Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Nhà thơ Trần Chấn Uy: Chiếc áo vàng hoa cải vẫn cầm tay

Nhà thơ Trần Chấn Uy: Chiếc
áo vàng hoa cải vẫn cầm tay

Tôi nhớ một lần bên lề Đại hội Nhà văn Việt Nam ở Khách sạn La Thành (Hà Nội), nhà thơ Ngô Xuân Hội gọi đến nhậu buổi chiều. Tại đó, giữa một rừng các nhà thơ nhà văn, tôi thấy một gã cao to, diện “cả cây” màu trắng, phớt đời, lãng tử và oang oang. Giọng nói dày, vang, nội lực. Đấy là lần đầu tôi gặp nhà thơ đến từ Nha Trang, Trần Chấn Uy…
Nhà thơ Trần Chấn Uy
Trần Chấn Uy sinh ra tại Đức Thọ, Hà Tĩnh vùng đất nổi tiếng trai thì thông minh, phong lưu, gái thì xinh đẹp lam làm. Ông nội anh là đại thần triều Nguyễn, anh thuộc dòng dõi “danh gia vọng tộc”. Có điều triều nào thì tôi chưa kịp hỏi anh…. Nhưng nghe đâu cũng vì cái “mác quý tộc” ấy mà sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhất là cái đận Cải cách ruộng đất, gia tộc anh khốn đốn. Nghịch lý là cái tốt và thánh thiện, khó dập vùi. Vì lý do ấy, bố anh quyết định tham gia kháng chiến. Ông vốn là kỹ sư cầu đường, tu nghiệp ở Pháp, học cùng thời với nhà thơ Huy Cận. Dẫu vậy tham gia kháng chiến vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ đến khi đi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thành đạt và trở thành một vị tướng thì mọi chuyện mới khác.
Lớn lên, Trần Chấn Uy theo bước cha anh, nhập ngũ. Tháng 2/1975, bước chân của người lính Trần Chấn Uy kịp có mặt trên chiến trường Campuchia giúp bạn rồi về nước tham gia tiễu trừ Fulro ở Tây Nguyên… Kết thúc cuộc chiến, anh vào Đại học Sư phạm Hà Nội học khoa Ngữ văn, ra trường về dạy tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, rồi xây dựng gia đình, rồi tan vỡ… Bao nhiêu sóng gió cuộc đời trôi qua rồi lắng lại. Chỉ có chiến tranh là chưa bao giờ nguôi ngoai. Trần Chấn Uy trầm buồn nhớ lại những năm tháng trên chiến trường K “Những người bạn không bao giờ về nữa/ Lửa binh đao hóa cát bụi cả rồi”, (Trở lại chiến trường)…
Cao to, phớt đời, mẽ ấy không chỉ phụ nữ mà đàn ông nhiều người nhìn đã thích. Ngoài chuyện văn chương, thơ phú, Trần Chấn Uy còn “nổi tiếng” với câu tự bạch trong Kỷ yếu Hội Nhà văn: “Văn chương là cái nghiệp chướng đau đớn và hạnh phúc đeo đẳng suốt đời tôi…”. Căn nguyên sâu xa của sự đau đớn và hạnh phúc ấy trong con người Trần Chấn Uy trước hết là nỗi ám ảnh người đẹp.
Nhà thơ nữ Lê Khánh Mai, cũng từ Nha Trang, có lần nhận xét: “… Trần Chấn Uy, một trang nam nhi được trời phú cho bao nhiêu lợi thế: đẹp trai, con nhà khá giả, có học, có tài thơ, hoạt khẩu lại có chút duyên đàn ông trong khẩu khí ngang tàng vô hại. Như quy luật vạn vật hấp dẫn, Trần Chấn Uy cũng trở thành đối tượng thu hút của nhiều phụ nữ và họ đã tham gia vào quá trình thơ của anh, tự nhiên như mối tương giao thi sĩ – người đẹp, như các thi nhân muôn đời vốn thế. Sexpia, Puskin, Tagor, Xuân Diệu… những nhà thơ lừng danh từng làm thơ “tán gái”, tất nhiên với một đẳng cấp văn hóa và tài thơ rất cao vời. Họ ý thức sâu sắc rằng người đẹp, một thứ bùa mê nhiệm mầu, một tác nhân quan thiết cho sự khởi sắc, thăng hoa tài năng đàn ông. Người đẹp là men, là suối nguồn, là dinh dưỡng của thi ca…”
Đấy là nhận xét của phụ nữ về anh.
Khuôn mặt thơ Trần Chấn Uy đa diện, nhưng đọc anh tôi thích khuôn mặt làng, bởi anh em đều sinh ra từ quê. Mỗi người có một cái bóng của mình, riêng Trần Chấn Uy còn có bóng làng. “Trâu lững thững như một nhà hiền triết/ Vểnh tai nghe tiếng trống tan trường”; hoặc Hoa xuyến chi trắng tinh bờ cỏ dại/ Con bã trầu kẻ chỉ giữa vòm xanh”, “Hoa giong riềng nhóm lò than nóng hổi/ Con chuồn kim khâu vội ánh chiều tà”, (Bóng làng).
***
Khi tôi viết những dòng về nhà thơ Trần Chấn Uy thì Hà Nội mưa đang rụng ngoài sân, giữa tháng 3 Tây. Ở quê giờ này những cây Xoan ký ức đang lặng lẽ với những chùm hoa buốt tím. Bầy Chiền chiện cong cớn, hờn dỗi, chạnh chọe ríu ran. Cánh Xoan rắc đầy ngõ nhỏ nhà em. Bất giác nhớ nhà, hoài niệm và nuối tiếc khi gặp Trần Chấn Uy, gặp làng trong bài thơ Mùa hoa xoan của anh: “Hoa như khói, tím khoảng trời xưa ấy/ Ta trở về tay vịn lạnh cơn mưa”… Trong trái tim Trần Chấn Uy có làng. Làng quê thân thương với mỗi người sinh ra sau lũy tre. Với bất cứ ai, quê mình luôn đẹp nhất. Tôi nghĩ rằng, bài thơ này Trần Chấn Uy viết khi đang ở Nha Trang, “Sâu thẳm lắm, lòng ta biển dậy/ sóng từng cơn vỗ nát bến bờ”, sóng biển nơi anh sống thì quá đẹp, quá dữ dội. Nhưng sóng ấy còn thua sóng lòng, khi nhớ về làng quê, mùa hoa xoan nở. Nói thế để hiểu anh không cường điệu lên đâu.
Tháng ba, vâng, “lúa xuân lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm trổ cờ mà lên” như ca dao Việt. Đó là thời khắc của động tình, của phồn sinh. Hoài niệm và trăn trở “Đồng thay áo, xanh lúa thì con gái/ mải miết trôi năm tháng bạc trên đầu”. Bài thơ của Trần Chấn Uy bình dị, đẹp ở những thi ảnh bình dị. Viết về làng, rõ ràng là cần bình dị như làng ta thôi, như mẹ cha ta thôi, như em một thời bị ta phỉnh, được ta phỉnh với hoa xoan. Nhà thơ Thanh Thảo có lý khi nhận xét: “Cũng đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc một tập thơ hay, bình dị, không cố làm ra hay, nhưng lại níu người đọc với những thi ảnh những câu chữ khó thay thế khi viết về quê nhà”, (Tựa cho tập thơ Bóng làng).
Nhà thơ Trần Chấn Uy và các bạn văn Khánh Hòa năm 2011
Nhìn “gia tài thơ” của Trần Chấn Uy, tôi biết anh đã đến rất nhiều vùng đất, trong nước có, ngoài nước có. Nhưng theo tôi, những bài thơ viết về quê như Giao mùa, Hồn thu, Cỏ ơi, Đất làng, Vườn cũ, Chiều quê, Cây hoa gạo ở bến sông quê… vẫn chứa chan tình cảm, nhiều câu thơ chạm trái tim độc giả.
Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop đã thắc mắc “Chẳng lẽ cái làng Đagheextan nhỏ bé lại đẹp hơn Vonizo, Cairo…?”. Đẹp hơn là chắc chắn rồi, bởi vì mỗi lần trở về làng “Trên mỗi bước đi, tôi gặp lại mình, gặp lại thời thơ ấu của tôi, gặp lại những mùa xuân, những cơn mưa, những bông hoa và những chiếc lá rụng mùa thu của tôi”. Mỗi người đều có một quê hương, thuộc về quê hương, quê hương nơi mình sinh ra, nơi chôn giấu tất cả tuổi thơ luôn đẹp vì vậy, không ai bứng được ông khỏi quê hương. Với Trần Chấn Uy cũng vậy, dù đến mọi nơi trên thế giới, hôm nay thấy một nơi đẹp, mai lại thấy nơi khác đẹp hơn, vô cùng, vô tận; nhưng không đâu đẹp bằng quê hương mình, khắc khoải bằng quê hương mình. Điều này không phải áp đặt mà chính Trần Chấn Uy đã thú nhận “Trọn đời đất khách quê người/ Thương quê, ta lại bồi hồi chốn quê/ Gió trăng bát ngát đường về/ Người xưa xa vắng, lòng tê tái chiều”, (Nghe tiếng cuốc kêu).
Quê hương theo nghĩa nào cũng ăm ắp lòng, nơi có những người dân làng “Bao gương mặt như cánh đồng phơi ải”, (Đất làng) đã găm vào ký ức. Theo nghĩa hẹp hơn, quê hương, nơi có gia tiên, ông bà, bố mẹ.
Chiều đã xuống chìa hoàng hôn một nửa
Xám mặt mây, thấm lạnh giọt tàn thu
Vườn mẹ, tôi về cùng ngọn gió
Thoáng heo may ngõ nhỏ trắng sương mù
(Vườn mẹ)
***
 “Có lần trong một bài viết về anh tôi viết đùa rằng, cái tên Trần Chấn Uy đọc lên nghe như một vị tướng lẫm liệt. Cái uy trấn của họ nhà Trần. Nhưng vị tướng này, trong đời tư của mình không tự trấn thủ được và thành trì này không phải một lần thất thủ. Những viên đạn vô tình đã để lại những vết sẹo hồng trong thơ Trần Chấn Uy”, nhà thơ quá cố Phạm Tiến Duật năm 2002 viết về nhà thơ Trần Chấn Uy như thế. Tôi thì cho rằng, biết yêu đương nhiên biết ghét. Người nặng lòng dễ phẫn uất. Nazim Hikmet là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ, người được coi là “một người cộng sản lãng mạn” từng viết, đại ý: Những tâm hồn lớn thường có trái tim đau. Tôi không quả quyết Trần Chấn Uy là người có trái tim lớn, nhưng trong thơ anh, dễ nhận ra trái tim đau, một tâm hồn nhạy cảm, thiết tha, có lúc yếu đuối đến tội nghiệp và đáng yêu. Trần Chấn Uy yêu cuộc sống, yêu cuồng nhiệt đến mức muốn cuốn phăng tất cả những hàng rào ngăn cách giữa trái tim với trái tim, giữa quá khứ và thực tại.
Em mắt biếc, em từ nơi nào đến
Bộ ngực trần phì nhiêu
Dội lòng ta những đợt sóng vô hồi
(Những đợt sóng)
Chắc chắn rằng, những đợt sóng trong trái tim Trần Chấn Uy không phải là chỉ vỗ tình yêu đôi lứa, lớn hơn đó là tình yêu với cuộc sống này, quê hương, xứ sở này, là muốn trả ơn, trả nghĩa. Do vậy mà bên dòng thơ tình là những khắc khoải thế sự, muốn dâng hiến đến kiệt cùng và thân phận đầy chia sớt. Trên trang thơ, Trần Chấn Uy, nhiều lúc anh cảm thấy cô đơn và bất lực vì quá bức bối. “Tôi lang thang/ trong ngõ cụt đời mình/ lang thang trong những dòng thơ/ hão huyền”, (Lang thang). Phải yêu lắm cuộc đời này, nhà thơ mới thốt lên được “Trên đỉnh ta triệu triệu năm gió thổi/ Bao kiếp người cát bụi vụt trôi qua”, (Viết trên đỉnh núi quê nhà).
***
Trần Chấn Uy vừa là nhà báo, vừa là nhà thơ, vừa là một biên kịch. Đến nay Trần Chấn Uy đã xuất bản các tác phẩm: Mùa thu thành phố, in chung với Đỗ Anh Tịnh, 1984; Tình ca hát một mình, 1990; Xin đừng quên tôi, 1992; Chân trời khát, 1996; Nẻo về, in chung với Giang Nam và Tôn Phong, 1999; Trăng lạnh xứ người, 2003; Giấc ngủ khuyết vầng trăng, 2005, tái bản năm 2007; Bên dòng sông đa tình, 2012; Bóng làng, 2018, từng đoạt những giải thưởng cao của các hội văn nghệ Trung ương và địa phương… Đọc thơ anh, tôi biết trong tâm thức là một dòng chảy, của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Là người lính đã trải qua chiến tranh, có lúc giữa làn ranh của sống chết, nên dễ hiểu Trần Chấn Uy còn nguyên đó một trái tim yêu thương và trăn trở “Chỉ còn lại trái tim người chiến sỹ/ Chẳng thể bình yên trong những tháng năm này” (Trở lại chiến trường). Và vì thế “Chiếc áo vàng hoa cải vẫn cầm tay”.
21/10/2020
Ngô Đức Hành
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...