Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Thơ Phổ Nhạc

Thơ Phổ Nhạc

Như Hạ
Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn nơi ẩn chứa những tình cảm thiêng liêng sâu kín nhất. Phải chăng thơ là đi giữa cõi mộng và thực tế để đời trổ nhánh đâm hoa và đưa thực vào mộng cho hồn vơi đi những nỗi đau trần thế. Thi nhân nặng nợ với tình thơ nào khác chi kiếp tằm nhả tơ. Người nghệ sĩ ước mơ lớn nhất của họ là để lại cho đời dăm ba tác phẩm hay ít bài thơ đắc ý. Dù mai sau tác giả có đi vào quên lãng thì những vần thơ chắc tuyệt đó cũng dệt cho đời những đóa hoa muôn sắc. Hồn thơ tựa làn khói, mùi hương. Mà hương thì vô ảnh người đời chỉ cảm nhận chứ không thấy được hình tướng. Nhưng ngay cả lúc hữu hình hồn thơ hóa thể thành sợi khói vầng mây chúng ta đều nhìn thấy nhưng nào ai bắt nắm được. Phải đợi đến lúc con tim rung cảm thúc đẩy hồn thơ nhập vào thi nhân thơ mới bật. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc, và hội họa. Nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ thơ lại rất khác với văn xuôi mà chỉ có những tâm hồn thơ mới cảm nhận được. Nhập vào thơ là sống trong cõi phiêu bồng, cây khô cành chết làm sao có thể nở hoa? Thơ cũng thế, chỉ nở rộ ở tâm hồn nghe được tiếng thở của con tim. Là cảm nhận giữa người và thơ cùng có chung tầng số.
Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt, nhưng rất khắng khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của lời. Nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh làm ngôn ngữ để diễn đạt tình cảm và tư tưởng con người. Khi nghe những giai điệu dặt dìu, khoan thai người thưởng lãm có cảm giá lọt vào cõi thiên thai thơ mộng. Xin hãy bước vào vườn hoa nghệ thuật để thấy vườn xuân bất tận của những ca từ trong nhạc. Nó đượm đầy chất thơ và chứa sẵn tính nhạc, điển hình những lời ca đã đi sâu vào lòng người. Đó là những tài sản trong kho tàng văn hóa Việt Nam:
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy buộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
(Trịnh Công Sơn - Như Cánh Vạc Bay)
Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Hồn lưng miền rét mướt
Mưa vàng đầy dấu chân
(Phạm Đình Chương - Người Đi Qua Đời Tôi)
Người đi hoa lá chết trong mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng ôm kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau
(Lam Phương - Thu Sầu)
Nhớ tới năm xưa bên nhau
Nhớ trong chiều mưa, phiếm ru nhẹ đưa
Bến cũ đam mê say sưa, lá thu còn rơi
Mắt biếc năm xưa nay đâu
Cánh sao còn đây, tóc mây nào bay
Tình đã xa rồi...
(Ngô Thụy Miên - Mắt Biếc)
Một làn khói trắng
Ru đời vào quên lãng
Nâng sầu thành hơi ấm
Hơ dịu tình đau
Ngày tàn im lắng
Yêu người làn tóc trắng
Tâm sự rồi đêm đắng
Như lệ giờ biết nhau
(Vũ Thành An - Không Tên #7)
Tiếng hát bay trên thành phố bâng khuâng
Chiều đông đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình?
Cho nỗi đau mù lấp tuổi thơ
(Trường Sa - Xin Còn Gọi Tên Nhau)
Ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc
Như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi
Ôi đời...trời biển ôi
Không còn nuôi tình tôi
Nha Trang biển này tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc
Chui sâu vào thân xác lưu đày
Dã tràng ơi
Sao lấp cho vơi sầu này
(Phạm Duy - Nha Trang Ngày Về)
Không thể trích hết các lời ca đã từng vang bóng một thời của làng âm nhạc Việt Nam. Trong vườn hoa nghệ thuật âm nhạc, một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhạc nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bài hay như đoá hoa chỉ nở một lần. Nếu nhạc sĩ bắt được cái tính nhạc trong thơ, cứ thử tưởng tượng thơ ẩn trong phiến lá. Nếu ta đem đốt chiếc lá, tiếng reo trong lá là tính nhạc. Và khi chiếc lá cháy hết, chỉ còn những sợi khói bồng bềnh. Cái mong manh đó chính là cõi thơ. Và mùi hương phảng phất, vị lá phải chăng là hồn thơ. Do đó, trước tiên người phổ nhạc phải yêu bài thơ và thuộc để có thể thả hồn theo ý thơ. Để có thể ghi lại và diễn tả những tình cảm luyến láy, dìu dặt, nức nở, buồn vui qua nét nhạc giúp hồn thơ thăng hoa, nhiễm cảm vào từng tế bào thớ thịt người thưởng lãm. Phải chăng đó là lúc hồn thơ nhập vào nốt nhạc chấp cánh bay cao.


1 nhận xét:

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...