Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Tâm sự của Phạm Duy về nhac sĩ Văn Cao

Tâm sự của Phạm Duy về nhạc sĩ Văn Cao


      "Sau vài ba tháng lao đao vì một cuộc đổi đời, tôi đã lấy được sự thăng bằng trong cuộc sống để cùng các con đi dự một đêm nhạc ở Sài Gòn, mà vui thay, đó lại là đêm nhạc Văn Cao do nữ nghệ sĩ Ánh Tuyết tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của chàng nghệ sĩ đa tài họ Văn", nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự. Cũng là một dịp hiếm có để tôi được nghe gần như toàn thể sự nghiệp của Văn Cao, gồm đầy đủ những hành khúc oai hùng: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội, những bài hát trữ tình như: Ngày mùa, Làng tôi, những tình ca lãng mạn như Cung đàn xưa, Bến Xuân, Suối Mơ, những trường ca và truyện ca vĩ đại như Sông Lô, Thiên Thai, Trương Chi... qua giọng hát các nghệ sĩ tuổi trẻ, tài cao biểu diễn dưới sự điều khiển của con chim đầu đàn Ánh Tuyết.
Sau hơn nửa thế kỷ, đối với làng nhạc Việt Nam, nhạc Văn Cao đã trở thành cổ điển, nhưng lại được trình bày một cách rất tối tân qua lối dàn dựng của Ánh Tuyết. Giống như một Revue in Broadway...




       Khán giả có cảm tưởng như trong đêm nhạc này, Văn Cao hiện về từ cõi âm để trò chuyện với những "tình nhân âm nhạc" (music lovers) của mình. Những tiết mục đơn ca, hợp ca rất phong phú vì sự năng động của các "diễn - ca - viên", họ không chỉ hát mà còn có những động tác gần như những điệu vũ rất "bắt mắt" và "bắt tai" khán thính giả.
      Giọng ca nào cũng điêu luyện, nhất là Đức Tuấn, Mỹ Dung và Ánh Tuyết. Nhưng cái làm tôi khâm phục nhất là phần hòa âm phối khí của các nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Hữu Tâm, Quang Phúc, Đức Trí, Phan Bá Chức... rất hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam.

    Ngồi nghe nhạc cùng với Duy Quang, Duy Cường và một người bạn Mỹ đang nghiên cứu về tân nhạc Việt Nam, giáo sư Eric Henry, tôi khám phá ra một điều quan trọng: Văn Cao là người đẻ ra "Hùng ca Việt Nam". Dù loại nhạc này đã được Thẩm Oánh, Hoàng Quý hay Lưu Hữu Phước có công khai phá, nhưng thật là "Việt Nam" thì phải là Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt NamBắc Sơn.
     Ngoài phản ánh trung thực tinh thần anh dũng của dân tộc thời kỳ đầu của cách mạng, với nhạc điệu và lời ca rất tích cực, lạc quan và hào hùng, về phương diện nhạc ngữ, sở dĩ nhạc hùng ca của Văn Cao quyến rũ là vì nhạc sĩ thường chuyển đổi đột ngột từ chủ âm qua hạ át âm, một đặc tính của nhạc Việt. Sự chuyển cung trong loại nhạc hùng Văn Cao rất phong phú. Trước kia tôi không thấy được sự phong phú đó, vì chỉ được nghe (hay hát) với cây đàn thùng, nhưng với lối hòa âm phối khí của lớp nhạc sĩ trẻ, những đoạn nhạc hùng tuyệt diệu của Văn Cao mới thực sự bộc lộ hết cái hay.
      Tôi biết ơn những nét nhạc Bắc Sơn, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam vì nó ảnh hưởng tới tôi rất nhiều, mỗi khi tôi soạn hành khúc. Dù vào năm 1947, Văn Cao khuyên tôi: "Mày đừng soạn dân ca, vì dân ca nghèo lắm". Nhưng chính anh lại để ra hai bài Ngày mùa, Làng tôi sực mùi vị dân ca..










      Với loại truyện ca, Văn Cao là người khai phá nhiều hơn ai hết. Tôi đã có nhiều dịp nói lên sự vĩ đại của Thiên Thai, Trương Chi, trong những bài viết trên báo hay trong sách. Hơi thở của thơ Đường trong sáng, của thơ trữ tình bình dân Việt Nam lồng lộng trong "Truyện ca" Văn Cao. Có nuối tiếc, có hận tình nhưng không bao giờ có tuyệt vọng. Tiếng ca lúc nào cũng phơi phới, "còn rền mãi nơi cõi tiên", "còn theo tiếng vỗ mạn thuyền", "còn riêng ta, ta ca trên trái đất"...
      Văn cũng là người đẻ ra trường ca, còn tôi chỉ là người thừa kế. Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung. Sự dài hơi trong những câu nhạc trong bài chứng tỏ nhạc sĩ Văn Cao đã trưởng thành ngay từ lúc tân nhạc vừa mới ra đời.
Còn tình ca, tình khúc Văn Cao? Chỉ cần nghe Văn Cao xưng tụng người thiếu nữ qua bài Cung đàn xưa với hai câu hát: "Chiều năm xưa gót hài khai hoa/ Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương...". Có nhạc sĩ nào của thời nay xưng tụng người con gái hơn Văn Cao ngày xưa? Những cuộc tình đẹp trên Bến Xuân bát ngát hay trên dòng Suối Mơ thơ mộng, những nỗi buồn trong mùa thu đã tàn nơi cô thôn chiều của người tình khi ngồi đan áo, chỉ có Văn Cao mới có thể tạo cho chúng ta những mối sầu thật sự khi nghe nhạc.
Nhạc sầu của nhiều tác giả khác, nhiều khi chỉ là sầu giả tạo. Tình ca của Văn Cao nếu là tình buồn cũng không bao giờ bi lụy.
     Nay chàng Văn, ở dưới mộ chàng hãy cất lên vài tiếng cười vui với tôi, vì chàng và tôi bây giờ đã có chung một đối tượng để phục vụ. Đó là dân tộc Việt Nam, không còn như xưa mà đã là một nước lớn với dân số 90 triệu, cùng chung vai với hơn 200 quốc gia thế giới.
Nhạc sĩ Phạm Duy
(Theo Thể Thao TP HCM)





1 nhận xét:

  Những mất mát lớn của văn chương thế giới 28 Tháng Chín, 2022 Chỉ trong hai tuần vừa qua, văn chương thế giới chứng kiến những sự mất ...