Bích Khê, một trăm năm và hơn nữa
Sống ở trên đời chỉ có 30 năm, rồi “cán đích”
kỷ niệm 70 năm ngày mất, lại 100 năm ngày sinh, Bích Khê còn hứa hẹn những cột
mốc “thời gian phục sinh” kỳ thú nữa đánh dấu thơ ca của ông được người đời ghi
nhớ. Tôi nghĩ, Bích Khê và thơ của ông có thể vượt biên giới Việt để trở thành
một “tài khoản thơ” quốc tế, nếu chúng ta tổ chức dịch và giới thiệu thơ ông
đúng mức. Về thi pháp nghệ thuật, thơ Bích Khê vừa hiện thực vừa tượng trưng vừa
siêu thực. Thơ ông có thể đáp ứng cho “khẩu vị” khác nhau của những người yêu
thơ đương đại ở phổ rộng, vì cho tới một lĩnh vực mà thơ đương đại còn ngại ngần
là lĩnh vực sex, thì thơ Bích Khê cũng… sex luôn. Dù là sex rất…
thơ, rất trong trẻo, rất mơ hồ, nhưng vẫn rất… sex. Những người làm
thơ trẻ bây giờ chưa chắc đã sở đắc được những kỹ thuật thơ phương Tây mà Bích
Khê từng sở đắc. Nhớ có lần một nhà thơ nam sồn sồn đã gửi email cho một nhà
thơ nữ trẻ nổi tiếng một bài thơ của Bích Khê nhưng không đề rõ là thơ Bích
Khê, mà chỉ viết là thơ của anh Khê, thì nhà thơ nữ trẻ nọ sau khi đọc đã trả lời:
“Ôi thơ anh Khê nào mà hiện đại quá thế anh ơi!”. Thì còn anh Khê nào nữa! Những
phần thơ của Bích Khê ngày trước chưa được giới phê bình hay giới sáng tác chấp
nhận, thì bây giờ được rất nhiều người hoan nghênh. Sự cởi mở về tư tưởng, về
cách sống, cách cảm nhận văn học, nhất là cảm nhận thơ, đã giúp thơ Bích Khê 70
năm sau ngày ông mất lại trở nên cập nhật hơn với đời sống văn học đương đại.
Tôi nghĩ, một số bài thơ rất đẹp và đầy tình yêu quê hương của Bích Khê sắp tới
phải được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy ở nhà trường. Sự bền bỉ của cái Đẹp,
qua thử thách, đã chứng minh được sức sống của nó. Bích Khê là một nhà thơ yểu
mệnh, nhưng Thơ Bích Khê thì không. Những câu thơ yếu đuối nhất trong hai tập Tinh
huyết và Tinh hoa, hóa ra, lại là những câu thơ sống lâu nhất.
Là lúc đêm về trên mái ngói
Những nhành nhãn muộn. Cánh dơi lay
Em đang nổi bệnh trong phòng vắng
Tình đậm theo trăng sáng sáng đầy
(Làng em)
hay:
Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa
(Làng em)
Thơ ấy như rượu nếp cái hoa vàng hạ thổ, càng
để lâu càng sánh đậm, càng để lâu càng thăng hoa mà hương thơm cứ vấn vít. Tôi
đã nghe 9 ca khúc Phạm Duy phổ thơ Bích Khê, gọi là “9 dị khúc”, và cảm thấy
như thơ Bích Khê còn mới hơn cả nhạc Phạm Duy. Sự cập nhật với đời sống của thơ
đích thực là kỳ lạ. Nhiều khi, nó quên luôn cả tuổi tác của mình, nó mới lại
qua từng thời đại, nó khiến ta ngỡ ngàng ngay cả khi ta tưởng chừng đã quá quen
với nó. Đó là một bí mật của thơ. Bích Khê đã có những bài thơ cư trú ngay
trong lòng sự bí mật đó. Như thế là rất ổn. Dù sau khi mất, Bích Khê đã có rất
nhiều năm bị hiểu lầm bởi một số ít người ngay trên chính quê hương mình, nhưng
quê hương không bao giờ từ bỏ ông. Đúng như tiên cảm vô cùng chính xác của Bích
Khê: “Sau nghìn năm nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”.
Thơ Bích Khê ăn về phía ánh trăng, nó mát lành mà bí ẩn, nó dịu dàng mà gây nên
những xốn xang những chấn động từ bên trong tâm hồn. Những khoảng tối, những phần
mờ trong thơ Bích Khê chính là phần quý giá nhất của thơ ông, nó chứng minh rằng
sự bí ẩn phương Đông có thể hòa hợp với kỹ thuật phương Tây để tạo nên một “chủng
Thơ” mới làm phong phú cho thơ ca.
Tôi luôn có cảm giác bình an mỗi khi đọc thơ
Bích Khê. Vì cũng như ông, tôi “ăn vào” đất nước và quê hương mình, tôi “ăn
vào” nhân dân mình bằng một tâm thế bình an “Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo
Ta” (Duy tân). Vâng, nhịp theo Ta chứ không nhịp theo Tây, dù không bao giờ
bài xích những thành tựu mà văn minh và văn học phương Tây mang tới cho nhân loại,
trong đó có bản thân mình. Như Bích Khê đã từng. Và đã tới. Một trăm năm. Và
hơn nữa.
Ngày giáp Tết Bính Thân 2016
Thanh Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét