Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Về ca khúc “Trở lại mùa Xuân” của Mộc Quốc Khanh

Về ca khúc “Trở lại mùa Xuân” của Mộc Quốc Khanh
Đoàn Lê

Phần nhạc dạo mở đầu của “Trở Lại Mùa Xuân” chỉ gồm những nốt đen nhẹ nhàng, đều đặn như những lời kinh vang lên từ một giáo đường. Đặc điểm của dòng nhạc Thánh ca thời kỳ Trung cổ là giai điệu đa phần được viết bằng những nốt đen. Nét nhạc mở đầu còn mô phỏng tiếng đàn organ nhà thờ vang lên hòa quyện với tiếng gõ đều đặn của chiếc đồng hồ điểm dần đến giờ phút giao thừa lại trở về với vạn vật.
Chủ đề âm nhạc chính được tạo thành từ nhóm 4 nốt của nét nhạc mở đầu này để rồi tiếp tục rơi xuống một quãng 6 như lòng chùng lại trong thời khắc chờ đợi lúc chấm dứt một quãng đời cũ, chuyển giao sang năm mới. Tính chất ballad trữ tình của ca khúc này thể hiện trong những câu nhạc lạ, chỉ gồm 6 ô nhịp được tạo thành bằng kỹ thuật mô phỏng (sequence) xuống quãng 3 đối với nhạc tố (motive) 2 nhịp đầu tiên: “Đêm giao thừa hương trầm bay nghi ngút”. Giai điệu chuyển động xuống tương phản với ca từ tạo cảm giác đi lên với thanh trắc và được gieo vần điệu nghệ như một thử thách cho người lĩnh xướng: âm đóng “nghi ngút, giây phút, vun vút” hay ở phiên khúc 2: “chăm chút, hun hút, vi vút”. Cách dùng tương phản này lại được gặp ở cuối phiên khúc 2: “Ta man mác, ta tan tác, ta xơ xác”.
Yếu tố tương phản còn được thể hiện ở những câu nhạc ngắn, được mô phỏng tạo nên cấu trúc có vẻ chặt chẽ, cho người nghe cảm giác bình lặng, nhưng lại có nhiều quãng nhạc chuyển động xa và ngược chiều tạo thành nét xao động, rộn rã mong chờ mùa Xuân mới. Trong tĩnh có động, và ngược lại. Cái thông điệp của lẽ âm dương trong vạn vật đã góp phần định hình chủ đề âm nhạc và nội dung cho “Trở Lại Mùa Xuân”.
Phần hòa âm của “Trở Lại Mùa Xuân” có những thử nghiệm độc đáo ít gặp trong nhạc Việt. Việc kết bài bằng một loạt những hợp âm C được luân chuyển nhịp nhàng với nhau như Cmaj7(6/9), Cmaj7(+5), Cmaj13sus4 và Cm(maj7) để rồi giai điệu dừng chơi vơi ở cảm âm Si bình mà trong cảm xúc của người nghe chắc chắn sẽ vang lên một chủ âm vô hình ngay sau đó. Trong đó, hợp âm Cmaj13sus4 gồm 6 nốt (Do, Fa, Sol, La, Si, Ré) tạo thành một chồng âm (cluster), tự giải thoát khỏi quy luật quãng 3 thông thường, tựa như một chùm nho sai quả trong ngày đầu Xuân.
Ở câu nhạc thứ hai và thứ tư của điệp khúc, tác giả còn táo bạo sử dụng hợp âm La trưởng A có nốt Do thăng để dệt cho giai điệu có nốt Do bình. Ở đây, nốt Do thăng trong hợp âm A chính là đẳng âm của Ré giáng, âm nền của hợp âm bậc II Napoli (gồm 3 nốt Ré giáng - Fa - La giáng) trong cung Đô trưởng. Như vậy, thoạt trông có vẻ như mâu thuẫn giữa hòa âm và giai điệu, nhưng thật ra cả hai lại kết hợp với nhau một cách độc sáng. 


1 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...