Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

A Sửu, Tấm và Xao xác tiếng gọi bầy

A Sửu, Tấm và
Xao xác tiếng gọi bầy

Những ngọn gió khô ran cứ thổi ào ào, dường như muốn cuốn đi tất cả sự ấm êm, hạnh phúc một thời mà chúng tôi đã có. Má tôi vẫn thế, vẫn lặng lẽ ngồi nơi bộ ván giữa nhà nhìn theo bóng tía dần dần khuất dạng. Má vẫn vậy, vẫn thản nhiên không nói một lời, chỉ có đôi mắt nói lên tất cả.
Nhà giáo Trương Văn
A SỬU
 
Ảnh tên A Sửu, khoảng 36 tuổi. Khuôn mặt không được đẹp nhưng được cái hiền. Cả cái xóm ở đầu cồn này dù chỉ hơn chục nóc nhà, nhưng từ đứa con nít đến cả mấy người lớn tuổi không ai mà không biết ảnh. Không phải là dân gốc ở đây nhưng do duyên số, qua mai mối và hiển nhiên ảnh trở thành rể ở cái xứ này. Hôn nhân xuyên quốc gia bao giờ cũng là cái tiêu điểm cho người ta xầm xì, bàn tán nhất là ở những vùng quê hun hút xa như cái xóm này.
Hôm bữa đám cưới người thì ý này, người thì ý kia, thậm chí có người còn tưởng tượng ra cái cảnh cưới xong rước về bên đó cô dâu sẽ bị bán vào mấy cái lò mổ lấy nội tạng. Chẳng biết bên đàng gái có lo sợ hay không chứ với A Sửu thì cứ cười cười, cái cười có chút gì đó hơi ngây ngô. Ừ, mà sao không cười được khi ảnh cưới được một cô vợ vừa trẻ lại vừa đẹp. Không biết sung sướng đến cở nào mà ngay tấm hình cưới to đùng được đặt ngay trước cổng rạp cưới, ảnh ôm eo vợ mình mà cười đến híp măt,vẫn thấy có chút gì đó ngây ngô.
Những ngày đầu sống bên quê vợ, dù hơi bất đồng về ngôn ngữ nhưng người ta cũng dễ dàng nhận ra cái chân tình của ảnh. Khù khờ vậy đó mà sống có tình cảm lắm, biết để ý, quan tâm đến mọi người. Thấy mẹ vợ không được khỏe, mắt bị mờ nên hễ mỗi lần bước lên bậc thềm trước nhà bao giờ ảnh cũng chạy đến đỡ. Không thấy vợ chút xíu thôi thì chạy kiếm rồi bập bẹ hỏi mẹ: Mẹ, a…vợ..con..đâu rồi? Thiệt thấy thương! Rồi cái ngày phải rước cô dâu về nhà ảnh. Thấy cái cảnh bịn rịn giữa những người trong gia đình, nhất là mẹ vợ. Chỉ mới vào sảnh của sân bay thôi mà mắt mẹ cứ đỏ hoe, chân tay luống cuống. Ảnh hiểu chứ bởi vì dù gì cũng chỉ có một mẹ một con. Ảnh đến gần rồi nắm lấy đôi tay gân guốc của mẹ rồi lại bập bẹ: ba..tháng..nữa..con..đưa..vợ..con..về!
Mà thiệt đúng ba tháng sau ảnh với vợ lại về. Cái ngày tiển đi ai cũng buồn xao xác, đến ngày rước về thì lại vui lâng lâng. Ừ, sao mà không vui được khi những lời bàn tán, những lời xầm xì trước đây của bà con lối xóm, một thời là nỗi lo, giờ con gái trở về vẫn lành lặn, vẫn tươi trẻ, nhưng nếu để ý chút xíu sẽ thấy A Sửu có chút buồn buồn.
Mấy hôm rày trên zalo của A Sửu xuất hiện mấy cái status buồn. Nếu những nỗi buồn ấy là vu vơ, là nhớ nhà, là nhớ cha, nhớ mẹ thì không nói đằng này lại mấy cái chuyện có liên quan đến hôn nhân. Từ cái chuyện bạn ảnh cũng cưới vợ ở Việt nam, mới sinh con, ảnh thèm khát không biết bao giờ ảnh cũng được như vậy! Cho đến cái cảm giác có vợ rồi mà lúc nào cũng lẻ loi, một mình ngay cả ngày lễ tình nhân. Thấy ảnh buồn tôi cũng hay hỏi han. Cũng dễ dàng vì tôi có thể giao tiếp với ảnh. Càng tiếp xúc tôi càng nhận ra ảnh thiệt là đáng thương.
Thật ra, suốt khoảng thời gian cưới nhau, dù chưa đầy một năm nhưng ảnh đã phải chịu đựng bao nhiêu thiệt thòi. Hôn nhân xuyên quốc gia không đơn giản như ảnh từng nghĩ, thậm chí tìm đúng một người vợ thật sự yêu thương, thật sự quan tâm nhau cũng không dễ dàng gì. Ảnh vẫn sống tình cảm, có trách nhiệm thế nhưng chỉ nhận lại là sự thờ ơ, lạnh nhạt. Có lần ngồi ăn cơm mà nước mắt cứ chảy, hỏi tại sao khóc ảnh nói cũng bằng cái giọng bập bẹ: người ta có gia đình thì vợ chồng cùng sống với nhau vui vẻ, còn ảnh cũng có vợ rồi sao cứ mãi lạc lõng, bơ vơ như thế này dù rằng ảnh đâu có làm gì sai quấy, có chăng ảnh chỉ hiền lành, ít nói quá thôi!
Hôm qua tôi có nhận được tin nhắn từ A Sửu. Ảnh cho biết cuối cùng thì mọi chuyện cũng đã kết thúc. Trong cái tin nhắn ảnh có đề cập ảnh không buồn dù rằng đã tốn kém không ít cho cho cuộc hôn nhân may mối này, nhưng ảnh buồn và hụt hẫng vì người ảnh đã yêu thương. Phải chi ngay từ đầu không chịu ảnh thì thôi, cớ gì đã cưới nhau về thành vợ thành chồng mà cứ mỗi lần ngủ phải nằm quay đầu, thậm chí còn có cái gối ôm để chính giữa?
Có lẽ đó là sự thất bại lớn nhất trong đời của mình. Ảnh cũng vui dù chỉ sống ở đây khoảng thời gian ngắn thôi nhưng cũng được mọi người quý mến. Ảnh sẽ luôn nhớ. Đọc những dòng tin ảnh gửi, tôi nghe có chút gì đó xốn xang, bởi trong cuộc hôn nhân này tôi cũng có phần vun vén. Thôi thì, chắc là duyên chưa đủ nên cái kết cuộc mang cái hơi huốm buồn. Dù gì thì cũng giải thoát cho cả hai. Chỉ gửi lời động viên đến ảnh, ăn ở hiền lành chắc sau này sẽ gặp một người con gái khác, thật lòng yêu thương, sẽ sớm tìm được một hạnh phúc thật sự.
Hãy bắt đầu bằng một cuộc sống mới đầy may mắn A Sửu nhé!!!
TẤM
 
Nhỏ tên Tấm, cái tên hiền lành giống như nhân vật trong truyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Cũng như bao nhiêu đứa con gái ở xứ cù lao này, Tấm được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy gian khó nhưng cũng rất đỗi anh hùng. May mắn hơn bạn bè trang lứa, Tấm được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ cho ăn học thành người dù cuộc sống vô cùng lam lũ. Tốt nghiệp đại học sư phạm Tấm trở về quê công tác. Sau đó không lâu Tấm kết hôn với người cũng cùng quê. Đó là một anh chàng cao, to rất dễ nhìn, cũng công tác cùng huyện.
Nghe tụi bạn cùng thời đại học kháo nhau rằng mối tình của cặp đôi này cũng thuộc dạng lãng mạn lắm. Nàng không biết chạy xe nên chàng luôn túc trực là tài xế mỗi ngày. Hôm bữa đám cưới nhìn họ đẹp đôi ai cũng mừng vui ra mặt. Sống với nhau cũng đã hai mặt con, vừa có nếp vừa có tẻ thì còn gì sướng bằng. Mỗi ngày Tấm vẫn được chồng đưa đến trường rồi tan sở lại đến cổng trường đợi rước về. Mấy cô bạn đồng nghiệp trong trường cứ trầm trồ, xuýt xoa, Tấm thiệt là có phước.
Bẳng đi một thời gian cũng khá lâu người ta ít thấy Tấm được chồng chở đi dạy. Nghe đâu vì lý do gì đó mà chồng Tấm bị chuyển công tác. Người ta cũng chẳng bận tâm nhiều cho đến thời gian sau này. Mỗi ngày Tấm đến lớp với khuôn mặt tiều tụy hơn. Cặp mắt lúc nào cũng thâm quầng nguyên nhân là do mất ngủ. Bạn bè cũng hỏi han nhưng Tấm vẫn không chia sẻ. Cũng có thông tin xầm xì về người đàn ông đã thay đổi. Tấm mỗi ngày gần như thay đổi nhiều hơn, từ một cô Tấm vui vẻ, hòa đồng, chân chất nhưng giờ lại lủi thủi một mình, đi đi, về về rất lặng lẽ. Có lẽ sức chịu đựng đến một mức độ nào đó khi không còn sức chứa nữa sẽ vỡ ra và cuối cùng thì cái cuộc hôn nhân mà bao nhiêu người thèm thuồng mơ ước, giờ lại có một kết thúc thật buồn chỉ vì sự bội bạc của người đàn ông.
Bây giờ mỗi ngày Tấm vẫn đến trường bằng chiếc xe đạp điện mà cô đã dành thời gian tập chạy. Vẫn còn phảng phất đâu đó cái nỗi buồn nhưng một điều ai cũng nhận thấy ở cô đó là Tấm có sức sống hơn. Có lẽ cô đã nhận ra rằng một khi người ta đã cạn tình cạn nghĩa với mình rồi thì có muốn níu kéo gì đi chăng cũng chẳng được gì dẫu rằng Tấm là người hoàn toàn không có lỗi. Thôi thì ai làm gì sai để tự lương tâm người đó tự soi lại, còn với Tấm, tất cả hãy sống vì con Tấm nhé!!!
XAO XÁC TIẾNG GỌI BẦY
 
Cứ hễ mỗi lần nghe tiếng kêu xao xác gọi bầy của bọn le le trong mùa nước nổi là lòng tôi lại bồn chồn, khắc khoải. Không hiểu sao tôi lại muốn ra ngay cái gò đất cao nơi cuối bãi, cứ ngồi ì ra đó rồi thả cặp mắt nhìn về phía cù lao để rồi lòng nặng trĩu. Tụi nhỏ trong cái xóm trọ này đâu biết sự tình như thế nào, cứ luôn xầm xì, bàn tán, đôi khi lọt vào tai nghe vừa buồn cười vừa nghe lòng rưng rưng.
Cũng hơn nửa đời người rồi chứ còn trẻ nhỏ gì cho cam, vậy mà vẫn thế, vẫn hy sinh cả đời mình cho những người má yêu má thương. Thời thanh xuân của má đã khỏa lên tất cả sự đầy đủ của tía con tôi. Cuộc sống còn khó khăn nên má càng vất vả. Những bữa cơm gia đình thật đầm ấm lúc nào cũng đầy đủ thức ăn. Má biết tía ưa món cải chua chấm nước cá rô kho tô nên lúc nào trong nhà cũng có một hủ bự. Con Đẹt thích ăn cá nhưng lại sợ mắc xương nên má thường rỉa cho nó. Rồi cả tôi nữa chứ, cứ mỗi lần đi học về, chỉ vừa bước vào nhà là đã nghe mùi thơm từ nồi mắm kho má nấu. Đám bông súng ở cái mương trước cửa, mớ rau đắng mọc tràn lan nơi sau nhà, rồi thêm mấy chùm bông điên điển vàng hoe đã khiến cho thằng con trai mê ăn như tôi cứ ôm lưng má mà hun lấy hun để như thầm cảm ơn một người má tuyệt vời.
Ngày tía bỏ má con tôi ra đi cũng là một ngày đầy gió. Tôi không sao quên được đó là những ngày đầu của tháng mười. Những ngọn gió khô ran cứ thổi ào ào, dường như muốn cuốn đi tất cả sự ấm êm, hạnh phúc một thời mà chúng tôi đã có. Má tôi vẫn thế, vẫn lặng lẽ ngồi nơi bộ ván giữa nhà nhìn theo bóng tía dần dần khuất dạng. Má vẫn vậy, vẫn thản nhiên không nói một lời, chỉ có đôi mắt nói lên tất cả. Tôi lúc đó cũng hiểu được phần nào nên thấu cảm với nỗi đau của má. Phụ nữ mà ai cũng vậy, sẽ rất đau khi mà mỗi ngày ra vào chạm mặt nhau, ngồi ăn cùng bàn, tối ngủ chung một giường vậy mà cái hồn thì lại để một nơi nào đó, dành cho một chổ khác. Đau lắm chứ!
Cũng cái dáng nhỏ liêu xiêu tôi đứng dậy bước về phòng. Phía bên kia sông nơi đám ô rô mọc đầy, lũ le le gọi bầy lại kêu lên xao xác. Trăng lúc này cũng bắt đầu lơ lững trên mấy chòm cây…
16/6/2023
Trương Văn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...