Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Sắc màu thơ Nguyễn Mỹ

Sắc màu thơ Nguyễn Mỹ

Nói đến nhà thơ Nguyễn Mỹ (An Nghiệp, Tuy An, Phú Yên), người ta nghĩ ngay đến nhà thơ của những sắc màu. Sắc màu ám ảnh trong anh và giúp anh thai nghén nên thi phẩm nổi tiếng “Cuộc chia ly màu đỏ” lừng lẫy trên văn đàn trong những tháng năm đánh Mỹ và đến tận ngày nay.
Nhà thơ Nguyễn Mỹ (1935 – 1971) và thủ bút.
Màu đỏ
Màu đỏ ngự trị trong thơ Nguyễn Mỹ tạo nên dáng dấp riêng, rất Nguyễn Mỹ, khó có thể lẫn lộn với bất cứ nhà thơ nào khác. Anh sử dụng màu đỏ rất đa dạng, phong phú, sinh động. Đó là màu đỏ của những chùm hoa đỏ, cành hoa đỏ, nhành hoa lửa đỏ, bông hoa chuối đỏ tươi, đồi đất đỏ, cà phê chín đỏ, hòn Yến đỏ, hòn Đồn đỏ rực, ông sao đỏ, đỏ màu môi con gái, cô áo đỏ, cờ đỏ, lửa đỏ, chói ngời sắc đỏ…. Khi thì kết hợp với lửa, với đỏ, với tím như: lửa hồng, tím hồng, đỏ hồng, hồng ngọc, hồng thắm…
Đặc biệt, Nguyễn Mỹ đã dùng hình ảnh lửa thay sắc màu đỏ rất linh hoạt, tài tình, đem lại hiệu quả thẩm mĩ cao, như: rực như than lửa, ấm lửa sau lưng, tuyến lửa, chớp lửa, đốm lửa, hòn lửa, hoa lửa đỏ, hoa lửa công đồn… Nguyễn Mỹ sử dụng màu đỏ bên cạnh nghĩa thực là nghĩa biểu trưng: Cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ, cái màu đỏ ấy, nghĩa là màu đỏ ấy theo đi.
Nguyễn Mỹ vừa kế thừa màu đỏ truyền thống, vừa thể hiện cách nhìn, cách cảm của riêng mình. Màu đỏ trong thơ anh là màu cờ, màu tượng trưng cho lý tưởng cộng sản, cho cách mạng, màu của niềm tin, hạnh phúc, chiến công, chiến thắng:
“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy/ Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/ Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/ Một làng xa giữa đêm gió rét …/ Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi / Như không hề có cuộc chia ly.”(Cuộc chia ly màu đỏ)
Anh còn sử dụng màu đỏ dành cho tình yêu say đắm, nồng nàn, lòng thủy chung son sắt, tình bạn thắm thiết. Chính biết đưa cái thần đỏ vào cuộc chia ly của thời có một không hai ấy trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc mà bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ ngay từ khi mới ra đời, đến nay, đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận và đã làm rung động trái tim, bao thế hệ. Màu đỏ xuyên suốt, nổi bật từ đầu đến cuối bài thơ. Màu đỏ cuốn hút người đọc ngay từ câu mở bài: “Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng”. Chính do nghĩa biểu trưng của màu đỏ, màu lý tưởng, màu tươi sáng nên hình ảnh đau buồn, bi lụy, cái thường có của cuộc chia ly bị nén lại nhường chỗ cho niềm tin và hy vọng.
Cái độc đáo của bài thơ là trên nền màu đỏ, tác giả như một họa sĩ bậc thầy khéo chọn pha các màu khác, khiến cho bức tranh chia ly trở nên sống động, lạ thường. Đó là gam màu xanh của vườn cây, ánh nắng màu vàng, lại điểm thêm màu rực rỡ vườn hoa, một vài chấm phá bông hoa đỏ. Trong khung cảnh ấy, cô gái tiễn đưa chồng ra trận là hình ảnh trung tâm cùng với chiếc nón trắng, càng làm bức tranh có hồn, mang giá trị thẩm mĩ cao. Điều này khẳng định tài năng pha màu độc đáo của Nguyễn Mỹ.
Màu đỏ sẽ không còn là màu thực nữa mà được nâng lên thành màu của tình yêu, của lòng thủy chung son sắt, và chung qui lại là màu của lý tưởng, màu cách mạng. Nguyễn Mỹ chọn màu đỏ diễn tả cuộc chia ly phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nó gắn liền với quan niệm người chiến sĩ cộng sản, của cái tôi cộng đồng mang tính sử thi. Đó là cuộc chia ly lý tưởng, mà có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam chưa có thời đại nào như thế. Đó chính là nét độc đáo, tài hoa của Nguyễn Mỹ.
Màu xanh
Nếu màu đỏ là “anh cả” thì màu xanh là “anh hai” trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Mỹ. Ta bắt gặp màu xanh khá đa dạng, phong phú, sinh động với những cây si xanh, cành xanh, đồng xanh, làng xanh, bát nước chè xanh, rêu xanh, cỏ xanh, núi xanh, bãi cỏ xanh, tre xanh, dừa xanh, lúa xanh, ánh trăng xanh, trời xanh, nóc vòm xanh, chiến khu xanh, vùng xanh, mắt đẹp màu xanh, da xanh….Khía cạnh khác của màu xanh: tuổi xanh, mái đầu xanh, mồ xanh, giấc mơ xanh, tuổi thanh xuân, sắc lục, vầng dương chói lọi, thung biếc… Về tính chất xanh thì có: xanh mênh mông, xanh bát ngát, xanh mượt, xanh mét, xanh đậm, xanh thẳm, xanh ngăn ngắt, tái xanh…
Màu xanh trong thơ Nguyễn Mỹ còn mang ý nghĩa biểu trưng. Đó là màu xanh của hòa bình, hy vọng, được anh gửi gấm vào hình ảnh các anh phi công trẻ tuổi giữ bầu trời Tổ quốc “Có phải anh trên bầu trời hòa bình xanh thắm/ Đã biến những “con ma” Mỹ thành những đóm lửa ma trơi”(Lời chào gửi các phi công trẻ tuổi Việt Nam). Do quan niệm màu xanh hòa bình nên anh đã có những câu thơ với những hình ảnh sáng tạo, đậm đặc màu xanh tượng trưng: “Hãy diệt chúng ngay từ cổng trời xanh!”(Lời chào gửi các phi công trẻ tuổi Việt Nam) hay: “Trên nóc hầm bình thản ngắm trời xanh” (Tôi không ngớt nghĩ về em và tôi thấy). Màu xanh hòa bình, sự sống được anh dùng đối lập với lửa dữ chỉ kẻ thù đã gây ấn tượng mạnh. Dùng từ “Sắc lục” thay cho màu xanh thật độc đáo, bất ngờ tạo hiệu quả cao, rất có ấn tượng: “Anh nghe ấm hơi người trong sắc lục/ Anh đuổi theo những vần thơ đang hát về em”. (Hơi ấm đường rừng).
Màu xanh còn là niềm hy vọng, niềm tin đã được khẳng định trong bài “Lúa sớm”: “Người lính trẻ ra, ngẩng mặt, cất cao đầu/ Lội giữa màu xanh, chứa chan hy vọng”. Hay: “Hẹn một mùa xanh như lòng ta mong ước/ Trên xác quân thù đỏ chiến công/ Mưa làm hạt trong tay ta gieo vãi/ Đồng bắc đồng Nam xanh mênh mông” (Khúc hát tháng Năm). Ta còn gặp màu xanh của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân trong thơ anh: “Hoa rơi trên mái đầu xanh” (Hoa khế nở), hay: “Làm đường băng của tuổi thanh xuân” (Đường Hồ Gươm với những chiếc xe lăn). Độc đáo và mới lạ hơn, Nguyễn Mỹ dùng màu xanh diễn tả một kiếp cây nhưng cũng là một kiếp người trong cuộc chiến đẫm máu: “Một kiếp cây đã hết tuổi xanh rồi” (Hơi ấm đường rừng).
Giống như màu đỏ, màu xanh trong thơ anh còn là màu chiến thắng :“Từ những chiến thắng làm xanh thêm mặt đất dưới chân ta/ Ta đã bay lên cài giữa ngực trời chiến công đầu như vầng dương chói lọi” (Lời chào gửi các phi công trẻ tuổi Việt Nam). Anh lại dùng màu xanh đối lập với màu lửa để nói lên niềm khát khao hòa bình, quyết bảo vệ quê hương đất nước : “Kìa! những làng quê bị thiêu trong lửa dữ / Chuối theo người đi giữ màu xanh” (Hoa chuối Việt Nam và bầy quạ Mỹ).
Màu tím
Màu tím hiện diện trong thơ Nguyễn Mỹ không nhiều bằng màu đỏ, màu xanh, màu trắng thậm chí màu vàng, nhưng lại được nhà thơ ưu ái, dành một chỗ đứng xứng đáng như một đứa “em út”, để cùng với các anh cả là màu đỏ, anh kề là màu xanh, thành một chân kiền như có người nói hợp xướng của ba màu: đỏ- xanh- tím. Đặc biệt, khác với màu đỏ, màu tím trở thành hình tượng nghệ thuật, được diễn tả độc nhất niềm thương, nỗi nhớ với người yêu và người thân.
Những sự vật gắn với màu tím được Nguyễn Mỹ chọn lọc là những sự vật đẹp, có tính ước lệ tượng trưng : Hoa cúc tím, trời thu ửng tím, hoa sim nở tím, hoa chuối chín hồng, ăn trầu tím miệng, màu bông tím ngắt, chùm hoa tím, hoa tím rơi rơi… Từ sự vật cụ thể đó, tác giả đã khái quát thành màu tím của tình yêu. Ở bài thơ “Hoa cúc tím”, nhân vật trữ tình có thể gửi gấm trọn tình cảm vào em yêu: “Anh lang bạt đi tìm. Anh từ dạo ấy/ Ở trong đất và trong nước chảy/ Nghe nới mình có chút niềm vui/ Gửi cho hoa cúc tím ở trong đời” (Hoa cúc tím) hoặc “Từ vườn xoan anh băng qua vườn khế/ Lên đồi sim rồi lại xuống ruộng cà/ Đâu cũng tím một trời thương nhớ/ Biết mấy màu tím ở trong hoa”.
Bài Rừng thu xưa được viết năm 1958, với một tứ thơ khá lạ. Mở đầu bài thơ là hình ảnh một loài hoa quen thuộc, gần gũi ở quê nhà mà mang sắc màu tím: “Mưa thu mát đất/ Lú búp bông giờ / Lòng nghe rạo rực / Màu bông tím ngát”. Từ hình ảnh cụ thể đó, tác giả khái quát màu tím đặc trưng để gửi trọn tình cảm thủy chung, thương nhớ trải dài theo năm tháng:
“Mùa tím trâm, mùa đất lú bông giờ/ Mùa yêu đương/ Mùa thương nhớ đợi chờ…/ Trời sát lại/ nhưng rừng xưa xa hút/ Tai nghiêng lắng giọt mưa thu thánh thót/ Chảy tràn trề tím đất nhớ thương” (Rừng thu xưa)
Ngoài màu tím dành cho tình yêu, tác giả dành màu tím cho người thân ruột thịt của mình. Nhớ về người thân ở quê nhà, mà trước hết là cha mẹ, anh em ruột thịt, tác giả mượn hình ảnh cây khế để gửi gắm nỗi nhớ của mình: “Có người lýnh miền Nam trên đất Bắc/ Bổng nổi buồn thức giấc mênh mông/ Xam xám trời thu ửng tím một vùng/ Hoa khế nở/ reo vang/ Lời gợi nhớ” (Hoa khế nở).
Năm tháng rồi sẽ qua đi, cuộc sống có thể biến thiên, thăng trầm, con người sẽ có cái nhìn khác nhau về quá khứ của dân tộc, song nói đến cuộc chia ly trong kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, người ta không thể không nhắc đến thi sĩ Nguyễn Mỹ. Nhớ đến anh, người ta nghĩ ngay đến nhà thơ của những sắc màu. Còn chúng tôi gọi anh là nhà thơ vẽ tranh bằng ngôn từ.
27/7/2023
Bùi Văn Thành
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...