Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Hôi hổi tình văn

Hôi hổi tình văn

Một năm sống của đời người với ăm ắp những lo toan, hẳn không có nhiều lắm những ngày vui và đáng nhớ. Suốt cả kiếp người chắc cũng vậy thôi, e chẳng được mấy quãng để mà thương nhớ và trân trọng giữ gìn. Với tôi quãng thời gian được tiếp cận rồi gần gũi anh em trong văn giới Bến Tre quả thật đã để lại trong lòng mình nhiều kỷ niệm đẹp khó quên.
Khi khởi thảo và đọc lại những dòng này tôi chợt giật mình ngẫm ngợi. À, hóa ra mình đã bước vào tuổi già. Chưa già, chẳng ai hơi đâu giữa trưa buồn ngồi xoa càm vuốt râu hoài nhớ lại chuyện xưa. “Xưa lắm…”. Để bắt đầu câu chuyện kể cho thằng cháu ngoại, bao giờ tôi cũng nhập đề như vậy để … hù nó! Ví dụ như: Xưa lắm, hồi đó bà ngoại chưa sinh ra mẹ mày… Cậu Huân hả? Cậu Huân lại càng chưa có vì cậu Huân là em của mẹ mà.
“Xưa lắm…”. Lời quen cửa miệng cứ tưởng nói cho có, cho vui thôi. Vậy mà ngay từ bây giờ nó đã trở thành xưa thật rồi, bởi hai ông anh tôi sắp nhắc tới đây đều đã ra người thiên cổ.
Nhà văn Từ Phạm Hồng Hiên
Vâng, đó là buổi sáng đầu năm 1994. Từ gian hàng làm sắt nguội phía đối diện với gian hàng bán kim khí của tôi trên đường Lý Thường Kiệt, phường 2 thị xã Bến Tre, anh Thể Ngọc Tân khập khiễng cà thăng cà giáng dắt theo sau một người bạn qua giới thiệu với tôi: “Đây, Tô Nhược Châu bạn tôi, người từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay”. Những năm đó, Tạp chí KTNN có thể nói là anh cả trong làng báo chí Việt Nam xét về mặt thị trường. Còn anh Tân và tôi là bạn cùng làm ăn ở chợ, đều khoái món văn chương, nên hai anh em thỉnh thoảng vẫn hay đấu láo mỗi khi vắng khách. Sau này anh cũng trở thành Hội viên của Hội Văn nghệ tỉnh nhà.
Chỉ nói vậy thôi rồi Thể Ngọc Tân bỏ về chỗ của mình, không thêm bớt tiếng nào nữa. Tính anh vẫn vậy, hay làm phách với đám đàn em kiểu đó. Biết nhau lâu nên chẳng hơi đâu mà giận. Tôi vội đứng dậy bắt tay anh Tô Nhược Châu. Em có đọc và nghe anh đã lâu nay mới hân hạnh được biết. Nói rồi tôi kéo cái thùng đại liên 30 dùng đựng đồ để bán ra mời anh ngồi. Cứ tưởng bên ly cà phê đen dã chiến vỉa hè giữa chợ ế ẩm, mình sẽ tha hồ múa may chuyện văn thơ với nhà thơ tên tuổi, có ngờ đâu anh cứ ngồi ì như ông thiềm thừ. Chỉ lâu lâu, sau khi tôi nói cái gì đó anh mới khẽ nhếch mép cười rồi vung thẳng cẳng tay ra, đang trong tư thế ngồi bó. Xong lại đặt trên hai đầu gối duỗi thẳng về phía trước.
Mãi đến sau này tôi mới nghiệm ra, và chính anh cũng nhìn nhận, đó là kiểu ngồi… trù chủ! Mua bán ế ẩm tàn sát! Nhưng rồi qua ngày tháng quen nhau, tình cảm càng sâu đậm, nhớ bạn quá nên cứ thỉnh thoảng anh lại ra ngồi … trù chủ, còn tôi cũng không ngần ngại đi mua cái gì đó để hai đứa rút khuất vô bên trong  chén thù chén tạc…
Buôn bán kiểu này không dẹp tiệm sớm mới lạ! Có đôi lần nhà văn Nguyên Tùng ra thăm, anh vốn ít nói nhưng nhìn vào đôi mắt anh, tôi vụt quí anh vì nhận ra anh đã thấu cảm tình cảnh của mình. Nhưng tôi cũng ráng lê lết qua được ba năm nữa. Công bình mà nói không phải tại anh Châu trù tôi, mà tại thời cuộc xoay chuyển mà sức vóc mình ốm yếu, không quen đua chen đở gạt trước vòng xoáy của cơn lốc thị trường, và cái chính là do tôi thất chí. Chỉ tội nghiệp vợ nhà, tiền bạc hàng ngày mang về đâu chẳng thấy, chỉ thấy thằng chồng mình rượu chè nhiều hơn và hay trầm tư cặm cụi hí hoáy viết cái gì đó. Hay là thư tình cho con mẹ nào!
Ngày đầu mới quen Tô Nhược Châu (TNC) tôi hứa ủng hộ anh mười tập thơ Đã Chết Ngàn Thu Tiếng Nguyệt Cầm anh vừa in. Ít hôm sau anh cầm ra. Tôi trao cho anh năm chục ngàn, anh nói gì mà nhiều dữ vậy…
Một trong những sai lầm lớn nhất trong cuộc sống của tôi và có thể sẽ còn tiếp tục sai lầm nữa, là cứ ngỡ ai cũng yêu văn thơ như mình. Nó tinh tế quá, nó dễ thương và đẹp quá ai lại chẳng yêu. Ít lâu sau đó nhà tôi có giỗ bà cô út, tôi mang tập thơ ra tặng bạn (Là bạn quen, công tác ở xã nhà và đồng nghiệp cùng đang mua bán ngoài chợ). Rượu vào lời ra và thơ vào. Thơ vào mà chẳng thấy anh nào nói thơ. Họ chỉ liếc sơ qua tập thơ một cái, rồi tiện tay vì tập thơ mỏng quá nên chẳng anh nào ngần ngại xếp làm tư nhét vào túi quần! Thơ vào là vậy. Buồn! Buồn quá TNC ơi! Tôi giấu biệt anh điều này để đến hôm nay mới dám thổ lộ. Vậy mà giờ anh đã đi xa. “Thơ ta viết không làm nên sự nghiệp/ Nên suốt đời quanh quẩn với chiêm bao”.
Cũng may, tập thơ anh đề tặng cho riêng tôi đến nay vẫn còn. Chỉ có điều nó đã bị cháy sém sau trận hỏa hoạn kinh hoàng tại xóm nhà tôi ở trước đây, giờ đã bị giải tỏa.
Cho đến bây giờ tôi cũng không tự giải thích được, là mình bê trễ chuyện làm ăn mà tìm đến với văn chương hay vì máu mê văn chương nên không còn tha thiết tới việc lặn lội kiếm tiền nữa. Hay là hai vế đang trong trạng thái cân bằng và mình chen vào giữa khoảng hẹp đó. Thôi, chẳng hơi đâu mà tìm lại dấu chim đi. Chỉ có điều quen TNC và rồi sau đó là một ít bạn văn nữa, đã thực sự tạo nên sự thay đổi lớn trong cuộc sống của tôi. Nói là cuộc cách mạng bản thân cũng không có gì quá đáng. Không đợi tới những ngày nghỉ bệnh mới vui mừng ôm cuốn sách, tôi bắt đầu chủ động đọc và viết. Viết với mong muốn có cái gì đó trình làng, để đáng được làm bạn với các bạn văn.
Một hôm TNC ra chỗ tôi bán hàng chơi, tôi đưa bản thảo bài văn Bến Dược – Củ Chi nhờ anh đọc. Anh hơi bất ngờ. Đọc tới đọc lui một hồi anh xếp lại,  trầm ngâm giờ lâu rồi mới nói. Em viết ác thiệt, anh đọc mà nổi da gà. Gởi đi, bài được lắm. Qua cách biểu hiện, tôi không nghĩ rằng anh dối lòng. Mừng. Viết được cái gì tôi cũng đều nhờ anh đọc và anh động viên tôi gởi. May mắn làm sao khi hầu hết đều được in cả trong lẫn ngoài tỉnh. Người ta khuyến khích tác giả mới chăng. Không rõ. Chỉ thấy anh em cứ đánh đu cùng nhau bù khú riết.
“Hôm nào có dịp anh em mình tới Hội Văn nghệ chơi”. Anh nói.
Hội Văn nghệ? Tôi không khỏi ngạc nhiên. Thật ra tôi có nghĩ tới cơ quan này. Nghĩ tới thôi chớ chưa thể gọi là biết, nhân mùa tết năm tám mấy không còn nhớ rõ, tôi tới sạp báo bưu điện tỉnh tình cờ thấy tờ tạp chí lạ nên mua. Đó là tạp chí Văn nghệ Bến Tre. Mua về đọc qua cho biết vậy thôi chớ cũng không quan tâm cơ quan báo nằm ở đâu. Hay là họ đang hoạt động bí mật?! Bởi thị xã Bến Tre chạy chưa đứt một hơi đã giáp vòng và tôi vẫn thường xuyên rong ruổi suốt mà nào có thấy mùi mẻ gì đâu. Quả là khi cái duyên chưa khởi chưa thuận thì dù cách nhau chỉ vài trăm mét thôi không biết vẫn cứ là không biết.
Đến chừng tới cơ quan Hội rồi tôi mới vỡ lẽ, không biết cũng phải, bởi tấm biển cơ quan chỉ cỡ tấm bảng con của học trò được viết cũng rất chi là nhỏ: “Hội VHNT-NĐC. Số 6 Lê Qúi Đôn Phuờng 1 TX.Bến Tre.”
Đó là buổi tối có khá đông bạn văn các tỉnh về chơi. Là người mới chân ướt chân ráo tới nên tôi khép nép rút vào góc phòng, nghe chuyện nhiều hơn nói. Đêm càng sâu bạn bè lui dần. Ngó quanh quất chẳng thấy TNC đâu. Tôi nghĩ chắc anh cũng lòng vòng đâu đó giây lát rồi sẽ trở lại với tôi thôi. Có ngờ đâu chờ hoài vẫn không thấy. Anh Thanh Hùng ở đài truyền hình tỉnh trấn an tôi, lát nữa ổng trở lại chớ gì. Nói xong anh lạng qua lạng lại rồi cũng bỏ đi mất. Dòm tới dòm lui hóa ra chỉ còn lại có mình mình! Tiến thoái lưỡng nan, bây giờ có muốn về cũng không xong. Báo hại tôi trở thành người… bảo vệ cơ quan bất đắc dĩ. Bảo vệ cơ quan mà không dám ở trong cơ quan! Tôi mò ra cổng, trong bụng thắc thỏm phập phồng cồn cào như lửa đốt không yên, hết đứng lên lại ngồi xuống chờ…
Tai qua nạn khỏi, khi cuối cùng con tin là tôi cũng được giải cứu lúc nửa đêm bởi sự trở lại của nhà văn Vũ Hồng cùng hai người bạn khác trên chiếc xe gắn máy giống y con – vịt – bầu. Giận đâu không thấy, chỉ thấy vui. Bạn văn chơi được quá nên từ đó tôi hay lui tới cơ quan Hội. Nhưng có lẽ chỉ là được trong văn giới thôi, chớ với láng giềng thì hơi phiền. Hồi đó cơ quan Hội nằm sát bên văn phòng trụ sở Ban kiểm tra Đảng. Họa sĩ chủ tịch Hội Lê Dân không ít lần bị anh em nhân viên bên Ban lôi lưng mắng vốn. Nè Lê Dân, sao mấy đứa em của anh cứ hè nhau đập bồn đập bát hoài vậy. Ừ, văn nghệ nó vậy đó. Có ngon bây làm như tụi nó đi. Cười trừ. Huề cả làng.
Nói là vậy chớ anh điều hành rất khéo và rất được anh em văn nghệ sĩ nể trọng. Đi đâu về, thấy lùm xùm ngổn ngang quá anh chỉ cần hô lên một tiếng, thôi nghen mấy ngày liền rồi nghen, là hàng ngũ đâu lại vào đó.
Khách văn của Hội Bến Tre khi đó hầu như chẳng có lúc nào ngơi. Khách chung tới để liên hệ làm việc ít thôi chẳng nói làm gì, khách lẻ “giang hồ tay nải cầm chưa chắc” mới rầu, mới là nỗi ngặt. Những lúc như vậy quán Cây Táo chính là nơi cứu khổ cứu nạn cho hầu hết những bạn văn nghèo. Quán chỉ lèo tèo vài ba món khô, trứng, đậu phộng rang để nhắm rượu, vậy mà cao hứng lên vẫn mời nhau tới đó… ăn cơm được như thường.
– “Đi ăn cơm Nguyên Tùng ơi”- Từ dưới tầng trệt Kim Ba gọi vọng lên tầng trên.
Lát sau Nguyên Tùng khăn áo chỉnh tề lọ mọ đi xuống, hỏi ăn cơm ở đâu. Còn ở đâu nữa khi bạn thì nhiều mà túi tiền mỏng lét như vầy! Anh em xúm nhau cười bò.
Nghèo mà tình nghĩa lắm là vậy. Giờ nhớ lại thấy hồi đó anh em nào cũng khổ, toàn cà cọc cà cạch xe đạp vài chục cây số là thường. Được cái Goebel, chiếc Honda nghĩa địa là oai phong lắm rồi. Vậy chớ bạn bè kêu khổ một tiếng là được giúp đỡ ngay, cả tinh thần lẫn vật chất. Là ai? Nhắc tới ai cũng là tình mà lỡ thiếu người nào đó cũng là tội. Tình văn đẹp, rộng đến thế thì thôi.
Nghèo mà sang. Không vậy sao chỉ với chừng mười ngàn là bốn đứa tha hồ ngồi Cây Táo cà nghinh cà bật luận bàn tư tưởng học thuật đông tây kim cổ; tha hồ thời sự chuyện văn chương khu vực và cả nước… Rằng là tác phẩm nào đáng ghi vào văn học sử nước nhà, tác giả nào xứng tầm đứng trong hàng ngũ Nhà văn Asian! … Nói là vậy cho oai, chớ thật ra phần nhiều vẫn là tác giả, tác phẩm phục vụ cho phong trào văn học tỉnh nhà.
Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, có ai giống ai đâu. Thật vô phúc cho bạn viết mới nào vớ phải nhà văn Nguyên Tùng và Vũ Hồng. Không ngoan cố, không cứng cựa dễ nản lắm. Bởi Nguyên Tùng đọc tới đâu là cằn nhằn nhăn nhó tới đó vì sạn sỏi còn lẫn lộn nhiều trong những cây bút mới. Vũ Hồng trái lại, làm thinh chỉ cười cười. Cười cười thì ai biết đường nào đâu mà lần hở ông. Nói vậy chớ rồi cũng êm đẹp hết trơn hà, bởi sau đó gặp Hàn Vĩnh Nguyên và Kim Ba ngon hơn. Viết yếu tới đâu mà được ra mắt hai vị là tinh thần lên phăng phăng cứ như diều gặp gió. Không phải hai anh nhắm mắt nhắm mũi khen tràn đâu, mà ráng tìm cho được cái ý hay trong truyện trong ký, cái câu hay nhất trong bài thơ để khen, để động viên. Nói tới đây tôi không thể không nhớ lại ông giáo già dạy môn Pháp văn hồi trung học. Vì là sinh ngữ phụ, điểm thi chỉ hệ số một chớ không phải hệ số ba, hệ số bốn như những môn gộc khác nên lũ học trò lơ là lắm. Vậy chớ khi phát bài kiểm tra đứa nào cũng điểm cao. Cả đàn cả lũ xúm nhau tấm tắc khen thầy cho điểm rẻ. Mỗi khi tới giờ của thầy Tỵ thì y như rằng sẽ có 4-5 học sinh được điểm số 10 được thầy gọi lên biểu dương, thưởng cho tập cho viết. Lớn lên thêm mấy nồi xông nữa nhìn trở lại, tôi đồ rằng tiền lương của thầy chắc chỉ đủ để mua phần thưởng cho đám tiểu yêu và vụt vỡ lẽ. Thì ra ổng còn cao tay hơn, dụ mình học! Thầy nói nghe đứt ruột, thầy biết môn của mình điểm không nhiều, nhưng giẻ rách đỡ lấm tay, đi thi chỉ sơ sẩy nửa điểm thôi là Quang Trung, Đồng Đế nó rinh tụi con liền. Thôi ráng đi mấy con, vô được chữ nào thầy mừng cho tụi bây chữ đó.
Thì cũng như nhà thơ Kim Ba sau này vậy thôi. Nhậu cửng cửng vô là y như rằng “Trời ơi, mấy ông hãy làm thơ đi”. Hàn Vĩnh Nguyên có khác. Anh mày mò lục lạo tìm kiếm nguyên liệu khắp nơi trong tỉnh về phân phát ra cho anh em nghiền. Những đề tài chiến tranh cách mạng, những công trình sách trong tỉnh được thực hiện từ hơn chục năm qua, thực sự là cơ hội tốt để bạn văn rèn bút và ngày một trưởng thành phần lớn nhờ vào công lao của anh.
Nghèo mà vui. Vui vì bạn văn mới, tác phẩm tốt cứ đều đều xuất hiện. Ôm chồng sách mới của Hội, của bạn đi phát hành, bước ra một bước đường gặp người dân quê là đã vui. Núp vào quán quê trốn nắng trốn mưa lại càng vui hơn.
– “Mấy cậu là nhà báo hả?”.
– “Không, không phải. Tụi em viết văn, đi bán sách văn”.
– “… Quán không có rượu. Mấy cậu muốn uống để chị kêu sắp nhỏ đi mua giùm cho.”.
Ban đầu tạm dừng chân chỉ định uống hai ly đá chanh thôi rồi đi tiếp. Nhưng qua chân tình đối đãi quán tặng cho dĩa cá đối kho me nhắm rượu và lát sau lại dọn cơm lên cho ăn luôn. Có nhiều nguyên cớ để người ta đến rồi gắn bó với làng văn. Và tôi ngờ rằng những nét vui nét đẹp trong những lần đi phát hành sách như vậy là một trong những lý do đáng để bạn văn Khổng Huỳnh Phong và nhiều bạn trẻ khác mạnh dạn tự cột mình vào với văn chương. Quên tuốt lời than thở hôm nào:
Ông già anh khó lắm em ơi
Ngăn cấm làm thơ kể sự đời…(1)
Tìm văn ở đâu. Tình văn ở đâu. Ở đồng bưng, ở ruộng vườn cũng có chớ. Nay có còn như vậy nữa hay không. Bởi mình hay tại người. Hóa ra kinh tế thị trường nó gặm nhấm nhiều cái hay cái đẹp của ta từng ngày mà ta đâu có hay. Thôi, đừng lòng vòng chữ nghĩa thời thượng cho thêm mệt người. Cứ thẳng ruột ngựa ra là danh lợi nó đã lũng đoạn hầu hết rồi, phải không. Còn gì để nói nữa. Văn chương mà níu kéo lại còn chưa nổi thì mong gì ở các món khác.
Trưa nay buồn. Nhớ tình nhớ bạn lần giở toàn những chuyện xưa.
Nhớ hồi tôi còn nhỏ, lâu lâu nhà có bà con bên ngoại dưới quê lên thăm và ở lại chơi. Tôi mê nhất lúc gần sang, nghe tiếng lục đục phía sau nhà bếp lẫn trong tiếng râm ran trò chuyện của má cùng mọi người. Ôi thôi, đủ thứ chuyện quê hồi đó bây giờ. Dù không rõ nguyên lai ất giáp thế nào, nhưng lõm bõm từ những câu chuyện ấy lôi cuốn tôi dữ lắm, ví như “hồi đó đóng bót chưa”, “rộc sâu bây giờ ai làm”… cứ lầm thầm tiếng được tiếng mất lan tỏa trong đêm ấm. Tôi mong cho trời lâu sáng để được nằm nướng hoài trong mùng nghe chuyện cho đã. Nhưng có được đâu. Tôi rất sợ câu nói mà mình biết chắc là thế nào chút nữa cũng sẽ tới: Sáng rồi, sáng rồi. Dậy đi tụi con ơi! Dậy đi học! Dậy đi!
Sáng rồi. Sáng rồi. Chuông trống chùa Quan Âm cạnh nhà đã gọi công phu tự nãy giờ, nhà thờ bên kia sông cũng đang giục giã… Thì ra mình đã thức gần trọn một đêm với bạn mất bạn còn, bạn về bạn ở. Vinh nhục sang hèn cũng không thiếu. Với cả những lẫn lộn vui buồn sao nó khiến lòng mình cứ hôi hổi ấm.
Chú thích:
(1) Thơ Kiên Giang. 
Bến Tre, 16/8/2011
Từ Phạm Hồng Hiên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...