Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

“Lên mù sương Xuống mù sương” - Thênh thang gió núi mây ngàn

“Lên mù sương - Xuống mù sương”
Thênh thang gió núi mây ngàn
Nhận được tập sách Minh Nguyễn tặng tôi cũng khá lâu rồi, nhưng tôi cứ đọc từng trang, nhẩn nha như cùng tác giả dong xe dọc đường gió núi. Tôi biết anh đã lâu, thuộc thế hệ cầm viết trước giải phóng. Sinh ra ở Bến Tre vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều danh nhân tài hoa bậc nhất. Có lẻ niềm đam mê văn chương anh cũng xuất phát từ yếu tố này. Anh đã ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết…Làm kinh doanh, nhưng đam mê văn chương. Minh Nguyễn đi rất nhiều và cứ thế thầm lặng viết.
Với mười hai bài viết vừa tạp văn vừa ký, Minh Nguyễn đã đưa người đọc qua từng chuyến đi với cảm giác lành lạnh, lãng mạn và giàu cảm xúc của vùng cao nguyên. Tôi từng đi Đà Lạt nhưng chưa ghé qua B’lao, nơi mà Minh Nguyễn bị mê hoặc:”…Chữ B’lao thật gọn nhẹ như chính khoảng không gian mờ ảo hơi sương phả lên từ những thung, bản, núi đồi vây quanh cái trị trấn buồn hiu…”. (Về B’lao tr.5). Nhưng lại xanh thẳm nương dâu, đồi trà, cà phê bạt ngàn. Trở lại vùng đất đầy ắp kỷ niệm một thời có rất nhiều thay đổi, anh có chút ngậm ngùi khi nhớ bạn bè xưa.

Tiếp tục cuộc hành trình anh ba lô lên xứ hoa đào, Đà Lạt! Cảnh đẹp Đà Lạt hình như rất quen thuộc với người bản xứ và cả khách nước ngoài. Nhưng ấn tượng với tôi đó là theo chân anh làm một chuyến đi bằng xe lửa từ nhà ga tới Trại Mát, Ai chưa đi đọc trang sách Minh Nguyễn lại thấy hối tiếc vì không được: “…khám phá Đà Lạt bằng cung đường hỏa xa phố núi…” (Cao nguyên trơ trụi- gò đồi nhấp nhô tr.19) để cảm nhận cái đẹp tuyệt vời của thiên nhiên xanh thẳm đang dần mất đi từ sự mọc lên của những ngôi nhà kính cao tầng. Và cũng có chút u hoài với ký ức xưa.
Buôn Mê Thuộc với anh nhiều hấp dẫn bởi người bạn đường là một cô gái xinh đẹp. Nhân vật Nhã cùng chuyến hành trình làm cho “Đại ngàn buồn muôn thuở” không có buồn chút nào khi:”… xe chạy giữa một mùa hoa cúc quỳ vàng ươm…khó phân biệt đâu là hương hoa đâu là mù sương buổi sáng…”. Một loài hoa nắng, tôi cũng rất thích khi lên cao nguyên mùa hanh khô. Loài hoa ấm áp này, không sắc hương cao quý nhưng lại có rất nhiều người yêu thích, nhất là những cô bé học trò:”…hái những đóa hoa dại ấy, mang về ép trong lá thư tình giấu trong cặp sách…” (Tr.25). Phố núi Buồn Muôn thuở của Minh Nguyễn đầy ắp tiếng cười.
Tiếng cười lại theo nhà văn lên đến Pleiku đọc thơ Vũ Hữu Định, uống một tách phê ngắm “Phố núi trời gần” rồi lại cùng cô bạn đồng hành đong đưa trên cáp treo lên đỉnh núi Bà Nà:”… ngắm bán đảo Sơn Trà, bãi biển Non Nước, Ngũ Hành Sơn và cả con sông Thu Bồn chảy qua Hội An…” mơ nhặt được vàng. Câu chuyện tưởng rất huyễn hoặc nhưng vô cùng thú vị
“…Nàng Ban xinh đẹp/Yêu chàng trai Khun/Tình duyên không thành/Chết thành hoa Ban”. Đó nội dung câu chuyện truyền thuyết hoa ban mà tác giả đặt chân tới vùng đất Tây Bắc, không phải để ăn cơm nếp xôi hay đi thuyền độc mộc mà chỉ để ngắm hoa Ban nở và ăn những món ăn chế biến từ hoa Ban để khi về lưu luyến mãi không thôi. Tác giả ví Tam Đảo là thiên đường thứ hai cũng không sai với cái lạnh ngòn ngọt, với sương mù bảng lảng, non nhớt ngọn su su và lung linh huyền ảo truyền thuyết về “ Mẫu Thượng Ngàn”, thấp nén nhang cầu tình, cầu tự, cầu sự bình yên.
Một cốc rượu táo mèo tác giả rót tặng bạn đọc một cảm giác ngà ngà trong cái lạnh của Sapa “ Thành phố trong mây, thành phố trong sương”, trong tiếng sáo, tiếng đàn môi của các chàng trai cô gái Hơ Mông, Tày, Sán Dìu… gọi bạn tình của đêm thứ bảy mưa lất phất bay, ăn khoai lang, trứng nướng nhưng lại thèm một ống cơm lam xâu thịt “lợn cắp nách” nướng thơm lừng. Buổi sáng ngắm các ruộng bậc thang vào mùa lúa đang vừa chín tới để bị mê hoặc bởi cái đẹp rực rỡ của vàng óng pha sậm mà ngơ ngẩn nhìn:”…Trên đầu mây di chuyển rất nhanh, mới đó đã che phủ cả bầu trời, che luôn cả những thửa ruộng thơm lừng hương lúa, khiến tôi có cảm giác như chỉ cần đưa tay ra là tóm được những phiến mây nhẹ như bông”(Tr. 95).
Trong bài: “Đề sát viện Bùi công "Yên Đài anh ngữ" khúc hậu”Cao Bá Quát đã viết rằng:Những lời văn viết ra bằng sự khổ công gọt giũa trong bốn bức tường văn lạnh lẽo sẽ như một sinh vật tự dưỡng, văn chương thiếu cái mở lòng ra đón những vang động cuộc đời, thiếu sự hô hấp các dưỡng khí ngoài cuộc sống thì chỉ nhạt nhẽo, bủng beo có chăng chỉ là những đồ lạ mắt. (nguồn Internet)
Minh Nguyễn không như vậy, anh đã từ thực tại những chuyến đi ghi chép lại cái đẹp, cái hay, niềm vui nỗi buồn… Mỗi nơi tác giả đến đều đươc miêu tả khá tỉ mỉ,sắc màu, đặc sản, di tích lịch sử…Với một chút yêu mến, một chút lạ lẫm khiến bạn đọc bị hấp dẫn không dừng lại được với “ Những bước lên trời với ruộng bậc thang”; :Mù Căng Chải sóng sánh mùa vàng”; “Ở nơi chỉ có đá và đá”; “Xứ Lạng có ai lên cùng”…Dòng chảy của ngôn từ mỗi tạp bút hay ký giống như một chuyến tàu ghé hết ga này sang ga khác. Bạn đọc theo chân nhà văn làm một cuộc du lịch ba lô lên vùng cao nghe tiếng hát, ngắm dã quỳ, uống một tách cà phê Ban Mê…với một chút ngọt ngào, một chút ngậm ngùi nuối tiếc vu vơ. Để cùng tác giả nhận ra rằng:
“ Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương“

(Còn một chút gì để nhớ- Vũ Hữu Định)
Bạn đọc, tôi cũng như tác giả thôi :“May mà có em đời còn dễ thương”.

Trúc Linh Lan 

Còn Chút Gì Để Nhớ - Phạm Duy

 Sĩ Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ có cần thiết cho đời sống? 10 Tháng Ba, 2023 Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát nh...