Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

“Nỗi buồn” của nhạc sĩ Phú Quang và cảm nhận

“Nỗi buồn” của nhạc sĩ Phú Quang và cảm nhận

Về khuya, mọi vật xung quanh ta dường như ngưng đọng lại, nhường chỗ cho lòng mình trỗi dậy biết bao điều. Đêm khuya cứ nằng nặng, buồn buồn khi nghe những bản nhạc của Phú Quang. Có điều gì đó như khắc khoải, đợi chờ, như hụt hẫng, mông lung trong âm nhạc của anh vậy. Dường như tất cả những gì mênh mông nhất, xa vắng nhất và đời thường nhất đều nằm trong âm nhạc của anh. "Nỗi buồn" cũng là một tuyệt phẩm như thế, bài hát được anh phổ nhạc từ thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường với nguyên tác: “Cỏ, chim sẻ và châu chấu”.
Nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường hầu như người ta hay nghĩ ngay đến tuyệt tác “Dạ khúc” của ông (cũng đã được Phú Quang phổ nhạc). Nếu với “Dạ khúc” âm ỉ và day dứt, khát cháy cả cõi lòng, thì “Nỗi buồn” lại là một tâm trạng nôn nao, cay đắng rất dễ đồng cảm với những ai có tâm hồn đồng điệu. Đằng sau cái tên dân dã, đời thường mang hơi hướng của thiên nhiên là một bản “sonata” bằng thơ về cảm xúc trong lòng, rất đỗi tự nhiên mà cũng “rất đời”.
Với riêng bài thơ đã rất hay, rất sâu sắc và đi vào lòng người. Bài hát, Phú Quang lại thổi vào đấy một luồng sinh khí mới, ông đã cho nó một đời sống mới với những thanh âm khi trầm, khi bổng, khi vút cao như những vết cắt cứa vào tim ta vậy!
Qua giọng hát của Thùy Dung chầm chậm, buồn buồn giống như bước chân ai đang lạc về miền dĩ vãng xa xưa…
"Có nhiều khi tôi quá buồn
Tôi ước mong tìm về dưới gốc cây xưa
Em có gửi điều gì theo lá rụng
Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi"...
Phải chăng khi buồn, người ta hay nghĩ về quá khứ, hay nghĩ về những giấc mơ chưa trọn vẹn? Họ thường nhớ về những ngày qua, nhớ về những kỷ niệm, những giấc mơ khi nó chưa tan vỡ như thể tìm đến một sự an ủi chính mình? “Tôi ước mong tìm về dưới gốc cây xưa / Em có gửi điều gì theo lá rụng”… Vâng, chiếc lá giờ đây đã rụng về cội, người xưa giờ cũng đã xa… Vậy, ta còn mải miết tìm chi? Ta tìm một “bóng ai kia” còn lẩn khuất đâu đó trong tiềm thức chưa nguôi? Không, khi người đã đi rồi, có còn gửi lại điều chi đâu, chiếc lá cũng đã rơi về cội, chỉ còn lại nỗi đau đậu khẽ vào ta thôi! Khi người đã xa, chỉ còn có "ta" với chiếc bóng mình, "ta" mơ hồ như có ai đó ngang qua, nhưng không, vẫn chỉ "ta" với cái bóng "ta" đơn độc!
..."Bóng ai như tôi đi qua cánh đồng
Bóng ai như tôi đi qua cõi đời
Nhặt lại mình trên ngọn gió
Giống như con chim sẻ nọ
Tha về từng cọng vàng khô"...
Bóng ai như bóng tôi đi qua cánh đồng hoang vu cỏ dại?! Bóng ai như bóng tôi đơn côi lang thang qua cõi đời tạm bợ?! Chỉ là một chiếc bóng trên cánh đồng rêu phong mờ phủ, muộn phiền, tìm chút an bình như những con chim sẻ nhỏ tha về từng cọng rơm vàng khô để xây nên ngôi nhà mơ ước. Chỉ là những vụn vặt rất “đời” thôi rồi một mai thành sương, thành khói, sẽ lại lãng quên thôi mà!
..."Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá
Tôi gục đầu trên bóng tôi"...
Hình dung khi chạm nhẹ bàn tay vào cây xấu hổ, chợt thấy thích thú bởi sự e thẹn của chúng mà rũ lá. Nhưng không chỉ là sự e thẹn mà những cành lá khép lại ấy như những nỗi đau đã đến độ “chín” rồi giờ phải khép lại thôi, nỗi đau đến độ khi chỉ cần chạm nhẹ vào thôi là cũng làm cho con người ta gục xuống! Nghe câu hát này tôi có cảm giác như có ai đó đang bóp nghẹn con tim mình vậy! Chông chênh giữa hai nửa mong manh. Nửa này là nỗi đau làm cho người ta muốn quỵ ngã, còn nửa kia lại không cho phép mình gục đầu. Sự đối chọi giữa hai tâm trạng trong một trái tim yếu đuối đã khiến cho bao người thấy chới với! Bỗng nhiên tôi ước, giá như con người cũng giống cây xấu hổ kia, rũ lá xuống như một lẽ tự nhiên… Và tôi ước… Giá như!…
Phú Quang đã sửa lại hình ảnh trong câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “tôi gập người trên bóng tôi” và thay bằng “tôi gục đầu trên bóng tôi”. Hình ảnh một con người gục đầu có sức hút hơn hẳn cùng với giọng hát vút cao xé lòng như trút hết nỗi buồn vào hai từ ấy - “Gục đầu” trên cái bóng của chính mình, hay là gục đầu trên quá khứ "vàng son"?!
Sự cô đơn được đẩy lên đến cùng cực bằng giọng hát của Thuỳ Dung, khắc khoải đến nao lòng, như những vết cắt cứa vào tim ta vậy! Tất cả nỗi đau được trút vào giọng hát như rút ruột ra và thả vào những ngón tay miết chặt lên phím đàn piano. Từng thanh âm gãy gọn và đứt quãng! Bất chợt tôi thấy như có điều gì đó cũng đang vỡ vụn trong tôi!
...Không còn nghe, không còn nghe ai nói cười
Tôi còn ngồi chi đây một mình
Từng ý nghĩ mong manh…
Con người mà không còn ý thức được những gì diễn ra xung quanh mình nữa thì hẳn là cô đơn lắm và cũng đáng sợ lắm! “Không còn nghe, không còn nghe ai nói cười”, cụm từ ấy được lặp lại đến hai lần như khẳng định về một sự thật: Không còn ai bên mình hay là sự tồn tại của bất kỳ ai đó lúc này cũng đều trở nên vô nghĩa!!! Nhưng những ý nghĩ mong manh về một miền dĩ vãng rồi cũng mờ dần, mờ dần để lại trong tim ai là một nỗi buồn sâu kín…
Xin gửi tặng đến tất cả những ai có cảm xúc tương tự!
Như Mai


1 nhận xét:

Thơ có cần thiết cho đời sống

Thơ có cần thiết cho đời sống? Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác ...