Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Muôn nỗi truân chuyên

Muôn nỗi truân chuyên!

Mỗi lần về quê, tôi đều cho xe chạy hơn 100 km rồi dừng lại ở một quán nước nhỏ vừa nghỉ ngơi, vừa ngắm nhìn một shop thời trang đối diện bên kia đường. Chủ nhân của shop là nàng - một “bóng hồng” luôn hiển hiện trong nỗi nhớ của tôi về một thời áo trắng mộng mơ.
Nhận ra khách quen, bà chủ quán đon đả chào mời vợ chồng tôi. Tìm một vị trí quan sát thuận lợi, tôi ngả mình trên ghế và hướng tầm mắt ra xa mong muốn nhìn thấy một dáng người quen thuộc thuở nào.
Ngày ấy, nàng là một tiểu thư đài các, có khuôn mặt và đôi mắt đẹp tựa diễn viên Như Quỳnh. Mỗi khi nàng cười khuôn mặt trắng trẻo rạng ngời như ánh trăng rằm tỏa sáng. Mái tóc dài óng mượt càng tôn thêm vẻ duyên dáng của người thiếu nữ đang độ xuân thì. Nàng là con gái rượu của một hiệu may gần phố huyện nên thường xuất hiện với những bộ trang phục thời thượng hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhà chỉ cách trường có hơn một cây số nhưng hôm nào nàng cũng thong thả đạp chiếc xe mifa mới tinh lướt nhẹ trên đường phố khiến bao người phải ngoái nhìn, ao ước.
Tuổi 17 nàng rực rỡ như một đóa hồng hé nở kiêu sa. Với giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười tươi tắn trên đôi môi hồng chúm chím, nàng đã làm rung động bao con tim của kẻ tình si. Là một trong những hotgirl của trường PTTH nhưng nàng chỉ chuyên tâm vào chuyện đèn sách. Thành tích học tập của nàng luôn đạt loại khá (những năm 90 của thế kỉ XX xếp loại học lực khá trở lên ở bậc PTTH là rất ít). Ba năm học PTTH, nàng luôn là một Bí thư chi đoàn gương mẫu, thân thiện với bạn bè. Bởi vậy mỗi lần sinh hoạt lớp, thầy cô chủ nhiệm luôn lấy nàng ra làm gương.
Nhà giáo Trịnh Thị Hường ở Thanh Hóa
Suốt 3 năm học ấy, bao nhiêu anh chàng “trồng cây si” trước cổng trường nhưng nàng đều từ chối; nhiều lá thư “ép nhầm” trong trang vở, nàng cũng chẳng bận tâm. Là bạn trai cùng học một lớp, tôi luôn thầm yêu trộm nhớ nàng nhưng không dám tỏ tình, vì quá tự ti về gia cảnh cũng như ngoại hình của bản thân. Tôi chỉ dám chiêm ngưỡng dung nhan của nàng và thầm ước ao có một ngày đủ tự tin để nói lên lời yêu với nàng.
Rồi tuổi học trò đầy mộng mơ cũng trôi qua nhanh chóng! Kết thúc lớp 12, chúng tôi mỗi người một lựa chọn. Nàng thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa còn tôi đậu đại học Bách khoa Đà Nẵng. Những năm 80 của thế kỷ XX tàu xe và các phương tiện liên lạc rất khó khăn nên tôi ít có thông tin về nàng. Vào các kì nghỉ, mỗi lần tụ tập, tụi bạn tôi thỉnh thoảng hay nhắc đến nàng. Đã mấy lần, tôi đạp chiếc xe cọc cạch đến trước cửa nhà nàng, dù lấy hết can đảm nhưng không dám bước chân qua cổng, vì trong sân nhà nàng lúc nào cũng có một, hai chiếc xe máy mới tinh của các chàng trai rập rình đưa đón .
Bởi vậy sau mỗi kì nghỉ, tôi chỉ biết vùi đầu vào trang vở và chuyên tâm vào việc học hành nơi giảng đường; âm thầm chôn chặt mối tình đơn phương, vô vọng ấy vào con tim đớn đau.
Khi tôi bước sang năm thứ tư của đời sinh viên thì nàng tốt nghiệp ra trường. Nàng được phân công về một trường cấp 2 huyện bạn cách nhà hơn 20km. Tình cờ nàng lại cùng trường với anh bạn tôi. Cả hai đều ở tập thể. Lấy cớ về thăm bạn, một buổi chiều thứ 7, tôi quyết định lên trường mong được gặp nàng. Sau chặng đường hì hụi đạp xe hơn 20km giữa ánh nắng chói chang của ngày hè tôi đã đến trường nàng. Con tim như loạn nhịp khi nghĩ đến giây phút được trò chuyện với nàng. Nhưng… ôi thôi! Niềm hy vọng lóe lên trong tôi chợt vụt tắt khi thấy nàng từ trong phòng đi ra cùng một anh chàng cao ráo, điển trai. Họ nhanh nhẹn tiến lại phía chiếc xe mifa trước sân. Nhìn nàng ngồi sau xe miệng cười tươi rói khiến con tim tôi nhói đau, nghẹn ngào. Tôi lặng lẽ nhìn theo bóng hai người xa dần, lòng tràn ngập một nỗi buồn sâu thẳm và thì thầm tự nhủ: “họ thật xứng đôi!”. Bỗng tôi giật nảy mình vì một bàn tay vỗ mạnh vào vai tôi cùng lời nói pha chút hóm hỉnh của anh bạn: “Này! không có cửa cho chú mày đâu! Nàng là hoa có chủ rồi đấy. Anh chàng này học Ngoại thương mới ra trường đang làm việc ở thủ đô Hà Nội. Họ bén duyên nhau  hai năm rồi đấy”.
Nửa năm sau ngày nhận công tác, nàng lên xe hoa. Đám cưới của nàng khiến dân tình trong huyện xôn xao, ngưỡng mộ. Bởi đó là đám cưới có một không hai thời bấy giờ. Nghe các bạn ở gần tham dự kể lại: trong khi bạn bè và họ nhà gái đưa dâu bằng xe đạp thì nhà trai đón nàng về dinh bằng xe hoa bốn bánh, nườm nượp xe con, xe máy nối theo sau. Càng bất ngờ hơn khi chú rể không phải là anh chàng Ngoại thương hôm nào, mà là con trai cưng của Bí thư huyện nhà đã từng đương chức Chủ tịch huyện 2 khóa, mới đi xuất khẩu lao động bên Đức về. Nghe đâu cả hai mới chỉ quen nhau gần 2 tháng. Hôn lễ tổ chức tại hội trường của một cơ quan huyện: lịch sự và rất “hoành tá tràng”. Khách đến dự đa phần là cán bộ, làm cho các bạn tôi đi dự cứ ngần ngại mãi không dám vào hôn trường.
Kết hôn được vài tháng, nàng có bầu và nghiễm nhiên thuộc diện “ưu tiên” chuyển về một trường gần phố huyện quê nhà. Chồng nàng được nhận vào biên chế chính thức của một xí nghiệp cách nhà hơn 3 km. Hàng ngày, anh phóng chiếc xe Simson bóng lộn đi về. Bố chồng mua cho hai vợ chồng nàng một đám đất cạnh trục đường chính của huyện và tiến hành khởi công xây dựng. Khi con gái đầu lòng của nàng cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc ngôi nhà hai tầng xinh xắn được khánh thành với đầy đủ nội thất hiện đại.
Cuộc sống hôn nhân mỹ mãn đẹp tựa giấc mơ của nàng là cả một niềm ao ước với chúng tôi – những cô cậu sinh viên nghèo luôn bị “viêm màng túi”. Bởi vậy, ai cũng ậm ừ, chặc lưỡi: “miễn bàn!” dẫu là hôn nhân “sét đánh” thì cũng chẳng sao với nàng.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi ra trường mải mê, vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy gian khó nên cũng chôn chặt mối tình si thuở nào. Năm năm…mười năm…rồi hơn hai mươi năm trôi qua… Do sự nỗ lực cố gắng của bản thân, tôi được chuyển công tác về Hà Nội. Cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định và có phần khấm khá hơn xưa. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 trên khắp các vùng miền mà bạn bè tôi đã kết nối, liên lạc được với nhau.
Tình cờ, trong một lần họp lớp, tôi bàng hoàng khi nghe tin xấu về nàng sau ngần ấy năm biệt tin: Sóng gió nổi lên trong gia đình nàng bắt đầu từ đức ông chồng ham chơi, nhác làm. Anh vốn quen cuộc sống phóng túng bên trời Tây  nên rất khó chịu với công việc gò bó:lương thấp, việc nhiều. Thay vì chuyên tâm vào làm việc anh ta ham chơi, nhậu nhoẹt bê tha, đi muộn về sớm. Lãnh đạo xí nghiệp đã nhiều lần nhắc nhở nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Nể ông bố làm Bí thư huyện, đương chức, đương quyền, mọi người cũng phải chịu ấm ức và ngoảnh mặt làm ngơ.
Sau khi nàng sinh con thứ hai – cũng là một bé gái – mâu thuẫn gia đình càng xảy ra nhiều hơn bởi anh chồng “óc ngắn” luôn đổ lỗi cho vợ không biết sinh con trai để nối dõi tông đường. Mượn cớ vợ đang bận nuôi con nhỏ, anh ta cặp kè bồ nhí chơi bời bên ngoài. Vì xấu chàng hổ ai nên nàng cũng âm thầm ngậm đắng nuốt cay vờ như không biết.
Rồi bố chồng nàng nghỉ hưu và chưa đầy một năm sau chồng nàng bị đình chỉ công việc do sự lười nhác và vô trách nhiệm của anh gây nên một thiệt hại không nhỏ cho xí nghiệp. Nể tình ông bố, Ban lãnh đạo không truy cứu trách nhiệm nhưng buộc anh ta phải thôi việc. Đó là một kết cục xứng đáng cho anh chồng luôn ỷ thế bố làm càn nhưng thật tội cho nàng một nách hai con, giờ đây lại phải đèo bòng thêm ông chồng sức dài vai rộng ham mê tửu sắc.
Để có thêm thu nhập cho gia đình, nàng phải kì cạch cắt may (nghề truyền thống của gia đình), sau mỗi giờ lên lớp. Được bố mẹ đầu tư, anh chồng mở cửa hàng buôn bán, sửa chữa xe máy ngay giữa Thị trấn cũng khá khang trang. Thời gian đầu cửa hàng làm ăn thuận lợi. Nhưng từ khi có nhiều tiền trong tay anh lại chứng nào tật ấy: hết rượu chè, cờ bạc rồi cá độ bóng đá,… Bị bạn bè xấu rủ rê, anh ta trở thành con nghiện và cửa hàng ngày càng ít khách. Trong một lần cá độ bóng đá bị thua, anh phải sang tên cửa hàng cho chủ nợ.
Không việc làm, không tiền bạc anh sống vật vờ, chán nản. Mẹ chồng nàng xót con, lại muốn giữ thể diện gia đình nên thỉnh thoảng giấu chồng lén đưa tiền cho con. Cầm đồng tiền không phải do mồ hôi nước mắt của mình làm ra, anh ta tiếp tục sa vào ăn chơi hoang phí. Rồi khi nguồn chu cấp từ mẹ bị cạn kiệt anh xoay sang gia đình.Thế là bao nhiêu đồ đạc quý giá, của chìm, của nổi trong nhà nàng lần lượt ra đi sau những lần thua bạc. Có lần mượn rượu anh chồng còn dở thói côn đồ, đánh nàng thâm tím cả mặt và kể lể việc ông bố trước đây đã lo việc làm chu đáo cho các em nàng như thế nào khiến nàng chỉ biết ngậm ngùi, đau đớn.
Rồi một ngày tôi không tin vào mắt mình nữa, khi trên mạng xã hội đăng tin chồng nàng và lũ bạn nghiện hành hung người thi hành công vụ nên phải đứng trước vành móng ngựa và phạt tù giam 5 năm. Chua xót hơn khi người đăng bài và ảnh còn kèm theo lời bình: “Cái kết “hậu hĩnh” của cậu ấm nhà ông Ng – nguyên Bí thư huyện nhà”.
Từ khi chồng đi tù, nàng sống lặng lẽ, tránh xa chốn đông vui, ồn ào với mong muốn xin được 2 chữ bình yên. Nhưng nào ngờ… trong một lần lên lớp, nàng đã phạt một cậu học trò cá biệt phải đứng góc bảng vì không chịu ghi bài lại còn trêu chọc các bạn xung quanh. Thế rồi một buổi sáng bước vào lớp, nàng lặng người, khi trên bảng có hình vẽ người tù đeo còng số 8 với tựa đề: “tội phạm 5 năm tù giam”. Dù không truy tìm tác giả của bức biếm họa nhưng nàng thừa biết ai đã làm việc ấy. Lấy hết can đảm, nàng cầm giẻ, lau vội hình vẽ trước bao nhiêu con mắt ái ngại của học trò. Xấu hổ, nhục nhã với đồng nghiệp và học sinh, nàng đành ngậm ngùi xin về hưu trước tuổi.
Nhưng cuộc sống có ai lường hết chữ ngờ! Một ngày nọ, khi nàng đang mải miết bên bàn máy bỗng tốp thanh niên xăm trổ đầy mình hùng hổ tiến vào. Chúng hung hăng ném cho nàng tờ giấy vay nợ có chữ ký của chồng nàng. Chúng chửi bới và đe dọa nếu không trả đủ sẽ xử theo luật rừng. Nàng không dám báo công an vì số tiền vay nợ của chồng là do cá độ và cờ bạc. Cực chẳng đã, nàng gạt nước mắt, lấy số tiền về hưu trước tuổi để hoàn trả cho chúng mong được yên thân.
Sau những sóng gió liên tiếp ập xuống gia đình, giờ đây, niềm an ủi và hy vọng lớn nhất của nàng là chờ mong ngày cô con gái thứ hai lên xe hoa. Mối tình của con gái với cậu bạn trai gần nhà đã trải qua 5 năm chờ đợi, yêu thương. Hai  bên gia đình cũng hẹn ước với nhau. Nhưng bất ngờ nàng nhận được tin nhắn từ bỏ hôn ước của gia đình thông gia tương lai. Một lần nữa, nỗi đau lại giáng xuống cuộc đời nàng khiến nàng hoàn toàn suy sụp tinh thần rồi lâm bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện một thời gian dài.
Nghe tin buồn về nàng, nhân dịp họp lớp, chúng tôi rủ nhau vào thăm. Nhìn nàng tiều tụy, xác xơ, đôi mắt thâm quầng nhòa lệ khiến ai cũng xót xa, thương cảm. Giá như ngày ấy nàng đừng để “ánh hào quang” của ông bố chồng che mờ lý trí, chấp nhận một cuộc hôn nhân chớp nhoáng thì kết cục đâu có sầu tủi như thế này!
Sau một hồi bàn bạc, chúng tôi quyết định sẽ giúp đỡ nàng. Cô bạn lớp trưởng vốn là người thành đạt trong kinh doanh, đang giữ chức vụ tổng giám đốc một công ty thời trang lớn nhiệt tình lên kế hoạch. Chúng tôi sẽ đầu tư vốn ban đầu để sửa sang lại cửa hàng may của nàng thành một shop thời trang. Cô bạn sẽ lo cung cấp nguồn hàng cho nàng. Từ khi chuyển sang kinh doanh, nàng luôn bận rộn và vui vẻ hẳn lên. Vốn là người khéo léo lại từng làm thợ may nên nàng biết cách phối hợp trang phục và tư vấn cho khách. Bởi vậy shop của nàng ngày càng ăn nên làm ra. Để tận dụng lợi thế của shop, nàng kinh doanh thêm mỹ phẩm, tư vấn làm đẹp cho khách nên cuộc sống cũng ngày một ổn định.
Trong lúc tôi mải mê xuôi theo dòng hồi ức thì vợ tôi loay hoay tìm một thứ gì đấy trong túi xách, rồi chợt kêu lên: “Sáng mai vội quá, em quên mang theo kem chống nắng rồi. Anh chờ em sang shop bên kia đường mua nhé”. Tôi chưa kịp trả lời thì vợ tôi vội xách túi đứng lên. Một lúc sau, cô quay về trên tay xách theo túi lớn, túi bé, miệng cười hớn hở khoe: “Tưởng shop nhỏ mà nhiều hàng chẳng kém gì thành phố anh à. Shop đang có chương trình sale nên tiện thể em mua thêm vài bộ quần áo biếu các chị trong nhà mà cô chủ cũng có duyên bán hàng thật đấy: khách tuy phải chi tiền nhiều nhưng vẫn vui ghê!”.
Tôi tủm tỉm cười gật đầu rồi giục vợ lên xe, trong lòng ánh lên một niềm vui khi biết rằng giờ đây nàng đã phần nào được bình yên sau bao nhiêu giông tố cuộc đời.
20/11/2021
Trịnh Thị Hường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Trường ca ‘Đi trên đường một chiều’ 9 Tháng Năm, 2022 (Đọc Trường ca “Đi trên đường một chiều” của Ngô Văn Cư) Trường ca “Đi trên đư...