Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

“Khúc mê tình”- Nỗi niềm trăn trở và day dứt trong tình yêu

“Khúc mê tình”- Nỗi niềm trăn trở 
và day dứt trong tình yêu
Khúc mê tình là tập thơ thứ 2 của nhà thơ Trần Bình. Đứa con tinh thần này ra đời đúng 6 năm khi đứa con thứ nhất Chiêm bái quê nhà (2010) ra mắt công chúng.
Với sự kiện ra mắt tập thơ Chiêm bái quê nhà một cách đặc biệt của anh, người ta lại biết nhiều đến một nhân vật, một nhà thơ Trần Bình người Gio Linh, Quảng Trị. Phải chăng anh là một trong số ít những nhà thơ “hạnh phúc” nhất, vì có một người vợ luôn bên cạnh và ủng hộ anh cả về mặt vật chất lẫn tinh thần; để cho những đứa con thơ được thai nghén và ra đời lành lặn, không bị cản trở bởi bất cứ điều gì. Tôi còn nhớ vào năm 2014, trong một lần ra mắt sách của một bạn thơ ở Đà Nẵng, vì yêu thơ mà một thân một mình anh chạy xe máy từ Quảng Trị vào để dự. Lần đầu gặp Trần Bình, tôi đã nhận ra đây là một nhà thơ thuần khiết chân quê: một con người bỗ bã, dễ gần, có chút gì đấy phong trần, gió bụi… Nên đọc thơ anh, dù viết về đề tài gì bao giờ chất quê, hồn quê, tình quê, phong thái, cốt cách con người anh cũng ẩn tàng trong đó.
Cả tập Khúc mê tình gồm 54 bài, ở đó là những cung bậc cảm xúc, nỗi niềm trắc ẩn về con người, tình yêu và sự sống; những day dứt trăn trở về kiếp người, cõi người. Người đọc dễ nhận thấy Khúc mê tình là tập thơ chủ yếu viết về tình yêu. Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, đậm nghĩa tình với những nơi anh đã đặt dấu chân mình đến đó, và cả những người thân yêu, bè bạn của mình được bộc lộ qua những dòng thơ da diết, thấm thía, chân thành, giản dị, xúc động và tràn đầy yêu thương. Ở đó, thể hiện được nhiều cung bậc, thanh âm, những trắc trở, chông chênh trong tình yêu, những hoài nghi, trăn trở trước cuộc sống. Mọi thứ được anh thể hiện dưới cái nhìn, bằng cách viết của một người đã có nhiều trải nghiệm, những va đập trước cuộc đời.
Người ta tìm thấy ở thơ Trần Bình nỗi ám ảnh, dằn vặt và sự cô đơn. Cái buồn và cô đơn của kiếp người. Những được - mất, sự hẫng hụt trong tình yêu lứa đôi và cả những hoài vọng, mơ ước, đợi chờ của một trái tim đa cảm. Đó là những cuộc tình không trọn vẹn, sự dang dở, nỗi chờ đợi, nhớ mong của nhân vật trữ tình với tấm lòng chân thành, hồn hậu.
Viết về người phụ nữ có số phận không may, “hồng nhan” nhưng “bạc phận”, để rồi phải làm người mẹ, người vợ đơn thân gối chiếc, phải ngậm ngùi trong tiếng nấc cô đơn:
Hồng nhan chi lắm em ơi/ Đau duyên chồng vợ cái lời trước sau/ Nát lòng những chuyện bể dâu/ Đơn thân gối lệch chăn nhàu thế a?
Em là mẹ lại là cha/ Xô nghiêng tứ phía, lệch pha dấu tình/ Rỗng mùa dốc cạn bình sinh/ Lời ru đi với một mình nhớ quên ?
(Thơ giữa phố mưa)
Vốn là người giàu tình cảm, Trần Bình đã rưng rưng xúc động và bật ra những câu thơ man mác nỗi niềm khi đọc Cầm mưa của nhà thơ Thy Nguyên - một người bạn thơ trên thành phố hoa phượng đỏ:
Hạt mưa cầm được sao em/ Phố đông người thế lạ quen một ngày.../ Giọt buồn đẫm giấc mơ phai/ Đêm ướt lạnh một hình hài chông chênh/ Giấu tình qua thoáng mong manh/ Đem cô đơn để dỗ dành tự tin
Với anh, người phụ nữ chính là những người cần được yêu thương và phải được yêu thương nhiều nhất vì ở họ có nhiều cái đáng yêu và đáng trân trọng. Họ phải gánh vác và lo toan mọi thứ, phải chịu nhiều thua thiệt hơn so với người đàn ông. Cho nên trong thơ anh, hình ảnh của em - người nữ được anh nói đến nhiều. Có lúc “anh” cũng yêu đơn phương và trách móc “em” nhưng tình yêu đó nó sáng trong, bình dị lắm, chỉ là sự tiếc nuối, bẽ bàng…
Anh lướt phím và ước ao…/ Chỉ đêm qua thôi/ Giá như…
Sáng nay anh xuống núi/ Câu thơ bỏ lửng một giai điệu buồn/ Chút tơ vương/ Mỏng tựa sương…!
Trong anh lập trình nỗi nhớ/ Cứ là em…/ Cứ là em…
(Cứ là em)
Cả tập thơ tràn ngập nỗi niềm khắc khoải nhớ thương, là câu chuyện tình yêu lỡ nhịp không thành. Để rồi lúc nào anh cũng đau đáu về nó, cũng là dịp để anh bộc bạch, giãi bày tất cả những nỗi niềm sâu kín của lòng mình:
Em về lạc phía thời gian/ Đắng dòng cảm xúc, mờ tan bóng chiều/ Ngập ngừng tôi nói lời yêu/ Lại ngập ngừng với bao điều trở trăn…
Và anh cũng hiểu ra rằng:
Thế thôi, thôi thế cũng đành/ Phận người khép mở, rách lành còn trang/ Ta chia nhau chút đa mang/ Một thương yêu, một dở dang, một đời…
Thế nên, nhà thơ đành chấp nhận một sự thật như là sự an bài của số phận:
Thôi thì em, thôi thì tôi/ Tang bồng nợ chút duyên bôi lỡ làng…/ Luyến lưu thêm sự bẽ bàng/ Ta về ôm một bóng trăng lẻ tình
(Tôi ngồi uống cạn câu thơ)
Cái cô đơn của Trần Bình là cái cô đơn trước sự xa vắng của thời gian, cái mênh mông của không gian. Anh cảm thấy xa xót, bẽ bàng trước hiện tại:
Trách nhau chi chút vô tình/ Buồn dưng se sắt ánh nhìn lẳng lơ…/ Em giờ không của ngày xưa/ Ta giờ không của, đợi chờ nhớ nhung…
Biết là em chẳng còn mong/ Biết là em đã theo chồng đi xa/ Biết là ta chẳng còn ta/ Biết rằng thế... vẫn cứ là thẳm sâu
Ta giờ tóc trắng mái đầu/ Truân chuyên sương gió dãi dầu gió sương/ Chạnh lòng tìm bến vô thường/ Những mong trở lại con đường thân quen
(Tìm về)
Điều đặc biệt người đọc dễ nhận thấy trong Khúc mê tình là tấm lòng, là tình cảm, là những ân nghĩa, sẻ chia mà Trần Bình dành cho người vợ. Một người phụ nữ đã cùng anh vượt qua những gian nan, vất vả; người đã đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh; thông cảm và hiểu anh, yêu thương anh hơn bao giờ hết. Để rồi anh cảm thấy mình như là món nợ đời của vợ, và món nợ ấy mang theo suốt cả cuộc đời:
Câu thơ nợ với ngàn sau/ Em - tôi/ nợ với dãi dầu tháng năm/ Nợ qua nghèo cực gian nan/ Nợ hôm nay những nhọc nhằn niềm vui.
Nợ thời hạt gạo cắn đôi/ Nợ hai con nhỏ cái thời cách chia/ Nợ ngày ta phải ra đi/ Nợ con phố chật những khi nghẹn lòng.
Trần Bình vốn là một người yêu thơ và mê thơ, nếu vợ anh không cảm thông, ủng hộ và “chiều” theo ý chồng thì có lẽ anh sẽ khó đến với sân chơi thơ. May thay, anh có người vợ quá tuyệt vời. Do vậy, Trần Bình nhận thức sâu sắc rằng:
Trời bắt làm kẻ lơ ngơ/ Một đời tôi nợ bao giờ trả xong/ Làm sao trả được trắng trong/ Em không vương nợ đèo bồng vì tôi
(Nợ)
Thơ Trần Bình thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng. Hầu như các bài thơ của anh đều bắt nguồn từ một cảm xúc nào đó. Anh làm thơ một cách tự nhiên, đó như là sự trải lòng, cảm xúc thế nào nói ra thế ấy, khi cảm xúc dâng lên nó trào ra ngọn bút. Những bài thơ: Chờ đợi, Nợ, Nửa đêm chợt thức, Khúc tự tình bên dòng sông, Khúc mê tình, Dắt nhau qua ngày đầu năm, Trói buộc, Điều em không biết, Tôi ngồi uống cạn câu thơ... chắc hẳn đã ra đời trong những giây phút mà tâm hồn anh dạt dào những nỗi niềm trắc ẩn. Bởi kết cấu trên cơ sở những biểu hiện của cảm xúc nên mạch thơ Trần Bình trôi chảy rất tự nhiên, tất cả những khía cạnh tâm hồn được phơi bày, thổ lộ ra hết theo dòng suy nghĩ của nhà thơ.
Có lẽ cũng vì lý do ấy mà bên cạnh những bài thơ hay còn có những bài, những câu chưa thật sự hay và ấn tượng. Nhưng nhìn chung đây là tập thơ đáng để đọc. Tôi tin, với một người yêu thơ, tâm huyết và nặng nợ với văn chương như Trần Bình thì con đường thơ sẽ còn rộng mở với anh.
Nguyễn Văn Hòa
Theo http://vanhocquenha.vn/





1 nhận xét:

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...