Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Cám ơn hai dòng sông

Cám ơn hai dòng sông

 Võ Thị Thúy Ba 
Tôi được sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung. Nhà Ba tôi ở đầu làng, nằm trong một khu xóm gồm có mười mấy ngôi nhà, chung quanh xóm có lũy tre xanh bao bọc, mỗi nhà đều có một mảnh vườn , hình dạng và diện tích không đồng đều để trồng ít cây ăn trái , bầu, bí  v.v...và các loại rau xanh thường dùng trong các bữa ăn hằng ngày ở thôn quê
Có vài nhà trước sân trồng hoa và cây cảnh. Xóm tọa lạc trên một gò đất rất cao và rộng lớn, nhà nào cũng đắp nền cao để khỏi bị  nước vô nhà mỗi khi có lụt,sau xóm là cánh đồng ruộng lúa mênh mông và một con kênh dẫn nước rất rộng có cả đập để điều hòa nước vào mùa khô. Cách Thị Trấn An nhơn chừng 2km về hướng  Bắc trên quốc lộ số 1, rẽ phải là con đường cái quan nằm cạnh một con sông chảy ngang qua xóm làng tôi ở, có lẽ là một chi nhánh của dòng Côn giang (?) chảy về xuôi ,  trên đoạn sông nầy cũng có một cái  đập ngăn nước rất kiên cố tên là đập Bờ Đỗ để bảo đảm nguồn nước cho soi, ruộng đôi bờ tả hữu An Nhơn- Tuy Phước. Hai quận An Nhơn ,Tuy Phước là nơi chủ lực sản xuất các loại nông sản như :  lúa ,nếp,các loại đậu ,mè, thuốc lá, mía đường v.v... cho Tỉnh Bình Định.
      Dòng sông thân yêu hiền hòa gắn liền với tuổi thơ của  tôi, khi năm, sáu tuổi tôi đã được mẹ dẫn theo ra sông, mẹ giặt đồ, tôi  ngồi chơi  trên bãi cát, mỗi lần đi tôi luôn đem theo cái lon sữa bò cũ nhặt những hòn sỏi màu trắng, xanh ,đỏ, vàng , tím sậm, bỏ đầy lon rồi mang về nhà cùng mấy nhỏ bạn trong xóm chơi trò buôn bán đồ hàng bắt chước  giống như người lớn . Ngôi  trường  Tiểu Học gần nhà cũng ở  cạnh bờ sông, tôi còn nhớ những năm học lớp Nhì, lớp Nhứt ,  vào mùa nắng những khi được nghỉ học và không bị mẹ bắt ẵm em tôi thường rủ mấy nhỏ bạn cùng xóm, cùng lớp ra bờ sông tìm những chỗ đã quen thuộc có mực nước sâu vừa tầm, hè nhau cổi áo nhảy ùm xuống nước tắm gội  thỏa thuê, đùa giỡn và rượt đuổi  dưới nước, chúng tôi vừa tắm vừa lặn sâu xuống bắt những con sò, con hến có vỏ ánh lên màu xanh hoặc tím dưới nắng hè trông rất đẹp mắt, mãi cho đến lúc chịu lạnh không nổi nữa, chúng tôi mới lên bãi cát thay quần áo và hong tóc cho khô mới về nhà,mùa hè lúc nào bến sông cũng nhộn nhịp đông người đủ cả mọi lứa tuổi, đôi lúc còn có người lừa  bò, trâu xuống sông cho uống  nước và tắm cho chúng nó .

   Khi lên Trung học tôi phải ở trọ xa nhà nên cũng không được tắm sông thường xuyên nữa, và có lẽ vì cảm thấy mình đã lớn nên không còn thích hợp lối tắm sông như trước ,mà ở nhà tắm bằng nước giếng, thỉnh thoảng tôi chỉ theo mẹ ra sông phụ giặt đồ cho các em và nhìn quang cảnh nhộn nhịp của bến nước vào mùa hè mà thôi.
    Thời gian ềm đềm trôi qua cho đến năm 1965 , trụ sở Xã gần nhà bị quân của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đánh phá, quê tôi mất an ninh, Ba mẹ tôi đành rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, rời bỏ nhà cửa ruộng vườn trong đó có mồ mả ông bà tổ tiên ở đấy, cùng thời gian nầy quê ngoại tôi ở Quận Bình Khê(Huyên Tây Sơn bây giờ) cũng mất an ninh, nên số ruộng Ông Bà ngoại chia cho Mẹ tôi cũng chẳng còn thu hoạch được nữa.Không còn nguồn thu nhập chính từ nông sản ở hai bên Nội ngoại, Ba mẹ khuyên tôi tạm nghỉ học vì nhà đông con mà tôi là chị lớn phải chịu hy sinh, tiền bạc ưu tiên cho hai đứa em trai đang học ở Trường Cường  Đễ Qui Nhơn . Tôi bùi ngùi từ giã ngôi trường thân yêu và-dòng sông tuổi thơ - để theo Ba  Mẹ cùng mấy đứa em nhỏ  dắt díu lên Cao Nguyên lập nghiệp. Ba Mẹ tôi từ một tiểu điền chủ cuộc sống ổn định,đột nhiên thay đổi môi trường sống, đến nơi xứ lạ quê  người tứ cố vô thân,không có tiền bạc trong tay, cũng may là Ba tôi có chút vốn liếng chữ nghĩa nên xin được vào làm công chức hạng B ở Ty Kiến Thiêt Tỉnh, tiền lương cũng chỉ đủ cho gia đình sống đạm bạc trong thời gian đầu,  má tôi phải vất vả buôn bán thêm mới đủ tiền gởi cho hai em học ở Quinhon và sau nầy còn vô được Saigon học đại học nữa .
  Mỗi buổi chiều sau giờ làm việc hoặc ngày chủ nhật, Ba tôi thường mời các bạn đồng nghiệp về nhà đánh cờ tướng và trò chuyện với nhau,trong đó có ông bạn vong niên là Bác Khâm có người con gái lớn tốt nghiệp cử nhân toán , theo chồng là Bác Sĩ Quân Y, về dạy ở trường Trung học Tỉnh lỵ, chị Hậu thật tốt bụng biết gia đình tôi qua bác Khâm, thấy tôi hiếu học mà vì hoàn cảnh gia đình bị dang dở việc học hành,chị sắp xếp thời gian dạy kèm tôi học tiếp đồng thời chị nhờ người bạn ở Saigon gởi bài vở, tài liệu cho tôi học để thi vào ngành hành chánh , tôi thi đậu và sau đó được nhận vào làm ở Tòa Hành Chánh Tỉnh . Cũng trong thời gian nầy gia đình tôi đã mua được một căn nhà nhỏ, mái lợp tole vách bằng gỗ của một người Dân Tộc, cựu công chức từ thời Pháp đã nghỉ hưu nên bán nhà ở Tỉnh lỵ để về Buôn làng bên kia sông  sống với gia đình họ hàng. Căn nhà  nầy tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp và được cất trên một con lộ nằm cạnh bờ sông Ba,sau nhà có mảnh vườn nhỏ ,Bác Khâm cho ba tôi mấy chậu hoa quỳnh màu trắng, rất hiếm khi tôi thấy nó nở hoa và một số cây hoa lài trồng để lấy hoa bỏ  vào bình  trà uống cho thơm.
    Nhờ vậy tôi lại có duyên được ở cạnh một dòng sông nữa , tôi đặt cho nó thêm một cái tên-- dòng sông trưởng thành--Thật tình tôi không đủ tài năng để diễn tả hết vẻ đẹp của nó mỗi khi chiều tà, hoàng hôn buông xuống và mỗi buổi bình minh rạng rỡ chào đón ánh mặt trời ,tôi chỉ biết nó phát nguyên từ vùng đồi núi Tỉnh Kontum , qua Thị Trấn An Khê chảy ngang qua Tỉnh Lỵ Hậu Bổn (Tỉnh Phú Bổn), xuôi dòng về địa phận Tỉnh Phú Yên rồi hòa nhập vào biển cả . Đoạn sông chảy qua Thị Xã nằm giữa đôi bờ  Đông Tây, phía Tây là Thị Xã Hậu Bổn, phía Đông là Buôn làng và nương rẫy của những Sắc Dân Thiểu Sổ, nối tiếp là rừng đại ngàn Tây nguyên hoang sơ tĩnh mịch .Bến Mộng nhìn qua đồi Mơ là bến nước cho trẻ, già, trai, gái Kinh ,Thượng tắm rửa, giặt giũ vào mùa nắng gắt, vào mùa mưa nước lớn  có đò đưa người qua lại, hai bên bờ bến nước có những cây cổ thụ như cây sao, cây sồi và cây xoài rừng   rất cao to , vươn cành thật dài che khuất ánh nắng mặt trời một khoảng không gian rộng lớn ,là nơi lý tưởng để người bộ hành dừng chân nghỉ mệt và đôi lứa yêu nhau hẹn hò tình tự. Nơi đây đã được chứng kiến biết bao mối tình đơm hoa, kết trái và cũng ngậm ngùi thương xót cho những mối tình vì hoàn cảnh ngang trái nên đành phải chia ly.

   Ngày tháng nối tiếp trôi qua cuộc sống gia đình tôi cũng được ổn định, mãi cho đến năm 1975 đất nước trải qua cuộc bể dâu, Mẹ tôi dẫn các em theo đoàn người di tản về lại Qui nhơn, chồng và Ba tôi đi tù biền biệt, thời gian đầu gia đình không biết họ ở đâu, trại tù nào,và bao lâu thì được thả về. Lúc bấy giờ  tôi có ba đứa con nhỏ  nên không di tản được, đứa nhỏ nhất mới được 2 tháng tuổi,đứa lớn nhất được 5 tuổi ,một mình tôi chăm sóc con và hằng ngày còn phải đến “học tập cải tạo” tại cơ quan an ninh địa phương  ,khi mãn hạn tôi mang con về  định tá túc với Mẹ và  mấy em ở thành phố Quinhon gần quê nhà . Nhưng  dòng đời nghiệt ngã chứ không như dòng sông,dòng sông tuy có thác ghềnh ở thượng nguồn, rồi sau đó cũng được êm ả chảy về xuôi. Còn dòng đời khi gặp lúc thế sự cơ cầu, lòng người cũng mau chóng đổi trắng thay đen kể cả bà con họ hàng , khi không lợi dụng gì được nữa thì họ lại hùn gió bẻ măng,  muốn “đuổi tận giết tuyệt” cho bỏ ghét . Gia đình má tôi nằm trong danh sách đi kinh tế mới, nên tôi phải dẫn  ba đứa con nhỏ về lại căn nhà cũ nằm bên bờ sông Ba chăn nuôi , buôn bán sinh sống qua ngày. 
     Phố núi có dòng sông Ba thơ mộng lại một lần nữa đón nhận tôi, khi rảnh rổi tôi thường dẫn con và mang quần áo ,chăn mùng ra sông giặt giũ . Nhiều lúc quá cô đơn buồn tủi, tôi ra ngồi một mình hằng giờ trên mấy tảng đá ở bờ sông , thì thầm với dòng nước  vô tư  , muốn gởi nó mang về nơi vô tận nỗi niềm riêng đang ấp ủ trong lòng , không dám bày tỏ cùng ai . Sông Ba không phân biệt Kinh, Thượng giàu nghèo, không phân biệt lý lịch,công dân hạng 1,hạng 2 như ở trong trường học, bệnh viện,cửa hàng  bách hóa , bến xe  v.v... mà ai ai cũng có thể xử dụng dòng nước mát trong lành của nó.

 Hằng ngày tôi phải đối diện với  sự kỳ thị  và cách đối xử khắc nghiệt của những người muốn lập công , quá sức chịu đựng nhiều lúc tôi có ý nghĩ  muốn làm chuyện khờ dại, nhưng nhờ ngồi dưới bóng cây bên bờ sông để tĩnh tâm, hít thở không khí trong lành và hơi nước mát dịu làm cho tôi tỉnh táo, vượt qua được  giây phút suy trầm tinh thần, thêm nghị lực để tiếp tục  sống  và nuôi nấng ba đứa con dại.
      Đã trải qua bao nhiêu năm tháng và biết bao thăng trầm trong cuộc đời, tất cả đối với tôi đã trở  thành  kỷ niệm. Từ ngày rời khỏi quê hương, tôi quá bận rộn ,cùng chồng lo cho  các con ăn học , phần lo cho cuộc sống mới của gia đình mình, phần thì cố gắng làm việc để giúp đỡ phần nào cho người thân còn kẹt lại  ở quê nhà gặp khó khăn , nay tất cả đã tạm ổn định, các con tôi đã khôn lớn nên người, tôi mới có thể bình thản  ghi mấy dòng nầy để vơi đi niềm tâm sự.  Tôi luôn luôn tâm niệm cảm tạ Phật ,
 Trời đã ban sự bình an cho gia đình tôi, tôi cảm ơn Ba mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng, dạy dỗ tôi nên người,  cảm ơn quý Thầy, Cô giáo đã truyền đạt chữ nghĩa, kiến thức cho tôi, cảm ơn những ân nhân,bạn bạn bè đã giúp đỡ hoặc tha thứ cho tôi những lỗi lầm, và tôi cũng cảm ơn chồng con đã dành cho tôi tình yêu thương nồng nàn, mặc dù có lúc tôi thật đáng ghét.
 Đặc biệt tôi cảm ơn hai dòng sông :  

 *DÒNG SÔNG TUỔI THƠ : Dòng sông hiền hòa, thơ mộng đã chuyển tải dòng nước mát cho quê tôi được trái ngọt cây lành, ruộng lúa ba mùa quanh năm tươi tốt, và cho tôi đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ.
 *DÒNG SÔNG TRƯỞNG THÀNH : Nhờ nơi đó tôi đã gặp được người bạn đời yêu dấu của tôi, Sông Ba không kỳ thị ,khinh miệt  lúc tôi sa cơ lỡ vận, chịu nghe tôi kể lể tâm tình,cho tôi được thưởng thức cảnh đẹp mơ màng của một dòng sông nằm bên phố núi , nơi mà trong cơn bỉ cực tôi có thể đến để tĩnh tâm, bảo toàn nghị lực để sống cho thật tốt đẹp.
                                                    Dòng sông trong ký ức
                                                    Tuổi ấu thơ ngọc ngà
                                                    Kỷ niệm nào đã mất
                                                    Tình nào đã phôi pha
                                                    Hương xưa in tiềm thức
                                                    Thời gian hững hờ qua 
                                                    Chưa trọn tình non nước

                                                    Đã nghìn trùng cách xa…



                                                                     
                                                        

2 nhận xét:

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...