Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Một bài thơ giản dị mà cảm động

Một bài thơ giản dị mà cảm động 
Trong tập "Thơ tình tặng vợ", Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2000, trang 83 có bài "Thương em" của Bùi văn Ðiền. Tôi gặp tên anh lần đầu, đọc thơ anh lần đầu. Bài thơ giản dị mà cảm động:
Thương em
Chiều vàng như mắt ai mong
Thức ăn cháy chợ, chiều đông nghịt người
Ðây thịt nạc- đây cá tươi
Dửng dưng giữa tiếng chào mời lao xao
Tháng ngày ai hiểu cho đâu
Nay lo giá mắc mai sầu muộn lương
Ngổn ngang trăm việc đời thường
Thế mà chín nhớ, mười thương vẫn nồng
Anh từng đánh Bắc, dẹp Ðông
Nay về nghỉ phép làm chồng bên em
Vụng về nấu một nồi cơm
Nửa khê, nửa nhão- lửa chờm rát tay
Nếu không làm vợ một ngày
Thì sao thấu hiểu đắng cay ngậm ngùi
Chỉ mong mưa bão trên đời
Ðừng gay gắt- kẻo hoa tươi chóng tàn
Tác giả không làm thơ mà quan sát cuộc sống, nêu lên những nhận xét về vợ mình- người quản lý gia đình, lo sao cho đầu tháng- cuối tháng không thiếu hụt. Lo gia đình một ngày, anh đã thấu hiểu cái lo một đời của vợ bằng tình cảm yêu mến và biết ơn:
Chiều vàng như mắt ai mong
Thức ăn cháy chợ, chiều đông nghịt người
Ðây thịt nạc, đây cá tươi
Dửng dưng giữa tiếng chào mời lao xao

Cũng biết là những thức ngon đấy nhưng đây dửng dưng chẳng thiết (mà có thiết cũng chẳng được) vì đây bị bệnh ... viêm màng túi (!)- nói nôm na là ít tiền!.
Từ thực tế cuộc sống, anh hiểu và thương vợ lắm:
Tháng ngày ai hiểu cho đâu
Nay lo giá mắc mai sầu muộn lương
Ngổn ngang trăm việc đời thường
Thế mà chín nhớ, mười thương vẫn nồng
Chữ "ai" đây rất tế nhị, chủ yếu là muốn nói chồng con- nhất là chồng, sợ người chồng không hiểu cho những khó khăn của mình như: giá mắc (mắc là đắt- tiếng miền Nam), muộn lương. Người chồng tử tế ở đây đi chợ một lần là hiểu đơn hiểu kép: vừa hiểu vợ phải vượt qua những khó khăn như thế vừa hiểu vợ lo chồng không cảm thông. Không những quá cảm thông, anh còn khen ngợi, biểu dương nữa:
Ngổn ngang trăm việc đời thường
Thế mà chín nhớ, mười thương vẫn nồng
Cứ như bài thơ nói lên thì người chồng ở đây là người lính vì "Anh từng đánh Bắc dẹp Ðông! Nay về nghỉ phép làm chồng bên em". Anh thú nhận:
Vụng về nấu một nồi cơm
Nửa cơm, nửa nhão- lửa chờm rát tay
Tác giả hư cấu chi tiết này để đề cao vai trò người vợ trong gia đình, nhưng đề cao phía này thì hạ thấp phía kia: bất kỳ anh đàn ông nào cũng có thể vụng về như thế nhưng dứt khoát không phải là người lính- bộ đội Cụ Hồ- nhất là anh lính đã  từng "đánh Bắc, dẹp Ðông"!
Ðây là điểm bộc lộ bản lĩnh nghệ thuật thơ ca của tác giả chưa đến độ cao cường!
Bốn câu cuối bài chân thật và nhân hậu:
Nếu không làm vợ một ngày
Thì sao thấu hiểu đắng cay ngậm ngùi
Chỉ mong mưa bão trên đời
Ðừng gay gắt- kẻo hoa tươi chóng tàn!
Bài thơ được viết ra từ một tâm thế đầy chất liệu đời sống, đầy suy tư tình cảm, không có những câu thật đặc sắc. Mộc mạc, giản dị nhưng có tình và cảm động.
Bạn đọc- nhất là những người ở phái đẹp- có thể tha thứ cho tác giả ở cách cấu tạo bài thơ đơn giản, châm chước cho đôi chỗ vụng về về ý hoặc vần chưa thật chỉnh mà tiếp nhận một cách trân trọng tấm lòng của người viết đã hiểu hết, cảm thông nên càng yêu thương người bạn đời vất vả của mình.
Nguyễn Bùi Vợi
Theo http://vuhuu.edu.vn/



1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...