Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Nguyễn Bính: Thi sĩ của đồng quê


Nguyễn Bính: Thi sĩ của đồng quê 

      Không sinh ra trong gia đình nông dân làm ruộng, lại sống nhiều ở thị thành nhưng Nguyễn Bính viết rất nhiều về thôn quê để rồi được tôn vinh là “Thi sĩ của đồng quê” (Cô giáo Trần Thị Thanh)

       Không sinh ra trong gia đình nông dân làm ruộng, lại sống nhiều ở thị thành nhưng Nguyễn Bính lại viết rất nhiều về cảnh quê, người quê, tình quê và cuộc sống ở thôn quê để rồi được tôn vinh là “thi sĩ của đồng quê”. Thời ông người ta học tây học, làm cho tây, đi tây tại sao ông thì ngược lại, cứ tìm về, cứ giữ mãi trong tâm hồn cái chốn quê nghèo ấy. Bởi Nguyễn Bính khi nào cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lí, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công việc làm ăn vất vả một nắng hai sương. Bởi đấy là cốt lõi của đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả mà cũng là nơi in đậm dấu vết của cuộc đời mình. Với Nguyễn Bính, quê hương là hình bóng đất nước, là nơi  đặt chân với vô vàn kỉ niệm và quê hương cũng chính là vùng chiêm trũng mênh mông Phú Xuyên, Bình Lục, Ý Yên, Vụ Bản - cái rốn nước của đồng bằng sông Hồng, nơi ấy nhà thơ thân thương của chúng ta đã lênh đênh thân con cò con diệc trên đồng.
    Sức mạnh sáng tạo của Nguyễn Bính cũng từ nơi đồng đất trắng trời trắng nước này. Làng Thiện Vịnh, làng quê chôn rau cắt rốn của ông, cái làng đồng trũng mà chắc đến mùa nước thì con đường đê liên huyện kia chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh bên làn nước giữa gò đất, bờ bụi, tre pheo. Sao mà lắm gió thế, gió trên đồng đêm ngày giật lên, gào lên từng cơn. Làng nước xám ngắt, quang cảnh tiêu điều lam lũ ảm đạm nheo nhóc. Nhưng tự hào biết bao:
                                    Hoa chanh nở giữa vườn chanh
                                    Thầy u mình với chúng mình chân quê
                                                                          (Chân quê)
   Bằng lối ví von mộc mạc mà duyên dáng mang phong vị dân gian thơ Nguyễn Bính mang đến cho người đọc hình ảnh của quê hương đất nước, của những  vùng nông thôn Việt Nam đẹp dung dị, mặn mà:
            Mùa xuân là cả một mùa xanh
            Trời ở trên cao, lá ở cành
            Lúa ở đồng tôi và lúa ở
            Đồng nàng và lúa ở đồng quanh
                                                                          (Mùa xuân xanh)
    Hình ảnh nông thôn trong thơ Nguyễn Bính như một cái gì đó bất biến trong không gian và thời gian, nó gắn liền với những đêm hội chèo, nơi mà mỗi cá nhân được nghỉ ngơi, được tiếp thêm sức mạnh trong cộng đồng và bởi cộng đồng:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình  
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
( Mưa xuân)
                             
       
      Nông thôn trong thơ Nguyễn Bính là nơi có cuộc sống giản dị mà thơ mộng, nơi người ta tìm về làm chốn nghỉ ngơi, xa lánh những ồn ào của chốn kinh kì:
Nhà gianh thì sẵn đấy
Vợ xấu có làm sao
Cuốc kêu dài bãi sậy
Hoa súng nở đầy ao

Làng bên sẵn rượu ngon
Đêm nay ta đối ẩm
Tre nhà đương cữ ấm
Tha hồ mà măng non
                      (Thanh đạm)
    Và cái chốn quê nghèo ấy, với Nguyễn Bính là nơi ở của người con gái hàng xóm thầm yêu trộm nhớ mà ngại ngùng không dám bày tỏ:
                                    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
                                    Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
                                                                (Ngưòi hàng xóm)
   Là những ngày hội xuân tưng bừng, nô nức trẩy hội chùa:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần trang hạt miệng nam vô
                                         (Xuân về)
    Trong bức tranh nông thôn còn có sự huy hoàng của giấc mơ quan trạng, đó là phút giây mơ ước ngắn ngủi, nhưng là cả cuộc sống, cả tâm hồn của những chàng trai quê:
Tưng bừng vua mở khoa thi
Tôi đỗ quan Trạng vinh qui về làng
Võng anh đi trước võng nàng
Cả hai chiếc võng cùng sang một đò

Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
                                       (Giấc mơ anh lái đò)
     Và có lẽ lớn hơn hết là tấm lòng của những người mẹ, người chị, người vợ... mà trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, của lịch sử đã tạc nên những tượng đài về vẻ đẹp của tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, thuỷ chung, giàu lòng vị tha. Họ không sống cho bản thân mà sống cho người khác, vì người khác như người chị khi “lỡ bước sang ngang” với bao nước mắt, sầu tủi, oán hờn nhưng vẫn dặn đi, dặn lại:
                                    Em ơi! em ở lại nhà,
                                    Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.
                                     ....
                                    Cậy em, em ở lại nhà
                                    Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
                                                                      (Lỡ bước sang ngang)
    Ở đây, khi nói đến đời sống tâm hồn của người dân nông thôn ngoài những yêu thương còn có ghen tuông, oán giận, sầu não... nhưng vượt lên trên tất cả là bổn phận, là sự vong thân lặng lẽ của mọi người. Điều này khiến cho cộng đồng làng xã dù có bị xô lệch đến đâu cũng không bị phá vỡ. Lũy tre xanh ngàn đời vẫn là không gian xanh che chở, bảo vệ và giam giữ...



       Nông thôn trong thơ của Nguyễn Bính là một bức tranh nhiều màu sắc, đó là cả quê hương đất Việt thu nhỏ với cây đa, bến nước, sân đình, với hội hè đình đám, với cuộc sống mưu sinh của những người nông dân trên đồng ruộng của mình. Và nếu tìm một hình ảnh có tính biểu tượng về nông thôn Việt Nam trong thơ Nguyễn Bính thì hình ảnh đó chính là mảnh vườn. Bởi mảnh vườn quê thường trở đi trở lại nhiều lần trong thơ ông với bao nhiêu là định ngữ: vườn nhà, vườn ai, vườn cũ , vườn cau, vườn dâu, vườn trần, vườn tiên...
     Vườn ở đây đồng nghĩa với nhà, bởi có gia đình Việt nào lại không có vườn (Em ơi! em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương), vườn cũng đồng nghĩa với quê hương:
Đem thân về chốn vườn dâu cũ
Buồn cũng như khi chị lấy chồng
   Vườn gắn với những kỉ niệm tuổi thơ, bởi cả thời tuổi nhỏ của con người gắn bó với mảnh vườn nhà mình. Những trò chơi tuổi nhỏ, những mơ ước cũng nảy sinh từ đây, khu vườn nhà như là cả một thế giới cổ tích và cũng là nơi chứng kiến những tình cảm, những rung động đầu đời:


Nhưng mộng mà thôi mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế ấy tình tôi
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi muộn mất rồi
  Và vì vậy, vườn với Nguyễn Bính còn là hạnh phúc:
Như chuyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng
    “Với biểu tượng của nông thôn, thi nhân chẳng những đã quay về với nguồn cội như một nhu cầu giải thoát và bù đắp mà còn lồng được dân gian vào dân tộc, tạo ra hình ảnh một chân quê, tinh hoa chân truyền của nền văn minh thôn dã” (Đỗ Lai Thuý, Tinh hoa thơ mới, trang 113).
    Đỗ Lai Thuý đã đánh giá toàn bộ quá trình sáng tác của Nguyễn Bính, lí do ông tìm về với mảng đề tài quen thuộc là thôn quê Việt Nam trong khi những bạn văn, bạn thơ cùng thời với ông ai cũng tìm cho mình một cái gì đó phải thật mới mẻ và cả những gì mà Nguyễn Bính đã gặt hái được. Tuy nhiên, xét cho cùng mọi nguồn gốc của sáng tạo, của thơ văn đều phát khởi từ ngọn bút, từ những rung động trong tâm hồn của thi nhân, từ tình cảm gắn bó vừa sâu nặng vừa mật thiết với đất và người.
    Cái làng Thiện Vịnh của ông trong buổi giao thời đầy những trái ngang, trắc trở, cả cái mới và cái cũ đan xen vào nhau tạo nên một mớ hỗn độn, xô bồ. Nhưng có ai đánh thuế những mơ tưởng và mong ước. Ông viết về quê mình với những gì đẹp nhất, đó cũng là cách để bấu víu, để tồn tại mà không muốn thoát li. Cùng thời ông: Nguyễn Khắc Hiếu phải bám nghề, bám đời bằng những giấc mơ tiên. Xuân Diệu thì say sưa trong khu vườn tình ái. Huy Cận thì chìm ngập trong cả một bể sầu... Trong cuộc sống triền miên đồng trắng nước trong, cả đời người ta vẫn chờ đợi mong ngóng những rộn ràng óng ả của một đêm hội chèo và Nguyễn Bính đã thay họ viết nên những ước mơ, những khúc ca mơ ước. Ông trở thành ca sĩ của đồng quê trong cái nghĩa thành thực và đơn giản nhất như vậy.
                                                                        TRẦN THỊ THANH
                                                                 Trường THPT Triệu Sơn 5












1 nhận xét:

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...