Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Những “Bông hoa” trong “Vườn trí thức”

Những “Bông hoa” trong “Vườn trí thức”
Lực lượng nữ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hồng Đức trong nhiều năm qua đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ ứng dụng thực tiễn. Họ đang từng ngày vượt qua khó khăn, vượt lên bản ngã, nỗ lực lao động, từng bước đi lên để khẳng định tình yêu nghề trong sự nghiệp “trồng người”.
Đến thời điểm này, Trường Đại học Hồng Đức có 786 cán bộ, giảng viên, trong đó nữ chiếm 58%. Giảng viên có học vị tiến sĩ là 104 người, trong đó nữ có 39 người, chiếm 38%. Giảng viên có học hàm phó giáo sư là 14 người, trong đó  nữ có 6 người, chiếm 45%. Tính từ  năm 2010 đến 2015, nhà trường đã đào tạo 21.080 người tốt nghiệp các trình độ sau đại học, đại học và cao đẳng, hàng năm tỷ lệ sinh viên đạt khá, giỏi là 55,39%... Kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên. 
Một trong những “bông hoa” trong “vườn trí thức” Đại học Hồng Đức  là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai, phó hiệu trưởng nhà trường, quê xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa.  Hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, có biết bao ký ức về những lớp học sinh đã đến với trường và ra đi muôn phương để xây dựng cuộc sống, góp phần cống hiến trí lực xây dựng  quê hương, đất nước.  Chính tình yêu nghề  sư phạm  đã thắp lên ngọn lửa khát khao vươn lên đỉnh cao trí tuệ trong chị.  
Vừa tham gia giảng dạy, vừa nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, không ngừng học tập nâng cao trình độ, vừa thực hiện tốt chức trách phó trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn. Với luận án:  “Đặng Thai Mai với vấn đề phương pháp luận dạy văn ở nhà trường phổ thông”, năm 2000 chị được nhận bằng tiến sĩ. Từ những thành công ban đầu, chị  tiếp tục   tham gia làm chủ các  đề tài và công bố  nhiều công trình khoa học khác. Năm 2013, chị vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong tặng chức danh phó giáo sư. Tháng 10 năm 2014, chị được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Hiện nay, chị vẫn say mê nghiên cứu các đề tài khoa học  mà chị tâm đắc.
Phó giáo sư, tiến sĩ Mai Thị Hồng Hải, sinh năm 1961, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Hồng Đức. Bên cạnh công tác giảng dạy  bộ môn Văn học dân gian và Cơ sở văn hóa Việt Nam, từ năm 1999 đến nay chị đã hoàn thành 4 đề tài khoa học cấp tỉnh và tư vấn cho nhiều sinh viên thực hiện các đề tài cấp trường.  Năm 2013,  chị bảo vệ thành  công luận án tiến sĩ ngữ văn,  với đề tài “Dân ca xường người Mường ở Thanh Hóa, tiếp cận từ góc độ văn học dân gian”. Năm 2014, chị vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phong chức danh phó giáo sư. Tâm sự với chúng tôi về quá trình phấn đấu, chị cho biết: Có nhiều kỷ niệm trong suốt hơn ba mươi năm làm công tác giảng dạy cho nhiều thế hệ học sinh. Tuy nhiên, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, chị cảm thấy mình hạnh phúc khi giúp được nhiều sinh viên nghiên cứu thành công các đề tài. 
Tiến sĩ Phạm Thanh Hương, sinh năm 1977, Phó trưởng khoa Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, quê ở  huyện Thiệu Hóa. Năm 1999, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nông hóa thổ nhưỡng tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 2000,  chị  được về giảng dạy tại Trường Đại học Hồng Đức.  Ngoài công tác giảng dạy, chị tham gia nhiều đề tài khoa học như: “Đánh giá hiện trạng quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP Thanh Hóa”, “Đánh giá hiện trạng môi trường đất và nước khu vực Nghi Sơn – Hòn Mê, Tĩnh Gia, Thanh Hóa”, “Nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng cali cho mía vùng đồi Lam Sơn”... Chị được nhận bằng tiến sĩ năm 2014 tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Mỗi một tình yêu, gắn với mỗi một cuộc đời. Tình yêu quê hương, ruộng đồng xứ Thanh đã giúp chị tin tưởng vào con đường mà mình đã lựa chọn. 
Tiến sĩ Ngô Việt Hương, sinh năm 1981, quê Quảng Yên, Quảng Xương, Trưởng bộ môn Tài chính – Thống kê, chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng.  Sau khi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng Hà Nội, năm 2003 chị về công tác tại Công ty CP Đào tạo công nghệ Hà Nội. Năm 2005,  về  giảng dạy tại Trường Đại học Hồng Đức. Năm 2011 chị nhận bằng thạc sĩ kinh tế ngân hàng,  tại Học viện Tài chính, đồng thời hoàn thành chương trình tiếng Anh trình độ B2 châu Âu. Ngoài công tác giảng dạy, chị trực tiếp chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu cấp trường như: “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo lãnh tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa”;  thành viên tham gia các đề tài cấp tỉnh: “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế Nghi Sơn đến năm 2020”, “Giải pháp tài chính thúc đẩy thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Yên Định”. Tháng 11 năm 2015, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với luận án: “Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa” tại Học viện Tài chính.  Nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác của chị  cũng đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. 
Tiến sĩ Hồ Thị Dung, Trưởng bộ môn Giáo dục học - Khoa tâm lý giáo dục,  sinh năm 1974. Vừa tham gia giảng dạy, vừa tiếp tục phấn đấu. Tháng 12 năm 2012 với  luận án “Thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong dạy học phần giáo dục học ở trường đại học” chị bảo vệ thành công và  được nhận  bằng tiến sĩ  tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Với tình yêu và  đam mê khoa học, chị tham gia cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở  và đề tài cấp bộ; công bố nhiều  bài nghiên cứu trên các tạp chí ngành giáo dục... Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, chị còn là người vợ hiền, mẹ đảm. Các con chị đều chăm ngoan, học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập...
Có thể nói, đội ngũ nữ  trí thức Trường Đại học Hồng Đức đang từng ngày nỗ lực vượt mọi khó khăn để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Với tình yêu nghề sâu đậm và khát vọng truyền bá kiến thức cho bao lớp sinh viên, đem trí thức đi tới muôn nơi gieo mầm tài năng và hạnh phúc, các chị  như những bông hoa luôn khát khao vươn tới mặt trời.
Nguồn http://baothanhhoa.vn/
Theo http://www.hdu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...