Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Khoảnh khắc tình yêu trong bốn câu thơ độc đáo của nhà thơ Thiền sư Tuệ Sỹ

Khoảnh khắc tình yêu 

trong bốn câu thơ độc đáo của nhà thơ

Thiền sư Tuệ Sỹ

      Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu ngắn ngủi thôi, nhưng chỉ chừng ấy cũng đã nói lên được những điều đáng nói của nhà thơ Thiền sư Tuệ Sỹ, một người uyên thâm trong thơ ca. Nào ai ngờ một nhà sư, một trí tuệ uyên bác, thâm sâu cao vời vợi đến như thế lại có những vần thơ độc đáo:
“ Em: mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao”.
      Chúng ta thử tìm hiểu vài nét về thi nhân Tuệ Sỹ. Theo Wikipedia Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ tục danh Phạm Văn Thương sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào, ông quê tại Quảng Bình, Việt Nam, là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam. Ông hiện là Đệ nhất phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ông thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạntiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật. Ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Ðại Tự Ðiển.

   Một chút về hồn thơ, hơi thơ của Tuệ Sỹ qua 4 câu thơ này sẽ ra sao. Bài thơ bắt đầu bằng nhân vật ở ngôi thứ ba: “ Em “, mà có khi là nhân vật ngôi thứ hai biết đâu?, từ ngữ “ Em “. Vâng, tôi nói với em đấy. Không nói bằng lời mà bằng cái tâm thiền của người tu hành. Nhà thơ miêu tả người đẹp chỉ bằng mấy chữ thôi:”Em: mắt biếc, ngây thơ..”. Mắt biếc: đôi mắt là cửa sổ tâm hồn như người ta thường nói, nhưng là mắt biếc mới xinh đẹp làm sao!. Đôi mắt xanh, nhưng ở đây nó toát lên một nét tuyệt vời đích thực của đôi mắt trong tâm hồn ngây thơ, trong trắng mới giá trị làm sao!. Chỉ nhìn vào cửa sổ là thấy được cái gì ẩn sâu bên trong. Cửa sổ xanh biếc, xanh như ngọc, mở ra một tâm hồn trắng trong, ngây thơ. Ngày xưa Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều “ Làn thu thủy, nét xuân sơn. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh...” không hơn không kém vậy. Không những vậy, cái vẻ đẹp ngây thơ, nên thơ còn được xác định thêm bằng cái khung cảnh xung quanh, bằng sự nhộn nhịp, đông đảo người của một ngày hội lớn. Qua đó, nhà thơ nhận  thấy " Em" ngây thơ giữa chốn lạ lại chen chúc những người là người của mùa lễ hội năm nào. Lễ hội nào đây?. Chẳng phải Phục sinh hay mùa Giáng sinh như đạo Thiên Chúa. Không, chắc chắn là không, bởi vì thi sĩ là Thiền sư nhà Phật. Phải là lễ hội lớn ở chùa thì mắt biếc kia mới giao cảm với cái nhìn của thi nhân được. Có phải là Tết thượng nguyên không hay là lễ Phật Ðản. Không, những ngày lễ hội này vui lắm. Khi khí trời ấm áp, lòng người nô nức hân hoan để lòng mình bất chợt nẩy sinh một nỗi buồn vu vơ, hoặc bỗng dưng mà tha thiết yêu người đến như vậy. Chắc hẵn là ngày hội Vu Lan, mùa báo hiếu rồi. Lễ hội Vu lan vào rằm tháng bảy Âm lịch hằng năm. Đó là dịp vào mùa thu, gió lành lạnh, trời buồn , lòng người cũng tơ vương những nét buồn da diết. Thật là Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du vậy.
    Một ngày lễ, tuy cũng là một ngày hội lớn nhưng không rộn ràng, vui tươi như ngày xuân hoặc mùa Phật Ðản. Ngày ấy, những người con xa gia đình sẽ nhớ về cha,  về mẹ hơn và họ phải làm một điều gì đó để báo hiếu mẹ cha. Một mùa Vu Lan báo hiếu trong đạo Phật đã dạy dỗ con người lòng hiếu thảo của con cái đối với người cha, người  mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục ta. Khi những tín đồ nhà Phật tề tựu đông đảo nơi nhà Chùa cũng là lúc nhà sư sẽ dễ chạnh lòng hơn khi đối diện với thiện nam tín nữ già có, trẻ có nhất là khi gặp “ Em” , người con gái ngây thơ với tâm hồn trắng trong thì không thể nào không cảm động, cảm xúc, cảm hứng thành những vần thơ, câu thơ lai láng, trữ tình của tình yêu thương: Em: mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn”. 
   Hơn thế nữa nơi sân chùa thanh vắng hôm nao, nay đến mùa lễ hội Vu Lan những tiếng trống, tiếng chuông, tiếng mõ, những câu kinh, tiếng kệ của nhà Chùa hòa cùng tiếng nguyện cầu kinh của hàng vạn tín đồ Phật tử gần xa và những đoàn người đi viếng lễ Chùa  đang tập trung bu quanh đàn tràng đợi chờ giờ phút giành giật thực phẩm cúng cô hồn. Và rồi bỗng  dưng nổi bật giữa bốn bề của đám đông mùa lễ hội ấy, với đôi mắt ngạc nhiên quan sát, tìm hiểu quang cảnh lễ hội một cách thú vị của  một cô gái. Thế rồi một thoáng bất chợt bắt gặp nhà sư thi sĩ: Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao”. Bây giờ là nắng của ban chiều và tất nhiên cũng không còn gay gắt lắm nữa. Màu nắng trời đột nhiên lắng dịu xuống và càng không phải dịu vì nắng thu mà vì một khoé môi cười của ai đó. Thật là một  mảnh lực ghê gớm của một cô gái nhỏ mắt biếc ngây thơ!?. Khoé môi cười làm cho "nắng quái" hao gầy đi, giảm gay gắt đi. Thật cũng là điều quái dị. Trời đang nắng gắt bỗng dưng êm dịu đi khi người đẹp nở một nụ cười. Nụ cười gì đấy nhỉ và cười với ai bây giờ. Cười với bạn bè ư hay cười với người thân, cười với nhà sư thi sĩ Tuệ Sỹ ?. Ai mà biết được !. Có chăng, chỉ có  thi nhân mới cảm nhận được điều đó. Chắc có lẽ em mỉm cười để thay cho một lời chào hỏi chăng?. Nhưng cười thế nào mà nắng quái cũng gầy hao, cười thế nào mà lòng bỗng bâng khuâng, lâng lâng như gặp nàng tiên hạ giới, làm nhà sư rung động, xao xuyến  trong tâm hồn để rồi những vần  thơ “ quái “ kia bật ra từ tâm khảm: “Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn. Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao”. Chưa hết. Ngay lúc ấy, ngay ở cái quang cảnh tưng bừng của lễ hội ấy, mà tự dưng dáng em bỗng trở thành hiện thân của một con cò trắng giữa đồng xanh. Rõ ràng là em đang đứng giữa rừng người mà sao thi sĩ nhà sư lại thấy khác đi. Thấy em nổi bật lên, không phải như con cò trắng đứng giữa bầy cò đen; cũng không phải như con cò trắng đứng giữa bầy gà, bầy vịt, mà đứng giữa đồng xanh bát ngát.
Tất cả mọi người chung quanh đều mất dạng, không hiện hữu. Chỉ có một mình em áo trắng, ngây thơ, mắt biếc, đứng giữa đất trời mênh mông:” Như  cò trắng giữa đồng xanh bát ngát”. Mắt biếc, ngây thơ, trong chiếc áo dài trắng thướt tha ngày lễ hội. Nàng đang đứng lặng lẽ, nở một nụ cười, giữa đám người đông đảo, nhộn nhịp bốn bề. Ôi! đẹp làm sao hình tượng ấy gây ấn tượng trong tâm hồn thi sỹ, làm sao mà lòng khỏi bâng khuâng xao động; làm sao mà chẳng thành thơ; làm sao mà khỏi yêu được! Vì vậy: Ta yêu người...”. Cái khéo của Thiền sư Tuệ sỹ là ở đây, thi nhân biết rất rõ ranh giới giữa người đời và người đạo. Phải stop thôi, nếu không thì sẽ vượt giới hạn.Từ  từ “ Em “ chưa có chữ anh đã chuyển sang “ Ta” và “ Người “ là cả một khoảng cách khá xa. Ðừng vội nhé! hãy đọc ngang đó, ngắt ngang đó thôi. Khoan đọc tiếp mấy chữ cuối. Khoan chấm dứt bài thơ. Hãy mượn bài thơ của thi nhân để diễn tả thể cách yêu đương của riêng chúng ta:
“Em: mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn. Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao. Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát.Ta yêu người...”. Ta yêu người, chấm hết thôi sao. Rồi bắt đầu bước chân chinh phục, chiếm hữu. Bước chân đó mỗi người có một cách riêng, không cần phải nói ra. Chỉ cần: Ta yêu người, là xong. Cái trình tự thương yêu của người trần sẽ trôi đi như thế. Thấy em mắt biếc, trong trắng, dịu dàng, cười rất có duyên, nổi bật giữa đám phàm phu tục tử khác... thì phải yêu thôi!. Vâng, ta yêu người, tôi yêu cô, anh yêu em. Phải là như thế. Bài thơ của chúng ta, dù theo vần điệu và thể loại thì không muốn cắt ngang đó, tức lắm; nhưng trên thực tế đời sống thì chúng ta cắt ngang đó cái rụp, đâu có  cần suy nghĩ gì nữa. Ðẹp, có duyên như vậy thì... yêu! Là phải. Bài thơ chấm dứt, có một đoạn kết rất thực tế, rất phổ thông, rất là người. Nhưng bài thơ của nhà sư thi sĩ thì tiếp tục:

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao”. Vẫn là yêu, nhưng tình yêu đã được thăng hoa. Từ cái yêu phàm tục của thi nhân trước bức tranh tuyệt đẹp của giai nhân đã biến thành tình yêu của đạo sĩ đối với con người phàm tục trong trần gian khổ lụy này: Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao”. Lý do yêu người được khẳng định. Không phải vì cái đẹp, cái ngây thơ trong sáng, cái duyên dáng mảnh mai, thon thả của một thiên thần áo trắng, mà chính vì cái mong manh dễ tan, dễ vỡ của màu trắng ấy. Tất cả cái đẹp đều chỉ là cái đẹp trong mộng huyễn vô thường mà thôi. Nhưng cũng chính vì huyễn mộng vô thường kia mà tất cả trở nên đẹp. Bình thường, tình yêu cũng chỉ đẹp trong mộng tưởng ấy chăng. 
Tất cả đều nằm trong một khoảnh khắc chiêm bao. Một hiện tượng vừa hư vừa thực. Chính trong cái khoảnh khắc chiêm bao ấy làm đảo lộn tất cả những gì diễn ra tưởng là y hệt con người trần thế trước đó. 
Ba câu thơ đầu diễn tả cái đẹp của một nàng thơ áo trắng. Ðáng yêu quá. Trùng hợp với tâm trạng của chúng ta quá. Nhưng đến câu thứ tư, thi nhân Tuệ Sỹ bỗng giật mình đổi giọng và nói tiếng nói tỉnh thức của đạo nhân. Ðạo nhân ấy không nói "anh yêu em" như chúng ta, mà nói "Ta yêu người". Lối xưng hô của một kẻ đứng bên ngoài, bên trên, nhìn xuống cuộc đời tạm bợ, huyễn hóa. Ở câu đầu gọi bằng " Em" nghe ra ngọt sớt theo thể điệu của thi nhân, bỗng dưng đổi giọng nghiêm trang, cao vời vợi của một bậc thầy, một hành giả trên đầu ghềnh tử sinh, gọi người ta bằng " Người"! Mà " Người" ở đây, cũng chưa hẳn là chỉ riêng cho " Em" đâu. Có thể là danh từ chỉ chung chung cho mọi con người khổ lụy trầm luân nơi trần thế của cuộc đời ô trọc này. Như thế, nhìn " Em" mà thấy tất cả chính là vậy. Em sẽ là hiện thân của tất cả chúng sinh, của chiêm bao mộng mị. Ðổi xưng hô, thay cách gọi, là xoay ngược cái nhìn và thế đứng của mình trước đối tượng cuộc đời. Một khoảnh khắc đam mê, một khoảnh khắc lấp lánh, long lanh của tình thơ lai láng, lâng lâng... bất giác biến thành chiêm bao. Thi nhân dùng từ “Khoảnh khắc” hay quá. Tình yêu cũng chiêm bao. Cái đẹp cũng chiêm bao. Khoảnh khắc thơ mộng nhất, nên thơ nhất cũng chiêm bao...
    Cho nên, đừng nói rằng thi sĩ Thiền sư kia sao sắt đá, không có trái tim. Nếu không có trái tim thì làm sao cứu độ con người, cứu độ cuộc đời. Thi nhân yêu và phấn đấu thăng hoa tình yêu ấy. Thi nhân cảm nhận được cái đẹp không phải chỉ qua những hình hài cụ thể mà còn cảm nhận được cái đẹp trường cửu trong từng hiện hữu chiêm bao. Không ai yêu mà thốt nên lời thơ, tiếng ca tuyệt vời như những nhà thơ, nhưng chẳng ai yêu mà cảm nhận sâu sắc tận bản thể đối tượng yêu thương như thi sĩ Thiền sư. Tình yêu ấy bồng  bềnh như chiêm bao nhưng lại bất tử, bởi vì nó được khơi dậy từ một khoảnh khắc và được cảm nhận một cách trọn vẹn trong chính khoảnh khắc ấy. Bài thơ đẹp một cách bất ngờ, lạ lẫm của một nhà sư. Thế mới nói không biết cảm xúc về tình yêu thì không làm sao có thể có những câu thơ, lời thơ đẹp mà độc đáo đến như thế. Không siêu thoát thì cũng không làm sao có được những ý thơ thâm viễn thượng thừa  như vậy. Thật tuyệt vời. Những lúc buồn nãn hoặc tâm tư bị nhiều xáo trộn của đời sống, thậm chí bị  dìm xuống đáy vực sâu của  khổ đau, chúng ta lại nghĩ đến và có thể nói theo kiểu của nhà thơ Phùng Quán năm nào: "Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ và đứng dậy.". Đúng thế, chúng ta  có thể đọc lại bốn câu thơ của Thiền sư Tuệ Sỹ để rồi đứng dậy cho một tình yêu bất tuyệt. Thật là khoảnh khắc chiêm bao có thể cũng đồng lõa với khoảnh khắc tình yêu vậy:
“ Em: mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
   Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
   Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát
   Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao”. 
  Triều Châu 
 TP. HCM 30/4/2014



    



                                         



















1 nhận xét:

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...