Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cánh đồng vẫn ngập trong bóng tối. Một bóng người mảnh gầy lặng lẽ xuất hiện từ quầng sáng mờ của bóng điện tròn đầu hồi căn nhà gạch babanh lợp proximang đứng im lìm trong bóng sẫm của cây bồ kết, lắng về phía cửa, nghe tiếng ho rít lên từng hồi, tiếng thở nhọc nhằn, rồi khoác túi lên vai. Cổng khép lại. Tất cả chìm trong yên lặng, không nghe thấy cả tiếng bước chân người.
Bây giờ đã là cuối thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng gập gồ đá sỏi, ướt đẫm đìa cả hai bên vạt cỏ trĩu hơi sương. Sương càng lúc càng quánh lại, chui vào lồng ngực, tức đến khé phổi. Cái bóng gầy vẫn cúi đầu mê mải bước, xuyên qua tầng sương mù quẩn sát mặt đất về phía xa, nơi có những ngọn đèn đường nối tiếp nhau thành một dòng sông lung linh, hắt ngược quầng sáng vàng cam lên nền trời đùng đục.
Đó là một cô gái. Còn trẻ lắm. Chỉ chừng ngoài hai mươi tuổi. Bàn tay gầy kéo chiếc mũ vải sậm màu sụp xuống chút nữa để che bớt hơi sương đang tạt cay lòng mắt. Cô ngửi thấy mùi sương khét và nồng. Thấy vị sương nhan nhát chát. Sương kéo trĩu bước chân. Con đường hai cây số băng đồng càng rảo bước càng dài hun hút. Chuyến xe khách cô cần đón thường đỏng đảnh sớm muộn thất thường. Đã trừ dư cả tiếng vẫn phải dồn chân trong nỗi lo nhỡ chuyến.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Dưới chân vạt đường cao sừng sững bắt lên quốc lộ, trong đục lờ màu sương bỗng xuất hiện chập chờn quầng lửa. Lúc đầu còn leo lét. Sau bùng lên rừng rực. Bốn giờ – chưa là sáng và cũng chẳng là đêm. Một người đàn bà ngồi vun lá khô bên rệ, tấp vào đống nhìn cô im lặng, đôi mắt chập chờn những đốm đỏ làm cô sờ sợ, phải dấn thêm một đoạn nữa, ngược chiều gió rồi mới cắt chéo mặt cỏ lên đường, thu mình trong chiếc áo gió mỏng manh màu tím nhạt, dõi mắt về phía xa ngóng chiếc xe khách có biển hiệu nhấp nháy đỏ và vàng.
Có ánh đèn pha ô tô, nhưng không phải chuyến xe  đang đợi vì cô nghe thấy tiếng động cơ đùng đục, nặng và trầm, tiếng bánh xe rùng rùng lăn trên gờ đường giảm tốc. Một chiếc xe đầu kéo lừng lững xuyên qua màn sương, lướt qua cô, rồi bỗng chậm dần lại, tiếng phanh hơi phì lên giận dữ: “Này! Cô kia!”. Cô gái giật mình nhìn lên phía trước, người lái xe mở cửa, thò nửa người ra khỏi buồng lái, gào lên át cả tiếng động cơ: “Đi đâu?”. “Cháu chờ xe khách.”. “Tôi hỏi đi đâu?”. “Đi chùa Hà ạ!”. “Đi mấy bước xem nào?”. “Để làm gì cơ?”. “Bảo đi thì cứ đi! Hỏi nhiều!”. Cô bước lên mấy bước. Bòng đèn gầm soi rõ đôi chân bé nhỏ với đôi giày nhựa đẫm sương. “Được rồi! Lên tôi cho đi nhờ!”. Cô hơi lùi lại: “Không! Cháu chờ xe khách. Chuyến sớm sắp qua.”. Xe Linh Nga chứ gì? Qua lâu rồi!”. “Sao bác biết?”. “Nó vượt tôi nửa tiếng rồi. Thằng điên ấy hôm nay không biết có việc gì, đi ẩu lắm! Chuyến sau của nó là tám giờ. Có lên không? Tôi đổi ý bây giờ!”.
***
Và thế là cô lên xe.
Cánh cửa khép lại. Tiếng ầm ầm nhức óc lùi sâu xuống dưới chân. Cô đặt cái túi căng phồng nhưng nhẹ xọp vào lòng, de người sát mép cửa. Chiếc xe rùng rùng chuyển động, tiếp tục lên đường. “Cô đi sớm thế, không sợ sao?”. “Sợ gì ạ?”. “Ma ấy!”. “Bác nghĩ có ma à?”. “Không phải nghĩ mà có thật. Cô có biết vì sao tôi bắt cô đi mấy bước trước khi lên xe không?”. “Vì sao ạ?”. “Nếu là ma, chân cô sẽ lửng lơ trên mặt đất! Lái xe đường trường như tôi, chuyện gì chả gặp”. “Bác có sợ không?”. “Lúc đầu thì có. Giờ cũng thường thôi! Ma cũng có dăm bảy loại. Mà không ác như người.”.
Lặng đi một lúc rất lâu. Chiếc xe khổng lồ vẫn lừ lừ trôi trong biển sương mù càng lúc càng quánh lại. “Chuyến này tôi chậm ít nhất nửa tiếng. Mù quá. Không dám đi nhanh. Nếu đi cao tốc, gần hơn hai chục cây nhưng phí đắt. Vòng xa, lại chỉ được đi nửa đêm về sáng nhưng tính chi li vẫn còn dư được ít. Thời buổi này cái gì chả khó khăn”. “Lái xe các bác nhiều tiền lắm mà!”. “Là cô nghĩ thế! Nhiều thì vợ tôi đã chẳng đi Đài Loan, rồi bỏ bố con tôi, lấy chồng bên ấy, chẳng về. Mà cô đừng gọi tôi bằng bác. Chắc tôi chẳng hơn cô mấy tuổi đâu. Năm nay cô bao nhiêu tuổi?”. “Hai ba bác ạ!”. “Chồng con gì chưa?”. “Chưa ạ! Ở quê, tầm như cháu ế rồi!”.
Người lái xe xoay người nhìn thẳng vào cô gái, trái tim đang bình an bỗng dưng lỡ nhịp khi bắt gặp ánh mắt trong thăm thẳm nhưng buồn hoang hoải như nước đầm Mực quê anh lúc vào thu: “Nhà cô ở đâu?”. “Ở làng Bùi, Bái Thượng.”. “Làng Bùi ven sông Luộc ấy có phải không?”.
Vâng. Làng cô ven sông Luộc, cách Thị trấn một thôi chừng mười cây số men đê, cách đường lớn chừng hai cây số xuyên đồng, nơi đồng trũng nước chua, đất lì như đá, lúa ngô cũng bợt bạt như mặt người, gái trai lớn lên là khăn gói dạt trôi tan tác, nhọc nhằn đất lạ xứ người, bỏ lại toàn người già và trẻ con quẩn quanh trong cái vòng tròn xóm trên thôn dưới tĩnh như mặt ao tù với những con đường lát gạch gồ sống trâu trơn trật mắt vẫn còn nguyên những hàng rào râm bụt, cúc tần um xum giăng đầy dây tơ hồng và những giêng hai hoa xoan lại rắc nỗi nhớ lên khăn lên áo, nhuộm tím gan tím ruột những đoàn người lầm lũi lên đường, khởi lại cuộc hành trình lạc bước thiên di.
“Lâu lắm tôi chỉ đi ngang mà không về mạn ấy. Quê cô dạo này đã khá chưa?”. “Vẫn thế bác ạ! Người trẻ đi làm ăn xa, mỗi năm dành dụm về quê một lần là hết. Làng cháu mãi nghèo thôi!”.
***
Đêm dần trôi về sáng. Đèn đường vàng bệch như hoàng hôn, sương mù vẫn xám mờ buông chùng nếp võng phủ lên những ngôi nhà gạch mái tôn đứng thui thủi bên đường. Đồi núi xác xơ, cỏ cây ngơ ngác đợi chờ. Người lái xe liếc nhìn sang bên, lại bắt gặp hoàng hôn sẫm màu trong đôi mắt loang loáng nước. “Sao cô buồn thế?”. Cô gái vuốt dọc mép túi xách căng phồng: “Hôm qua cháu về vội, mua cho em hai bộ quần áo, chưa kịp thử, chẳng biết có vừa không.”. “Thế cô đi làm xa, chẳng mấy khi về?”. “Vâng! Cháu là công nhân, lại tranh thủ làm thêm nữa.”.
Hai năm trước, cô lên đường vào một buổi sáng đầu thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng ra đường lớn không hanh hao heo may mà cũng giăng sương mù nghẽn lối. Hai đứa em khóc ríu bước chân bên người mẹ liêu xiêu như cái bóng, cố nghiêng lòng mê nón che một nửa gương mặt vẫn tím bầm vì trận đòn ghen. “Con sẽ để dành tiền về đưa mẹ và các em đi. Nhất định thế! Mẹ chờ con nhé!”.
Cô đã hứa nhất định sẽ trở về đưa mẹ và các em thoát khỏi cái địa ngục mà mẹ cô vẫn gọi là nhà. Nơi đó có hai đứa em gái chưa bao giờ biết đến tuổi thơ và một người mẹ đã từ lâu quên mất nụ cười.
Nhà cô ở cuối xóm ven cánh đồng, cuối con ngõ cụt lạnh lẽo âm u trong bóng cây, ngoài hàng xóm duy nhất là nhà chú ruột thì quanh năm chẳng có người lai vãng tới. Cuối vườn còn có một gian xây bằng gạch ba banh, lợp Proximang quanh năm nồng nặc hơi người ốm liệt quẩn trong cái ai ai của khói bồ kết trong cái ang đất cuối chân giường. Bà nội cô nằm đấy, mười năm có lẻ. Từ lúc còn nhúc nhắc lê từng gang trên nền gạch, đến lúc thối xương thối thịt và hoàn toàn tỉnh táo cho đến tận phút cuối cùng. Bao năm tháng tuổi thơ của chị em cô đều quẩn quanh trong gian nhà ấy – gian nhà có cây bồ kết bên hiên mỗi năm xòa thêm một tầng bóng – cây bồ kết nếp cổ thụ cho quả từng chùm treo đầy gác bếp, đủ đốt cho bà quanh năm để xua bớt hơi người. Ba chị em trong mớ quần áo bèo nhèo, thâm đen nhựa cây, đầu tóc, da thịt đẫm mùi bồ kết cháy chẳng bao giờ dám lên nhà trên bởi ở đấy có bố cô – người đàn ông không bao giờ nhúng tay vào việc gì nhưng phải đủ ngày hai cữ rượu, luôn mồm chửi tục và sẵn sàng lao vào vợ trút những trận đòn trong cơn ghen hoang tưởng. Mẹ cô – người đàn bà quanh năm chỉ thấy cúi đầu nhẫn nhục, chẳng hé nửa lời nhưng cô biết hết căn nguyên nông nỗi khi bà nội, trong một buổi chiều mùa đông ẩm xì, vừa nắm tay cô, vừa nghệu ngạo khóc: “Bố mày thất đức lắm con ạ! Ngày xưa cũng đi làm cán bộ đấy nhưng đổn đời, lòng thòng trai trên gái dưới với cả mấy đứa cùng cơ quan. Có thằng chồng một đứa rình bắt được, cho mặc mỗi manh quần cộc rồi dong về tận nhà. Trẻ con người lớn xa gần biết hết. Nhục nhã lắm! Thằng ấy nó còn bảo mẹ mày: “Toàn người quen cả! Ngày xưa anh mê em, thương em thì em không đồng ý, đi lấy nó. Hôm nay anh cho em tận mắt thấy nó là người như thế nào. Bỏ nó ngay đi! Người như em lấy đâu chả được chồng. Nếu em không chê thì về với anh càng tốt!”. Lại còn phải kí vào giấy nợ, phải bán mảnh đất giữa làng dọn về đây. Rồi bỏ việc chẳng dám vác mặt đi đến đâu. Rồi rượu rồi chè, chửi con đánh vợ, chỉ ngồi lù lù một đống hốc cho đầy mồm mà lúc nào cũng ghen, ai cũng ghen, nghi ngờ cả em trai thì không còn ra cái giống người. Nó cứ nghĩ ai cũng khốn nạn như nó. Mẹ mày bồ côi bồ cút, bà bảo chẳng lưu luyến gì, dắt chúng mày đi cho thoát nhưng nó lại khóc bảo: “Còn bà con biết làm sao?”. Mà bà cũng khốn nạn lắm con ơi! Ngày mới ốm cũng lết được ra đến bờ ao rồi mà không dám chết. Bây giờ nằm liệt đây, lúc nào cũng thèm ăn như ma đói. Thịt thối đến đâu biết đến đấy. Muốn chết mà không chết được…Con ơi!”.
Người con gái ngừng lời. Xung quanh hai người bỗng dưng im lặng hết. Chẳng còn tiếng rùng rùng, chiếc xe đen thẫm thành một khối khổng lồ trôi. Sương lọt qua khe cửa cabin, quẩn vào trong buồng lái. Bóng đèn trần vàng nhợt không che nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má người con gái mảnh như cái bóng mờ nép sâu vào lòng ghế. “Cô cứ khóc đi! Khóc cho nhẹ bớt!”. “Vâng! Cháu thương bà lắm! Đi xa thế này cháu chỉ biết mang theo mấy chùm bồ kết, thỉnh thoảng đốt lên, ngửi mùi khói cho đỡ nhớ. Mà bác có ngửi thấy mùi gì không?”. “Có.”. “Mùi bồ kết nếp bác nhỉ? Cháu đốt cho bà từ bé nên chỉ ngửi thoáng thôi cũng đã nhận ra. Ai đốt sớm thế? Mà khói bồ kết quẩn sương càng khó tan bác ạ!”. “Thế bà cô giờ ra sao?”. “Bà cháu mất lâu rồi!”.
Bà cô nhất quyết ra đi sau đúng nửa tháng nhịn ăn. Dầu cơm dầu cháo đút vào cũng nhè ra bằng hết mặc cho mẹ cô quỳ xuống: “Con lạy mẹ! Mẹ đừng làm thế! Tội con lắm mẹ ơi!”. Trước khi mất, bà chỉ gọi một mình cô: “Mẹ mày nhu nhược lắm, không dám làm gì đâu. Bà chết rồi nhớ đưa các em đi nhé! Đừng để chúng nó ở lại mà chết ở đất này! Bà chẳng có gì, cầm lấy cái này, bán đi mà lo cho em!”.
Bà lần mãi, kéo ra sợi dây bạc mảnh xỉn màu đặt vào tay cô rồi cứ thế quay mặt vào tường, không dậy nữa. Cô cứ ngồi gục cạnh bà rì rầm nói mãi. Cô hứa với bà sẽ đưa mẹ và các em thoát khỏi ngôi nhà ấy- ngôi nhà có người đàn ông cô gọi là bố – không bao giờ làm gì cả nhưng mỗi khi mẹ cô đi phụ hồ, bốc gạch thuê hay cấy mướn trở về lại hầm hè sấn đến lột đến đồng bạc lẻ tiền công cuối cùng, chỉ để đến khi cần gì mẹ cô lại phải ngửa tay xin, từ tiền mắm muối đến gói băng vệ sinh như ăn mày xin bố thí, để không còn cảnh như ngày mẹ đẻ em út, hai chị em cô phải đặt nó vào lòng chăn, đung đưa thay võng đến rã rời dỗ cho nó nín kẻo bố cô không ngủ được, để quên đi lần ấy mẹ giấu mấy đồng lẻ mua cho em thanh kẹo que, bố cô trông thấy gầm lên, đạp con bé chúi đầu xuống đất: “Mày lừa tao, giấu vốn riêng hả? Tiền ở đâu ra? Thằng nào cho?”, rồi rút xoẹt con dao bài mỏng như nước kề vào cổ em cô đang khóc chết lặng: “Mày có tin tao cắt cổ nó ngay không?”. Mẹ cô lê lết ôm chân bố: “Em xin lỗi anh! Em sai rồi! Lần sau em không dám thế nữa!”. Thanh kẹo que em cô đang mút dở bật ra, nhầy nhụa trên nền đất như con mắt mở trừng trừng. Chị em cô sẽ giã từ cả một tuổi thơ tắm gội bằng xà phòng bột vì bố cô không cho phép mua dầu gội đầu, mua xà phòng thơm: “Đẹp làm gì? Đẹp mà đi đánh đĩ hết với nhau à?”.
Năm ấy cô mười bảy tuổi…
Cô gái cứ rì rầm kể.
Nhà cháu nhìn ra cánh đồng, bên cạnh một gò đất hoang, chị em cháu trồng một giàn mơ dại, hoa nở từ đầu hè lan sang hết mùa thu. Chúng cháu chỉ quẩn quanh với hoa mơ kết tràng đeo cổ, với vòng mơ đội đầu, với dải hoa mơ buông chùm như rèm công chúa cũng đủ vui. Hai em gái cháu xinh lắm. Bác biết không, lúc chúng nó đội lên đầu vòng hoa mơ trắng trông giống hệt thiên thần.”. Lần đầu tiên cô gái cười, nhìn người lái xe, mắt sáng lên, lấp lánh. “Tôi biết chứ! Cứ nhìn cô là biết! Cô mà đội vòng hoa mơ trắng cũng giống hệt thiên thần.”. “Cháu chẳng biết nữa. Nhưng hôm qua cháu về, chúng nó làm cho cháu đây!”.
Người con gái cẩn trọng và khẽ khàng mở túi xách, nâng trên tay một chiếc vòng mơ dại với những dây hoa bé bỏng xòe cánh hình chuông như hạt bắp biến màu, lấm tấm những nụ nhỏ như hoa cau trắng – những bông hoa cánh diềm xếp hình công chúa từng đưa bước chân tuổi thơ của chị em cô qua khu vườn âm u, ra ánh sáng, chạm mặt với thiên đường…rồi lại thẫn thờ: “Cháu đã từng hận bố cháu. Thề hận đến chết. Cháu đã hứa sẽ trở về đưa mẹ và các em đi!”. “Sao bây giờ vẫn nhùng nhằng chưa được hả? Có chuyện gì sao?”. “Bây giờ thì không cần nữa…”.
Cô gái thẫn thờ, nhìn ngang qua cửa kính rồi bỗng chợt chỉ tay về phía trước: “Bác ơi! Đến lối rẽ phía trước cho cháu xuống. Cháu đến nơi rồi!”. “Đã bảo đừng gọi tôi là bác! Tôi hơn cô có tám tuổi thôi! Cô kể nốt đi!”. “Không kịp đâu bác ạ! Lần tới cháu kể sau!”. “Sắp tới tôi chạy chuyến Nam. Mới nhận tuyến chiều qua. Đi ba tháng, chắc giáp tết mới về. Biết bao giờ mới gặp lại?”. “Giáp tết cháu cũng mới về. Nhà chùa cho nương nhờ, cháu phải ở lại dọn dẹp, trông nom…”.
Xe dừng lại bên con đường mòn vẫn mờ mịt trong sương. Người lái xe xoay người, nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của người con gái: “Nhìn tôi này! Đừng gọi tôi là bác! Em cho tôi số điện thoại. Tôi sẽ liên lạc! Hai bẩy tết tôi sẽ đến tận đây đón em về.”. “Không! Phải ba mươi! Hay bẩy em chưa về được!”. “Ừ! Ba mươi! Em hẹn rồi nhé! Không gặp, tôi sẽ đến tận nhà tìm.”. “Sao anh tìm được?”. “Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp đồng, có cây bồ kết góc vườn và trước nhà có giàn mơ dại. Đúng không? Chỉ cần tên em nữa thôi!”. “Em tên Hoài! Em sẽ chờ anh!”. Người con gái nâng vòng hoa mơ li ti trắng trên những ngón tay mảnh mềm rồi bước xuống, mỉm cười: “Em đi đây! Muộn rồi! Cám ơn anh!”- Tiếng cô gái lãng đãng trôi về từ biển sương rồi hút hẳn. Chiếc xe dừng lại rất lâu rồi mới rùng rùng chuyển bánh. Ngôi chùa nhỏ như một khối đen mờ dần khuất dạng trong sương.
***
Hôm nay là ba mươi tết. Anh quay về đây với lời hẹn đón người. Ba tháng dài hun hút, gọi điện chỉ thấy một câu trả lời: “Chị em đi làm. Quên điện thoại ở nhà. Anh đừng gọi nữa! Chị em không về đâu!”. Đêm nào anh cũng mơ gặp người con gái có đôi mắt trong veo như hai đầm nước, thấy cô đứng bên lối rẽ đợi anh. Mái tóc cắt ngắn, vòng mơ trắng trên đầu rủ xuống khuôn mặt bầu bĩnh thiên thần.
“Nhà chùa cho con hỏi!”. “Bác hỏi ai?”. “Con đến đón em Hoài.”. “Hoài ở làng Bùi, Bái Thượng?”. “Vâng!”. “Thảo nào hôm qua cô ấy gọi nhà chùa.”. “Cô ấy đâu ạ?”. “Xin bác theo tôi!”.
Anh lạnh dần người đi khi theo bóng áo nâu sồng của sư thầy qua con đường mòn sẫm bóng quéo già, mở cổng sau. Ở góc vườn âm âm bóng cả cô đơn một nấm mộ tròn: “Cô ấy nằm đây!”. “Sao thế được? Rõ ràng con gặp cô ấy. Cô ấy hẹn con ba mươi tết đón cơ mà?”. “Ừ! Cô ấy linh lắm đấy! Cách đây một năm, vào một đêm cuối tháng tám, nhà chùa nghe gọi cổng. Rồi cô ấy dẫn đi. Cô ấy bị tai nạn. Không giấy tờ, không người thân nên nhà chùa mang về cho nương nhờ ở đây. Mãi sau này mới biết cô ấy tên là Hoài, làm công nhân nhà máy bên kia, tranh thủ về thăm nhà nhưng chẳng may như thế. Mẹ và các em cô ấy đến đây luôn. Có lần dẫn theo cả ông bố nữa. Ông ấy bị đột quỵ, liệt nửa người, không nói được, chỉ biết khóc. Đau lòng lắm!”.
Anh quỳ gục xuống ôm lấy nấm đất tròn: “Sao thế được nhà chùa ơi! Cô ấy hẹn con ba mươi tết đến đón về!”. “Thế thì bác phải chờ đến tối! Bây giờ khí dương nhiều, cô ấy không đi được đâu!”.
Vậy là anh ngồi đây với cô, cả ngày, trong vườn cây âm âm hơi đất, rì rầm kể những câu chuyện không cuối không đầu. Đêm ba mươi sẫm dần nhưng tết ở đâu xa lắm. Ở đây chỉ có gió và sương. Rồi bỗng chợt anh thấy từ cuối con đường đêm thăm thẳm, cô xuất hiện, thoăn thoắt đôi chân nhỏ trong đôi giày nhựa đẫm sương, miệng cười, khoác túi trên vai, vòng mơ dại rủ từng chùm trên tóc lấp lánh: “Anh chờ em có lâu không?”. “So với ba tháng thì một ngày lâu gì chứ? Đã hẹn là sẽ chờ! Nào đi thôi! Anh đưa em về! Xa nhà lâu rồi chắc mọi người mong nhiều lắm! Sắp giao thừa rồi em biết không?”. “Anh nhớ đường về nhà em chứ?”. “Anh là lái xe, đừng hỏi điều thừa thế! Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp cánh đồng, phía trước nhà có giàn mơ dại…”. “Vâng! Giàn mơ ấy vẫn đợi em về! Đến nơi anh sẽ thấy hoa trái mùa mà buông rèm nở trắng đón mùa xuân…”.
19/4/2020
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...