Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Bến xưa

Bến xưa
Làng tôi nhỏ nhoi khoảng chừng gần trăm nóc nhà, cả làng đều nhà tranh vách đất, số nhà khá giả xây tường, lợp ngói đếm không khắp năm đầu ngón tay. Con đường nhỏ chạy qua làng, cũng là bờ con sông.
Làng nhỏ, con sông trước làng cũng nhỏ như tấm khăn mỏng mảnh khoác trên vai thiếu nữ tuổi dậy thì chỉ đủ làm duyên làm dáng. Nhỏ nhoi vậy, nhưng khi dòng sông vào mùa bão lũ thì làng cũng bị ngập tràn... Dòng sông, xóm làng cũng như con người vậy, đều trải qua những bước thăng trầm của số phận, của thời gian. Tôi chỉ muốn nói đến bến sông quê trong hoàn cảnh thanh bình của những ngày xa xưa.
Nói là xa xưa, vì khoảng thời gian ấy là từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, làng có những bến đá, có những cây cổ thụ rủ bóng, dân làng tôi còn quần nâu, áo gụ. Cuộc sống thanh bần, đạm bạc, canh nông thuần chất. Giữa trưa, nửa đêm vọng tiếng gà gáy, chó sủa. Bến nước trước làng lát bằng những viên đá trắng, chẳng biết bến có từ bao giờ mà bề mặt những viên đá ấy nhẵn thín bởi không biết bao nhiêu bàn chân đã đặt lên đó, có hòn lõm xuống vừa hình bàn chân.
Người già trong làng kể rằng: Bến đá làng tôi đẹp nhất vùng, từ thuở làng còn chưa có người đến ở, đêm trăng thanh gió mát thường có những cô gái đến tắm, vùng vẫy trêu chọc nhau đến cuối canh ba lại đi đâu hết, không còn thấy một bóng nào. Các cụ bảo đấy là các nàng tiên từ đỉnh núi Bích Đào về tắm. Làng dần dần đông đúc, bến làng vui hơn, tình tứ hơn.
Những trưa mùa hè nóng nực, mọi người thường ra bến đá ngồi hóng mát. Gió từ mặt nước sông đưa lên thoang thoảng mùi hương của những cánh hoa lộc vừng từ trên thượng nguồn trôi về. Nếu là mùa lộc vừng nở rộ, dòng sông như hồng hào lung linh bởi những cánh hoa màu hồng. Những bông lộc vừng được vớt lên gom lại trên mặt đá thạch anh trắng muốt.
Các em bé gái khéo léo xâu những bông hoa thành chuỗi cho đến khi buộc hai đầu dây lại thì được một vòng hoa đeo vào cổ vừa thơm vừa mát. Nhìn các bé gái có tràng hoa lộc vừng trên cổ tôi lại có sự suy tư lãng mạn và nhớ chuyện các nàng tiên ngày xưa về tắm trên bến làng...
Đấy là trò chơi của các bé gái, còn các bé trai thì tồng ngồng ngụp lặn dưới sông, lúc thì lặn trong nước tìm nhau, lúc thì chổng mông trồng cây chuối, chúng còn trèo lên cành sung cổ thụ vươn ra tận giữa sông rồi nhảy ùm xuống tưởng như chúng biến luôn vào dòng nước. Thật chẳng may cho chàng trai nào đi qua bến lúc này lập tức những cái đầu đẫm nước nhô lên và kèm theo câu trêu chọc vang mặt sông: "Sông làng tôi vừa trong vừa mát. Đường làng tôi lắm cát dễ đi. Chị ơi ve vẩy làm chi. Để cho anh ấy đi đi về về". Chàng trai đỏ mặt liếc ngang vào các chị đang vừa cười vừa đấm lưng nhau thùm thụp.
Còn dưới sông, bọn trẻ lặn mất tăm. Rồi bất ngờ chúng lại ngoi lên đón đầu chàng trai ở đoạn sông nơi mà trên đường chàng trai sẽ đi qua và lại tiếp diễn trò trêu ghẹo tinh ranh của chúng. Chị em con gái chúng tôi thường gội đầu cho nhau ở bến. Bồ kết nướng thơm, bẻ vụn, gói vào mảnh vải mỏng buộc túm lại. Hương bồ kết thơm, nước sông trong mát, thật sảng khoái dễ chịu lây sang cả những người trên bờ. Làn tóc thả trong nước, mềm mại uốn lượn như rêu. Gội đầu xong, ngồi trên bến hong tóc cho khô, người với tay hái chùm sung xanh, người chạy về nhà lấy ít hạt muối. Năm ngón tay xoè mở, những hạt muối trắng nằm giữa lòng bàn tay, chụm đầu vào nhau, sung xanh chấm muối... Hàm răng trắng cắn vào trái sung xanh non giòn đôm đốp.
Những câu chuyện, lúc thầm thì, lúc tiếng cười rộ lên khiến cho bến nước xôn xao, lay động cả những chùm hoa nắng lung linh trên mặt sóng, trên bến đá, trên tóc, trên những gò má con gái ửng hồng. Dăm cô con gái, chùm sung xanh, dúm muối trắng mà bến nước như có đại tiệc…  
Thời gian trôi vèo như cánh lá bay. Lứa bạn bè của tôi tứ tán muôn  phương. Qua chiến tranh, kẻ còn người mất. Kẻ nên danh nên giá, người lận đận, vất vả. Bến nước bây giờ cũng không còn là bến nước của ngày xưa, nó cũng bị biến dạng đến khó tin. Những cây cổ thụ không còn, kể cả gốc rễ. Đá lát bến và con chó đá cũng đâu hết. Tấm bia đá với những hàng chữ Nho dày đặc, thẳng tắp, cả hàng ngang và hàng dọc, làng để nằm trên bến làm bàn giặt quần áo, chưa có ai quan tâm dịch xem những hàng chữ trên bia viết gì, bây giờ tấm bia ấy cũng không còn.
Bến cũ đã là nền móng, là những căn nhà xây kiên cố. Dòng sông hẹp lại. Nhìn dòng sông tôi có cảm giác như một cái cổ họng bị bóp nghẹt. Làng san sát nhà xây mái bằng, nhà tầng, mừng vì nhịp sống đi lên đã xóa cho làng những mái tranh nghèo. Nhưng sao tôi cứ nuối tiếc bến nước xưa? Hoa lộc vừng. Quả sung xanh. Những hòn đá thạch anh trắng muốt...
Nhức nhối trước mắt tôi những túi giấy bóng, những vỏ bao gói đồ ăn, gói bánh kẹo không còn chỗ trôi đang phập phều dồn ứ lại. Dòng nước đục của sông không thể nuốt trôi những thứ ấy...
Bến xưa. Sông xưa. Huyền thoại xưa... Mãi mãi là ký ức.
Vũ Thị Khương
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...