Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Cảm nhận "Thơ điên" của Hàn Mặc Tử

Cảm nhận "Thơ điên" của Hàn Mặc Tử
“Máu đã khô rồi, thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ”.

Trong thơ ca hiện đại Việt Nam, hiếm có nhà thơ nào lại cất lên những vần thơ rên xiết, đau thương và quằn quại như thế. Những vần thơ như “là tiếng kêu rỏ máu của con chim sắp lìa trần, là tiếng nói của những hụt hẫn, tan hoang, là tiếng nói của một thân phận bị dồn đẩy vào miệng vực của cái chết…”. Nhưng có ai biết được, đằng sau tất cả những thứ ấy là một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người và ham sống mãnh liệt, một tâm hồn đang “chới với bên miệng vực mà vẫn nhìn đời, níu đời” chứ không muốn bất lực buông xuôi. Đó chỉ có thể là Hàn Mặc Tử- người đã tạo ra “một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, xa lạ với đời thực” nhưng tràn đầy tình cảm thiết tha. Vì thế mà có ý kiến cho rằng “thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thơ cất lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”.
Cuộc đời Hàn Mặc Tử vốn là một chuỗi ngày dài bi thương và đầy đau khổ. Ông sinh ra ở Quảng Bình nhưng lớn lên cùng mẹ tại Quy Nhơn (Bình Định). Trước khi làm thơ, ông từng có thời gian làm công chức ở Sở Đạc điền Bình Định và làm báo tại Sài Gòn. Vốn là một người hào hoa lãng mạn, Hàn Mặc Tử đã trải qua rất nhiều mối tình với những cô gái xinh đẹp như Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương,.. (cả mối tình đơn phương với Hoàng Thị Kim Cúc). Nhưng cuối cùng, Hàn Mặc Tử lại quay về với sự cô đơn. Năm 1936, ông mắc bệnh phong, phải quay về Quy Nhơn chữa bệnh. Theo một số tài liệu, trong thời gian này, bên cạnh Hàn Mặc Tử chỉ có Mai Đình- một cô gái tuy không mặn mà nhan sắc nhưng rất yêu thương Hàn Mặc Tử, (thậm chí là ngay những ngày mà Hàn Mặc Tử còn ở Quy Nhơn với cái tên Nguyễn Trọng Trí). Khó trách sao trong thơ Hàn Mặc Tử, mọi thứ đều vô cùng bi thương và đau đớn. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chính cuộc đời đầy sóng gió- đặc biệt là chuỗi ngày tàn tại Quy Nhơn đã ảnh hưởng rất lớn đến hồn thơ của thi sĩ Hàn.

Hàn Mặc Tử có rất nhiều tập thơ, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến tập “Thơ Điên” (1938) (về sau đổi thành “Đau thương”). Ngay trong chính tựa đề, chúng ta đã có thể nhận ra ít nhiều nội dung của nó, đó là những vần thơ rớm máu, có phần “điên” loạn và đậm nỗi “đau thương”. Và cái gọi là “cất lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống” cũng thể hiệ rất rõ trong tập thơ này.
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da
(...) Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mỏng manh”.

(Rướm máu)
“Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?”.

(Những giọt lệ)
Thơ Hàn Mặc Tử gần như lúc nào cũng ngập tràn trong “máu, huyết”. Mỗi lời thơ dường như là một tiếng rên rỉ khóc than. Nó làm cho người ta cảm thấy như sự rùng rợn, sợ hãi, tang thương đang bao trùm lên tất cả. Đúng là “tiếng thơ cất lên từ sự hủy diệt”, hoàn toàn không có một chút gì là sự sống tồn tại ở đây. “Ngất ngư trong vũng huyết”, “chết đi”, “mặt nhật tan thành máu”, Hàn Mặc Tử đang vướng vào ttrong nỗi ám ảnh của cái chết, của lưỡi hái tử thần đang rình rập quanh mình. Có lẽ trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, tất cả mọi thứ trong mắt nhà thơ đều đang quay cuồng và đang dần bị hủy diệt một cách khủng khiếp như chính cuộc sống bây giờ của ông. Đang độ phơi phới của tuổi xuân tươi trẻ, Hàn Mặc Tử phải đối diện với nỗi khủng khiếp của căn bệnh quái ác, bị mọi người xa lánh, lãng quên. Một thi sĩ lừng danh của ngày nào giờ chỉ là một người tàn phế. Đâu rồi những mối tình thơ mộng, đâu rồi những con người gần gũi, thương yêu!? Tất cả giờ đã “gió theo lối gió, mây đường mây” để Hàn Mặc Tử rơi vào cảnh ngộ bi quan, hụt hẫn.
“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
(Những giọt lệ)
“Ta trút linh hồn giữa phút đây
Gió sầu vô hạn núi trăm cây
_Còn em sao chẳng hay gì cả?
Xin để tang anh đến vạn ngày”.
(Trút linh hồn)
“…Nhớ thương còn một nắm xương thôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan”.
(Muôn năm sầu thảm)
Rõ ràng Hàn mặc Tử vẫn còn luyến tiếc, vẫn còn một tâm hồn tha thiết “lòng thương chưa đã…”. Nhưng sự cô đơn hủy diệt trong lòng vì “họ đã xa rồi khôn níu lại” đã đẩy ông vào trạng thái mơ hồ đến hoang tưởng, cuồng điên. Ông dường như cảm thấy nghi ngờ về sự tồn tại của chính mình trên cõi đời này nên đã không ít lần tự hỏi, tự buồn.
“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”.
(Những giọt lệ)
“Ai lẳng lặng đi trên làn nước
Với lại ai ngồi khít cạnh tôi
Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng
Một vũng cô liêu cũ vạn đời”.
(Cô liêu)
Hàn Mặc Tử cảm thấy mình bị lạc lõng “dưới trời sâu” không đáy, bị rơi vào “vũng cô liêu” bùn ngập chẳng lối ra. Những hình ảnh mờ ảo “ai lẳng lặng đi trên làn nước” hay “áo em trắng quá nhìn không ra” càng làm tăng thêm sự rùng rợn hủy diệt tâm hồn. Hàn Mặc Tử đang sống giữa hai thế giới : thực ảo lẫn lộn. Thân xác ông tuy vẫn ở trần thế nhưng tâm hồn ông dường như đang chìm vào một cõi lạ vô hình. Bước đầu có vẻ như thật sự đây đã là “tiếng thơ” của “hủy diệt”, không còn gì để níu lại sự sống, làm cho nó hồi sinh và bừng tỉnh.
Nhưng không! Cho dù có đau đớn thế nào thì Hàn Mặc Tử vãn còn giữ trong lòng mình một tình yêu đời, yêu người tha thiết, một sự ham sống mãnh liệt, dâng trào. Ông vẫn giữ trong lòng những hình ảnh đẹp tươi, trong sáng như gợi đến cảm giác sự sống vẫn còn tồn tại và bản thân ông vẫn đang từng giờ từng khắc hướng về nó.
“Tôi còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một thời”.
(Trút linh hồn)
Hàn Mặc Tử khẳng định “tôi còn trìu mến” với con người, mặc dù trước đó ông đã từng có lần bảo Mai Đình “hãy đòn hồn anh” một cách đầy tuyệt vọng.
“Kéo mền ủ kín toàn thân lại
Để thả hồn bay gửi mộng về”.
Rõ ràng tình yêu cuộc sống vẫn có sức mạnh để níu kéo một tâm hồn tuyệt vọng. Hàn Mặc Tử vẫn hướng về một khoảng trời tươi đẹp tràn ngập sinh khí.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
(Đây thôn Vĩ Dạ)
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi”.
(Mùa xuân chín)
“Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
(...) Trăng mới là trăng của Rạng Ngời”.
(Trăng Vàng Trăng Ngọc)
Cuộc sống vẫn rất đẹp, sự sống vẫn đang sinh sôi cùng cỏ xanh, trăng sáng. Trong ngập tràn đau khổ, bi thương của “thơ điên” vẫn le lói chút ánh sáng rạng ngời hướng về sự sống, hướng về tình yêu: yêu đời và yêu người. Bởi lẽ “tuyệt vọng có thể chấm dứt hi vọng nhưng không chấm dứt được tình yêu. Tình yêu ở Hàn Mặc Tử càng mãnh liệt, càng tuyệt vọng, càng tuyệt vọng, càng mãnh liệt. Và như một nghịch lý khó hiểu, tình yêu tuyệt vọng đã trở thành một cách thể yêu đời của Hàn Mặc Tử”.
“Dẫu đau đớn vì lời phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm điều
Trăm năm vẫn một tình yêu
Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi”.
(Muôn năm sầu thảm)
“Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng”.
(Phan thiết! Phan thiết)
Có thể nói thơ Hàn Mặc Tử là một điểm nhấn rất ấn tượng trong phong trào Thơ mới Việt Nam về cả nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, Hàn Mặc Tử không giống như Xuân diệu- “một hồn thơ rạo rực băn khoăn” với giọng thơ sôi nổi đắm say yêu đời thắm thiết, không giống như Nguyễn Bính là “thi sĩ của đồng quê” với tình yêu đằm thắm, thiết tha và cũng không giống như Huy Cận buồn man mác trước cuộc đời “thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Hàn Mặct Tử là trong thơ có thực có ảo, lúc điên lúc tỉnh, lấy cái đau thương hủy diệt bao trùm để gợi lên nỗi khát khao mãnh liệt là tình yêu cuộc sống và con người. Bao giờ ông cũng đặt tên cho thơ mình bằng những cụm từ thê thiết “rướm máu”, “trút linh hồn”, “muôn năm sầu thảm”, “cô liêu”,… như muốn nhấn mạnh nỗi đau đồng thời cũng muốn khẳng định rằng: đây là tiếng thơ cất lên từ một con người đang bị hủy diệt dần sự sống nhưng vẫn thiết tha hướng về sự sống một cách mãnh liệt. Về nghệ thuật, thơ Hàn Mặc Tử là tập hợp của rất nhiều hình ảnh sáng tạo, kì bí: “bến sông trăng”, “vũng cô liêu,…” có sức gợi tả tuyệt vời. Bên cạnh đó là bút pháp nghệ thuật nhân cách hóa làm cho mọi thứ vừa trở nên xa lạ lại vừa rất mộng mơ.
“Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi”.
“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.
“Thét chòm sao hoảng rơi vào đáy giếng”.
Đặc biệt Hàn Mặc Tử rất hay dùng những câu hỏi tu từ với đại từ “Ai” không xác định. Hỏi cho có hỏi chứ không cần “ai” phải trả lời.
“Ai biết tình ai có đậm đà?”.
“Ai lẳng lặng đi trên làn nước?”.
“Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?”.
Và điểm đặc biệt nhất giúp phân biệt thơ Hàn với những nhà thơ khác đó là sự đan xen tài tình giữa thực và ảo. Nếu Tản Đà thoát mình ra khỏi thế giới trần tục một cách dứt khoát “Trần thế em nay chán nữa rồi” (Muốn làm thằng Cuội) thì Hàn Mặc Tử lại vướng vào trạng thái luyến tiếc, vừa muốn ra đi lại vừa muốn ở lại “Ta còn trìu mến biết bao người…/Đây giờ hấp hối sắp chia phôi”. Mơ mà thực, thực mà vẫn mơ, đó mới là Hàn Mặc Tử.
Những vần thơ của Hàn Mặc Tử có thể xem là tiếng kêu cứu thảm thiết của một con người tuyệt vọng nhưng vẫn muốn níu đời. Nó đã gieo vào lòng người đọc một cảm xúc bâng khuâng khó tả và mang lại cho chúng ta một triết lý lạc quan sâu sắc: hãy biết yêu cuộc sống ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Như chính nhà thơ “cất lên tiếng thơ từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”.Có lẽ vì thế mà những vần thơ này dù chỉ diễn tả riêng tâm trạng của một con người Hàn Mặc Tử nhưng lại tạo được sự cộng hưởng lâu bền trong tâm hồn bạn đọc.
ĐẶNG HỒNG THẮM
 Theo http://tapchivan.com/



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...