Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Cảm nhận xứ sở hoa anh đào

Cảm nhận xứ sở hoa anh đào

Thần thoại thời hiện đại
Năm 1970, tôi đến Nhật Bản lần đầu tiên trong đoàn đại biểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, ngày ấy Nhật là nước phát triển nhưng chưa có dấu ấn lớn lao. 30 năm sau lần thứ 2, tôi trở lại Nhật Bản, lần này tôi đến với nước Nhật có nền công nghiệp vào loại hàng đầu thế giới. Nhật Bản những năm của Thế kỷ 20 đã là cường quốc kinh tế của châu Á và là nước có nền kinh tế thị trường phát triển xếp thứ 2 của thế giới sau Hoa Kỳ. Mảnh đất huyền thoại của thời hiện đại, càng tìm hiểu về nó càng thấy nó thần kỳ.
Trước kia nơi này là đại dương, là biển của vịnh Osaka, không có đất liền. Người Nhật quyết định lấp biển để tạo nên hòn đảo nhân tạo. Đầu tiên họ đóng những cây cọc sâu đến 60m vào đáy biển để xây 11 cây số đê bao cho diện tích 511 ha. Sau đó họ đổ cát lấp biển, 180 triệu mét khối cát đổ vào cái khuôn khổng lồ này, và một đảo cát cao 33m so với đáy biển đã được mọc lên bởi sức vóc vĩ đại của con người. Họ đã mất 2.200 ngày, 6 năm để tạo nên một hòn đảo trước cửa ngõ Osaka. Cây cầu vượt biển nối đảo với đất liền được xây dựng, cầu dài gần 4 cây số có 12 làn ô tô, phía dưới là đường sắt, cầu cao 108m, băng qua eo biển, nối đất liền Osaka. Một sân bay được xây dựng trên cơ sở thiết kế của kiến trúc sư người Italia Ghen Gio Piano. Việc xây dựng một sân bay với các Công ty Nhật không khó, nhưng cái khó là xây trên một hòn đảo mà nền đất chưa ổn định, cọc đóng phải sâu đến gần 100m xuyên vào đáy biển. Họ kiên nhân đóng từng chiếc cọc với kỹ thuật nén cao và phải mất 1/5 thế kỷ, 20 năm ròng rã với 1.500 tỷ yên mới xây dựng xong. Nhà ga cao 4 tầng có chiều dài 2 cây số với diện tích 300.000m2, nhưng hoàn toàn không có cọc bên tông, toàn bộ là những thanh giăng bằng thép không rỉ để lắp kính màu. Một sân bay với đường băng dài 3.500m, cho các loại máy bay hạng lớn hạ cánh. Nó là sân bay hiện đại và tốn hao nhất thế giới.
Ngày nay Chính phủ Nhật Bản còn chủ trương đầu tư thêm 2500 tỉ yên (khoảng 25 tỉ USD) để mở rộng sân bay rộng thêm 2 lần và mở thêm một đường băng mới, đặc biệt sẽ có thêm một đường băng chuyên dùng khi có gió to đến cấp 13 bởi vì ở giữa đại dương trống trải và Nhật Bản là xứ hay gặp bão tố, sóng thần. Quả là chuyện thần thoại của thế kỷ 20, 21 này.
Sân bay Kansai là một biểu thị rõ nét cho sự đột biến thần kỳ của Nhật Bản. Một đất nước có dân số đứng thứ 10 thế giới (128 triệu người), nghèo về tài nguyên, khoáng sản và luôn luôn bị thiên tai, động đất, bão lụt, sóng thần và núi lửa, là quốc gia nhiều thiên tai nhất thế giới. Trung bình mỗi năm có đến 7.500 trận động đất nhỏ và lớn. Thế mà, sau trận bị bom nguyên tử ném xuống Hirosima, hai mươi năm sau Nhật Bản đã ngẩng đầu tự hào về sự vượt nghèo, vượt khó đưa đất nước đi lên và ngày nay Nhật Bản là một quốc gia hàng đầu thế giới về Khoa học công nghệ, là một trong những cường quốc kinh tế, là nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
Núi Phú Sĩ
Nói đến nước Nhật người ta thường nhắc đến núi Phú Sĩ, một danh thắng đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Và núi Phú Sĩ chính là điểm nhấn, là trung tâm của vườn quốc gia Fufi Takona Iza nổi tiếng thế giới.
Núi Phú Sĩ là tên gọi theo âm hán từ chữ Fi Ji Shan, Shan âm Hán là Sơn (núi). Còn có cách gọi khác là Fuyoho, có nghĩa là đỉnh hoa phù dung. Núi Phú Sĩ vốn là hệ quả phun trào của núi lửa được hình thành sau một trận kiến tạo trên 100.000 năm trước, trầm tích mới phủ lên trầm tích của một ngọn núi cổ tạo nên Phú Sĩ sơn.
Xung quanh núi Phú Sĩ là năm hồ nước ngọt: Kawaguchi, Yamanaki, Motosuu, Shoji và Sai. Người Nhật Bản gọi Phú Sĩ là 1 trong 3 núi thánh (Sanreizan), 2 núi thánh kia là Tate và Ha Ku. Anh đào rất nhiều ở vùng núi Phú Sĩ, người ta nói Phú Sĩ là hiện thân của nữ thần sắc đẹp, mùa xuân đến nàng được khoác lên mình tấm voan hồng anh đào kiều diễm. Còn mùa thu thay lá nàng lại khoác lên mình tấm áo đỏ rực rỡ. Nước xanh quanh chân núi là những tấm gương khổng lồ cho nàng soi bóng. Thật là sơn thủy hữu tình.
Dưới chân núi Phú Sĩ còn có một khu rừng mang tên Aokigahara với nhiều hang động có nhũ óng ánh và những thác nước vừa đẹp, vừa huyền bí. Vùng này có nhiều trầm tích sắt và kim loại nên la bàn và thiết bị định vị không hoạt động được, rừng râm cây to nên nhiều người vào rừng hay bị lạc và khu vực Aokigahara trở nên linh thiêng, họ bảo ở đây các linh hồn vẫn lãng đãng…
Nước Nhật nói chung và xung quanh núi Phú Sĩ có rất nhiều suối nước khoáng. Do đó mùa Đông ở núi Phú Sĩ có dịch vụ ở trong nhà tuyết và tắm ngâm suối nước khoáng nóng được nhiều người ưa chuộng. Núi Phú Sĩ là một điểm du lịch mỗi năm có đến 300.000 người leo núi khám phá Phú Sĩ, thời tiết leo núi tốt nhất là tháng 7, tháng 8.
Ngày xưa, từ năm 663 có một nhà sư đã khám phá và chinh phục đỉnh núi Phú Sĩ, ông leo núi vào ban đêm bằng đèn dầu, cứ đốt hết một ống dầu ông nghỉ chân, sau 10 lần nghỉ để thay dầu như vậy ông lên đến đỉnh núi. Trên đỉnh Phú Sĩ có bảng ghi lại sự tích này và mỗi chỗ nhà sư dừng nghỉ chân đổ dầu, người sau lập thành trạm dừng chân. Tuy nhiên ngày nay xe ô tô đã có đường lên đến trạm số 5 giữa lưng chừng núi và du khách khám phá chỉ còn phải leo năm trạm. Các trạm có nhà nghỉ, nhà ăn, nhưng đơn giản, không phải là khách sạn. Mỗi trạm đều có thảm trải, khách nếu ăn ở nhà hàng thì ngủ miễn phí, nếu không ăn thì trả tiền thảm và từng giới cứ sắp lớp hàng trăm người ngủ qua đêm. Do vậy, người leo núi phải ba lô, chăn mền, mùa đông ở độ cao 3000m, có hôm nhiệt độ xuống đến -40oC.
Du khách thường cố gắng đến đỉnh núi hoặc ở độ cao 3000m, lúc còn tối để kịp đón bình minh. Ở đây nhìn xuống mây dày đặc như biển tuyết và khi mặt trời lên hồng đỏ một góc chân trời mọi người say sưa chụp ảnh; có khi họ chọn đúng ngày sinh nhật hoặc kỷ niệm ngày cưới để đón mặt trời lên, vì Nhật Bản nơi đón mặt trời sớm nhất địa cầu và ở đây, nơi đỉnh núi Phú Sĩ này là nơi đón mặt trời lên sớm nhất nước Nhật. Họ uống một cốc sake nóng nhâm với cá khô hoặc cốc café nóng trong bình thủy mang theo rồi một vòng quanh miệng núi lửa và xuống núi với lòng vui thích của người đón mặt trời sớm nhất của xứ sở mặt trời mọc. Nhìn trên bản đồ thì quần đảo Nhật Bản như một vòng cung nằm ở cực đông địa cầu, là nơi mặt trời lên sớm nhất thế giới.
Cờ Nhật Bản là một vầng mặt trời đỏ, họ vẫn nói đây là nơi ngự trị của nữ thần mặt trời. Đứng trên núi Phú Sĩ để ngắm mặt trời lên là cách chọn có một không hai. Nhìn từ nhiều phía Phú Sĩ vẫn là một hình dáng uy nghi trinh tiết. Tuyết trắng phủ trên chóp càng làm tăng sự trinh tiết đó. Nếu mùa Xuân đứng bên hồ dưới chân núi Phú Sĩ nhìn lên, mây trắng bồng bềnh ở lưng chừng núi, mặt trời xanh ngắt, hoa anh đào tím rực rỡ, thật là tiên cảnh làm nao nức lòng người.
Hoa anh đào
Nhật Bản còn có một tên xinh đẹp mà tôi muốn nhắc đến đó là xứ sở hoa anh đào. Hoa anh đào đã trở thành quốc hoa của đất nước Nhật Bản. Mùa xuân đến, nói đúng hơn là từ tháng một đến giữa tháng năm, hoa anh đào nở. Do thời tiết, miền Nam như Okinawa, Osaka nắng ấm, nên anh đào nở trước. Và theo đó từ Okinawa ở phía Nam hoa nở dần lên phía Bắc đến đảo Hokkaido theo sự nắng ấm của từng vĩ tuyến khác nhau.

Trên xứ sở Phù Tang

Hoa anh đào tiếng Nhật gọi là Sakura, thuộc giống mận và mơ nhưng gốc gác là họ hoa hồng, có các màu trắng, hồng và đỏ. Có loại trắng khi nở chuyển sang hồng, cũng có loại màu hồng rồi chuyển sang hồng phai. Có loại lá rụng thì cây mới đâm hoa sau đó nảy lộc, có loại hoa và lộc nảy cùng lúc. Có đến 6 loại hoa anh đào, nhưng nhiều nhất là loại hoa anh đào Someiyoshino, nó được trồng nhiều nhất ở thủ đô, ở các biệt thự, ở công viên. Loại này khi nở không có lá, nên cả một cây hoa rực rỡ hoa và hoa. Trên cây hoa nở, dưới gốc cây hoa rơi phủ kín như một lớp tuyết hồng nhạt. Mùa Xuân đến cả nước trẩy hội. Các đời Vua và các đời Thủ tướng Nhật thường chiêu đãi các đoàn khách nước ngoài dưới vườn hoa anh đào đầy hoa nở. Hôm các bạn đưa chúng tôi thăm phòng làm việc của Thủ tướng Abe Shinzo trong tòa nhà Quốc hội thuộc phái Dân chủ Tự do, từ khung cửa sổ nhìn xuống dinh Thủ tướng, ngoài sân là những gốc anh đào cao rực rỡ hoa. Mùa hoa nở thanh niên nam nữ cắm trại và vui chơi dưới tán anh đào, người già thì rủ bạn tâm giao uống rượu Sake dưới gốc hoa. Nếu một cánh anh đào rơi vào chén rượu thì đó là may mắn. Lộc đến, cả nhóm hân hoan vui mừng và việc đó thường đến với mọi người khi có một làn gió nhẹ, các cánh hoa rơi lãng đãng và cố rượu nào cũng được một cánh hoa… Theo truyền thuyết “Cố Sự Ký” của nước Nhật thì Sakura (Hoa anh đào) là cách gọi lái từ Sakuya của nữ thần Konohara Kakuya Hime gọi tắt là Sa Sakuya, nàng có sắc đẹp lộng nước nghiêng thành, nàng là người đầu tiên gheo hạt cây hoa này trên núi Phú Sĩ. Khi cánh hoa đầu tiên nở thì nàng cũng hóa thân dưới gốc, nên mọi người đặt tên cho loại hoa bất tử đó là Sakura.
Từ giữa tháng 3 đến 10 ngày đầu tháng 4 là tháng mở hội khai hoa, người Nhật gọi là hội Mankai (hoa nở). Ở thủ đô Tokyo, anh đào nở trong các biệt thự, trên các đường phố, các đền chùa, anh đào nở soi bóng bên các dòng sông, các đầm, hồ và rực rỡ ở các công viên. Nếu ngồi trên trực thăng du lịch lượn một vòng Tokyo sẽ thấy cả thành phố ngập trong màu hồng phấn. Loại hoa này cho một mùi thơm nhẹ nhàng, dìu dịu rất lãng mạn, nó nâng tâm hồn con người lên, làm cho ai đó thưởng thức Mankai cũng thấy lòng thanh thản và lâng lâng. Trong các công viên đã nổi danh ở Tokyo như Ueno, Kitanomanra, Sumida hay như Maruyama gần đền Yasaka anh đào cổ thụ gốc to, làm thành tán rất cốt cách của họ mai - đào. Các cô gái trong bộ Kimono truyền thống rực rỡ đi dưới gốc đào càng tạo cho nước Nhật một sắc thái riêng biệt. Tôi đã có dịp đứng dưới tán anh đào nghe các cô hát bài dân ca Nhật mang tên “Hoa anh đào” - bản dân ca này có từ xa xưa, nó trở thành nhạc nhiệu mở đầu của các cuộc liên hoan, hội tụ, bản dân ca có đoạn:“…
Trên những đồi cỏ, những ngọn núi
Ở nơi đó có hương và có mây
Hương thơm tỏa trong nắng mai,
Mùa hoa anh đào, hoa anh đảo nở
Những cánh hoa đang khoe màu rực rỡ…
Bản nhạc ít lên cao và cũng không xuống thấp, ở cung bình, nó nhẹ nhàng, mênh mang như mở rộng thêm tâm hồn con người về sau được nhạc sĩ Afred Reed phát triển thành bản giao hưởng số 5, Hoa anh đào.
Mùa hoa, sắc hương và làn điệu dân ca anh đào đã để trong lòng du khách. Với tôi đó là một dấu ấn. Chúng tôi đã một lần xin một cành anh đào mang về trồng trong khu du lịch Sao Việt ở Phú Yên quê hương tôi. Chúng tôi đã nhân nó ra, giống này dễ trồng, cắt cành cắm xuống sẽ lên thành cây. Ngày nay anh đào đã phủ kín một số đoạn đường và trước các biệt thự và có một biệt thự phủ kín hoa anh đào được mang tên biệt thự hoa anh đào. Đoạn đường trước lối vào khu Spa của Sao Việt anh đào giao cành rợp mát. Mùa xuân đến khu sinh thái Sao Việt hoa anh đào nở, trên cành, trong sương mai một màu tím nhẹ, dưới gốc là một thảm mịn bởi những cánh hoa anh đào rơi phủ kín. Bất chợt như lạc vào một thế giới khác. Một người bạn tôi hỏi “Sao Việt phải có hội đón hoa anh đảo nở chứ!”. Cây anh đào của xứ mặt trời mọc đã có sức lan tỏa, truyền cảm như vậy đấy, đúng là anh đào loài hoa của tình hữu nghị.
Chúng tôi có người bạn, ông Simamura, Bộ trưởng nông lâm thủy sản của Nhật dưới 3 đời Thủ tướng, ông mời vợ chồng tôi đi ăn món shushi ở một nhà hàng gia truyền. Nhà hàng nhỏ chỉ vài chục chỗ ngồi trên một dãy ghế sát với người chế biến. Rất đơn giản nhưng là nhà hàng shushi xưa nhất ở Nhật, muốn ăn phải đặt trước. Họ cho chúng tôi ăn từ vài loại cá đến mực, đến tôm, ốc… tất cả đều tươi sống, tuyệt nhiên không thấy vị tanh và không có cảm giác sống, dù là đang ăn đồ sống. Tất cả đều ngon ngọt và thơm dòn, thật là thú vị.
Phải chăng tuổi thọ người Nhật cao nhất thế giới vì họ biết tận những những gì trinh nguyên của thiên nhiên ban tặng. Thiên nhiên vốn là tinh khiết, chỉ có con người khi cái tâm chạy theo đồng tiền thì cái ác sẽ đến. Chỉ có con người làm cho thiên nhiên xấu đi và làm cho thực phẩm từ chỗ ngon, bổ trở thành thứ độc hại giết người. Một thông điệp từ nước Nhật mà tôi đọc được đó là: Hỡi loại người, hãy chung tay giữ cho sự trong sạch tinh khiết trinh nguyên của thiên nhiên và đưa nó phục vụ cho con người.
Văn hóa tâm linh
Ba lần đến Nhật, lần nào tôi cũng được các bạn Nhật Bản đưa đi thăm các đền, chùa cổ mà các bạn nói rất linh thiêng. Ở người Nhật, dù họ ăn mặc và sống hiện đại đến đâu thì trên nét mặt và cung cách của họ vẫn thiể hiện rõ họ rất tin ở đấng linh thiêng vô hình. Tôi đến bất kỳ ngôi chùa hoặc đền nào, dù ở nơi xa xôi hẻo lánh hoặc nơi đô hội thì vẫn thấy trang nghiêm. Trẻ em đồng phục, các cô gái mặc Kimono đẹp tề chỉnh sắp hàng vào viếng đền chùa. Có lẽ sự xô bồ, lộn xộn và ăn mặc không nghiêm túc chỉ là một số ít khách du lịch tứ phương.
Ở Tokyo nơi khang trang nhất, lộng lẫy và trang nghiêm nhất là đền Minh Trị nơi thờ Nhật hoàng Mutshuhito người có công lớn trong cuộc cách mạng duy tân Minh Trị từ năm 1868 làm thay đổi hình hài và vóc dáng nước Nhật, đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến thành một nước tiếp cận văn văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho sự phát triển hôm nay của Nhật Bản. Đền Minh Trị nằm trong khuôn viên rộng giữa lòng Tokyo, rộng hơn 70 ha. Với 365 loại cây quý trong vườn với gần 200.000 cây cao bóng mát xanh tươi tốt, ngay ngắn tề chỉnh, đẹp và ấn tượng nhất có lẽ vẫn là rừng thông mịn màu xanh ngát ngay giữa lòng thủ đô Tokyo.
Trong lần trở lại Nhật này, các bạn Oki và Watanabe đưa chúng tôi đến thăm ngôi đền cổ nhất Tokyo, có tên là đền Asakura, còn có tên là SensoJi. Đền Asakura nằm ở Taito City bên dòng Sumida hiền hòa và thơ mộng, gọi Taito là city, nhưng đúng ra là Quận Taito. Asakura là tên vùng Đông Bắc Tokyo, còn SensoJi thì Senso có nghĩa là đền, “Ji” là cổ. Đây là một đền cổ nhất Tokyo được xây từ năm 628. Tương truyền rằng ngày xưa có hai anh em nhà họ Hinokuma làm nghề chài lưới trên sông Sumida. Một hôm họ kéo lưới thấy có pho tượng gỗ, họ lặng lẽ thả tượng xuống sông, nhưng kéo lần hai và lần thứ ba vẫn có pho tượng gỗ. Anh em họ HinoKuma mang tượng về thưa với trưởng lão trong làng. Ông trưởng lão biết đây là điềm thiêng. Ông liền sửa một phần nhà để lập bàn thờ. Sau đó các hòa thượng, sư ông đến thăm, biết rằng Phật bà hiển linh nên cho lập đền thờ và dần dần nó trở thành ngôi đền lớn và cổ nhất, có lịch sử đến trên 1300 năm của Tokyo.
Ngày nay đến đền Asakura ta thấy như một thành phố thu nhỏ. Xung quanh là các phố mua sắm, ẩm thực và hàng chục khách sạn từ 2 đến 5 sao.
Đền có cổng gọi là Kaminarimon có nghĩa là khởi nguồn, nơi tạo ra sấm sét. Hai bên cổng có 2 tượng thờ thần sấm (Rai Jin) và thần gió (Fu Jin), giữa cổng treo đèn lồng đỏ nặng đến 670kg, trên ghi rõ “Cổng sấm”. Từ cổng sấm một con đường thẳng tắp đến cổng đền có tên Hozomon (Hozomon là kho báu). Bên cạnh đền có điện tháp cao 5 tầng mang tên Dempoin. Trong điện chính đặt tượng quan thế âm và hàng năm chỉ có ngày 13 tháng 12 là mở cửa để tín đồ vào viếng. Hàng ngày khách đến chỉ thắp hương ở lư đồng lớn đặt ở tiền sảnh rồi tiến lên nghiêm chỉnh ném vào thùng có rãnh bằng kẽm một vài đồng xu và đứng nghiêm cầu xin. Rất nghiêm trang, người Nhật đứng trước tượng thần xin nước rửa tay rồi mới lên khấn vái. Hàng năm tại đền có đến 5 - 6 lễ hội. Ngày lễ phật là mồng 8 tháng 4, mọi người ăn mặc đẹp, một trăm em bé 4 - 5 tuổi mặc đồng phục, trên đầu gắn hai bông hoa anh đào tím hai bên và một hoa to ở giữa trán, đứng làm hàng rào danh dự. Nhìn từ cao xuống một màu tím hoa anh đào rực rỡ. Tượng phật được ngự trong kiệu vàng, đặt trên mình voi trắng (giả to bằng thật), tượng đưa ra giữa sân và mỗi người đến kính cẩn múc một gáo nước bằng gáo đồng mạ vàng bóng loáng, xối nhẹ lên mình phật. Hàng trăm ngàn người lặng lẽ làm việc này. Lễ tắm phật xong, đưa phật vào cung, mọi người rửa mặt bằng nước tắm phật và sau đó vui vẻ ăn bánh ngọt, uống trả và mãn nguyện ra về.
Tôi muốn nói về một cách vận dụng và khai thác tâm linh để làm du lịch của người Nhật. Từ cổng sấm và đến cổng đền dài độ 300 m họ dựng cột sơn đỏ hai bên đường và hai bên là hai dãy ki-ốt đến 90 gian bán các hàng lưu niệm và tiêu dùng. Một phố chợ thật sự nhưng vẫn nghiêm trang, trật tự và sạch sẽ. Xung quanh phố chợ này là những phố ngang, phố dọc bán đủ thứ đồ và kế đó là những cửa hàng ẩm thực sạch sẽ. Phố cổ, cũ nhưng sạch. Một đội xe kéo như ngày xưa, những người “phu” kéo xe là những thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng giỏi tiếng Anh (ở Nhật người nói tiếng Anh không nhiều) vui vẻ đoan trang mời chào. Lúc nào họ cũng cười tươi. Họ kéo xe đưa khách lượn khu phố quanh đền 30 phút. Một xe chở hai người, khách ngồi lên được phủ kín chân bằng một miếng vải đỏ. Anh “phu” vừa đưa khách đi, vừa giới thiệu, chỗ đẹp anh dừng lại chụp hộ ảnh cho khách với phong cách chuyên nghiệp, khách cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Bài học du lịch tâm linh, du lịch tôn giáo là đây. Người Nhật đã sử dụng đúng lợi thế của những đền thờ kinh doanh du lịch, họ đã tạo nên một sản phẩm du lịch tuyệt vời. Vừa gửi đến khách thập phương một thông điệp về lịch sử dân tộc, vừa kinh doanh thương mại rất hiệu quả.
Cạnh đền chỉ vài phút là công viên Hanayshiki đầy hoa và các trò chơi. Gần đó là công viên Sumida bên bờ sông êm dịu, đến mùa xuân công viên Sumida ngan ngát hoa anh đào, chúng tôi đi giữa công viên để hít thở không khí trong lành, để những cảm nhận về Nhật Bản lắng đọng vào lòng.
Người Nhật yêu hoa, yêu lá đỏ, yêu thiên nhiên, phải chăng thiên nhiên đã tạo cho người Nhật lòng yêu đất nước, lòng tin ở tiên đế. Tổ tiên, linh nghiệm, đã tạo cho họ sự tự tin và sức mạnh. Tôi cảm nhận rằng bắt nguồn cho sự sáng tạo, đột phá đưa nước Nhật trở thành cường quốc là từ lòng tin và sức mạnh này.
 Trình Quang Phú
Nguồn: Báo Văn nghệ



1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...