Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Bãi tro, bức tượng và xe hơi hư

Bãi tro, bức tượng và xe hơi hư

Tặng đồng bào tỉnh Bến Tre tản lạc khắp thế giới và điêu đứng ở quê nhà.

Thân ái gởi Họa sĩ Diệp Minh Châu ở Sàigòn.

1. Anh Châu thân mến,
Tình cờ tôi được biết tin về anh. Số là vừa rồi tôi có nhờ họa sĩ Hiếu Đệ vẽ cho mấy cái bìa sách. Nhân nói chuyện trên phone, tôi có hỏi họa sĩ về anh. Họa sĩ đã kể cho tôi cả một câu chuyện rồi cho biết thêm rất nhiều chuyện về những bạn bè của tôi trong ngành hội họa.
Anh Hiếu Đệ cho biết thêm về họa sĩ Trần Văn Lắm. Hồi đầu kháng chiến có danh hiệu là Cò Lắm ở Sàigòn đó mà. Ảnh cao lớn, khỏe mạnh như đô vật, nên làm công an khét tiếng trừ gian thời đó. Ra Hà Nội, anh làm giám đốc trường Mỹ Thuật Sơ Cấp. Khi trở về Sàigòn sau 75 lại bị tai nạn lãng nhách. Anh ấy đi xe đạp từ trong hẻm ra bị hai chiếc xe buýt chạy ngược chiều ép chết. Tôi hết sức lấy làm lạ về cái tai nạn như vậy. Nếu xe chạy ngược chiều thì sao có thể đụng nhau để anh Lắm bị chẹt ở giữa? Bị đụng bởi chiếc này hay chiếc khác thì đúng hơn. Nhưng anh Hiếu Đệ cho biết là ảnh bị chẹt giữa đầu hai chiếc xe buýt.
Tôi bàng hoàng cả người. Tôi sống chung với anh Lắm ít lắm là 3 năm ở miền Tây Nam Bộ. Anh rất vui vẻ và cởi mở. Anh hút ống píp và có bộ trán ngắn. Nếu ai cười anh vì bộ trán ngắn đó thì anh bảo:
"Trán Staline cũng ngắn như trán tao"
Anh đi sản xuất rau cải, cuốc đất làm cỏ như mọi người. Ngoài ra anh còn dạy một bầy học trò sau này đều thành tài cả. Chị Năm là người đàn bà đôn hậu đi theo chồng suốt 9 năm kháng chiến. Nhắc chuyện xưa kháng chiến buồn lòng quá anh Châu ơi. Bởi vì cuộc cách mạng tháng Tám đã xảy ra đến nửa thế kỷ rồi mà dân tộc ta chẳng đi đến đâu cả. Ất Dậu năm xưa lại tái diễn vào năm 1989-1990. Tôi tuy là dân lưu vong, sống ở xứ người, cơm áo có thừa, tự do lại càng không thiếu, lắm lúc đọc một mẩu tin trong nước mà lệ tuôn lả chả.
Hai năm trước, tôi thấy một bài viết của Mai Văn Tạo nói về anh Đoàn Giỏi lúc đau nặng nằm trên giường bệnh mà thèm một lon bia. Khi anh qua đời, người ta thấy trong ngăn kéo bàn viết của anh một cái đơn xin nhà ở chưa được chấp thuận. Rồi một bài nói về cái chết âm thầm của họa sĩ Nguyễn Sáng người gốc Mỹ Tho. Anh Sáng chết trong một căn nhà tồi tàn. Anh em đồng nghiệp thương xót hùn tiền làm đám táng. Trời đất, giải phóng rồi mà tệ vậy sao? Nước mình có những cảnh đó thiệt sao anh Châu? Mỹ Tho thời "ngụy" đâu có bạc bẻo đến vậy. Riêng anh thì anh nói là anh muốn làm sinh nhựt năm anh lên 70 mà không có tiền làm nổi. Không biết có ai giúp anh thực hiện giấc mộng con đó chưa? Tôi có thể bất cứ lúc nào. Nhưng làm sao mà gởi tiền và quà được?
Lúc ở Hà Nội tôi đến thăm anh và chị Phương Dung luôn. Cháu Diệp Trần Tố Như nay đã 30 tuổi rồi. Chắc cháu vẫn nối nghiệp hội họa của anh và chị phải không? Thiên tài như anh mà nghèo đến thế, nghĩa là sao anh, tôi thực tình không hiểu nổi.
Viết đến đây tôi thấy nỗi buồn tràn ngập cả lòng lan ra trang giấy nên tôi không viết được nữa phải gác bút, chờ sự xúc động phai đi rồi sẽ viết tiếp.
Anh hẳn chưa quên làng Hương Mỹ có cái chợ gọi là chợ Cầu Mống (vì nó có cái cầu cao xe hơi cũ lên chết máy ở giữa dốc cầu). Năm 1946 Tây đến đóng đồn ở chợ, trong một cái chành lúa gọi là Tiệm Lớn của người Tàu và dùng cả vạn giạ lúa để làm vách đồn. Phân đội Đoàn Trần Nghiệp của anh Hai Phải bên cù lao Bảo sang đánh, dân chúng trong làng hưởng ứng vác lá dừa, rơm củi, giở cả nhà đến phóng vào đồn và châm lửa. Rồi đốt tất cả phố chợ cho lửa lan qua đồn. Anh Hai Phải đã hy sinh oanh liệt trong trận đó. Ảnh đã xông vào cửa đồn ngay khi trận đánh vừa bắt đầu. Tên đồn trưởng từ trên lầu ném một quả lựu đạn của Đức Quốc xuống trước mặt anh trong lúc anh cũng vừa kết thúc đời hắn bằng một loạt Tôm-xông.
Đồn bị hạ, lúa làm phòng tuyến cháy như một quả núi. 5 năm sau không tắt. Anh đã đến dựng giá vẽ quả núi và cội bàng già ở mé sông xòe tàng phủ nóc chành lúa mà mỗi ngày đi học tôi đều qua lại. Tôi đã đến xem anh vẽ bức tranh Cầu Mống đó.
Viết đến đây tôi thấy như anh đang đứng trước tấm "toan" trắng và quệt những nét cọ dọc ngang. Tôi ham mê hội họa, âm nhạc, thơ phú từ ngày học ở Mỹ Tho. Cho nên không bỏ lỡ cơ hội xem anh vẽ. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi đó anh Châu.
Rồi kháng chiến bùng nổ toàn quốc, tôi đi theo bộ đội, gặp anh ở trận Vàm Nước Trong, xã Định Thủy. Bộ đội Phạm Hồng Thái đã hạ đồn này một cách oanh liệt, nổi danh khắp toàn quốc. Hình như lúc đó chưa có bộ đội nào ở Trung và Bắc hạ được đồn giặc. Tinh thần yêu nước quả là một vũ khí vạn năng. Anh đã chấm máu của chiến sĩ Phạm Hồng Sơn hy sinh vẽ chính chân dung người chiến sĩ dũng cảm ấy khi anh Sơn vừa trút hơi thở cuối cùng.
Rồi anh theo chân bộ đội đánh trận Gò Cát năm 1947, cũng lại dùng máu nóng hổi của chiến sĩ mà vẽ tranh ngay tại trận địa. Trận này đã được anh Văn Luyện làm thành bài hát Ngọn Cờ Hồng với lời thề đề tặng các chiến sĩ đã dự trận đánh. Bây giờ nhớ lại lời ca, tôi vẫn còn thấy ran ran lồng ngực:
Lướt trong gió mưa đoàn hùng binh lừng uy hăng hái
Rửa hờn hò reo xáp chiến
... Cờ bay kèn reo...!
Mau tiến lên giết hết quân thù.
Ít lâu sau anh lên Đồng Tháp Mười (1948), trong một buổi chào cờ, anh đã tự cắt cánh tay lấy máu để vẽ hình ba em bé Nam, Trung, Bắc và "cụ Hồ", tượng trưng cho đất nước thống nhất. Sau đó anh viết một lá huyết thư kèm theo một chân dung tự họa của anh đăng trên báo Tổ Quốc, gọi "cụ Hồ" là "cha già dân tộc", trong đó có câu: "cha đã giải phóng cho dân tộc và cho nghệ thuật của con..." Anh còn nhớ những chuyện "thần thoại" đó không?
Ít lâu sau khi tôi xuống miền Tây thì gặp anh ở một tiệm phở ở chợ Thái Bình. Anh để tóc dài, mặc áo gi-lê mà mang súng lục xề xệ bên hông trông rất hùng và rất nghệ sĩ. Tôi rất thích. Khi gọi phở, anh bảo chủ tiệm phải đem cho anh "ớt đỏ" chứ ớt xanh thì anh không chịu. Không hiểu anh đã có ý thức về cộng sản và dân chủ chưa hay đó chẳng qua là màu sắc trong nghề hội họa của anh?
Rồi tôi xem triển lãm của anh ở Chắc Băng. Cuộc triển lãm đó gồm có hai phần, phòng "Nghệ thuật vị Nghệ Thuật" và phòng "Nghệ Thuật vị Nhân Sinh". Ở phòng "Nghệ Thuật vị Nghệ Thuật" có những tranh lụa và tranh vẽ bằng pas-telle tuyệt vời, trong đó có những bức cho đến hôm nay tôi nhớ như in trong trí. Ngây Thơ vẽ một em bé gái tuổi 15-16 chơi với mấy con mèo vá. Suối Tóc vẽ một giai nhân với mái tóc dài xõaxuống vai và rơi trước ngực một gương mặt diễm lệ vô cùng. Bức Trăng Thu vẽ một mỹ nhân khác với vầng trăng tròn làm nền còn có ý nghĩa nhan sắc của một người đàn bà đứng tuổi.
Bên phòng "Nghệ Thuật vị Nhân Sinh" trưng bày các bức ảnh chiến đấu kể trên đầu bài và nhiều bức khác như chân dung trung đoàn trưởng Nguyễn Công Trung, trung đoàn phó Huỳnh Thế Phương. Phương mới 24 tuổi, người Bình Định (hay Quảng Nam), các trận đánh của trung đoàn 99, trong đó có trận phục kích xe ngựa của Tây ở Phú Lễ. Phòng tranh đã thu hút khán giả một cách mãnh liệt vì trong khu kháng chiến chưa bao giờ có triển lãm như vậy.
Anh Châuthân mến, Anh đi tới đâu, tôi đi tới đó. Tôi say kháng chiến bao nhiêu tôi ham thích nghệ thuật bấy nhiêu và cũng bắt đầu làm thơ, viết chuyện trong kháng chiến từ lúc 17 tuổi.
Nếu nhớ không nhầm thì khoảng năm 1949-1950 chi đó anh được gọi ra Việt Bắc để sống gần Hồ Chí Minh và chỉ để vẽ "cụ" mà thôi.
5 năm liền anh trở thành "chuyên gia" vẽ "cụ Hồ". Có lẽ để đãi ngộ cái công trạng ấy, sau ở trên cho anh đi "bổ túc" nghiệp vụ ở Tiệp Khắc. Đâu khoảng 60 thì anh về và bắt đầu nặn tượng "cụ Hồ" trước nhất. Nhưng không đặt ở vườn hoa mà tượng giấu kín ở xưởng họa của anh. Mấy lần tôi đến chơi, chị Dung bảo anh ốm nhưng vẫn nặn... không nghỉ. Quả thật tôi có trông thấy một tay anh nhồi đất, một tay anh ôm cái bao tử loét của anh.
Mãi vài năm sau tôi vẫn không thấy cái tượng của anh đặt ở đâu cả. Rồi tôi và anh được gọi về Nam cùng tập mang gạch trong trường đi B với anh Lưu Hữu Phước... nơi mà mỗi ngày anh đều đóng vai con én đưa những lá thư tình của tôi cho Thảo. Thảo chết rồi anh ạ. Vì một mảnh bom trúng ngay trán trên đường về quê nhà ở Quảng Nam sau khi chia tay với tôi không đầy một tháng. Tôi được tin này khi đã ở Sài gòn. Trong một chuyến đi công tác ở Đà Nẵng, tôi nhờ một vị tướng bạn học cũ của tôi đi tìm xác, ông ta hứa giúp cho mọi phương tiện, nhưng than ôi, tôi vì đau đớn mà có ý định đó thôi chứ làm sao tìm được một mô đất loạn ở giữa rừng sâu mà chính tôi cũng không biết nó ở đâu.
Những chuyện lằng nhằng tôi hài ra trên đây lâu nhất là 45 năm, mau nhất là 27 năm. Trời đất, thời gian quả là một điều ác nghiệt. Nó là bàn tay làm nhăn mọi khuôn mặt và trắng mọi mái tóc. Viết những giòng này cho anh và nếu được lọt vào mắt anh thì tâm sự của tôi ắt vơi đi đôi phần. Tôi nghe nói ở quê mình bây giờ buồn lắm. Từ thành thị đến thôn quê đều một niềm tâm sự chán ê chề. "Chỉ có cái loa là vui". Cái loa vô tri nên vui, trong lúc mọi người buồn. Đôi lần tôi có đọc bài của các vị thầy cũ của tôi. Qua đó tôi thấy được cả một sự thất vọng của cả giới trí thức. Tôi nghe họa sĩ Hiếu Đệ nói là anh uống rượu khủng khiếp lắm để tự phá phách sức khỏe vì không còn thiết đến việc dạy dỗ học trò nữa.
Và tôi cũng nghe anh Hiếu Đệ nói rằng anh đi lang thang ngoài chợ Sàigòn. Những người Cuba, Liên Sô, Đông Đức (hồi chưa thống nhất), Rumani, Bungari, Tiệp Khắc từng nghe danh anh đã quỳ xuống xin bắt hoặc hôn tay anh, cái bàn tay nghệ thuật đã tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Nhưng bây giờ thì tất cả cái thời huy hoàng đã qua chỉ còn le lói chút nắng chiều tàn của một mùa đông dài ê ẩm. Ước gì tôi có thể gặp anh.
2
- Bác đi đâu bữa nay, Bác Tư?
- Tao đi thăm mộ ông Mười Huệ!
- Ông Mười Huệ là chủ tịch ủy ban kháng hành đầu tiên ở tỉnh này.
- Ủa sao cháu biết?
- Cháu biết làm sao được! Hồi đó cháu còn ở truồng tắm mương mà. Ổng làm chủ tịch trước cháu sơ sơ có 40 năm thôi. Hèn chi cháu không biết
- Bây giờ cháu cũng làm chủ tịch tỉnh phải không?
- Dạ phải. Nhưng kháng hành là cái gì vậy bác?
- "Kháng" là kháng chiến, còn "Hành" là hành chánh. Vừa lãnh đạo kháng chiến vừa làm việc trị an.
- Chắc ổng chết rồi hả bác?
- Sống sao nổi mà sống dưới sự bạc đãi của miền Bắc và sự hất hủi của mấy đứa bây.
- Ổng chết hồi nào, tụi cháu đâu có biết bác Tư!
- Tụi bây bây giờ đứa là bí thư tỉnh ủy, đứa là chủ tịch ủy ban phản dân, đứa lại là ủy viên trung ươn đảng, tụi bây là những ông trời con, một mình một cõi đâu còn biết tới ai nữa. Trong tay bây có còng số 8 của Liên Sô rất tốt, có khám xây bằng chính xương của tiền nhân, muốn bắt nhốt ai thì nhốt, bây đâu còn coi ai ra gì, cho nên đến cái người từng làm chủ tịch tỉnh này trước bây 40 năm bây cũng không thèm biết tới.
- Dạ, quả tình mấy cháu không biết ông Mười chứ không phải mấy cháu vong ân bội nghĩa gì. Mấy cháu đâu có nghe ai nói tới tên ông Mười. Nếu biết ông Mười như vậy thì thực tình mấy cháu lấy kiệu mà rước ổng về đây.
- Thôi đừng có nói mép. Nếu ổng còn trẻ, tụi bây sẽ cho xe hơi đụng ổng chứ lấy kiệu rước gì!
- Đâu có chuyện lạ vậy bác Tư!
- Tao đi guốc trong bụng mà. Thằng nào cũng vậy hết thôi. Sợ người khác giành mất ghế nên giết nó trước. Phải không? Hề hề... nhưng mà nếu cái ngọn bị sâu ăn là tại cái gốc mục. Tụi bây hư thân mất nết là chẳng qua tụi bây kế thừa những đức tính đó của "bác Hồ" chứ chẳng phải cha sanh mẹ đẻ chúng bây ra như vậy. Hì hì... Tao nói đúng y duy vật biện chứng pháp mà. Bất nhân, bất nghĩa, tàn bạo, nói láo ham ăn là những đức tính cổ truyền của đảng.
- Bác chưa nhậu say mà bác nói trật đích tê hết vậy bác Tư. Bác là người Bến Tre nếu dân tỉnh khác, kể cả Hà Nội, cháu cũng cho ăn cặp bánh còng rồi đó.
- Tụi bây giỏi thì chỉ còng được tay tao, chứ mà cái miệng tao làm sao tụi bây còng được.
- Tụi cháu cho cái "con rít" kéo ngang là kín mít bác hết nói.
- Ừ, được để tao nói xong rồi có bao nhiêu con rít bây cứ đem ra xài. Bây biết tao đi kháng chiến năm nào không?
- 45 là cùng chở chẳng lẽ 44?
- 44 đó con! Nếu tính thâm niên để mang huy hiệu "Thành đồng tổ quốc" thì bác Tư tụi bây mang bít cả mình sợ còn không đủ chỗ. Bác Tư bây đi theo cách mạng trước 45.
- Trước 45 làm gì có cách mạng bác!
- Có tiền khởi nghĩa mới có khởi nghĩa nghe không các con. Các con đâu có biết trước năm 45 có phong trào sinh viên bãi khóa chống Pháp, hừ bác Tư mày đã từng tham gia và vẽ áp phích phục vụ phong trào này hồi đó lận.
- Trời đất, dữ vậy hả bác?
- Dữ chớ sao không dữ. Rồi bây biết bác Tư bây vô đảng năm nào không?
- Dạ không.
- Sơ sơ hồi 47 thôi.
- Trời đất! Ghê quá vậy!
- Ghê chớ sao không ghê! Nhiều người thời đó khi đi kháng chiến đều ngưỡng vọng vô đảng hết mà... nhưng tao thì không! Tao coi nghệ thuật trên hết trừ Tổ Quốc. Ngoài ra tao còn thờ một ông thầy hội họa.
- Là ai?
- Một họa sĩ bình thường thôi. Ông chỉ vẽ phông màu cho các gánh hát cải lương.
- Tài năng bác như vậy mà thờ một ông họa sĩ xoàng thế nghĩa là sao?
- Có ổng dạy tao mới hiểu được sự diệu kỳ của màu sắc! Tao đang lêu lổng chơi bời, nhưng ổng tốp tao lại và bảo hãy tìm lấy lý tưởng trong hội họa. Tao đã nghe theo ổng. Và tao cố học thành nghề cho nên tao mang ơn ông ấy mãi. Dù bây giờ tao có là gì đi nữa tao cũng vẫn coi ổng là thầy tao chứ không phải như lũ chúng mày: chưa qua sông đã đấm vào bòi. Chúng mày ngồi ghế chủ tịch, bí thư, ủy viên trung ương đảng nhờ đâu mà không biết đến ai hết?
- Dạ chúng cháu hiểu cái chân lý đó lắm bác Tư ạ. Ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây, nhưng ngặt vì chúng cháu phải noi gương cấp trên của chúng cháu.
- Kể ra đó không phải tại tụi bây hoàn toàn. Mà là do "bác Hồ" một phần lớn, là một con người ăn cháo đái bát, nhưng không ai dám nghĩ như vậy, mặc dù thực tế đã là như vậy.
- Sợ e bác dạy quá lời đó bác Tư. Ngày nay, bác được mời xuống đây để khánh thành tượng "Hồ chủ tịch".
- Tao chỉ lo tao nói không hết thôi chứ không lo quá lời. Nè dễnh tai cho lớn mà nghe cho rõ. Như tao đã nói với chúng mày ông Mười Huệ là chủ tịch đầu tiên của tỉnh này. Hồi tiên khởi, người ta đặt nó là tỉnh Đồ Chiểu, Mỹ Tho là Thủ Khoa Huân. Ông Mười là đốc học quận Tán Kế. Hồi đó đốc học, trong tỉnh chỉ có vài ông thôi, chứ không phải như bây giờ chăn trâu học chưa hết lớp một cũng làm trưởng ty giáo dục, còn thằng chưa đổ tiểu học lại chuyên lo dạy dỗ những 5, 6 chục triệu dân, trong đó có những ông thạc sĩ, tiến sĩ đáng thầy của thầy nó. Để thong thả rồi tao nói hết cho nghe. Tuy tao là họa sĩ nhưng tao cũng biết nói chính trị chứ! Ra Bắc, ông Mười chủ tịch một tỉnh nổi tiếng như tỉnh Bến Tre, được "cụ Hồ" phong cho làm chức tước gì biết không?
- Chắc chức lớn lắm gần sát nách "cụ Hồ" hả bác?
- Lớn lắm! Thư ký hội Việt Pháp hữu nghị vì ông Mười biết tiếng Tây rành rẽ.
- Có Tây trong cái hội đó à?
- Có chớ! Nhưng Tây nó ở bên Tây chớ nó không thèm sang cái hội này. Hà hà, bởi vậy cho nên ông Mười như tên sái giữ một chùa không có Phật. Những sãi giữ chùa còn sướng hơn ông Mười làm thư ký hội Việt Pháp. Ông không có lương gì hết và ngủ trong một ga xe hơi dột nát.
- Ủa sao kỳ cục vậy. Chủ tịch tỉnh mà lại bị mất thể diện vậy hay sao?
- Tụi bây đâu có biết gì! Nếu ông ta là chủ tịch tỉnh Thanh Hóa hoặc Thái Bình thì đã có xe hơi, có ghế trong chánh phủ. Nhưng đàng này tại vì ổng là dân Nam Kỳ.
- Ủa, "cụ Hồ" thưởng bảo là Nam Bắc một nhà mà, sao lại phân biệt đối xử với dân mình làm vậy?
- Ai biết đâu! Để bữa khánh thành bức tượng rồi bây hỏi "cụ", coi "cụ" dạy lẽ nào.
- Hay là ông Mười mình có phạm sai lầm khuyết điểm gì?
- Có, chắc phải là có!
- Đó thấy hôn! Bác thấy thành tích mà không thấy sai lầm của ông Mười.
- Ừ phải, ông Mười có hai khuyết điểm to. Khuyết điểm thứ nhứt là không dâm ô, không tham ô, không lem nhem như trung ương đảng và bọn tỉnh ủy chúng bây ngày nay. Hồi kháng chiến, con người đẹp đẽ lý tưởng lắm chứ không nhem nhuốc như bây giờ. Khuết điểm thứ hai là ông đi kháng chiến bỏ luôn nhà cửa vợ con suốt 9 năm. Hồi kháng chiến tình yêu nước trong sáng tuyệt vời ai cũng có sẵn trong lòng chứ không pha chè từ khi có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như ở miền Bắc rồi bây giờ bày đặt lan vô miền Nam. Cái chủ nghĩa đó không ai hiểu nó là cái gì, nhưng ai nấy cũng đeo đuổi.
- Bác vô đảng hồi 47 lận mà, sao bác nói ngược ngạo vậy bác Tư.
- Đúng vậy, tao vô đảng từ năm 1947 nhưng từ đó tới nay tao vẫn không hiểu đảng là cái gì!
- Sao kỳ vậy?
- Mày là ủy viên trung ương đảng phải không Mười Kỷ?
- Dạ phải, cháu vô trung ương hồi đại hội 6.
- Mày nói thiệt cho tao nghe đảng là cái gì nào?
- Dạ cháu vô đảng hồi năm 1965, sau bác 22 năm, làm sao cháu hiểu được bằng bác được bác Tư.
- Hậu sanh khả quý mà Kỷ. Mày vô sau tao, nhưng mày được gần mặt trời, mặt trăng hơn tao.
- Nhưng bác ở gần "cụ Hồ" hơn mọi người thì mặt trời, mặt trăng nào bằng hả bác? Vì vậy, bữa nay chúng cháu mới mời bác xuống đây để dự lễ khánh thành tượng "cụ Hồ" đứng ở ngã ba Ống Quần.
- Bây tệ quá, "giải phóng" cả chục năm rồi mà bây vẫn chưa chịu đổi tên cái ngã ba đó sao?
- Dạ trên giấy tờ, công văn và trên mặt đất thì đổi lâu rồi bác ạ. Chúng cháu đặt nó là ngã ba Đồng Khởi ạ! Nhưng mà cũng như tên thành phố Hồ Chí Minh người ta cứ gọi là Sàigòn, ngã ba Đồng Khởi không ăn vô miệng người nên họ cứ gọi là ngã ba Ống Quần.
- Như vậy đâu có đặt tượng "cụ" ở đó được! Nghe nó không thanh tao.
- Chúng cháu đã cặm bảng, đồ chữ vàng to trên nền đỏ chói, đúng công thức Mác-Lê trăm phần trăm, ai đi qua cũng phải tấm tắc khen đẹp, nhưng ngặt là họ vẫn kêu ngã ba Ống Quần. Bởi vì cái ngã ba này giống hai cái ống quần banh ra thật. Người ta kêu quen từ hồi Pháp tới bây giờ đã quen miệng rồi.
- Tao hiểu, tao hiểu! Có những cái mình không thể sửa được! Nếu không có cái tượng, thì họ kêu gì kêu, nhưng đằng này có cái tượng ở đó dân sẽ nói "cụ" đứng ở ngã ba Ống Quần rồi dần dần họ nói "cụ" đứng ở giữa... ống quần, rồi sẽ nói "cụ" ở trong quần... chúng ta vậy. Dân Nam mình nói lái, nói móc lò ác lắm.
- Vậy bác cao kiến giúp mấy cháu giải quyết khó khăn dùm chút!
- Để bữa khánh thành tao sẽ ra coi lại địa thế cái ngã ba rồi mới tình được, dựng tượng đâu phải như làm một cái chòi giữ vịt tàu. Phải chọn nơi có thiên thời, địa lợi và nhân hòa chứ. Rồi phải coi hướng nữa. Như treo một bức sơn dầu ở trong nhà vậy. Mua một bức tranh mà không treo đúng chỗ thì chỉ phí tiền. Để "cụ" ngó sai hướng tỉnh mình không khá lên được.
- Có vụ đó nữa sao?
- Tụi bây giỏi chính trị, còn đi vào nghệ thuật thì phải hỏi tao.
- Vậy để "cụ" quay mặt hướng Đông là nhất rồi hả bác?
- Tại sao hướng Đông?
- Dạ thì đó là hướng mặt trời mọc, hướng tương lai tươi sáng như trong bài hát Đông Phương Hồng vậy.
- Tầm bậy! Đông Phương Hồng trở thành Đông Phương Xám hồi tết 1968 quên hả.
- Ồ, nhưng mà...
- Rồi còn bây giờ Đông Âu nữa. Đông Âu sụm hết ráo rồi. Để "cụ" quay mặt hướng Đông để "cụ" đau khổ à?
- Vậy phải cho "cụ" nhìn hướng nào bây giờ bác?
- Hướng Tây. Đối với chúng ta bây giờ là mặt trời mọc ở hướng Tây.
3
- Bữa nay bác đi thăm chiếc xe hơi hư ở Phú Lễ hả?
- Không ở ngã ba Tân Xuân.
- Có gì vui không bác? Sao bác không mang giá vẽ theo để vẽ cảnh?
- Cảnh bây giờ buồn tênh có gì mà vẽ. Cọ bút tao cũng đã dẹp lâu rồi, không thiết vẽ vời nữa.
- Bác đi tới đó tìm được dấu vết gì không?
- Còn gì nữa đâu mà tìm. 40 năm rồi.
- Dữ vậy bác.
- Hồi đó tao theo bộ đội của Bảy Cống để vẽ tranh máu tại mặt trận.
- Ối trời, bác vẽ tại mặt trận?
- Chớ sao! Vẽ bằng máu của giặc còn nóng hổi tụi bây à. Khoái vô cùng. Chẳng có gì thích bằng chấm cọ vộ máu mà vẽ nên tranh ngay trong lúc súng hai bên nổ đạn đi véo véo qua tai. Hồi đó tao nhớ tao vẽ cả chục bức tranh loại này. Bây giờ trở lại đó nhìn hoa cỏ tao không khỏi ngậm ngùi. Thương cho những giọt máu hy sinh vô ích. Những người ngã xuống ngày xưa chắc hờn tủi lắm vì đã làm phân cho một giống cây không trái.
- Sao bác cứ nói chuyện xưa bằng giọng trách móc ai oán không vậy hả bác?
- Chúng bây không sống trong thời đó, nên mới không biết chiến sĩ oanh liệt dũng cảm đến mức nào. Nếu bây giờ họ sống lại và gặp tao tại mặt trận họ hỏi tao đã làm gì cho cách mạng hoặc cách mạng đã làm gì cho nhân dân chắc tao phải cứng họng.
- Sao lại cứng họng hả bác?
- Đặt chúng bây trong địa vị tao, chúng bây sẽ trả lời như thế nào?
- Hà, hà... dễ ợt chứ khó khiếc gì bác! Cháu sẽ bảo là cách mạng đã thành công hoàn toàn, đất nước thống nhất, toàn dân đang hăng hái tiến lên xã hội chủ nghĩa.
- Chứ không phải là cách mạng hoàn toàn thất bại, đất nước ly tán hơn bao giờ hết và toàn dân đang hăng hái lãng công và vượt biên hay sao? Chúng bây luôn luôn nói bằng mồm của người khác và không bao giờ dám nói thật. Tao tội nghiệp cho vong hồn liệt sĩ Tân Xuân, Phú Lễ, Hương Điểm, Bầu Vơi, Tân Hào, v..v.. Để tao nói sự tích cái xe hơi hư cho tụi bây nghe. Bấy giờ "xe hơi hư" đã trở thành một địa danh trong lịch sử chiến đấu ở tỉnh nhà. Dù không được ghi vào bia đá, nhưng miệng người đời nhắc nhở hơn như những địa danh khác. Còn có những cái tên được báo đăng loa hát mà người ta vẫn không gọi. "Ngàn năm bia thì mòn. Muôn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ" mà.
- Rồi bây giờ, những bức tranh đó nằm ở đâu bác?
- Bảo tàng cách mạng!
- Có ai hiểu không?
- Có đứa thuyết minh các trận đó cho người xem chớ! Trận Tân Xuân đánh xe hơi chớp nhoáng. Trận Hương Điểm có mấy thằng Đức giả làm sĩ quan Pháp. Khi chiếm được một chiếc xe jeep chúng nó nhảy lên xe chạy và ngoắc tụi lính pạc-ti-dăng. Tụi này tưởng quan gọi men tới bị tụi nó ria chết sạch. Còn trận Phú Lễ thì lính Tây hành quân bằng xe ngựa, bộ đội mình ăn gỏi cái một. Chúng không biết anh Bảy Cống lừng danh đến cở nào đâu. Tụi con nít bây giờ mang lon tướng tá coi trời bằng vung. Có đủ phương tiện trong tay mà đi lên Cao Miên đánh thua, chạy về tới nhà còn xanh mặt. Hồi đó anh Bảy Cống không có một tấc sắt trong tay. Nói để tụi bây biết, ảnh giết sáu thằng Tây trong đồn bằng súng cướp ngay trên tay Tây đấy. Số là ảnh được dân chúng mách cho biết có một bọn Tây trong đồn thả vô xóm bắt gà. Ảnh chun vô cái bịt lá chầm chờ Tây tới chủ nhà ra hiệu ảnh tung cái bịt ra giật súng Tây bắn Tây. Sau trận đó, dân chúng đồn ảnh có phép. Ra trận, lính mình chỉ việc kêu tên Cống là tụi pạc-ti-dăng chạy tóe phở. Dần dần chúng nó thêu dệt thêm rằng: Ông Cống ra trận FM bị kẹt, ổng nhảy xuống mương, nước rẽ ra hai bên, không ướt súng, ổng sửa xong lên bắn tiếp. Tao có vẽ một bức tranh liên hoàn mang tên là "Sự phát triển của chi đội 19". Những bức tranh lịch sử như vậy, bảo tàng nhân dân chánh phủ mượn hết.
- Không trả tiền à?
- Có nhưng không đủ cho vợ tao mua xà bông giặt... áo!
- Trời đất! Sao ông tiến sĩ hội họa gì ở Trung Ương nặn cái tượng "cụ" ăn tụi tui tới 8 triệu bạc.
- Ăn cướp cũng coi mặt người ta chớ tụi bây.
- Tao bây giờ không có còn muốn nhắc lại những chuyện thần thoại thời kháng chiến chống Pháp nữa.
- Tại sao vậy bác? Tụi cháu muốn nghe để hiểu về thời kỳ đó lắm.
- Càng nhắc, tao càng thêm đau lòng.
- Đau gì mà đau hả bác?
- Tao thấy ngược lại những gì đảng dạy tao trong vòng 40 năm. Nào là anh dũng hy sinh, nào là giành được độc lập tự do hạnh phúc cho dân tộc, nào là cần kiện, liêm chính, chí công, vô tư. Cách mạng hồi đó đẹp đẽ cao cả vô cùng. Còn bây giờ...
- Thì cũng cách mạng hồi đó kéo đến bây giờ chứ đâu phải cách mạng nào khác.
- Nhưng tao nhận thấy tổng quát, cách mạng là một điều sai lầm cho mỗi cá nhân đi theo cách mạng và còn cho dân tộc mình nữa. Thật đấy tụi bây đừng tưởng tao say rượu nói nhảm. Tao càng uống, càng tỉnh táo. Đây, sau câu chuyện ông Mười Huệ ở ga-ra dột nát làm sãi giữ chùa Việt Pháp, tới bác Ca Văn Thỉnh ở chuồng chó bẹc-giê.
- Hả? Ca Văn Thỉnh nào?
- Từ ngã ba Ống Quần đi thằng xuống chợ bằng con đường mé giếng nước là trường học. Trong khu trường học có ngôi nhà ngói xưa. Đó là nhà của cụ Ca Văn Thỉnh, đốc học liên tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, cử nhân văn chương, biệt hiệu Ngạc Xuyện. Tụi bây đâu biết chính cụ làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục trong chính phủ liên hiệp hồi 1946 và là một học giả uyên thâm. Cụ đã từng ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam vài lần trong 9 năm kháng chiến. Công lao như vậy, trí thức như vậy, nhưng khi tập kết ra Bắc được chính phủ phong cho chức giám đốc thư viện ủy ban khoa học nhà nước là nơi có chừng chục rưỡi quyển sách tiếng Nga và ban cho gia đình cụ cái nhà mà xưa kia Tây dùng nuôi chó bẹc-giê.
- Trời đất!
- Kêu trời chi tụi bây. Nam Kỳ anh dũng lắm, nhưng khi hết cần Nam Kỳ, người ta cho dân Nam Kỳ ở chuồng chó. Tao nói sự thật không phóng đại tô màu. Con cháu cụ còn thiếu gì, bây chịu khó tìm hỏi xem đúng không. May cho cụ là cụ không sống đến năm nay để thấy cái Câu Lạc Bộ kháng chiến được thành lập rồi bị đàn áp đến tan rã. Cây tầm vông của người dân Nam Kỳ ngày xưa dùng chống xe tăng giặc Pháp nay quay lại chĩa vào tim đảng. Đảng vẫn là cá, dân vẫn là nước, nhưng là nước nóng, nước sôi.
4
- Hôm nay bác đi đâu?
- Tao đi xuống chợ Cầu Mống thuộc làng Hương Mỹ, quận Mỏ Cày.
- Ở đó bác có thấy gì vui không?
- Vui lắm!
- Chợ Cầu Mống là chợ làng, bây giờ đã chọn thành chợ quận rồi đó bác.
- Vĩ đại lắm, nhưng đó là công của "ngụy" không phải của mình.
- Nó nằm dưới quyền mình mà bác.
- Thì mình ăn cướp của người ta nên nó thuộc về mình chứ sao. Nó đã trở thành chợ quận 10 năm trước ngày mình chiếm đóng, nhưng nó tồi tệ hơn trước ngày mình chiếm đóng nhiều.
- Sao bác biết rõ vậy.
- Vì tao chưa đui cũng chưa điếc. Và vì dân còn cái miệng tuy đã bị bịt kín nhưng vẫn còn ú ớ được. Tụi bây cứ ngồi trong dinh ra chỉ thị cải thiện dân sinh mà cứ tưởng dân sinh đã được cải thiện, đọc chỉ thị chống tham ô mà cứ tưởng mình đã trở thành những ông Nghiêu, ông Thuấn. Không đâu! Ở khắp nơi công an giết người lương thiện, bỏ tù dân vô tội vạ, bí thơ bí thiếc, chủ tịch chủ tiếc ăn cướp của dân. Không có một đảng ủy nào xứng đáng lãnh đạo dân cả. Bỏ cây súng AK xưa chỉa vào quân Mỹ, nay quay lại bắn dân. Chúng mày là những tên đầu tiên phá hoại đất nước. Tao ở trên Sàigòn đã chán chê cái vụ Imex cháy, chợ Cầu Bông cháy, buôn lậu có còi hụ y như thời "ngụy", nên xuống đây để được xem vườn dừa xanh của quê hương anh dũng! Nào dè lại thấy những chuyện nhố nhăng hơn. Thằng Ba Phong ngày trước xách dép cho trưởng ty công an Sáu Huấn đâu rồi. Tụi bây đã bỏ tù nó chưa?
- Dạ đã thi hành kỷ luật trong đảng, cả ngoài chánh quyền ạ!
- Kỷ luật thép hay kỷ luật dây thun?
- Dạ... ạ... kỷ luật thé... ép ạ!
- Nó làm tới chức gì mà dám đứng ra tổ chức bán người vượt biên lấy vàng?
- Dạ chúng cháu đang điều tra đấy ạ!
- Tỉnh ủy ăn chia theo công thức nào? 3-3-3, 4/6 hay 50/50?
- Dạ chúng cháu không có tơ hào nào vô đó cả ạ!
- Còn vụ huyện ủy Thạnh Phú mần ăn với tàu Hồng Kông ở Eo Lói làm một chuyến Honda lời được bao nhiêu có chia cho tụi bây không?
- Dạ dứt khoát là không. Chúng cháu cách chức cả lũ rồi ạ!
- Vậy chớ rồi nay mai cả đám đó sẽ vô trung ương đảng cả đấy! Tao thiệt buồn, chúng bây ạ. Những chuyện phá nát đất nước như thế đã trở thành tiếu lâm truyền tụng khắp nhân gian. Năm 1980 chỉ có một vụ vượt biên ở Đồng Nai mà dân chúng đã xầm xì thối tai lãnh đạo, nay thì tỉnh nào cũng tổ chức vượt biên. Kế hoạch phát triển kinh tế của trung ương trong 5 năm tới có lẽ sẽ phải chuyển sang kế hoạch chống tổ chức vượt biên của các tỉnh và chương trình vượt biên của toàn dân, nếu không, đến năm 2000 khi đảng tuyên bố đã thi hành thắng lợi quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa thì ngó lại không còn người dân nào hết ráo, chỉ còn mấy cái cột đèn.
- Dạ còn chúng cháu nữa chứ ạ!
- Há, há... há!! Tao đi khắp tỉnh hồi năm 1946, khắp nước hồi năm 1950, khắp các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu hồi năm 1958, chẳng thấy đâu buồn bã, ly tán như tỉnh mình, nước mình ngày nay. Những huyền thoại thời kháng chiến chống Pháp làm cho thực tế bây giờ càng lộ bộ mặt đen dũi và nhếch nhác của đảng. Đảng nói "ngụy" cái gì thì đảng đại lý cái đó hơn "ngụy" ngàn lần.
- Thí dụ như cái gì ạ?
- Thì dụ như tham ô, như gia đình trị v..v..
- Tham ô thì có, nhưng mình đâu có gia đình trị gì đâu ạ!
- Thôi tao nói đến đó đủ rồi, để tao còn sống đến cái ngày cùng cho yên ổn... Tụi bây ơi, năm 1946 dân làng Hương Mỹ đã phối hợp với bộ đội Hai Phải hạ đồn Cầu Mống. Đây là trận công đồn lớn nhất mở màng cho cuộc kháng chiến toàn quốc, nhưng người ta bận tiệc tùng lễ mễ nên quên ghi vô lịch sử giành độc lập tự do cho dân tộc. Hai Phải là ai tụi bây biết không? Đó là con người ngang tàng từng đánh nhau với lính quận và bất tuân làng xã trong thời Pháp. Đến lúc cách mạng nổ ra, anh thành lập bộ đội ngay có phần trước Bảy Cống. Cả ba anh em đều là dũng sĩ phi thường trong bộ đội của anh. Trong trận Cầu Mống, anh đã xông thẳng vào đồn giặc bắn chết tên xếp đồn, nhưng đồng thời tên này cũng ném một quả lựu đạn từ trên lầu rơi xuống... Anh Hai hy sinh trong trận đó. Dân căm thù, bộ đội quyết chí trả thù, đã hợp sức đánh tan đồn giặc. Lửa cháy thiêu sống 31 tên "Việt gian". Mười ngàn giạ lúa chúng dùng xây vách đồn để che đạn cho chúng đã trở thành cái lò quay những "con heo". Một tháng sau, tao đến đây căng giá vẽ quả núi tro vĩ đại lốm đốm những khúc xương tay chân.
Năm năm sau, Một On đóng đồn ở chợ Cầu Mống, dân tản cư xuống miền Tây cho tao biết ngọn núi tro kia vẫn âm ỉ cháy. Một làn khói ri rỉ bốc lên không ngừng. Đó là chuyện ở Cầu Mống 40 năm trước vĩ đại như thế, nhưng bây giờ không còn ai nhắc tới. Vì sao? Vì người ta quan niệm rằng những anh hùng ở trận Cầu Mống trước kia với những tên gọi là chủ tịch, bí thư bây giờ không có dính dáng gì với nhau, thậm chí là kẻ thù của nhau. Trước kia là những anh hùng, bây giờ là một lũ gian hùng, trước kia là thần thánh, bây giờ là ma quỷ.
Tụi bây ơi, càng nhắc lại tao càng đau lòng. Nhưng sự đau lòng đó tao không thể vẽ thành tranh được, bởi vì nếu tao vẽ ra chẳng có ai hiểu tao, ngược lại họ sẽ cho tao là thằng say rượu. Tao say rượu là tự vì tao muốn phá phách thân xác tao, là vì tao không muốn nhìn những ông vua Nghiêu, Thuấn bán dân lấy vàng bỏ túi và hằng nghìn ngược cảnh khác.
- Dần dần rồi sẽ khá lại bác Tư à. Bác lây bi quan cho chúng cháu quá sá!
- Tao không thể lạc quan tếu, hoàn thành kế hoạch rõm được. Tao đã thấy những cảnh từ Bắc chí Nam những người Nam Bộ mình bị hành hạ và bạc đãi. Vẽ tranh không hết đâu, phải viết sách mới xuể. Để tao kể thêm về anh Hai Phải chút nữa. Khi ảnh hy sinh, em trai ảnh là anh Ba Kích lên thay chỉ huy bộ đội, à quên, bộ đội đó bấy giờ là tên Đoàn Trần Nghiệp. Ở trên khu cử người xuống o bế để sát nhập vào lực lượng khu đổi tên là Trần Phú, bị Năm Hà là em Ba Kích vác FM rượt chạy vắt giò lên cổ. Anh Ba Kích sang Trà Vinh đánh đồn rồi hy sinh ở đó. Năm Hà lên thay đâu được vài năm thì đình chiến. Năm Hà đưa bộ đội đi tập kết. Bây biết ra Bắc, Năm Hà được phong chức tước gì không?
- Ít nhứt cũng thiếu tướng.
- Tướng Thầy Ba thì có! Ban Tổ Chức truy lý lịch, bảo ba anh em Hai Phải là dân cờ bạc lưu manh, nên cho Năm Hà cởi áo lính đi hợp tác xã. Năm Hà đổ quạu bỏ về Hải Phòng chế súng đi bắn vịt rừng chi độ qua ngày.
- Trời đất có như vậy nữa sao bác Tư?
- Tao bịa tạc để làm gì? Chúng mày nên nhớ là tao vô đảng năm 1947 trước tụi bây 20 năm!
- Rồi bác Năm Hà làm sao mà sống?
- Để tao quẹo lại chuyện Ba Kích chút đã. Ba Kích có đứa con gái tên là Huấn Ngọc. Hôm tao đến chỗ xe hơi hư tao gặp một bà già ăn mày. Có lẽ thấy tao ăn mặt bảnh bao lại đi xe hơi bóng loáng, chiếc xe của tên tỉnh trưởng "ngụy" mà chúng bây chộp được đó mà! Ừ bây cho tài xế đưa tao đi coi các nơi trong tỉnh, bà già bèn chỏi gậy đi tới. Không vắn dài gì hết, bả hỏi ngay, ông ở trên tỉnh mới xuống phải không? rồi tiếp:
- Ông làm ơn nói với ở trển là đơn tui xin lãnh tiền liệt sĩ đã 10 năm nay ở trển chưa trả lời!... Tao chết đứng, tao tưởng tao là Bao Công đi chẩn bần bị dân cản đầu kiệu. Bây biết đó là ai không? Đó là vợ anh Ba Kích, má con Huấn Ngọc. Con nhỏ có một thời hương sắc, tụi bây bắt vô làm văn công tỉnh ấy mà!
- Trời đất, sao bác biết hết ráo vậy bác Tư?
- Còn những chuyện ác ôn nữa tao cũng nằm lòng. Tụi tỉnh ủy bây đứa nào làm con Hai Triêu có chửa hoang hai lần, đứa nào làm con Bé Hai có chửa rồi gửi về thành phá thai, đứa nào chui vô mùng vợ nông dân ở Châu Thành v..v.. tao biết hết. Rồi "chú" nào mò con Huấn Ngọc để nó bỏ đoàn văn công trốn sang Trà Vinh lấy chồng? Đúng là chú với chó chỉ khác nhau một chữ "u" với chữ "o".
- Dạ, dạ... cái chuyện đó... ó.
- Nhưng mà chưa hết. Bà già ăn mày đó tố cáo thêm rằng con gái của con Huấn Ngọc đi Sàigòn mua sắm nữ trang để đám cưới, bị công an phường làm khó dễ về giấy đi đường. Thằng công an Bắc Kỳ thấy con nhỏ đẹp làm tròng làm tréo sao đó bắt con nhỏ ý giấy tờ kiểm thảo, con nhỏ đành ký phức cho rồi. Chẳng ngờ đó là mưu mẹo. Con nhỏ về tới nhà, nhà đang sửa soạn đám cưới cho nó thì tên Bắc Kỳ con kia cũng lóp ngóp ló mặt ra trình giấy tờ hôn thú cho công an xã. Tờ hôn thú có chữ ký của con nhỏ. Công an xã phải ra lệnh ngưng đám cưới. Con nhỏ bị lừa, xấu hổ, treo cổ tự vận, nhưng may có người thấy chặt dây.
- Trời đất, tụi cháu phải đi tận nơi kiểm tra mới được.
- Tụi bây nên kiểm tra bây trước! Thượng bất minh, hạ bất chánh. Nói cho cùng tội đó là tội của chúng bây. Tao cảm ơn bây đã cho xe chở tao đi thăm lại những nơi tao đã từng qua trong cuộc kháng chiến. Tao như thấy lại quang cảnh ngày xưa, thấy lại tao thuở còn trẻ hăng hái xốc vác coi cái chết như đồ bỏ. Thạnh Phú, Giồng Miễu, Giồng Luông, Đại Điền, Cầu Mống, Mõ Cày, Tân Hương, Bình Khánh, Ba Vát, Cái Mơn, Chợ Lách, Tân Thành Bình, Tán Kế, Giồng Trôm, Tân Hào, Thạnh Phú Đông, Sóc Sãi, Thành Triệu, Vàm Nước Trong, những cái tên thật đẹp, những cảnh trí tuyệt vời, những con sông và những ruộng lúa, những vườn cây ăn trái mầu mỡ nhất nước Việt Nam, những con người oai phong lẫm liệt, những bà mẹ già dám vác dao chém lính Tây, anh linh liệt sĩ, nhạc hồn đất nước, khói hương thờ phụng ông bà, tất cả, tất cả không trừ một thứ gì đều đã rụi nát, điêu tàn, tan hoang. Sau khúc nhạc "khải hoàn giải phóng", đất nước quê hương đang ngập tiếng kèn đám ma. Tiếng than ngất trời, tiếng kêu dậy đất...
- Ấy chết! Bác Tư, bác đừng có khóc! Khóc coi mất vẻ mỹ thuật quá hà.
- Không, tao đâu có khóc, tao không còn nước mắt để mà khóc nữa. Tao đã khóc ít nhất từ 20 năm qua. Nghĩa là một nửa số tuổi đảng của tao làm bằng nước mắt. Còn một nửa số kia thì bị che kín bằng những nụ cười giả dối, những nụ cười gượng và những nụ cười trong héo ngoài tươi.
- Thôi mà bác Tư, tỉnh mình tay không còn làm nổi cuộc Đồng Khởi, sá gì những chuyện sai lầm lặt vặt đó. Chỉ một thời gian ngắn là chúng cháu giải quyết hết trơn.
- Chúng bây lầm. Lửa nấu cơm tắt bếp này có thể nhúm ngay bếp khác, nhưng lửa trong lòng người một khi đã tắt đi không tài gì nhen lại được. Lòng dân bây giờ là một bãi tro than.
5
- A-lô, a-lô nghe đây! Sáng mai đúng tám giờ các công sở và các trường học nhớ đem các đại biểu đến ngã ba Ống Quần, ủa ngã ba Đồng Khởi dự lễ khánh thành tượng "Hồ chủ tịch". Học sinh các trường Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trổi, Võ Thị Sáu được tỉnh ủy chọn làm hàng rào danh dự nhớ mặc quần xanh áo trắng và quàng khăn đỏ kiểu thiếu nhi Lênin. A-lô, a-lô.
Tiếng loa vừa dứt thì một chiếc xe chơ-rô-lê trườn tới đổ bên ống quần bên trái. Ba người đàn ông bước xuống xe. Hai người tóc hoa râm đi trước, người tóc bạc phếu đi kế và gã tài xế, một người trung niên, đi vét đuôi. Hai người đi trước, một người là bí thư tỉnh ủy Bảy Kiền, người kia là chủ tịch ủy ban nhân dân tên Mười Kỷ, người tóc bạc là ông họa sĩ già từng là chuyên gia vẽ hình Hồ Chí Minh ở hang Pắc Pó Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp được mời tới đây xem qua bức tượng trước khi khai mạc lễ khánh thành vào ngày mai, đúng 8 giờ sáng.
Trong khi gã tài xế ngồi ở băng đá ven vườn hoa chờ lệnh gì đó của cấp trên thì ba người kia đi bách bộ chung quanh công viên để xem "cái chung" rồi sẽ có ý kiến về "cái riêng".
Lão họa sĩ ngó quanh một hồi rồi đứng lại nói:
- Cảnh trí này đẹp lắm. Hồi tôi đi học ở trường tư thục Minh Đức (sau này đổi lại là Trung Châu) thì ở đây có ngọn tháp bằng cẩm thạch trắng. Đó là của người Pháp dựng lên để tưởng niệm binh sĩ họ chết trong cuộc chiến xâm lăng nước mình.
- Dạ khi về giải phóng thị xã, tụi cháu cho đập phăng ngay ạ. Đó là tàn tích của thực dân.
- Đúng đấy! Nhà họa sĩ trỏ về phía phải. - Kia là vườn dừa xanh, trong đó có mấy ngôi nhà lộng lẫy của người Tàu gọi là Mỹ Hòa. Có thể nói sự giàu có của tỉnh mình đều vô túi của đám tài phiệt này hết. Bây giờ ra sao?
- Dạ tụi cháu tịch thâu và tỉnh ủy chia nhau ở cho gần với nhân dân ạ!
- Còn phía tay trái là sân vận động tỉnh. Nơi đó, toàn quyền Đờ-Cu đã tới diễn thuyết và học giả Ca Văn Thỉnh dịch liền tại chỗ.
- Dạ ngày nay thành sân vận động Chiến Thắng ạ.
- Nhưng nghe nói đó là ổ chích choác và là nơi làm ăn của chị em ta có phải không? Tôi không rành lắm nhưng nhờ đọc tờ báo Đồng Khởi của tỉnh mới hay... Nói chung vị trí này đặt bức tượng "cụ" thì đẹp lắm, chẳng thua gì Rồng chầu Voi phục của thánh địa Lam Sơn.
- Dạ cám ơn bác - Mười Kỷ nói - Từ xưa tới nay chưa có ai nói được câu nói đó với tỉnh Bến Tre ta.
- Không thánh địa là gì? Chính nó là ngọn lửa Đồng Khởi và ngọn lửa đó đã dấy lên khắp miền Nam.
- Dạ vâng ạ!
- Các chú cho dựng tượng ở đây là nhất rồi. Địa lợi, nhân hòa đều hợp cả. Duy có cái lẽ thiên thời thì tôi chưa chắc được.
- Dạ, bây giờ mình đâu còn coi trời đất ra gì thưa bác Tư.
- Úy! Đồng chí Lê Duẩn tin ở bói toán ghê lắm nghe.
- Dạ, thôi việc đó xin gác qua một bên. Xin bác Tư cho ý kiến về cái tượng!
- Sao lại phải tôi mới được?
- Dạ vì bác Tư là người cùng ăn hang ở lỗ với "cụ Hồ" 4, 5 năm ạ. Bác Tư coi giùm, nhà điêu khắc này nặn có đúng như "cụ" không. Từ cái mặt, cái mũi, cái tai, cái râu, cái ria, cái chân, cái tay, cái quần, cái áo.
- Đâu có phải một mình tôi biết "cụ Hồ".
- Dạ chúng cháu chỉ nghe nói và coi hình thôi. Thấy tượng này giống trong hình lắm, nhưng còn người thiệt thì chẳng biết thế nào. Chúng cháu muốn sao cái tượng phải giống "cụ" một trăm phần trăm ạ.
Nhà họa sĩ ngước mắt nhìn bức tượng bị một tấm lụa điều bao phủ kín mít, cười và nói:
- Mấy chú làm vầy "cụ" ngộp.
- Dạ từ ngày dựng nó lên, chúng cháu cho bộ đội gác ngày đêm đấy ạ, nếu không kẻ gian dám làm bẩn lắm! Để lấy lòng nhà họa sĩ, Mười Kỷ khúm núm: Dạ chúng cháu biết bác Tư là người đã từng nặn ra cả chục cụ, nên mời bác Tư nặn dùm...
- Nói vậy không được! Nhà họa sĩ xua tay lia lịa. - Tôi có tài gì đâu mà nặn ra cụ được. Họa may có bàn tay của Mác hoặc Lênin mới nặn ra "cụ" được thôi, chứ tôi mà tài gì! "Cụ" là linh thiêng cao cả, chứ phải ông Táo, ông lò đâu mà lấy đất sét nặn ra được.
- Không gì bác cũng đã nặn ra cả chục "cụ"... ủa cả chục tượng "cụ" rồi.
- Tôi nặn ra nhiều, nhưng chưa thành công cái nào cả.
- Tại sao vậy bác?
- Là vì tôi thấy nó chưa đúng "cụ Hồ". Tôi nặn nét mặt cụ ra hơi giống Lênin ở cái trán.
- Chết cha chúng cháu rồi! Bảy Kiền kêu lên như bị kiến cắn môi! - Bác mà còn kêu thế thì ông điêu khắc làm cái tượng này chắc gì đạt yêu cầu.
- Tôi biết tác giả của bức tượng này. Tuy tôi chưa thấy bực tượng nhưng tôi chắc chắn là nét mặt của "cụ" mình sẽ hao hao nét mặt "cụ Mao".
- Tại sao vậy bác?
- Bởi vì tác giả là người Tàu lai. Nó là học trò tôi mà. Tên là Nguyễn Phước Xêm, trong kháng chiến nó là cán bộ chính trị của huyện đội Ô Môn. Tôi cho nó đi học Liên Sô rồi đổ tiến sĩ hội họa chứ ai. Nó nặn tượng rất giỏi, nhưng mặt người nào cũng giống Liên Sô. Phê bình nó, nó sửa lại thì giống Tàu. Phê bình nó thì phê bình, nhưng tôi cũng như nó, nặn người mình đôi khi tưởng là Liên Sô. Ví dụ như tượng Cách Mạng Tháng Tám của tôi dựng ở công viên Bảy Mẫu thì người ta tưởng là tượng của Liên Sô. Khổ vậy đó, người mình nửa thế kỷ nay có cái dáng khác, không Nga thì Tàu, chưa bao giờ là Việt Nam được.
Mười Kỷ băn khoăn:
- Chúng tôi đã chuẩn bị xong cả rồi! Ngày mai có cả trăm khách Sàigòn xuống, có chuyên gia các nước bạn, đại diện trung ương đảng đã biết, rồi làm sao?
- Dù thế cũng không quan trọng bằng bức tượng, nếu tượng không đạt thì phải đình buổi khánh thành lại, đâu gỡ tấm lụa ra cho tôi coi.
Không đợi lệnh của Mười Kỷ, gã lái xe vội vã cởi mở sợi dây bó chung quanh bức tượng lại, và lôi tấm lụa xuống cuộn lại để ở chân tượng.
Lão họa sĩ ngước lên nhìn rồi nói:
- Có đúng y như tôi nói không?
- Nghĩa là sao ạ?
- Nếu cạo hàm râu đi thì mặt "cụ" mình giống "cụ Mao", còn đắp thêm cằm dài tí nữa và gắn bộ râu ngắn vào đó thì ai bảo "cụ" không là con đẻ của Lênin?
- Rồi làm sao bây giờ bác Tư?
Lão họa sĩ thản nhiên tiếp:
- "Cụ Hồ" đâu có cao như vậy.
- Dạ tại đặt "cụ" trên bục nên mới cao, chớ nếu không có cái bục này thì...
- Ờ, ờ, đúng đó, nếu không tôn "cụ" lên trên bục thì "cụ" chỉ cao hơn mình chút đỉnh thôi.
Lão họa sĩ đi quanh bức tượng, ngó nghiêng, ngó ngữa một hồi rồi lắc đầu:
- Đặt như vậy thành ra "cụ" đứng trên đầu mọi người. Ngoài ra còn nhiều điểm sai căn bản!
Họa sĩ trỏ cái câu khắc dưới chân tượng: "Miền Nam luôn luôn ở trong trái tim tôi".
- Câu này ở đâu mà tác giả lấy được vậy?
- Ủa, bác nói giởn hoài bác Tư!
- Tao đâu có giởn trước một chuyện quan trọng như vậy tụi bây!
Nãy giờ nhà họa sĩ xưng tôi vì có mặt người tài xế, bây giờ hơi cáu nên quên mất sự có mặt đó đi. Do cái câu này cho nên "cụ" mới đặt tay lên ngực có phải không? Nếu có câu đó thì mới có cử chỉ kia được!
- Câu nói đó là câu nói lịch sử, toàn dân ai cũng biết mà bác.
- Còn một câu nói nữa cũng lịch sử lắm, nhưng tụi bây không biết vì hồi đó tụi bây còn hỉ mũi chưa sạch.
- Câu gì hả bác?
- "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!"
- Hay quá hay!
Mười Kỷ reo mừng, còn Bảy Kiền thì chắt lưỡi:
- Vậy để cháu khắc vô cho đủ bộ.
Họa sĩ già tiếp:
- Nhưng núi chưa mòn, sông chưa cạn mà câu nói ấy chẳng thấy hiển hiện chút nào. Có thể người Nam Bộ chúng mình hiểu rằng Nam Bộ là thứ thịt béo bở nhất cho những cái mồm chó sói.
Mười Kỷ thấy lão già có vẻ đâm hơi nên gạt ngang:
- Chuyện đó cháu không rành, bây giờ xin bác cho ý kiến tiếp.
Họa sĩ bảo:
- Câu nói "Miền Nam trong trái tim tôi" không có bao giờ. Nhưng nếu có thì câu đó rất phản khoa học.
- Tại sao vậy bác?
- Không có tim ai lớn cở đó được.
- Đó là câu nói tượng trưng có nghĩa là "cụ" thương dân Nam Kỳ mình lắm!
- Tượng trưng cũng không đúng nốt.
Mười Kỷ lẫn Bảy Kiền sững sốt.
Họa sĩ tiếp:
- Tao ở gần "cụ" gần 5 năm. Nhưng chính tao chỉ thấy mặt mũi, áo quần của "cụ" chứ không thấy được tim "cụ", nên bao nhiêu tranh của tao đều chỉ có thể hiện được bề ngoài của "cụ" mà thôi. "cụ" nói miền Nam trong trái tim "cụ" nhưng "cụ" có thương dân Nam mình không thì thật tình tao không rõ. Hôm rồi tao có đưa ra hai cụ Mười Huệ và Ca Văn Thỉnh là người tỉnh mình, còn những người Nam Bộ ở những tỉnh khác thì vô số. Đâu để tao hài ra đây để rồi bây thử xét đoán theo tư duy Mác-xít xem sao, thì dụ như Nguyễn Hùng Phước, khu bộ phó miền Tây dưới quyền khu trưởng Huỳnh Phan Hộ, là một anh hùng, ông ta được dân đặt cho biệt hiệu là con hùm xám miền Tây, so ra có thua gì con hùm xám Bắc Sơn Chu Văn Tấn đâu! Vì quá xông xáo mà chết trẻ. Gia đình ông tập kết ra Bắc. Bà mẹ ruột che chòi bằng cạc-tông ở dưới chân cầu Long Biên, không ai thèm để ý. Kế đó là khu trưởng Trương Văn Giàu, vì là đảng viên Dân Chủ nên ra miền Bắc bị lột áo lính, trong lúc các khu trưởng ngoài Bắc đều lên Trung Tướng. Những người Nam Bộ bị bạc đãi ra mặt. Điều đó chứng tỏ trái tim của "cụ" đâu có rộng cho lắm! Năm bảy người còn chứa không nổi có đâu chứa cả nhân dân miền Nam!
- Bác nói vậy chớ chị Ba Định thì làm sao? Mười Kỷ nói.
- Chị Ba vô trung ương là một trò mị thuật. Mày vô trung ương là một trò hề. Còn cái thằng bí thư huyện Giồng Trôm vô trung ương cũng là cái ý nghĩa gì thật tình tao không hiểu nổi. Phải chăng trái tim của "cụ" lớn quá mà chứa nổi ba người trong một tỉnh cùng một lúc. Nếu vậy sao không cho Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Văn Tây toàn là những người vô đảng từ năm 1929? Sao không cho Trần Bạch Đằng vô luôn một thể. Hừ, hừ, trái tim của "cụ" chứa nổi cả dân miền Nam mà không chứa được Dương Bạch Mai ư?
- Dương Bạch Mai nào hả bác?
- Tụi bây còn nhỏ quá nên không biết ổng đâu. Ổng là nghị sĩ tỉnh Bà Rịa hồi 1946 kia đấy. Ổng vô cộng sản bên Tây. Còn Trần Văn Giàu học bên Liên Sô ra trường đậu số 1, Tô-Rê đậu số 2 kìa đấy. Những người tuổi đảng cao như vậy mà một trái tim quốc tế như tim "cụ" Hồ không dung nạp được lại còn giết đi!
- Ủa sao kỳ vậy?
- Ai biết tại sao? Nhưng đó là sự thực.
- "Cụ" Hồ giết đồng chí của mình? Tại sao đảng làm ngơ?
- Vì "cụ" muốn là đảng muốn. Và "cụ" giết bằng tay của người khác.
- Ghê gớm thế!
- Cho nên theo tao "cụ" không thể là tác giả của câu nói đó. Hoặc nếu có thì câu nói đó cũng không nên để cho lịch sử ghi vì nó không thể hiện bụng dạ "cụ" Hồ. Nếu bỏ cái câu đó trên bục, thí cái tay "cụ" để trên ngực cũng phải sửa đi!
- Trời đất, làm sao mà đập ra nặn cái tay khác cho kịp.
- Tao không biết. Tụi bây yêu cầu tao có ý kiến thì tao chỉ có ý kiến thôi. Cái sai căn bản thứ hai là trước khi từ biệt đồng bào "cụ" có trối trăn cho Bộ Chính Trị đừng làm ma chay rình rang tốn kém tiền của dân. Nhất là đừng có làm tượng đồng, tượng đá. Nhưng Bộ Chính Trị cứ làm lăng, ướp xác và nhiều nơi bắt chước mà dựng tượng. Cho nên nếu tụi bây dựng bức tượng này thì sai lầm vô cùng to lớn.
- Còn sai lầm gì nữa không bác. Bảy Kiền sốt ruột hỏi.
- Còn một cái nữa. Cái này chỉ có một vài đồng chí trong Bộ Chính Trị biết thôi. Tao được hân hạnh ở bên cạnh "cụ" nên tao mới biết. Đó là mỗi lần có phái đoàn tới thăm, thì hô "Hồ chủ tịch muôn năm" thì "cụ" lắc đầu. "Hồ chủ tịch chỉ muốn nằm thôi". Bây giờ thì thật rõ ràng rồi. Suốt đời "cụ" làm việc không được nghỉ ngơi, bây giờ "cụ" mới được nằm. "Cụ" năm đã trên 10 năm mà chưa ngồi dậy lần nào, đúng y như lời "cụ" bảo. Bây giờ tụi bây dựng "cụ" bắt "cụ" đứng hoài chắc "cụ" không vui.
- Tóm lại là bác xù luôn cái tượng à?
- Tùy tụi bây chớ tao có quyền gì.
Mười Kỷ gắt gã lái xe:
- Thôi, trùm "cụ" lại! Mất toi cả chục triệu bạc!
Gã lái xe xổ tấm lụa ra leo lên bục quấn bít bức tượng rồi lấy dây ràng rịt kỹ lưỡng, trong khi ba vị kia đi bách bộ chung quanh những bồn hoa và bàn tiếp. Bất thình lình, gã lái xe chạy nhào tới chận ngang, miệng há hốc mà nói không ra tiếng
Mười Kỷ nạt. Bảy Kiền gắt om. Nhưng mãi gã mới bật ra:
- "Cụ" Hồ sống lại, "cụ" Hồ sống lại!
Mười Kỷ quắc mắt:
- Mầy láo! Tao cho mày đi cải tạo!
- Dạ không! Các đồng chí lại mà nghe "cụ" bảo cái gì.
Ba người liếc nhau vừa ngạc nhiên vừa sợ. Nhưng cuối cùng cả ba người đồ đệ cùng lóm thóm bước lại gần tượng. Đột nhiên nghe lời nói phát ra từ mồm như người sống, rõ ràng từng tiếng một:
- "Cháu họa sĩ nói trúng cả. Hai cháu kia nên nghe nó mà dẹp quách cái tượng để cho bác nghỉ ngơi. Bắt bác đứng đây ngày nào, bác càng khổ tâm ngày ấy. Đây là các cháu mới dựng bác lên có mấy ngày mà tai bác đã đầy tiếng nọ tiếng kia của nhân dân rồi, huống chi là khánh thành xong tấm lụa tụt thì chẳng bao lâu cái mặt của bác chẳng khác chi cái mặt của bác Mao bên Thiên An Môn và chắc bác còn phải chịu cái cảnh của Lênin bên Bucarest hay ở ngay Mát-cơ-va nữa. Hu hu, các cháu thương dùm bác!!!".
6. Anh Châu thân mến,
Tôi buồn viết bậy chơi mà. Chắc anh không đọc được bài này đâu. Mặc dầu vậy tôi vẫn thấy thích. Anh năm nay đã 72 tuổi rồi chắc. Anh nghĩ gì về "nghệ thuật vị nghệ thuật" và "nghệ thuật vị nhân sinh" của anh ngày xưa? Có cái thứ nghệ thuật nào mà không vị nhân sinh không? Vậy ra nghệ sĩ có hai trái tim, một dành cho nghệ thuật, một dành cho nhân sinh à? Vậy ra những bức Ngây Thơ, Trăng Thu của anh chỉ vị nghệ thuật còn những bức tranh máu, tranh đánh trận mới vị nhân sinh? Những tranh ấy có nghệ thuật không? Anh có rung động khi vẽ không, hay chỉ vẽ bừa lấy có. Té ra nhân sinh không cần nghệ thuật? Đâu là ranh giới của hai lãnh vực này?
Nhân đây tôi xin góp một vài ý kiến nhỏ. Sở dỉ có cái lằn ranh (vốn không có) đó là từ trong kháng chiến người ta bày đặt ra ba cái sự "phục vụ Công Nông Binh" và "giai cấp đấu tranh"... Những cái thứ ba ngù này làm cho nghệ sĩ run tay không dám sáng tạo vì sợ trật lập trường.
Sau trên 50 năm cầm cọ, dùng màu sắc anh đã thấy nghệ thuật tự nó đã là vị nghệ thuật trước nhất rồi. Nghệ thuật cao nào cũng phục vụ nhân sinh cả. Nghệ thuật không phục vụ nhân sinh chỉ là nghệ thuật kém nghệ thuật mà thôi. Một bức tranh vẽ Nông Công Binh đúng 100% lập trường chưa chắc đã phục vụ nhân dân bằng bức Ngây Thơ hoặc Trăng Thu hay Suối Tóc của anh. Anh đã từng thuật cho tôi nghe những ngày du học bên Tiệp Khắc rằng vị giáo sư già đầu bạc phếu dạy anh mà không nói gì hết. Ông ta vào lớp cầm cọ quệt màu "tùm lum" lên lụa rồi bỏ ra về. Tự anh nghiên cứu mà học. Đó là nghệ thuật vị nghệ thuật hay vị nhân sinh
Tôi đi vào văn học nghệ thuật sau anh, kiến thức cũng kém hơn anh, từ ngày tôi bỏ cách mạng tôi quan niệm nghệ thuật khác hẳn với những điều tôi được dồn đầy tai ở Hà Nội, cách đây chừng 30 năm tôi có đọc quyển "Đề Cương Văn Hóa Việt Nam" của Trường Chinh (người trí thức lớn nhất trong đảng cộng sản Việt Nam) trong đó có nhận định về các trường phái hội họa như Ấn Tượng, Vị Lai, Lập Thể, Đa Đa v..v.. ông cho rằng đó là những "tai nấm độc trên thân cây mục". Nay nhân viết thư cho anh, tôi mới nhớ lại. Tôi thấy ông ấy hơi hồ đồ, nói bậy, viết ẩu. Nếu anh ra được nước ngoài, đi xa hơn Tiệp Khắc, chắc chắn anh sẽ đồng ý với tôi ngay. Đối với cộng sản, cái gì cũng để dưới lập trường vô sản, kể cả Tổ Quốc và Nghệ Thuật. Sự thực vô sản là một thứ rỡm được bày đặt ra, chứ tự nó không có. Thiên tài như anh bây giờ lại thấy cuộc đời bi đát và muốn tự hủy sức khỏe. Thiệt lạ lùng, nhưng cũng phải thôi. Vì đó là biểu hiệu sự bế tắc hoàn toàn.
Anh đã bỏ 5, 7 năm trời để "vẽ Hồ chủ tịch" bây giờ Lênin bị đập vỡ sọ, bị triệt hạ vứt hàng đống trong kho chứa hàng phế thải và Mao Trạch Đông ăn hắc ín.
Những bức tranh tượng về kháng chiến còn chỗ đứng để treo chứ còn hàng trăm tấm "Hồ Chí Minh lãnh tụ dân tộc", "Hồ Chí Minh và 3 em bé" chắc khó an toàn. Anh buồn và tuyệt vọng là phải. Anh được Hà thành hoa lệ mệnh danh là "họa sĩ của MẮT và TÓC" khi anh hãy còn là sinh viên Cao Đẳng Mỹ Thuật, thế nhưng bây giờ anh không còn vẽ được Mắt và Tóc đẹp như trước nữa. Tại sao? Chắc anh chưa quên câu: "Cha đã giải phóng nghệ thuật của con!"? Thật mỉa mai chua xót. Tôi không dám khuyên anh gì hết. Chỉ xin chia xẻ nỗi buồn dằng dặc cuối đời của một nghệ sĩ thiên tài đã chán ngán màu sắc, không phải vì màu sắc đổi thay mà chính vì dòng đời thay đổi không lường.
Một người đồng hương Bến Tre đã từng yêu và vẫn còn yêu anh.
Xuân Vũ
Theo https://vietmessenger.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông

Hương tràm thơm buốt Vàm Cỏ Đông Nào mấy ai biết cuộc đời làm quan của Hoài Vũ cũng đã sớm hanh thông với các trọng trách từ thời bưng biề...