Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Nhân vị đàn bà trong tập truyện ngắn Đắng ngọt đàn bà của Nguyễn Thị Lê Na

Nhân vị đàn bà trong tập truyện ngắn
Đắng ngọt đàn bà của Nguyễn Thị Lê Na

Bằng tài năng, sự thấu cảm của mình, Nguyễn Thị Lê Na đã mang đến cho độc giả những trang viết xúc động, giàu nhân bản. Dường như đó không phải là câu chuyện của riêng ai, và truyện ngắn của chị đã vượt qua những điều thường nhật, nhỏ bé, để chạm tới những vấn đề có tầm phổ quát về nhân sinh, nhân tính và nhân vị. Đắng ngọt đàn bà xứng đáng dự phần vào dòng văn học mang âm hưởng nữ quyền đang trỗi dậy mạnh mẽ trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
Sau tập truyện đầu tay Bến mê (2007) được công chúng độc giả đánh giá tích cực và vinh dự nhận Giải trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; hơn 10 năm sau, Nguyễn Thị Lê Na mới trình làng tập truyện ngắn thứ hai Đắng ngọt đàn bà. Một khoảng thời gian đủ dài để người đàn bà viết văn quan sát, suy tư, tìm tòi để sáng tạo nên những truyện ngắn hay, sâu sắc có thể chạm vào bất kì trái tim người yêu văn chương nào. Vẫn tiếp nối mạch cảm hứng được khởi sinh từ trước, Đắng ngọt đàn bà gồm 11 truyện ngắn, cũng chính là 11 mảnh ghép tạo tác nên “thế giới bé mọn” của đàn bà. Những câu chuyện đời thường trong tình yêu, hôn nhân, gia đình được ngòi bút trữ tình, nữ tính, thao thiết của Lê Na phác họa một cách chân thực, sinh động, sắc nét. Một vũ trụ bí ẩn, thầm kín, riêng tư của giới nữ được mở ra; khắc họa thân phận đàn bà với những đoạn trần ai cùng hành trình xác lập nhân vị, căn cước bản thể trước mỗi va đập của cuộc sống và đời riêng.
Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na ở Quảng Bình
Đàn bà và thế giới bé mọn
Trung tâm trong các câu chuyện của Nguyễn Thị Lê Na là những gương mặt phụ nữ, đa phần trong số họ là những người đàn bà đã có gia đình. Họ sống bình dị và hết mình trong tình yêu, và đặc biệt trong từng bổn phận của một người mẹ hiền, người vợ đảm. Chấp nhận mọi thua thiệt, thậm chí là nỗi tủi nhục, người đàn bà luôn lấy niềm vui và hạnh phúc của chồng con làm lẽ sống và ý nghĩa đời mình. Một thế giới bé mọn chỉ loanh quanh với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, mong giữ được trong ngôi nhà một ngọn lửa ấm. Thế nhưng trong sâu thẳm các nhân vật nữ của Lê Na lại hiện hữu một-thế-giới-khác, diệu kì và phức tạp. Nơi đó có sự giăng mắc giữa kí ức và thực tại, khát khao và bổn phận, nổi loạn và đức hạnh, tình yêu và trách nhiệm, lãng mạn và định mệnh.
Trách nhiệm và bổn phận của người đàn bà có gia đình khiến Vy (Đắng ngọt đàn bà) phải tập làm quen với “sự bình thản và thận trọng trước những va đập của cuộc sống”. Còn với Sinh trong truyện ngắn cùng tên, áp lực chưa thể có con sau mười năm kết hôn, buộc chị tìm “người đóng thế” và “quyết làm tất cả. Bất chấp tất cả”, để xứng đáng “làm một người đàn bà yêu chồng, có trách nhiệm với gia đình chồng”. Kim (Nước mắt đàn ông…) ngậm ngùi nuốt nước mắt tủi hờn, cam chịu, khổ sở, để sám hối, chuộc tội, và giữ “sự bình yên êm ấm của gia đình”. Hay Thư (Một ngày vừa chớm thu…) dù phát hiện bị ung thư, song chị vẫn gắng gượng trong hình ảnh người đàn bà trẻ trung, yêu đời, “duy trì những công việc thường ngày, lau nhà, nấu nướng, tưới cây”, để chồng con khỏi lo lắng, bận tâm… Mỗi người một hoàn cảnh, song họ đều sống khép mình, lặng lẽ thực thi thiên chức của một người đàn bà đức hạnh, vị tha, bao dung, hi sinh.
Thế nhưng, cuộc sống chưa bao giờ bình lặng, xuôi chiều, những “cơn bão” cứ chực chờ ập tới, và chính người đàn bà chứ không phải ai khác đón nhận, chèo chống để giữ “tổ chim trước bão”, và khẳng định cái tôi bản thể riêng mình. Đó có thể là “cơn bão lòng” khi tiếng gọi sâu thẳm của kí ức một thời son trẻ, ở tận mút thời thiếu nữ với mối tình đầu dang dở, nhiều tiếc nuối khiến Vy xao động, day dứt (Đắng ngọt đàn bà); hay cơn “say nắng” trước Phong – người đàn ông tài năng, lịch lãm khiến “chị” chới với, không còn là chính mình cả trong vô thức giấc mơ (Cơn bão). Đó còn là đoạn trần ai của người đàn bà chưa thể thực thi trọn vẹn thiên chức người mẹ, chấp nhận tìm người “đẻ mướn” cho chồng (Sinh); hay Kim bị hãm hiếp, tủi hổ mang tiếng phản bội chồng, nguy cơ đổ vỡ gia đình hiện hữu ngay trước mắt (Nước mắt đàn ông…).
Những giây phút đấu tranh nội tâm, những cảm xúc đa chiều và những trạng huống tâm lý phức tạp đều được Nguyễn Thị Lê Na bằng sự đồng cảm, tinh tế, nắm bắt và khai thác đến tận cùng. Nữ nhà văn có biệt tài trong việc len sâu, bóc tách, soi rọi vào con người bên trong, miêu tả những chuyển biến tế vi nơi tâm hồn người đàn bà. Với thủ pháp phân thân và độc thoại nội tâm, tác giả để cho nhân vật trải qua mọi cung bậc tình cảm, khi khao khát, đắm say, nồng nàn, buông lơi; lúc bào chữa, kết án, sám hối, tự thú. Vy đấu tranh giữa một bên là khát khao đàn bà và bên kia là bổn phận gia đình (Đắng ngọt đàn bà); “chị” mang mặc cảm tội lỗi, tự dằn vặt bản thân bởi những giây phút ngoài chồng ngoài vợ cùng những khoảnh khắc đắm say ái ân trong giấc mơ với Phong (Cơn bão); nỗi lòng của Sinh, vừa bực dọc vừa nhịn nhục khi Thắm – “người đóng thế” ngày càng tỏ vẻ lấn lướt, cao ngạo; những giằng xé của Mận giữa sự níu giữ tình yêu, hạnh phúc lẽ ra thuộc về mình và mặc cảm tội lỗi khi trở thành người phá hoại cuộc sống gia đình của người khác (Cầu vồng sau mưa); hay những hỗn loạn, tủi hờn, đau khổ trong Kim khi chồng phát hiện đứa con trai không phải là con mình (Nước mắt đàn ông…); và còn là giây phút vì mặc cảm bệnh tật khiến Thư hẫng hụt, vùng vằng, dằn dỗi chồng con (Một ngày vừa chớm thu…).
Trong thế giới bé mọn, người đàn bà dù đã nhận thức và thực thi trọn vẹn thiên tính nữ của mình, song họ vẫn không được bình yên bởi sự bất trắc, định mệnh của cuộc đời. Đoạn trần ai gập ghềnh, trắc trở luôn ám ảnh những giấc mơ đời người đàn bà. Cuộc sống đang “viên mãn đối với người đàn bà xuân sắc đương thì”, bỗng Thư phát hiện mình bị ưng thư vú, một căn bệnh tai ác của đàn bà (Một ngày vừa chớm thu…). Cái chết phi lí lù lù xuất hiện khiến chị bấn loạn, tuyệt vọng, đau khổ, chới với. Lụa trong truyện ngắn cùng tên đằng đẵng chờ đợi bởi thử thách thời gian và cuộc đổi chác nghiệt ngã của người tình, để rồi bị chối bỏ, lặng lẽ kiếm tìm con đường nhọc nhằn. Đêm định mệnh, Kim rơi vào “cạm bẫy giăng đặt”, khiến suốt quãng thời gian sau đó là sự dằn vặt, sợ hãi, cùng mặc cảm tội lỗi, phản bội chồng (Nước mắt đàn ông…). Mận quay quắt với căn bệnh mất ngủ trầm kha, khước từ tất cả đàn ông trong làng, đi về như một cái bóng, nhưng không đủ dũng khí để giành những điều vốn thuộc về mình (Cầu vồng sau mưa). Những người đàn bà (Trong khoang tàu chật), mỗi người một hoàn cảnh, song đều mang thân phận và bi kịch đàn bà: Người mẹ trẻ với nỗi lo cơm áo gạo tiền đã phải rời xa con – kết quả của mối tình tạm bợ nơi khu công nghiệp; người phụ nữ buôn phấn bán hương chấp nhận thân phận làm lẻ cho người đàn ông đáng tuổi cha mình với điều kiện sinh được con trai; người vợ những tưởng được bình yên bên người chồng trí thức và đứa con ngoan, nhưng chị đâu ngờ sóng gió đang chờ đợi phía trước, khi người chồng lén lút quan hệ với người đàn bà khác. Họ là những phận đời nổi nênh, trớ trêu trên chuyến tàu vô định, mất phương hướng, không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước, chắc chắn họ hiểu hơn ai hết, dù có tìm được bến đỗ, song cuộc đời chẳng bao giờ bình yên.
Có thể nói, thế giới bé mọn của đàn bà trong truyện ngắn Nguyễn Thị Lê Na gần gũi, thân thuộc, song chứa đầy nỗi lòng và tấn bi kịch tâm hồn. Ở đó không thiếu những biến cố, những định mệnh, những phận người; nhưng trên tất cả, tình người, trách nhiệm, vị tha, hi sinh… đã neo giữ họ và hóa giải những nỗi đau, dù không phải lúc nào cũng vẹn tròn, tươi đẹp. Một cái nhìn nhân văn, sâu sắc và đầy xúc động của Lê Na dành cho thế giới đàn bà. Đó thực sự là một cuộc hành trình lôi cuốn, bất tận và để lại nhiều dư vị đắng – ngọt trong lòng người đọc.
Tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na
Nhân vị đàn bà
Có thể thấy, nhân vật nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na luôn sống trong thời gian hai chiều và bị bủa vây bởi những huyền thoại về mẫu, vai trò nội tướng, tiết hạnh, tứ đức, hi sinh. Truyền thống và hiện đại với những giá trị hiện hữu hay vô hình, công khai hay ngầm ẩn, khi va chạm đời thực vốn ngẫu nhiên, trớ trêu, bất trắc, khiến những người đàn bà trong truyện ngắn của chị luôn phải phân thân, đối thoại. Những câu hỏi luôn vang lên trong tâm thức họ: “tôi là ai?”, “đâu là ý nghĩa tồn tại của tôi?”, “tôi có thể lựa chọn gì?”, “giới hạn nào dành cho tôi?”… Có thể nói, ngòi bút nhạy cảm, tinh tế của Lê Na đã chạm vào những khắc khoải, suy tư, gọi về từng giây phút khát khao, đam mê trong tâm hồn và khát khao đời người. Chị đã đặt các nhân vật của mình vào nhiều tình huống buộc họ phải lựa chọn, quyết định, có khi là sự đánh đổi, giải thoát. Mỗi truyện ngắn trong Đắng ngọt đàn bà chính là bản khảo trạng nội tâm nhằm xác lập nhân vị đàn bà trong thế giới ngự trị của đàn ông và những huyền thoại mẫu hệ hiện hữu từ bao đời.
Vy trong Nước mắt đàn ông luôn tâm niệm “niềm vui và hạnh phúc của cô ẩn chứa trong mỗi bước thành đạt của chồng và hai đứa con ngoan hiền”, “đồng cam cộng khổ nuôi dạy con cái, âm thầm hi sinh những ước muốn cá nhân”, “tuổi trẻ và sắc đẹp của cô đã hi sinh cho hai đứa con yêu quý”. Chị đã vượt qua được cám dỗ và rung động thời thiếu nữ đã qua để trở về vẹn nguyên với thiên chức của người vợ đức hạnh. Song đây cũng là lúc, chị phát hiện chồng ngoại tình với người đàn bà trẻ, đẹp hơn. Dù đau khổ, tuyệt vọng, nhưng bản năng đàn bà mách bảo dù chồng có làm điều gì tội lỗi đi chăng nữa thì chị vẫn cố giữ cho bằng được gia đình mình. Chị sẵn sàng tha thứ và cho chồng cơ hội sửa chữa. Thế nhưng chồng chị lại lộ diện là người đàn ông giả tạo, nhu nhược, khiến chị đi đến quyết định buông bỏ. Sinh trong truyện ngắn cùng tên chấp nhận mọi thua thiệt, tủi phận để làm tròn bổn phận với gia đình chồng. Và rồi khi biết chồng lén lút quan hệ mờ ám với Thắm, chị thất vọng và ra đi. Hay “chị” trong Cơn bão dựng lên hàng rào barie mang tên đức hạnh, phẩm tiết, bổn phận, trách nhiệm để ngăn cản những phút xao lòng, những cơn “say nắng”, những cám dỗ ngọt ngào của tình ái. Song, cái chị nhận được là sự nghi ngờ và thiếu tôn trọng của Phan – chồng chị, khi anh bí mật xét nghiệm ADN đứa con trai của mình với vợ.
Rõ ràng, nguồn cơn của tấn bi kịch không hẳn đến từ người đàn bà, bởi bằng bản lĩnh, sức mạnh, niềm tin, họ đã vượt qua tất cả những nguy cơ có thể dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Họ sẵn sàng tha thứ, chấp nhận hi sinh, chịu sự thua thiệt để giữ sự bình yên trong gia đình. Thế nhưng, người đàn ông mà họ ngưỡng vọng, chăm sóc không xứng đáng với sự hi sinh của họ. Một khi những giá trị về tình yêu, niềm tin, hi sinh, tiết hạnh… không được tôn trọng và tin tưởng như một thứ văn hóa căn cốt để duy trì bất kì mối quan hệ nào, nhất là trong tình yêu và hôn nhân, chính họ dù không muốn đành phải nổi loạn, từ bỏ, giải thoát. Hành động kiêu hãnh, quyết liệt viết đơn li dị của Vy, “chị”, hay sự ra đi của Sinh không đơn thuần là sự bỏ cuộc, trốn chạy, hay phản kháng, nổi loạn mà đó là cách họ giải thoát cho chính mình, giữ lấy cái nhân vị đàn bà, để được sống là chính mình. Rõ ràng, người đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, họ luôn tôn thờ những giá trị thiêng liêng của tình yêu, hôn nhân, gia đình; song cũng sẵn sàng dứt bỏ, khước từ một khi người đàn ông không xứng đáng. Âm thầm và quyết liệt, nhẹ nhàng và sâu sắc, những câu chuyện của Nguyễn Thị Lê Na là tiếng nói mạnh mẽ thể hiện niềm kiêu hãnh giới.
Truyện ngắn của Lê Na đã phác họa chân thực hình ảnh người đàn ông bất toàn. Họ bắt người phụ nữ chứng minh tình yêu của mình bằng những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn trong vô vọng, để rồi bỏ rơi họ trong khốn khổ (Lụa); coi người phụ nữ chỉ là cuộc chơi qua đường, gieo đủ thứ niềm tin và hi vọng vào tương lai, cuối cùng bội bạc, chối bỏ trách nhiệm khiến họ lỡ làng đời con gái (Mùa cà phê hoa trắng); chiếm đoạt người phụ nữ đã có gia đình, đẩy họ vào tội phản bội chồng chỉ để kiếm đứa con trai nối dõi tông đường (Nước mắt đàn ông…); không biết trân trọng và tin tưởng vào tình yêu, ích kỉ chạy theo địa vị, danh vọng, tiền tài, khiến người đàn bà một đời dở dang (Cầu vồng sau mưa); lợi dụng sự tận tụy và lòng chung thủy của vợ để thỏa mãn ham muốn nhục dục (Sinh); thiếu trân trọng và tin tưởng vào đức hạnh của vợ (Cơn bão). Nguyễn Thị Lê Na đã xây dựng hai hình ảnh gần như tương phản nhau, một bên là những người đàn bà dằn vặt, đau khổ, xấu hổ khi nghĩ đến chuyện phản bội chồng (dù trong thực tế họ chưa một lần dám “vượt rào”); còn bên kia là những người đàn ông mặc nhiên, bình thản ngoại tình, và đánh mất sự tôn trọng cần có nơi người đàn bà. Dù cuộc đời trớ trêu, có rơi vào bi kịch hay bất hạnh, song người đàn bà trong truyện ngắn của Lê Na luôn khẳng định được cái tôi mạnh mẽ, bản lĩnh của mình. Họ sẵn sàng dấn thân, nổi loạn và giải thoát cho chính mình; khước từ cuộc sống tình cảm giả tạo để được sống với chính bản thể; khẳng định niềm kiêu hãnh giữa sự áp chế của văn hóa truyền thống, đặc biệt sự thống trị của đàn ông.
Nhân vị đàn bà trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Lê Na còn được khẳng định qua sự dấn thân, truy tìm bản ngã, sẵn sàng sống vì đam mê, không phụ thuộc vào đàn ông. Seo trong Vùng rừng sáng đã chối từ cuộc sống hưởng thụ, giàu sang, nhung lụa bên người chồng sắp cưới để theo đuổi đam mê của mình. Cô đã đối thoại lại với diễn ngôn về đàn bà của Pak: “Hóa ra, đàn bà chỉ để đẻ thôi sao? Em đi học để làm gì? Em say mê nghiên cứu để làm gì? Em cũng có những đam mê của em chứ”. Những bí ẩn diệu kì của thiên nhiên hoang dã đã lôi cuốn Seo, và đó cũng là hành trình cô trở về với cội nguồn, mang theo dự định chưa kịp thực hiện của mẹ, đi tìm linh hồn người cha đang lẩn khuất giữa núi rừng thăm thẳm của đất nước hình chữ S. Đó thật sự là hành trình trưởng thành và trải nghiệm của Seo, nơi cô phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, sự thiếu thốn trong sinh hoạt; nhưng trên tất cả, cô lại được sống trong tình yêu thương chất phác, chân thành, sự bao dung, diệu kỳ của người mẹ thiên nhiên vĩ đại.
Nhân vị đàn bà còn được thể hiện qua sự đồng cảm, sẻ chia với những phận người không may mắn trong cuộc sống. Đó là hình ảnh của Mai trong Tiếng sáo người hát rong. Số phận của người cha hát rong nuôi hai con tật nguyền đã khiến cô động lòng trắc ẩn. Vượt qua những định kiến, với bản năng che chở, chăm sóc, Mai không những sẻ chia, đồng cảm với hoàn cảnh trớ trêu của người hát rong, mà còn đi đến quyết định sẽ gắn bó với ba cha con trong hành trình ra nước ngoài chữa bệnh (và rất có thể cả cuộc đời còn lại của mình). Đó không phải là một quyết định bồng bột, tình cảm nhất thời, mà chính là một sự lựa chọn đầy tình người của cô. Tình yêu của Mai chính là sự cứu rỗi, hóa giải nỗi đau bị phản bội nơi Điền, thắp lên niềm hi vọng nơi hai đứa trẻ tật nguyền đáng thương. Và chắc chắn rằng, cuộc sống của Mai và ba cha con người hát rong sẽ thay đổi, bởi Mai tìm được ý nghĩa sống của đời mình, và ba mảnh đời khốn khổ kia thấy được ánh sáng, niềm tin nơi cuộc sống trước mặt.
11 truyện ngắn trong tập Đắng ngọt đàn bà đã mở ra những góc khuất khác nhau trong cuộc đời người đàn bà. Đó là một thế giới đa sắc màu, nhiều hương vị, giàu cảm xúc được đan dệt bởi tình yêu, sự bao dung, vị tha, đức hi sinh, và cả sự dấn thân, quyết liệt của thiên tính nữ vĩnh hằng. Nguyễn Thị Lê Na bằng trải nghiệm của một người đàn bà cùng sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ đã đón bắt và phơi trải từng góc cạnh nhỏ nhất trong cuộc đời và tâm hồn người phụ nữ. Bằng tài năng, sự thấu cảm của mình, Nguyễn Thị Lê Na đã mang đến cho độc giả những trang viết xúc động, giàu nhân bản. Dường như đó không phải là câu chuyện của riêng ai, và truyện ngắn của chị đã vượt qua những điều thường nhật, nhỏ bé, để chạm tới những vấn đề có tầm phổ quát về nhân sinh, nhân tính và nhân vị. Đắng ngọt đàn bà xứng đáng dự phần vào dòng văn học mang âm hưởng nữ quyền đang trỗi dậy mạnh mẽ trong đời sống văn học Việt Nam đương đại.
24/5/2022
Nguyễn Văn Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...