Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Mùa thu trong" Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư


Mùa thu trong " Tiếng thu "của Lưu Trọng Lư


      Mỗi năm có bốn mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng có lẽ mùa thu được ghi dấu nhất trong văn, thơ, nhạc. Mùa thu Hà Nội mát mẻ và đẹp nhất trong năm. Còn  ở miền Nam thì thường chỉ có hai mùa mưa nắng thôi. Cái nắng phương Nam và mùa thu Hà Nội là hai chủ đề muôn thuở tiêu tốn biết bao giấy mực để người đời tụng ca. Nhà thơ Nguyễn Khuyến có ba bài ca tụng mùa thu nổi tiếng:” Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm ”. Thi sĩ Xuân Diệu thì với bài thơ:”Đây mùa thu tới”; Huy Cận với bài "Thu rừng"; còn thi sĩ Bùi Giáng thì tác phẩm: “ Mùa thu trong thi ca “,  “ Ơi Nha Trang mùa thu lại về” là ca khúc của nhạc sĩ Văn Ký viết về một mùa thu ở thành phố biển Nha Trang- Khánh Hòa những thập niên 70 của thế kỷ XX. Lại còn nữa một mùa thu nơi xứ xa: Mùa thu Paris “ Mùa thu không trở lại” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu:"...Mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu. Đo sầu ngập tim tôi..”. Cùng đề tài mùa thu nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc” Buồn tàn thu”, Đoàn Chuẩn- Từ Linh “ Thu quyến rũ “, hoặc nhạc sĩ Tô Vũ viết ca khúc”Tiếng chuông chiều thu”, nhạc sĩ Cung Tiến viết bài “Thu vàng“: “ Có mùa thu về tơ vàng vương vương..” “Nhặt lá vàng rơi xem màu lá còn tươi..”. Nhất là nhạc sĩ Đặng Thế Phong chỉ vỏn vẹn có ba bài hát mà cả ba ca khúc đều nổi tiếng một thời, trong thảy ba bài hát đều có tiếng thu trong đó: Đêm thu:” Đêm lắng buồn tiếng thu như thì thầm trong hàng cây trầm mơ..”;Giọt mưa thu:” Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi..; Con thuyền không bến:” Đêm nay thu sang cùng heo may..".Một mùa thu, Một tiếng mưa rơi đêm thu, Một mùa thu vàng; Một thu rừng; Một chiều thu lá vàng rơi, Một mùa thu tơ vàng; Một ánh trăng lan dịu dàng trong đêm thu hoặc Một tiếng chuông chiều thu,..Tất thảy những hình ảnh ấy gợi cho ta nhớ về những kỷ niệm với bao nỗi nhớ nhung da diết về một mùa thu tuyệt đẹp, mơ màng nơi trần thế, mà thiết nghĩ chẳng mùa nào sánh kịp bằng sự quyến rũ của mùa thu. Vâng, mùa thu khơi dậy trong ta bao nguồn cảm hứng, mùa thu gợi tình cho văn nhân, thi sĩ và nhạc sĩ sáng tác, sáng tạo nên những tác phẩm để lại cho đời. Họ đã để lại cho chúng ta những tác phẩm kiệt xuất, tuyệt vời nhất ở mọi thời đại từ cổ chí kim mà những mùa thu tuyệt đẹp đã dành riêng ban phát cho họ nguồn cảm hứng sáng tạo tận cùng, cùng tháng ngày dần trôi theo dòng thời gian. Mùa thu là mùa đẹp nhất, mà chẳng nơi đâu trên quê hương ta có được, có chăng cũng chỉ bởi vì ”Em là mùa thu Hà Nội”.


    Không tính những tác phẩm văn, thơ, nếu chỉ tính riêng lĩnh vực âm nhạc thôi thì cũng đủ lắm rồi những lời tụng ca về mùa thu Hà Nội và cũng bởi Hà Nội mùa thu đã thúc giục trong lòng người nghệ sĩ bao  mạch nguồn cảm hứng để cho chúng ta những ca khúc tuyệt vời về một mùa thu. Mùa thu Hà Nội với những nét đẹp bình dị, nồng nàn đã tạo nên những cảm xúc sâu lắng trong thi ca và chinh phục nhiều thế hệ từng gắn bó với mùa thu. Mùa thu Hà Nội rất đặc biệt, những cây bàng lá đỏ, mùi thơm của hoa sữa nồng nàn, ngát hương trên đường phố Hà Nội, nhất là đường Nguyễn Du, những mẹt cốm xanh thơm nứt trên khắp cả các nẻo đường...là những gì đặc trưng nhất làm nên một mùa thu Hà Nội. Chúng ta hình dung và hồi tưởng lại trong ký ức những ca khúc hay về mùa thu Hà Nội: “ Nhớ mùa thu Hà NộiĐoản khúc thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn; Hà Nội mùa thu của Vũ Thanh, Hà Nội mùa lá bay của Hữu Xuân; Có phải em là mùa thu Hà Nội của Trần Quang Lộc; Chiều Hà Nội của Vũ Quang Trung; Nồng nàn Hà Nội của Nguyễn Đức Cường; Im lặng đêm Hà Nội của  Phú Quang; Hoa Sữa của Hồng Đăng; Hà Nội đêm trở gió của Trọng Đài v.v....

  Tản mạn một chút thôi về một mùa thu xinh đẹp, tuyệt vời của nhân loại trên trái đất. Tất nhiên mỗi một mùa thu ở các xứ thì có lẽ chẳng khác chi nhiều lắm, vì mùa thu thường mát mẻ, dễ chịu và làm tâm hồn mình thư thái, hồn nhiên và bình yên hơn. Tí nữa lại quên mất và lạc lối đường về quê xưa. Không, nay lại phải trở về với chính chủ đề mà chúng ta đang bàn tới: Mùa thu trong“Tiếng thu“ của Lưu Trọng Lư.
    Trong cuốn thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh- Hoài Chân bình về Lưu Trọng Lư: ”Lư đang nằm trên giường xem quyển Tiếng thu bỗng ngồi dậy cười to: - A ha! Thế mà mấy bữa ni cứ tưởng...-?. Hai câu: Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh. Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi. Mấy bữa ni tôi ngâm luôn mà cứ tưởng là của Thế Lữ. Thì ra hai câu ấy của Lư! Ở đời này, ít có người lơ đãng hơn. Thi sĩ đời nay họ khôn lắm, có khi ranh nữa. Và yêu thơ, thường ta chả nên biết người; thiệt thòi cho họ và thiệt thòi ngay cho mình. Nhưng yêu thơ Lư mà quen Lư thì vô hại, vì đời Lư cũng là một bài thơ.  Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết. Giá như một ngày kia Lư có nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết ta cũng không ngạc nhiên một tí nào..” hoặc như: "..Trong thơ Lư, nếu có cả chim kêu, hoa nở, ta cũng chớ tin. Hay ta hãy tin rằng tiếng kêu kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư.Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót trên các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào...”. Đó là những lời nhận xét chân tình, mộc mạc mà sắc sảo của nhà phê bình Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam trang 289- 290, nhà xuất bản văn học năm 2012. Điều nhận xét đó lại càng phù hợp với bài thơ ”Tiếng thu“ hơn. Trở về với bài thơ“Tiếng thu” thì bài thơ vỏn vẹn có chín câu, mỗi câu năm chữ, thành ra chỉ có 45 từ thôi, được chia làm ba khổ: Khổ đầu có hai câu, khổ giữa có ba câu và khổ cuối bốn câu. Nhà thi sĩ có ý thức khi viết những khổ thơ như vậy để diễn tả một cách có nghệ thuật cái tính chất ngân nga, lan tỏa của thu thanh. Bài thơ “Tiếng thu” như một phút chợt dừng trong trường tình phiêu lưu của Lưu Trọng Lư."Tiếng thu” dội lên như một thanh âm day dứt của một thời bơ vơ xa xưa nào, và chắc hẳn còn vang vọng mãi đến bao giờ?:












Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?


Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?


Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô?

       Nhờ tính chất nhạc khá mạnh mẽ, khá ấn tượng trong "Tiếng thu” nên được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Phạm Duy, Võ Đức Thu, Lê Thương, Phan Huỳnh Điểu, Hữu Xuân...Riêng tôi thì bài thơ"Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư cũng làm cho tôi đắc ý lắm, nhưng bài thơ thì ngắn quá, chỉ 45 chữ, không sao viết đủ một ca khúc. Thế nhưng, vì yêu thích tôi đã cố gắng viết xong ca khúc "Tiếng thu" vào tháng 6/2013. 
      Bằng hình thức kết cấu cú pháp. Điệp ngữ phủ định và câu hỏi tu từ, bài thơ "Tiếng thu” đã được họ Lưu thể hiện tới toàn bích trong hơi thở thấm đẫm của văn học lãng mạn thời kỳ thơ Mới 1932-1945.


      Chủ đề Tiếng thu đã được nhà thơ thể hiện trước hết bằng từ ngữ. Chúng ta thấy xuyên suốt bài thơ là một từ “nghe” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì? . Phải chăng chúng ta đang nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ có chồng đi đánh giặc đường xa, hay nghe tiếng lá thu rơi “xào xạc” trong rừng vắng. Bằng sự tài tình sử dụng bằng thanh âm. Đó là hai câu thơ có toàn thanh bằng xuất hiện ở đầu khổ thơ thứ nhất và thứ ba: “Em không nghe rừng thu”. Ông đã sáng tạo độc đáo khi tự do viết những câu thơ ngũ ngôn có toàn thanh bằng để miêu tả tiếng thu. Đọc những câu thơ này, cùng với sự hỗ trợ của nguyên âm “u” tròn môi xuất hiện nhiều lần ở cuối câu thơ, ta như nghe được tiếng thu êm đềm, nhẹ nhàng và vang vang của tác giả. Cú pháp của bài thơ cũng góp phần biểu hiện tiếng thu. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

     Cấu trúc của bài thơ cũng được tác giả sử dụng để thể hiện chủ đề Tiếng thu. Hầu hết các bài thơ cũ và thơ mới đều được viết thành những khổ bốn câu đều đặn. Ở bài thơ này, số dòng trong mỗi khổ thơ tăng dần đều. Cách gieo vần liền bằng các từ láy đặt ở cuối câu thơ đã liên kết các câu thơ trong khổ như “xào xạc” với “ngơ ngác” và các khổ trong bài như “thổn thức” và “rạo rực”; vừa làm giàu yếu tố nhạc của thơ, vừa làm cho các câu thơ và khổ thơ như kéo dài ra và nối lại với nhau, tạo cho bài thơ cái âm hưởng miên man của khúc thu ca.

       Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu, chúng ta hãy đọc lại bài ”Tiếng thu “ của Lưu Trọng Lư, hãy đọc liền một mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Và hãy tưởng tượng xem chừng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ khi đó nhiều vòng tròn sóng sẽ đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của Tiếng thu mà nhà thơ đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Hai câu thơ cuối cùng của Tiếng thu cũng đã vẽ lên trước mắt ta hình ảnh:

" Con nai vàng ngơ ngác.
  Đạp  trên  lá  vàng  khô".
    Chính cái “ ngơ ngác” của nai vàng, Lưu Trọng Lư đã thổi vào bài thơ những hương vị của mùa thu, nhuốm một chút gì u uẩn, gợi cảm!. Thật không dễ dàng nhận ra điều đó! Phải lắng nghe bằng cả tâm hồn, bằng mọi giác quan, chúng ta mới thấy được tiếng “thổn thức” của đêm trăng mờ đêm thu. Lại phải lắng hơn nữa mới nghe được tiếng ”rạo rực” trong lòng người cô phụ. Và cuối cùng cái tinh vi trong cảm xúc của thi nhân được lắng đọng qua tiếng “xào xạc” đến “ngơ ngác” của chú nai vàng rừng thu.



    Chúng ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai vàng ngơ ngác? Tiếng thu đích thực của ông là như vậy đó. Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn mình như mỗi khi thấy "...Lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc..”(ThanhTịnh- Tôi đi học)

     Riêng gì mùa thu mới có “Tiếng thu”!?. Tuy nó phát khởi từ mùa thu nhưng nó đã vang bên tai loài người từ muôn đời thì bao giờ chả còn chút dư âm sau những ngày thu tàn tạ. Đã sống nhiều trong cuộc đời tư tưởng thì dầu trong mùa đông hay mùa xuân, mùa thu hay mùa hạ, ai là người không có những buổi “Chiều thu”, những buổi mà cái buồn vẩn vơ nó đến van lơn cám dỗ, những buổi mà tiếng thu vàng gieo vừa nhẹ, vừa chìm.



     Ta thấy điều khác nhau ấy thật rõ ràng khi điệp ngữ phủ định "Em không nghe" được nhắc đi nhắc lại hai lần, phải chăng tác giả muốn phát triển toàn bộ cảm xúc của mình. Hai lần "Em không nghe" ở khổ đầu và khố tiếp theo với các hình ảnh "trăng mờ","chinh phụ” đã gợi ra không khí quạnh vắng. Tiếng thu ở đây được phát hiện như tiếng thở khẽ của nỗi cô đơn của người cô phụ. Từ một ánh trăng mờ đầy ấn tượng thổn thức đến nỗi mong nhớ chồng rạo rực của người đàn bà cô độc trong căn phòng mang một màu ẩm tối, lần "Em không nghe" cuối cùng mới hướng độc giả tới nỗi bơ vơ cùng cực. Ở khổ kết này, sau phương thức chuyển nghĩa nhân cách hóa ở câu thứ hai: "Lá thu kêu xào xạc", nỗi bơ vơ được chiếc lá mùa thu kêu lên như người, thì sự nhân cách hóa nói trên. Chính tư tưởng của nhà thơ thời Thơ Mới đã khiến cho Lưu Trọng Lư tìm ra chữ “kêu” xuất thần đẩy bài thơ đến tầm cao, vươn tới toàn mỹ. Hai câu thơ cuối được hình thành chuyển nghĩa bằng định ngữ "vàng". Hai màu vàng đạp lên nhau:


Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp lên lá vàng khô?
”. Đã tạo ra một không gian cô đơn vô bờ bến.
   Hai chất màu:"vàng ngơ ngác " rồi đến “vàng khô" xiết lên nhau, khiến ta nhớ đến Nguyễn Du với: "Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô". Điều đó đã đẩy tâm trạng độc giả tới sự đồng cảm sâu sắc với tâm hồn của tác giả. Một lối chuyển nghĩa độc đáo khiến tiếng thu thấm sâu vào trong lòng ta.Tiếng thu, tiếng của nỗi cô đơn của người cô phụ năm xưa nào, và cũng là nỗi bơ vơ của những con người của một thời chinh chiến.
     Nghe "Tiếng thu” được hát lên cũng thấy nao nao xúc động. Nhưng thú thực, khi tự mình đọc "Tiếng thu” lên để nghe hai màu vàng đạp lên nhau trong tâm tưởng, mới thấy cái tuyệt đỉnh của thơ mà không một sự thêm vào nào làm nó mới được hơn nữa, hay hơn được nữa bằng sự quyến rũ như mùa thu.


    Đi sâu vào bên trong của những tình cảm riêng tư trong bài “Tiếng thu”, chắc có là bi kịch của một mối tình lãng mạn chăng?. Bốn câu cuối phải chăng là mở đầu của câu chuyện tình, một tình yêu vừa chớm nở, một tình yêu lãng mạn như đã được tạo hóa sắp đặt, nói về mặt lôgic thì phải xuất phát từ cái không gian nhỏ bé mới đến không gian rộng lớn, từ một không gian rừng thu với những hình ảnh cụ thể, sinh động như lá vàng rơi, con nai vàng ngơ ngác đến cái không gian bỗng rộng lớn hơn, đó là cả mùa thu được lồng vào tâm trạng hai con người yêu nhau say đắm với những ”thổn thức”, những “rạo rực” mà chỉ có con tim người mới thốt lên được.


        Cả một mùa thu vàng, cả một rừng thu vàng, từ chiếc lá kêu, từ con nai vàng đến lá khô xào xạc, ta tưởng chừng như là màu của sự úa tàn, là màu của đau thương?...Không, và nếu nghĩ như vậy thì thật là nhầm lẫn. Theo quan niệm xưa thì màu vàng biểu trưng cho màu của sự hạnh phúc, màu của sang trọng, quyền quý. Một tình được thiên nhiên tô vẽ biết tìm đâu ra trên trần gian này nhỉ!. Chắc có lẽ duy nhất chỉ có Lưu Trọng lư mới có được cái may mắn đó. Tình yêu của ông là một tình yêu lãng mạn nhất trên đời...



     Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét bài thơ “Tiếng thu” của Lưu trọng Lư:”...Đây là bài thơ hay nhất trong đời thơ Lưu Trọng Lư và cũng là bài thơ thơ nhất của thi ca Việt Nam thời hiện đại...”./.
TP. Cam Ranh 22/5/2014
Triều Châu












1 nhận xét:

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...