Về cuối đời họa sĩ Văn Kháng ít ngao du
với bạn bè, ngoại trừ một số chỗ thân tình. Tính khí sôi nổi, vô tư cũng
chợt biến đâu mất. Thay vào là sự trầm tĩnh, ưu tư. Những bức họa với
gam màu tươi rói do họa sĩ Văn Kháng vẽ được bày biện trong các gallery,
các cuộc triển lãm tranh cũng không còn nữa. Người yêu tranh cứ mong
chờ rồi thất vọng.
Theo lẽ thường thì những điều này cũng
dễ lý giải. Mỗi người có một lý sự lôgic được sắp đặt sẵn như ý đồ trong
bản vẽ của kiến trúc sư, thôi thì chẳng chê vào đâu được. Lúc thì họ
luận dẫn dưới góc độ khoa học, lúc thì triết lý biện chứng, lúc thì theo
chủ nghĩa kinh nghiệm. Ê hề những thứ bùng nhùng đến nhức cả đầu. Lý
giải xong chẳng ai chịu ai cả. Họ lại tìm đến tôi, sau một thôi một hồi
lý sự là câu hỏi: “Linh, theo chú mày thì vì lý do gì”. Tôi khổ sở với
những câu hỏi kiểu đó, nó cứ lặp đi, lặp lại mỗi lần họ bắt cóc được
tôi. Họ nghĩ, bây giờ chỉ có tôi là người bạn gần gũi với họa sĩ Văn
Kháng nhất đây mà. Mà đúng vậy. Chỉ có tôi, một sinh viên tổng hợp văn
ra trường dăm bảy năm, một chuyên viên quèn sống cô độc như ông, với
đồng lương “ba cọc, ba đồng” lại là hàng xóm, mới có thời gian rỗi rãi
để đến với ông. Nhiều khi tôi cũng phải chịu cả cái tính khí thất thường
của ông.
Sáng ra, thấy tôi sang, họa sĩ Văn Kháng
vào pha hai tách cà phê, xong, ông lặng lẽ ngồi thừ người trầm tư, hút
thuốc và uống cà phê hàng giờ, không một lời nói, mắt nhìn mênh mông, xa
vợi. Đận khác, thấy tôi sang chơi, ông chỉ nói gọn một câu “cà phê và
trà chú pha để trên bàn cho Linh đấy”. Nói xong, ông cặm cụi với những
mảng màu nham nhở một cách say sưa. Tôi ngồi uống cà phê và ngắm nhìn
những nét vẽ tài hoa của ông. Những lúc như thế tôi hiểu tâm hồn ông
đang thăng hoa. Tôi ngồi lặng yên suốt buổi rồi đi về. Họa sĩ Văn Kháng
quý tôi, có lẽ là do hai tâm hồn cô độc người ta dễ gặp nhau hay là
những khoảng lặng chúng tôi dành cho nhau, đôi lúc tôi ngẫm ngợi về điều
này. Cả hai thì đúng hơn. Người ta thường nói, khi đã hiểu nhau thì
cũng chẳng cần lời nói, chỉ nhìn vào mắt nhau đã biết nhau vui hay buồn,
phấn chấn hay rã rời. Nếu là tri kỷ thì những lúc như vậy chỉ ngồi yên
lặng bên nhau là đủ rồi. Tôi chẳng bao giờ hỏi họa sĩ Văn Kháng câu hỏi
“vì sao lại như vậy?”. Khi ông buồn tôi cũng cảm thấy lòng mình se sắt,
khi ông vui tôi cảm thấy nao nao. Tôi biết ông buồn cũng chỉ vì thế thái
nhân tình, ông vui cũng vì cảm nhận được niềm vui của kẻ đã vắt mình ra
hiến dâng.
“Chẳng qua là do tuổi tác đè nặng lên
đôi vai, tài năng sáng tạo bị cạn kiệt, cảm thấy bức bối đó thôi. Ở đời,
tre già măng mọc, trường giang sóng sau xô sóng trước là lẽ thường đấy
mà”- lời nói của họa sĩ Thành Duy kéo tôi về thực tại, thì ra họ đang
tranh luận. Tôi cảm thấy gai gai trước lời tuyên bố khô khốc ấy. Tôi sửa
lại thế ngồi, rút một điếu thuốc để trên bàn châm lửa rít một hơi dài
rồi lại lặng yên.
Họa sĩ Thanh Khiết lên tiếng: “Không hẳn
như vậy đâu, có nhiều người tuy tuổi đã cao nhưng nội lực sáng tạo lại
càng dồi dào và đã gặt hái được không ít thành công. Họa sĩ Văn Kháng có
lẽ cũng đang sáng tác nhưng chưa muốn công bố đấy thôi. Có phải vậy
không Linh?”. Bất ngờ trước câu hỏi đột ngột, tôi buột miệng: “Em không
biết, không biết mà”. Nói xong, tôi mỉm cười nhớ lại đã không biết bao
nhiêu lần tôi trả lời với cái điệp khúc “không biết, không biết và không
biết” này với vẻ bực dọc. Thật vô lý, người ta có mến yêu họa sĩ Văn
Kháng thì mới quan tâm đến ông ấy, đó cũng là điều dễ hiểu kia mà. Thấy
tôi mỉm cười, mọi người cũng cười. “Trịnh thi sĩ” nêu ý kiến: “Thôi bây
giờ tất cả chúng ta ra quán Hương Biển vừa nhậu, vừa đàm đạo mới rôm rả.
Cái bụng của tớ đang reo lên ngôn ngữ thơ đây này!”. Nói xong, Trịnh
thi sĩ đưa tay vuốt ngược mái tóc, trườn cả người lên bàn vơ tay nhặt
mũ, xong, phất tay bước ra, cả nhóm ùa theo.
Quán Hương Biển với không gian thoáng
đãng, những hàng cây xanh xòe lá đong đưa trước gió. Lối vào quán được
lát gạch, đường đi lối lại uốn lượn. Chọn một vị trí ngồi ngoài vườn,
mặt hướng ra bờ sông hóng mát.
Thi sĩ họ Trịnh nheo mắt lên tiếng
trước: “Chọn điểm nhậu mùa hè như thế này có phải sành điệu không các
chiến hữu”. “Tốt rồi, chúng ta chuẩn bị vào cuộc đi”- một giọng nói đĩnh
đạc vang lên. Vài món nhậu được gọi ra. Chai rượu đế được đặt bên cạnh
họa sĩ Thành Duy - người được cả nhóm gọi là “tẹt rượu” của cái xứ núi
này. Âm nhạc du dương được mở ra từ chiếc cassette. Lại nhạc Trịnh Công
Sơn. Những bản tình ca với chất giọng đầy quyến rũ, mê hoặc của ca sĩ
Khánh Ly như muốn nhuộm vàng thêm những mảng chiều vàng nơi phố núi u
tịch này.
Sau vài ly rượu, từ đề tài hội họa, thi
ca, cuộc đàm đạo đã chuyển sang đề tài âm nhạc lúc nào không rõ. Người
ta bàn về tính triết lý siêu hình, về yếu tố tôn giáo, về thân phận con
người, về cái tình trong nhạc Trịnh… Thôi thì đủ cả.
Trời tối. Tất cả đã ngà ngà say, gác lại mọi cuộc tranh luận, chúng tôi đường ai nấy về.
Vài năm sau, trước nhịp đời tất bật cũng
chẳng còn ai bàn luận, thậm chí là nhắc đến vì sao họa sĩ Văn Kháng dạo
rày không có tranh triển lãm và bày bán ở các gallery. Quy luật cuộc
sống trước xô bồ thật giả, trước sức cuốn hút của đời sống kinh tế thị
trường, lớp bụi thời gian khắc nghiệt có thể phủ lên tất cả nếu mỗi cá
nhân không tự vẫy vùng đi lên. Riêng tôi vẫn lặng lẽ đi về bên họa sĩ
Văn Kháng, lặng lẽ lắng nghe những uẩn khuất tâm tư của ông. Có lẽ tôi
“mê tín” ông ta chăng. Điều này tôi cũng không lý giải nổi.
Bẵng đi một thời gian, gần đây họa sĩ
Văn Kháng lại hối hả vẽ như bị thôi miên. Vẽ như chưa bao giờ được vẽ.
Vẽ như sợ chậm trễ một điều gì. Vẽ như có gì hối thúc. Ông không nói ra
nhưng tôi cảm thấy ông rất vui, như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới.
Bức tranh đầu tiên từ ngày tôi thấy ông
cầm cọ trở lại là bức vẽ về một thiếu nữ. Toàn bộ bức tranh là một màu
sáng trắng, mênh mang. Cô gái mặc một chiếc áo dài trắng, mái tóc dài
chấm ngang vai, nụ cười trắng lóa với đôi lúm đồng tiền. Trời ạ, đôi mắt
cô bé như biết nói, tay cầm mấy nhành hoa dại lại được vẽ trong một nền
trắng. Tất cả như nhòe đi trước mắt tôi. Bức thứ hai lại vẽ một phụ nữ
mà tất cả trang phục đều là màu đen đang ngồi bên nấm mộ giữa hoàng hôn
chập choạng. Bức thứ ba là vẽ một anh chàng bận âu phục là thẳng nếp
đang bắt tay một người đeo kính trắng mặc vét tông, dáng người anh ta
như lao về phía trước, trang phục của cả hai bên đều màu trắng. Bức thứ
tư vẽ một thiếu nữ mặc bộ váy cưới màu tím, tay cầm bó hoa cũng màu tím,
tím đến cả cành lá, dường như có cả màu tím trong ánh nhìn. Cứ thế, ông
vẽ độc gam màu cho mỗi bức tranh. Nhiều lúc xem tranh ông, tôi như bị
lạc vào mê hồn trận, thắc mắc mà không dám hỏi. Những lúc như vậy ông
chỉ mỉm cười đầy bí ẩn. Ông bảo: “Cháu hãy lao vào đời đi. Cọ xát sẽ làm
nảy sinh tư tưởng”.
Mấy hôm liền, sau khi hoàn thành bức thứ
mười lăm, họa sĩ Văn Kháng ốm liệt giường, không ăn uống gì cả. Tôi
sang chăm sóc ông. Ông chỉ uống tí nước cháo. Bảo đưa đi bệnh viện, ông
nói không đi với lý do “tuổi cao rồi, sống chết là lẽ thường tình”.
Hôm đó là ngày rằm tháng ba, họa sĩ Văn
Kháng bảo tôi đỡ ông ngồi dậy, đem những bức tranh ra cho ông. Ông nâng
niu từng bức, sờ vào từng dòng chữ ghi ở góc tranh, mắt rơm rớm. Ánh
nắng ban mai chiếu qua khung cửa sổ làm các sắc màu ngời lên, sáng lung
linh như đang nhảy múa quanh tôi và ông. Dẹp các bức tranh sang bên, họa
sĩ Văn Kháng nói giọng yếu ớt: “Chú có nhiều điều muốn tâm sự với cháu,
nhưng thôi, tuổi đời cháu còn trẻ lắm, đừng mang vào thân mà làm gì.
Chú tặng cháu những bức tranh này làm kỷ niệm. Chú chỉ nói với cháu điều
này: Chú yêu tất cả sắc màu tự nhiên. Nhưng chú lại ghét sự pha tạp
trong các màu sắc. Cuộc sống lại có sự hôn phối giữa các gam màu. Tách
các gam màu ra, trả nó về với nguyên bản của nó, đó là việc làm vô cùng
khó. Bởi vậy, đời chú khổ vì những việc không đâu”.
Tối hôm đó họa sĩ Văn Kháng lặng lẽ ra đi vào giờ tý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét