Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Nói với khoảnh khắc 1


Nói với khoảnh khắc 1

Tản mạn để kỷ niệm ngày chuyển công tác đến trường THCS.


    Có người hỏi tôi: "Anh đi đâu mà chầm chậm như một buổi chiều buông xuống rã rời". Tôi thong thả lời rằng:Tôi đi xuống trường. Đi xuống có nghĩa là không đi lên. Mà cho dù đi xuống hay đi lên không lấy gì làm trọng, miễn sao đi đúng đường, đúng hướng là được, đừng lầm đường mình đi, thế thôi!. Lắm khi đi xuống cũng có thể đồng nghĩa với sự đi lên. Người ta thường nói: “Đi xuống trường và đi lên phòng, ít khi nói ngược lại
    Đôi khi rời bến cũng là một điều thiết yếu. Và cố nhiên sẽ cập đến bến bờ của sự lặng yên, bình an trong tâm tưởng, một nơi chốn của hy vọng và tin tưởng theo qui luật tự nhiên; cũng như hết đêm tối sẽ đến một ngày mai tươi sáng lạn hơn trong đời người. Một nơi ấy chắc chắn sẽ khác, sẽ mới hơn nơi xưa cũ; và cũng không giống như những ngày xưa đã đi qua đời ta. Đó là một điều chắc nịch, chắc hơn đinh đóng cột. Mong sao nơi ấy, công việc ấy sẽ phù hợp hơn, mang lại nhiều niềm vui hơn trong đời sống. 
     Ai ra đi mà không trông mong đến bến bờ của sự thành công, của niềm tin và hy vọng một ngày mai sáng tươi, hạnh phúc trong tâm hồn.  
      Sống ở đâu mà nơi đó người ta cảm thấy yên vui, có đôi chút phấn khởi, hào hứng là được. Sống mà như để có chứng, có chỗ thì cũng bằng thừa. Như đôi tình nhân kia gần nhau mà chẳng hề có một cử chỉ của yêu đương, của sự nồng nàn, đắm đuối thì còn có gì để nói. Sống trong đời sống phải cháy lên ngọn lửa bằng trái tim cháy bỏng của chính mình, phải biểu lộ lời yêu đương trong tình yêu đôi lứa, và chất chứa một tình yêu đối với công việc. Một công việc phù hợp thì tình yêu đối với việc đó sẽ được nâng lên gấp bội; một tình yêu đôi lứa chân thành, thủy chung sẽ gắn bó họ suốt đời với nhau. Rồi thì tình yêu ấy sẽ củng cố công việc và kết nối bền chặt hạnh phúc lứa đôi
      Hãy tự nhóm lên lấy ngọn lửa trong trái tim mình, cho dù con tim kia khô cằn đá sỏi. Năm tháng rồi cũng sẽ đi qua thôi, vấn đề là mình làm được gì cho đời, cho người và cả cho ta nữa, để khi một mai kia nhắm mắt xuôi tay, ta khỏi phải ân hận, ngậm ngùi vì những tháng năm sống rỗng, sống vùi.
    Sống một ngày cũng là điều quí, huống hồ chi càng sống lâu với năm tháng lại càng quí hơn nhiều. Nhưng có điều đáng quí hơn ngàn lần là sống như thế nào, sống làm được gì cho người, lại buộc chúng ta phải nghĩ suy, phải chọn lựa, phải cân đo, đong đếm  cùng thời gian theo dòng đời chảy, trôi.
     Sống ở đời, người ta thường kèn cựa, chèn nhau từng li, từng tí từ địa vị đến tiền tài, danh vọng; thậm chí người ta sẵn sàng chà đạp, dẫm đè lên nhau mà sống, cố gắng đè bẹp người khác xuống để mình được ngoi lên khỏi mặt đất; khác nào hình ảnh của một người chết chìm trong cơn hấp hối giữa biển cả mênh mông. Ngẫm suy cho cùng, cuộc đời lắm lúc tiếp cận những vị mặn, ngọt; chua cay và đắng chát, phũ phàng làm sao ấy!. Đây rồi một giọng điệu thở than cuộc đời của một nhà thơ không tên tuổi: À ơi rồi vết thương lành. Trăm năm đã khóc, lệ thành rong rêu”.
     Cuộc đời ơi! tưởng chừng sao giản đơn thế, như áo kia mặc vào cởi ra sao?. Không, chắc chắn là không vì nó vô cùng phức tạp, và đầy rẫy những phức tạp vô cùng.
    Có người mới gặp hôm qua, mà nay đã nói lời chia xa biền biệt tự phương nào như cách biệt âm dương, hẹn không bao giờ trở lại đường xưa, lối cũ. 
   Cái chết và sự sống hình như gần kề bên nhau, tựa như anh em nhau chắc?. 
   Một hơi thở đi vô là sự sống. Một hơi thở đi ra là sự chết. Sống và chết là hai điều khác biệt, hai thái cực, trái ngược nhau. 
    Phúc thay cho ai sinh ra mà không hề bị hủy diệt!?.
  Tháng 7/2003
  Triều Châu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt

Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệt Theo chính sử Trung Hoa thì Lưu Tử Nghiệp, tự Pháp Sư, là con trưởng của Hiếu Vũ đế...