Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Ngôi nhà tâm hồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Ngôi nhà tâm hồn trong thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường
(Nhân đọc tập thơ "Người hái phù dung
của Hoàng Phủ Ngọc Tường")
Tập thơ"Người hái phù dung", chủ yếu là nỗi buồn, nỗi buồn viết hoa được nâng lên thành triết lý, có sức ám ảnh lớn về những điều muôn thưở, liên quan đến sự" hiện sinh"của tác giả, rộng ra, đến khắp cả kiếp người: Tình yêu, sự sống, cái chết...Tất cả đều được nhà thơ tư duy bằng kinh nghiệm buồn của chính mình thông qua sự đối chiếu với các phạm trù như: thời gian, tình yêu, cuộc sống...
Mở đầu tập" Người hái phù dung", tác giả đã khái quát một cách triết học về sự mỏng manh, ngắn ngủi của thời gian đời người qua sự đổi màu của loài hoa phù dung cánh trắng:
Anh hái cành phù dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Từ tứ thơ độc đáo này, bằng việc quan sát, so sánh với các sự vật, hiện tượng chung quanh và sức liên tưởng độc đáo, tác giả đã triển khai và chứng minh thành mệnh đề triết học đầy sức ám ảnh về sự"xuẩn ngốc" của thời gian sống một đời người. Từ đó, rút ra ý nghĩa và khát vọng vĩnh cửu về sự hiện diện của những người con biết sống:
Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng hạt máu đỏ tươi

(Dù năm dù tháng)
Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn có ám ảnh phù du. Nó ăn sâu trong tiềm thức và kinh nghiệm sống của anh. Ðời người cũng như con phù du kia, sinh ra để yêu, để khát vọng, bừng sáng rồi chết? Khác chăng là con người hay buồn và mơ mộng, bởi lẽ,"Nỗi khát vọng vô cùng" đã "ném vào tận đáy" vẫn còn dang dở nhưng lò ng tin thì cứ mãi sáng trong "Dù năm dù tháng", "Nói với bóng mình in trên vách", "Nơi tôi gửi bóng", "Ðêm qua"...là những khám phá nghệ thuật bất ngờ về sự sống, cái chết được tư duy bằng quy luật của thời gian và"ngôi nhà tâm hồn" của chính tác giả. Vì vậy, vừa triết lý vừa nhân bản.
Chính trên hệ quy chiếu này mà trong tình yêu, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có cách trầm tư ảo diệu. Anh quan niệm, với tình yêu không thể giản đơn bởi đó là hành vi và tiếng nói vi tế, kỳ lạ nhất của trái tim. Cho nên người nào đau khổ trong tình yêu mới có thể rút ra những triết lý cho riêng mình. Với tác giả, Tình yêu là một kinh nghiệm buồn:
Thôi em cảm tạ chờ mong
Ngày anh đi hái phù dung chưa về
Ðêm qua hương đã tàn mê
Mày ai còn dấu trăng thề như in

(Ðêm qua)
CÂU THƠ ĐẸP NHƯ LỜI KINH SÁM HỐI.  MỘT NƠI XA NÀO ĐÓ, CÓ MỘT NGƯỜI CON GÁI CHỜ ĐỢI THỦY CHUNG, còn anh thì mãi mê với một loài hoa bất chợt đổi thay. Nhưng em có biết đâu, nơi này, trong những giấc mơ hồng, bóng em vẫn "chờn chợ" bên anh: này môi, này mắt, này trăng.
Chính bằng kinh nghiệm ấy mà thơ tình Hoàng Phủ Ngọc Tường tuy buồn nhưng vời vợi, mang vẻ đẹp lung linh, tình sử. Nỗi đau, hạnh phúc trên kỷ niệm giận hờn của anh cũng lạ và xúc động biết bao.
Trên kỷ niệm giận hờn
Có ngôi sao chiều tím
Là môi em cúi xuống
Trên mình anh vết thương

(Bài ca sao)
"Dạ khúc"là một tình sử buồn diễn tả bằng ngôn ngữ bi kịch. Khi nụ hôn nồng nàn vừa trao cũng là khi nỗi đau đọan trường."Ngọt ngào như trái nho tươi"bắt đầu từ đấy. Và còn đây những điệp khúc ngân vang, kéo dài như những lời tự vấn trong đêm.
Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh
Ðể có một buổi chiều, trong căn phòng đầy bóng tối- "Anh lặng thầm như là cái bóng- Hoa tàn một mình mà em không hay"
Nếu trước đây Tản Ðà tự nói về mình một cách trần trụi của một con người thích tận hưởng và xê dịch thì ngày nay Hòang Phủ Ngọc Tường lại nói về mình một cách tâm linh, quặn thắt qua nét vẽ bằng thơ.

Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi một tiếng mơ hồ
Bàn tay em vỗ bên bờ hư không
Vẽ tôi một đóa bông hồng
Tàn phai từ bữa em cầm trên tay
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt, một đời phù du.

(Vẽ tôi)
Ngay cả nơi ở của mình, anh cũng có cách liên tưởng bất ngờ độc đáo:" Nhà tôi ở phố Ðạm Tiên". Nơi đó, có mùi hương của cỏ hoa kết thành nỗi sầu huyền thoại. và có một chàng lãng tử lang thang mơ mộng, rồi nằm ngủ dưới trăng mơ thấy một nàng tiên nữ từ chốn vĩnh hằng nhìn mình nhưng không bao giờ hạnh ngộ. Giấc mơ ấy đã thành hiện thực cô đơn, chỉ còn lại thi nhân ,mang nỗi buồn thượng cổ qua hình ảnh hao gầy của ngọn nến hồng đang tan từng giọt giấc mơ.
Tôi còn ngọn nến hao gầy
Chảy như nước mắt từ ngày sơ sinh
Tôi xin em chút lòng thành
Cài lên một phiến u tình làm hoa. 

(Ðịa chỉ buồn)
Với thơ, anh quan niệm: Mỗi người chỉ thực sự là chính mình trong căn nhà của mình. Thơ cũng vậy. Thơ cần phải trở về căn- nhà- ở-đời của nó là nỗi buồn. Một quyền của thi sĩ là quyền được buồn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường hay lo âu về cái chết (thực chất cũng là nỗi buồn) trong tương quan với sự sống. Ðó cũng chính là kiểu tư duy triết học. Bằng vốn triết học, văn học, sử học của mình, anh đã triết luận về những vấn đề trên một cách sâu sắc.
Khi chia tay người yêu, mang nỗi buồn thân phận nên hoa của hồn thi sĩ cũng tàn trong phút chốc, không còn ai để khóc và "Anh chết một mình trong đêm qua".
"Nói với bóng mình trên vách" cũng là cách nghĩ suy về cái chết - sự kết thúc một vòng "luân hồi", nhưng vẫn mang theo hơi ấm của sự sống, của khát vọng đời người.
Món quà tặng sau cùng đời dành cho anh
Là nắm đất ủ hơi bàn tay bè bạn
Sẽ gởi theo anh.
Trước cái vô thường của tạo hóa, sự sống vẫn cao hơn cái chết
Ôi! Cuộc sống đáng quý biết bao nhiêu!
Nhưng rồi, đời người ai cũng về với cỏ, điều đáng sợ nhất là khi từ giã cõi đời "Không còn lại gì trong những người khác". Ðó là thơ có ích, thơ cuộc đời.
Nỗi buồn trong thơ Hòang Phủ Ngọc Tường mang màu sắc Ðông Phương, gần gũi với con người hiện đại, được thể hiện bằng ngôn ngữ trữ tình, trang nhã. Vì vậy, sức bật của câu chữ, nét vang ngân, huyền ảo của âm nhạc, hội họa cứ hiện lên một cách quyến rũ.
Thiên nhiên trong thơ anh luôn xuất hiện như một niềm ân huệ.. Nỗi buồn không tìm đến thiên nhiên, để bằng ngôn ngữ của thiên nhiên mà thanh lọc và tiếp tục mơ mộng thì nỗi buồn sẽ không đủ sức đi tiếp cuộc hành trình đau khổ của nó. Hoàng Phủ Ngọc Tường ý thức sâu sắc về điều này. Anh biết ơn từ cánh phù dung đến sương mù, cỏ lau; từ cánh hồng, bông violet nhỏ đến hoa sầu đông là những niềm vui mong manh, bé nhỏ dễ bị bỏ rơi.Ðồng thời anh cũng biết ơn những cái vĩnh hằng cao rộng như bầu trời, vầng trăng, ngọn lửa, vì sao... là những vẻ đẹp hướng thượng bền vững, rạo rực có khả năng thanh lọc và làm cao sang nỗi buồn.
Thưa rằng người đã quên tôi
Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may
 Khát vọng tự do của anh cũng khác. Ðó là khi đã đi kết cuộc kiếm tìm và thực hiện lời nguyền dâng hiến.
Tôi trở về tìm trong hương cỏ
Dịu dàng một chút bình yên
Tự do nhiều khi là im lặng
Ðể đừng nghe ai gọi tên

(Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi)
Hòang Phủ Ngọc Tường luôn quan niệm cái hiện sinh của con người là chính ở vốn ký ức trong tâm hồn mình qua từng niềm vui, nỗi buồn gắn với những hoàn cảnh và quan hệ cụ thể; trong đó có sự tự do lực chọn của chính mình. Cho nên triết lý về nỗi buồn trong thơ anh mang nỗi đau và khát vọng đời thường, đánh thức ở người đọc những đồng cảm, suy tư thâm trầm sâu sắc. Với Hòang Phủ Ngọc Tường, tự do của thơ, cũng chính là của bản thân anh là nỗi buồn. Thơ anh, vì vậy đầy tính triết lý, hấp dẫn người đọc ở bề sâu, ở sự trang trọng, quý phái. Thể thơ lục bát, năm chữ, sáu chữ, tám chữ... mà anh ưu tiên thể hiện là một sự chọn lựa. Nó phù hợp với nội tâm và ý tưởng mà anh cần diễn đạt. Chất trữ tình truyền thống, chất hoài niệm, chất thâm trầm, cũng như chất hoành tráng trong thơ Hoàng  Phủ Ngọc Tường chính là đặc điểm của các thể thơ trên. Riêng lục bát, anh đã đem lại sự hấp dẫn mới ở chất quý phái mà hiện đại của nó. Trong thơ anh đã phát huy tính nhạc một cách triệt để qua việc sử dụng thể loại, để từ đó, anh thể hiện tài gieo vần và tạo tiết tấu, phù hợp với chát thơ buồn của anh.
Với tập Người hái phù dung, Hoàng Phủ Ngọc Tường tự tạo cho mình một danh hiệu mới: Nhà thơ của Nỗi buồn.

Theo http://vuhuu.edu.vn/


1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...