên qua để lụa trở mình, thì cái ánh nắng lại còn ở mãi đâu đâu, nhạt dần rồi tắt mất. Trong lúc nàng sắp ôm ghì lấy chàng để cùng loan phụng hoà minh thì tiếng hát lại trở thành tiếng khóc đẫm lệ . Cái gì đã làm cho chàng thất vọng ở nàng ? Công, dung, ngôn, hạnh ? Nàng xét thấy ở mọi mặt nàng đều trên trung bình. Trinh tiết ư ? Chàng còn nghi ngờ gì được nữa! Chàng bướm biết được mùi hoa vườn nhà, và đó là lần thứ nhất hoa hé nhụy . Thì cớ sao, cớ sao nàng bị dày vò, đày đoạ bằng mọi thứ cực hình âu yếm đau đớn hơn cả cực hình dành cho tử tội. Tử tội trước khi lãnh hình phạt còn biết mình tội gì, còn nàng thì tội gì, nàng không được "kẻ xử phạt" cho biết. Nàng khóc ướt cả gối, hận ngập tràn lòng, nhưng biết than vãn cùng ai. Gái đã có chồng. May nhờ rủi chịu. Vạn khẩu mạc từ . Dẫu nàng có trăm miệng nàng cũng không thể nói được một tiếng thanh minh...với ai. Mà nàng có gì phải thanh minh? Bao nhiêu lần nàng định gào thét vào tai chàng: "Mình muốn giết em thì xin giết bằng dao, đừng giết em bằng sự âu yếm nửa vời!" Sự kêu van xác thịt của phượng loan đã nhiều lần giục chàng đi tới , nhưng nàng vẫn có cảm giác chàng như một đao phủ làm cái việc giết người. Làm đổ máu nhưng lại sợ nhìn thấy máu. ....Bây giờ đò đã tới ngang nhà nàng rồi chắc ! Tự nhiên nàng tự nhủ thầm như vậy. Chắc chàng đang ngồi ở mũi đò nhìn lên nhà nàng. Chiếc cầu nước ba nàng mới bắc cho nàng bước xuống ghe về nhà chồng chắc hãy còn nguyên. Cũng từ chiếc cầu đó chàng bước lên rước nàng về đây. Nàng miên man nghĩ ngợi, tưởng tượng và nhớ nhung. Gai đâm vô thịt thì đau, thịt đâm vô thịt nhớ nhau suốt đời. Rồi nàng tự gạt bỏ những ý nghĩ không hoàn hảo về chồng. Nàng rạo rực nhớ lại những cử chỉ ân ái, nhớ những cái hôn đây đó, những ngón tay của chàng như móng vuốt chim linh làm da thịt nàng thức dậy với niềm háo hức và những ôm siết của đôi tay như những nuột dâu bó chặt đê mê. Bỗng nàng rút chân lên, tuột ống quần và sờ soạng ở bắp chuối, nơi nàng cảm thấy như làn da bị thương. Nàng sờ đụng những dấu trầy. Nàng ngồi bật dậy đốt đèn. Nàng muốn nhìn những chứng tích rõ hơn, thêm một lần nữa. Dưới ánh đèn, nàng thấy rõ những dấu răng trên là da tuyết. Nàng nhớ cái hôn dữ dội của chàng làm nàng đau buốt. Trong lúc miết môi vào đó, chàng lẩm nhẩm câu gì dường như gọi tên ai hay một địa danh nào và lẫn tiếng Pháp trong đó nữa. Chính nàng lúc đó cũng đang lâm vào cơn mê thì làm sao nhớ nổi. Hay chàng gọi tên cúng cơm của nàng "...!" nhưng cái tên đó từ lâu, ngay cả ba má cũng không dùng thì tại sao chàng biết được ? Nàng tự hỏi hết câu này sang câu khác, rồi cũng tự gạt bỏ tất cả. - Ai thì cũng mặc, tên gì cũng chẳng can chi, bây giờ ta đã là vợ chàng, không phải chỉ trên giấy tờ mà cả trên da thịt và trong tâm linh Sương là vợ của Minh rồi. Vạn biến bất di . Dù có biến thiên nào đi nữa, thì điều đó cũng không thay đổi. Chính Minh đã làm cho cô trinh nữ Sương trở thành đàn bà hay cô trinh nữ tên Sương trở thành đàn bà vì Cậu Tú Minh , và cậu Tú Minh cũng đã trút cái danh hiệu trai tân một cách hồn nhiên đắm đuối trên thể xác yêu kiều của một tấm sương trinh. Nàng xem đi xem lại những dấu răng trên da thịt nàng không chán. Nó như những cánh hoa hồng nhỏ nhắn xinh xinh. Nàng cúi sát xuống nhìn. Rồi bất giác nàng hôn, hôn lại những dấu vết do chàng lưu lại. Ôi những cánh hoa khắc trên da thịt nàng. Nàng buông ống quần xuống và ngồi dậy vặn đèn tỏ thêm. Tất cả mọi việc trong phòng đều rực rỡ như nhảy múa dưới mắt nàng. Tấm lụa đào treo trên đầu cửa như cũng rung rinh theo từng nhịp thở của nàng. Nàng thấy hết cô đơn. Bất hần nàng mở tủ ra soạn lại đồ đạc của hai vợ chồng. Nàng xếp chúng xen kẽ nhau. Một chiếc áo của chồng rồi đến chiếc áo của nàng, cứ thế cho đến chật các ngăn. Làm vậy để chúng truyền hơi vào nhau như ông bà thường nói " lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi " , hoặc như bài thơ Ðường của vua Tự Ðức: "Xếp tàn y lại để dành hơi " (nhưng đây lại là tân y) Soạn xong đồ trong tủ, nàng lại mở rương, chiếc rương gỗ cũ đánh vẹc ni vàng nhạt của Minh dùng thời còn đi học, nay Minh đã sắm va ly và bỏ nó ở nhà đựng đồ vặt. Những thứ không còn xài nữa như bàn chải, hộp xi ra phấn đánh nón, sách vở cũ, những mẫu giấy nhầu nát...Nhưng đối với nàng , mỗi món đều in dấu tay và đượm hơi thở của chồng nàng, nên nàng vẫn trân trọng nâng niu từng món như khi sửa soạn valy cho chồng đi tỉnh, từ chiếc khăn bàn lông trắng tinh trên chót đến bộ đồ ngủ màu hồng mà nàng cố ý xếp tận đáy va ly , rồi chàng sẽ gặp...Nàng nghe đôi má nóng rần khi tưởng đến phút chàng thấy. Chắc chàng sẽ... Bỗng lớp giấy dưới đáy rương tróc lên. Nàng lấy tay vuốt đè xuống, định bụng sẽ khuấy chút hồ dán lại, nhưng bỗng nàng thấy cộm cộm. Có vật gì như tập vở dưới lớp giấy kia. Nàng từ từ gỡ nó lên. Nàng thấy những tờ giấy đủ cỡ đủ màu xanh, hồng, vàng, tím nằm sắp lớp. Như máy, nàng hối hả nhặt lên cầm trên tay, nhưng nhiều quá tay không giữ được, nàng phải bỏ vào một chiếc hộp giấu rồi đem để lên giường. Chỉ ngó sơ qua nàng cũng biết đây là những bức thư. Và cái dư hương phảng phất của nó cũng cho nàng biết đây không phải là những bức thư bình thường. Ngoài những bức thư, còn những mẩu báo lớn nhỏ in toàn những bài thơ. Có những mẩu nhỏ bằng hai ngón tay chỉ mang một chữ "E" . Nàng thấy tay run và tim nàng đau nhói. Khi nàng đọc qua mấy dòng trên một mẩu giấy xanh lơ cũ còn rõ dạnh một chú bướm ép trên góc:

Anh Minh yêu quý, Sáng nay em đạp xe qua Ngã Ba mà không thấy anh..tội nghiệp đóa hoa nguyệt quới nào đó không được anh hái để tặng em!...Và em cũng tội nghiệp cho em nữa !...

Nàng soạn và xếp lại tất cả thư vào hộp. Rồi nằm rã rời. Nàng không muốn gì nữa. Mỗi một chữa như một cái kềm rứt đi một mảnh tim nàng. Nàng muốn biết tên kẻ viết thư . Không khó gì. Dưới cùng đều có chữ ký: "Emilie hoặc Emili - Em'li Lan, Lý lệ ...của anh " . Tiếng "Emilie" không phải là tiếng Việt Nam, nhưng nàng cứ đọc theo tiếng Việt Nam . Và nàng bỗng nhớ ra rằng lúc hôn chân nàng, chàng cứ luôn mồm rên rỉ: " Em'li anh yêu em. Anh là chồng em! " Nếu không có những chứng tích này thì nàng không thể xác định được những tiếng rên rỉ kia. Khổ thay trong tiếng "..." lại cũng tiếng "Li" nên trong lúc đê mê nàng lại hiểu lầm rằng chàng gọi nàng như một biểu hiện của phút cực độ yêu đương. - Chàng đã mượn thân xác ta làm người con gái nọ ! Trong lúc yêu ta, chàng gọi tên nàng và tưởng tượng ta chính là nàng. Chàng đã đem hồn người khác cho nhập vào xác ta để chàng được thoả mãn. Bao nhiêu hạnh phúc của người vợ trẻ đều tan vỡ bay tung một cách mỉa mai. Ðem đốt tất cả ! Bỏ nhà nầy ! Từ biệt gian buồng quái gở nầy ! Trả thù chàng ! Tìm người con gái kia xỉ vả ! Nàng đặt ra một trăm cách giải quyết và mong tìm được sự yên tâm nhưng không có cách nào làm cho nàng yên tâm được. Nàng đi ra ngoài gọi thằng Bảo:

- Bảo ơi ! - Tiếng nàng như không còn âm thanh. Thằng Bảo chạy tới. Nàng hỏi:

- Em biết anh Minh ở đâu không ?

- Không. Em đâu có đi tỉnh lần nào. Nhưng em biết địa chỉ của nhà trường.

- Sao em biết được ?

- Vừa rồi đám cưới anh Minh , ba có gởi thiệp mời. Thằng Bảo nói xong chạy biến đi, một chốc , trở lại với cuốn sổ mời khách dự đám cưới. Nàng cầm quyển sổ nhưng không có ý định gì hết. Nàng chỉ hỏi:

- Bây giờ đò tới trển chưa em?

- Sáng mai mới tới.

- Ðêm nay là đêm dài nhất đời chị đó em ! Nàng nghĩ như vậy nhưng không nói ra, vì thằng bé nào hiểu được tại sao đêm dài?

Chương 24

Minh nằm dưới đò như một con mắm trong hũ. Minh cảm thấy chuyến đò này chèo nước ngược cho nên di chuyển rất nặng nề, nặng nề như cái tâm sự của Minh .

Bây giờ phaỉ làm sao ? Phải chọn một trong các solutions của Bền đặt ra. Solution 1 ! Minh đi chuyến này lên gặp Emilie là nhất định xây tổ ấm ở một nơi kín đáo cho đến khi nào có "cháu nội " cho ba má mới về nhà.

Minh nhớ lại tất cả hành động của mình. Minh đã tung hết sức trai để yêu lần đầu. Minh đã phá chiếc khóa vàng ở cửa động đào nguyên của vợ mà miệng lại gọi tên người yêu.

Chàng đã làm một công việc hệ trọng nhất đối với một người con gái, biến nàng thành đàn bà, hơn nữa, vợ chàng. Và hơn nữa, người con gái đó đã được lễ nghi phong tục công nhận là vợ chàng. Chàng không thể kềm lòng ham muốn xác thịt lâu hơn nữa trước một tấm thân ngà ngọc đã thuộc về chàng.

Khi đò đi ngang nhà bố vợ thì chàng nín khe như kẻ phạm tội trốn chui trốn nhủi. Có mấy người khác xuống đò nhưng may quá, không ai quen.

Một đêm con đò chập chờn trên sóng nước thì cũng một đêm thao thức của cậu Tú Minh . Chàng thấy Sương đẹp , đáng yêu, nhưng khổ nỗi là chàng chưa hề giao thiệp. Nếu chàng chưa biết Emilie thì chàng có thể không ngại ngùng gì làm chồng Sương. Nhưng Emilie đã chiếm trọn vẹn trái tim chàng và chàng nghĩ rằng Emilie đã giao phó hoàn toàn cuộc đời của nàng cho chàng.

O tombeau, O lit nuptial !

Ôi giường cưới , Ôi huyệt mộ tình yêu !

Chàng tự trách mình sao không cương quyết ngay từ đầu. Rồi tự trách mình đã không tự ngăn cản được sự bồng bột để gây thương tích cho Sương về thể chất lẫn tâm hồn. Bây giờ sắp gặp Emilie , chàng mới ăn năn, nhưng đã muộn.

Nhưng rồi chàng cương quyết. Thà phạm tội một lần còn hơn phạm tội suốt đời. Vì ở với Sương chàng sẽ như cái bóng đối với nàng, còn nàng thì chỉ là một cái xác không hồn đối với chàng.

Ðò đổ bến vào lúc hừng đông . Minh xách va ly nhảy lên bờ kêu xích lô đạp thẳng xuống nhà Bền ở chợ Mỹ Lồng cách thị xã hơn mười cây số !

Bền không ngờ Minh đến nhưng đáp ứng rất nhanh. Bền lấy xe máy dầu chở Minh trở lại thị xã đưa vào một căn phố đã mướn. Bền vắn tắt bảo:

- Ðây là cửa hàng mua dừa khô của tao. Tầng dưới để làm cửa hàng, tầng trên để vợ chồng tao ở. Vợ tao đẻ xong, cứng cáp sẽ khai trương. Bây giờ mày ở tạm đi. Ðừng vô trường. Vì thiên hạ sẽ biết tông tích và ông via mày sẽ tìm đến.

- Tao đi dạy hằng ngày còn trốn sao được ?

- Mày dặn thầy Xuỵt đừng cho ai biết mày ở đâu. Mày cũng đừng cho thẩy biết. Vậy là mày yên tâm có "sân cỏ" êm tịnh để đá cú móc tuyệt luân!

Bền nói nhỏ với Minh một hồi, Minh nghe, lúc gật , lúc phản đối. Cuối cùng Bền bảo:

- Mày làm theo cẩm nang của quân sư quạt mo này đi. Bể tao đền cho.

- Còn bên nhà "ẻn" thì làm sao thuyết phục được ?

- Ối xì ! Fait accompli mày hiểu chưa ? Mày cứ cho nàng ta ôm ba lông thì phần thắng nắm chắc trong tay. Mày là giáo sư, đâu phải xe lôi xe kéo mà làm nhơ danh nhà ông Phán còm. Rồi mày nhờ thầy Xuỵt đứng ra điều đình. Hể "ẻn" đi theo mày thì mày luôn luôn trên phé .

Minh sợ lắm. Ðó là những việc ngoài sức tưởng tượng của một cậu Tú trẻ, nhưng nếu không đi theo đường đó thì phải quay trở lại với Sương. Rồi không biết tương lai của chàng ra sao.

Bền bày vẽ xong móc túi đưa tiền cho Minh :

- Mầy cứ coi như tao là chủ hãng mua dừa khô mướn mày làm thư ký một tuần lễ trước khi mày làm giáo sư truờng Minh Châu. Căn nhà này đủ tiện nghi tao giao cho mày dùng để dượt bóng . Dượt nhưng phải đá cho vô chớ đừng có sút cho " Thổ coi " nghe không ? - Nói xong, Bền rồ máy xe - Tao phải vô nhà thương coi vợ tao bể bầu chưa. Bệp hay ngổng. Chiều nay tao trở lại, nếu mày rổi tao chở mày đi "đọc sách" trên pít xin . Trên này có nhiều sá...ách mới lắm. Ðọc rồi đi không nổi!

Minh đi vơ vẩn ra bến đò. Hôm nay chưa phải là ngày hẹn , nhưng chàng hy vọng gặp Emilie như một cái may trời cho.

Mà trời cho thật. Chàng vừa ra thì gặp Emilie đang đứng ở bậc thạch.

- Emilie !

Nàng quay lại. Minh hỏi:

- Bữa nay mới là ngày thứ...mà ! Bộ em rút đường đi của mặt trời hả ?

Emilie bảo:

- Nhưng em sốt ruột quá, mi mắt lại giật lia chịu không được, nên phải ra đứng ở đây cho nhẹ lòng.

Minh xoa tay một cách tự đắc:

- Bây giờ thì em không phải lo nữa. Mọi việc đã xong.

- Em cứ sợ ở dưới đó có chuyện gì...anh không lên được !

- Dù có bị xiềng anh cũng bứt ra !

- Ba mới lại đằng trường gặp ông Ðốc.

- Chi vậy ?

- Ðể nói cho chắc việc ổng mướn em dạy.

- Chắc chưa ?

- Còn hỏi nữa. Lo cho anh kia cà !- Bỗng Emilie kêu lên - Anh về dưới đi cày đi cấy gì mà ốm vậy ?

- Anh vầy mà ốm sao ?

- Ốm mà đen nữa .

- Thì ở ruộng tắm nước phèn chớ phải ở trong nhà có quạt máy, uống nước phông tên sao ?

- Coi anh như bịnh mới mạnh .

Minh hơi sợ câu nhận xét đó, bèn nói lảng ra:

- Bây giờ em muốn đi chơi đâu, mình đạp xe một ua cho dãn chân chút.

- Em không muốn đi đâu hết, em chỉ muốn tìm một chỗ nào êm ái ngồi bàn công chuyện.

- Vậy thì về nhà anh !

- Nhà anh ở đâu vậy ?

- Không tin , đi theo anh.

Minh đưa Emilie về căn nhà mới. Nhìn quanh, trong ngoài tiện nghi đầy đủ xinh xắn, Emilie gạn hỏi, Minh cười:

- Anh mướn đấy. Anh đã nói gì thì làm nấy mà. Chúng mình sẽ ở đây !

- Xí ! Anh nói làm như...

- Như gì ?

Emilie cười:

- Ba đến gặp ông Ðốc cũng có mục đích là để hỏi về anh đó.

- Anh sẽ đến xin gặp ba tại nhà, ba khỏi phải nhọc công.

- Cha! Oai ghê !

- Chớ không à ? Lâu nay anh sợ người ta tâu rỗi không đúng , là hỏng chuyện, bây giờ anh đích thân đến nhà xin gặp ba má, em thấy được chưa ?

- Anh mướn nhà này bao nhiêu vậy ?

- Nói đùa chớ, đây là tiệm mua dừa khô của thằng Bền . Hôm trước nó nói với anh nó sẽ mở hãng xà bông. Bây giờ nó phải làm đại lý dừa khô, nấu dừa rồi tiến tới nấu xà bông. Nó cho chúng mình ở trên gác.

Emilie nguýt háy sập trời:

- Khi không em ra đây ở à ?

- Thì cũng chờ lệnh mẹ cha...chớ đâu mà ở ngang như vậy được em. Chừng nào em đưa anh đến chào ba má ?

- Ðể em xin phép chớ em đâu có quyết định được...Mà chắc sớm lắm!

- Càng sớm anh càng mừng.

- Em lo quá hà !

- Tại sao ?

- Ở bên đó người ta cũng nhờ cậu em đến thưa với ba má.

- Vụ gì ? À à...Cái vụ hồi trước ba đi xuống...đó hả ?

Giọng Emilie buồn buồn:

- Ba má muốn biết việc của anh với em như thế nào để ba má trả lời cho người ta.

- Em tính thế nào ?

- Em đã dứt khoát rồi sao anh còn hỏi vậy ?

- Riêng anh không có tính toán gì nữa hết. Coi như anh thi hành quyết định đã tính với em từ lâu rồi. Vậy thôi.

- thầy Xuỵt gặp em cứ ngạo hoài. Thầy kêu em bằng mợ Tú chớ không kêu như trước nữa.

- Lúc này coi bộ tụi học trò trường Minh Châu cưới vợ lấy chồng đông hơn lúc nào hết.

Emilie làm thinh.

Minh luôn luôn tâm ngẫm cái cẩm nang của Bền . Phải sút vô gôn . Nhưng Minh thấy không cần làm như vậy vì ba má Emilie đã ngỏ ý thuận, còn Emilie thì đã yêu chàng, tội gì phải làm chuyện mất trật tự, mất cảm tình bằng một fait accompli như ông quân sư Bền mách nước.

Tuy vậy Minh cũng đi một bước xa để dọ dẫm đối phương lần chót:

- Thằng Bền đang ở trong nhà thương thăm con Liễu. Nó bảo nếu Liễu đẻ con trai nó sẽ đặt cho là Chí , Bền Chí, còn nếu con gái thì đặt là Thanh , Liễu Thanh. Còn mình thì nếu con gái thì đặt là Nguyệt , con trai là Quới phải không em ?

- Ai bảo anh vậy ?

- Em chớ ai ?

- Em nói hồi nào ?

- Nhựt ký còn ràng ràng cả tập kia .

- Ðâu đưa em coi ?

Minh giật mình , nhưng không nhớ ra đã chôn kín những "mảnh tâm tình" của Emilie ở góc trời nào, bèn trỏ vào ngực mình:

- Cất ở đây này, làm sao lấy ra được ?

Hai người cười với nhau. Họ cảm thấy không còn cách nhau một li một tấc nào nữa. Minh bỗng ôm choàng lấy Emilie .Emilie đứng yên không vùng vẫy chút nào, để cho toàn thân lọt vào đôi tay đang quấn riết. Môi nàng nghe tươm lên mật ngọt. Chiếc lưỡi của chàng như dòng điện xoáy vào nàng. Nàng cũng đáp lại với tất cả sự sôi nổi của nền văn minh Âu Tây.

- Chúng ta sẽ..ẽ..

- Ư, ư..

Họ nói với nhau không rõ tiếng, nhưng họ hiểu những tiếng đó , cả những tiếng chưa phát ra.

- Cho anh xe..em..cái hoa.. - Minh sụp xuống thều thào - Cái hoa của anh.

Emilie sợ hãi, kẹp cứng hai chân và đưa tay đè gấu váy, sợ cơn gió bất ngờ ở con dốc đá ong.

Nhưng Minh đã rà môi vào những cành hoa. Nàng yên tâm nên đặt tay lên đầu chàng:

- Ðừng làm em đau nữa !

Minh không làm Emilie đau, chàng chỉ khẽ hôn đoá hoa hồng của chàng. Hương sắc của hoa lâu nay đọng trên làn tuyết đến ứa tràn nay đã tan vào môi chàng.

Minh đứng lên, nhìn gương mặt tái mét, đờ đẫn của Emilie :

- Em là sao vậy ?

- Em không làm sao cả !

- Em có thấy cần tìm một nơi khác làm tổ ấm của chúng ta không ?

Chính Emilie sợ cái ý nghĩ đó. Nó đến mau chóng và làm nàng ngợp. Emilie đã thấy ngại ngùn khi đạp xe song song ngoài phố với chàng. Càng ngại khi chàng qùy xuống ôm hôn chân nàng. Bao nhiêu cặp mắt đổ vào nàng. Nhưng dù sao đó không phải là cái cảnh đáng cho nàng lo ngại. Còn ở đây, trong phòng chỉ có hai đứa với nhau. Sự im vắng gây cho nàng sự sợ hãi. Ở trong phòng riêng này, người ta có thể làm mọi chuyện ngay cả chuyện vợ chồng. Và nàng cảm thấy Minh sẵn sàng làm việc đó qua sự háo hức của những cái hôn. Ngọn lử trong mắt chàng rực lên như muốn thiêu đốt nàng. Emilie lắc đầu:

- Khoan đã anh ạ !

- Anh không muốn cho ai biết anh ở đây.

- Tạo sao vậy ? - Emilie ngạc nhiên hỏi và bước lại ngồi bên tay ghế.

- Anh muốn chúng ta yên tĩnh để yêu nhau.

- Nhưng sao mình phải trốn lánh ? Còn phải có sự chấp thuận của gia đình đôi bên nữa chớ.

Minh hơi lọng cọng nhưng cố lướt qua:

- Ðiều đó..dĩ nhiên rồi.

Emilie nhớ mấy lần trêu chọc của thầy Xuỵt , thầy thường nói với Minh có mặt Emilie :"Cưới hỏi xong mày cuốn gói vền ở nhà ông già vợ, khỏi lo cơm nước, sung sướng có thua gì chuột sa hũ nếp !"

Emilie hơi thẹn nên không nhắc lại câu nói đó. Còn Minh đồ chừg Emilie cũng nghĩ như vậy nên gạt ngang:

- Anh thích ở riêng để mình tự do hơn.

Thấy Emilie có chiều suy nghĩ, Minh nói lảng ra:

- Thằng Bền sắp làm chủ hãng to.

- Ảnh có đầu óc thương mại. Vậy cũng tốt. Nhưng chỗ này nhỏ quá.

- Nó sẽ mua dừa khô cạy ra, rồi chứa trong kho nơi khác, còn đây chỉ là văn phòng. Nó cho mình ở tạm tới...chừng nào nó cần.

Emilie không thích ở riêng xa cha mẹ. Nàng muốn trông thấy ba má hằng ngày để ba má cũng gần nàng và chia sẻ hạnh phúc của đứa con gái cưng. Nàng nhất định sẽ thuyết phục chàng về ở chung với cha mẹ nàng sau đám cưới.

Nàng hơi xấu hổ khi nghĩ tới một biến cố lớn như vậy.

- Bây giờ mình đi chơi chút đi em. Không còn việc gì phải lo nghĩ nữa thì cũng nên giải trí. À, em có muốn đi uống sữa đậu nành ở rạp Nam Xuân không ? Hai ly sữa của em mua hồi đó tới bây giờ chưa uống mà anh nghe ngọt quá chừng.

Emilie thích thú khi nghe Minh nhắc lại kỷ niệm xưa một cách thi vị. Nàng cười nói làm rung rinh những lọn tóc xoã trên những bông hoa tím thêu tỉ mỉ trên vai áo nàng.

- Em nghĩ không hiểu tại sao hồi đó em gan quá ! Ðang ngồi coi hát với ba, bỗng dựng cớ đòi ra cho bằng được - Emilie háy Minh - Em mường tượng thấy anh thơ thẩn ngó đầu này đầu kia tìm em nên em không ngồi yên được. Tuồng hát hay vậy mà em cũng không xem. Em tội nghiệp anh đó.

Minh hỏi phăng tới:

- Sao em bỏ đi ngang ở buổi dạ tiệc vậy ?

- Em thấy bà Liễu với cô gái già Mad trừng ngó nhau nên em không thích.

- Anh đến rạp hát sớm lắm. Ðứng chờ hoài không thấy em, anh sợ lỗ tai anh nghe lầm. Em nói nhỏ rí mà anh vẫn nghe, tài không?

- Anh đợi em có một lần, còn em đợi anh cả tháng.

- Ðợi anh ở đâu ?

- Ở bến đò...

- Người ta nói rõ ngày trở lên mà đợi gì ở đó ?

- Biết rằng anh chưa lên , nhưng em vẫn ra đứng chỗ bậc thạch em tiễn anh.

- Bây giờ để anh bù lại cho. Anh đi lại tiệm ông Tám Trận mướn chiếc xe mình rong chơi tới tối, rồi trở lại rạp Nam Xuân uống sữa đậu nành.

- Em không coi hát đâu.

- Tại sao?

- Gánh nào cũng diễn tuồng độc hại. Trai gái yêu nhau toàn bi đát. Rốt cuộc con gái thiệt thòi đau khổ. Thiếu gì chuyện vui sao không diễn lại cứ bâu vào chuyện lâm ly ai oán. Làm cho khán giả cười có phải hay hơn làm cho họ khóc không ? Còn anh nữa, anh không được làm cho em khóc.

- Mà em có khóc lần nào chưa ?

- Có chớ sao không ?

Minh bước xuống thang lầu còn quay lại dặn:

- Em mở valy anh soạn giùm anh một bộ đồ nào em thích để ạc mô ni (harmonie: hoà hợp màu sắc, âm thanh) với y phục của em bữa nay nhé. Khi chúng mình đi với nhau, ai thấy cũng cho đó là vợ chồng mới cưới . Vợ dạy cua xúp chồng thì xúp cua .

- Xí, anh nói chuyện gì không á ! Ði mau lên ! Ðừng để em chờ.

- Anh mướn chiếc xe bánh bự để chở em luôn.

- Anh coi chiếc xe hồi trước còn đó thì mướn để làm kỷ niệm hai năm đi dạo bến bắc Hàm Luông nghen !

Minh xuống đến đất bỗng quay phắt trở lên. Emilie đang mở valy, quay lại, Minh xà xuống bên nàng:

- Xin lỗi em! Từ gặp em tới giờ anh chưa hôn môi em !

- Ði rồi về hôn không được sao ? Mà hôn rồi chớ sao chưa ?

- Lần trước em bắt "phốt" anh gặp em cả buổi mà không hôn. Nhớ không ? Còn em không hôn anh thì lỗi gì ? Nào!..Hôn rồi thì hôn nữa.

- Ái da! Em bảo đừng có ..! Lần đó chút xíu nữa má bắt gặp.

- Nhưng lần này em cứ đưa cho má xem và anh sẽ thưa với má rằng...

- Thôi đi đi, ở đó mà má tía !

- Em ở đây đừng có trốn mất nghe ! Mà em có trốn đi đâu rồi anh cũng tìm ra.

Emilie nhìn chiếc va ly màu vàng tươi, bốn góc có dát thiếc sáng chói . Trên nắp có nhãn mang tên Minh và địa chỉ ở quê nhà.

Emilie cầm lấy quai, xách thử và nghĩ thầm:

- Nếu đi du lịch hai đứa thì cần một chiếc lớn hơn.

Rồi nàng ngồi xuống. Va ly không có khoá, chỉ bấm nút là mở ra. Một chiếc khăn bàn lông màu trắng trải suốt bề mặt va ly. Bên trong nắp có những túi con đựng một cục xà bông Cô Ba , một hộp Gibbs và cái bàn chải đánh răng, một cặp kiếng mát, mấy cây bút chì. Một cây còn mới nguyên chưa chuốt, một cây đầu xanh đầu đỏ.

Emilie xem xét từng món một rồi trả lại chỗ cũ. Xong, giở khăn lên. Bên dưới, một chiếc áo sơ mi lụa mỡ gà, bên cạnh là một chiếc quần tây xanh nước biển. Kế đó là một chiếc sơ mi lụa trắng, một chiếc quần tây cũng xanh nước biển. Trong mỗi túi quần đều có một chiếc khăn mu soa thêu rất khéo và khác màu.

Cứ như thế cho đến bộ thứ bảy. Có lẽ mấy cô em gái của Minh (có lần Minh cho nàng biết tên hai đứa em gái và nàng vẫn còn nhớ là Mẫn và Thiệp) sắp xếp quần áo cho anh và bảo anh áo nào quần nấy, cứ theo thứ tự đó mà mặc cho hết một tuần lễ.

Quần áo xếp rất kỹ, nút áo gài như áo trong hộp còn quần thì ủi rất sát. Nàng không biết chọn bộ nào cho ăn ý với bộ đầm của nàng màu xanh da trời thêu hoa tím và xếp con rất nhỏ ở thắt lưng theo lối váy cổ điển của mấy bà đầm. Thôi, bộ nào cũng được. Ðàn ông không cần phải làm dáng.

Nàng soạn đến hết mới ngừng, dưới đáy va ly hiện ra một màu, trời ơi...màu hồng mịn màng của lụa. Nàng cầm lên tay. Ðó là bộ đồ ngủ đàn bà. Emilie nghe mùi thơm lạ phảng phất. Nàng đứng dậy để nhìn cho kỹ. Một cái áo và một cái quần. Từ bên trong rơi xuống một tấm khăn lụa trắn. Nàng nhìn theo thấy trên màu trắng tinh anh có những đốm sậm như những cánh hồng khô. Nàng buông bộ đồ và cầm chiếc khăn lên. Ở góc khăn có thêu mấy chữ " HỢP CẨN M-S" và mấy chữ Nho. Bên dưới là một dòng chữ Việt song song với dòng chữ Nho. Và ngày tháng rành rành.

Emilie hoa mắt tối tăm mặt mày. Trời đất xoay vun vút. Nàng úp mặt vào ghế giây lâu, rồi bật dậy, lặng lẽ xếp tất cả đồ vật lại nguyên chỗ cũ. Nàng hiểu lần trước gặp nàng chàng không hôn để nàng phải nhắc. Và lần này chàng không quên...Nhưng chàng ăn nói có vẻ bất thường và táo bạo.

M là Minh , đích thị rồi. Còn S là ai ? Một người con gái nào đó đã hợp cẩn với chàng mới đêm hôm... Và bữa nay gặp mình !

S là vợ chàng. Tại sao chàng giấu ta ?

Chương 25

Minh bơm căng hai bánh xe rồi mới đạp về. Vừa đạp vừa nhớ câu chuyện bơm xe của lão cựu chiến binh mà cười thầm: Suýt nữa lão mang hoạ. Và nhó luôn câu trêu của Bền : " Nó còn xách ống bơm chạy xà quần!" Bây giờ thì chàng không còn chạy xà quần nữa.

Về đến căn phòng, đứng ở chân cầu thang Minh réo to như vừa đắc thắng một trận chiến:

-Emilie ! Anh về nè ! Xuống coi phải chiếc xe này không ?

Không thấy đáp, Minh vọt lên. Gian phòng trống trơn. Cửa không khép . Chiếc va ly nằm ở giữa phòng y nguyên chỗ cũ.

Chắc nàng chờ mình hơi lâu. Tại cuốc bộ và tìm chiếc xe ưng ý, rồi bơm nên mất nhiều thì giờ. Nghĩ vậy chàng trở xuống đạp tới trường.

Gặp thầy Xuỵt đứng trước cửa văn phòng, cái quạt giấy phây phẩy như sốt ruột chờ ai. Minh vừa dưng xe xong, thầy nói ngay:

- Mày vừa ở dưới nhà lên hay đi đâu về ghé. Va ly đâu ?

- Dạ..

- Chuyện hai đứa bây coi như... vì tao nghe phong thanh có người đi hỏi nó.

- Dạ, chúng em tính xong rồi thầy.

- Hễ mày đem lại bon résultat définitif thì đàng kia phải rút êm, còn mày xụt xịt thì đàng kia tiến tới. Oui ou non phải đáp nhanh.

- Dạ , em đã nói với Emilie hồi sáng này rồi thầy ạ. Oui chớ đâu có non thầy !

- Nhưng phải có người lớn đứng ra. Ba má mày có lên được không ?

Minh nghẹn ngang hồi lâu. Thầy Xuỵt xua tay:

- Vậy tao nhờ ông Ðốc nhé ! Ổng là bạn của ông Phán.

- Dạ.

- Cưới rồi ở đâu ?

- Dạ, thằng Bền cho mượn nhà. Nó sắp mở hãng dừa khô. Hồi sáng em đã gặp Emilie ở căn nhà đó. Nhưng Emilie muốn khi cưới hỏi xong thì về ở nhà...

- Ở nhà vợ. Nói phứt cái cho rồi !

- Dạ, nhưng em không thích ở chung với ai.

- Bây giờ mày phải rước ba má mày lên, đem trầu cau đi đến đàng gái cho phải lẽ. Chỉ một lần thôi. Ông Ðốc và tao bao hết mọi chuyện lễ nghi khác.

- Nếu Emilie có đến đây thì thầy bảo cô nàng ở đây đợi em chút.

- Bộ hai bên làm cái ẳng đê u trật chìa rồi sao cậu Tú ?

Minh ngó laị thì ra ông già cựu chiến binh. Lão hỏi thầy Xuỵt :

- Thầy định cho trường ba ri dôn nê (quét vôi) màu gì thầy ?

- Cứ màu cũ.

- Rôn le (vàng nhạt) hả thầy ?

- Dạ, cụ cứ bổn cũ soạn lại cho đúng ý ông Ðốc.

- Còn chạy chỉ lơ mơ rinh (xanh nước biển) luôn hả thầy ?

- Dạ, cụ cứ phép cũ mà làm.

Lão già quay lại Minh :

- Cậu thiệt tài cao hiếm có. Vừa làm học trò xong, trở lại làm thầy. Còn tôi mãn đời giữ ngựa, bơm xe, ba năm chẳng lên được chức cạc pô ràng (cai, lính).

Minh đang sốt ruột nên không đẩy đưa với ba cái tiếng Tây của lão già như thường khi. Từ giã thầy Xuỵt , Minh trở lại nhà. Vẫn chưa thấy Emilie về. Nàng đi đâu ? Nếu đi lâu nàng phải viết giấy để lại. Mà đi đâu thì cũng đã trở về rồi. Minh lên giường nằm sải tay. Chiếc giường này sẽ là giường cưới của Minh - Emilie . Nó sẽ ghi dấu hạnh phúc của đôi uyên ương.

Minh sẽ yêu nàng cả hồn lẫn xác ở trên chiếc giường sơ sài này, không phải than thở như vừa rồi ở tại nhà chàng, mà ngược lại:

O lit nuptial! O lit des roses!

Ôi giường cưới phủ hoa hồng !

Nàng sẽ trở lại. Nàng không thể sống thiếu ta.

Rồi chàng thiếp đi trong giấc ngủ, cơ thể và tâm trí rã rời.

Chàng thức dậy ló đầu ra cửa sổ nhìn xuống, đường đã lên đèn. Chợt có tiếng chân lên lầu. Chàng chạy lại đầu thang nhìn xuống suýt kêu: Emilie , nhưng một cái nón nỉ ló lên: Bền !

Bền vừa nói vừa đi lên:

- "Ẻn" có đó không ?

- Ði đâu chưa về !

- Mày đi đâu mới về đó ?

- Tao đi mướn xe đạp đằng ông Tám Trận để hai đứa đi chơi nhưng khi về thì không thấy nàng ở đây nữa.

- Lúc chiều tao trở lại đây, tao gặp nó ở ngoài đường, tao hỏi có mày ở trển không, nó nói không. Tao hỏi nó đi đâu ? Nó bảo nó đi đâu đó tao không để ý. Ðứng nói dăm ba câu rồi tao đi công việc, định trở lại đây rủ bây đi tiệm Lục Mừng , nếu không thì mua vịt quay xá xíu chạy xuống nhà tao chơi.

- Emilie đâu có chịu đi đêm như vậy.

- À quên! Tụi bây chưa cưới mà tao tưởng cưới rồi. Nếu nó không đi thì mày đi với tao. Tao sẽ phụ nhĩ thêm về cách sút vô gôn cho mày thi hành.

- Giễu hoài mày ơi! Tao đang rầu đây nầy!

Bền rút lui hồi nào, Minh cũng không hay.

Chàng ngó quanh đầu giường, trên vách đều không có bộ đồ nào cả.

Chàng xách va ly bỏ lên giường soạn tìm quần áo. Chàng thấy rõ sự chăm sóc tỉ mỉ của Sương trên những làn xếp thật tươm tất.

Càng bới các lớp quần áo chàng càng thấy tội nghiệp Sương. Nàng yêu chồng rất mực. Nhưng chồng nàng đã "đày đoạ" nàng bằng những " cực hình" kinh hoàng. Và nay: sự phản bội.

Chàng hối hận khi nhớ lại lúc yêu đương nàng bồng bột, chàng đã gọi tên Emilie và đã cố tình than thở " Ôi giường cưới, huyệt mộ tình ta !" bằng tiếng Pháp để nàng không hiểu.

Bổng tay chàng dừng lại. Chàng đã bới cái "huyệt mộ tình ta" đầy nhóc hương hoa tới đáy. Một bộ đồ ngủ. Bất thần chàng cầm lên tay và nhận ra rằng đó là bộ đồ nàng mặc đêm hợp cẩn. Mùi hương da thịt của giai nhân hãy còn thoang thoảng quấn quyện bên chàng. Bỗng một tấm lụa nhỏ vuông vắn, nõn nà rơi xuống giường. Chàng buông quần áo nhặt tấm tấm lụa lên. Giữa màu trắng tinh nguyên in những cánh đào đỏ sậm.

Có vệt giống hình quả tim biến thể, có dấu giống hình nửa cặp môi, có dấu lốm đốm như cánh hoa đào vỡ.

Ở góc khăn có dòng chữ, hai chữ hao thêu tréo vào nhau, bên dưới có cả ngày tháng...Chàng lại bắt được ở đáy va ly một mẩu giấy hồng mang dòng chữa Nho đen nhánh vá một bài thơ tứ tuyệt chữ Nôm.

Minh hiểu tất cả...

Tấm lụa in hoa đào.

Ôi tấm lụa đào !

Chương 26

Sương nói với các cô học trò:

- Bữa nay lớp học bắt đầu, chị cho các em biết trước một chuơng trình gồm các món gia chánh. Có ba phần:

-Các món ăn chánh gồm một trăm món dùng để ăn thường, đải tiệc lớn, tiệc nhỏ.

-Các món bánh mứt, kẹo gồm bảy mươi món bánh mứt ta, Tàu và Tây

-Các món chè ,cháo , gỏi, bì , giò gồm năm mươi món v.v..

Cộng chung trên ba trăm món. Học hết phải mất một năm rưỡi. Vừa học vừa hành để ăn thử hoặc để bán lấy tiền mua vật liệu học. Muốn thành tài đứng ra nấu nướng cho một bữa tiệc lớn, các em phải kiên nhẫn.

Học trò toàn gồm các cô con gái nhà khá giả đến đây thụ huấn được Sương xin phép cha mẹ chồng cho ăn ở luôn trong nhà.

Khi chưa xuất giá, Sương cũng đã mở lớp taị gia và học trò của Sương đã làm rạng rỡ danh thầy trong khắp vùng quanh đây.

Sương nói tiếp:

- Riêng về môn thêu thùa, vá máy thì chương trình như sau:

-May quần áo bà ba, sơ mi tay cụt tay dài, quần tây cụt, quần tây dài.

-Áo dài đàn ông ,đàn bà

-Áo dài tân thời , đồ cưới

-Áo thắt chỉ các loại

Muốn học hết phải một năm. Còn về môn thêu thì gồm có:

- Thêu bông hoa, thêu chữ Nho

- Các loại thêu bằng chỉ màu, thêu bắt mũi

- Thêu tấm chấn và tiền bàn.

Muốn học hết cũng mất một năm rưỡi, hai năm.

Một cô học trò mười sáu tuổi nói:

- Em học hoài, không kể là mấy năm, chừng nào hết nghề của chị thì thôi.

Một cô khác lại nói:

- Em sợ chị dạy tụi em được ít bữa rồi chị bỏ tụi em bơ vơ chớ !

- Sao bỏ được ?

- Ảnh rước chị lên trên tỉnh với ảnh chớ sao !

Sương đỏ mặt. Một cô khác lại chêm vào:

- Dám lắm đó. Hổng lẽ ảnh rước chị không đi ?

- Ảnh đi mới co mấy tuần lễ mà coi bộ chị rầu rĩ ốm o rồi đó.

Các cô học trò nói không sai mấy. Từ hôm chia tay với chồng tới nay, Sương cảm thấy buồn ghê gớm. Ông Tư bà Tư luôn luôn nhắc nhở cho nàng dâu thấy sự quan tâm của ông bà:

- Ba má có dặn nó khi nhận việc xong thì tìm phố mướn để ba má đưa con lên. Chồng đâu thì vợ đó.

Sương an tâm, nhưng để cho cha mẹ chồng thấy mình không phải là một kẻ vô tích sự, và cũng để lấp những lổ hổng thời giờ, nàng mới xin ông bà Tư cho mở lớp này. Ông bà được danh lẫn lợi nên đã đồng ý ngay. Ngoài ra hai chị em Mẫn Thiệp cũng được dịp trau dồi nữ công trước khi về nhà chồng.

Sương đưa vở cho học trò chép. Kẻ thì ngồi ở bàn nhà trên. Người kê lên góc ván nhà ngang, kẻ lại xuống bếp để có hơi ông táo, chớ không có bàn ghế như ở nhà trường. Còn tối thì chia nhau ngủ ở các bộ ván hoặc vào buồng của Mẫn và Thiệp. Ở nhà không có con trai lớn nên không có sự nam nữ thọ thọ bất thân.

Sương vào buồng nằm tìm sự im lặng. Không khí vắng vẻ gợi cho nàng những đêm sầu tư lẫn hạnh phúc, cái hạnh phúc đến trễ và không trọn vẹn. Vết thương ở bắp chân cũng là vết thương trong tim nàng. Tại sao trong giây phút mà chàng trút nguồn sống rào rạt cho nàng thì chàng lại gọi tên người khác? Và những tiếng Pháp ? Một cô đầm nào chăng ? Nàng bật dậy móc những bức thư trong rương ra. Nàng chỉ nhìn những dòng chữ rồi nước mắt trào ra làm mờ cả trời đất.

Ðã bao nhiêu lần nàng định đưa cho Bảo xem và nhờ Bảo truyền cho ba má những nỗi tủi nhục, đau đớn của nàng. Ðã bao nhiêu lần nàng cảm thấy bị phản bội, bỏ rơi, và nàng muốn trở về với cha mẹ. Tấm lụa đào treo trên đầu cửa buồng trước đây trông rực rỡ là thế mà nay nó chỉ mang tới cho nàng nỗi quạnh hiu và xót xa, mai mỉa.

Nhưng rồi cũng có lúc nàng nghĩ những bức thư kia chỉ là một sự đùa chơi chốc lát, cũng như những anh chị nàng trước đây. Ai cũng viết và nhận thư tình nhưng cuối cùng đều lập gia đình theo phong tục ông bà và ăn ở hoà thuận nhau.

Một người có tài như chàng sống giữa đám đông làm sao tránh được những chuyện này nọ. Sự kêu tên cô đầm lai nào đó chẳng qua là một thói quen chưa bỏ được của chàng. Nàng bắt tội chàng gay gắt và cũng chính nàng bào chữa cho chàng. Một trong những điều gia huấn có câu trai năm thê bảy thiếp , gái chính chuyên một chồng . Hơn nữa sách thánh hiền còn dạy trinh nhi bất lượng , nghĩa là điều sai quấy không cần nghĩ tới, mình chỉ nên làm bổn phận của mình cho đầy đủ, tự nhiên người sai thấy đó sẽ sửa mình.

Sương thiếp đi trong giấc điệp không mơ mộng. Nàng cảm thấy mình cao thượng hơn lên với ý nghĩa của câu chữ do cha nàng dạy cho từ bé.

Bỗng có tiếng đập cửa:

- Chị Sương ơi ! Có học trò mới tới.

- Ở đâu tới vậy ?

- Dạ không biết.

- Ðể chị tiếp.

Sương lật đật ngồi dậy, bới đầu tóc, xốc lại áo rồi bước ra.

Nhác trông cô học trò, Sương giật mình. Ðây là một cô gái thành thì chớ không phải ở miệt vườn quanh đây. Quần áo cô ta bình thường nhưng mặt mũi xinh đẹp văn minh. Tóc quăn tự nhiên hai bên thái dương và trước trán. Nàng ta lễ phép:

- Em tên là Lệ, ủa Lan, nhà ở trên Tân Hoà, nghe nói chị mở lớp dạy nữ công, nên ba má cho em xuống học.

- Em định học môn gì ? Nấu ăn hay thêu thùa ?

- Dạ, em thích cả hai.

- Tân Huề chớ không phải Tân Hoà , chị Sương ạ ! - một cô học trò xen vào - chị nói chị ở Tân Huề sao tôi không biết ? Tôi ở Tân Huề đây nè.

Cô gái tên Lan nhanh nhẩu đáp:

- Tôi gốc ở Tân Huề nhưng đi học trên quận nên chị không biết cũng phải.

- Chị học trên quận thì còn thì giờ đâu mà học nữ công ?

- Em thôi học lâu rồi, ở nhà buôn bán lặt vặt, nay ba má em sắp làm lễ vu quy cho em nên cho em học một ít nghề khéo trước kho về làm dâu cho người ta khỏi mang tiếng là cha mẹ không biết dạy con.

Sương thấy cô gái ăn nói trôi chảy thì mừng thầm nhận được học trò tốt. Sương hỏi:

- Em học hết trường quận chưa ?

- Dạ em có lên trường tỉnh một năm rồi gia đình đơn chiếc nên phải ở nhà.

Sương càng mừng rỡ:

- Nói vậy thì em vừa làm học trò vừa làm thầy chị luôn.

- Dạ , em đâu dám vậy, thưa chị.

Sương tự nhiên bảo:

- Chị nói thiệt mà. Vì trong mấy chục món bánh chị sắp dạy , có những tiếng chị học rồi quên, bây giờ đọc cũng không hiểu được.

Sương đi vào buồng lấy sách ra lật lật và bảo cô học sinh đọc và cắt nghĩa giùm. Rồi gặng hỏi:

- Mà em tên thật là gì ? Lệ hay Lan ?

- Em tên là Lan. Hồi nãy em nói lộn tên em gái em. Vì hồi nhỏ em dùng khai sanh của nó để đi học nên ai cũng quen miệng kêu em là Lệ, về nhà mới trở lại tên Lan. Do đó em cứ lộn hoài.

Sương đưa sách cho Lan. Lan đọc một hơi, nào là:

arbre de Noẻl: cây thông đêm giáng sinh

biscuit champagne: bánh sâm banh

croissant au beurre: bánh sừng bò

puits d'amour: bánh giếng ái tình

Ðám học trò bỏ chép bài bu lại, nghe đến đó, cười ngặt nghẽo:

- Bánh gì có bánh ái tình, nghe lạ vậy chị Sương ? - Một cô hỏi.

-Ðây là tên bánh thôi em à !

- Bánh ái tình là bánh làm sao ?

- Bộ ai ăn bánh này phải cảm người làm bánh chắc ?

- Vậy chị nên dạy tụi em món bánh này trước nhất để đãi mấy anh có tánh be he chơi.

Mỗi trò vui vẻ góp một câu nhộn và cười ngã nghiêng với nhau. Sương cũng hơi ngượng nhưng vui. Nàng bảo:

- Có loại bánh này thật chớ không phải chị đặt ra đâu. Cách làm thế này: Ðổ kẹo lên khay cán mỏng ra như bánh tráng của mình rồi cuốn tròn lại dựng lên, nền làm bằng báng ga-tô như hình cái giếng. Ở dưới đáy giếng có một trái tim hồng làm bằng cà rem. Người ăn cứ bẻ ra cho đến lúc lộ trái tim ra thì lấy dao cắt. Có bao nhiêu thực khác thì cắt thành mấy phần.

Lan tiếp:

- Dạ trong sách nói riêng cái trái tim kia cũng là một món bánh khác tên là crème chantilly hay gọi là gâteau d'antigone cũng được.

Một trò lại bảo:

- Trái tim thuộc về ai thì một người thôi chớ, cắt ra như vậy chẳng hoá ra là chia sẻ tình cảm hay sao? Ai chịu !

Câu nói vô tình chạm tới bà thầy. Nàng bảo:

- Ðây là việc ăn bánh ngọt chớ không phải chuyện tình cảm em à!

Sương nhận cô học trò đọc được tiếng Pháp trôi chảy thì mừng lắm. Sương nói:

- Hồi trước chị chỉ học tới nửa quyển Mille Mots rồi nghỉ ở nhà học chữ Nho.

- Min mô là bánh gì ?

Sương cười:

- Bánh thì Mille Feuilles còn Mille mots là một ngàn chữ Tây chớ không phải tên bánh. Thí dụ như Mère : mẹ, Père : cha , Peau : da, Chair : thịt, Canard : vịt, Coq : gà, Maison : nhà, Porte : cửa, Feu: lửa...Chị chỉ nhớ có bấy nhiêu , còn trả lại cho thầy hết.

- Còn chữ Nho chị biết tới một ngàn chữ không ?

- Chắc hơn

- Ðến mấy ngàn ?

- Chị học hết Tam thiên tự , chị có thể dịch một ít tiếng Tây ra tiếng Tàu.

- Chị dịch thử coi .

- Père : phụ, Mère : mẫu, Peau : bì , Chair : nhục, Coq : kê, Maison :gia ; Porte :môn; Feu :hoả.

- Mà chị viết có được không ?

- Ðược chớ. Bữa nào chị viết cho các em xem. Bây giờ chép bài đi rồi học nấy canh cua, mai học làm bánh bò !

- Chị dịch tiếng gà , sao không dịch chữ vịt - Một cô hỏi.

- Ðể chị nhớ lại coi . Tiếng Quảng Ðông gọi vịt là ạp , còn chữ Nho ít dùng nên chị không nhớ.

Thằng Bảo nãy giờ đứng trong buồng nghe ké, ngứa lỗ tai, bèn nhảy ra góp tiếng:

- Ðể em dịch giùm cho! - Rồi nó đọc luôn:

Chiều chiều vịt nước kêu chiều

Bâng khuâng nhớ bạn, chín chiều ruột đau

Tây nó nói là:

Xoà xoà, ca na lố, kêu xoà

Bẳng xế a mí nớp phoà ảnh tết tê man

(Soir soir canard l'eau (kêu) soir

Penser ami neuf fois intestin mal ) (tiếng Tây bồi )

Lan và các cô che miệng cười rần. Sương hỏi:

- Em mới đi trường làng , tiếng Tây ở đâu mà em học giỏi vậy Bảo ?

Bảo không mắc cở chút nào, hứng thú nói luôn:

- "Năm khi mười hoạ " em cũng dịch ra được là " Xanh căng đít coọc bô!" Hề hề. Thầy em không có dạy nhưng em học lóm của ông Bảy nhà binh. Bữa đó có ông Cò ghé ngang, vì trong làng không tìm được ai biết nói tiếng Tây nên hương chức bắt ông Bảy nhà binh ra làm thông ngôn. Ông Bảy dẫn ông Cò vô chợ, nghe giọng hát ru con vang ra từ trong phố, ông Cò dừng lại nghe hồi lâu rồi hỏi ông Bảy đó là nghĩa gì, ông Bảy bèn trâm tiếng Tây như vậy đó. Tại em thấy ông Tây mặt mũi râu ria lạ lùng nên chạy theo coi và nghe ông Bảy nói một hơi dòn rụm.

Lan lắc đầu:

- Chị cũng phục em luôn! Một câu dài như vậy mà em nhớ không sót một chữ. Thật là sáng dạ !

Lan đọc các thứ tên bánh Tây xong rồi đọc những vật liệu dùng làm bánh : nào vanille, chocolat, sucre, beurre..

Hôm sau Sương đưa cho Lan một mẩu giấy và nhờ đọc giùm xem có phải tên bánh không. Lan cầm lấy và nhìn sửng sốt hồi lâu mới hỏi:

- Ở đâu mà chị có cái tên ...ủa cái chữ này ?

- Tên bánh lạ phải không em ?

- Dạ không..khô..ông phải tên bánh mà là tên người.

- Ủa, vậy sao ?

- Mà là tên một người con gái. Nhưng ở đâu mà chị có vậy ?

- Chị chép trong thư, ủa trong sách. Chị không biết tiếng Tây nên hễ gặp là chép ra để hỏi em. Chắc đây là tên một cô đầm hả em ?

- Dạ đây là tên Tây, chắc chắn là tên của một cô gái nhưng không biết có phải là đầm hay không.

Sương lại hỏi tiếp:

- Nếu tên đầm sao còn kèm một dọc tiếng Việt theo sau ?

- Dạ, đời bây giờ người mình đặt tên Tây cho con nhiều lắm chị à. Nhứt là ở trên tỉnh.

- Lý Lệ Lan hay Loan gì đó ! Ðể chị vô buồng chép kỹ đem ra cho em coi.

- Chị đưa cả cuốn sách cho em đọc được không ?

- Ồ! Chị quên, cuốn sách chị cho một người bạn mượn rồi. Nhưng chị còn nhớ rõ mấy tiếng Việt Nam . Và hình như còn có một tiếng Tây khác sau tiếng Tây kia. Lilan hay Ly Lan gì đó.

- Lilian ! - Lan thốt như máy.

- Ờ đúng đó ! Mà sao em biết giỏi vậy ?

- Dạ...Ðó là tên đôi của người Pháp thường dùng.

Sương cười hồn nhiên:

- Lâu nay chị cứ tuởng là tên bánh chớ !

Lan chớp chớp mắt và nói:

- Chị cũng có thể chế ra một thứ bánh và lấy đó làm tên bánh cũng rất đẹp, như các tên bánh Tây khác: Renaissance, Feuilles Printemps, Madeleine, Bras de Vénus.

-Ủa, em cũng biết nhiều thứ bánh Tây nữa sao ?

- Em chỉ đọc trong sách chớ không thấy mà cũng không biết làm! - Rồi Lan nói luôn - Ðể vài bữa em về nhà lấy đồ đạc, sẵn dịp em đem mấy quyển sách xuống cho chị xem và dạy chúng em làm.

Sương vui vẻ:

- Hễ em dịch tiếng Tây ra tiếng Việt được thì chị dạy các em làm cũng được.

Chương 27

Giáo sư Minh lại giảng về mối tình Paul et Virginie cho học sinh 4ème:

- Các em đã học từ 1ère các bài của Daudet, Balzac, Maupassant và các tác giả khác. Trước khi bước sang Paul et Virginie của Benadin de Saint Pierre tôi nhắc lại mấy cuộc tình duyên để các em ôn tập. Trước nhất là truyện L'Alsacienne (cô gái xứ Alsace) của Daudet. Truyện thật ngắn, chỉ có ba trang rưỡi sách: một anh chàng để ý cô nàng ở cùng xóm. Anh chàng đeo đuổi hoài nhưng cô nàng không đáp lại. Một buổi chiều mưa, chàng đứng ở cửa nhà nhìn ra ngõ. Trong ánh sáng chập choạng buổi hoàng hôn, chàng ta bỗng thấy cô nàng ôm hôn gã hàng thịt xấu xí, thô lỗ vừa luống tuổi vừa có vợ ...Liền sau đó, anh chàng leo lên lầu đâm đầu xuống đất chết tươi.

Một loại tình yêu phải không các em ? Anh thanh nhiên quá thất vọng , đau khổ và tự vận. Ðó là chuyện đời xưa. Nhưng thời xưa cũng không phải ai cũng làm như anh ta. Ngược lại, nếu bây giờ có người làm như vậy thì ta cũng cứ coi đó là chuyện bình thường, ai muốn bắt chước cũng không sao.

Rồi giáo sư Minh giảng sang chuyện tình Paul et Virginie . Giáo sư cũng hỏi lại những câu trưóoc kia của bà Pottier. Em hãy thuật lại vài đoạn văn hoặc đối thoại trong sách mà em thích.

- Tại sao thằng Paul ốm nặng , em nào biết ?

Giáo sư Minh còn nhớ như in trong trí không khí lớp học buổi hôm đó. Trò Bền trả lời ron rót cho bà đầm . Và bà đầm đã cho trò Bền điểm cao nhất. Hôm nay giáo sư Minh cũng lặp lại câu hỏi cũ. Một cậu học trò giỏi Pháp văn nhất lớp đáp:

- Dạ thưa giáo sư, thằng Paul ốm vì nói dang nắng khi bắt bướm trên đồi với con Virginie ạ !

Giáo sư Minh ngạc nhiên vì câu trả lời hồn nhiên và bất ngờ. Giáo sư hỏi:

- Nếu nó đi bắt bướm với một con bé khác, như con Alice chẳng hạn, thì nó có đau không ?

- Dạ không ạ !

- Tại sao ? - Giáo sư Minh hỏi.

- Dạ vì nói hay cãi nhau với Alice nên hai đứa chỉ đi với nhau một chút là nghỉ chơi, còn đi với Virginie nó thích hơn, nên nó đi lâu, do đó dang nắng nhiều và bệnh ạ.

Giáosư Minh lấy làm lạ về sự phân tích tâm lý và thời tiết của cậu học trò, mới nghe qua thì tức cười, nhưng nghĩ lại cũng có lý. Trẻ con thích nhau mới chơi với nhau l âu và dang nắng nhiều thì bệnh ! Do đó Giáo sư Minh không bác bỏ cái lý lẽ của cậu ta, một lý lẽ khác hẳn với lý lẽ của Bền là Paul nhớ Virginie nên ốm . Và hồi đó chính trò Minh cũng chấp nhận khi được Bền thổi vào tai, trong lúc hồn Minh đang vơ vẩn ngoài cây vú sữa.

Giáo sư Minh gật gù:

- Ý kiến của em không hẳn có lý hoàn toàn, nhưng không phải là vô lý. Em có một sự tìm tòi đáng khen.

Rồi giáo sư hỏi:

- Còn trò nào có ý kiến gì không?

Không có cánh tay nào giơ lên.

Muôn năm trước và ngàn năm sau đã có và vẫn còn những bi kịch ái tình, nhưng không ai có cách nào chỉ cho người đời tránh được những bi kịch đó. Câu trả lời của cậu học trò gợi lại một số kỷ niệm thời học sinh của giáo sư.

Giáo sư Minh thấy tóc mình bạc nhiều sợi và tim mình se thắt, khi bước ra khỏi lớp đi lên văn phòng. Người lăng tông kỳ cựu của trường Minh Châu đưa sổ lương cho giáo sư ký .

- Ðây là kỳ lương thứ sáu năm thứ hai của giáo sư.

- Tôi dạy ở đây hơn một năm rồi à ? Mau quá ! - Giáo sư Minh nói khẽ.

- Dạ! Từ lúc bà Pottier nghỉ tới giờ. Chiều nay là bãi trường Tết. Ông Ðốc bảo tôi phát cho giáo sư luôn lương tháng bãi trường.

Giáo sư Minh đi tìm anh bồi Ðông và lão cựu chiến binh tặng bao thơ lì xì trước khi rời trường. Minh gặp lão già đang còng lưng quét lá.

Bỗng Minh thấy một khoảng trống trước mặt, Minh hỏi:

- Ủa, cây vú sữa đâu rồi cụ ?

- Ðốn lâu rồi giáo sư ạ !

- Sao đốn uổng vậy cụ ?

- Ðể nó đứng đó mỗi năm càng lớn, nó quẹt lở vách tường rớt cả ngói nên ông Ðốc bảo đốn - Lão già có vẻ yếu đi, trước mặt một Giáo Sư lão không bô bô như trước nữa.

Minh suýt hỏi:"Rồi học trò dựng xe đạp ở đâu " nhưng Minh dừng lại kịp. Có lẽ lão già cũng nhớ lại cái màn kịch năm trước nên nói:

- Mấy cô hồi đó bây giờ đã có chồng hết rồi. Còn xe đạp thì thiếu gì chỗ dựng.

Minh đi ra phía trước sân. Con dốc đá ong lởm chởm đổ xuốn sân trường vẫn còn y nguyên như không thiếu một hòn sỏi. Học trò , đứa nào cũng vào trường qua cái dốc này và từ trường đi toả ra khắp nơi cũng qua cái dốc này. Một thời vui nhộn đã qua, chỉ còn lại những dư âm và những bóng mờ.

Một cái vỗ nhẹ trên tay Minh. Minh quay lại: thầy Xuỵt .

Thầy bảo:

- Vô đây tao cho xem cái bao thư lì xì đặc biệt !

Từ ngày Minh dạy ở trường, thầy Xuỵt đối đãi với Minh càng thân mật hơn, nhưng không nhắc tới chuyện tình của Minh nữa. Thầy vẫn biết niềm đau của cậu Tú trẻ nhưng thầy không cho câu thơ của thi sĩ Pháp nào đó mà thời xưa thầy rất thích, là đúng:

O tombeau, O lit nuptial

Giường hợp cẩn của đôi tân hôn là huyệt mộ tình yêu ? Thời trẻ, lúc vâng lệnh gia đình đi cưới vợ, thầy cũng nghĩ như vậy, nhưng ngày nay thầy lại nghĩ ngược lai.

Minh vào ngồi, văn phòng không còn ai, vắng vẻ tư bề. Thầy Xuỵt mở tủ lấy ra hia chiếc bao thư cỡ lớn. Cái thứ nhất màu vàng nhạt, cái thứ hai màu hồng nhạt. Cái thứ nhất có dấu chữ Nho Song Hỉ ở góc, cái thứ hai cũng có chữ Song Hỉ ở góc bằng kim nhũ lấp lánh.

Thầy đưa cho Minh một cái. Minh cầm lấy xem qua rồi kêu lên:

- Ba em có mời ông Ðốc dự đám cưới của em nữa sao thầy ?

- Thì thư mời đó, mày cầm trên tay mà còn hỏi gì nữa..- thầy Xuỵt ngưng một lúc rồi tiếp - nhưng tao ém luôn , không đưa cho ông Ðốc. Vì nếu ông Ðốc hay thì ông Phán cũng biết nốt - thầy Xuỵt cố tránh nói tiếng "Emilie ", cái tiếng trước kia là hạnh phúc, giờ là niềm đau.

Thầy lại đưa cho Minh chiếc phong bì khác. Minh cầm lấy xem. Cũng thiệp mời ông Ðốc dự đám cưới. Thầy Xuỵt bảo:

- Mày giở vào trong xem đám cưới của ai.

Chúng tôi làm lễ vu quy cho con gái chúng tôi là

Mlle Emilie Liliane Lý Lệ Lan

đẹp duyên cùng...

- Mày xem thử ngày tháng của hai bức thư cách nhau bao lâu ? Chỉ có...không đầy ...tháng. Mày nhớ không, lần đó mày đến đây tìm nó ?

- Dạ nhớ! - Minh đáp lơ mơ như kẻ không hồn.

- Trước khi mày tới chừng nửa giờ hoặc bốn mươi lăm phút gì đó, nó cũng tới gặp tao. Mặt nó xám ngắt như bị cảm. Nó ngồi ở cái ghế mày đang ngồi đó, cả nửa giờ mới noí một câu có mấy tiếng, mà không rõ tiếng nào hết.

- Cô ấy nói gì, thầy ?

- Tao không nghe được. Trước khi nó ra cửa, nó viết mấy chữ và nhờ tao đưa laị cho mày.

- Chữ gì vậy thầy, đưa em coi !

- Nhưng nghĩ sao không rõ, nó lại vò nát và bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nói là nó không thể nhận lời dạy ở trường này. Nó tất tả đi ngay. Tao không kịp hỏi lý do.

Minh lặng người. Một chập lâu mới nói:

- Ðã vậy sao lúc đó thầy làm như không có chuyện gì hết. Nếu thầy cho em hay thì...

Thầy Xuỵt quạt nhè nhẹ và đáp:

- Mày đã gởi thiệp mời ông Ðốc rồi, thì tao còn làm gì được nữa. Cho nên tao phải đóng kịch chớ sao ! Dù tao bảo thằng bồi Ðông cầm thư của mày vô nhà nó nhưng tao biết nó không bảo giờ còn gặp mày nữa. Mặc dù tao không biết lý do gì, nhưng tao đoán chắc là nó đã biết chuyện mày dưới quên, hoặc có việc gì ghê gớm giữa hai đứa.

Thầy Xuỵt tiếp:

- Nhưng thôi, như vậy cũng đã yên một bề. Tao nói một bề nghĩa là vợ mày chưa hay vụ mày với nó. Nếu mày cứ dấu, nó không biết mày có vợ, để mày cưới, chừng đó không yên được bề nào hết. Ba người sẽ xa cách nhau muôn năm...mày không nên sửa đổi hoàn cảnh hiện tai. Có ai ngăn được nước lớn hay nưóc ròng ? Hãy yêu cái mày có rồi mày sẽ có cái mày yêu. Aimez ce que vous avez et vous aurez ce qua vous aimez. Tây nó nói vậy và trước kia, trong hoàn cảnh của bản thân tao, tao cũng thấy là đúng. Trước khi ông già tao cưới vợ cho tao, tao cũng có một nàng như mày. Khi yêu nhau, chúng tao cũng vạch trời chỉ đất mà thề thốt, tưởng chừng không lấy được nhau, đứa sẽ nhảy xuống sông tự tử, đứa sẽ vô chùa tu. Còn cả trăm bức thư tẩm dầu thơm và hàng trăm cánh hoa, xác bướm khô sẽ nghiền ra làm nhang bán cho những cặp tình nhân làm bùa mê ngải lú v.v.. Nhưng khi tao cưới vợ rồi tao thấy không thể chết được, chết uổng quá. Và ít lâu sau tao gặp nàng ta, cái bụng chì bì. Nàng đi với đức lang quân bảnh bao sang trọng hơn tao, nàng chào tao rất lịch sự và giới thiệu tao với chồng nàng là "camarade de classe", bạn học như hàng trăm thằng bạn khác...thế thôi ! L'amour c'est la mort ? Không! L'amour c'est l'amour! La mort c'est la mort mày ạ! - thầy Xuỵt cười, cái mặt đỏ gay và rung rung cái "bụng ở đời" mà hôm nay Minh cho là cái "bụng trải đời ".

Rời thầy Xuỵt trên đường ra bến xe về nhà, Minh không thấy buồn mà cũng không vui, không thấy mình chiến bại hay chiến thắng. Nhưng Minh không có ý định đi đò. Minh đi xe cho nhanh. Minh muốn về nhà sớm để bế thằng con trai vừa giáp thôi nôi. Minh nhớ mấy cái răng sữa của nó. Kỳ này Minh sẽ đem vợ con lên tỉnh. Bền làm ăn khá, hắn vẫn muốn Minh ở trên gác, nhưng từ độ gương vỡ bình tan thì Minh không lên lần nào nữa chỉ đứng nói chuyện với Bền ở tầng trệt rồi đi. Bây giờ Minh lại càng không dám ở với vợ con. Một cái gì không thể tan trong không khí chiều hôm đó. Không phải chỉ ở trên gian gác mà ở khắp nơi Minh đã từng rong chơi. Chiếc băng đá, bụi xe đò, một vùng bóng mát...Minh phải lẩn tránh . Ðể tự nó tan dần.

Khi qua bến đò, Minh không nhìn xuống sông và bảo anh xích lô đạp nhanh.

Chương 28

Con sông Hàm Luông mênh mông sóng bạc. Chiếc bắc từ bờ bên kia trườn qua như con ba ba chở thầy trò Tam Tạng và hàng vạn quyển kinh cứu khổ cứu nạn cho đời. Nó nhủi mũi vào cầu. Hành khác chen nhau lên bờ. Những chiếc xe đò nối đuôi nhau bò chậm. Nhưng chiếc của Minh thì chết máy, cứ ì ra. Hành khách phải chung tay đẩy. Tết nhất đến nơi mà xe lại nằm đường thế này!

Anh lơ xe phải quay máy suýt bung ba sườn mà nó vẫn nằm trơ trơ không cười lên cho thiên hạ vui. Nhiều người sốt ruột đã quay ra thuê xe ngựa.

Minh cũng định tìm một chiếc "quá giang", nhưng bỗng có tiếng gọi:

- Ê, Minh phải không?

Minh quay lại thấy một anh chàng đang dắt xe máy dầu đi tới. Thoạt tiên , tưởng là Bền nhưng không phải. Minh chưa nhận ra là ai thì chàng kia cười toe toét:

- Xường nè! Xường Chuồi, Sườn Chua Ngọt nè, không nhớ sao ?

Chàng kia tới gần giơ tay ra, bàn tay to lớn nhưng không sần sùi. Minh bắt tay và ngờ ngợ hồi lâu mới nhớ ra. Thằng bạn thời học trường quận. Nó có cặp cùi chỏ lúc nào cũng trầy, thẹo mới chồng lên thẹo cũ. Vì nó ham làm cầu thủ và có biệt tài giữ gôn . Nó chơi rất hăng. Bnah bổng, bắt một tay, banh ngang lưng quần, hót bụng vô chụp làm dáng, bàn sà thì nó hy sinh, "chuồi" bắt cho được nên được tặng hỗn danh Xường Chuồi. Rồi từ đó ra " sườn chua ngọt", "sườn khèo "

Xường hỏi:

- Tết đến rồi, sao còn lơ thơ ở đây?

Minh trỏ chiếc xe chết máy ở dướ bắc.

- Ba cái xe trồng hành đó báo hại người ta. Thôi lên đây, tao chở về nhà ăn Tết sớm với tao. Sáng mai tao đưa cho về tới chợ Mỏ Cày. - Vừa nói Xường xề đít xe và đạp máy làm như Minh đã đồng ý đi với mình.

Minh ngồi lên ôm ngang bụng Xường và hỏi:

- Mày là gì ở đây?

- Làm lò gạch, lò dừa, lò đường.

- Sao nhiều lò vậy ?

- Ông già tao còn định ra luôn lò nấu xà bông nữa kia.

- Sao mày nói thôi học mày lên Sài gòn vô Lê Bá Cang hay Chấn Thanh ?

- Cang keo gì, ông già bắt luôn ở nhà làm sổ sách. Hết supérieur, làm đúng bốn phép toán là lãnh thơ ký cho ổng được chớ khó khăn gì ! Còn mày lên tới ông gì rồi mà coi sáng sủa bảnh bao vậy ?

- Ông gì đâu. Gõ đầu trẻ cho trường Minh Châu ở thị xã!

- Vậy à! Tao đâu có biết. Dè vậy tao rủ mày đến phụ với tao mở lò cho vui. Không sang trọng nhưng có tiền mày ạ! - Xường tiếp - Ông già tao bảo: Học có bằng cấp cao là để làm ra tiền. Thầy thông thầy ký tám mươi đồng, huyện phủ hai trăm rưởi một tháng. Lò đường lò gạch mỗi tháng đem lại cho mày bao nhiêu? Ở nhà lệu ệu chơi cũng còn hơn phủ, huyện. Ổng coi địa thế ở đây gần bến bắc và nằm trên ven sông cái, lại gần thị xã, ghe thương hồ lục tỉnh tới lui qua lại, tàu bè lên xuống dọc ngang như mắc cửi. Do đó ổng còn định hùn với chệt mở trại cưa nữa đó mày ơi ! Sổ sách tao lo hết.

Xường phóng nhanh. Ðường lộ đá đỏ đi vào làng không bằng phẳng nên xe dồng có cái suýt quăng Minh xuống hố. Minh phải bám chắc yên xe. Tuy vậy Xường vẫn hăng hái kể chuyện làm ăn không ngớt, có ý dụ khị Minh :

- Mày vô thị xã Bến Tre, đi vào giới thương gia hỏi ông Bang thì ai cũng biết: ông Bang Phước Kiến là một, ông Bang Lò là hai. Ông Bang Lò là ông già tao. Mỗi cái lò của ổng....

Bánh xe sụp ổ gà cắt ngang câu nói của Xường. Minh vốn mù tịt chuyện làm ăn nên hỏi phăng:

- Nhà cửa trong thị xã có khó tìm không mậy ?

- Mướn hay mua ?

- Mướn hay mua gì cũng được.

- Một căn phố có lầu mướn chừng mười đồng một tháng, còn nhà lầu thì giá chừng hai, ba ngàn là được một cái báu động rồi. Mày định mướn hay mua ?

- Mướn chớ mua sao nổi.

- Ðể tao nhờ ông Bang Phước Kiến tìm cho, thiếu gì.

- Cỡ mười đồng trở lại thôi nghe!

- Có vợ con ở chung hả ?

- Ờ.

- Mấy con?

- Một.

- Mày cũng bằng tao. Nhà tao rộng như chùa, phải gần thì ở chung với vợ chồng tao.

- Sáng chiều hai buổi đạp sao nổi hai lần gần hai mươi cây số mậy.

- Mua xe máy dầu.

- Thôi đi! Tao không cỡi được thứ này. Lại còn dắt lên dắt xuống bến bắc càng không kham. Gặp trời mưa, nó chết máy , ai cõng cho nổi.

- Ờ phải. Thôi để tao kiếm nhà mướn bên thị xã cho là tiện nhất.

Xường trỏ tay phía trước:

- Nhà tao đó. Cái nhà ở phía sau, còn phía trước là hãng dây luộc và lò dừa. Ðang xây lò nấu xà bông.

- Tao có thằng bạn cũng đang định mở lò nấu xà bông. Ðể tao bảo nó sang gặp mày.

- Nếu được thì hai đứa hùn, nó đứng làm chủ. Tao bận qua không lo nổi.

Xường quẹo vô mối đường, chạy trên con đê lướt qua ngang lò dừa, thẳng ra sau rồi đến một ngôi nhà nền đúc cao tới ngực có thảo bạc theo kiểu xưa.

Xe vừa tắt máy, một người làm công chạy ra:

- Cậu đã về !- Và vịn xe.

Xường bước lên bậc tam cấp, hất hàm:

- Mợ ở nhà có hỏi sao tao về trể không ?

- Dạ, mợ ra cửa ngóng, hai ba lần.

- Ði vô Minh! Nhà tao đây. Ăn cơm với vợ chồng tao một bữa. Từ hồi rời trường Mỏ Cày tới bây giờ là sáu , bảy năm mới gặp lại đây.

Chủ khác vừa phân ngôi thứ xong, đày tớ bưng trà mứt ra. Xường liếc qua và hỏi Minh :

- Mày uống la de được không ? Làm một ly nhá. Trong nhà có sẵn các thứ rượu Vodka, Cỏ nhác, rượu chát, sâm banh, nặng nhẹ gì tao cũng làm được tuốt luốt nhưng không ghiền.

Xường khui la de, kêu đày tớ đem rượu Tây và nói luôn mồm:

- Từ đó tới giờ mày có ghé lại trường không ? Có gặp thằng nào không? Tao vừa gặp laị thằng Bê.

- Bê nào?

- Thằng Bê luôn luôn băng chân, hai tay khuỳnh khuỳnh làm như cầu thủ đội tuyển không bằng ! Chính nó đá pê nan ty tao chụp hụt, trái banh trúng mắt tao bầm tím phải ở nhà cả tuần lễ đó !

- À, nhớ ra rồi. Tao có đi ngang nhưng ít khi ghé lại. Có một lần tao đi tàu về đỗ ở cầu tàu sau trường. Nhưng ngó vô bên trong không có bóng đứa nào, ngoài hai ông già cu li lom khom quét lá. Buồn hiu.

- Hai ổng ngán tụi quỷ mình nhất, hé hé ! Buổi trưa nào cũng leo qua hàng rào vô sân đá bánh. Hai ổng vác chổi rượt chạy ra khỏi...Có thằng chơi ẩu quay lại nắm râu một ổng kéo chạy.

- Ông Ðốc còn ở đó không ?

- Còn. Nhưng nghe đâu thày Ðể sẽ lên thay.

- Ông Ðốc có được thằng con trai nào không ?

- Toàn công chúa. Quế Hương, Quế Anh, Quế... Chị Quế Hương lên Sài Gòn rồi nghe đâu chỉ đổ tú tài và lấy chồng làm lớn lắm.

- Mày có gặp con Xuyến, con Chuộng không?

- Cái con nhỏ cho mày "cóp" toán đó hả ? Nó sắp làm sui rồi chớ chồng gì! Con Hồng Cúc, mầy nhớ không ?

- Nhớ chớ! Con nhỏ nụ cười đáng giá ngàn vàng đó mà! Cả ba năm học ở Mỏ Cày tao không thấy nó cười một cái đó mày ạ!

- Chắc chúng nó có chồng con hết rồi.

- Bây giờ gặp lại chắc vui lắm!

- Hồi tao học, tao sợ nhất là phân số . Tới giờ đó là tao núp sau lưng thằng Khai vì sợ thầy kêu lên bảng. Thằng Khai ở Ðịnh Thủy đi coi hát trời mưa trợt té lọi tay đó, nhớ không ?

Hai thằng bạn cũ vừa uống la de vừa nhắc chuyện đời xưa. Bỗng Xường ngưng lại, kêu đầy tớ ra bảo:

- Chốc nữa thưa với cô ra ăn cơm khách nhé - rồi tiếp tục - Trời trả báo tao mày ạ ! Ghét của nào trời trao của nấy. Tao ghét toán, bây giờ phải làm toáng hằng ngày. Còn vợ tao thì bả lại thích toán. Mày biết không, bả học trên tao tới bốn lớp. Bả định làm nghề gõ đầu trẻ cho một trường nhưng rồi bỏ.

- Trường nào ?

- Tao đâu có để ý, nên tới bây giờ tao cũng không biết. Hồi đi hỏi bả cho tao, ông già tao hứa với ông nhạc tao là không để cho con dâu làm động móng tay. Thì làm sao để cho bả dạy học mỗi ngày lãnh hai đồng, một tháng sáu mươi đồng lương ? Ở nhà cạy dừa phơi khô còn hơn. Ngoài ra ông già tao còn tặng cho ông nhạc tao một sở vườn ba mẫu gồm một cái nhà ba căn và một chiếc ghe hầu có người chèo để đi chơi.

Dứt tuần la de, bữa ăn chiều được dọn ra ở phòng ăn sang trọng. Ðó là một bữa tiệc nho nhỏ gồm có bồ câu quay , vịt hầm, nấm hộp xào tôm càng, cá bông kho, trong lúc dưới bếp còn nghe lộp cộp dao thớt.

- Lan ơi! Ra đây em!

- Dạ.

- Anh và khác chờ em ra mới cầm đũa nghe, Lan!

- Dạ!

Hai lần "dạ" lảnh lót và dịu dàng cho Minh biết đây là một hiền phụ. Rồi bước chân lê dép nặng nhọc rõ dần và người đàn bà xuất hiện. Xường đứng dậy bước lại dìu vợ tới bàn.

- Em ngồi đây để anh giới thiệu. Ðây là anh Minh , bạn học vũ trường quận của anh. Còn đây là bà bầu Emilie . Tên Tây kho kêu nên hai đứa đồng ý dùng tên Lan cho tiện. Nếu kêu đúng tên của bả thì phải mất năm phút: Emilie Lilian Lý Lệ Lan.

Chồng chưa dứt tiếng thì bà Xường nhăn mặt, ôm bụng kêu lên một tiếng khẻ và ngồi xuống ghế. Xường vội vàng đỡ vợ và âu yếm rồi quay sang Minh cắt nghĩa:

- Ðứa bé mới có năm tháng mà mạnh ghê, nó chòi đạp dữ lắm. Có lần mẹ nó khóc chớ phải chơi sao! Mày có con rồi mầy biết mà! Hết đau chưa em?

- Ðau chút thôi anh ạ!

- Ráng ngồi với anh một lúc. Vì đây là ông khách đặc biệt...của anh.

- Của em nữa chớ ! - Bà Xường cười và cố nói tự nhiên.

- Ừ khách quý của vợ chồng mình.

Xường kéo ghế ngồi gần vợ:

- Em có mệt không? Sao coi bộ thở dốc vậy ?

Bà Xường lắc khẽ:

- Em...không mệt . Tại em vừa nấu mấy món ăn.

Minh run run cầm đôi đũa mà mắt hoa tai ù. Cây vú sữa, ngã ba, hoa nguyệt quới, cái dốc đá ong, tất cả quay cuồng trong trí Minh . Quả đất tròn!

- Món nào ngo, em mời khách trước đi.

- Mời anh Minh cứ tự nhiên. - Bà Xường nói.

- Nghĩa là món nào cũng ngon hết! - Xường vui vẻ nược vợ.

- Dạ. Mặn, ngọt, chua, cay có đủ cả ! - Bà Xường cười nửa miệng - Xin mời anh ...Minh nếm trước.

Xường thì nói tía lia, lúc thì kể chuyện xưa, khi thì pha trò làm cho mâm cơm vừa ngon lại vừa vui. Những vầng mây u ám trên mặt nữ chủ và khách bị che lấp bởi tiếng cười tiếng nói hồn nhiên của Xường.

- Ăn đi nghe Minh . Phải ăn cho hết các món để mừng hai người bạn cũ tao ngộ bất ngờ. Hì hì. Nào nâng ly lên Minh, em nữa, hãy vui lên và uống cạn. Tao thật không ngờ có sự tái ngộ này. Emilie ạ! Anh thật không ngờ !

Minh uống một ngụm to và để ly xuống:

- Tao cũng không ngờ ! Hoàn toàn bất ngờ !

- Tôi cũng vậy, tôi không ngờ là hai người bạn xa nhau..ơ, ơ..không hẹn mà lại còn gặp nhau.

- Không hẹn mà gặp thì mới vui chớ em! - Xường hứng thú trả lời vợ và kể lại lúc gặp Minh ở bến bắc. Chỉ một phút bất ngờ mà anh gặp Minh . Tưởng không bao giờ gặp mà lại gặp. Không hiểu sao anh đã định về rồi mà thấy chiếc bắc sang lại chờ ngóng làm như có bà con dưới đó. Chắc có thần linh dắt lối.

- Mày có thấy chiếc xe đò màu vàng không ? Ðó là chiếc xe của tao. Thiệt xui! - Minh gượng gạo đáp.

- Màu vàng là mày may mắn mà sao anh lại không may ? - Bà Xường hỏi.

- Tôi không hiểu được! - Minh cười tự nhiên - Tôi cũng nghĩ như chị vậy, nhưng lại không phải vậy. Sự may rủi không phải do mình muốn mà được. Có khi mình cho là rủi thì lại may và ngược lại, mình tưởng may lại chính là rủi.

Xường gật gù, gắp một miếng bồ câu quay bỏ vào chén Minh :

- Vậy tao hỏi mày bữa tái ngộ hôm nay là may hay rủi?

- Mày cho là rủi hay may ?

Xường lắc đầu và quay sang vợ:

- Em cho là may hay rủi ? Hễ em nói may thì là may. Hễ em nói rủi thì là rủi.

Emilie cười:

- Trong may có rủi , trong rủi có may!

- Hay, hay! - Xường reo lên - Vậy Minh phải uống hết ly la de kia đi !

Dứt tiệc mặn, vợ Xường đứng dậy đi vào trong. Xường ngó theo:

- Coi chừng té nghe bà bầu!

Nàng trở ra với một dĩa bánh trên tay, vui vẻ:

- Ðây là bánh "Bra de Vénus" em mới làm.

- Tên bánh gì lạ vậy ? " Cánh tay thần Vệ Nữ , nghĩa là sao ?

- Bánh Tây mà anh! Còn nhiều tên lạ nữa nghe vui tai lắm!

- Thí dụ coi! Nhưng sao em biết có khách quý tới mà làm sẵn vây.

Emilie nói:

- Em làm sẵn để anh đãi khách! Có ngày nào là ngày nhà mình không có khách đâu. Ðây là món bánh rất dễ làm. Còn các món khác khó hơn nhiều. Thí dụ như Renaissance , bánh tái sinh hay tái ngộ , bánh Château d'Amour , bánh lâu đài tình ái, Puits d'Amour , bánh giếng tình ái, Gâteau d'Antigone bánh trái tim, Bouchée à la Reine bánh nữ hoàng v.v...

Xường ngơ ngác:

- Bánh mà cũng có tên văn hoa ghê. Thứ nào thì cũng bột, đường ngọt ngọt vậy thôi.

Emilie tiếp:

- Cái bánh em làm cho sinh nhật của anh hôm trước là bánh Puits d'Amour là giếng Ái tình. Ở dưới đáy giếng có trái tim. Chỉ người chủ tiệc mới được hân hạnh ăn cái trái tim đó, ngoài ra không ai khác. Và người chủ tiệc cũng không được quyền chia cho ai hết.

- Chia cho vợ được không ?

- Trái tim không thể chia .

- Ðó là cái bánh chớ phải trái tim thiệt sao bà !

- Tuy là bánh nhưng đó là tượng trưng thiêng liêng. Nếu anh muốn tặng cho người yêu hoặc vợ anh thì anh tặng nguyên cả "trái tim" chớ không bẻ ra.

Xường cười hô hố:

- Vậy anh có lỗi với em lần đó rồi. Anh ăn cả "trái tim" em mà không chia cho em miếng nào. Kỳ sinh nhật sau anh sẽ cho em ăn "trái tim" anh nhé! Còn bánh "Cánh tay thần Vệ Nữ " thì sao?

- Ðây là tượng trưng cho sự đẹp đẽ ! - Sợ chồng hỏi Vénus là ai trước mặt bạn và nàng sẽ xấu hổ vì sự kém học thức của chồng. Emilie nói luôn - Vénus là vị nữ thần tượng trưng cho quyền lực và sắc đẹp.

-Ờ, em mời khách đi, để ngồi lâu chua miệng.

- Không sao đâu, tôi nghe chị nói cũng thấy ngon như đã ăn vậy!

Emilie dùng dao cắt một mẫu nhỏ, vừa cắt vừa giải thích:

- Bánh này làm với bột mì , sữa, đường, trứng gà, va ni và rượu Rhum, giống như Buche de Noel Nhưng khi hấp chín thì lấu ra khỏi khuôn, rưới rượu Rhum và mật ong vào rồi cuốn tròn như cánh tay trông rất đẹp. Khi cắt khoanh thì cắt xéo...như thế này...- Emilie nói xong trân trọng nâng dĩa bánh đưa sang cho chồng - Anh mời bạn anh đi.

- Em mời thay anh mới đúng phép lịch sựchớ. Cánh tay thần kia là do em tạo ra mà!

Emilie vâng lời chồng. Xường hỏi:

- Anh không ngờ em biết làm nhiều thứ bánh lạ. Em học ở đâu vậy ?

- Em học với bà thầy tên là Ngọc Sương ở làng Hương Mỹ.

Minh đang cầm muỗng múc bánh bỗng ngưng ngang, chiếc muỗng rơi đánh keng trên dĩa rồi bật văng xuống gạch thành một tiếng to hơn. Nét mặt Emilie vẫn thản nhiên trong lúc Xường gọi đày tớ lấy muỗng mới thay cho khách.

Emilie thản nhiên tiếp:

- Em biết danh bà thầy trẻ này cũng là một sự bất ngờ. Thật là hữu duyên.

Nàng tiếp:

- Em chưa thấy một người đàn bà nào vừa đẹp vừa khéo lại vừa giỏi chữ Nho như chị ấy. Chị dịch cả chữ Tây ra chữ Nho. Chị ấy rất thương em" Mới gặp nhau mà chị coi em như thân thích. Chuyện trò, làm việc quấn quít với nhau. Cái buồng của anh chị, các học sinh chúng em không đứa nào được phép vô, trừ em. Nhưng em cũng chỉ được vô một lần rồi thôi. Lần đó, chị cho em xem tấm lụa đào kỷ niệm lễ vu quy của chị. Em nhìn rõ hình loan phượng dệt trên lụa. Chị giải thích cho em những chữ Nho. Ðã hơn một năm nhưng em còn nhớ rõ. Bữa đó nhằm ngày rằm. Chị bảo đi chợ với chị mua vật liệu về để chị dạy nấu chè.

- Nấu chè cúng rằm, ai không biết mà dạy? - Xường tạt ngang.

- Những món canh chua, cá kho, bò bún, cá kho tộ, cơm nếp, chúng em đều tưởng là dễ nhưng khi chị dạy rồi mới biết là mình chưa rành. Ai làm cũng được nhưng làm cho ngon thì không phải ai cũng thành côn. Bởi vậy chị mới dạy cho chúng em nấu chè xôi nước. - Emilie trở lại câu chuyện - Chị trỏ chiếc va ly màu vàng có bốn góc bằng sắt trắng, nắp va ly mang tên của...chồng chị và bảo: Em soạn ra giùm chị một bộ đồ cho ăn màu với bộ đồ của em, rồi chị em mình cùng đi dạo..quanh thành phố..ủa ..đi chợ mua đậu, đường. Em mở va ly thấy quần áo xếp thật kỹ, cứ một cái áo thì một cái quần sắp ngang nhau. Trong mỗi túi áo đều có một chiếc khăn mù soa thêu rất khéo. Soạn tới bảy bộ mới tới đáy va ly. Dưới đáy va ly có một bộ đồ ngủ màu hồng nhạt. Thấy bộ đồ đẹp quá em bèn cầm lên xem. Bỗng thấy một tấm lụa...trắng tinh rơi xuống. Em nhặt lên xem. Trên màu lụa trinh nguyên có in những cánh hoa hồng, nhưng không phải thêu bằng chỉ mà nhìn kỹ giống như vẽ bằng son - Emilie ngưng một giây rồi tiếp - Em biết đây là kỷ niệm qúy nhất của chị nên em để lại chỗ cũ, xếp các bộ đồ đậy nắp va ly như khép kín cánh cửa ...- Emilie ngưng ngang đưa tay lên ngực ho khe khẽ.

- Em không sọan đồ cho chị mặc đi chợ với em à ? - Xường hỏi .

- Soạn đồ nhiều qua nên em bủn rủn tay chân, không muốn đi đâu, không muốn làm gì, không muốn gặp ai nữa. Em chỉ học mấy ngày rồi xin nghỉ.

Minh ngồi điếng ngắt, rụng rời. Nghe bà bầu Xường kể thì hiểu ra mọi việc. Chàng cứ ngỡ là chiêm bao, nếu không có tiếng Xường nhắc khẽ:

- " Cánh tay Vệ Nữ" đẹp quá, chắc ngon. Ăn đi mày. Ðường mật chảy ra hết kìa !- rồi Xường quay sang vợ - Bánh trông thì ngon nhưng có vẻ ngọt quá, anh mới ngó đã ngán ngược rồi. Em còn thứ bánh nào khác không ?

- Dạ còn nhiều lắm!

- Bánh gì?

- Ðó là bánh Gâteau de Renaissance bánh tái sinh, Gâteau d'Antigone, bánh trái tim, Gâteau du Roi bánh vương miện, nhưng bánh nào cũng dùng đường nhiều hết 1.

- Gâteau de Renaissance là bánh tá..ái sinh à... chị... Xường? - Minh ngập ngừng hỏi.

Bà Xường cười:

- Gọi là bánh Tái sinh cũng được, mà gọi là bánh Tái Ngộ cũng không sai. Có điều là bánh này chỉ làm để tặng cho vợ chồng hoặc cặp tình nhân chung thủy, sau một thời gian dài xa cách, hoặc sau một tai nạn hiểm nghèo chứ không dùng trong những tiệc thường tình.

Xường cười nhạ:

- Bánh trái mà cũng lắm chuyện rắc rối! Như bữa nay anh với em gặp lại bạn cũ của anh thì đãi bánh "tái.." gì? Hì hì! Chắc không có thứ bánh gì hết mà chỉ có phở tái thôi! - Xường cười hô hố rung cả gương mặt thịt - Minh ạ! Mai tao đưa mày ra bến xe rồi tụi mình làm một bụng phở tái . Hừ, cũng tái vậy, chớ đâu phải chín . Xong rồi mình bảo thằng Chệt cho một dĩa tái dấm thiếm xực luôn.
Bà Emilie Xường kêu nhức đầu và xin cáo lui, trong lúc chồng vẫn tiếp tục hành tội chữ tái một cách hứng thú với Minh :
- Nếu chưa đủ thì mình lại kêu thêm một dĩa tái kẹt nữa là hoàn tất!
Xường cười vang nhà. Tiếng cười làm cho Minh nhức đầu nhưng Minh không thể cáo lui. Dĩa tái dấm tưởng tượng mà chua thấu tâm can. Minh âm thầm đau khổ. Rồi ân hận. Ði đò sợ sống dậy những tiếng tù và não nùng nên đi xe. Thì xe lại chết máy. Chết đâu không chết lại chết ở bến bắc để gặp Xường. Mà tại sao Xường chớ không ai khác? Thiệt là éo le. Sự éo le của hoá công xếp đặt .
Minh buột miệng nói:
- Hay là chúng mình làm sui với nhau đi, Xường !
- Con mày mấy tuổi, trai hay gái ?
Minh nói nhưng không tin điều đó thành sự thật nên làm thinh.
- Nhưng mà hứa như vậy có sớm quá không? - Xường hỏi tiếp.
Minh cười nhạt:
- Ông già tao và ông già vợ tao hứa với nhau khi vợ chồng tao còn trong bụng mẹ, ủa từ khi hai ông chưa có gia thất ! - Minh cố nói to lên, nghĩ rằng bà Xường còn đứng sau cửa buồng lắng nghe.
- Phong kiến dữ vậy cơ à ? - Xường trợn mắt - Mấy ông già theo xưa, mình nghe lời mấy ổng thì chết ngắc cuộc đời. Ông già ưng chỗ khác giàu có nhưng tao nhất định không nghe. Tao muốn ai thì phải cưới cho tao người đó. Nếu không tao không thèm cưới vợ. Mấy ông già sợ không có cháu nối dòng nên mình doạ là mấy ổng phải chịu thua! - Sẵn trớn Xường nói luôn - Mà mày có yêu vợ mày không ? Cái đó mới là vấn đề quan trọng.
Minh đáp và nhắc lại câu nói của thầy Xuỵt :
- Có chớ ! Hãy yêu cái ta có rồi ta sẽ có cái ta yêu mày ạ!
Xường cười:
- Nói cho cùng, tình yêu là xôi chè lót bụng buổi sáng. Có cũng được, không cũng chẳng sao. Tình vợ chồng mới là tình yêu thật sự. Không có không được. Mày ngẫm nghĩ coi có phải vậy không? Có những cặp vợ chồng không biết mặt nhau, như ông già bà già mình có yêu yếc gì đâu mà vẫn ở đời với nhau. Ðó không phải là tình yêu thì là gì ? Cũng như vợ tao đây, tao cũng chỉ gặp mặt có một lần mà tao chíp trong bụng rồi đòi ông già cưới cho tao cho bằng được. Mày biết không, mới ban đầu bả đâu có chịu tao. Có lẽ vì chữ nghĩa tao không đầy lá mít. Tao đang thất vọng, bỗng dưng ông cậu nàng tới bảo ông già tao mọi việc xong xuôi hết rồi, sửa soạn cưới hỏi đi. Thật là trời cho!- Xường bật cười hô hố - Bây giờ thì cái bụng bả như vậy, đó là tình yêu chứ? Mấy ông thầy tuồng lầm to khi đưa các tuồng bi lụy Lan và Ðiệp lên sân khấu. Ðó là chuyện đời xưa chớ không phải chuyện thời bây giờ. Kỳ rồi gánh Bầu Tèo lại đây quảng cáo tuồng đó, tưởng hốt bạc, ai dè tối lại chỉ có vài chục người coi. Ðêm sau phải xoay ra tuồng Người mặt sắt, có những màn đấu kiếm, đánh boa nha thì người xem lại chật rạp..- Xường lấy làm hứng thú về lý luận của mình. Rồi Xường quay lại chuyện sui gia - Lúc nào có dịp mày dắt vợ mày lên đây gặp vợ tao để hai bà sui có dịp làm quen. Vợ tao thèm chua, chắc đẻ con gái.
Minh vụt nghĩ:
- Ðây là tình yêu tái sanh chăng?
Thoáng hiện lên trong trí Minh một đồi tuyết xa với những cánh đào rụng phủ lên những dấu chân, và bóng Maréchal Ney ôm ngực từ từ gục xuống những xác hoa ở chân tường.
HK 9-94
Chú thích:

1

Các loại bánh rút trong "Món ăn quê hương" của bà Quốc Việt do Zieleks xuất bản.

Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...