Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Sự bất lực của ngôn từ

Sự bất lực của ngôn từ

Chúng ta nào khác một cái cây. Chúng ta hay nói phải xin lỗi và thành tâm trong xin lỗi. Với tôi từ xin lỗi vô nghĩa, lòng thành của ngôn từ vô nghĩa trước những tổn thương nếu nó chỉ đứng một mình. Điều cần thiết là bạn sửa lỗi đó như thế nào. Như câu chuyện của tôi và món đặc sản An Giang.
Tôi mê sầu đâu, yêu sầu đâu. Nó vừa là món ăn xứ sở vừa là món thuốc. Tôi mua một cây sầu đâu về trồng. Vì bận rộn, đi mải miết miền này miệt nọ nên tôi đã không thể tưới nước cho cây. Đi ba đồng bảy đỗi trở về thì mặt đất quanh gốc cây khô cằn, cây ngã ngang chết trẻ.
Tôi buồn bã xin lỗi nó rồi lại mải miết đi. Đi bao lâu tôi không nhớ rồi ngày về tôi nhìn thấy thân phần trên héo khô, phần gần gốc đâm ra một cái chồi nho nhỏ. Không biết bằng cách gì nó sống. Mặc kệ sự ngược đãi của tôi, nó vẫn kiên quyết sinh tồn.
Tôi thầm khâm phục cái cây nhỏ yêu thương tôi chịu hạn thật dữ dằn. Tôi vừa thương vừa hối hận vừa thầm thì xin lỗi nó bao điều. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục đi cho tới ngày trở về chỉ kịp nhìn thấy những cái lá mỏng cuối cùng tàn héo trên cây.
Tôi thành tâm xin lỗi.
Nhà văn Võ Diệu Thanh
Sự xin lỗi dẫu nói ngàn lần cũng không thay thế được một hành động nhỏ nào đó kịp thời. Một ca nước, một nắm bùn… đại khái là vậy. Và chúng ta hay lẩn quẩn khai thác ngôn từ mà quên đi có những hoàn cảnh ngôn từ bất lực.
Nhớ hồi mọi người trên mạng giận một Việt kiều Đài Loan chửi cộng đồng người trong nước. Khởi điểm chỉ là sự hiểu lầm. Thật ra là cô mắng một đứa cháu nào đó đòi kêu công an bắt khi cô về nước. Không hiểu vì sao cô kêu tên đứa cháu mắng mà lại kêu nó bằng từ “tụi bây ở trong nước”.
Phụ huynh có nhiều người mắng con cháu hay dùng từ “quân tụi bây” như một đại từ thay thế, nghe đông đảo nhưng có khi chỉ nhắm đến một người. Quân tụi bây khôn nhà dại chợ, quân tụi bây phản phúc. Nhưng mắng trong nhà thì người trong xóm hiểu rằng bà ấy mắng con cháu nhà mình. Nhưng mắng trên mạng “Tụi bây trong nước” đụng với cả một đất nước. Vậy là bị chửi hội đồng.
Rồi giận quá mất khôn, cô đăng đàn chửi lần hai thậm tệ hơn, bài bản hơn với một nét mặt vô cùng khoái cảm. Lần này là nêu đích danh dân tộc ra mà chửi. Không ai còn có thể chấp nhận, số đông không muốn có một con người như cô tồn tại trên đất nước mình, số đông khác còn không muốn cô tồn tại trên đời này, nghe nói cô bị đánh. Rồi nghe nói cô xin lỗi, khóc lóc.
Lời xin lỗi của cô làm mọi người cảm thấy không hài lòng. Và hẳn nhiên cô đã nổi giận thêm lần nữa. Vì cô đã cố gắng lắm mới nói lời xin lỗi, sao mọi người cứ trơ trơ bản mặt giận hờn.
Hình như có rất nhiều lần tôi chứng kiến một ai đó cố gắng xin lỗi và đều không được chấp nhận.
Trong chuyện vợ chồng, trong tình yêu chẳng hạn. Chồng tức quá lớn tiếng với vợ khi vợ lu loa than vãn. Than vãn kể công để cầu xin được yêu thương, nhưng cuối cùng bị lớn tiếng quát nạt. Sự hụt hẫng làm cô nàng đang buồn càng buồn đau tầm tã. Chồng ngồi thừ một đống, giận no nê chớ yêu thương gì nổi. Nhưng thấy đàn bà hẹp lượng chuyện nhỏ xé to thôi cũng chẳng đáng gì nên gượng gạo nói lời xin lỗi. Đàn ông nói xin lỗi là hạ mình lắm rồi đó em ơi. Vậy mà người vợ vẫn không ngừng buồn khổ. Cô cũng biết lời xin lỗi kia là thật lòng, nhưng sao cô vẫn không cảm thấy chút gì hạnh phúc. Em không cần anh xin lỗi.
Thật ra em cần anh xin lỗi. Nhưng không phải xin lỗi bằng lời. Vì những gì anh làm với em, tổn thương cho em không phải chỉ bằng những lời nói gió bay. Nó là một hành động, đã tác động vào thần kinh, đã đánh sâu vào từng tế bào, đã làm cho toàn hệ thống mất trật tự. Giống như gây tai nạn giao thông làm cho mọi thứ loạn cuồng lên rồi đứng bắt cái loa nói tôi xin lỗi, xin lỗi thật lòng.
Lời xin lỗi lúc đó không làm cho cái đám xe cộ loạn cuồng kia trật tự trở lại, những nạn nhân kia cũng không thể ngồi dậy hết liền thương tích. Hãy đổ mồ hôi xốc vác từng người chở họ vào bệnh viện,  hãy nhói lòng đau cùng cái đau của họ, vắt kiệt những giọt sức, giọt vật chất sau cùng và sau cả sau cùng. Đừng nói gì cả, hãy làm và làm cho tới khi vết thương của người bị nạn lành lặn cả thể xác lẫn tinh thần.
Giống như cái cây sầu đâu tôi trồng vậy, khi tôi quên tưới nước, nó héo xào, xin lỗi nó. Nó tha thứ cho tôi, nó cực khổ gom chút sức tàn nẩy chồi đâm tược. Nhưng lời nói không đem lại cho nó một cách thức chăm sóc hợp lý nào. Dẫu tôi có ngồi nói với nó ngàn vạn lời xin lỗi, nói đến chết đi sống lại cũng không bằng việc tôi làm gì đó nó cần. Tôi nên hỏi những người biết cách trồng cây phải làm gì bây giờ, nên chăm sóc kiểu nào lúc nó đã bị tổn thương, một chút nước hay thật nhiều nước? Tôi chỉ nói lời xin lỗi. Một lời xin lỗi chỉ là một lời nói suông như vạn lời nói suông khác.
Tình yêu cũng vậy. Những chàng trai dễ phạm lỗi lầm đừng vội vàng đưa lời xin lỗi ra làm cái phao lánh nạn. Đầu tư thật nhiều cách để chăm sóc tinh thần cho cô gái của mình. Mỗi lần sửa lỗi giống như bản thân mình trải nghiệm một bài học lớn. Cực nhọc lắm nhưng là một cách tự phạt để tránh lặp lại nhiều lần. Nỗ lực sửa lỗi sẽ giúp lỗi lớn thành nhỏ, lỗi nhỏ thành không. Khi đó sẽ không sợ chạm vào sẹo cũ vì những vết sẹo nhắc nhớ một lỗi lầm cũng là nhắc nhớ một quá trình dày công sửa lỗi. Người bị lỗi sẽ trở nên đáng yêu hơn, đáng được tin cậy hơn nhiều. Những người vợ, những người con gái đang yêu vốn dĩ họ không phải sợ một đôi lần trễ hẹn, một đôi lần nạt nộ hay một đôi lần bị phản bội bẽ bàng. Cái họ sợ là họ đang nhìn thấy một tiền lệ, là khởi đầu cho một thói quen đáng sợ mà họ phải chung chạ cả đời.
Thứ mà cộng đồng mạng sợ ở người nữ Việt kiều Đài Loan không phải là những lời chửi rủa rồi thôi. Mà họ sợ nếu lơ đi họ phải chứng kiến nhiều rồi nhiều hơn nữa. Bởi trong cuộc đời này, người bị uất ức nhiều lắm, bị hiểu lầm nhiều lắm, ai cũng có cơn điên, ai cũng có miệng, cũng có lời, nếu ai ai cũng tự do tung giữa mặt trời, tung vào mặt người đối diện những “mật ngữ” cấm kỵ thì trẻ con biết phải học theo ai. Họ sợ và họ phải làm gì đó để dừng.
Đừng bận tâm mình nói lời xin lỗi hoa mỹ hay đơn điệu thế nào, đừng bận tâm người ta có tha thứ hay không, hãy cứ điều chỉnh bản thân mình mỗi ngày, một ít, rồi thêm một ít nữa. Ngay cả hổ báo trên rừng nó cũng phải tôn trọng luật rừng. Chúng ta là người và chưa thể vào rừng sống chung với khỉ nên phải chú ý luật đời. Cư dân mạng dễ giận nhưng chỉ đôi ba tháng sau mọi giận hờn đều là quá khứ. Người ta sẽ thấy ở bạn một con người của tương lai chớ không phải những gì đã xảy ra.
Và tôi cũng vậy, thở than xin xỏ cái chồi nhỏ làm gì, hãy bình tâm mà mua sầu đâu ngoài chợ trong những bữa thèm mùi đắng. Mình khó lòng trồng trọt được cây gì dù chỉ là loài cây sầu đâu chịu khô chịu hạn rất tài tình thì thôi phải chấp nhận bị cỏ cây mắng là dở hơi, là vô dụng.
4/9/2020
Võ Diệu Thanh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cuốn tự truyện của Andersen và những điều chưa biết về đại văn hào của thế giới 30 Tháng Tư, 2022 Andersen (1805-1875) là đại văn hào ...